Chiếc áo lặn và con bướm - Chương 3
Giọng kể
Tôi đã từng có những lần thức giấc yên ả hơn nhiều. Khi ý thức trở lại vào buổi sáng cuối tháng Giêng hôm ấy, tôi thấy một người đàn ông đang nghiêng người bên trên để khâu mi mắt phải của tôi với chỉ và một cây kim, như thể người ta vá một chiếc tất rách vậy. Một nỗi sợ vô lý xâm chiếm tôi. Nếu giả dụ tay bác sĩ chuyên khoa mắt này hứng lên và khâu nốt mắt trái của tôi, mối liên hệ duy nhất của tôi với bên ngoài, cánh cửa duy nhất của địa ngục, cửa sổ trên chiếc áo lặn của tôi? May thay, tôi đã không bị nhấn chìm vào đêm tối. Hắn đã cẩn thận xếp thứ đồ nghề nhỏ bé của mình vào chiếc hộp sắt tây lót bông. Và bằng giọng của một viên biện lý đòi trừng phạt làm gương một kẻ chuyên tái phạm, hắn ném lại một câu: “Sáu tháng”. Một loạt tín hiệu dò hỏi phát ra từ con mắt lành của tôi nhưng tay này, dầu suốt ngày săm soi tìm hiểu đồng tử người khác, lại không biết cách đọc ánh mắt được như vậy. Đúng là nguyên mẫu của kiểu bác sĩ Ta-cóc-cần, ngạo mạn, độc đoán, kiêu căng lệnh cho bệnh nhân tám giờ đến khám, còn mình chín giờ mới có mặt và đi lúc chín giờ năm phút sau khi dành cho mỗi người 45 giây trong khoảng thời gian quý báu của mình. Bề ngoài, hắn có cái đầu tròn to trên thân thể ngắn trông rõ từng khúc. Vốn đã ít cởi mở với bệnh nhân nói chung, hắn lại càng tránh xa những bóng ma như tôi. Rốt cuộc tôi cũng biết vì sao hắn bịt mắt tôi lại sáu tháng: Mí mắt không còn thực hiện được vai trò mành che di động và có nguy cơ bị loét màng mắt.
Qua nhiều tuần, tôi tự hỏi có lẽ bệnh viện không cố tình dùng một nhân vật dễ sợ như vậy để làm tăng thêm nỗi nghi ngờ ngấm ngầm mà đội ngũ các nhân viên y tế đã gieo vào lòng các bệnh nhân nằm viện dài ngày. Một kiểu đề tài gây cười. Nếu tay bác sĩ này ra đi, đây cũng là điều băn khoăn, tôi sẽ lấy cái quái gì để chế giễu nữa đây. Mỗi khi nghe câu hỏi muôn thuở: “Anh có nhìn một thành hai không?”, tôi sẽ không còn niềm vui cô độc và vô tội khi nghe mình trả lời từ đáy lương tâm: “Vâng, có, tôi thấy hai thằng ngốc thay vì một”.
Cũng như việc hít thở, tôi cần được xúc động, yêu và ngưỡng mộ. Thư từ một người bạn, một bức tranh của Balthus trên tấm thiệp, một trang viết của Saint-Simon khiến thời gian trôi qua có ý nghĩa hơn. Nhưng để vẫn - sống và không chìm đắm trong nỗi nhẫn nhục ấm áp, tôi vẫn giữ lại một lượng tức giận, ghét bỏ, không quá nhiều và không quá ít, như nồi áp suất có van an toàn chống nổ.
