Cãi Gì Cũng Thắng - Chương 16
Anh cũng thế (Tu quoque)
Tu quoque có nghĩa là “Anh cũng thế” và ngụy biện này xảy ra khi một luận điểm bị đánh giá thấp, bằng tuyên bố rằng bản thân người đưa ra đề nghị có tội bởi những gì anh này nói. Có một sự thay đổi chủ đề từ tuyên bố thực hiện bởi người đưa ra đề nghị thành tuyên bố chống lại anh này. (“Bạn kết tội tôi lạm dụng chức quyền, nhưng chính bạn là người bị bắt gặp cho đỗ xe công ty ở trường đua ngựa địa phương!”)
Với một chút ít tinh tế hơn, ngụy biện Anh cũng thế có thể được sử dụng để hạ thấp một kết tội bằng cách hạ thấp người kết tội.
Và giờ tôi chuyển sang lời buộc tội của bà Green, rằng tôi đã lừa dối xã hội này có chủ ý bằng lợi ích cá nhân của tôi trong công ty liên quan. Liệu tôi có thể nhắc anh rằng lời buộc tội này đến từ bà Green, người đã im lặng khi con rể của bà ta thu lợi từ quyết định của chúng tôi thông qua khu đất thừa của chúng tôi. Một nguồn kết tội như thế khó mà tin cậy được, chắc chắn anh phải đồng tình với tôi.
(Tôi cho là anh ta đã làm thế.)
Ngụy biện Anh cũng thế xuất hiện vì chúng không giải quyết chủ đề chính của cuộc thảo luận. Một chủ đề mới được đưa ra là, lý lịch của người có liên quan. Cái đúng hay sai của một tuyên bố không liên quan gì đến lý lịch của người đưa ra tuyên bố cả. Bằng chứng chống lại hay ủng hộ tuyên bố đó không thể thay thế bằng những tình tiết về các hành vi trước đây của người đưa ra tuyên bố kia.
Một phiên bản khác của ngụy biện Anh cũng thế để hạ thấp cái đang được đề cập bằng cách chỉ ra rằng, cái đó không nhất quán với những quan điểm trước đây của người nói.
Tại sao chúng ta phải nghe ý kiến ủng hộ của Brown về vấn đề khu đậu xe mới, khi chỉ mới năm ngoái, anh ấy đã phản đối toàn bộ ý tưởng trên?
(Vì một lý do, nếu các lập luận đã làm anh này thay đổi suy nghĩ, chúng có thể đáng để lắng nghe. Vì một lý do khác, có thể đã có nhiều xe hơn.)
Bởi vì ai đó từng phản đối một ý tưởng không loại trừ khả năng lập luận của họ là một lập luận đúng. Dù vậy, ngụy biện này được hỗ trợ bằng khuynh hướng mạnh mẽ lúc nào cũng muốn nhất quán trong chúng ta. Thị trưởng mới thấy rất khó để tranh cãi ngay thẳng trong năm nay để ủng hộ chiếc limousine công, mà chính ông này đã phản đối kịch liệt với người tiền nhiệm của mình.
Những phiên chất vấn của nghị viện Anh là ngôi nhà của ngụy biện Anh cũng thế. Thực tế, kỹ năng trả lời những câu hỏi thường đặc biệt đo lường sự khéo léo của người trả lời với loại ngụy biện này. Đây là lý do tại sao trả lời các câu hỏi về hiện tại và tương lai luôn bắt đầu với cụm từ:
Liệu tôi có thể nhắc nhở những người bạn đồng nghiệp đáng kính của tôi không…
(Tất nhiên người này đang nhắc nhở đối phương của mình rằng họ đã làm điều đó sớm hơn, lâu hơn, sâu hơn, lớn tiếng hơn và tệ hơn. Đây là lý do vì sao những lời buộc tội đặc biệt có thể bị chối bỏ.)
Một phiên chất vấn nghị viện luôn được biết đến ở nghị viện với cái tên “PQ”. Đây là một cuộc đối đầu tuyệt vời khi câu trả lời cho “PQ” là cái được gọi tắt với cái tên “TQ” (tu quoque).
