Cãi Gì Cũng Thắng - Chương 13

Kêu gọi công luận (Populum, argumentum ad)

Ngụy biện Kêu gọi công luận đánh vào thái độ của đám đông, thay vì trình bày những tư liệu liên quan. Nói cách khác, nó dựa trên các định kiến. Nó khai thác khuynh hướng chấp nhận những gì phù hợp với thế giới quan của mọi người. Những định kiến phổ biến có thể đã hoặc chưa được chứng minh, nhưng người trình bày lập luận của mình chỉ dựa trên những định kiến này đã phạm phải ngụy biện Kêu Gọi Công Luận.

Khi tiến cử Higginbottom, tôi đã chỉ ra rằng, tất cả những đồng tiền thông minh đều thuộc về ông ấy.

(Rất ít người nghĩ rằng chúng thuộc về những kẻ ngốc.)

Ngụy biện Kêu gọi công luận thường được so sánh với tâm lý bầy đàn, với những đam mê cháy bỏng, cùng các định kiến thích hợp được nhìn nhận gần với tâm lý quá khích của đám đông hơn so với những thảo luận hữu lý. Những nhà hùng biện trước đám đông tạo dựng sự nghiệp bằng phương pháp Kêu gọi công luận thông qua sử dụng từ ngữ với toan tính kích động xúc cảm.

Chúng ta sẽ phải nhìn những con đường của vùng đất tổ tiên lọt vào tay những kẻ lạ sao?

(Đây là tâm lý bài ngoại và ẩn ý ở đây là, “những kẻ lạ” không phù hợp đi trên các con đường của chúng ta; nhưng không lập luận nào được nêu ra cả.)

Những người phạm phải ngụy biện này là những người chọn cách thức dễ dàng. Thay vì thiết lập một luận điểm có tính thuyết phục, họ dùng cách lợi dụng xúc cảm của đám đông. Đây không phải lý luận hợp lý dù rằng nó có thể rất thành công. Có thể hình dung rằng Mark Anthony đã có thể phát triển một luận điểm cho việc xử phạt Brutus cùng những sát thủ khác, và tái tạo lại hệ thống chính quyền của Caesar. Điều ông đã làm còn hiệu quả hơn. Bằng cách đánh vào tâm lý ghét bỏ sự thiếu trung thành và vô ơn phổ biến, cũng như sự ủng hộ phổ biến cho các nhà hảo tâm làm từ thiện, ông biến đám đông dự tang lễ thành đám đông thịnh nộ.

Trong rất nhiều thế kỷ, những kẻ xấu trong ngụy biện Kêu gọi công luận là các địa chủ và thương lái ngũ cốc. Dù rằng họ đóng một vai trò không đáng kể trong xã hội ngày nay, nhưng những người này là hình ảnh quá mạnh trong định kiến phổ biến, đến nỗi tôi nghĩ rằng bạn có thể nhận được sự đồng tình mạnh mẽ khi khiển trách đối thủ bằng cách so sánh người này với những tay địa chủ và thương lái ngũ cốc đầu cơ trục lợi. Sự biến mất của các tay thương lái và địa chủ đã để lại một khoảng trống trong ngụy biện Kêu gọi công luận, vốn chỉ được lấp đầy một phần nào đó bằng những kẻ “kẻ đầu cơ” bí ẩn. Theo cách nào đó, những tay đầu cơ càng xấu xa hơn, vì dù rằng cho thuê bất động sản hay giao dịch ngũ cốc được xem là những nghề đáng kính, rất ít người sẽ điền từ “kẻ đầu cơ” vào khoảng trống phía trước tiêu đề nghề nghiệp của mình. Dù vậy, sự vắng mặt của nhóm người này vẫn hình thành nét mờ ảo và gian tà, làm gia tăng hình ảnh xấu xa của họ.

Tôi phản đối những khu doanh nghiệp, vì chúng sẽ trở thành những khu vực lôi thôi nhếch nhác mang màu sắc của những tay buôn và đầu cơ ranh ma.

(Dù vậy bạn phải cẩn thận. Vài thính giả sẽ thích cách nói trong câu này.)

