Chiếc áo lặn và con bướm - Chương 4

Rèm cửa

Ngồi rúm ró trong chiếc xe lăn Sylvie do mẹ hai đứa con tôi đẩy dọc hành lang, tôi lén quan sát chúng. Trong khi tôi thành một thứ gần giống âm binh như thế này thì Théophile và Céleste vẫn rất hiếu động, nghịch ngợm và ngang bướng. Tôi ngắm hai đứa đi lại, chỉ đơn giản là bước đi cạnh tôi với vẻ tự tin che giấu nỗi buồn đang đè nặng trên đôi vai bé nhỏ của chúng. Théophile vừa đi vừa dùng khăn giấy lau từng sợi nước bọt chảy xuống từ đôi môi khép chặt của tôi. Cử chỉ vụng trộm, nửa dịu dàng nửa lo sợ như đứng trước một con thú không biết trước nó sẽ phản ứng như thế nào. Ngay khi chúng tôi đi chậm lại, Céleste ôm siết lấy đầu tôi bằng hai cánh tay trần của con bé, phủ lên trán tôi những nụ hôn kêu và lặp đi lặp lại: “Đây là bố mình, đây là bố mình!” bằng giọng như đang niệm chú. Chúng tôi đang kỉ niệm ngày lễ các ông bố. Trước khi tôi bị tai biến, chưa bao giờ chúng tôi thấy cần ghi cái cuộc hẹn bắt buộc này vào lịch trình cảm xúc cả, nhưng giờ đây, cả nhà lại ở cùng nhau suốt ngày lễ này để chứng nhận, rõ ràng, rằng một bản phác, một cái bóng, một mẩu của ông bố vẫn là bố. Tôi bị chia làm hai, một bên là niềm vui được thấy chúng sống, cử động, cười hoặc khóc trong vài giờ với bên kia là nỗi sợ hãi rằng cảnh tượng buồn phiền này, bắt đầu bằng chuyện của tôi, không phải điều kiện lý tưởng cho một thằng bé 10 tuổi và con bé em tám tuổi của nó vui đùa, ngay cả khi cả gia đình đã đi đến một quyết định khôn ngoan là không cố gắng xoa dịu hoàn cảnh.

Chúng tôi tới Beach Club. Đó là tên tôi gọi một cồn cát nhỏ mở đón nắng và gió, nơi chính quyền đã có lòng tốt bố trí bàn ghế và ô, thậm chí cả gieo vài bông hoa khuy vàng mọc trong cát giữa đám cỏ dại nữa. Trên chiếc du thuyền đậu bên sát mép bờ, có thể mơ tới một bà tiên đến biến tất cả xe lăn thành xe trượt cát có buồm. “Bố chơi đố chữ treo cổ không?” Théophile hỏi và tôi sẽ sẵn lòng trả lời nó rằng toàn thân bất toại như thế này thôi đã đủ rồi, nếu cái hệ thống giao tiếp của tôi cho phép những câu đối đáp cay chua như thế. Nét sắc sảo tinh tế nhất cùn mòn đi và xẹp lép đi nếu cần tới vài phút để sửa sang nó. Mới đầu, người ta sẽ không hiểu tại sao lại phải khó nhọc đọc chính tả từng chữ cái một. Nguyên tắc ở đây là tránh mọi thứ dí dỏm không đúng chỗ. Nó làm mất đi tính sắc sảo linh hoạt của cuộc nói chuyện, những từ hay ho người ta ném đi ném lại như quả bóng đập vào tường rồi nảy lại. Tôi coi sự thiếu hài hước bắt buộc này là một trong số những bất tiện mà tình trạng này của tôi mang lại.