Nào, “Nồi Áp Suất”, đó có thể là tên vở kịch một ngày nào đó tôi sẽ viết dựa trên những trải nghiệm của mình. Tôi cũng nghĩ đến việc đặt tên nó là Con mắt và tất nhiên là Chiếc áo lặn nữa. Các bạn đã biết chi tiết và cả bốn cảnh của nó rồi đấy. Phòng bệnh viện nơi ngài L., một ông bố của gia đình đang trong ở tuổi mạnh khỏe nhất, học cách sống chung với hội chứng “bị nhốt”, hậu quả của một tai biến mạch máu não nghiêm trọng. Vở kịch kể về các cuộc phiêu lưu của ngài L. trong vũ trụ là bệnh viện và những quan hệ của ngài với vợ, con, bạn bè và đồng nghiệp trong một hãng quảng cáo lớn mà ngài là một trong những người sáng lập đã thay đổi và tiến triển thế nào. Là người tham vọng và kiên cường, chưa từng thất bại cho tới giờ phút đó, ngài L. đã học được cảm giác tuyệt vọng là thế nào, mọi niềm tin sụp đổ và khám phá rằng người thân với mình chỉ là những con người xa lạ. Ta có thể theo dõi thay đổi chậm chạp này ngay từ những lớp kịch đầu tiên nhờ giọng kể từ ngoài tái tạo lại những lời độc thoại nội tâm của ngài L. trong mọi tình huống. Không cần phải viết vở kịch ấy nữa. Tôi đã ở màn cuối rồi. Cảnh vật chìm trong bóng tối, chẳng còn gì ngoài ngọn đèn halo rọi sáng chiếc giường giữa sân khấu. Ban đêm, tất cả đều đã ngủ. Đột nhiên ngài L., vẫn không nhúc nhích từ lúc mở màn, lật chăn ga, nhảy ra khỏi giường. Bóng tối chợt bao phủ và giọng kể vang lên lần cuối, lời độc thoại của ngài L.: “Bố khỉ! Chỉ là một giấc mơ”.
Ngày may mắn
Buổi sáng hôm đó khỉ trời vừa hửng nắng, một lời nguyền ác độc đã được ếm lên căn phòng số 119. Từ hơn nửa giờ nay, chiếc đồng hồ báo thức, vốn dùng để báo giờ ăn cho tôi, liên tục kêu mà không ai nghe thấy. Không gì ngu ngốc và khó chịu bằng cái tiếng bíp bíp ám ảnh gặm nhấm trí óc người ta. Không những thế, mồ hôi toát ra làm bong miếng băng dính vòn băng mí mắt phải khiến đám lông mi dính keo chạm vào con ngươi làm tôi đau mắt. Cuối cùng, để “thêm phần lộng lẫy”, đầu cắm ống tiểu của tôi tuột ra. Cả người tôi ngập trong nước. Trong lúc đợi người đến cứu, tôi thầm nhẩm nho nhỏ câu hát nhàm tai cũ kĩ của Henri Salvador(24): “Nào em yêu, không có gì nghiêm trọng đâu”. Còn nữa, y tá kia rồi. Theo thói quen, cô ta bật tívi. Đang quảng cáo. Một mạng điện thoại, chương trình “3617 tỉ franc” đang đưa câu hỏi: “Bạn có được sinh ra để làm giàu không?”
24. Nhạc sỹ kiêm ca sỹ người Pháp.
Dấu vết của rắn
Nếu có ai đó đùa vui mà hỏi liệu tôi có ý định thực hiện một chuyến hành hương về suối thánh Lourdes(25) không, tôi sẽ trả lời là tôi đã làm rồi. Đó là vào cuối những năm 70. Mối quan hệ giữa tôi và Josephine(26) đang khá phức tạp và chúng tôi cố gắng gìn giữ một chuyến đi vui vẻ cùng nhau - một trong số các chuyến du lịch được tổ chức với đầy rẫy những mầm mống bất hòa. Đối với những người có ý định lên đường vào buổi sáng mà không biết sẽ ngủ đêm ở đâu, cần lựa chọn giữa hoặc thật khéo léo trong cư xử với nhau hoặc giả dối không biết mệt mỏi với nhau. Josephine, cũng như tôi, đều ở vế thứ hai. Và trong suốt một tuần, chiếc xe cũ kĩ màu lơ nhạt bỏ mui trở thành sân khấu di động và thường trực của hai vợ chồng.
