Cãi Gì Cũng Thắng - Chương 14
Đồ vật hóa
Ngụy biện đồ vật hóa, hay còn được gọi là tu từ, cốt ở chỗ giả định rằng ngôn từ phải biểu thị những sự việc hay sự vật thực tế. Bởi vì chúng ta có thể thán phục màu đỏ của cảnh mặt trời lặn, chúng ta không được để bị dẫn dụ bởi ngôn từ vào suy nghĩ giả định rằng màu đỏ là một sự vật. Khi chúng ta thấy một trái bóng màu đỏ, một cái bàn màu đỏ, một cây bút màu đỏ và một mái tóc đỏ, chúng ta đã phạm phải ngụy biện đồ vật hóa nếu cho rằng vật thể thứ năm, màu đỏ, tồn tại bên cạnh quả bóng, cái bàn, cây bút và mái tóc.
Ở SKYROS, chúng tôi đã chiết xuất màu xanh của bầu trời mùa hè, và lồng nó vào một thanh xà bông tuyệt đẹp.
(Vì “màu xanh” của bầu trời không phải là một vật thể, nó không thể bị đối xử như một vật thể hữu hình.)
Biến những đặc tính miêu tả thành các vật thể là một dạng của ngụy biện đồ vật hóa. Chúng ta cũng có thể phạm sai lầm khi cho rằng những danh từ trừu tượng là những thực thể.
Anh ta nhận ra rằng mình đã quẳng đi tương lai của mình, rồi giành phần còn lại của buổi chiều để tìm kiếm lại nó.
(Nếu bạn nghĩ rằng mệnh đề này nghe có vẻ ngốc nghếch, bạn nên đọc câu chuyện Plato tìm kiếm công lý.)
Đôi khi các đối tượng có những đặc tính mang tính hệ quả cấu thành từ trật tự sắp xếp của chúng. Chúng ta sẽ phạm phải ngụy biện đồ vật hóa nếu cho rằng các đặc tính này cũng thật như những đối tượng dung chứa chúng.
Nó [con mèo Cheshire] biến mất khá chậm, bắt đầu với cái đuôi, rồi kết thúc bằng cái toét miệng cười, cái vẫn còn thấy được một lúc sau khi những phần khác đã biến mất.
(Alice có thể thấy được vì cô bé có cặp mắt tinh tường. Rốt cuộc thì cô bé đã chẳng nhìn thấy ai trên đường cả trong lúc nữ công tước phải khó nhọc mới nhìn ra ai đó.)
Ngụy biện này thường xuất hiện vì ngôn từ của chúng ta không đủ sức mạnh để tạo ra những vật thể sống. Chúng ta có thể nói về những vật không hề tồn tại và có thể nói về sự vật ở một hình thù dù rằng thực tế chúng tồn tại dưới hình thù khác. “Màu đỏ đi vào bầu trời” cũng được xem tương tự như “màu trời làm đỏ” nhưng hai cách nói này bao hàm những hoạt động khác nhau. Ngôn từ của chúng ta không phải là bằng chứng của những vật đang hiện hữu; chúng là các công cụ để nói về cái chúng ta trải nghiệm.
Có một trường phái các triết gia tin rằng nếu chúng ta nói về những sự vật, thì những vật đó, theo một nghĩa nào đó, tồn tại. Vì chúng ta có thể nói về ngựa một sừng và đức vua đương nhiệm của Pháp, người ta có thể cho rằng quả thực có cả ngựa một sừng lẫn vua Pháp (chắc vị vua này cưỡi trên con ngựa ấy).
