Chiếc áo lặn và con bướm - Chương 2

Khách du lịch

Sau chiến tranh, Berck nhận thêm các nạn nhân tội nghiệp trong cơn tàn phá cuối cùng của chứng lao, bệnh viện dần bỏ khuynh hướng chỉ tập trung cho bệnh nhi. Ngày nay, ở đây phần lớn mọi người dành cho việc chiến đấu với những bệnh tật do tuổi tác, những tàn phá không thể ngăn chặn trên cơ thể và tinh thần. Nhưng bệnh của tuổi già chỉ là một phần trong cả bức tranh cần vẽ để có thể hình dung chính xác về các bệnh nhân noi này. Cuối bức tranh sẽ là 20 bệnh nhân hôn mê thường trực, những con quỷ tội nghiệp chìm trong màn đêm bất tận trước ngưỡng cửa của cái chết. Họ chẳng bao giờ rời khỏi phòng. Tất cả bọn họ đều ý thức được mình đang ở đó. Sự hiện diện ấy đè nặng một cách kỳ quặc lên cả tập thể, như ý thức về một điều không lấy gì làm tốt lành. Ở phía ngược lại, bên cạnh tập đoàn già cả không người thân thích, ta thấy một vài bệnh nhân mắc chứng béo phì có vẻ mặt nhớn nhác, những người luôn được các bác sỹ kỳ vọng giúp họ giảm được các số đo quá khổ. Chiếm đông đảo giữa bức tranh là tiểu đoàn lính què, những kẻ sống sót qua các tai nạn thể thao, tai nạn giao thông, các kiểu tai nạn đang quá cảnh tại Berck trong lúc chờ được bó bột hoặc thay chân tay giả. Tôi gọi họ là “khách du lịch”.

Cuối cùng, để bức tranh hoàn thiện, cần tìm một góc để đặt những người như tôi vào, những con gà gãy cánh, vẹt mất tiếng, chim báo điềm dữ làm tổ trong hành lang cụt nơi khoa thần kinh. Tất nhiên, chúng tôi làm xấu đi cảnh vật nơi này. Tôi biết quá rõ sự khó chịu chúng tôi gây ra khi cứ cứng đờ và lặng lẽ lướt qua một vòng trước mặt các bệnh nhân may mắn hơn.

Nơi tốt nhất để quan sát hiện tượng này là trong phòng trị liệu vận động, nơi đủ loại bệnh nhân cần phục hồi chức năng có mặt. Đó là một nơi Thần kì ồn ào và đủ màu sắc. Trong hỗn độn những nẹp, tay chân giả hay máy móc từ đơn giản đến phức tạp, người ta đi kèm bên cạnh một thanh niên đeo khuyên tai - thân thể gãy nát trong một tai nạn xe máy, một bà cụ mặc bộ đồ phản quang đang tập đi trở lại sau khi rơi từ trên thang xuống và một người ăn xin nửa người nửa ngợm đã tự kéo được chân ra khỏi tàu điện ngầm một cách tài tình. Toán người này đang xếp theo hàng một, cử động tay và chân dưới sự kiểm soát lỏng lẻo khi tôi đến. Ban đầu người ta dựng nghiêng tôi lên, rồi dần dần thẳng đứng. Sáng nào tôi cũng được treo nửa giờ như vậy, trong tư thế nghiêm, gợi hình ảnh bức tượng Người nhận huân chương trong màn cuối vở Don Juan của Mozart. Bên dưới, họ cười, đùa cợt, hỏi han nhau. Tôi cũng thích tham gia vào không khí vui vẻ ấy nhưng ngay khi tôi hướng con mắt duy nhất của mình về họ, thì tất cả, từ thanh niên đến cụ già hay người ăn xin ngay lập tức quay đầu đi vì có lẽ đột nhiên nhận thấy nhu cầu khẩn thiết là chiêm ngưỡng nút báo cháy trên tường. Chắc hẳn những “khách du lịch” này là những người sợ lửa lắm.