Phép Kêu gọi công luận trong bạn sẽ đến rất tự nhiên, vì cơ bản bạn ủng hộ người nhỏ bé, người bị thua thiệt, cậu bé địa phương. Những người chống đối với bạn là các ông chủ lớn, những người sống vì tiền ở khu tài chính, cùng những kẻ quan liêu trong các quỹ hưu trí đầu tư vào chỉ số chứng khoán. “Những kẻ làm ngân hàng giàu có” đã mất đi hiệu ứng gần đây; hầu hết mọi người đặt hình ảnh đó ngang hàng với giám đốc ngân hàng địa phương, người chẳng giàu như thế chút nào. Hãy nhớ sử dụng những ngôn từ ước lệ, khi mọi người cho rằng định kiến là không đáng kể. Ví dụ những nhóm tộc thiểu số có thể được nhắc đến như “những người mới” hay “những kẻ lạ mặt” thậm chí ngay cả khi họ ở đây còn lâu hơn bạn.

Nếu chúng ta cho phép cửa hiệu ở góc đường đóng cửa, thì điều đó nghĩa là những đồng tiền cực khổ mới kiếm được sẽ rời khỏi cộng đồng, chui vào túi những kẻ kinh doanh giàu có trong chiếc xe hơi hào nhoáng. Cửa hiệu ở góc đường là một phần ở nơi này; nó là bộ mặt thân thiện của khu dân cư; nó là điểm trung tâm của cộng đồng mà chúng ta trưởng thành trong đó.

(Mọi người sẽ làm tất cả mọi việc cho cửa hàng ngoại trừ mua sắm ở đó.)

Kết luận khẳng định từ tiền đề phủ định

Một lập luận rút ra kết luận từ hai tiền đề thì không được phép có hai tiền đề phủ định, mà chỉ có thể có một tiền đề phủ định, với điều kiện kết luận cũng phải là phủ định. Một ngụy biện sẽ xuất hiện mỗi khi một kết luận khẳng định theo sau hai tiền đề mà một trong hai mang tính phủ định.

Vài con mèo không ngu ngốc, và tất cả mèo đều là động vật, do đó vài động vật ngu ngốc.

(Thậm chí rằng vài con trong chúng đủ thông minh để không phải là mèo, kết luận kia cũng không đúng. Một tiền đề phủ định, do đó, bất kỳ kết luận có căn cứ nào cũng phải phủ định.)

Dù rằng hai sự việc có thể liên quan đến nhau, thông qua mối quan hệ mà chúng có với sự việc thứ ba; nhưng nếu một trong những mối quan hệ mang tính phủ định, lập luận phải cho thấy rằng sự việc kia cũng bị loại trừ hoàn toàn hoặc một phần ra khỏi một nhóm nào đó. Nói cách khác, nếu trong hai sự việc có những quan hệ khác nhau với sự việc thứ ba, thì hai sự việc đó không thể cùng chung một nhóm được. Ngụy biện rút ra kết luận khẳng định từ những tiền đề phủ định thuyết phục chúng ta rằng, các sự việc thực sự thuộc vào một nhóm nào đó, bằng cách nói về những sự việc không thuộc nhóm đó.

Vấn đề của ngụy biện này là, nó có thể được phát hiện từ rất xa. Bạn có thể cố gắng thuyết phục một thính giả rằng những con chuột là con cừu, bằng cách kể cho họ nghe những con chuột là gì và những con cừu không phải là gì. Bạn không có nhiều khả năng thành công vì lý do đơn giản rằng mọi người đã ngửi thấy mùi chuột trước khi sợi len cừu che mắt họ. Quá đơn giản để nhận ra rằng bạn không thể tuyên bố hai thứ đó là một vì chúng quá khác nhau.

Trường hợp duy nhất bạn có thể có cơ hội trốn thoát với kiểu ngụy biện này là khi bạn gọi điện thoại đến buổi phát sóng trên radio, bởi tất cả mọi thứ đều diễn ra trong buổi phát sóng nhận điện thoại trên radio.

Ngụy biện nhân quả (post hoc ergo propter hoc)

Cụm từ Latin này được dịch ra là “sau cái này, do đó bởi vì điều đó”, và nó là một ngụy biện giả định rằng vì một sự kiện theo sau một sự kiện khác, sự kiện thứ nhất phải là nguyên nhân của sự kiện kia.