Cuối cùng, quay lại với trò đố chữ treo cổ, môn thể thao quốc gia của học sinh lớp năm. Tôi tìm được một từ, một từ nữa và dừng lại ở từ thứ ba. Thực ra tôi chẳng có đầu óc nào để chơi cả. Một nỗi buồn xâm chiếm tâm trí tôi. Théophile, con trai tôi, đang ngoan ngoãn ngồi kia, mặt nó chỉ cách mặt tôi chừng 50 centimét, tôi, cha nó, thậm chí không có cái quyền đơn giản nhất là luồn tay vào mái tóc dày, nhéo chiếc cằm còn lông tơ, ôm siết lấy thân thể nhỏ bé, trơn nhẵn và ấm áp của nó. Nói thế nào đây? Có quái gở, kỳ dị, ghê tởm hay đáng sợ không? Đột nhiên, tôi không kiềm chế nổi nữa. Nước mắt chảy dồn xuống và họng thắt lại phát ra một tiếng khàn khàn khiến Théophile giật mình. Đừng sợ, con trai, bố yêu con. Thằng bé vẫn cắm cúi với trò đố chữ và hoàn thành phần của mình. Thêm hai chữ cái, nó thắng và tôi thua. Trên một góc trang giấy, nó đã vẽ xong giá treo, dây và kẻ bị tử hình.

Còn con bé Céleste lại đang nhào lộn trên đụn cát. Tôi không biết liệu có nên nhìn nhận hiện tượng bù trừ ở đây không nhưng từ khi với tôi, nhấc một mí mắt lên cũng tương tự như chơi cử tạ thì con bé lại trở thành một diễn viên nhào lộn thật sự. Nó trèo tường, trèo cây, đi qua cầu trũng, lộn vòng và nhảy liên tiếp những cú nguy hiểm với sự khéo léo của một con mèo. Con bé thậm chí đã thêm làm xiếc trên dây vào danh sách dài dằng dặc những nghề nghiệp mà nó dự định làm trong tương lai. Bằng những cú xoay minh của mình, mầm non nghệ sĩ tương lai của chúng tôi đã chinh phục toàn bộ khán giả ở Beach Club và bắt đầu đi một vòng ca hát trước nỗi thất vọng lớn lao của Théophile, người đặc biệt ghét tất cả những gì người ta có thể làm để bị hay được chú ý. Em nó càng cởi mở bao nhiêu thì thằng bé nhút nhát và khép kín bấy nhiêu. Nó ghét cay ghét đắng cái ngày tôi yêu cầu để được kéo chuông ngày khai giảng ở trường học của nó. Không thể nói trước Théophile sau này có sống hạnh phúc hay không, nhưng chắc chắn nó sẽ sống khép kín.

Tôi tự hỏi làm cách nào mà con bé Céleste có thể làm được cả một danh mục những bài hát từ những năm sáu mươi như thế. Johnny, Sylvie, Sheila, Clo-Clo(32), Francoise Hardy, không ngôi sao của thế hệ vàng nào bị bỏ quên. Ngoài những bài rất thành công và nổi tiếng và những khuôn sáo lúc nào cũng được ưa thích như chuyến tàu của Richard Antony suốt 30 năm nay chưa lúc nào ngừng được huýt sáo bên tai chúng tôi, Céleste còn hát những bài một thời nổi tiếng nhưng đã bị lãng quên, giờ trở lại mang theo những đám mây kỷ niệm. Kể từ thời tôi nghe đi nghe lại không chán đĩa nhạc 45 vòng của Claude Francois trên máy nghe đĩa từ hồi tôi 12 tuổi đến giờ, tôi chưa bao giờ phải nghe lại “Cô bé nhà giàu tội nghiệp”. Thế nhưng, khi Céleste lầm rầm hát, khá lạc điệu, những nhịp đầu tiên của bài hát nhàm tai đó trở lại trong đầu tôi, chính xác khó tưởng tượng đến từng nốt nhạc, từng đoạn đổi nhịp, từng chi tiết hợp ca hay phối khí, cho đến tiếng sóng vỗ dồn ở đoạn mở đầu. Tôi thấy lại chiếc vionlin nhỏ, bức ảnh của ca sĩ cùng chiếc áo sơ mi kẻ sọc, vật trước đây dường như là mơ ước không thể đạt được của tôi vì mẹ tôi cho rằng kiểu áo đó thật tầm thường. Tôi thậm chí còn thấy hiện ra trước mắt buổi chiều thứ năm khi tôi mua đĩa hát đó từ bác họ tôi, một người bác có thân hình cao lớn nhưng rất dịu dàng, có cửa hàng nhỏ xíu trong tầng ngầm ở ga Bắc, với điếu thuốc ngô không lúc nào rời nổi khoé miệng. “Cô đơn biết bao trên bờ biển, cô bé nhà giàu tội nghiệp…”(33) Thời gian trôi và mọi người đều biến mất. Mẹ mất đầu tiên, sau đó Clo-clo bị điện giật chết và anh họ dễ thương, khi công việc kinh doanh có dấu hiệu phá sản, đã tự tử, để lại khổ đau cho đám con cái và động vật anh nuôi. Tủ của tôi đầy những đĩa hát có hình áo sơ mi cài cúc cổ. Tôi nhớ cửa hàng đĩa nhỏ đó đã bị một chủ cửa hàng sôcôla mua lại. Vì tàu tới Berck đi từ ga Bắc, hôm nào, có thể tôi sẽ nhờ ai đó đi qua xem lại hộ.