Xúc xích

Ngày nào cũng vậy, cứ hết giờ tập treo là một anh chàng khiêng cáng tới mang tôi ra khỏi phòng vận động để về giường bệnh nhân và chờ y tá đến đặt tôi nằm trở lại. Và ngày nào cũng thế, do khi về là đã trưa, anh ta chúc tôi ăn ngon với vẻ mặt tươi tỉnh và ranh mãnh, kiểu như sắp được nghỉ phép đến hôm sau vậy. Dĩ nhiên, câu chúc ăn ngon ấy chẳng khác nào câu “Chúc Giáng sinh vui vẻ!” vào ngày 15 tháng Tám hay “Chúc ngủ ngon!” vào những thời điểm rất trái khoáy! Vì lẽ từ tám tháng nay, tôi chỉ có thể nuốt vài giọt nước chanh và nửa thìa sữa chua - những thứ này khi lạc đường vào khí quản sẽ gây ra một cơn ho ầm ĩ. Thử nghiệm thực phẩm, cách người ta cường điệu đặt tên cho bữa yến tiệc ấy, không tỏ ra thuyết phục chút nào. Nhưng họ cũng yên lòng vì tôi không vi vậy mà chết đói. Qua một ống dây nối tới dạ dày, hai hoặc ba bình chất lỏng nâu nhạt được truyền mỗi ngày bảo đảm tôi không thiếu calo. Để làm mình vui, tôi gợi lại trong trí nhớ sống động những mùi vị, bình chứa cảm giác không khi nào cạn kiệt. Giờ chỉ còn là nghệ thuật nấu nướng phần còn lại cho ngon lành. Tôi chuẩn bị kĩ nguyên liệu trong trí nhớ. Ta có thể vào bàn ăn bất cứ giờ nào, chẳng cần khách sáo. Nếu ở nhà hàng thì không cần đặt trước. Còn nếu tôi nấu nướng thì khi nào cũng sẽ ngon cả. Thịt bò nấu rượu vang rất sánh, thịt bò đông lạnh có màu trong mờ và món bánh mơ có vị chua vừa đủ. Tùy tâm trạng, tôi tự lấy cho mình 12 con ốc, ít đưa bắp cải kèm thịt hoặc xúc xích và một chai gewurtztraminer(19) “mẻ rượu ủ lâu năm” màu vàng rực hay chỉ nhấm nháp món trứng chần nước sôi kèm bánh mì nhúng phết bơ mặn. Thật khoái biết bao! Lòng đỏ trứng tràn vào vòm miệng và họng tôi theo từng dòng ấm nóng. Và không bao giờ có vấn đề gì về tiêu hoá ở đây. Hiển nhiên là vì tôi đã dùng những thực phẩm tốt nhất: rau tươi nhất, cá vừa lên khỏi mặt nước và thịt được ướp đúng kiểu nhất. Tất cả đều phải được chuẩn bị theo đúng nguyên tắc. Không những thế, một người bạn đã gửi cho tôi công thức chế biến món dồi nhỏ đúng kiểu Troyes với ba loại thịt khác nhau bọc xoắn lại thành dây. Tôi cũng cẩn thận nấu món ăn đúng mùa. Vào mùa này, tôi làm mát lưỡi bằng các khoanh dưa và quả đỏ. Hàu và thịt săn sẽ để đến mùa thu nếu khi đó tôi còn thèm vì tôi đang ăn uống tiết chế hơn, hay nói cách khác là khổ hạnh. Khi mới bắt đầu thời kì nhịn ăn dài ngày, thiếu thốn thúc đẩy tôi liên tục lục lọi tủ thức ăn theo óc tưởng tượng. Tôi ăn vô độ. Hiện giờ, tôi có thể gần như tự thoả mãn với chiếc xúc xích bó thật chặt theo cách thủ công luôn treo lủng lẳng trong một góc trí óc mình. Một chiếc xúc xích kiểu Lyon màu hồng, hình dáng không theo lệ thường, rất khô với ruột băm to. Mỗi lát tan một chút trên lưỡi trước khi được nhai để ta thưởng thức hết hương vị của nó. Niềm vui thú này là một thứ thiêng liêng, một lá bùa hộ mệnh có lịch sử từ gần 40 năm trước. Bà y tá của ông ngoại tôi kể lại rằng hồi đó, mỗi khi đến thăm ông trong căn phòng tối tăm trên đại lộ Raspail, tôi lại đòi bà ấy cho ăn xúc xích bằng một giọng vòi vĩnh dễ thương. Bà ấy rất khéo léo trong việc chiều thói tham ăn của bọn trẻ. Bà đã làm cho tôi một cây xúc xích và lấy ông tôi ngay trước khi ông mất. Niềm vui của tôi khi được nhận món quà tỉ lệ thuận với sự tức giận trước đám cưới của ông tôi và bà y tá. Tôi chỉ còn giữ lại dung nằm dài trong căn phòng tranh tối tranh sáng với khuôn mặt nghiêm nghị giống hình Victor Hugo trên những tờ 500 franc cổ mà hồi đó còn đang lưu hành. Nhưng cây xúc xích, thứ không ăn nhập gì với đống đồ chơi Dinky và đám sách thư viện màu xanh thì tôi nhớ rõ hơn rất nhiều.

