Cãi Gì Cũng Thắng - Chương 15
Biện hộ đặc biệt
Biện hộ đặc biệt liên quan đến việc ứng dụng một tiêu chuẩn kép. Dù rằng những quy tắc bằng chứng và lập luận thông thường được áp dụng cho hầu hết trường hợp, ngụy biện biện hộ đặc biệt quy ước rằng một vài trường hợp là những ngoại lệ để chúng được đánh giá theo một cách khác. Thường thì ngụy biện này xuất hiện khi người nói yêu cầu đối xử dễ dãi với nguyên nhân họ tán thành hơn những trường hợp khác.
Nỗ lực thảo luận của chúng tôi đã hoàn toàn bị phá hỏng vì những người khác cứ tán gẫu mãi.
(Nhìn xem ai đang tán gẫu kìa.)
Biện hộ đặc biệt là một trong những nguồn gốc của sai lầm. Nếu những tiêu chuẩn khác nhau được áp dụng vào những trường hợp cụ thể nào đó, chúng ta sẽ cần nhiều bằng chứng để chứng minh cho hành động này, nhiều hơn cái sự thật rằng, chúng ta muốn nhận được ưu đãi tốt hơn. Cũng những tiêu chuẩn đó, cái đã phủ nhận tuyên bố của những người khác, cũng sẽ phủ nhận tuyên bố của chính chúng ta. Nếu chúng ta nhận được sự đối đãi đặc biệt, làm thế nào chúng ta giải thích việc không áp dụng đối đãi đó cho những trường hợp khác? Lập luận phải tuân theo các quy tắc tổng quát và những ngoại lệ nếu muốn sử dụng phải được xác minh.
Dù rằng xâm phạm đời tư cá nhân của người khác là điều không đúng, nhưng với cánh nhà báo chúng ta, làm điều đó không sao cả, vì chúng ta phục vụ công chúng.
(Dù rằng chúng ta kiếm những đồng tiền cá nhân.)
Biện hộ đặc biệt thỉnh thoảng được mô tả như “quyền lợi của giới tăng lữ” vì quyền được xét xử trong tòa án nhà thờ mà nhà thờ trung cổ trao cho những tăng lữ phạm tội ngay cả khi đó là tội hình sự. Quyền lợi này, cái được gọi là “quyền lợi của giới tăng lữ”, chính là cái những kẻ sử dụng biện hộ đặc biệt luôn tìm kiếm − quyền được xét xử ở một tòa án khác.
Biện hộ đặc biệt thường được sử dụng bởi những người có luận điểm không thành công trong các phiên tòa chung. Đối mặt với xung đột giữa các ý tưởng và những bằng chứng, các nhà khoa học thay đổi ý tưởng của mình. Những người biện hộ đặc biệt như các nhà khoa học xã hội thích thay đổi bằng chứng và chỉ ra rằng tại sao những đánh giá thông thường không thể áp dụng trong trường hợp của họ được. Điều tối quan trọng là phải đưa ra nguyên nhân để xác minh những tiêu chuẩn đặc biệt.
Thông thường tôi sẽ phản đối việc nhổ nước bọt vào một hình tượng của công chúng, nhưng hiểm họa của sự nóng lên toàn cầu quá kinh khủng…
(Cũng như hiểm họa của việc dùng chất florua, thương mại ngày Chủ nhật hay những chú chó khỏa thân. Nó tùy thuộc vào việc bạn cảm thấy điều này hiểm họa đến mức nào.)
Ở mức độ cá nhân, tất cả chúng ta đều có xu hướng dễ dãi với bản thân hơn với người khác. Xét về hành vi, chúng ta nhìn chung thường kết tội người khác, và nghĩ ra nhiều lý do để tha thứ cho bản thân mình. Hành động chen hàng của chúng ta được lý giải bởi sự khẩn cấp nhưng người khác làm vậy thì không được. Hành động mua hàng bốc đồng của chúng ta được biện giải là do nhu cầu; những người khác hành động tương tự thì là vung tay quá trán. Cũng những tiêu chuẩn đã bào chữa cho bản thân chúng ta cũng sẽ bào chữa cho đội, nhóm, thị trấn và đất nước của chúng ta.