32. Tên thân mật của ca sĩ Claude Francis, nam ca sĩ vang bóng một thời của Pháp, mất năm 39 tuổi vi bị điện giật.

33. Lời bài hát “Pauvre Petite Riche” (Cô bé nhà giàu tội nghiệp) do nam ca sĩ Claude Francois thể hiện.

“Hoan hô Céleste!” Sylvie kêu lên. “Mẹ, con chán lắm rồi”, Théophile càu nhàu ngay lập tức. Đã năm giờ. Chuông nhà thờ mọi khi có vẻ rất hiền hòa với tôi giờ mang vẻ như tiếng chuông báo tử, báo đã đến giờ chia tay. Gió thổi bay tung chút cát. Biển đã lùi xa đến mức những người đang tắm chỉ còn giống như những chấm nhỏ ở chân trời. Trước khi quay về, lũ trẻ chạy làm nóng lại chân trên bãi biển, chỉ còn tôi và Sylvie, im lặng, tay nàng siết chặt lấy những ngón tay trơ ì của tôi. Sau cặp kính đen phản chiếu màu trời trong sáng, nàng lặng lẽ khóc cho cuộc đời bị vỡ toạc của mỗi chúng tôi.

Mọi người tập trung lại trong phòng tôi cho những biểu hiện tình cảm cuối cùng. “Bố ơi, bố có sao không?” Théophile hỏi. Ông bố là tôi nghẹn họng, bàn tay rám nắng và xương cụt nát vụn vì phải nằm quá lâu trên xe lăn nhưng đã có một ngày tuyệt vời. Còn các bạn trẻ, các bạn giữ được gì từ những chuyến du hành vào nỗi cô độc bất tận của tôi? Mọi người đã ra về. Xe phải đi nhanh về Paris. Tôi say sưa ngắm bức tranh Céleste mang đến, bức tranh chúng tôi đã ngay lập tức treo lên tường. Một dạng cá hai đầu với đôi mắt viền lông mi xanh dương và vảy nhiều màu. Tuy nhiên, bức hình đặc biệt không phải vì những chi tiết ấy mà vì hình dáng tổng thể của con cá, làm người ta bối rối vì nó giống biểu tượng về ký hiệu vô cùng trong toán học. Mặt trời chan hòa qua ô cửa sổ. Đến giờ ánh nắng chói chang rọi ngay xuống đầu giường tôi. Khi chia tay, tôi quá xúc động mà quên không ra hiệu cho mọi người kéo hộ tấm rèm. Nhưng phải có một y tá nào đó vào đây trước giờ tận thế chứ.

Paris

Tôi đang rời xa. Chậm nhưng chắc chắn. Tựa như viên thủy thủ trên chuyến tàu đi xa nhìn lại bờ biển nơi mình đã có những giờ phút vui tươi biến mất dần, tôi cảm thấy quá khứ của mình đang dần mờ nhạt. Cuộc đời xưa vẫn còn cháy trong tôi nhưng nó đang tàn lụi dần thành tro bụi của kỷ niệm.