Ngay lập tức sau khi đậu Hà Lan đóng hộp ra mắt, tỷ lệ sinh đẻ phi chính thống gia tăng đạt kỷ lục mới cho đến khi đậu Hà Lan đông lạnh đánh bật đậu Hà Lan đóng hộp ra khỏi thị trường. Mối liên hệ ở đây là quá rõ ràng.

(Có lẽ quá rõ ràng để là sự thật. Nếu bạn có suy nghĩ muốn cho những đứa con gái của mình ăn món đậu, hãy nhớ giữ chúng tránh xa tất cả mọi thứ khác, những gì vượt trước sự gia tăng tỷ lệ sinh đẻ phi chính thống. Chúng cần tránh xa truyền hình, máy bay phản lực, nhựa Politen và kẹo sinh gum, và đó chỉ là vài cái tên trong số rất nhiều mối nguy quá rõ ràng.)

Dù rằng hai sự kiện có thể kế tiếp nhau, chúng ta không thể đơn thuần cho rằng một sự kiện sẽ không xảy ra nếu thiếu sự kiện kia. Sự kiện thứ hai có thể vẫn xảy ra. Hai sự kiện có thể được liên kết bởi một nhân tố chung cho cả hai. Sự giàu có gia tăng có thể ảnh hưởng đến mức tiêu thụ đậu Hà Lan đóng hộp của chúng ta cũng như sự tham gia vào những hoạt động có thể làm gia tăng tỷ lệ sinh đẻ. Những đứa trẻ nhỏ tại các máy đánh bạc là những ví dụ sinh động của Ngụy biện nhân quả. Chúng thường được bắt gặp ngồi đan bàn tay vào nhau, mắt nhắm, nhịp một chân hay trong bất cứ trạng thái vặn vẹo nào khi giành được phần thắng. Bọn trẻ liên kết sự chuẩn bị ngẫu nhiên với vận may; và theo cách này chúng không chấp nhận sự ranh ma của những tay cờ bạc trưởng thành giấu chân thỏ và nghiến răng niệm chú. Nếu nó từng có hiệu nghiệm thì nó sẽ hiệu nghiệm lần nữa.

Không may thay, theo khả năng tiên đoán của chúng ta, mỗi sự kiện đều diễn ra sau một số nhất định những sự kiện khác. Trước khi ấn định suy nghĩ nào đó về nguyên nhân, chúng ta cần nhiều hơn chỉ là yếu tố tiếp nối về thời gian. Triết gia David Hume đã chỉ ra tính nhân quả đòi hỏi sự thường xuyên như yêu cầu kiên quyết phải kèm theo sự liên tục trong không gian và thời gian. Chúng ta thường có xu hướng xem một loại vi trùng là nguyên nhân của một căn bệnh nếu sự tồn tại của chúng thường diễn ra trước sự nhiễm bệnh và chúng được tìm thấy trong cơ thể người bệnh.

Sự quyến rũ của Ngụy biện nhân quả xuất hiện khi chúng ta để lại đằng sau những suy nghĩ hằng ngày về nhân quả. Dù chúng ta cho rằng mình hiểu cơ chế mà theo đó một sự kiện dẫn đến sự kiện khác, Hume chỉ ra rằng chung quy nằm ở sự kỳ vọng tính thường xuyên của chúng ta. Ngọn lửa đèn cầy cháy trên ngón tay, và cảm giác đau sau đó được gọi là hiện tượng nhân quả, vì chúng ta kỳ vọng rằng một sự kiện thường theo sau sự kiện kia. Tất nhiên, chúng ta bịa ra đủ loại lý giải như những sợi dây vô hình kết nối hai sự việc lại với nhau nhưng chúng lại can thiệp vào các sự kiện chưa thấy trước được giữa hai sự việc kia. Làm thế nào chúng ta biết những sự kiện chưa thấy trước được này thực sự là nguyên nhân? Dễ thôi. Chúng lúc nào cũng có một sự kiện khác theo sau.

Lỗ hổng kiến thức này của chúng ta tạo ra một khe trống, để các ngụy biện có thể cố tình chen vào. Những sử gia Hy Lạp thường thảo luận về các thảm họa tự nhiên, theo khía cạnh hành vi của con người. Ví dụ, khi tìm kiếm nguyên nhân của động đất, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh thần Herodotus hoặc Thucydides thảo luận nghiêm túc về những sự kiện diễn ra trước cơn động đất, trước khi kết luận rằng một cuộc tàn sát thực hiện bởi những cư dân của thành phố bị động đất nhiều khả năng chính là nguyên nhân.