Nhưng một trường phái khác đã nâng tầm ngụy biện này lên thành một nghệ thuật, bằng cách nhắc đến “tinh thần vật chất” của sự vật. Họ tuyên bố rằng cái khiến quả trứng là một quả trứng không gì khác hơn “sự trứng” của nó hay tinh thần vật chất của quả trứng. Cái tinh thần vật chất này hiện thực hơn và bền bỉ hơn quả trứng thật sự, vì những quả trứng thông thường biến mất vào món quiche lorraine nhưng khái niệm quả trứng vẫn tiếp tục tồn tại. Phản bác dễ thấy là, suy nghĩ này thật xuẩn ngốc, đương nhiên đúng đắn. Chúng ta sử dụng những ngôn từ như các nhãn mác gắn vào các sự vật, để chúng ta không cần phải lúc nào cũng chỉ trỏ vào chúng, cũng như giao tiếp bằng ngôn ngữ dấu hiệu. Không thể suy luận nhiều từ điều này, ngoại trừ thực tế rằng, chúng ta đã đồng ý sử dụng ngôn từ theo một cách nhất định. Nếu ai đó đem cái “tinh thần vật chất” đằng sau từ ngữ của bạn để cho bạn thấy bạn thực sự đang tin vào cái gì, hãy thay đổi từ ngữ.
“Bạn tuyên bố ủng hộ tự do nhưng cả hệ thống dân chủ tự do kia mang bản chất của sự nô lệ.”
“Được rồi. Nếu vậy chúng ta gọi nó là chế độ nô lệ đi. Và hãy làm rõ rằng khi nói về “chế độ nô lệ”, chúng ta muốn nói đến người dân bầu cử tự do, có tự do báo chí và hệ thống tư pháp độc lập, v.v...”
(Đây là chiến thuật lật úp. Người đưa ra lời cáo buộc kỳ vọng hình ảnh cũ xưa của những nô lệ bị đánh đập ở các đồn điền sẽ được sử dụng để mô tả các chế độ dân chủ phương Tây.)
Cách sử dụng ngụy biện đồ vật hóa của bạn có thể được chuyển hướng sang việc chỉ ra rằng cái mọi người ủng hộ cũng ủng hộ luận điểm của bạn. Bạn chỉ cần đơn thuần nắm lấy tất cả những khái niệm trừu tượng, biến chúng thành những thực thể thật, và bắt đầu mô tả cái bản chất thực đó đồng trục với cái bạn đang nói.
Bạn nói rằng Chúa tồn tại, nhưng chúng ta hãy nhìn vào khái niệm sự tồn tại xem nào. Chúng ta có thể nói về sự tồn tại của những cái bàn, cái ghế và v.v...; nhưng để nói về sự tồn tại thuần túy bạn phải loại bỏ tất cả những cái bàn, ghế và tất cả những thứ tồn tại khác để sự tồn tại chỉ còn mỗi mình nó. Bằng cách loại bỏ tất cả những gì tồn tại, bạn không còn thứ gì tồn tại cả, do đó bạn sẽ thấy sự tồn tại nơi vị Chúa của bạn cũng giống như sự phi tồn tại.
(Anh này sẽ không bao giờ chỉ ra được rằng sự tồn tại không tồn tại. Rốt cuộc thì Hegel cũng không làm việc đó.)
Chuyến tàu chạy trốn
Một chuyến tàu chạy trốn mang bạn đi xa rất nhanh, nhưng không may, nó không dừng lại. Điều này có nghĩa là, khi bạn đến được đích mong muốn của mình, bạn không thể rời khỏi con tàu, mà bị buộc phải đi xa hơn nơi bạn muốn. Ngụy biện chuyến tàu chạy trốn phạm phải khi một lập luận ủng hộ một hành vi lại càng ủng hộ nó nhiều hơn. Nếu bạn muốn dừng lại ở một điểm nào đó, bạn cần một lập luận khác để làm vậy.
Có thể việc giảm giới hạn tốc độ từ 110 km/h xuống 95 km/h sẽ cứu sống nhiều mạng người. Tuy nhiên, đó không phải là một lập luận đủ để chọn 95 km/h vì giảm giới hạn tốc độ xuống 80 km/h lại càng cứu được nhiều mạng người hơn. Và nhiều hơn nữa với con số 65 km/h. Kết luận rất hiển nhiên của dạng ngụy biện chuyến tàu chạy trốn này là nếu mục tiêu duy nhất là cứu nhiều mạng người, giới hạn tốc độ nên được quy định ở mức 0mph.