Từ khi “định cư” trong tấm áo lặn, tôi vẫn có hai chuyến đi chóp nhoáng từ bệnh viện ở Berck tới bệnh viện ở Paris để thu nhận ý kiến của các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới. Lần đầu tiên, tôi vô cùng xúc động khi chiếc cứu thương tình cờ đi ngang tòa nhà siêu hiện đại nơi mới đây tôi vẫn còn làm công việc tội lỗi của một tổng biên tập một tuần báo phụ nữ nổi tiếng. Ban đầu, tôi nhận ra tòa nhà cổ lỗ sĩ bên cạnh từ thời những năm 60 sắp bị phá như thông báo trên tấm panô treo tường, sau đó mới đến mặt ngoài hoàn toàn bằng gương phản chiếu mây và máy bay bay ngang nơi tòa nhà chúng tôi làm việc. Ở khoảng sân phía trước có một vài khuôn mặt quen thuộc, những người ngày nào ta cũng đi ngang qua trong suốt 10 năm mà không thể gọi ra được một cái tên. Tôi vặn ngược cổ để quay lại nhìn xem liệu còn thấy gương mặt nào quen thuộc hơn ngang qua sau người phụ nữ búi tóc và một anh chàng vạm vở mặc áo choàng xám dài không. Nhưng số phận không muốn vậy. Nhưng biết đâu ai đó lại nhìn thấy cỗ tứ mã của tôi từ văn phòng tầng năm? Ngang qua quán bar đôi khi vẫn vào ăn món đặc biệt trong ngày, tôi rơi vài giọt nước mắt. Tôi có thể khóc khá kín đáo. Mỗi lần như vậy họ nghĩ vấn đề là do mắt tôi thôi.

Bốn tháng sau, lần thứ hai tới Paris, tôi đã gần như thờ ơ. Trên phố, không khí tháng Bảy tràn ngập, nhưng với tôi, vẫn đang là mùa đông thôi, cảnh sắc kia chỉ là cảnh phim được chiếu lên kính xe cứu thương. Trong điện ảnh, người ta gọi thế này là màn ảnh suốt: Ô tô của nhân vật chính lao trên con đường dẫn thẳng tới bức tường studio. Phương pháp này tạo nên chất thơ cho các bộ phim của Hitchcock ngay từ khi nó còn chưa hoàn thiện. Chuyến đi ngang Paris lần này chẳng khiến tôi nóng hay lạnh. Nhưng cũng không thiếu gì cả. Các bà nội trợ mặc váy hoa và đám thiếu niên đi giày trượt. Tiếng xe bus chạy ầm ầm. Tiếng càu nhàu của các nhân viên chạy việc vặt trên xe scooter. Quảng trường Nhà hát Lớn bước ra từ tranh Dufy. Cây cối lấn vào mặt tiền các khu nhà và một chút bông trên bầu trời xanh. Không thiếu gì cả, ngoài tôi. Tôi ở ngoài những thứ đó.

Thực vật

Ngày mùng Tám tháng Sáu, đã sáu tháng từ khi cuộc sống mới của tôi bắt đầu. Thư các bạn gửi đến được dồn vào tủ, tranh thì treo trên tường và vi tôi không thể trả lời từng người một, nên tôi đã nảy ra ý tưởng viết đám tài liệu mật này để kể lại những ngày của tôi đã trôi qua thế nào, tiến bộ và hi vọng. Ban đầu, tôi không muốn tin đã có chuyện xảy ra. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ sau hôn mê, tôi nghĩ mình sẽ sớm quay lại với nhịp sống quay cuồng của Paris dù vẫn sẽ chống hai cái nạng.

Đó là những dòng đầu tiên trong lá thư đầu tiên gửi từ Berck hồi cuối mùa xuân khi tôi quyết định viết cho bạn bè và người thân. Lá thư gửi đến 60 người nhận đã gây tiếng vang nhất định và sửa chữa đôi chút tác hại của tin đồn. Thực tế, thành phố, con quỷ trăm miệng nghìn tai không biết mà cái gì cũng nói được này đã quyết định kết liễu tôi luôn rồi. Trong quán Flore, một trong những đại bản doanh của giới học đòi Paris, nơi phát tán những lời đồn ác ý ra khắp nơi, người thân của tôi đã nghe thấy những kẻ ba hoa không quen biết hau háu trao đổi với nhau với vẻ tham lam của đàn kền kền khi phát hiện ra con linh dương bị mổ toang bụng, “ông biết B. giờ chỉ còn sống thực vật được thôi chưa?”, một kẻ nói - Tất nhiên, tôi biết mà. Thực vật, ừ, giờ chỉ như thực vật được thôi”. Từ “thực vật” chắc phải mềm nhũn ra trong miệng của những nhà tiên tri này vì nó được nhai đi nhai lại giữa hai miếng bánh mì rán phomát. về ngữ điệu, nó ngụ ý chỉ những người kém tinh tế mới không biết là từ nay về sau, tôi thuộc ngành buôn bán rau quả hơn là thuộc về xã hội loài người. Chúng ta đang trong thời bình. Những kẻ phao tin nhảm không bị bắn. Nếu muốn chứng minh tiềm năng trí tuệ của mình vẫn hơn cây diếp củ, tôi chỉ có thể trông cậy vào bản thân mà thôi.