Khi sử dụng biện hộ đặc biệt để ủng hộ nhóm bè phái của chúng ta, hãy chắc rằng bạn luôn đưa ra được những lời bào chữa đặc biệt để giải thích cho trường hợp ngoại lệ đó. Không bao giờ chỉ vì đó là nhóm bè phái của chúng ta; mà lúc nào cũng phải là những trường hợp đặc biệt vì lợi ích công chúng.
Với bất kỳ cậu trai nào khác, tôi sẽ là người đầu tiên thừa nhận rằng, đốt ngôi trường này là điều sai; nhưng Micheal là do quá căng thẳng như những tài năng khác thường bị…
(Dường như những người tài năng có thể thoát khỏi tội đốt phá cũng như tội danh giết người.)
Người rơm
Người rơm trong lý luận không sợ ai cả. Không đám đông tự trọng nào muốn động vào một cọng lông của người rơm; hắn quá dễ ngã gục. Chính xác. Người rơm được cấu tạo cực kỳ dễ đổ ngã để khi bạn không có khả năng bác bỏ lập luận của đối phương, bạn có thể xô ngã gã người rơm. Nói ngắn gọn hơn, người rơm là một sự xuyên tạc luận điểm của đối phương do bạn tạo ra để có thể nhanh chóng xô ngã nó.
“Chúng ta nên tự do hóa các đạo luật về cần sa.”
“Không được. Bất kỳ xã hội nào được tiếp cận không giới hạn đến ma túy sẽ mất đi đạo đức công việc của mình, và chỉ làm việc khi nhận đút lót.”
(Sự suy đồi đi xuống đây rồi! Đề xuất ban đầu là tự do hóa các đạo luật cần sa; nhưng “được tiếp cận không giới hạn đến ma túy” tạo ra một mục tiêu ít ổn định hơn nhiều.)
Theo truyền thống, người rơm được xây dựng dưới hình thù một phát biểu phóng đại có chủ tâm về luận điểm của đối phương. Rất nhiều quan điểm dễ dàng bị thách thức nếu chúng được đẩy đến các cực điểm. Nếu đối thủ của bạn không biến bản thân mình thành một người cực đoan, bạn có thể góp vào một người rơm. Bất cứ sự xuyên tạc dễ dàng bị phản bác nào cũng có thể đóng vai hình nộm cho bạn.
Kỹ thuật người rơm mang tính ngụy biện vì người rơm chẳng đưa ra lập luận thực nào. Cũng giống như cái xã hội lý luận thiếu xác đáng (ignorati elenchi) của mình, người rơm chẳng liên quan đến vấn đề. Chức năng của người rơm là tính dễ dàng đổ ngã nhằm gợi lên sự khinh bỉ hướng đến hình tượng thực mà người rơm đại diện.
Những người cuồng nhiệt sử dụng mánh khóe người rơm giành những lời tán tụng lớn tiếng nhất cho những ai sử dụng thiết kế người rơm được che giấu kỹ càng. Điểm chính ở đây là người rơm không phải lúc nào cũng phải được tạo ra theo cách đặc biệt. Thông qua việc chọn lựa có chủ tâm một hình tượng ủng hộ yếu kém hoặc xuẩn ngốc từ bên đối phương, bác bỏ hình tượng này thay vì nhân vật chính, bạn có thể trở thành tay lão luyện trong nghệ thuật sử dụng người rơm.