Có người tranh luận rằng, ở Anh, vì mọi người phải trả chi phí cho Dịch Vụ Y Tế Quốc Gia, điều này cho chính phủ một lý do đủ để cấm hút thuốc, vì những người hút thuốc mắc nhiều bệnh tật hơn. Có thể có nhiều lý do hay để cấm hút thuốc, nhưng lập luận rằng chi phí từ hành vi của những người hút thuốc bị áp đặt lên những người khác là một ngụy biện chuyến tàu chạy trốn. Tại sao lại dừng ở đó? Lập luận này cũng áp dụng cho tất cả những hành vi khác ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe. Nó có thể áp dụng cho hành vi ăn chất béo bão hòa như bơ hay đường trắng tinh luyện. Chính phủ có thể bắt mọi người phải tập thể dục, để tránh việc chi phí sức khỏe từ sự lười biếng của người dân bị đổ lên đầu những người khác. Nếu lập luận này chỉ áp dụng cho việc hút thuốc, phải có lý do tại sao chuyến tàu dừng lại ở đó.
Vài người lên chuyến tàu chạy trốn khi họ quá quan tâm đến hướng đi mà quên mất khoảng cách. Họ có thể tiếp tục một cách vui vẻ chuyến đi cho đến khi mộng tưởng của họ bị phá vỡ khi ai đó gọi lớn “tại sao lại dừng ở đây?”
Chính phủ nên bao cấp nghệ thuật opera vì việc trang bị cho sản xuất của ngành này sẽ rất tốn kém nếu không có sự hỗ trợ của những nguồn quỹ công.
(Và khi chuyến tàu tăng tốc vào vùng xa xôi, hãy đợi những bến đỗ đánh dấu các buổi hòa nhạc âm thanh ánh sáng, những buổi tái hiện cuộc nội chiến và những buổi trưng bày các đấu sĩ. Nếu opera khác biệt, chúng ta cần biết tại sao.)
Ngụy biện này thường xảy ra khi ai đó đưa ra một tuyên bố tổng quát cho cái gì đó, mà người này đánh giá là một trường hợp đặc biệt. Nếu lập luận này có chút giá trị nào, người nghe sẽ lập tức tự hỏi rằng, vì sao lại giới hạn chỉ trong trường hợp đó. Để đối đầu với một chuyến tàu chạy trốn, nên chỉ ra vài bến đỗ phi lý xa hơn trên cùng hướng đi đó. Nếu những trường học chất lượng tốt bị cấm vì chúng mang lại cho trẻ con những lợi thế “không công bằng”, tại sao lại không ngăn cản những phụ huynh giàu có làm điều tương tự khi mua sách cho con cái họ hay đưa con cái họ đi nghỉ ở nước ngoài?
Trong một cách dùng rất chuyên biệt của ngụy biện này, bạn nên giành lấy sự chấp thuận của những yếu tố cơ bản để hỗ trợ cho mục tiêu hợp lý, và chỉ khi đạt tới điểm đó, bạn mới tiết lộ ra cái mục tiêu phi lý cũng được hỗ trợ bởi cùng những yếu tố đó.
Bạn đã đồng ý cho phép xây dựng một phòng đánh bạc bingo ở thị trấn, vì mọi người nên có quyền lựa chọn việc đánh bạc nếu họ muốn. Tôi đang đề xuất đặt các máy đánh bạc ở mọi góc đường cũng chính vì lý do đó.
Khái quát hóa vội vã (Secundum quid)
Ngụy biện secundum quid hay còn được biết đến với cái tên Khái quát hóa vội vã. Mỗi khi có một sự khái quát hóa dựa trên vài ví dụ, và nhiều khả năng không phải là những ví dụ mang tính đại diện, ngụy biện này bị phạm phải. Nó sử dụng lập luận từ những ví dụ nào đó để rút ra một quy tắc chung, dựa trên những bằng chứng không đầy đủ.
Tôi đã ở Cambridge trong vòng mười phút và gặp ba người, tất cả đều say. Cả vùng đó chắc phải ở trong trạng thái nát rượu triền miên.
(Không nhất thiết vậy. Tối thứ Bảy bên ngoài trường Cao đẳng Trinity có thể rất khác so với trường Cao đẳng King’s vào Chủ nhật. Một kết luận tương tự về London cũng có thể được rút ra bởi một du khách người bắt gặp ba người khác vào buổi trưa ở ngoài tòa soạn báo.)
