Chương 17

Mỹ Dương vừa lọng cọng cạo vảy con cá lóc vừa nhìn động tác thuần thục của mợ út. Mợ út là một biểu tượng tiêu biểu cho tuýp phụ nữ của gia đình, nữ công gia chánh, thêu thùa may vá, chăm sóc ba má chồng... mợ đều có thể một tay quán xuyến từ trong nhà ra tới ngoài vườn. Mợ về làm dâu chắc cũng mười lăm, mười sáu năm. Ngày đám cưới cậu mợ, Mỹ Dương chỉ mới ba tuổi, nhớ lại, cô cũng chẳng còn chút ấn tượng gì ngoài hình ảnh lờ mờ khi được bế đi rước dâu bằng thuyền. Lúc cưới cậu út, mợ mới mười tám, họ cưới nhau nhờ mai mối, bây giờ cậu ba mươi ba, có hai đứa con trai, thằng lớn học lớp 5, thằng nhỏ vừa vào lớp 1. Với độ tuổi của mợ, nếu không phải theo vai vế, chị Nguyệt cũng có thể gọi là chị được. Những người phụ nữ cỡ tuổi mợ ở thành phố S bây giờ có khi có người còn chưa lập gia đình, bọn họ hầu như độc lập tài chính, tự chủ cuộc sống, ăn mặc thời trang, theo kịp xu hướng chứ không phải... mộc mạc như mợ. Mà, có lẽ, sau này Dương cũng trở thành một trong số họ nhỉ... Dương vì thế thấy thương mợ nhiều, vì gia đình mà mợ hy sinh, nhẫn nhịn nhiều quá, đến bản thân cũng chẳng chưng diện bao giờ.
 
“Đúng rồi, cạo như vậy, mạnh tay lên, dựng dao đứng lên chút... cho nó tróc vảy ra!” mợ út nhìn động tác của Dương, hướng dẫn tận tình.
 
Dương dù không hứng thú gì với bộ môn bếp núc nhưng vẫn hăng hái phụ giúp, phần lớn là vì muốn trải nghiệm. “Mợ, sao cá gì chút chút không vậy? Làm biết chừng nào mới xong?” Dương ngao ngán nhìn thau cá lóc.
 
“Cá này là cá lóc đồng, cậu bây bắt được mấy bữa trước. Nên không có bự được như cá nuôi.”
 
Dương gật gù. Cá đồng chắc chắn ngon hơn cá nuôi nhiều, thịt cũng ngọt hơn, có điều làm thì cực. “Phải nó mà lớn thì mình nướng trui ăn.”
 
Mợ cười hiền. “Thôi ăn đỡ cháo cá lóc đi. Bữa nào có cá lớn rồi nướng sau.”
 
“Một lát, con với chị Nguyệt đi hái rau đắng cho, sẵn kiếm trái bưởi vô ăn luôn nha mợ.”
 
“Ừ. Xách giỏ theo đi. Hái sẵn để đó bữa nào hai đứa lên trển thì chở theo.”
 
“Dạ.” Dương hào hứng. Mấy trò vận động khám phá trong vườn của ngoại chính là sở trường của cô. Từ nhỏ đến lớn, lần vào về quê cũng tìm cơ hội chạy ra vườn.
 
Trên bộ ngựa cách bếp không xa, Nguyệt lặt xong mớ rau nhấp cá, cô nhìn sang bà nội, bên cạnh. Bà ngón trỏ tay trái quấn vải, bàn tay còn lại cầm dao Thái tỉ mẫn chuốt nhẵn mấy thanh tre. Lưng bà còng nặng, tóc đã bạc hết, nhưng mắt vẫn sáng lấp lánh, thần trí cực kì minh mẫn. Nhìn cách bà dốc công như vậy, Nguyệt hơi bồi hồi.
 
“Nội... sao bây giờ nội còn chuốt đũa tre làm gì?”
 