Thậm chí ngày nay vẫn có những lời khen cho việc “phủ định” thuyết tiến hóa nếu một người biết cẩn thận phủ định Darwin. Thuyết tiến hóa hiện đại tiến bộ hơn nhiều khi có sự hỗ trợ của những kiến thức như gen di truyền. Nhưng bạn có thể biến Darwin thành một người rơm và bằng cách đánh ngã ông này bạn sẽ đem lại ấn tượng rằng bạn đã “phủ định” thành công thuyết tiến hóa.
Kỹ thuật thông thường trong tranh cử là chọn ra những phát ngôn viên ngu xuẩn hay dốt nát nhất của bên kia để đối phó cũng như bịa đặt ra những kẻ cực đoan − những kẻ ấy có thể bị đốn ngã với một đòn thế khinh biệt.
Làm sao chúng ta có thể ủng hộ đảng viên Đảng Dân chủ khi một trong những người hậu thuẫn của họ công khai ủng hộ “chính phủ của nhân dân lao động” như Liên Bang Nga từng làm?
(Binh! Bốp! Một người rơm nữa đo ván. Các lãnh đạo công đoàn cũng như những doanh nhân có thể rất ngây ngô trong chính trị và có thể trở thành những tấm bia ngon lành hơn những gã trơn tuột lãnh đạo các đảng phái.)
Về phương diện lịch sử, người rơm được sử dụng để chỉ ra sự nguy hiểm trong thay đổi. Một nhóm ít ỏi những nhà cải cách hay những người cấp tiến tranh đấu cho nhiều tự do hay lòng khoan dung hơn đã bị giẫm nát đến chết bởi tầng tầng những quân đoàn người rơm đứng sát bên nhau, la ó về tính vô chính phủ, sự phóng túng, hủy hoại xã hội, hay giết chết những người vô tội.
Sử dụng người rơm rất thú vị. Ai cũng cần phải giành một hai chiến thắng để có tinh thần tốt. Nếu không có chiến thắng thật nào thì trận đòn túi bụi vào gã người rơm có thể mang lại rất nhiều sinh khí. Bên cạnh lời khuyên đã nêu trên, sẽ là rất thông minh nếu bạn xây dựng và phá hủy người rơm của mình, bất cứ nơi đâu có thể, sau khi đối thủ đã hoàn thành tuyên bố của mình về chủ đề. Người rơm của bạn trông sẽ khá ngốc nghếch nằm trên đống bụi bặm nếu đối thủ của bạn có mặt ở đó để không thừa nhận gã người rơm này. Nếu đối phương không có mặt hay đã hoàn thành phần tuyên bố của mình, sẽ không ai phản đối rằng gã người rơm tan nát đang nằm dưới chân bạn kia chính là đối thủ của bạn chứ không phải một hình nộm bằng cỏ khô được bịa đặt một cách vội vàng để bị đánh ngã.
Ngụy biện ôn hòa (Temperantiam, argumentum ad)
Nếu các ngụy biện được trao quốc tịch, Ngụy biện ôn hòa sẽ mang quốc tịch Anh. Đây là ngụy biện của người Anh. Ngụy biện ôn hòa cho rằng cái nhìn ôn hòa là cái nhìn đúng, bất chấp những giá trị khác, nó xem sự ôn hòa là điểm chính trong tính hợp lý của một luận điểm.
Các công đoàn đòi hỏi 6%, ban quản trị đề nghị 2%. Liệu chúng ta có thể tránh đi tất cả những khó khăn và lãng phí của những cuộc đình công dài dằng dặc và đồng ý với mức 4% không?
(Nếu chúng ta làm thế, lần sau công đoàn sẽ đòi hỏi 20% và ban quản trị sẽ đề nghị trừ 4%.)