Ngụy biện Anh cũng thế rất dễ sử dụng, vì ai cũng có lúc thiếu nhất quán, và rất ít người có quá khứ không tì vết. Bạn có thể tranh luận rằng ai đã từng thay đổi quyết định của mình thì đã chứng minh rằng họ phải bị sai ít nhất lúc nào đó và trường hợp này có thể là một trong những lần sai lầm đó. Nếu bạn không tìm thấy bất cứ lý do gì để hạ thấp đối thủ của mình, thậm chí thực tế này cũng có thể sử dụng để triệt hạ cái đối phương đang nói. Chúng ta đều có điểm yếu, sao anh ta không có chứ?
Với những lời buộc tội này tôi khó lòng mà biện hộ gì nhiều cho mình được, tất cả những gì tôi có thể nói là hãy nhìn vào Quý ngài to lớn lúc nào cũng đúng kia kìa.
(Và chắc rằng anh này cũng khá “lúc nào cũng đúng”.)
Tam đoạn luận giản ước không chấp nhận
Một tam đoạn luận giản ước là một lập luận với một trong những bước được hiểu ngầm chứ không nói ra. Lập luận này không vấn đề gì nếu cả hai bên đều chấp nhận giả định ngầm kia. Khi yếu tố ngầm không được chấp nhận, chúng ta đã đi vào vùng đất của ngụy biện.
Bill chắc chắn ngu xuẩn. Người nào phải rất ngu xuẩn mới thi rớt lái xe được.
(Trong khi một người nghe ở trình độ trung bình có thể gật đầu đồng ý với ý kiến này, người này sẽ rất lúng túng khi phát hiện ra rằng Bill không rớt kỳ thi lái xe. Ngụy biện này chỉ phát huy tác dụng nếu điều đó được giả định.)
Trong trường hợp này, ngụy biện xảy ra vì một yếu tố quan trọng của lập luận đã bị loại bỏ. Nếu cả hai bên đều đồng tình với giả định, thì nó tồn tại dù rằng không được nói ra. Chỉ khi người nghe đưa ra giả định, người này mới nghĩ rằng lập luận được ủng hộ nhiều hơn thực chất sự việc. Chúng ta thường bỏ qua những bước quan trọng vì chúng hay được hiểu là tồn tại sẵn nhưng chúng ta phải nhận ra rằng, có thể có những lệch pha trong các giả định của chúng ta.
Tôi hy vọng sớm trả tiền cho ngân hàng ông Smith à. Dì quá cố của tôi nói rằng bà sẽ thưởng cho người từng chăm sóc bà.
(Giám đốc ngân hàng, người đã ngạc nhiên vì khoản nợ chưa thanh toán, sẽ càng ngạc nhiên hơn nữa khi bạn nói cho ông ta biết rằng bạn đã bỏ mặc dì mình như thế nào.)
Vì chúng ta sử dụng tam đoạn luận giản ước đều đặn để tránh khỏi phải nhọc nhằn nêu ra tất cả thông tin, nên đã tạo cơ hội cho ngụy biện này trỗi dậy. Người sốt sắng đến thăm bạn với mong muốn bàn luận về Kinh Thánh với bạn sẽ thôi ý định đó nếu bạn nói “Tôi theo đạo Phật”; vì cả hai bên đều chấp nhận hiện thực ngầm rằng những tín đồ Phật Giáo không bàn luận về Kinh Thánh. Tuy nhiên nếu thay vào đó bạn trả lời “Những tín đồ Phật Giáo không bàn luận về Kinh Thánh,” người kia cũng sẽ thoái lui vì đưa ra giả định hiển nhiên rằng bạn là một tín đồ Phật Giáo. (Hãy chắc rằng bạn đã chuẩn bị một câu trả lời tốt trong trường hợp bạn gặp người này tại nhà thờ vào Chủ nhật tiếp theo.)