Ngụy biện này sai ở giả định về tư liệu nên được thiết lập. Cần phải nỗ lực thiết lập một mẫu thử đủ lớn và có đủ tính đại diện. Một hay hai ví dụ trong những trường hợp cụ thể không thể chứng minh được sự phỏng đoán của một quy tắc chung nhiều hơn việc tung một đồng tiền ra mặt ngửa có thể chứng minh rằng lúc nào cũng vậy.
Nhận dạng ngụy biện này cũng khiến chúng ta nhận ra rằng, vài ví dụ mục kích có thể mang tính ngoại lệ với bất kỳ quy tắc chung phổ biến nào.
Đừng mua sắm ở đây. Tôi từng mua một ít phô mai ở đây và chúng bị mốc.
(Nghe có vẻ như một sự kết tội dựa trên nền tảng quá hẹp.)
Ở đây đòi hỏi có óc phán đoán tốt để phân biệt giữa ngụy biện Khái quát hóa vội vã và trường hợp mà một hay hai ví dụ là đủ để đưa ra một phán quyết có căn cứ. Ví dụ khi đánh giá tính phù hợp của một ứng viên cho vị trí cha mẹ nuôi, sẽ là khôn ngoan để đưa ra phán quyết dựa trên chỉ một vụ việc quấy nhiễu trẻ em trong quá khứ. Trong bộ phim Dr. Stranglove, khi người chỉ huy trong lúc bấn loạn tinh thần đã ra lệnh cho phi đội của mình tấn công hạt nhân vào Liên Bang Xô Viết, vị tướng trong phim trấn an Tổng thống: “Ngài không thể kết tội cả hệ thống chỉ vì một trường hợp được.” Cả hai ví dụ này đều liên quan đến những hệ thống tìm kiếm phạm vi an toàn 100% và trong đó một ngoại lệ có thể hợp thức hóa một phán quyết. Ngụy biện Khái quát hóa vội vã bao quát hầu hết những trường hợp tổng quát khác nằm ngoài phạm vi của nó.
Một du khách khi đánh giá tình trạng dân cư ở London từ kinh nghiệm của mình trong đám cưới hoàng gia, thì nhiều khả năng đánh giá đó cũng sẽ sai như một người đưa ra đánh giá tương tự về Aderbeen trong ngày quyên góp từ thiện. Quy tắc cơ bản là “đừng vội vàng đưa ra kết luận”.
Những người điều tra khảo sát ý kiến công chúng thường cố gắng rất cẩn thận để tránh những Khái quát hóa vội vã. Một khảo sát nổi tiếng của Mỹ đã từng sai khi dự đoán người thắng cuộc là đảng Cộng Hòa do phỏng vấn trên điện thoại, mà không nhận ra rằng số người theo đảng Dân Chủ có điện thoại ít hơn. Các đảng chính trị dù ở đâu đi nữa cũng không tự gây hại thông qua việc thổi phồng sự ủng hộ của mình bằng cách đưa ra những dữ liệu thăm dò rất hiển nhiên không mang tính không đại diện.
Kiến thức khoa học cũng giống như một trận đánh với đầy những bom mìn Khái quát hóa vội vã. Những lý thuyết khoa học thường được đưa ra với rất ít những ví dụ hỗ trợ đằng sau chúng. Vấn đề là khi nào chúng ta biết được đã có đủ dẫn chứng lịch sử để một quy tắc tổng quát có thể lý giải chúng. Ngạc nhiên thay, câu trả lời là không bao giờ biết được. Khoa học vận hành với một khối kiến thức mà một phát hiện mới toanh nào đó có thể đột nhiên xuất hiện, và chỉ ra rằng những lý thuyết vững chắc nhất của khối kiến thức kia không có giá trị. Một tỷ quả táo có thể rơi trúng một tỷ cái đầu từ thời của Newton nhưng chỉ cần một quả táo rơi ngược lên trên để buộc chúng ta ít nhất phải điều chỉnh lý thuyết tổng quát đó.