19. Vang trắng vùng Alsace, rất thơm.

Tôi đau đớn và hoảng sợ khi biết rằng mình sẽ không bao giờ được ăn thứ xúc xích nào ngon như vậy nữa.

Thiên thần hộ mệnh

Tấm thẻ nhân viên cài trên áo blu trắng của Sandrine ghi chức danh của cô là: chuyên gia chỉnh âm, nhưng đáng lẽ nó phải được ghi là thiên thần hộ mệnh mói đúng. Cô chính là người đã lập bản mã giao tiếp giúp tôi không bị cô lập với thế giới bên ngoài. Vậy đó! Nếu hầu hết bạn bè tôi đều sử dụng được hệ thống này sau khi học thì ở đây, tại bệnh viện, chỉ Sandrine và một bác sĩ tâm lý sử dụng nó. Thường thì tôi chỉ là một thùng chứa nghèo nàn một số vẻ mặt, nhấp nháy mắt và lắc đầu để yêu cầu khép cửa, dội nước, vặn nhỏ tivi hay đẩy cao gối lên một chút. Nhưng không phải lúc nào người ta cũng hiểu được. Nỗi cô đơn bị cưỡng ép qua nhiều tuần tạo cho tôi một thái độ kiên cường nhất định và hiểu rằng nhân viên bệnh viện chia thành hai kiểu. Phần lớn mọi người sẽ không làm điều gì mà chưa tìm cách hiểu báo hiệu SOS của tôi và những người khác, hoặc họ không ý thức được, hoặc vờ như không thấy các tín hiệu tuyệt vọng của tôi mà đi mất. Như kẻ ngu dại đáng yêu vừa tắt phụt trận bóng đá Bordeaux - Munich khi đang nghỉ giữa hiệp vừa thưởng cho tôi một câu “Chúc ngủ ngon” nhanh gọn. Ngoài những điều mang tính thực dụng như thế, việc không thể giao tiếp cũng khiến tôi thấy nặng nề đôi chút. Tôi có được cảm giác an ủi hai lần trong ngày khi Sandrine gõ cửa, mang tới cho tôi một con sóc bông có vẻ mặt buồn bã và đuổi hết một lượt những ý nghĩ tiêu cực trong đầu tôi. Chiếc áo lặn vô hình luôn xiết chặt tôi dường như đỡ ngột ngạt hơn.