Tam đoạn luận giản ước không chấp nhận hình thành những cái nạng chống đỡ những lời bào chữa tệ hại. Người nghe sẽ hào phóng che phủ chúng bằng những phần chưa được nêu ra cần thiết để hoàn thành lập luận, thay vì để chúng trần truồng trong xấu hổ.
Em yêu à, anh xin lỗi. Những người bận rộn thường quên những thứ như các ngày lễ kỷ niệm.
(Lập luận này ổn cho đến khi những đồng nghiệp của bạn khai ra rằng bạn chẳng làm gì cả trong hai tháng trời ngoại trừ việc ngồi chơi ô chữ trên tờ Telegraph.)
Ngụy biện này rất dễ sử dụng và có thể cứu bạn trong rất nhiều trường hợp. Quá trình rất đơn giản. Hãy đưa ra một phát biểu chung để trả lời cho một tình huống cụ thể. Người nghe sẽ tự đồng giả định phần tiền đề còn lại: rằng tình huống chung đó áp dụng cho trường hợp cụ thể này. Cái mọi người thường làm trong những tình huống cụ thể là chỉ liên quan đến những buộc tội chống lại bạn, nếu tồn tại giả định rằng bạn thực sự đã có mặt trong những tình huống đó. Tam đoạn luận giản ước không chấp nhận kia sẽ chui qua trót lọt như những tam đoạn luận giản ước thông thường.
Phải, tôi đến khá trễ. Người ta không thể dựa vào xe buýt và tàu hỏa nữa rồi.
(Đúng vậy, nhưng bạn chỉ phải đi bộ qua một ngã tư thôi mà.)
Bạn có thể đưa ra những tuyên bố tương tự trong khi thảo luận về ai đó. Sự vui sướng khi được ngồi lê đôi mách và quyết tâm tin vào những cái xấu nhất ở những người khác sẽ giúp Tam đoạn luận giản ước vốn không được chấp nhận trà trộn vào đám khách mời.
Tôi không hài lòng với sự chọn lựa của Smith. Không ai có thể hài lòng với những người rình mò đào mỏ những góa phụ giàu có.
(Cũng như không ai sẽ hạnh phúc với những hệ lụy không thể nói trước về chuyện này.)
Trung tố phân bổ lệch
Một ví dụ kinh điển trong ngụy biện mà học sinh nào cũng biết là lập luận rằng vì tất cả ngựa đều có bốn chân, và vì chó cũng có bốn chân, do đó tất cả ngựa cũng là chó. Đây chính là phiên bản đơn giản nhất của ngụy biện nổi tiếng về trung tố phân bổ lệch. Thực tế cả ngựa và chó đều có bốn chân, nhưng không loài nào bao quát toàn bộ nhóm động vật bốn chân cả. Điều này tạo ra cơ hội cho chó và ngựa khác nhau, và khác so với những động vật khác, những loài nằm trong nhóm bốn chân nhưng có thể không trùng với hai loài kia.
“Trung tố”, cái được loại bỏ một cách cẩu thả để khiến nó được phân bổ đều, là từ xuất hiện trong hai dòng đầu tiên trong một tam đoạn luận nhưng không xuất hiện trong kết luận. Tam đoạn luận kinh điển đòi hỏi trung tố phải bao quát ít nhất một lần tổng thể nhóm sự việc của nó. Nếu không, nó không phân bổ đều.
Tất cả đàn ông đều là động vật có vú. Vài động vật có vú là những con thỏ, do đó, vài người đàn ông là những con thỏ.
(Dù rằng hai câu đầu đúng, cụm từ “động vật có vú” chưa từng có ý nhắc đến tất cả động vật có vú. Từ trung gian ở đây do đó phân bổ lệch và suy luận này không có căn cứ.)
Suy nghĩ hợp lý thông thường sẽ có thể chỉ ra tại sao trung tố phân bổ lệch mang tính ngụy biện. Tam đoạn luận tiêu chuẩn (syllogism) phát huy hiệu quả bằng cách nối một sự việc đến một cái khác bằng quan hệ mà chúng cùng có với cái thứ ba. Chỉ khi ít nhất một trong những quan hệ đó áp dụng cho toàn bộ cái thứ ba mà chúng ta biết thì mới có thể chắc chắn về quan hệ được.
