Cãi Gì Cũng Thắng - Chương 12
Lập luận cái mới (Novitam, argumentum ad)
Thật sai lầm khi cho rằng lâu đời hơn có nghĩa là đúng, cũng thật ngụy biện khi cho rằng, cái gì đó tốt hơn chỉ đơn thuần vì nó mới hơn. Lập luận cái mới sai lầm khi cho rằng, tính chất mới mẻ của một thứ gì đó là nhân tố cấu thành tính hợp lý. Nếu bạn nghe ai đó ủng hộ một cái gì bởi vì nó mới, thì nghĩa là bạn đang nghe Lập luận cái mới.
Những tòa nhà mới này sắp hoàn thành rồi. Chúng ta cũng nên xây cho mình vài tòa nhà như thế.
(Tính mới mẻ không ngăn chúng tàn phá cảnh quan của thành phố hay cuộc sống của những người ở nhà thuê.)
Vài người ngạc nhiên khi biết rằng cả tính mới mẻ và xưa cũ đều có thể được sử dụng một cách đầy ngụy biện để ủng hộ cho một luận điểm. Thực chất thì chúng gợi lên những tính cách đối lập trong chúng ta. Chúng ta muốn sự an toàn từ những gì mang tính truyền thống, đồng thời cũng muốn cập nhật cái mới cho hợp thời. Cả hai mong muốn trên đều có thể trở thành những ngụy biện, nếu chúng ta cố gắng biến chúng thành những lập luận, dựa trên tính mới hay cũ của tự thân chúng. Cũng giống với bản sao đối chiếu Ngụy biện lối mòn, Lập luận cái mới đưa vào yếu tố tuổi đời của một luận điểm như một cách thức khiến nó được chấp nhận. Vì thực tế là, tính mới mẻ không chi phối sự đúng, do đó gợi lên mối quan hệ này là một cách lập luận ngụy biện.
Có thời gian Lập luận cái mới được đón nhận nồng nhiệt bởi những nhà cải cách cũng như người anh em của nó, Ngụy biện lối mòn được những người bảo thủ đón nhận. Đó là những ngày xây dựng một thế giới mới hào nhoáng. Tuy nhiên, thời thế thay đổi và Lập luận cái mới giờ đang xây dựng chỗ đứng của nó ở ngôi nhà của những người bảo thủ. Ngụy biện này hiện đang thoải mái ổn định vị trí của mình giữa những lời kêu gọi bài trừ “những phương thức cũ đã lỗi thời” và “tìm kiếm những gì thực sự phù hợp với thế kỷ XXI”. Trong lúc đó, Ngụy biện lối mòn lại khá khổ sở bởi khi đó mọi người nhìn lại những tiến bộ có được từ những ngày tươi đẹp trước kia của cải cách xã hội.
Những tay quảng cáo sử dụng từ “mới mẻ” như một phản xạ từ rất lâu rồi. Giả định rằng công chúng đánh đồng sản phẩm mới với tiến bộ mới, mọi thứ từ bột giặt đến kem đánh răng đều là “mới, được cải tiến”. Ngũ cốc dành cho bữa sáng luôn luôn mới, với những cải tiến chính dạng như tăng hàm lượng giấy gói hộp ngũ cốc. Sau đó là làn sóng mạnh mẽ trong thế giới quảng cáo diễn ra khi ngũ cốc bắt đầu xuất hiện trong một phong cách cũ xưa. Trong những chiếc túi màu nâu nhạt, những tay quảng cáo cam đoan chất lượng như xưa, và nhanh chóng có được doanh thu. Cuộc tấn công táo bạo của Ngụy biện lối mòn đã đẩy lùi Lập luận cái mới. Tất cả những sản phẩm xuất hiện sau đó đều theo phong cách cũ. Với khẩu hiệu “Như đã từng”, cùng những cảnh tẻ ngắt, những bức tranh cũ rích trên bao bì. Ở nước Anh, bánh mì Hovis thay vì được làm mới và cải tiến, đưa ra mẫu quảng cáo màu nâu đỏ giản đơn mang tính đồng quê thanh tịnh.