Ngụy biện ôn hòa kêu gọi bản năng phổ biến rằng mọi thứ đều ổn nếu nằm trong trạng thái ôn hòa. Ăn, uống và nghỉ ngơi ôn hòa đã được tán dương bởi những triết gia trong các tu viện − những người không có bất kỳ mong muốn cực đoan nào cho bản thân. Cách nhìn ôn hòa gợi lên cho tầng lớp thượng lưu Anh cảm giác rằng bất kỳ cảm giác hăng hái nào cũng là dấu hiệu của những hành vi hay nòi giống xấu. Con người không nên quá hăm hở. Điều này giải thích tại sao không ai trong số họ đặc biệt giỏi trong lĩnh vực nào cả, như thế cũng giải thích cho sự đi xuống đều đặn nhưng ôn hòa của họ.
Đây là một ngụy biện vì dù rằng sự ôn hòa có thể là một kim chỉ nam hữu ích để điều chỉnh những mong muốn của chúng ta, nó không có giá trị cụ thể nào trong tranh luận. Không có quy tắc nào nói rằng một cái nhìn đúng phải là trung bình hay trung gian của tất cả những cái nhìn được trình bày.
Nếu có hai nhóm người đang tranh luận với nhau, một nhóm cho rằng 2+2=4 và nhóm kia tuyên bố rằng 2+2=6, chắc chắn rằng một người Anh sẽ đi vào cuộc và dàn xếp 2+2=5 kèm theo sự lên án rằng cả hai nhóm đều quá cực đoan. Người này đúng khi mô tả hai nhóm người này là những kẻ cực đoan nhưng không đúng khi cho rằng điều này sẽ chứng minh họ sai.
Tôi đã thử, trong nhiệm kỳ của mình, đi theo hướng trung gian giữa một bên là sự thiên vị và một bên là sự chí công vô tư.
(Ông này có thể thêm vào: giữa sự thật và cái sai, giữa thói hư tật xấu và đức hạnh, giữa ngủ và thức, giữa có lý và phi lý.)
Ở những quốc gia, cũng như trong những tình huống khi trả giá phổ biến hơn những giao dịch cố định giá, mọi người thường thao túng các cực khác nhau để tạo ra ảnh hưởng đến suy nghĩ trung bình “công bằng”. Quá trình chính xác tương tự cũng được sử dụng trong cuộc sống cộng đồng, bằng cách bảo vệ một luận điểm quá khích để lôi kéo sự dàn xếp cuối cùng gần hơn với cái bạn mong muốn.
Chỉ có ở Anh người ta mới viết sách với tựa đề như Con đường chính giữa nâng tầm Ngụy biện ôn hòa lên thành một kim chỉ nam cho chính sách công. Đảng Tự Do từng tạo ra một thời kỳ huy hoàng với ngụy biện này bằng cách thường chọn một vị trí ở giữa hai đảng chính và theo nghi thức chung kết án hai đảng kia theo trường phái cực đoan. Hai đảng chính kia đáp trả bằng cách tự bản thân họ cố gắng giành được “cái nhìn trung gian”. Điều này dẫn đến những người theo Đảng Tự Do trở thành những kẻ cực đoan để thu hút sự chú ý. Ở Anh, Đảng Lao Động mới được xây dựng dựa trên cái nhìn ôn hòa. Họ gọi đó là Con Đường Thứ Ba.
Một bên thì đại diện cho tư bản chủ nghĩa; bên kia lại đứng về phía xã hội chủ nghĩa. Thay vào đó, chúng tôi đề xuất một chính sách cộng tác để thay thế những quan điểm chính trị cũ vốn rất mâu thuẫn và đầy tính cực đoan.
(Kiểu phát biểu này rất dễ nghe với những người có tư tưởng ôn hòa đến nỗi những đảng phái khác phải nhanh chóng sáng chế ra các phiên bản từ nó.)
Khi sử dụng Ngụy biện ôn hòa, bạn nên thử nuôi dưỡng bầu không khí công bằng thiển cận, như thế sẽ mang lại cho nó lợi thế tốt nhất. Hãy nhớ rằng đối thủ của bạn là những kẻ cực đoan, và nhiều khả năng rất nguy hiểm. Họ là những người gây chia rẽ và phá hoại. Chỉ có bạn, người chọn cách trung gian, bước trên con đường đoan chính của sự ôn hòa.