25. Địa danh hành hương nổi tiếng của Pháp.
26. Josephine là vợ đầu tiên của tác giả.
Từ d’Ax-les-Thermes, nơi tôi vừa hoàn thành chuyến đi xa, mở ngoặc là không tương thích chút nào với một con người hiến dâng cho mọi thứ trừ thể thao như tôi, đến Phòng Tình yêu, một bãi biển nhỏ ở Basque, nơi chú của Josephine sở hữu một căn biệt thự, chúng tôi đã đi suốt con đường đầy sóng gió và tuyệt đẹp xuyên qua dãy Pyrenees, để lại sau lưng vết chân đầy những lời như “tôi-chưa-bao-giờ- nói-thế-lúc-đầu-nhé”.
Nguyên do chủ yếu của mối bất hòa dễ chịu này là một cuốn sách dày sáu bảy trăm trang, bìa đen và đỏ, trên bìa nổi bật dòng tít. Dấu vết của rắn kể về các sự kiện và kì tích của Charles Sobraj, một kiểu thầy cúng giữa đường cái quan, mê hoặc, quyến rũ khách bộ hành phương Tây đi từ Bombay hay Kathmandu và sau đó là cướp họ. Lịch sử về con rắn mang nguồn gốc Pháp - Ân này là một câu chuyện có thật. Ngoài điều đó ra, tôi chẳng thể đưa thêm chi tiết nào nữa chứng minh cho điều sắp nói và đoạn tóm lược của tôi hoàn toàn có thể không chính xác nhưng điều tôi nhớ nhất là quyền lực của lão thầy cúng Charles Sobraj ảnh hưởng cả đến tôi. Nếu sau khi ròi Andorra, tôi tiếp tục ưng thuận rời mắt khỏi cuốn sách mà chiêm ngưởng cảnh vật thì khi tới đỉnh Midi, tôi thẳng thừng từ chối xuống xe đi bộ đến đài quan sát. Đúng là hôm ấy, cả đỉnh núi chìm trong một lớp sương mù dày đặc màu vàng nhạt khiến tầm nhìn và cả hứng thú đi dạo giảm hẳn. Nhưng Josephine để tôi lại đó và dằn dỗi bỏ đi suốt hai giờ đồng hồ trong đám mây mù. Có phải nàng nhất quyết đòi đi qua Lourdes là để giải bùa cho tôi không nhỉ? Vì chưa từng đến thủ phủ kì diệu ấy của thế giới, tôi đã đồng ý mà không ý kiến câu nào. Dù sao đi chăng nữa, trong cái tư tưởng bị sách vở đầu độc của tôi, Charles Sobraj cũng chẳng khác gì thánh nữ Bernadette Soubirous(27) và nước sông Adour(28) hoà lẫn với nước sông Gange(29).