Kẻ ngụy biện quả quyết sẽ thấy đây chính là một vùng cơ hội. Bất cứ những gì đối phương viện dẫn ra cũng chắc chắn từng được thử ở đâu đó, theo cách nào đó, vào lúc nào đó. Tất cả những gì bạn phải làm là quy cho sự vận hành của yếu tố đó những hệ quả không dễ chịu, cái vô tình theo sau sự việc kia. Chúng ta biết rằng những sự việc không dễ chịu theo sau sự việc kia, vì chúng lúc nào cũng xảy ra; lúc nào cũng có rất nhiều trận động đất, lạm dụng tình dục và những buổi phát thanh chính trị mà bạn có thể quy trách nhiệm cho đối thủ của mình.

“Bỏ tù là một hình phạt man rợ. Chúng ta nên cố gắng hiểu các phạm nhân và giáo hóa họ bằng nhà tù mở và liệu pháp nghề nghiệp.”

“Họ đã thử hình phạt tù này ở Thụy Điển năm 1955 và nhìn xem chuyện gì đã xảy ra: tự tử, thoái hóa đạo đức và nát rượu ở khắp nơi. Chúng ta có muốn có những tệ nạn này ở đây không?”

(Một thuật ngữ như “thoái hóa đạo đức”chính là dấu ấn của tay ngụy biện chân chính vì cách nói này ít nhiều rất khó bác bỏ.)

Ngụy biện bốn điều kiện (quaternio terminorum)

Quaternio terminorum là ngụy biện chứa đựng bốn điều kiện. Lập luận ba đoạn chuẩn (Tam đoạn luận) đòi hỏi một điều kiện phải được lặp lại trong hai dòng đầu tiên và bị loại bỏ khỏi kết luận. Lập luận này đúng vì nó kết nối hai sự việc lại với nhau bằng cách kết nối chúng với sự việc thứ ba. Tam đoạn luận phụ thuộc vào một điều kiện, “điều kiện trung gian”, lặp đi lặp lại trong các tiền đề nhưng biến mất trong kết luận. Khi có bốn điều kiện tách biệt, chúng ta không rút ra kết luận một cách có căn cứ được và do đó phạm phải ngụy biện bốn điều kiện.

John ở bên phải Peter, và Peter ở bên phải Paul, do đó John ở bên phải Paul.

(Lập luận này trông có vẻ hợp lý nhưng một điều kiện là “bên phải Peter”còn cái kia chỉ đơn thuần có “Peter”. Đây là hai điều kiện tách biệt và ở đây tồn tại ngụy biện bốn điều kiện.

Chúng ta có thể dễ dàng nói:

John nể Peter và Peter nể Paul, do đó John nể Paul.

(Cái sai ở đây giờ rõ ràng hơn nhiều. John có thể nể Peter vì trí thông minh của anh này, và Peter có thể nể Paul vì anh này có chiếc Mercedes. Nhưng nếu John có một chiếc Bentley, anh này có thể không tôn trọng con người mới phất lên mà Peter nể.)

Ngụy biện này xảy ra, vì nói đúng ra những điều kiện trong dạng lập luận này được tách bạch bằng động từ “là”. Cái gì theo sau động từ “là” đều là một điều kiện. Nó có thể là “cha của” hay “mắc nợ” hay nhiều thứ khác. Trừ khi toàn bộ điều kiện xuất hiện trong dòng tiếp theo, nếu không, đó là một Ngụy Biện Bốn Điều Kiện. Tất nhiên, với bốn điều kiện chúng ta không thể suy luận ra những mối quan hệ mới giữa các điều kiện bằng cách sử dụng một điều kiện trung gian chung của hai điều kiện kia được, vì không có điều kiện nào như thế cả.

John là cha của Peter, và Peter là cha của Paul, do đó John là cha của Paul.

(Thậm chí ông của bạn cũng thấy điều này là sai.)

Giờ hãy nhìn vào một ví dụ khi có một điều kiện trung gian được lặp lại.