Bà nội không rời mắt khỏi cây đũa tre chưa hoàn chỉnh, “bụi tre tốt quá thì để làm gì... Mà đũa nhựa gấp đồ ăn trơn trợt, lại không tốt cho sức khỏe. Bây ăn riết là ung thư hết!”
 
Nguyệt khẽ xúc động, tim nhói lên một cái. Lúc nào rảnh rỗi nội cũng chuốt đũa tre. Sau đó chia cho con cái. Nên nhà cô từ trên xuống dưới không hề xài đũa chợ. Chuốt đũa tre không khó. Chỉ cần kiên nhẫn một chút, tỉ mỉ một chút là được. Cốt yếu là làm sao cho mấy thanh tre trơn nhẵn, không sần sùi. Mà đối với bà nội, đũa tre phải đúng tiết diện tròn (theo quy định của nội là đường kính phải là đầu lớn 5 ly – đầu nhỏ 3 ly), méo mó một chút cũng không được. Một điều cơ bản hơn nữa là tất cả các thanh tre đều phải dài bằng nhau. Đũa tre hoàn hảo chính là phải vừa có tiết diện phù hợp, vừa trơn láng và hai chiếc đũa phải dài bằng nhau.
 
“Nội, nội lớn tuổi rồi, đừng chuốt nữa... Nghỉ ngơi là được.”
 
“Cái việc này nó có nặng nề gì đâu. Bà nội mà ở không là lú lẫn luôn.”
 
Nguyệt thấy không thể khuyên được bà, liền đổi cách, “vậy con chuốt phụ bà nhe!”
 
Bà nội gật gù. “Muốn chuốt thì chuốt, mà bây không làm được đâu.”
 
Nguyệt tự tin hất mặt, “hông dám... con thấm nhuần hết các quy tắc của bà nội. Làm cái này có gì đâu mà khó.” Cô cầm lấy một thanh tre vừa được vót thành nang, bắt đầu chuốt.
 
Bà nội hơi ngẩng đầu nhìn thao tác của Nguyệt cười cười.
 
Nguyệt gấp rút cạo lớp vỏ nhẵn ngoài cùng của thân tre, kế đến, cô cố tạo tiết diện tròn cho chiếc đũa. Nhưng chuốt mãi đũa cũng không tròn. Càng chuốt tiết diện càng méo mó.
 
Chuyện này không dễ như mình tưởng. Nguyệt thầm nghĩ, lại nhìn sang cử chỉ thuần thục, khéo léo của bà nội mà cố gắng. Nhất định không để nội chê cười.
 
Bà nội đã chuốt được 3 chiếc đũa, chiếc nào chiếc nấy đều rang, thẳng tắp... mà khâu tạo hình chiếc đũa đầu tiên của Nguyệt vẫn chưa xong. Nguyệt hơi hậm hực nhìn chiếc đũa như kẻ thù mấy kiếp.
 
Bà nội cười cười, lắc đầu.
 
“Con không tin là không chuốt được nó.” Cô hơi thừa đẩy mạnh, lưỡi dao Thái sượt xuống, phạm ngay ngón trỏ đang giữ thanh tre. Máu tuôn ra. Nguyệt tái mặt, im bặt.
 
“Chảy máu rồi phải hông?” Bà nội từ tốn hỏi.
 
Nguyệt quay lưng về phía bà, cười cười giấu ngón tay. “Đâu có... đâu có đâu nội.”
 
“Thôi đi rửa tay đi, băng bó lại cho đàng hoàng!” Bà nội ân cần nói, nhưng giọng điệu có chút trào phúng. “Bà đã nói rồi, thấy không!”
 
Minh Nguyệt hơi quê, bĩu môi đứng dậy đi về phía sàn nước, chỗ Mỹ Dương và thím út đang làm cá.
 
-------
 
Mỹ Dương tháo ra chiếc dép, ngồi phịch xuống, đặt rổ rau đắng bên cạnh. Cô bé vỗ lưng phình phịch. “Hái có bao nhiêu mà đơ hết cả lưng.” Cô nhìn sang rổ Nguyệt, trợn mắt. “Phải không vậy... chị hái còn ít hơn em?”
 