Bạn sẽ thấy nó rất hữu dụng khi sáng chế ra những luận điểm cực đoan để gán tính cực đoan cho những quan điểm của đối thủ.
Hội viên hội đồng Watson luôn thúc giục chính sách du lịch miễn phí cho những công dân cấp cao. Những người khác đề xuất rằng chúng ta nên thu họ 50% chi phí mỗi chuyến đi. Chắc chắn rằng cách hợp lý sẽ là bác bỏ hai đề xuất cực đoan này và chọn một giải pháp ôn hòa bằng việc thu phí 25% đúng không?
(Tất nhiên rồi, cuộc tranh luận diễn ra giữa 25 và 0. Con số 50 được đưa ra chỉ để hỗ trợ cho ngụy biện ôn hòa của bạn mà thôi.)
Hãy thử gây dựng một nhóm những công chức Bộ Ngoại Giao. Mọi việc diễn ra quá tự nhiên với họ, mỗi khi có ai đưa ra tuyên bố gì chống lại nước Anh, họ thừa nhận phân nửa tuyên bố đó, đến nỗi bạn có thể học cách sử dụng ngụy biện này rất dễ dàng và nhanh chóng. Bạn cần phải sử dụng ngụy biện này mau lẹ vì sẽ có rất nhiều người theo gót bạn.
Ví dụ, khi hai quốc gia đang tranh cãi với nhau về quyền sở hữu một vài hòn đảo, bạn phải là người đầu tiên nhảy vào đề nghị mỗi bên một hòn đảo. Sẽ có rất nhiều nhà ngoại giao Anh cố gắng vật lộn với bạn để đưa ra đề nghị này.
Đổ lỗi kiểu Thatcher
Khi chiếc mũ tròn đen lần đầu tiên xuất hiện, nó được gọi là mũ quả dưa. Người ta gọi nó như thế vì nó giống hình cái tô và vì nó được làm ra bởi anh em nhà Bowler. Thuật ngữ “Đổ lỗi kiểu Thatcher” có thể cũng xuất phát tương tự vì hai lý do: nó thường được sử dụng chống lại chính bản thân Thatcher, và nó bao quát tất cả mọi trường hợp cũng như cách Thatcher bao quát mọi chuyện.
Trong những năm đầu tiên tại nhiệm, Quý bà Thatcher bị đổ lỗi vì tình trạng nghèo khổ và thất nghiệp ở Anh. Tiếp đó, người ta lại đổ lỗi cho văn hóa trơ trẽn khi lớp người trẻ đầy hoài bão phô trương cái giàu mới của mình. Thatcher có vẻ như trong cả hai trường hợp đều sai.
Ngụy biện Đổ lỗi kiểu Thatcher bị phạm phải khi hành động đổ lỗi xảy ra bất chấp kết quả theo sau là gì. Trong ngụy biện này, các bằng chứng không còn giá trị liên quan nữa, vì sự kiện quyết đổ lỗi đã đi trước các kết quả của hành động. Thực ra, điểm chính trong “đổ lỗi kiểu Thatcher” là nó bao quát tất cả những kết quả có thể tưởng tượng được.
Nếu một chính sách được công bố ở Scotland trước khi nó được áp dụng tại Anh, lời buộc tội ở đây là: người Scotland bị xem như những con chuột thí nghiệm bị đẩy vào rủi ro chỉ để thử nghiệm chính sách đó. Mặt khác, nếu chính sách đó được công bố ở Anh trước, sau đó mới mở rộng sang Scotland, lời buộc tội sẽ là người Scotland lại một lần nữa bị bỏ ngoài cuộc. Cuối cùng, nếu chính sách đó được công bố cùng lúc tại Anh và Scotland, hành động này sẽ được xem là bằng chứng cho thấy những nhà làm luật không coi trọng đến những khác biết thiết yếu giữa Anh và Scotland. Sấp bạn thua, ngửa bạn cũng thua và nếu đồng tiền đứng thẳng bạn cũng thua.