John là cha của Peter, và cha của Peter là cha của Paul, do đó John là cha của Paul.

(Có ba điều kiện ở đây và đây là một lập luận có căn cứ.)

Ngụy biện bốn điều kiện có thể tạo ra sự rối rắm trong các mối quan hệ hằng ngày. Nếu John mắc nợ Peter số tiền 45 đô-la và Peter mắc nợ Paul (người cứu Peter khỏi chết đuối), John có thể rất ngạc nhiên khi thấy Paul đứng trước cửa nhà mình đe dọa đòi tiền. Mặt khác, nếu John yêu Mary và Mary yêu Paul, không ai ngoại trừ những kịch gia ở rạp hát cố gắng đưa ra kết luận cho suy diễn ngụy biện này.

Ngụy biện bốn điều kiện nhiều khả năng xảy ra do sai sót nhiều hơn lừa gạt có chủ tâm. Mọi người có thể tự lừa dối bản thân mình với những lập luận được xây dựng xung quanh kiểu lập luận này, nhưng không nhiều khả năng họ có thể lừa dối được những người khác. Có gì đó kỳ lạ ngoài lớp vỏ ngoài khiến cả những người khinh suất cũng phải cảnh giác; nó giống như tấm chi phiếu không ghi số tiền. Có thể không có ngày; hay không có chữ ký; nhưng ai cũng nhìn vào số tiền cả.

Trung Quốc thanh bình hơn Pháp, và Pháp thanh bình hơn Mỹ, do đó Trung Quốc chắc chắn phải thanh bình hơn Mỹ.

(Bạn thậm chí không cần biết gì về Trung Quốc để nhận ra lập luận này sai. Chỉ cần nhớ là đừng tin vào bất cứ quan hệ nào có yếu tố Pháp trong đó.)

Một cách để dùng ngụy biện này với cơ hội thành công kha khá là lén lút đưa nó vào một nhóm những thể so sánh. Những thể so sánh như “to lớn hơn”, “tốt hơn”, “mạnh hơn”, hay “mập hơn” vì chúng mang tính truyền ứng bất chấp bốn điều kiện. Sau khi sử dụng vài thể so sánh, hãy nhanh chóng sử dụng một quan hệ không truyền ứng, và lập luận của bạn có thể chui qua trót lọt.

Em yêu, anh to lớn hơn em, mạnh mẽ hơn, và giàu hơn em; tuy vậy anh tôn trọng em. Vị trí của em cũng như vị trí của mẹ em vậy, do đó anh phải tôn trọng mẹ em.

(Anh chỉ không muốn bà ấy ở trong ngôi nhà này.)

Ngụy biện cá trích đỏ

Khi chó săn muốn theo đuổi một mùi nào đó mà chúng tự chọn thay vì theo lệnh của người chủ đi săn, một con cá trích đỏ được sử dụng để tạo ra ảnh hưởng chuyển đổi. Được buộc vào một sợi dây dài, chúng được kéo ngang qua trước mũi đám chó săn. Mùi thơm cực mạnh của con cá trích đỏ đủ để khiến đám chó săn quên cái mà chúng đang theo đuổi, thay vào đó chạy theo con cá trích. Con cá trích sau đó được khéo léo kéo vào phía con đường mà người chủ săn muốn đi.

Trong lý luận, con cá trích cũng được kéo ngang qua con đường mòn của lập luận. Nó quá ngậy mùi và quá cuốn hút, đến nỗi những người tham gia không thể cưỡng lại việc bị dẫn dụ bởi sự xuất hiện của nó, rồi quên đi mục tiêu ban đầu của mình. Ngụy biện cá trích đỏ xảy ra khi những tư liệu không liên quan được sử dụng để chuyển hướng mọi người khỏi vấn đề đang tranh luận và tiến đến một kết luận khác.

“Cảnh sát nên ngăn không cho những người biểu tình vì môi trường làm phiền đến công chúng. Chúng tôi trả tiền thuế.”

“Chắc chắn việc Trái đất tan chảy tệ hơn rất nhiều so với một chút ít phiền hà đúng không?”

(Có thể là rất đúng nhưng cụ thể thì con cá tươi ngậy mùi đó không phải là thứ chúng ta đang theo đuổi.)