Chỉnh âm là một nghệ thuật cần được biết đến. Các bạn không tưởng tượng được môn thể dục mà lưỡi thực hiện một cách máy móc để phát âm được hết các âm trong tiếng Pháp. Hiện tôi đang vấp ở chữ T, ngài tổng biên tập tội nghiệp không còn biết làm cách nào để phát âm được tên chính tờ báo của mình(20). Những ngày huy hoàng khi giữa hai cơn ho, tôi đã tìm được hơi thở và năng lượng để phát ra được một vài âm vị. Đến sinh nhật tôi, Sandrine đã giúp tôi phát âm thành công toàn bộ bảng chữ cái theo cách người khác có thể hiểu được. Không ai có thể tặng tôi món quà nào tuyệt vòi hơn thế. Tôi đã nghe thấy 26 chữ cái được dứt ra từ hư không bằng một giọng khàn khàn vọng về từ xa xưa. Bài tập mệt lử này cho tôi cảm giác mình là một người tiền sử đang khám phá ngôn ngữ. Đôi khi điện thoại reo cắt ngang công việc của chúng tôi. Tôi tranh thủ có Sandrine để nói chuyện với vài người thân qua điện thoại, chộp lấy vài mảnh vụn của cuộc sống, như thể người ta chộp lấy con bướm vậy. Con gái tôi, Céleste kể các chuyến dạo chơi trên lưng chú ngựa poney của nó. Năm tháng nữa, nó sẽ tròn chín tuổi. Bố tôi giải thích các khó khăn của ông khi nỗ lực để đứng vững được. Ông đã kiên cường đi qua năm thứ 93 của đời mình. Đó là hai mắt xích đầu mút trong sợi xích tình cảm bao quanh và bảo vệ tôi. Tôi tự hỏi những cuộc chuyện trò thế này gây hiệu ứng thế nào cho những người tôi nói chuyện cùng. Còn với tôi, chúng khiến trong tôi xáo động. Tôi biết ơn những cuộc gọi dịu dàng ấy vì tôi không thích phải đối diện với nỗi im lặng một mình. Một số người lại không chịu được kiểu im lặng như thế. Florence dịu dàng sẽ không nói với tôi nếu trước tiên tôi không thở ầm ĩ trong ống nghe mà Sandrine đang áp vào tai tôi. “Jean-Do, anh à?” Florence lo lắng ở đầu dây bên kia.

20. Jean-Dominique Bauby vốn là Tổng biên tập tạp chí thời trang Elle rất nổi tiếng của Pháp.

Cũng phải nói là đôi khi tôi cũng không nhận thức được rõ lắm.

Bức ảnh cũ

Tôi đã cạo râu cho bố vào lần cuối cùng tôi gặp ông. Đó là tuần tôi bị tai biến mạch máu não. Hôm đó bố tôi thấy khó chịu trong người nên tôi đã ở lại trong căn phòng nhỏ gần vườn Tuileries tại Paris của ông. Buổi sáng, sau khi đã chuẩn bị xong xuôi tách trà sữa cho bố, tôi bắt tay vào cạo đám râu đã nhiều ngày chưa cạo của ông. Cảnh tượng này khắc sâu vào trí nhớ của tôi. Rụt cổ trong chiếc ghế bành phủ dạ phớt màu đỏ nơi ông thường ngồi đọc báo, bố tôi dũng cảm thách thức cảm giác rát khi da bị dao cạo tấn công. Tôi quấn quanh cổ ông một chiếc khăn mặt lớn, trải một lớp dày bọt lên mặt ông và cố gắng không kích thích quá mức đám biểu bì bị nứt từng chỗ do vở các tĩnh mạch con. Mệt mỏi khiến mắt ông trũng sâu, mũi nổi bật lên giữa những đường nét hốc hác nhưng vẫn không mất đi chút nào vẻ kiêu ngạo thường ngày ở con người ấy với chùm tóc bạc uốn quanh đầu và thân hình cao lớn. Trong phòng, quanh chúng tôi là những kỉ niệm về cuộc đời ông tạo nên những mớ hỗn độn. Đó là mớ lộn xộn các tạp chí, đĩa hát mà ngày nay người ta không còn nghe nữa. Những đồ vật hỗn tạp và ảnh của các thời kì luồn trong khung một chiếc gương lớn. Là bố trong bộ quần áo lính thủy nhỏ đang nghịch chiếc vòng mây, trước chiến tranh thế giới 1914, là hình con gái tôi tám tuổi mặc bộ đồ cưỡi ngựa và một bức ảnh đen trắng của tôi chụp trên sân gôn mini. Khi đó, tôi 11 tuổi, tai bị rách, có vẻ mặt của một học sinh ngoan và trông ngô ngố, nhưng bực một nỗi, tôi lại là một đứa lười chuyên nghiệp ấy chứ.

