Cây Chuối Non Đi Giày Xanh - Chương 3-10

Hôm sau tôi thộp cổ thằng Phan trên lớp:

-Mày ngon quá há, Phan!

Phan biết ngay tôi muốn nói chuyện gì. Nó chớp mắt:

-Tại chú tiểu Khôi nhờ tao nghĩ cách chứ bộ.

-Bộ hết cách rồi sao mà mày nghĩ ra cách tà đạo này. Mày có biết nhỏ Thắm lên tận nhà hoạnh hoẹ tao không?

-Cái gì tà đạo? - Phan nhăn nhó gỡ tay tôi ra - Mày ngon hơn tao thì mày nghĩ ra cách khá đi!

-Cách khác...hả?

Thách thức của Phan khiến tôi bất giác cà lăm.

Những ngày qua tôi đã xoay tới xoay lui hàng trăm ý nghĩ trong đầu, đã ngồi soi mặt hàng giờ vào từng trang sách trinh thám của thầy Vỹ, vẫn không nảy ra được mẹo nào. Có lẽ chị Hoài nói đúng, đây là chuyện của người lớn. Chuyện của người lớn bao giờ cũng nằm ngoài tầm tay của chúng tôi. Bọn học trò lớp Chín dù sao cũng chưa đủ lớn khôn để sắp xếp đời mình và đời của bạn mình. Ờ, nhưng mà sắp xếp làm gì! - nghĩ tới đây tôi lại thấy ấm ức - mình sắp xếp cho nó, nó càng ghét mình thêm.

Phan không hiểu tâm sự của tôi. Thấy mặt tôi bỗng dưng xịu xuống, nó thò lỏ mắt nghiêng ngó:

-Sao? Không nghĩ ra được cách nào hay hơn tao phải không?

-Ờ.

Tôi thở dài, tính nói xấu nhỏ Thắm một câu cho hả tức nhưng cuối cùng tôi kiềm lại được. Sáng nay, lúc vừa đặt chân vô lớp tôi đã hấp tấp đảo mắt nhìn quanh. Tuy giận nhỏ Thắm, tôi vẫn nơm nớp sợ nó bỏ học vì xấu hổ. Gỉa như nó đến lớp, tôi e nó sẽ không chịu đựng nổi những lời chọc ghẹo của bạn bè. Nhưng nhỏ Thắm làm tôi ngạc nhiên vô kể. Nó không những ôm cặp đi học bình thường, tôi thấy nó vẫn cười nói tự nhiên với đám bạn gái trong lớp như không hề có gì xảy ra.

Có lẽ bạn bè không nỡ trêu nó, hoặc không nghĩ ra lý do gì để trêu. Ờ, làm sao tụi bạn có thể nghĩ nó là nhân vật chính trong câu chuyện lùm xùm này. Nó mới mười bốn tuổi mà. Hơn nữa trong thời gian đó thị trấn đang ồn lên chuyện chị Hoè lấy chồng. Thế là thiên hạ lập tức quên ngay tờ giấy dán trước nhà bà ƯỚC, một phần vì người ta không hiểu nội dung của nó định ám chỉ điều gì. Có người đoán đó chỉ là trò nghịch ngợm của lũ tiểu yêu trong khu chợ. So với chuyện nhắng nhố trẻ con đó, hoa khôi lấy chồng là sự kiện trọng đại hơn nhiều. Trong một thị trấn phẳng lặng như nơi tôi ở, đám cưới của chị Hoè giống như một biến cố.

Hồi anh Thắng giả điên, thị trấn Hà Lam vui hơn bây giờ. Với những tràng tiếng Pháp lốp bốp và bài hát Aline thường bất thình lình vang lên trước cổng trường tiểu học, trẻ con bọn tôi còn có cái để mà chờ đợi. Lần cuối cùng anh Thắng đem lại sự sôi nổi cho thị trấn là lúc anh ngồi rền rĩ hát trước giường bệnh của cô Sa, người lớn con nít bu đen bu đỏ xem như xem xiếc. Chỉ tiếc là sau lần đó, anh cưới cô Sa rồi đem cô đi mất, trả lại cho thị trấn vẻ buồn tẻ quen thuộc. Bây giờ, chị Hoè-người mà anh Thắng từng ngoảnh mặt, bằng cuộc hôn nhân muộn màng của mình đã thay anh bơm vào đời sống lặng lờ của quê tôi luồng không khí náo nhiệt và mọi người lại vớ được đề tài hấp dẫn để bàn tán suốt ngày.

Bọn trẻ con cũng kéo vào vòng xoáy này. Cả đống cái miệng háo hức:

-Ê, biết tin gì chưa? Chị Hoè sắp lấy chồng -Chị Hoè lấy ai vậy mày?

-Nghe nói chú rể đẹp trai như tài tử xi nê.

Gần đến ngày cưới, thông tin bắt đầu rò rỉ. Chú rể là một bác sỹ làm ở bệnh viện lớn trong Sài Gòn. Chị Hoè quen anh trong một lần đưa mẹ vào trong chữa bệnh.