Chúng ta không thể nói rằng những người quan liêu là những bạo chúa nhỏ nhen chỉ vì những người quan liêu hay thích xen vào việc của người khác, và những bạo chúa nhỏ nhen cũng hay thích xen vào việc của người khác. Nhiều khả năng những tay nghiện rượu gin cũng thích xen vào việc của người khác, nhưng điều đó không có nghĩa là những người quan liêu là kẻ nghiện rượu gin. (Cuộc sống có thể sẽ thú vị hơn nếu những người quan liêu thực sự như vậy.) Ngụy biện này thường xuất hiện dưới hình thái “những khuyết điểm như nhau”.
Kẻ áp bức tồi tệ nhất với giới lao động là những tay địa chủ. Jones là một tay địa chủ, do đó Jones chắc chắn phải là kẻ áp bức tồi tệ nhất với những người lao động.
(Chạy nhanh đi Jones trước khi có ai đó chỉ ra rằng những kẻ áp bức tồi tệ nhất với giới lao động là con người. Vì Jones là con người…)
Điều tuyệt vời về trung tố phân bố lệch là bạn có thể phân bổ lệch những trung tố mới như các ví dụ “sâu hơn” để ủng hộ cho những trung tố phân bổ lệch trước đó. (Những kẻ áp bức tồi tệ nhất với giới lao động cũng mang giày; Jones mang giày…)
Những người dùng lão luyện sẽ chịu khó tìm ra cụm từ nào là phân bổ đều và lệch. Người này sẽ học được một quy tắc đơn giản: “Thể khái quát chứa đựng các chủ ngữ phân bổ đều, thể phủ định có những vị ngữ phân bổ đều.” Thể khái quát là những câu miêu tả toàn bộ hay không có thành viên nào trong nhóm và thể phủ định nói với chúng ta rằng nó không phải vậy. Được trang bị những thông tin kỹ thuật, chuyên gia kia có khả năng bắt thính giả phải chịu những điều quái dị như:
Tất cả y tá đều thực sự là những con người tuyệt vời, nhưng có lúc những người thực sự tuyệt vời không được tưởng thưởng xứng đáng. Do đó, vài y tá không được tưởng thưởng xứng đáng.
(Có thể điều này đúng nhưng người nói có đưa ra lập luận nào không? Vì trung tố “những người thực sự tuyệt vời” có thể là chủ ngữ của một thể khái quát hay vị ngữ của một thể phủ định, nó không phân bổ đều. Do đó, cái chúng ta có ở đây là một ngụy biện trung tố phân bổ lệch rất phức tạp.)
Dẹp qua một bên những cách sử dụng mang tính kỹ thuật, ngụy biện này, trong hình thái đơn giản nhất của nó, đem lại rất nhiều thành công nếu được áp dụng một cách có hệ thống. Bạn nên sử dụng nó để đạt được sự chấp thuận cho bất kỳ thứ gì bạn ủng hộ, bằng cách chỉ ra rằng nó có cùng những phẩm chất đến thế nào với thứ gì đó được thán phục rộng rãi. Tương tự, những ý kiến phản đối có thể bị mất uy tín, bằng cách cho thấy rằng chúng có cùng phẩm chất với những thứ bị ghét bỏ rộng rãi.
Hình thức công đoàn đóng là ý muốn của đại đa số; và dân chủ là ý kiến của đại đa số. Hình thức công đoàn đóng chỉ là dân chủ.
(Tôi ký ở đâu [Bạn đã ký rồi])
Chủ nghĩa ưu tú chỉ có lợi cho một số người, và tennis cũng là thứ chỉ có lợi cho một số người, do đó tennis là chủ nghĩa ưu tú.
(Sai!)