Ngụy biện này phát huy tác dụng rất tốt ở nghị viện vì những nhóm phản biện bắt buộc phải phản bác cái gì đó. “Đổ lỗi kiểu Thatcher” cho phép chúng phản đối bất cứ điều gì chính phủ quyết định thực hiện bất chấp kết quả ra sao. Do đó, bất kỳ thứ gì được thực hiện nhanh chóng được xem là “vội vã một cách bất cẩn” trong khi những giải pháp cần thời gian được xem như “những trì hoãn không thể chấp nhận được”.
Ngụy biện này giả vờ rằng phán quyết được đưa ra dựa trên kết quả, trong khi phán quyết tiêu cực đó được áp dụng lên bất kỳ kết quả nào. Nó thường xuyên xuất hiện trên những tờ báo lá cải ở Anh, nơi mỗi khi một người nổi tiếng nào không còn được ưa chuộng, thì dường như bất kỳ hành động nào của họ cũng đáng bị lên án. Vì mục tiêu là hạ nhục đối phương, ngụy biện này không đưa ra phán quyết nào về đạo đức hay giá trị của hành động cả.
Tôi được mời đến một buổi lễ rửa tội, nhưng tôi chắc rằng họ sẽ trao cho đứa trẻ một cái tên kỳ quái, cái tên đó sẽ khiến mọi người cười nhạo nó. Hoặc là cái tên đó hoặc là một cái tên phổ biến chán ngắt không thể tưởng sẽ khiến đứa trẻ trở thành một kẻ tuân thủ vô vị.
Ngụy biện này rất dễ sử dụng vì nó câu kéo bản năng thích nghe cái xấu về người khác hơn là cái tốt. Rốt cuộc thì, những cuộc trò chuyện phiếm không đi vòng vo để khen ngợi những hành động đúng đắn của người khác. Để sử dụng hiệu quả ngụy biện này, bạn phải chất đầy khinh miệt lên một hành động được đề xuất nào đó, bằng cách tiên đoán một kết quả bất lợi. Khi đó bạn giới thiệu một kết quả thay thế với những từ như “Và thậm chí nếu…” Cách này cho phép bạn dự đoán những kết quả thảm khốc hơn. Người nghe sẽ không thể phát hiện ra rằng giống như trong ngụy biện này, bạn đã bao quát tất cả những trường hợp có thể tưởng tượng được.
Phản bác vụn vặt
Vấn đề với những phản bác vụn vặt là chúng hầu như không đụng chạm gì đến vấn đề trọng tâm. Sẽ là ngụy biện nếu phản bác một luận điểm dựa trên những khía cạnh nhỏ nhặt mang tính chất phụ hơn là đưa ra một câu trả lời cho tuyên bố trọng tâm mà luận điểm đó đưa ra.
Tôi hoàn toàn phản đối việc xây một con đường mới vòng quanh thị trấn. Nó sẽ khiến cho tất cả những bản đồ của chúng ta bị lỗi thời.
(Hiếm khi số phận của những con đường được định đoạt dựa trên ảnh hưởng của chúng lên những tấm bản đồ. Thế nghĩa là, dù sao đi nữa, những ai không nhận ra những tấm bản đồ kia có vai trò gì với các thị trấn sẽ có thể quyết định rất kì quặc trong một trường hợp như thế.)
Ngụy biện này có quan hệ thân thuộc với ngụy biện người rơm. Thay vì đối đầu trực tiếp với đối thủ, trong trường hợp này, nó chỉ đối đầu với một vài khía cạnh trong đó. Những phản bác vụn vặt nhiều khả năng có căn cứ vững chắc; vấn đề là chúng quá vụn vặt và không đủ để đánh sập luận điểm được trình bày ở đây. Chúng là ngụy biện không phải vì chúng sai, mà vì không theo sát nhiệm vụ được giao.