Cả hai ngụy biện này đều có một sức hút khó cưỡng, nhưng Lập luận cái mới có vẻ đã đi quá xa. Giờ đây giữa hai ngụy biện này đã tồn tại một sự cân bằng. Cậu bé miền quê mộc mạc giờ khoác lên mình những trang phục trông như quần áo của phi hành gia, trong khi những người lớn lên trong những ngôi nhà ở Glassgow giờ đây nhìn lại ký ức thơ ấu hoàn toàn giả tạo của mình với những hương vị tươi mát của vùng quê cùng hình ảnh những quả trứng gà nâu tươi.
Khi sử dụng lập luận cái mới, nên nhớ rằng hai ngụy biện này mâu thuẫn nhau do đó nên thu hẹp lập luận cái mới của bạn sao cho ngụy biện lối mòn không được đón nhận. Bạn không thể ủng hộ tính mới mẻ của nhà cửa bởi vì mọi người thích cái cũ hơn. Nhưng bạn lại có thể ủng hộ các học thuyết kinh tế nếu nó mới. Rốt cuộc thì cái cũ có gì tốt chứ?
Cũng như cái mới của bạn trong “lý thuyết kinh tế mới”, những kết luận xã hội và đạo đức của bạn cũng là một phần của những “nhận thức mới”. Thính giả thích được cung cấp những thông tin và cập nhật cái mới hơn bị buộc phải thay đổi tư duy.
Liệu chúng ta nên tiếp tục cách thức tích trữ lợi ích cũ bằng cách cho phép phát triển thương mại ở khu vực đó, hay chúng ta nên tiếp nhận nhận thức mới về nhu cầu xã hội, bằng cách xây một trung tâm cộng đồng hiện đại cho những người thất nghiệp?
(Với lý lẽ như vậy, bạn sẽ dễ dàng chiến thắng. Bạn sẽ có một trung tâm cộng đồng cho những người đang có việc làm từ sự phát triển thương mại.)
Lập luận số đông (Numeram, argumentum ad)
Không ai muốn đưa mình rơi vào thế không chỗ dựa. Rất nhiều người thích cảm giác an toàn khi được hậu thuẫn bởi những số liệu chắc chắn, hay cảm giác rằng ít khả năng nhiều người lại có thể mắc sai lầm. Ngụy biện Lập luận số đông thường sai lầm, khi đánh đồng số lượng ủng hộ một luận điểm với tính đúng đắn của luận điểm đó. Những luận điểm được ủng hộ rộng rãi không nhất thiết sẽ đúng hơn; nhưng Lập luận số đông cho rằng mối quan hệ kia là đúng.
50 triệu người Pháp không thể sai được!
(Nhìn lại lịch sử của quốc gia này sẽ thấy rằng họ thường xuyên sai.)
Ngụy biện này nằm ở thực tế rằng số lượng người ủng hộ không khẳng định hay chối bỏ tính đúng sai của lập luận. Thậm chí, nhiều người tin nhầm vào những thứ rất đơn giản, và những lẽ phải thông thường được chấp nhận rộng rãi không thể bị đánh đồng với tri thức thực tế. Những quan sát đơn giản, chẳng hạn như những hành tinh và những ngôi sao quét ngang bầu trời, có thể là những dấu hiệu chỉ đường không đáng tin cậy cho dù hàng triệu người chứng nhận rằng hiện tượng đó là đúng.
Mọi người đều hút thuốc Whifters, sao anh lại không hút?
(Bởi vì anh ta nghĩ những người hút thuốc đều ngốc.)
Lập luận số đông có thể hướng đến những con số tổng quát, hoặc đôi khi theo một cách kín đáo hơn, hướng đến số lượng của những người mà bạn đánh giá cao. Bạn có thể ấn tượng với tỷ lệ những người nổi tiếng nhất đọc tạp chí Times hơn con số những người ủng hộ đợt giảm giá khủng mỗi ngày ở Anh. Câu hỏi ở đây là liệu con số đó có thêm vào giá trị nào cho lập luận của bạn hay không.