Khái quát hóa vội vã sẽ rất hữu ích với bạn trong việc thuyết phục thính giả thông qua những đánh giá vô tình trùng khớp với quan điểm của bạn. Bạn nên đưa ra một hay hai ví dụ, nếu được hãy đưa ra những ví dụ nổi tiếng, như bằng chứng cho một đánh giá tổng quát.
Tất cả các diễn viên đều có xu hướng chống lại cánh tả. Để tôi nêu ra hai ví dụ cho bạn xem…
(Sau đó bạn hãy bôi xấu toàn bộ nghề này bằng cây cọ với nhựa đường bạn có được từ hai ví dụ.)
Dịch chuyển căn cứ
Mọi người có thể sử dụng kỹ thuật rào trước để khiến những luận điểm của mình trở nên tối nghĩa, hoặc có thể dùng kỹ thuật rút lui định nghĩa để tuyên bố rằng ngôn từ của họ mang một ý nghĩa khác. Trong phiên bản thứ ba của dạng lập luận mang tính phòng vệ này, kẻ ngụy biện có thể thực sự thay đổi toàn bộ cơ sở căn cứ đang sử dụng của mình, trong khi vẫn tiếp tục với luận điểm cũ. Khi người nói thay đổi bản chất của cái đang nói, anh ta đã phạm phải ngụy biện dịch chuyển căn cứ.
Tôi đã nói tôi thích dự án này, và tôi nghĩ nó rất tốt. Tuy nhiên, tôi có cùng chung suy nghĩ ngược chiều như tất cả các bạn đã từng nêu, tôi chỉ có thể nói rằng điều này củng cố thêm cái nhìn mà tôi đã có từ rất lâu, là dự án này không đủ để có thể được yêu thích cũng như không đủ tốt.
(Một cú nhảy từ bờ này sang bờ kia với sự uyển chuyển của người vũ công ba lê, như trong hoàn cảnh lâm vào tuyệt vọng khi bị bỏ lại phía sau.)
Sự dối lừa chính là nguồn gốc của ngụy biện này. Những phê phán luận điểm ban đầu được né tránh bằng cách chuyển sang một luận điểm khác. Theo hướng mới đó, lập luận được đưa ra trên luận điểm như được hiểu, nó không liên quan gì đến luận điểm mới − cái được nêu ra sau này. Tương tự như vậy, một phê bình chỉ trích phải bắt đầu lại từ luận điểm mới vì những chỉ trích trước giờ chưa xoay quanh luận điểm mới đó.
Tôi đã nói chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn sau kỳ bầu cử này. Nhìn xem, cả hai chúng ta đều biết có rất nhiều thứ có thể khiến một đảng mạnh mẽ hơn. Tôi luôn nghĩ rằng việc một đảng có thể phản ứng tốt trước các chỉ trích là một nguồn sức mạnh. Giờ đây khi tỷ lệ ủng hộ theo ý kiến thăm dò của chúng ta giảm 9%, tôi nghĩ rằng…
(Lập luận này có thể được bắt gặp ở bất kỳ đảng phái nào trong bất kỳ cuộc bầu cử nào trừ những người thắng cuộc. Nó cũng tương đương với “tôi không cho rằng thua 5-1 là một thất bại của bóng đá Scotland. Nó giống một thử thách hơn…”)
Những thay đổi trong vận may chính trị cũng thường trùng hợp với những dịch chuyển căn cứ trong ngụy biện này. Chuyện các chính trị gia không bao giờ được thay đổi suy nghĩ của mình là một quy tắc rõ ràng rất ngớ ngẩn. Thay đổi suy nghĩ − nghĩa là người chính trị gia thừa nhận mình từng sai trước đây, như vậy cũng có nghĩa là, có thể bây giờ người này cũng đang sai. Do đó, tính không thể mắc sai lầm phải được duy trì. Dù rằng dịch chuyển căn cứ với chúng ta có vẻ không an toàn nhưng nó mang lại một nền tảng vững chắc cho tính liên tục của hoạt động chính trị.
Có một nhánh lập luận tôn giáo, trong đó bất kỳ thứ gì nếu sự tồn tại của chúng được chấp thuận, thì chúng được xem là thiêng liêng. Ở đây cơ sở lý luận có vẻ di chuyển khá tài tình qua rất nhiều châu lục, mà trong đó nhánh tôn giáo này bắt đầu thảo luận về một người đàn ông trên trời với bộ râu trắng và kết thúc trong sự suy ngẫm về nguồn gốc trừu tượng nào đó của vũ trụ.