Việc sử dụng cá trích đỏ là một ngụy biện vì nó sử dụng những tư liệu không liên quan để cản trở việc đưa ra một kết luận. Nếu lập luận này dẫn dắt theo một hướng cụ thể nào đó nhờ các lý do và bằng chứng mang nó đi theo hướng đó, thì sẽ là không căn cứ khi chuyển hướng lập luận này bằng những tư liệu không chính đáng dù các tư liệu đó có cuốn hút đến thế nào đi nữa.

“Xin lỗi thưa ngài. Ngày đang làm gì với sợi dây chuyền kim cương treo trên túi ngài thế kia?”

“Tôi nghĩ rằng con chó của anh là giống chó chăn cừu thuần chủng của Đức phải không?”

(Thậm chí nếu người cảnh sát bị đánh lạc hướng thì con chó cũng không.)

Ngụy biện cá trích càng trông có vẻ đang đi theo con đường mòn cũ thì nó càng cuốn hút và càng hiệu quả trong việc chuyển hướng tập trung.

“Đảng viên Đảng Cộng hòa luôn cố đề xướng những gì mang lại lợi nhuận cao nhất cho họ.”

“Tôi nghĩ những phong trào này sẽ đến rồi lại đi. Lúc thì họ sẽ đề xướng bia nhẹ vì họ cho rằng đó là nơi tập trung nhu cầu; nhưng một hay hai năm sau có thể sẽ là loại bia thùng có điều kiện.”

(Cái hấp dẫn ở đây là lập luận này nghe có vẻ giống con đường mòn cũ. Nó cũng nói về những đề xướng của người theo đảng Cộng Hòa, và sau khi theo chủ đề này trong một hay hai giờ, người nói cũng say lập luận như say bia.)

Cá trích đỏ được sử dụng bởi những người đang yếu thế trong tranh luận, bắt đầu cảm thấy lập luận của mình đang dần thua cuộc. Những chính trị gia, khi bị áp lực, sẽ tung ra một con cá trích đỏ cám dỗ đến nỗi những con chó sẽ chạy theo nó thậm chí khi phải liều mạng. Những luật sư bày lũ cá ra dưới chân bồi thẩm đoàn để chuyển hướng chú ý của họ khỏi những thân chủ không thành thật. Tất cả những luật sư nổi tiếng đều được biết đến với cái mánh xâu một sợi dây kim loại qua điếu xì gà để thay vì lắng nghe những chi tiết của vụ xử, bồi thẩm đoàn lo chăm chú nhìn vào cái tàn thuốc đang ngày càng mọc dài hơn. Phương pháp cá trích đỏ trong trường hợp này có thể thấy giống như cái nơ rực rỡ của người bán hàng làm chuyển hướng chú ý khỏi sản phẩm kém chất lượng của anh này.

“Anh không bao giờ nhớ ngày sinh nhật của em cả.”

“Anh đã từng nói với em rằng mắt em rất đẹp chưa?”

Bạn đừng bao giờ bắt đầu một lập luận yếu kém mà không chuẩn bị sẵn một túi cá trích đỏ để chống đỡ nó trong quá trình tranh luận. Khi sinh khí tuệ năng của bạn bắt đầu thất bại, ngụy biện cá trích đỏ sẽ cho bạn khoảng không để thở. Nếu bạn thiết tha đạt tới tầm chuyên gia, bạn nên chọn cá trích đỏ theo sở thích của thính giả. Mỗi nhóm có một mùi vị yêu thích; và cá trích đỏ của bạn nên được chọn lựa theo hướng đó. Khi bạn tung chúng ra lúc cần thiết, người nghe sẽ không có khả năng cưỡng lại miếng mồi yêu thích của họ. Bạn có thể có được khoảng thời gian thanh thản trong những tình huống khó khăn nhất thông qua việc khéo léo hướng đến chủ đề cái lưng đau của người đang tranh luận cùng bạn, hay thậm chí là kỳ nghỉ hè của anh này. Trong tình trạng thực sự tuyệt vọng, bạn có thể lôi cả con mèo của anh ta vào.

Bác bỏ ví dụ

Những ví dụ thường được viện dẫn để ủng hộ cho một lập luận. Khi sự chú ý dồn vào việc cho thấy ví dụ kia sai nhưng lại không bác bỏ chủ đề chính, ngụy biện này được gọi là “bác bỏ ví dụ”.