27. Tên thật là Marie-Bemarde Soubirous, con một gia đình nghèo làm nghề xây bột ở Londres.
28. Bắt nguồn từ dãy núi Pyrenees (Pháp).
29. Còn có tên gọi là sông Hằng - một con sông lớn linh thiêng ở Ấn Độ.
Ngày hôm sau, sau khi đã vượt qua một ngọn đèo trong chuyến vòng quanh nước Pháp mà riêng việc lên đỉnh, dù là bằng ôtô, cũng khiến tôi mệt lử, chúng tôi tiến về suối thánh Lourdes trong không khí nóng bức ngột ngạt. Josephine cầm lái, tôi ngồi cạnh nàng. Và cuốn Dấu vết của rắn, dường như dày thêm và biến dạng đi, chễm chê trên băng ghế sau. Từ sáng đến giờ, tôi không dám chạm vào cuốn sách ấy nữa, Josephine đã quả quyết rằng chính vì tôi quá say mê với thứ truyện dân gian ngoại lai ấy mà không hào hứng khi đến noi chốn của nàng. Đây là mùa cao điểm cho những kẻ hành hương và thành phố chật kín người. Dù vậy, tôi vẫn tiến hành càn quét một cách hệ thống các khách sạn để thấy mình toàn đối diện với những cái nhún vai chê bai hay “chúng-tôi-thực-sự-rất-tiếc” sau mỗi lần dừng chân lại đâu. Mồ hôi khiến áo tôi bết vào lưng và hơn nữa, bóng ma về một trận cãi cọ mới đang bay lượn trên đầu chúng tôi. May sao, ông lao công của một khách sạn Anh, Tây Ban Nha, Balkans hay cái gì nữa tôi cũng chẳng biết, báo với tôi rằng một khách đã đi với giọng trịnh trọng của một công chứng viên thông báo sự kiện qua đời bất ngờ của một ông chú người Mỹ với đám cháu thừa kế của ông ta. Phải, có một phòng. Suýt nữa tôi đã thốt lên “Đúng là thần kì!” vì bản năng khiến tôi cảm thấy ở đây người ta không đùa với những chuyện như vậy. Thang máy rộng quá khổ, đủ vừa một chiếc băng ca, và chỉ 10 phút nữa thôi, khi đi tắm, tôi sẽ nhận ra phòng tắm được trang bị để tiếp đón cả người tàn tật.
Trong khi đến lượt Josephine tắm rửa, tôi quấn quanh mình độc chiếc khăn tắm, chạy ngay xuống ốc đảo tuyệt vời của những kẻ đang chết khát là quầy bar mini. Đầu tiên, tôi uống một hơi hết nửa chai nước khoáng, ôi chai nước ơi, ta sẽ mãi mãi cảm thấy cái miệng thuỷ tinh của mi trên đôi môi khô nẻ của ta. Sau đó, tôi chuẩn bị một ly sâm banh cho Josephine và một ly gin-tonic cho mình. Xong việc phục vụ bar, tôi lén lút tiến hành cuộc rút lui chiến lược vào trong các cuộc phiêu lưu của lão thầy cúng Charles Sobraj nhưng rượu sâm banh, thay vì tác dụng gây buồn ngủ như tôi dự liệu, lại khiến khuynh hướng thích du lịch của Josephine trỗi dậy mạnh mẽ. “Em muốn đi xem Đức Mẹ Đồng Trinh”, nàng vừa lặp đi lặp lại vừa nhảy lên đầy phấn khích.
Vậy là chúng tôi tới điện thánh dưới bầu trời nặng nề và u ám, leo lên một hàng dài dằng dặc xe lăn do các cô điều dưỡng khỏe mạnh đẩy đi. “Mưa thì tất cả mọi người vào trong nhà thờ lớn nhé!”, bà sơ, mũ bay phấp phới và tràng hạt trên tay cao giọng, uy nghi mở cửa cho đoàn người. Tôi lén lút quan sát những người bệnh, tay khoèo, vẻ mặt trầm tư, họ túm tụm lại với nhau như một đám bao nhỏ đựng sự sống chất đống lại. Một người bắt gặp ánh mắt tôi, tôi liền nở nụ cười nhưng anh ta đáp lại bằng cách thè lưỡi ra và tôi thấy mặt mình đỏ bừng lên một cách ngu ngốc đến tận mang tai như thể tôi đã phạm lỗi gì vậy. Với đôi giày thể thao hồng, quần jeans hồng, áo ngắn tay hồng, Josephine hào hứng tiến vào giữa một đám người mặc quần áo tối màu: Các cha xứ Pháp trong lễ phục của mình dường như đều hẹn gặp nhau tại đây. Nàng gần như ngây ngất khi dàn đồng ca các thầy tu cất giọng bài “Hãy là Mẹ Madonna mà chúng con quỳ dưới chân người”, bài thánh ca của nàng khi còn nhỏ. Trong không khí ấy, một người quan sát không cẩn thận có thể tưởng mình đang ở bên cạnh sân vận động Công viên các Hoàng tử trong một trận đấu thuộc cúp châu Âu.