Dịch chuyển căn cứ được dùng cho mục đích tự vệ. Bạn không thể thuyết phục người khác theo quan điểm mới của mình bằng kỹ thuật này nhưng bạn có thể sử dụng để tránh bị phát hiện ra mình sai. Khi đoàn quân chiến thắng đang diễu hành vào lãnh thổ của bạn sau trận chiến, họ sẽ ngạc nhiên khi thấy bạn hướng về lãnh thổ của họ trong một cuộc xâm lăng khác. Họ đã sai lầm khi cho rằng bạn là chỉ huy đội phòng vệ.
Sau khi nghe quan điểm của anh ta, tôi cảm thấy rằng việc ông Smith thêm vào từ “không” trong bản kiến nghị của tôi diễn tả đúng những gì tôi muốn nói. Do đó tôi chấp nhận sự chỉnh sửa của ông này như một ý kiến cải thiện bản kiến nghị của tôi.
Có những bài tập cơ bắp mà bạn phải luyện tập hàng ngày trước gương, chúng hỗ trợ những thay đổi xoắn trong tinh thần cần thiết cho việc dịch chuyển căn cứ nhanh chóng.
Đúng, tôi đã đi qua đèn báo hiệu xanh anh nhân viên hải quan à, và tôi có thể giải thích về chai rượu Scot đó.
(Có ai đó nhận ra chân anh này đang run lên không?)
Dịch chuyển gánh nặng bằng chứng
Dịch chuyển gánh nặng bằng chứng là một hình thái chuyên biệt của ngụy biện bất khả tri (argumentum ad ignorantiam). Nó bao gồm việc nêu ra một tuyên bố không đi kèm bằng chứng nào, tuyên bố đó dựa trên nền tảng rằng thính giả phải chứng minh được nó sai để bác bỏ nó.
Thông thường, chúng ta chấp nhận rằng luận điểm mới phải có bằng chứng hỗ trợ hay lý do viện dẫn được người nêu luận điểm đưa ra. Khi thay vào đó chúng ta được yêu cầu phải đưa ra lập luận chống lại luận điểm kia, người nêu luận điểm đã phạm ngụy biện dịch chuyển gánh nặng bằng chứng.
“Các em học sinh nên được góp tiếng nói chính trong quyết định tuyển chọn giáo viên của chúng.”
“Tại sao nên như thế?”
“Nêu thử cho tôi một lý do vì sao chúng không nên xem.”
(Lúc nào nó trông cũng có vẻ hợp lý hơn bản chất thực. Bạn cũng có thể yêu cầu trao cho người gác cổng, người phục vụ căn tin trường, hay người đánh xe ngựa quyền được góp tiếng nói tương tự. Suy nghĩ thử xem, họ còn làm nhiệm vụ đó tốt hơn.)
Chính bản thân đề xuất vừa nêu ra mới là cái cần được viện chứng chứ không phải ý kiến chống đối. Nguồn gốc của ngụy biện này nằm ở giả định ẩn tàng rằng thứ gì đó phải được chấp nhận, trừ khi chúng được chứng minh là không đúng. Thực tế, trách nhiệm trình bày lý do nằm ở người muốn thay đổi thực trạng hiện tại. Anh này phải chỉ ra tại sao những lệ thường và niềm tin hiện tại theo cách nào đó không đủ và tại sao đề xuất của anh này vượt trội hơn.
Tôi tin rằng một âm mưu bí mật của hội Giáo Phái Khai Sáng đã ngầm giật dây những sự kiện trên thế giới hàng trăm năm qua. Hãy chứng minh không phải vậy tôi xem nào.
(Chúng tôi không phải chứng minh cũng như phải chứng minh điều đó không được thực hiện bởi những con quỷ lùn vô hình hay những kẻ xâm lăng từ Chòm sao Tiên nữ sống trong những kim tự tháp dưới mũi tam giác Bermuda.)