Vậy là sinh ra chuyện thư từ với mọi người mà tôi thực hiện từ tháng này sang tháng khác, cho phép tôi vẫn hòa họp với những người tôi yêu quý. Tội kiêu ngạo của tôi cũng mang đến kết quả. Ngoài một số kẻ không khoan nhượng vẫn bướng bỉnh im lặng, tất cả mọi người đều đã hiểu họ có thể đi qua chiếc áo lặn để gặp tôi cho dù điều đó đôi khi dẫn tôi tới sát những vùng đất chưa từng khám phá.

Tôi nhận được những lá thư tuyệt diệu. Người ta mở thư, mở và đưa chúng ra trước mắt tôi theo một nghi thức cố định theo thời gian, khiến mỗi lần nhận thư có dáng dấp của một buổi lễ im lặng và thiêng liêng. Tôi tự đọc cẩn thận từng lá một. Một số khá nghiêm trọng, nói về ý nghĩa cuộc sống, ưu thế của tâm hồn, về bí ẩn trong mỗi sự tồn tại và tò mò thế nào, một hiện tượng đảo ngược bề ngoài, những người tôi có quan hệ xã giao lỏng lẻo nhất lại là người tiến sát nhất đến những câu hỏi trọng yếu này. Sự hời hợt của họ lại che giấu một tâm hồn sâu sắc. Trước đây tôi có phải mù hay điếc hay cần phải có ánh sáng từ nỗi bất hạnh mới rọi sáng được giá trị đích thực của một người?

Các bức thư khác kể về những điều nhỏ nhặt đánh dấu thời gian. Đó là những đóa hồng hái lúc hoàng hôn, vẻ uể oải của một Chủ nhật mưa, một đứa trẻ khóc trước khi thiếp ngủ. Được bắt lấy từ cái hàng ngày, những mẩu nhỏ của cuộc sống ấy, những miếng hạnh phúc ấy khiến tôi xúc dộng hơn hết thảy. Ba dòng hay tám trang, từ Levant xa xôi hay từ Levallois-Perret, tôi giữ tất cả chúng như báu vật. Một ngày nào đó, tôi có thể muốn dán chúng nối tiếp nhau thành một dải ruy băng dài một kilômét phấp phới bay trong gió như lá cờ đuôi nheo biểu trưng cho tình bạn.

Lá cờ sẽ tống bọn kền kền(34) ra xa.

34. Tên gọi chung của một nhóm các loài chim ăn thịt và ăn xác chết.

Đi dạo

Trời nắng như đổ lửa. Nhưng tôi vẫn muốn ra ngoài. Nhiều tuần, có khi nhiều tháng rồi tôi chưa bước chân ra khỏi bệnh viện để thực hiện nghi thức đi dạo dọc bờ biển. Lần cuối cùng trời còn là mùa đông. Gió lốc lạnh buốt thổi cát thành đám bay mù trời, chỉ còn vài kẻ rỗi hơi hiếm hoi quấn mình trong áo khoác dày liêu xiêu bước ngược chiều gió. Hôm nay tôi muốn được thấy Berck trong vẻ mùa hè, khi bãi biển mà tôi biết vốn vắng hoe lại được nói là đông nghẹt và thấy đám đông uể oải của tháng Bảy. Để ra đến phố, đi từ tòa nhà Sorrel, cần băng ngang ba bãi đỗ xe trải nhựa sần sùi khiến mông phải trải qua thử thách đến là gian khổ. Tôi quên biến mất chặng đường chiến đấu với nắp cống, ổ gà và ôtô đậu vỉa hè để được đi dạo.