“Thanh thiếu niên thời nay hành xử rất tệ. Cậu bé nhà bên suýt chút nữa tông phải tôi trên đường hôm qua và thậm chí là không thèm xin lỗi.”

“Bạn sai rồi. Simon đâu còn là thanh thiếu niên nữa.”

(Không lập luận nào đánh bật nhận xét ban đầu cả, nó chỉ đánh bật một ví dụ mà thôi.)

Dù một ví dụ có thể minh họa và củng cố một lập luận, việc nó mất đi giá trị không làm lập luận kia mất giá trị. Có thể có rất nhiều những ví dụ khác chứng minh luận điểm kia và chúng là những lý lẽ xác thực.

Có một sự phân biệt rõ ràng giữa việc nghi ngờ bằng chứng của đối phương một cách chính đáng, với việc tập trung vào chỉ trích ví dụ thay vì tập trung vào luận điểm mà ví dụ đó ủng hộ. Nếu luận điểm chính bị bác bỏ chỉ vì một ví dụ tồi được sử dụng để ủng hộ nó, ngụy biện bác bỏ ví dụ xảy ra.

Tôi có thể chỉ ra không có gì thật trong lời buộc tội rằng, săn bắn là tàn nhẫn với động vật. Trong câu chuyện của nhóm săn bắn Berkshire mà chúng ta nghe kể, cái không được đề cập là khám nghiệm tử thi cho thấy con cáo đó đã chết vì nguyên nhân tự nhiên. Lời buộc tội tàn nhẫn ở đây là quá nặng.

(Lập luận này còn thiếu sức sống hơn con cáo chết kia.)

Ngụy biện này từng xảy ra trong tranh cử. Một đảng cho treo áp phích với hình ảnh một gia đình hạnh phúc để minh họa cho khẩu hiệu cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn với họ. Đối thủ của đảng này giành cực kỳ nhiều thời gian và công sức nghiên cứu người đàn ông trong tấm áp phích, sau đó công bố thông tin rằng, ông ta không có một cuộc hôn nhân mỹ mãn. Nỗ lực này sau đó được mở rộng ra hơn với niềm tin rằng công chúng sẽ ít tin vào một thực tế một khi ví dụ trong đó bị bác bỏ.

Vì lý do nào đó, ngụy biện này rất thịnh hành trong những thảo luận thể thao. Để ủng hộ một tuyên bố được khái quát hóa như là “Tây Ban Nha sản sinh ra những tiền đạo xuất sắc nhất”, một ví dụ sẽ được trình bày. Đây có vẻ như là dấu hiệu bắt đầu cho một đánh giá dài dòng uể oải về khả năng của một tiền đạo nào đó. Kết quả sẽ là luận điểm bảo vệ hay bác bỏ phát biểu khái quát kia sẽ thắng hoặc thua cùng với ví dụ.

Bạn có thể thiết lập những tình huống để sử dụng ngụy biện này bằng cách khiêu khích đối phương, thông qua việc đòi hỏi phải đưa ra những ví dụ. Sự hoài nghi nặng nề của bạn trước tuyên bố của người kia bằng cách nói kiểu “ví dụ như?” sẽ thôi thúc họ đưa ra một ví dụ. Ngay sau khi họ làm vậy, bạn tấn công ví dụ đó, bằng cách chỉ ra vì sao mà ví dụ này vô căn cứ. Ví dụ về hoàn cảnh sống trong gia đình được đưa ra cho thấy tài xế xe buýt được trả lương quá thấp có thể bị công kích trong niềm vui sướng của bạn, khi bạn hỏi ngược lại rằng gia đình đó có truyền hình không, và người chồng tiêu bao nhiêu tiền cho bia rượu. Thậm chí nếu bạn không thể phá hoại ví dụ kia để hủy diệt một cách công khai tuyên bố mà nó ủng hộ, bạn chắc chắn có thể nới rộng cuộc nói chuyện thành một cuộc thảo luận tổng quát hơn về cái gì cấu thành sự nghèo, và đặt câu hỏi rằng, liệu phát biểu ban đầu kia có ý nghĩa gì không. Đây được gọi là “phân tích ngôn ngữ”.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3