Tôi kết thúc nhiệm vụ thợ cạo bằng việc xức thứ nước hoa bố yêu thích nhất lên người ông. Chúng tôi chia tay nhau sau dó và ông không hề nói cho tôi biết về bức thư ông xếp trong ngăn kéo bàn giấy, ghi lại những ý muốn cuối cùng của Người. Từ đó, chúng tôi không gặp nhau nữa. Tôi không ròi khỏi chốn nghỉ mát ở Berck và đôi chân bố tôi, ở tuổi 92, cũng không cho phép ông bước xuống các bậc cầu thang oai vệ noi ông ở nữa. Cả hai chúng tôi đều là những kẻ mắc hội chứng “bị nhốt”, dù theo hai cách khác nhau, tôi mắt kẹt trong thân thể mình, còn ông mắc kẹt trong căn gác tầng ba nơi ông ở. Giờ đây người ta phải cạo râu cho tôi mỗi sáng và tôi thường nghĩ đến bố mỗi khi một y tá cẩn thận cạo má cho tôi bằng lưỡi dao cũ tám ngày chưa thay. Tôi hi vọng mình đã làm công việc thợ cạo cẩn thận hơn thế.

Thỉnh thoảng bố gọi cho tôi và tôi nghe giọng nói ấm áp của ông hơi run trong ống nghe mà người ta giúp tôi áp sát vào tai. Bố nói chuyện với đứa con trai trong khi biết quá rõ là nó không dễ gì mà trả lời được. Bố cũng gửi cho tôi bức ảnh ở sân gôn mini. Ban đầu tôi không hiểu tại sao. Và nó vẫn cứ sẽ là một câu đố nếu không tình cờ có người nảy ra ý định lật đằng sau bức hình ra xem. Những hình ảnh đã lãng quên về một dịp cuối tuần mùa xuân khi cả nhà đi dã ngoại tới một thị trấn nhiều gió và hoi buồn chợt nối tiếp nhau hiện về trong tâm trí tôi. Với nét chữ xương xương đều đặn, bố ghi đơn giản: Berck-sur-Mer, tháng Tư năm 1963.

Một vụ trùng hợp nữa

Nếu giờ các độc giả của Alexandre Dumas(21) được hỏi họ muốn đóng vai nhân vật nào trong các tác phẩm của ông nhất, phiếu bầu sẽ bỏ cho D’Artagnan hoặc Edmond Dantès và không ai có ý định viết tên Noirtier de Villefort, một nhân vật thê thảm trong tiểu thuyết Bá tước Monte-Cristo. Được Dumas mô tả như một xác chết với ánh mắt linh hoạt, ba phần tư nhân vật này được đẽo đạc cho vào mộ, một kẻ tàn tật tột cùng chỉ khiến người ta run sợ. Bất lực và câm lặng, hắn nắm giữ những bí mật kinh khủng nhất. Cả cuộc đời hắn lả đi trên chiếc ghế có bánh lăn và chỉ giao tiếp được bằng cách nháy mắt: nháy một lần là có, hai lần là không. Thực chất, ổng Noirtier tốt bụng, như cô cháu gái của hắn trìu mến gọi, là người đầu tiên mắc hội chứng “bị nhốt”, và là kẻ duy nhất thời đó xuất hiện trong văn học.