Sự hoàn hảo bất khả thi
Khi những lập luận ủng hộ hay phản bác một hành động được đem ra đánh giá, điều quan trọng cần phải nhớ là, các lựa chọn phải xuất phát từ những gì có sẵn. Tất cả chúng đều có thể bị chỉ trích vì tình trạng không hoàn hảo. Trừ khi một trong những lựa chọn là hoàn hảo, sự không hoàn hảo của những lựa chọn khác là những nền tảng đủ để từ chối chúng. Ngụy biện sự hoàn hảo bất khả thi xảy ra khi sự thiếu hoàn hảo được sử dụng như nền tảng cho một sự từ chối, dù rằng không lựa chọn nào là hoàn hảo cả.
Chúng ta nên cấm việc sản xuất điện hạt nhân vì hoạt động đó không bao giờ có thể hoàn toàn an toàn cả.
(Than, dầu và thủy điện cũng thế, tất cả đều gây ra tử vong mỗi ngày trong quá trình sản xuất và sử dụng. Câu hỏi đặt ra là liệu điện hạt nhân tốt hơn hay kém hơn chúng.)
Nếu không lựa chọn nào hoàn hảo, bao gồm cả việc không làm gì cả; thì sự thiếu hoàn hảo không phải là lý do để phân biệt chúng. Để chọn lựa, tính hòan hảo chẳng liên quan gì. Nếu sử dụng để chỉ trích chỉ một lựa chọn, cách lập luận này đưa ra một lập luận chống lại lựa chọn đó một cách thiếu công bằng, vì nó có thể áp dụng cho tất cả những lựa chọn khác.
Tôi không đồng ý đi đến những hòn đảo của Hy Lạp, vì chúng ta không thể chắc chắn rằng mình sẽ có khoảng thời gian vui vẻ ở đó.
(Khi nào bạn tìm ra một điểm đến mà bạn có thể chắc chắn thì nói cho tôi biết.)
Ngụy biện này rất thường được sử dụng để từ chối những thay đổi tình trạng hiện tại dù rằng bản thân tình trạng đó cũng không hoàn hảo.
Chúng ta phải cấm loại thuốc trị bệnh tim mới, vì chúng thỉnh thoảng gây ra tình trạng rối loạn thần kinh.
(Lập luận này trông có vẻ ổn nhưng sẽ thế nào nếu 15.000 bệnh nhân hiện tại đang tử vong mỗi năm vì căn bệnh này được cứu bởi loại thuốc mới? Trạng thái hiện tại cũng không hoàn hảo.)
Những bộ phim phóng sự trên truyền hình và các chương trình công là những nguồn tư liệu xuất sắc cho ngụy biện sự hoàn hảo bất khả thi. Bất kỳ một đề xuất mới nào từ chính phủ, bất kỳ chính phủ nào, cũng sẽ bị phân tích chi tiết để tìm ra khuyết điểm trong đó. Những góa phụ yếu ớt và những người mẹ đang vật lộn với cuộc sống dưới ống kính sẽ đại diện cho những nhọc nhằn trong cuộc sống, và người xem sẽ có cảm giác không dễ chịu chút nào rằng, chính phủ quá thiếu suy nghĩ. Chính biện pháp này cũng có thể được áp dụng cho tình trạng hiện tại.
Ngụy biện này ám ảnh những căn phòng hội trường lớn sáng bóng − nơi tổ chức những cuộc họp ủy ban. Ở mỗi ủy ban đều có một người, thường là có thâm niên với nhiệm vụ trọn đời, là níu kéo làn sóng hỗn độn phá hủy mà thay đổi mang lại. Người này chê bai tất cả những đề xuất mới vì chúng không hoàn hảo.
Tôi không nghĩ rằng cấm xe khỏi đường Park Street sẽ giúp người già không bị thương nữa. Vẫn còn lũ trẻ với những đôi giày trượt và xe đạp và những chiếc xe đẩy mua hàng cũng như xe đẩy trẻ em.
(Câu hỏi không phải là “có hoàn hảo hay không?” Vấn đề là liệu đề xuất mới này có giúp giảm lượng tai nạn với người già như tình trạng hiện tại hay không.)