Chúng ta không thể tán thành bất kỳ sự can thiệp nào vào chiến tranh đất đai ở châu Âu. Hãy nghĩ xem liệu những sự can thiệp đó có thể ảnh hưởng thế nào đến nguồn cung sữa có thể để lâu từ lục địa này.
(Sự chính trực, danh dự và vinh quang thỉnh thoảng có vẻ là những lý do khá vụn vặt nhưng sữa có thể để lâu thì…)
Vị trí thành viên liên kết của Liên minh châu Âu thời còn được biết đến với cái tên Cộng đồng Kinh tế châu Âu bị thủ tướng Anh từ chối, vì vị trí đó “thấp hơn phẩm giá của chúng ta”.
Những phản bác vụn vặt có xu hướng xuất hiện khi mũi tấn công chính của một lập luận rất khó bị chống lại. Chúng thường xuất hiện như những khó khăn thực tế, để cản đường những đề xuất phổ biến.
Dù rằng cấm xe trên đường High Street sẽ khiến hoạt động mua bán của cửa hàng tôi bị ảnh hưởng nặng nề, tôi vẫn đồng tình với số đông ngoại trừ một thứ. Chúng ta không có một người thợ làm biển báo nào có thể chế tạo ra những biển báo đường cần thiết.
Thường rất khó để phản bác lại quá trình dân chủ mà không bị xem là thiếu dân chủ. Ngụy biện phản bác vụn vặt cho phép một sự kết hợp giữa việc sẵn lòng chấp nhận một ý tưởng với tính thù địch trước bất kỳ đề xuất thực tế nào. Những cuộc bầu cử có thể bị phản đối vì đòi hỏi quá nhiều công việc giấy tờ. Những cuộc trưng cầu dân ý dù rằng bản chất là tốt lại có thể bị phản đối vì quá tốn kém.
Tất nhiên chúng ta với vai trò giáo viên muốn phụ huynh phải có tiếng nói cuối cùng về vấn đề này; nhưng không có hội trường nào đủ lớn cho một cuộc họp như vậy cả.
(Một cuộc họp của các giáo viên, những người thực sự ủng hộ đề xuất này, trong khi đó, có thể tổ chức cạnh một kệ tủ đựng chén bát.)
Khi bạn đang tìm kiếm những phản bác vụn vặt, cái có thể chống lại những ý tưởng vốn rất khó nếu phải đối đầu trực tiếp, bạn lúc nào cũng có thể đưa ra những phản bác từ các tình huống giả thuyết rất ít khả năng xảy ra.
Vâng thưa cha, con muốn đi nhà thờ thường xuyên hơn nữa. Nhưng lỡ ngôi nhà của con bị cháy vào Chủ nhật khi con vắng nhà thì sao?
(Tại sao, nó sẽ trở thành một biện minh bốc lửa như biện minh trên.)
Nếu bạn chú tâm vào những phản bác của mình, liệt kê chúng ra, và chỉ ra rằng mỗi phản bác có căn cứ ra sao, người nghe sẽ bị ấn tượng nhiều hơn bởi trọng lượng của những con số, cũng như sẽ không để ý đến sự thiếu vắng nội dung cơ bản trong đó.
Tôi cũng thích ý tưởng mở rộng lựa chọn hơn bằng cách có nhiều máy bán hàng trên tàu lửa nhưng có tám phản bác. Đầu tiên, làm thế nào những hành khách cố gắng có được những đồng tiền lẻ của họ? Thứ hai…
(Rất tốt, miễn sao bạn không đề cập tới phản bác thật sự, cái có sẽ cho phép mọi người chiến thắng lập luận tồi của bạn. Hãy bám lấy những lập luận vụn vặt, chúng an toàn hơn.)