Chúng ta có một tranh luận ở đây về vấn đề liệu Ballasteros đã từng là đội trưởng một đội golf châu Âu hay chưa. Hãy giải quyết vấn đề này theo cách dân chủ.
(Và trước khi chúng ta nhảy ra khỏi một tòa nhà, hãy đảm bảo rằng bạn có đủ số phiếu bầu để bác bỏ luật hấp dẫn.)
Nếu ý tưởng được quyết định bởi số đông, không ý tưởng mới nào sẽ được chấp nhận. Mỗi ý tưởng mới đều bằt đầu với số lượng người ủng hộ nhỏ nhoi, và đạt được sự chấp thuận chỉ khi nó đưa ra những bằng chứng hạ gục quan điểm đang thịnh hành. Nếu số đông là tiêu chuẩn đúng sai, Giordano Bruno đã sai khi nói rằng trái đất xoay quanh mặt trời, còn những nhà cầm quyền đã đúng khi đưa ông này lên giàn hỏa thiêu.
Chúng ta phải cho hắn được xét xử công bằng trước khi bị treo cổ. Tất cả những ai cho rằng hắn đã làm việc ấy, hãy la to “có”.
(Chứng cứ sống động phải không? Nghe có vẻ rất nhất trí.)
Lập luận số đông tạo ra một hàng rào phòng thủ tuyệt vời trước những thái độ đã được thiết lập từ trước.
Nếu điều đó không đúng, tại sao có hàng triệu người tin tưởng vào nó hàng thế kỷ nay?
(Dễ hiểu thôi. Chúng ta đều mắc sai lầm.)
Lập luận số đông là một kiểu ngụy biện đặc biệt của những kẻ mị dân cùng những nhà hùng biện quần chúng. Những người lãnh đạo chúng ta có xu hướng hình thành một tầng lớp đặc biệt, gồm những người sở hữu quan điểm và những giả định không tương đồng rộng rãi với xã hội. Họ thường đến từ hoàn cảnh ít phải chịu áp lực đói nghèo, chèn ép hay nỗi sợ tội phạm hơn so với hầu hết mọi người. Điều này cho phép kẻ mị dân cơ hội lợi dụng số đông để hỗ trợ cho những ý kiến mà chính quyền rất ít khả năng đáp trả lại. Trong những vấn đề như án tử hình hay mối quan hệ chủng tộc, kẻ mị dân này có thể dựa trên sự đồng thuận của số đông đứng về phía mình như bằng chứng cho thấy chính quyền đang có một âm mưu bưng bít.
Mọi cuộc trưng cầu dân ý cho thấy phạt roi trước công chúng là hình phạt thích đáng cho những người phạm tội bạo hành.
(Và nếu bạn hỏi họ, chắc họ cũng có thể nói tương tự với hình phạt thắt cổ hoặc mổ bụng. Họ có thể đúng cũng như có thể sai.)
Lập luận số đông là một kiểu ngụy biện được sử dụng với rất nhiều đam mê. Trong một bối cảnh lý tưởng, bạn có thể hô hào một nhóm 600 người cầm đuốc trước nhà của một tay buôn ngô trong thời gian xảy ra nạn đói. Ngay cả khi viết, bạn cũng không nên thẳng thừng biến Lập luận số đông thành việc đếm đầu người lâm sàng mà nên gợi lên cảm giác bị xúc phạm, khi cái ý kiến hiển nhiên quá đúng của rất nhiều người kia bị phớt lờ.
Khi không may rằng những người ủng hộ bạn thuộc nhóm thiểu số, kỹ thuật có thể được sử dụng ở đây là trích dẫn từ quá khứ, khi ý kiến của bạn từng được nhiều người ủng hộ hoặc được ủng hộ bởi những quốc gia mà đa số có cùng ý kiến với bạn. Thụy Điển là một nguồn tuyệt vời những nhóm đa số thích những thứ lập dị nhất.
Có phải chúng ta cho rằng người Thụy Điển ngu ngốc? Rằng người dân ở những đất nước văn minh nhất trên thế giới không biết họ đang nói cái gì?
(Đúng vậy.)