Nguyệt cười cười, “ơ... tay chị đau mà!” Cô đưa ngón tay đang quấn băng keo cá nhân lên ngoe nguẩy.
 
“Chị hái bằng tay phải, liên quan gì tay trái.”
 
“Công nhận cả tiếng rồi mà hiệu suất thấp quá đó.”
 
“Chị đang tự nói chị đúng không?”
 
Hai chị em ngồi dưới bóng bụi tre lớn, cởi nón ra quạt phe phẩy.
 
“Mà chị thấy nhiêu đây đủ nhà mình ăn rồi...”
 
“Nếu không?”
 
“Nếu không chiều ra hái tiếp.” Nguyệt nháy mắt cười.
 
Cách chỗ hai chị em không xa là mương thủy lợi dẫn nước quanh vườn bưởi. Mực nước trong mương rất thấp, chỉ độ chừng nửa mét, nhưng cảnh sắc lại cực kì thú vị vì bông súng mọc đầy hết mặt nước. Dọc mương nước, cứ cách chừng mười mấy thước sẽ có một cây cầu đá ghép bởi hai cột đá, mỗi cột rộng khoảng một tấc, dẫn lối vào vườn bưởi. Lúc Nguyệt còn nhỏ, đa số cầu quanh vườn bưởi đều là cầu tre. Nói là cầu cho sang chứ thực tế chỉ là dùng một cây tre già, thân to, gác ngang hai mé mương. Vậy nên mới nói kĩ năng thăng bằng của người miệt vườn Nam bộ là vô cực. Cầu nhỏ kiểu gì cũng đi qua được, huống gì mấy cây cầu bê tông thay thế này.
 
Minh Nguyệt tuy không phải thuần thục kĩ năng đi cầu tre cho lắm, nhưng với dạng cầu bê tông thì cũng có thể đi dễ dàng.
 
“Chị Nguyệt, mấy đứa nhỏ làm gì kìa!”
 
Nguyệt đưa mắt nhìn mấy đứa con nít vừa trai vừa gái xúm xít ở một chiếc cầu cách đó chừng năm chục mét. Mấy đứa đó là bạn với hai đứa em họ. Tụi nó mấy bữa nay mới kiểm tra học kì xong, không có bài vở gì nên thảnh thơi tụ tập.
“Chắc móc đất sét chứ gì.”
 
Mấy trò con nít này hồi nhỏ hai chị em Nguyệt cũng từng chơi. Lội xuống mương móc đất nhão, đem lên nặn thành hình nồi niêu, sau đó cắt lục bình, thân cây súng... giả làm nguyên liệu, chơi trò bán quán.
 
“Chị đem rau vô trước đi... em muốn chơi với tụi nó!” Dương hăng hái, phủi mông đứng dậy.
 
Nguyệt lườm em. “Lớn vậy còn ham hố.”
 
Dương cười mỉa, “hay là chị cũng muốn chơi chung?”
 
Nguyệt nén nụ cười, hắng giọng, “giờ cũng chưa tới giờ ăn... lát đem rau vô cũng được.”
 
Sau đó, hai chị em nhanh chóng gia nhập cùng bọn nhỏ, vừa móc đất sét, vừa nắn nồi chảo, hình thù đủ loại... Đang chơi vui vẻ, thằng Tí, đứa em họ lớn của Nguyệt đưa mắt ngơ ngác nhìn cô.
 
“Chị Nguyệt?”
 
Nguyệt đang nắn chảo, hình dạng nhái theo chảo chống dính, ngước lên nhìn thằng em. “Sao?”
 
“Mà sao giờ chị còn ở đây?”
 
“Chứ ở đâu... À... chưa tới giờ ăn mà. Chơi với mấy đứa thêm chút!”
 
“Ờ, lâu không chơi cái này hoài niệm ghê!” Dương hào hứng.
 