Châm ngôn được rút ngắn của William xứ Occam, “không nên nhân lên nhiều thực thể hơn nhu cầu cơ bản”, khuyên chúng ta không nên đưa ra nhiều cách lý giải hơn cái cần thiết phải được lý giải. Những sự kiện trên thế giới đã được lý giải bởi những ý tưởng siêu phàm, sự tiến hóa hay chỉ là sự hỗn độn ngẫu nhiên. Chúng ta không cần thêm những trù liệu của Giáo Phái Khai Sáng mà chính người đưa ra lập luận về giáo phái này phải đưa kèm những bằng chứng cần thiết để lý giải nó.
Dịch chuyển gánh nặng bằng chứng là một ngụy biện được sử dụng rất rộng rãi và phổ biến. Quan niệm phổ biến của con người cho rằng người nói câu “hãy chứng minh đi” và người nói câu “hãy chứng minh không phải đi” đều có vị trí như nhau. Đó là một quan niệm sai lầm. Người yêu cầu đưa ra bằng chứng chỉ đơn thuần là tuyên bố việc không chấp nhận nhiều hơn những gì bằng chứng có thể chứng minh. Người kia tuyên bố với giả định rằng có thể chấp nhận nhiều hơn thế.
Ngụy biện này là cái nạng mỏng manh bị đè lên bởi cả trọng lượng của vật thể bay không xác định, tri giác ngoài giác quan, những con quái vật, ma quỷ và những chiếc muỗng bị cong không rõ nguyên nhân. Những người ủng hộ các hiện tượng này và nhiều những hiện tượng siêu nhiên khác cố gắng thuyết phục chúng ta chấp nhận gánh nặng của việc thiết lập sự dối lừa. Một khi gánh nặng đó đã cất cánh thì nó sẽ bay đến miền vô định. Không chỉ cực kỳ khó để chứng minh thứ gì đó không tồn tại mà còn có vô số những khả năng để kiểm tra.
Bạn sẽ cần dịch chuyển gánh nặng bằng chứng nếu bạn có ý định xâm nhập phá hoại thế giới của những thực thể siêu hình. Thay vì sử dụng cách nói đơn giản “bạn chứng minh nó không đúng thử xem”, bạn nên khoác cho ngụy biện của mình lớp vỏ quanh co đầy màu mè.
Bạn có thể chỉ ra cho tôi thấy một bằng chứng thuyết phục thực sự bác bỏ được cái này hay không…?
(Câu nói này xúi giục người nghe đưa ra những ví dụ giúp bạn có cơ hội sử dụng kỹ thuật “bác bỏ ví dụ” thay vì đưa ra bất kỳ lập luận nào bảo vệ luận điểm của bạn.)
Quan niệm sai lầm phổ biến về trách nhiệm phải đưa ra bằng chứng sẽ cho phép bạn đưa ra những quan điểm không cần chút bằng chứng nào. Bạn có thể tranh cãi về sự tồn tại của sư tử đầu chim, tính hoàn hảo của con người hay những dự định hòa bình của của những người theo trào lưu tôn giáo chính thống.
Lý luận tuột dốc
Lý luận tuột dốc quá ma mãnh để có thể đàm phán đến nỗi bước thăm dò đầu tiên của bạn vào vùng lý luận này cũng đủ để bạn tuột xuống tới đáy. Không ai trèo lên cái dốc trơn tuột được cả; chúng nghiêm chỉnh là cái dốc dẫn vào vùng thảm họa. Ngụy biện này cho rằng chỉ một bước duy nhất theo một hướng cụ thể nào đó chắc chắn không tránh khỏi cũng như không thể cưỡng lại việc dẫn đến những hệ quả bao trùm cả khoảng cách xa xôi. Có những trường hợp trong đó một bước dẫn đến một bước khác, và có những trường hợp không phải vậy. Ngụy biện này không giả định rằng sau bước đi đầu tiên những bước tiếp theo có thể được thực hiện, dẫn đến những hậu quả không dễ chịu, mà cho rằng, mọi chuyện bắt buộc phải diễn ra như vậy.