Biển đây rồi. Dù, ván trượt có buồm và một dãy người tắm biển chắn ngang đường hoàn thành bức hình trên tấm bưu thiếp. Thật đúng là biển mùa du lịch, nhẹ nhàng và hiền dịu. Chẳng có gì giống với khoảng không vô tận ánh màu thép tôi vẫn thường lặng ngắm từ sân hiên bệnh viện. Vậy mà vẫn những tiếng ầm ì ấy, vẫn những lớp sóng ấy, vẫn chân trời mù sương ấy.

Chúng tôi đi dọc bờ biển trong dòng qua lại tấp nập của kem ốc quế và đùi cháy đỏ. Tôi tưởng tượng cảnh mình khẽ quệt viên kem vani lên lớp biểu bì đỏ rực vì nắng của một anh chàng trẻ tuổi. Không ai thực sự chú ý đến tôi. Xe lăn ở Berck nhan nhản chẳng khác gì Ferrari ở Monte-Carlos. Đâu đâu cũng gặp những kẻ khốn khổ như tôi, trật xương và hay khạc nhổ vặt. Chiều nay, Claude và Brice đưa tôi đi. Một người tôi mới quen 15 ngày và một người 25 năm. Cảm giác thật lạ lùng khi nghe ông bạn già kể về mình cho cô gái trẻ hàng ngày đến cho tôi đọc chính tả. Tính cách nóng nảy, niềm đam mê sách vở, nỗi ham thích vô độ đối với đồ ăn ngon hay chiếc xe đỏ bỏ mui được của tôi, tất cả đều có trong câu chuyện. Giống một người kể chuyện đang khai quật những truyền thuyết của một thế giới đã bị phá hủy. “Tôi không thấy ông như vậy” Claude nói. Từ giờ, thế giới của tôi chia đôi giữa những người biết tôi từ trước và những người khác. Họ sẽ nghĩ trước đây tôi có thể là người thế nào? Tôi chẳng có lấy một bức ảnh của mình trong phòng để cho họ xem.

Chúng tôi dừng lại bên trên cầu thang rộng - đường đi lại cho quán bar bãi biển và một dãy dài buồng thay đồ màu phấn, cầu thang gợi tôi nhớ đến lối vào rộng rãi của ga tàu điện Porte- d’Auteuil, khi còn nhỏ tôi đi từ bể bơi về nhà, mắt còn nhòa vì chất clo trong nước. Bể Molitor đã bị phá cách đây vài năm còn cầu thang giờ đã thành đường cụt.

“Cậu muốn về chưa?”, Brice hỏi. Tôi cương quyết phản đối bằng cách lắc đầu theo mọi hướng. Làm gì có chuyện quay lại khi còn chưa đạt được mục đích thực sự của chuyến du ngoạn này. Chúng tôi đi nhanh ngang qua vòng quay ngựa gỗ kiểu cổ với tiếng nhạc dội thẳng vào tai tôi. Chúng tôi gặp Fangio, “của hiếm” của bệnh viện, cậu ta nổi tiếng với biệt danh ấy. Lúc nào cũng thẳng đơ như công lý, Fangio không ngồi được. Luôn luôn phải đứng hoặc nằm, cậu ta di chuyển bằng cách nằm sấp trên chiếc xe bốn bánh cậu ta tự vận hành nhanh một cách đáng kinh ngạc. Cậu ta là anh chàng to lớn da đen dáng thể thao đang vừa đo đường vừa ầm ĩ: “Chú ý, Fangio đây!” Cậu ta không nhận ra tôi. Rốt cuộc chúng tôi cũng tới được điểm cuối của cuộc hành trình, tận đầu kia bãi. Tôi muốn đi đến hết đường không phải vì muốn khám phá cảnh vật mới lạ mà vì muốn thỏa sức hít thở thứ mùi bốc ra từ lán trại nhỏ xoàng xĩnh nơi cửa bãi. Họ đặt tôi dưới ngọn gió và tôi cảm thấy cánh mũi mình run rẩy niềm vui được hít lấy thứ mùi tầm thường, nhức đầu và cực ki khó chịu với đại đa số mọi người, “ôi trời! một giọng nói phía sau tôi, mùi như mỡ khét ấy”.

Nhưng tôi hít mãi không chán cái mùi khoai tây rán này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3