Dù bạn có thể sử dụng phiên bản tổng quát của ngụy biện này để hạ thấp bất kỳ đề xuất nào mà bạn không đồng tình, bạn cũng nên bỏ công sức và thời gian ra để học hai phiên bản rất chuyên biệt và thông minh của ngụy biện này. Phiên bản đầu tiên đòi hỏi một đề nghị cụ thể phải bị phản bác vì nó không đi đủ xa. Bạn cho thấy sự thiếu hoàn hảo của nó và đề xuất rằng cần phải có điều gì đó mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, ý tưởng này nên bị từ chối.
Về nguyên tắc tôi đồng ý với đề xuất phân bổ lợi ích bằng rút thăm chứ không phải theo ý kiến cá nhân của tôi, nhưng biện pháp này vẫn sẽ để lại nhiều khoảng trống cho sự bảo trợ và ảnh hưởng. Tôi đề nghị rằng cần một giải pháp rộng hơn, nhìn vào toàn bộ vấn đề và do đó tôi đề xuất chúng ta quay trở lại đề nghị của tôi…
(Nó chưa bao giờ được thấy lại.)
Biến thể thứ hai bạn có thể sử dụng đòi hỏi bạn yêu cầu thứ gì đó ngoài tầm tay của những người đưa ra quyết định, và từ đó đề ra cái gì đó họ không thể làm đối lập với những gì họ có thể làm.
Việc đề xuất những hình phạt cứng rắn hơn cho lỗi gian lận là rất tốt thưa ngài hiệu trưởng; nhưng giải pháp này không triệt để loại trừ vấn đề. Thay vào đó, cái chúng ta cần là giành chiến thắng trước những đứa trẻ này, để ảnh hưởng tạo ra thay đổi trong suy nghĩ của chúng…
(Đề xuất ban đầu giờ đây tồn tại giữa đỉnh cao của khúc tấu dương cầm.)
Lợi dụng quyền lực (Verecundiam, argumentum ad)
Ngụy biện này gợi lên chủ thể căn cứ sai. Dù rằng việc trích dẫn một nhân chứng, người có kiến thức chuyên biệt về ngành liên quan là điều rất đúng đắn, sẽ là ngụy biện nếu cho rằng chuyên gia của một ngành có thể đưa ra ý kiến hỗ trợ một ngành khác. Trừ khi chuyên gia này có kiến thức chuyên môn đặc biệt trong ngành, ông này là một chủ thể căn cứ sai.
Hàng trăm nhà khoa học hàng đầu phản đối sự tiến hóa.
(Những bài kiểm tra đóng cho thấy những người này nếu có thì cũng có rất ít kiến thức chuyên môn về tiến hóa sinh học.)
Kiến thức mang tính chuyên biệt hóa, và chúng ta phải chấp nhận quan điểm của các chủ thể căn cứ đến một giới hạn nào đó. Chúng ta có sự e ngại phổ biến khi đứng trước việc thách thức quan điểm của những người trông có vẻ có nhiều kiến thức chuyên môn hơn người thường. Khi việc ủng hộ một luận điểm xuất phát dựa trên ý kiến của ai đó trông có vẻ có nhiều kiến thức chuyên môn hơn nhưng thực ra không phải vậy, ngụy biện Lợi dụng quyền lực bị phạm phải.
Ngụy biện này nằm ở chỗ dẫn vào một tư liệu không liên quan gì đến vấn đề đang thảo luận. Chúng ta không có lý do nào để cho rằng ý kiến của một người có nhiều kiến thức chuyên môn sẽ có giá trị nhiều hơn ý kiến của chúng ta. Nỗ lực khiến những ý kiến của chúng ta phải chịu thua trước các chủ thể căn cứ giả mạo là hành động lợi dụng sự tôn trọng của chúng ta cho vị trí và thành tựu của chủ thể kia và cố gắng sử dụng sự tôn trọng này thay vì lập luận và những bằng chứng.
Nước hoa cologne của những ngôi sao.
(Vì rất ít người trong chúng ta có may mắn để thực sự ngửi được mùi của những ngôi sao, ý kiến của họ về chủ đề này nhiều khả năng ít thú vị hơn khi họ đưa ra những người thông thường gần gũi với chúng ta.)