Nhìn phiến diện
Nhiều quyết định chúng ta xem xét có cả ưu điểm và khuyết điểm. Kiểu ngụy biện nhìn phiến diện xảy ra khi chỉ một mặt của vấn đề được đưa vào cân nhắc. Quyết định thường yêu cầu cả ưu và khuyết, và bên nào giành phần hơn trong trạng thái cân bằng kia sẽ được ưu ái lựa chọn. Chỉ nhìn vào một mặt là né tránh phán quyết có được sự cân bằng đó:
Tôi sẽ không lập gia đình. Lập gia đình sẽ có thêm nhiều trách nhiệm chưa kể tới việc mất tự do. Hãy suy nghĩ thử về khoản chi phí nuôi con cái và cho chúng học đại học. Bên cạnh đó còn những khoản phí bảo hiểm nhiều hơn…
(Nếu điều này là thật thì chắc không ai lập gia đình cả.)
Ngụy biện này cũng tương tự với việc chỉ nhìn mặt tích cực của vấn đề.
Quyển bách khoa toàn thư này sẽ là thứ bạn rất tự hào nếu có nó. Bạn bè bạn sẽ thán phục bạn. Con cái bạn sẽ hưởng lợi từ nó. Bạn sẽ học tập từ nó. Nó sẽ giúp tủ sách của bạn trọn vẹn!
(Mặt khác, nó sẽ khiến bạn tốn CẢ ĐỐNG tiền.)
Dù nhìn theo cách nào thì bạn cũng đã phạm phải ngụy biện nhìn phiến diện rồi. Bằng cách chỉ nhìn vào khía cạnh xấu hay tốt, chúng ta đã bỏ qua những tư liệu có ảnh hưởng đến quyết định và cần được đưa vào suy xét. Việc loại bỏ những tư liệu liên quan khỏi lập luận chính là điểm ngụy biện trong cách nhìn phiến diện.
Nhìn phiến diện không phải là một ngụy biện, khi mặt kia của vấn đề cũng được nêu ra để cân nhắc tương tự. Trong văn hóa Mỹ-Anh, có một phương pháp truyền thống theo ngược lại với cách nhìn phiến diện; theo đó, nếu mỗi bên trình bày những luận điểm lợi hại nhất của mình, nhiều khả năng người quan sát không thiên vị sẽ ra phán quyết công bằng hơn. Do đó, chúng ta kỳ vọng một luật sư sẽ chỉ đưa ra chứng cứ bãi án, và nghiệp đoàn sẽ chỉ đưa ra lập luận bảo vệ việc tăng lương, vì chúng ta biết rằng sẽ có ai đó từ phía bên kia đưa ra những lập luận đối lập. Sẽ là phiến diện khi người đưa ra phán quyết chỉ nhìn vào một mặt của vấn đề.
Đừng đi đến Ibiza. Nghĩ tới cái nóng, lũ muỗi và đám đông ở đó xem.
(Mặt khác, còn những tia nắng tươi đẹp, món rượu vang rẻ, thức ăn tuyệt vời và giá cả thấp thì sao?)
Những phán quyết của cuộc sống thường đòi hỏi sự đánh đổi. Những người đã có được sự cân bằng, rồi sau đó lại rơi vào tình trạng thiên vị có khuynh hướng thuyết phục người khác bằng cách chỉ nhấn mạnh mặt tốt. Người khinh suất nên nhớ rằng, thước đo giá trị của họ có thể cho ra một phán quyết khác khi cân nhắc tất cả các yếu tố.
Tất cả lập luận đều ủng hộ con đường mới. Nó có nghĩa là tiến bộ; có nghĩa là thịnh vượng; có nghĩa là tương lai cho thị trấn của chúng ta!
(Và rất không may rằng, chúng tôi phải kéo sập nhà bạn để xây con đường đó.)