Rất ít khi xảy ra những trường hợp mà ai đó “tiêu đời” ngay trong bước đầu tiên; bước ra khỏi tầng cao của một tòa nhà cao tầng là một trong số đó. Nhưng với hầu hết các tình huống trong cuộc sống, con người có thể lựa chọn liệu có nên đi tiếp hay không. Tuy nhiên, những người phản đối quan điểm tiến bộ thường dùng lập luận tuột dốc để tuyên bố rằng bất kỳ cải cách nào cũng chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả không thể chấp nhận được.
Tôi phản đối việc giảm số tuổi tối thiểu được sử dụng bia rượu từ 21 xuống 18. Việc làm này chỉ dẫn đến yêu cầu trong đòi hỏi giảm độ tuổi xuống 16 trong tương lai. Sau đó sẽ là 14, và trước khi chúng ta kịp nhận ra những đứa trẻ mới sinh sẽ uống rượu chứ không phải sữa mẹ.
Quan điểm ở đây là những yếu tố dẫn đến việc quy định tuổi được uống rượu bia là 21 có thể thay đổi. Không yếu tố nào cho thấy mọi người phải tiếp tục thay đổi hay xã hội phải tiếp tục phản ứng trước vấn đề này.
Lý luận tuột dốc cơ bản tranh luận rằng bạn không thể làm gì mà không dẫn đến hậu quả mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát. Cách suy nghĩ này tạo ra ấn tượng sai lầm về tiến bộ của nhân loại, cái đã từ lâu thường được thực hiện bằng cách bước từng bước nhỏ thành công, trong khi những bước dài khác có thể gây nhiều tai hại.
Nếu chúng ta để những tư duy của người Pháp về thức ăn ảnh hưởng đến mình, chúng ta sẽ nhanh chóng chẳng ăn gì ngoài ốc sên và tỏi và dạy cho lũ trẻ con của chúng ta hát quốc ca Pháp.
(Dù rằng chúng sẽ giành vị trí của pizza và khoai tây chiên.)
Trong vài trường hợp, có một quan điểm nguyên tắc rất nguy hiểm: cái một khi đã được thông qua thì có thể cho phép mọi chuyện xảy ra. Tuy nhiên, nó không mang nhiều hơi hướng lý luận tuột dốc cho lắm vì chiều rơi là chiều thẳng đứng. Có một câu chuyện kể về cuộc trò chuyện trên bàn ăn tối giữa nhà soạn kịch George Bernard Shaw và một phụ nữ xinh đẹp.
“Cô có chịu ngủ với tôi với cái giá một triệu Bảng không?”
“Tại sao, có, tôi chấp nhận.”
“Vậy thì năm Bảng đây.”
“Năm Bảng! Ông nghĩ tôi là ai chứ?”
“Về nguyên tắc,chúng ta đã thiết lập khả năng đó. Giờ chúng ta hãy nói về giá cả nào.”
(Shaw đã đúng nhưng đây không phải lập luận lý luận tuột dốc, cái sẽ khiến người phụ nữ kia rơi vào sự đồi bại theo từng giai đoạn. Một khi nguyên tắc của vấn đề đã được thừa nhận, phần còn lại chỉ là trả giá.)
Trong một lý luận tuột dốc, sự hủy hoại trải qua nhiều giai đoạn. Ngụy biện này sử dụng những hậu quả không xác đáng lấy ra từ một hoạt động xa hơn để bác bỏ đề xuất được đưa ra từ thực tế có phạm vi nhỏ hơn.
Hãy tự mình sử dụng ngụy biện này để phản đối thay đổi. Hiếm có đề xuất nào không dẫn đến thảm họa nếu đi quá xa. Mọi người muốn thu tiền khách thăm quan hội chợ nhà thờ nhưng bạn chỉ ra rằng nếu thực hiện điều này, họ sẽ thu tiền nhiều hơn vào năm sau, rồi nhiều hơn nữa sau đó, cho đến khi người nghèo không có khả năng tham dự hội chợ nữa. Ngụy biện này phát huy hiệu quả nhất với những người bi quan, người lúc nào cũng sẵn sàng tin rằng mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn. Hãy cam đoan với họ rằng nếu họ làm bất cứ điều gì, điều tồi tệ đó chắc chắn sẽ xảy ra.