Trong mắt cư dân thị trấn. Sài Gòn là một kỳ quan. Đó là một xứ sở bí mật, xa xăm, lộng lẫy, giàu sang. Nó như thuộc về một thế giới khác. Chúng tôi chỉ nhìn thấy Sài Gòn trên các tờ hoạ báo sặc sỡ. Dạo đó, quê tôi rất ít người có dịp đi Sài Gòn. Phải thật giàu như tiệm vải nhà chị Hoè hoặc phải học giỏi cỡ "cao học" như anh Thắng mới đi được tới xứ đó. Không hiếm người ao ước đi Sài Gòn một lần trong đời cho biết "nó" là cái gì rồi về chết cũng cam lòng.

Chú rể không những người Sài Gòn mà còn là bác sĩ, càng thếm oai phong. "Bác sĩ, kỹ sư" là một cái gì cao siêu vĩ đại vào thời đó. Ao ước tột bậc của các bậc phụ huynh trong thị trấn là con mình cố làm sao học tới bác sĩ, kỹ sư. Nó không chỉ đánh giá, mà còn đồng nghĩa với giàu có, với ô tô nhà lầu. Nhưng để trở thành bác sĩ, kỹ sư cũng khó ngang với trở thành phi công vũ trụ nên rốt cuộc chưa có con người hiếu thảo nào ở quê tôi thoả mãn được giấc mơ quá đáng của các đáng sinh thành. Vậy mà đùng một cái, chồng chị Hoè là bác sĩ. Lại là bác sĩ Sài Gòn.

Chuyện cứ thế mà ầm ĩ cho tới ngày nhà chị Hoè dựng rạp trước cổng tiệm vải.

Hoá ra chồng chị Hoè khác xa lời đồn thổi. Anh không giống tài tử xi nê chút nào. Người anh đen và lùn, đứng thấp hơn chị Hoè nửa cái đầu.

Trong dân tình đã xuất hiện những lời độc địa:

-Tưởng sao, hoa lài rốt cuộc lại cắm bãi cứt trâu!

Các chàng trai nhờ thất tình chị Hoè mà trở thành nhạc sỹ cũng kéo nhau về thị trấn trong dịp này - vì hiếu kỳ và cả vì đố kỵ. Vài người trong số họ tỏ vẻ hả hê khi phát hiện kẻ thắng cuộc có dung mạo xấu xí ngang với chàng Trương Chi chèo đò.

Có người, trong lúc say mèm, đã ứng tác bài hát " Thương cho môt đoá hoa lài" rồi ôm đàn gảy tưng tưng và ông ổng hát ngay cạnh lều rạp đám cưới.

Trong khi gia đình chị Hoè chưa biết phản ứng thế nào thì cư dân thị trấn, kể cả người vừa thốt câu chế nhạo "hoa lài cắm bãi cứt trâu", xúm nhau đuổi đánh anh nhạc sĩ ba trợn khiến anh phải vứt đàn chạy thẳng xuống ngã tư Hà Lam leo lên xe đò vọt mất. Lý lẽ của những kẻ trừng phạt được đám đông nhiệt liệt hoan nghênh: Nhận xét, chê bai là một chuyện, còn phá đám ngày vui của người ta là chuyện khác - chuyện thất đức, không chấp nhận được.

Nghe tin này, chị Hoài tặc lưỡi:

-Chuyện vợ chồng là do duyên số, em ạ.

Mẹ tôi bình luận:

-Đàn ông giá trị ở chỗ có tài hay không. Vẻ ngoài đâu có quan trọng.

Bà nội tôi móm mém:

-Mấy đứa đẹp mã chỉ lo đàn đúm, ăn chơi. Chính mấy đứa xấu trai mới chỉ thú học hành, đỗ đạt thành tài.

Anh Thắng cũng quay về trong dịp này. Anh mua một bó hoa, viết một tấm thiệp rồi đem tới tiệm vải lịch sử chúc mừng chị Hoè.

Thắng Phan bình luận:

-Cỡ "cao học" xử sự có khác!

Phan không biết chuyện cô Sa bỏ về Duy Xuyên. Nên nó không biết "cao học" xử sự đôi khi cũng rất ẩu.

Chuyện chị Hoè lấy chồng gợi tôi nhớ đến hôn ước bí mật của nhỏ Thắm. Nên tôi không hề thấy háo hức như lũ bạn. Tôi chỉ tò mò về sự xuất hiện của anh Thắng ở thị trấn.

Những ngày này tôi quẩn quanh trước cửa nhà nhỏ Ngọc nhiều hơn là chỗ tiệm vải chị Hoè. Chỉ để dò xem thái độ của anh Thắng. Chỉ để mong giải đáp được thắc mắc đang cộm lên trong ngực: Chị Hoè hớn hở đi lấy chồng trong khi anh thì bị vợ bỏ, liệu anh có buồn không? Tôi hỏi và tôi không tìm thấy câu trả lời trong nét mặt tươi tình của anh Thắng. Tôi không biết anh bình thản thật hay anh cố tình làm ra thế. Tôi chỉ biết, nếu mai kia nhỏ Thắm đi lấy chồng chắc tôi buồn lắm.

Con mắt trên tường nhà nhỏ Ngọc hình như cũng nghĩ giống tôi. Nó nhìn tôi như muốn nói:

Buồn chứ sao không!

Lần đầu tiên tôi nhận ra mình không tránh tia nhìn của nó.

CÂY CHUỐI NON ĐI GIÀY XANH

Nguyễn Nhật Ánh

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3