Có một phiên bản cách nhìn phiến diện khá thông minh, mà bạn có thể dùng cho mục đích thuyết phục mọi người nghe theo phán quyết của bạn. Cách này bao gồm việc nhượng bộ thuần túy để lấy điểm trước lý lẽ chống lại bạn, bằng cách giả vờ tham khảo một trong những lập luận yếu kém của bên kia trước khi bắt đầu tung ra hàng loạt những lập luận biện hộ. Cách làm này đánh bóng lý lẽ của bạn bằng cách thêm vào lớp vỏ ngoài bóng nhoáng của tính khách quan ai cũng thấy được.
Tất nhiên, nếu mua một chiếc xe lớn hơn, chúng ta cần phải làm tấm lót ghế ngồi mới. Nhưng hãy thử nghĩ đến sự tiện lợi của nó xem! Tất cả đồ đạc mua sắm sẽ để ở ghế sau; chúng ta có thể sử dụng xe vào các kỳ nghỉ; em có thể thoải mái đưa đón bọn trẻ; và tốc độ của nó giúp ta giảm bớt thời gian đi lại.
(Bán cho những quý ông với ngụy biện này.)
Điệp nguyên luận (Petitio principii)
Ngụy biện Điệp nguyên luận (Petitio principii) hay được biết dưới cái tên “begging the question” xuất hiện mỗi khi sử dụng trong lập luận bảo vệ cái gì đó mà lập luận muốn thiết lập. Điệp nguyên luận là bậc thầy ngụy trang và có khả năng đưa ra những lý luận hết sức kỳ lạ. Một trong những “ngoại hình” phổ biến nhất của nó là sử dụng một kết luận được diễn đạt lại theo cách khác để trở thành lập luận bảo vệ chính kết luận đó.
Công lý đòi hỏi mức lương cao hơn vì việc mọi người kiếm được nhiều tiền hơn là điều đúng.
(Tuyên bố trên rốt cuộc là công lý đòi hỏi mức lương cao hơn vì công lý đòi hỏi mức lương cao hơn.)
Có vẻ như với những người non nớt, Điệp nguyên luận không phải là một ngụy biện nên dùng lâu dài; nó có vẻ quá mỏng manh để đi xa. Tuy nhiên chỉ cần nhìn sơ vào thế giới tranh luận chính trị cũng thấy được hàng đống những Điệp nguyên luận, vài lập luận vẫn còn tồn tại sau hàng trăm năm. Khá khó để đưa ra những lập luận bảo vệ một cam kết mang bản chất cảm tính. Đây là lý do tại sao những chính trị gia vô tình tự lừa gạt bản thân mình, và lừa gạt những người khác một cách tinh tế với dư thừa những Điệp nguyên luận. Điệp nguyên luận chính trị thường xuất hiện dưới hình thức một giả định tổng quát được đưa ra để bảo vệ một trường hợp cụ thể khi trường hợp đó chính là một phần của một giả định tương tự.
Chính phủ Anh nên nghiêm cấm việc bán những bức vẽ của họa sĩ Constable cho một bảo tàng Mỹ, vì chính phủ nên ngăn cản việc xuất khẩu tất cả những tác phẩm nghệ thuật.
(Có vẻ như đây là một lập luận nhưng lý do này cũng có thể được sử dụng cho bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào khác. Tổng kết tất cả lại sẽ không cho chúng ta biết gì nhiều hơn lập luận rằng, chính phủ nên ngăn cản việc xuất khẩu tất cả những tác phẩm nghệ thuật vì chính phủ nên làm điều đó.)
Một lập luận phải nêu ra những gì đã được biết hay chấp nhận, để chứng minh những thứ chưa được biết hay chấp nhận. Điệp nguyên luận mang tính ngụy biện, vì nó phụ thuộc vào cái kết luận chưa được chứng minh. Kết luận của lập luận được sử dụng trong tiền đề hỗ trợ kết luận đó thường dưới lớp áo ngụy trang.
Tất cả lập luận đi chứng minh điều chưa được chứng minh phải được mổ xẻ cẩn thận để tránh những ngụy biện Điệp nguyên luận ẩn giấu bên dưới. Tất cả những lập luận ủng hộ các đường lối tư tưởng, tôn giáo hay giá trị đạo đức đều có một điểm chung là, chúng đều cố gắng thuyết phục những người đa nghi. Chúng cũng có một điểm chung khác là Điệp Nguyên Luận sinh sôi nảy nở trong các bằng chứng.