Ngụy biện Lợi dụng quyền lực thống trị thế giới quảng cáo. Những người được cho là đáng để ngưỡng mộ và tôn trọng vì những thành tựu của họ thường hạ cố xuống tầm của chúng ta để đưa ra những lời khuyên về các vấn đề nhàm chán hơn nhiều. Những người cực kỳ xuất sắc trong diễn xuất chỉ là quá sẵn lòng chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm bao la của họ về cà phê uống ngay và thức ăn cho chó. Người đoạt một giải Oscar nhờ diễn xuất xuất sắc trong điện ảnh đươc nhìn nhận rộng rãi như người có đủ điều kiện để nói về những vấn đề như cái nghèo trên thế giới và chính sách ngoại giao của Mỹ.
Người ta có thể chấp nhận chút ít tính căn cứ trong lời nói của một thanh niên trẻ về vợt tennis sau khi cậu này thành công ở giải Wimbledon; nhưng dao cạo râu à? (Người ta sẽ ngạc nhiên khi biết cậu này cũng cạo râu đấy.) Tương tự, chúng ta bắt gặp những gương mặt nổi tiếng ăn sữa chua hay mua bảo hiểm nhân thọ. Những người đã chứng minh được giá trị của mình dưới vai trò người dẫn chương trình trên các chương trình vô tuyến hay truyền hình sẵn lòng chia sẻ với chúng ta các kiến thức chuyên môn chi tiết của họ về những loại bột giặt hoạt tính enzim hay công dụng của loại bơ không có khả năng sản sinh chất béo.
Một biến thể của ngụy biện Lợi dụng quyền lực gợi lên những chủ thể căn cứ đúng chuyên môn nhưng không xác định. Trong thế giới này, chúng ta đối mặt với những ý kiến của các “nhà khoa học hàng đầu”, “những người gây giống chó hàng đầu” và “những người mẹ kén chọn”. Vì chúng ta không biết họ là ai, tất cả những gì chúng ta có thể làm là chấp nhận quyền lực căn cứ hiển nhiên mà họ có bên mình. Chúng ta không bao giờ nghe theo những nhà khoa học xoàng xĩnh, những người cấy giống chó tầm thường bậc trung hay những người mẹ vô thưởng vô phạt.
Cũng tồn tại kỹ thuật Lợi dụng quyền lực bằng hình ảnh, chẳng hạn các đội thể thao thường mặc trang phục in tên hay khẩu hiệu của những nhà tài trợ, ngay cả khi chúng không có quan hệ gì với môn thể thao đó.
Giành chiến thắng trong cuộc thi trượt tuyết vượt chướng ngại vật khiến tôi cảm thấy rất khát nước. Đó là lý do tại sao…
(Và lý luận ở đây cũng rỗng tuếch như thứ anh này bán.)
Bạn có thể sử dụng kỹ thuật Lợi dụng quyền lực dễ dàng hơn, bằng cách đưa ra những hình tượng xuất chúng được cho là những người có lòng trắc ẩn với mối bận tâm rộng rãi trong nhiều vấn đề. Dù rằng nguyên nhân có gàn dở thế nào đi nữa, bạn sẽ luôn có thể triệu tập một nhóm những cái tên ưu tú để đóng vai những người bảo trợ danh dự cho nó. Vì đã giành được danh tiếng dưới vai trò diễn viên, tác giả và ngôi sao ca nhạc, những người này sẽ luôn có thể cho bạn mượn quyền lực căn cứ của họ để sử dụng trong chiến dịch của mình.
Khi yêu cầu cấm hàng nhập khẩu từ Tây Ban Nha cho đến khi đấu bò bị cấm, ý kiến của tôi được các nhà khoa học quốc tế xuất sắc, những học giả ưu tú và những nhân vật hàng đầu từ chuyên ngành truyền thông và nghệ thuật đồng tình.
(Họ nên biết vấn đề này chứ. Rốt cuộc thì, họ cũng là những chuyên gia trong lĩnh vực chiến tranh, cá heo và cối xay gió kia mà.)