Đoàn người xếp thành hàng uốn lượn dài đến một kilômét trên bãi đất trống trước lối vào hang theo nhịp hát Ave Maria đơn điệu. Tôi chưa trông thấy cảnh xếp hàng nào dài thế này bao giờ, có thể ngoại trừ ở Matxcova, trước lăng Lênin.
“Này, anh sẽ không xếp sau cả cái hàng dài này đâu!”
“Tiếc thật,” Josephine đáp lại, “vi như thế tốt cho một người ngoại đạo như anh đấy”.
“Chẳng tốt gì cả mà còn nguy hiểm nữa. Em thử tưởng tượng tự nhiên xuất hiện một người lành lặn khoẻ mạnh ở đây xem. ô, một phép màu và anh ta sê được đờ người ra vì được ngưỡng mộ ấy chứ?”
Có khoảng 10 cái đầu quay lại nhìn tôi để xem kẻ nào dám có những lòi phản Chúa như thế. “Ngu ngốc”, Josephine thở dài. Một cơn mưa rào ập xuống khiến mọi chú ý không còn tập trung vào tôi nữa. Ngay khi những giọt mưa đầu tiên vừa rơi, một rừng ô được giương lên và một mùi bụi nóng phảng phất trong không khí.
Chúng tôi cuốn theo dòng người tới nhà thờ lớn dưới mặt đất Jean XXIII, một căn phòng khổng lồ dùng làm chỗ cầu nguyện và tổ chức lễ từ sáu giờ sáng tới nửa đêm. Cứ hai hay ba cuộc người ta lại thay cha xứ một lần. Tôi đọc được trong một cuốn hướng dẫn du lịch là gian giữa được làm bằng bê tông này rộng hơn cả nhà thờ Saint-Pierre ở Rome và có khả năng chứa kha khá máy bay loại Jumbo Jet. Tôi đi theo Josephine tới một gian phòng, nơi vẫn còn chỗ ngồi trống bên dưới một trong vô số loa đang truyền lại buổi lẻ. Tiếng dội lại nghe vang vọng. “Vinh quang cho Chúa, đấng tối cao trên trời, tối cao trên trời… trên trời…” Từ trên bục cao, người ngồi cạnh tôi, một bác hành hương lo xa, rút từ trong balô cặp ống nhòm chuyên nghiệp để theo dõi các hoạt động. Các tín đồ khác thì dùng loại kính tiềm vọng tạm bợ như loại người ta vẫn dùng trong ngày 14 tháng Bảy(30) để xem diễu hành. Bố Josephine thường kể cho tôi chuyện ông đã khỏi nghiệp bằng cách bán những đồ vật này ở ga tàu điện ngầm như thế nào. Điều đó đã không ngăn cản ông trở thành một giọng nam cao trên đài phát thanh. Từ đó, ông cụ đã sử dụng tài rao hàng vốn có của mình để miêu tả các đám cưới đế vương, các trận động đất hay các màn đấm bốc. Bên ngoài, mưa đã tạnh. Không khí dịu mát hẳn. Josephine tuyên bố: “Đi mua sắm!” Chuẩn bị cho tình huống bất trắc này, tôi đã để ý trước tuyến phố lớn nơi các cửa hàng lưu niệm san sát nhau như trong một khu chợ phương Đông và bày vô kể các đồ thờ.