Mọi thứ đều có thể được xác định theo mục đích của chúng.
(Đừng bao giờ ngạc nhiên khi một thảo luận như thế này kết thúc với việc “chứng minh” sự tồn tại của thực thể tồn tại có mục đích. Nếu sự vật đã được đồng ý từ ban đầu là có mục đích, thực thể tồn tại cái mà mục đích đã được chứng minh đó đã được chấp nhận rồi. Đây chính là Điệp nguyên luận trong lớp vỏ ngụy trang.)
Khi sử dụng Điệp nguyên luận, bạn nên quan tâm tới việc che giấu giả định kết luận bằng cách chọn lựa ngôn từ khéo léo. Những ngôn từ đặc biệt hữu dụng là các từ ngữ mà bản thân chúng đã chứa đựng giả định. Những ngôn từ như “mục đích” nằm trong nhóm này. Các triết gia luôn tham gia trận chiến với một kho đầy những ngôn từ như thế, đặc biệt khi họ cố giảng cho chúng ta về cách thức cư xử. Những trách nhiệm mà họ mong muốn gán lên chúng ta được che giấu trong những ngôn từ như “lời hứa”. Nghe có vẻ thẳng thắn nhưng bên dưới ý nghĩa của từ này là từ “nên”.
Điều quan trọng cần phải nhớ về Điệp nguyên luận là, nó thường trông giống một lập luận bảo vệ một quan điểm. Do đó bạn phải mổ xẻ nó bằng những từ nối trong lập luận, chẳng hạn như “bởi vì” hay “do đó”, thậm chí ngay cả khi nó chỉ thay câu đổi chữ.
Khi bị dồn vào chân tường, bạn thường có thể biểu diễn một màn đào thoát ngoạn mục với một Điệp Nguyên Luận được chọn lựa khéo léo, bằng việc kết hợp một giả định sự thật tổng quát với một sự diễn đạt lại kết luận.
Chúng ta không nên bán vũ khí cho Malaysia, vì trang bị những phương tiện giết người cho những nước khác là điều không đúng với chúng ta.
(Nghe có vẻ như một lập luận đúng nhưng thực ra nó chỉ là một cách thông minh để nói rằng chúng ta không nên bán vũ khí cho Malaysia vì chúng ta không nên bán vũ khí cho ai cả.)
Thả độc giếng nước (poisoning the well)
Cái cuốn hút nhất trong phương pháp thả độc giếng nước là đối phương đã bị mất điểm trước khi kịp mở miệng nói gì. Xem xét theo hình thái cơ bản nhất, ngụy biện này đưa ra những nhận xét không dễ chịu về những người không đồng ý với luận điểm bạn đã chọn. Khi nạn nhân nào đó tiến lên tranh cãi với luận điểm kia, anh này chỉ thấy mình đang dính phải những nhận xét không dễ chịu.
Ngoại trừ kẻ ngu dốt, ai cũng biết rằng chúng ta không chi đủ tiền cho giáo dục.
(Khi có ai đó bước lên nói rằng, tiền chi cho giáo dục đã đủ, anh này tự nhận trước mọi người rằng mình là kẻ ngu dốt.)
Cả đoạn phát biểu trên đều mang tính ngụy biện, vì nó kêu gọi sự chấp thuận hay bác bỏ một đề nghị dựa trên những bằng chứng không liên quan gì đến đề nghị đó cả. Tuyên bố ở đây chỉ là một sự lăng mạ không bằng chứng, do đó không nhất thiết phải chấp nhận. Ngay cả khi nó là sự thật, chúng ta vẫn phải đánh giá lập luận dựa trên giá trị của nó.