21. Nhà văn nổi tiếng người Pháp.

Ngay khi trí óc tôi thoát ra khỏi lớp sương mà vốn đã bị nhấn chìm từ hôm bị tai biến, tôi đã nghĩ rất nhiều đến ông Noirtier tốt bụng. Tôi vừa đọc lại Bá tước Monte-Cristo và thấy mình trong nhân vật đáng ghét nhất của cuốn sách. Không phải tình cờ mà tôi đọc lại cuốn sách ấy. Mà vì lẽ, lúc trước tôi có dự định, hẳn là không tỏ ra tôn trọng truyền thống lắm, là viết bản chuyển thể hiện đại cuốn tiểu thuyết: Trả thù tất nhiên vẫn sẽ là động cơ để viết các tình tiết nhưng sự việc sê xảy ra ở thời hiện đại và Monte Cristo là một phụ nữ.

Vậy là tôi đã không có thời gian để phạm cái tội ác chống lại Chúa trời như thế. Tôi thích bị trừng phạt bằng cách bị biến thành nam tước Danglars, thành Frantz d’Epinay, thành cha Faria(22) hoặc, phải viết tất cả 10.000 lần câu “không được đùa giỡn với các kiệt tác”, hơn là bị biến thành Noirtier. Nhưng ông hoàng của văn học và thần kinh học đã quyết định trừng phạt tôi theo cách khác.

22. Danglars, Frantz d’Epinay, cha Faria: Các nhân vật trong tiểu thuyết Bá tước Monte-Cristo.

Một vài đêm, tôi cảm giác như ông Noirtier tốt bụng đang đi tuần trong hành lang bệnh viện, bánh lăn cũ kĩ cả thế kỉ chưa được tra giọt dầu nào. Để xoay chuyển quyết định của số phận, tôi chợt nhớ đến một thần thoại nổi tiếng vùng Scandinavia, trong đó nhân chứng quan trọng nhất là một vận động viên chạy bộ chứ không phải một kẻ bại liệt. Ai mà biết được. Biết đâu lại có thể thay đổi gì thì sao?

Giấc mơ

Nhìn chung, tôi không nhớ được mình đã mơ gì. Mỗi sáng thức giấc, tôi không còn giữ được sợi dây xuyên suốt bộ phim vừa chiếu trong đầu, các hình ảnh nhạt nhoà đi không sao ngưng được. Vậy tại sao những giấc mơ hồi tháng Mười hai lại khắc sâu chính xác như thể bằng tia laser vào kí ức tôi đến thế? Có thể đó là một quy tắc của hôn mê chăng? Vì người bị hôn mê không quay lại với thực tế nên các giấc mơ cũng không thể bốc hơi mà tụ lai với nhau để tạo thành một thứ huyễn tưởng dài dằng dặc được chiếu như một bộ phim nhiều tập. Tối nay, một tập trong đó được chiếu lại trong tâm trí tôi.