30. Ngày Quốc khánh Pháp.
Josephine sưu tập nào các lọ nước hoa xưa, tranh lấy cảm hứng từ nông thôn với một hoặc cả đàn bò, các đĩa thức ăn giả bày trong cửa kính của các nhà hàng Tokyo nhằm giới thiệu thực đơn, nói chung là tất cả những thứ vô vị nhất nàng tìm thấy được trong hàng loạt chuyến du lịch của mình. Đó, giờ thì là tình yêu sét đánh nhé. Trong cửa hàng thứ tư, vỉa hè bên trái, giữa ngổn ngang tranh ảnh cho người sùng đạo, món cutcut(31) Thuỵ Sỹ và các đĩa phomát, một bức tượng bán thân đáng yêu giả đá hoa với vòng hào quang nhấp nháy như trang trí trên cây thông Noel dường như đang đợi Josephine.
31. Cutcut: món ăn nguồn gốc châu Phi, làm từ hạt mi và ăn kèm với thịt hoặc cá, rau và nước sốt cay.
“Đây rồi, Đức Mẹ Đồng Trinh của em!” Josephine giậm chân kêu.
“Anh mua tặng em”, tôi nói ngay mà chưa tưởng tượng số tiền người bán hàng sẽ buộc tôi phải trả nếu nói đây là bức duy nhất. Tối hôm đó, chúng tôi tổ chức ăn mừng vụ tậu được bức tượng đặt trong phòng khách sạn dưới ánh sáng nhấp nháy thiêng liêng phát ra từ nó. Bức tượng hắt bóng thành hình kì quặc lên trần.
“Josephine này, anh nghĩ về Paris, chúng ta sẽ phải chia tay nhau thôi”.
“Anh nghĩ em không hiểu gì sao!”
“Nhưng Jo…”
Nàng thiếp đi. Nàng có năng khiếu, là khi rơi vào hoàn cảnh không vui, có thể ngủ yên lành tức thì. Độ dài các cuộc nghỉ phép khỏi cuộc sống này có thể là năm phút hay nhiều giờ. Trong một lúc, tôi quan sát vạt tường phía trên giường sáng rồi lại tối. Cái quỷ gì có thể khiến họ căng vải màu cam lên tường cả phòng như thế nhỉ?
Vì Josephine vẫn ngủ, tôi thận trọng mặc quần áo, thực hiện một trong những thú vui ưa thích của mình: “lang thang trong đêm”. Đó là cách tôi chống lại những điều khó chịu: cứ đi thẳng cho tới khi mệt nhoài. Trên đại lộ, bọn choai choai người Hà Lan đang ầm ĩ nốc hàng vại bia lớn. Chúng đục lỗ trên các túi đựng rác để chế áo mưa. Những hàng chấn song nặng nề chắn lối vào hang, nhưng nhìn qua vẫn thấy ánh sáng của hàng trăm ngọn nến thờ đang dần lụi tắt. Rất lâu sau đó, tôi lang thang đến con phố có các cửa hàng đồ lưu niệm. Sau lớp kính của cửa hàng thứ tư, một Mẹ Maria khác y hệt đã được đặt vào chỗ bức tượng chúng tôi mua. Tôi về lại khách sạn sau đó, từ xa tôi đã thấy cửa sổ phòng chúng tôi nhấp nháy trong bóng đêm. Tôi bước lên cầu thang, cẩn thận không làm người gác đêm thức giấc. Cuốn Dấu vết của rắn đang được đặt trên gối như thể trang sức trong hộp vậy. “Nào, tôi thì thầm, Charles Sobraj, mình quên hẳn mất cuốn sách”.
Tôi nhận ra nét chữ của Josephine. Một chữ lớn gạch ngang cả trang 168. Là lời mở đầu một bức thư kín hai chương cuốn sách và khiến những chữ trên đó không sao đọc được nữa.
“Em yêu anh, Ngốc ạ. Đừng làm Josephine của anh đau lòng nhé“.
May mà tôi đã đọc qua hai chương này lâu rồi.
Khi tôi tắt đèn nhấp nháy trên bức tượng Mẹ Đồng Trinh thì cũng là lúc trời bắt đầu sáng.