Nghiên cứu kỹ hơn cho thấy, phương pháp thả độc giếng nước là một phiên bản rất chuyên biệt hóa của ngụy biện, lạm dụng công kích cá nhân. Thay vì lăng mạ người tranh luận với hy vọng rằng thính giả sẽ bị dẫn dụ bác bỏ lập luận của người này, người sử dụng chiến thuật bỏ độc giếng nước đưa ra lời lăng mạ cho bất kỳ ai có tiềm năng đứng ra tranh luận. Phương pháp này thông minh hơn biện pháp lạm dụng, đơn thuần vì nó mời gọi nạn nhân tự lăng mạ bản thân bằng cách uống nước từ cái giếng bị nhiễm độc. Bằng cách đó, nó làm giảm uy tín của bên đối đầu.
Tất nhiên, có những người với khả năng đánh giá kém sẽ thích đi xe buýt hơn xe lửa.
(Có những người xem xét các yếu tố như giá cả, sự sạch sẽ, tiện lợi và đúng giờ. Tuy nhiên, nếu nhận mình thích đi xe buýt sẽ là tự nhận mình có khả năng đánh giá kém.)
Trong hình thái đơn giản và thô sơ của mình, bỏ độc giếng nước được nhìn nhận là một chiến thuật rất vui thú, có thể tạo ra những hành động phi thường ngoạn mục để làm héo úa đối tượng bị khinh bỉ. Một phiên bản chỉ hơi tinh ranh hơn một chút xuất hiện trong trò chơi với tên gọi “xã hội học tri thức”. Để chơi trò chơi này, một người chơi bắt đầu bằng cách quả quyết rằng, cái nhìn của tất cả mọi người về xã hội và chính trị chỉ là sự biểu hiện vô thức cho lợi ích của nhóm người đó. Bước tiếp theo, người chơi này chỉ ra rằng vì những lý do chuyên biệt, phân tích này không áp dụng cho anh ta vì anh ta rất khách quan cũng như có thể đánh giá sự việc một cách chí công vô tư. Khi một người chơi khác không đồng tình với bất kỳ quan điểm nào của anh này, người chơi đầu tiên mừng rỡ chỉ ra rằng ý kiến của người kia có thể không cần được xét tới, vì nó chỉ đơn thuần là biểu hiện của nhóm lợi ích.
Những lựa chọn trong giáo dục chỉ là một công cụ mà giới trung lưu sử dụng, để mua lợi thế cho con cái bọn họ.
(Thời nay bàn chuyện cạnh tranh nâng cao các tiêu chuẩn, hay các bậc phụ huynh có khả năng dùng tiền mua lợi thế cho con cái mình là chuyện tầm phào. Bạn đã phạm phải lỗi mua lợi thế rồi; phần còn lại chỉ là lớp áo che đậy thôi.)
Để sử dụng chiến thuật thả độc giếng nước khéo léo, bạn nên áp dụng cả hai đặc tính chính của phương pháp này. Chất độc không chỉ gợi lên sự chế nhạo từ phía thính giả, mà còn làm thoái chí bất kỳ ai dại dột bất đồng ý kiến với bạn. “Chỉ kẻ ngốc” sẽ khiến vài người lùi bước nhưng sẽ có những người khác nghĩ rằng họ có thể nhún vui trước nhận định đó. Một liều thuốc độc mạnh hơn sẽ là liều thuốc đủ dễ sợ hay xấu hổ để làm thoái chí bấy kỳ ai cố tình muốn uống nó.
Duy có những người không đủ khả năng tình dục mới biện hộ cho việc chỉ giảng dạy cho một giới tính trong các trường học của chúng ta.
(Có ai tình nguyện không?)
Thả độc giếng nước được khuyên dùng mỗi khi tuyên bố của bạn có thể không vượt qua được những soi mói mổ xẻ liên tục. Nó cũng hữu dụng khi đối phó với một đối thủ có ý kiến trái ngược với bạn, nhưng không may thay lại là một ý kiến có tính căn cứ. Thả độc giếng nước thận trọng sẽ khiến đối thủ trở nên ngu xuẩn, đến nỗi mọi người không thèm quan tâm đến tính căn cứ của ý kiến đó. Nó cũng khiến bạn trở nên dí dỏm và tự tin, thậm chí có thể phục vụ cho mục tiêu che giấu sự thật rằng bạn đã sai.