Trong giấc mơ, tuyết đang rơi từng bông lớn. Một lớp tuyết dày 30 centimét phủ lên nghĩa địa xe hơi mà tôi và cậu bạn thân nhất vừa đi ngang vừa run lập cập vì rét. Từ ba ngày nay, Bernard và tôi cố gắng về nước trong lúc Pháp đang tê liệt do đình công diễn ra khắp nơi. Tại khu thể thao mùa đông ở Ý nơi chúng tôi đã thua, Bernard tìm thấy một chuyến tàu chậm chạy về Nice. Nhưng tới biên giới, cuộc du hành của chúng tôi bị chặn lại do đình công, chúng tôi phải xuống đi bộ trong bão tuyết với đôi giày công sở và chiếc áo mỏng mùa thu. Cảnh vật thật ảm đạm. Một chiếc cầu cạn phía trên nghĩa địa xe khiến người ta nghĩ đến phía dưới là những chiếc xe đã rơi từ đường cao tốc bên trên xuống, chồng chất lên nhau. Chúng tôi có hẹn với một thương gia lớn người Ý, người đã chuyển cả tổng hành dinh của mình vào trong thân tác phẩm nghệ thuật là chiếc cột chân cầu cạn để tránh xa những ánh mắt tò mò. Cần gõ vào cánh cửa sắt màu vàng với tấm biển NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI và các sơ đồ giải cứu cho người bị điện giật. Cửa mở. Lối vào khiến người ta nghĩ tới kho chứa hàng của hãng đồ may sẵn Sentier: Mấy chiếc áo vest treo trên cọc, những chồng quần dài, những thùng áo sơmi cao đến tận trần. Từ phía đó, tôi nhận ra nhân viên gác cổng dữ tợn khoác áo chòng đạn đang đón chúng tôi với khẩu tiểu liên trong tay. Đó là Radovan Karadzic, viên thủ lĩnh người Serbia. “Bạn tôi khó thở”, Bernard nói với anh ta. Karadzic tiến hành mổ mở khí quản cho tôi ngay trên một góc bàn, sau đó chúng tôi bước xuống tầng hầm theo một cầu thang thuỷ tinh tráng lệ. Tường phủ da hổ, ghế bành sâu lòng và ánh sáng dìu dịu khiến căn phòng làm việc này có vẻ như ở bên trong một hộp đêm. Bernard trao đổi với ông chủ, một bản sao của Gianni Agnelli, ông chủ thanh lịch của tập đoàn FIAT trong khi một tiếp viên nói giọng Libăng dẫn tôi đến một quầy bar nhỏ. Ly và chai rượu ở đây được thay bằng các ống nhựa thả từ trần nhà xuống như mặt nạ dưỡng khí trên máy bay thả trong trường họp khẩn cấp vậy. Người phục vụ quầy ra hiệu bảo tôi cho một ống vào miệng. Tôi làm theo, một chất lỏng có vị gừng bắt đầu chảy và cảm giác nóng bỏng xâm chiếm tôi từ đầu ngón chân lên tới chân tóc. Sau một lúc, tôi muốn ngừng uống và trượt xuống một chút khỏi chiếc ghế đẩu. Nhưng tôi tiếp tục ngồi đó uống từng ngụm dài vi không thể cử động dù một chút. Tôi ném những tia nhìn điên dại về phía người phục vụ hòng thu hút sự chú ý của anh ta. Nhưng đáp lại tôi chỉ là một nụ cười bí ẩn. Quanh tôi, các gương mặt và giọng nói trở nên méo mó, biến dạng. Bernard nói gì đó nhưng tôi không hiểu nổi những âm thanh chậm chạp thoát ra khỏi miệng anh. Thay vào, trong tai tôi vang lên bản Bolero của Ravel(23). Họ đã khiến tôi ngộ độc thật sự rồi.

23. Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp.

Một khoảng thời gian dài dằng dặc sau đó, tôi thấy tất cả như đang chuẩn bị chiến đấu. Cô tiếp viên giọng Libăng cõng tôi trên lưng và kéo tôi lên cầu thang. “Phải đi thôi, cảnh sát đang tới”. Bên ngoài đêm đã xuống và tuyết đã ngừng rơi. Một cơn gió lạnh buốt thổi qua khiến tôi không thở nổi. Chiếc đèn chiếu đặt trên cầu phát ra luồng ánh sáng sục sạo giữa những thân hình bị bỏ lại.

“Đầu hàng đi, các anh đã bị bao vây!”, tiếng loa tăng âm vang dội. Mọi người đã trốn thoát và với tôi, đó là khỏi đầu của chuyến lang thang dài bất tận. Trong giấc mơ, tôi thích chạy trốn nhưng khi có cơ hội, tôi trở nên đờ đẫn khó tả và không bước đi nổi. Tôi đứng sững như tượng, cứng đờ, không nhúc nhích. Nếu có cánh cửa ngăn cách tôi với tự do ngay trước mặt, tôi cũng không có sức để mở nó. Nhưng đó không phải là là điều duy nhất tôi lo. Trở thành con tin của một giáo phái bí hiểm, tôi sợ bạn bè tôi cũng sê rơi vào các bẫy tương tự. Tôi thử mọi cách để báo cho họ, nhưng giấc mơ hoàn toàn ăn nhập với thực tế bản thân. Tôi không thể thốt nổi một lời nào.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3