Thằng Tèo, đứa em nhỏ mới vào lớp một gãi đầu, tay nó dính đầy đất, vô tình trét lên tóc. Bộ dạng ngơ ngác của nó cực kì đáng yêu, khiến Nguyệt bật cười. “Chị Nguyệt kì quá.”
 
Nguyệt ngạc nhiên. “tại sao kì?”
 
“Khách tới nhà mà chị không tiếp đón, còn lo chơi...”
 
Dương và Nguyệt nhìn nhau, khó hiểu.
 
“Khách tới nhà gì chứ, ai dạy em nói mấy câu trưởng thành như vậy?” Nguyệt cười cười, chọc em.
 
“Nó nói phải mà, nãy giờ có chú kia kiếm chị trong nhà mà. Chị không biết hả?” Thằng Tí vo tròn, đặt mấy quả trứng gà xuống nói điềm nhiên.
 
“Không phải chú, là anh.” Thằng Tèo phản bác.
 
“Khách của chị Nguyệt? Mà là anh nữa hả?” Dương hỏi xác nhận.
 
Hai đứa nhỏ đồng loạt gật gù. Đầu Nguyệt đánh sầm một tiếng. Mặt cô đờ ra, lẽ nào...
 
“A ha... người đó, nếu không phải anh Duy thì thua gì em cũng chịu!” Dương hí hửng.
 
-------
 
Nguyệt vừa thơ thẩn ôm hai rổ rau vào nhà, vừa thầm cầu nguyện tốt nhất không phải là anh. Cô vẫn chưa nghĩ ra cách đối diện với anh.
 
Hình ảnh trước mắt khiến cô chấn động. Cô chưa bao giờ tưởng tượng một cảnh tượng nào như vầy.
 
Bà nội vẫn ngồi tỉ mẫn chuốt đũa, nhưng người bên cạnh bà là anh. Minh Duy trong bộ âu phục thường thấy cũng chăm chú chuốt đũa. Thỉnh thoảng anh nhìn sang thao tác của nội. Ánh mắt rất nghiêm túc.
 
Nguyệt đứng hình một phen.
 
“Con đứng đó làm gì vậy Nguyệt?” Thím út đang nêm nồi cháo ở bếp tò mò nhìn Nguyệt.
 
Cô gượng cười với thím, đặt hai rổ rau xuống sàn bếp, ngồi sụp xuống. Kéo thau nước lại gần, cô đổ rau vào rửa, không nhìn anh thêm nữa.
 
Minh Duy ngước mắt nhìn lên vừa bắt kịp hình bóng Nguyệt ngồi xuống. Anh khẽ hít một hơi thật sâu, dừng tay. Có lẽ anh cứ nên để cô tự nhiên, cho cô chút thời gian điều tiết tình huống này.
 
Nguyệt cố gắng kéo dài thời gian bằng việc rửa rau thật kĩ nhưng Dương lại chen vào phá đám. “Chị, chị đi đi, em rửa cho... Chẳng phải tay chị bị thương nặng sao!” Dương cố ý lớn giọng. Cô bé cười cười liếc về phía người đàn ông đằng kia. Quả thật có hiệu quả, anh ta nhìn về phía này.
 
Nguyệt ngước mặt trừng mắt nhìn Dương, liền bị cô bé lôi lên đẩy về hướng Minh Duy. Cả đời Nguyệt chưa bao giờ muốn được rửa rau nhiều như lúc này.
 
Cô hắng giọng, cố tỏ vẻ tự nhiên tiến về phía anh. Đến sát bộ ngựa, cô không ngồi, dùng ánh mắt trên cao nhìn xuống, lạnh nhạt soi mói anh. Bà nội khẽ ngước nhìn cô, cố nén cười.
 
Minh Duy dừng tay, nhìn Nguyệt, chờ đợi cô nói trước. Nhưng cô đang mặc cái gì vậy? Áo bà ba dài tay rộng thùng thình này chắc chắn không phải của cô... Anh thầm nhận định, liếc nhìn ngón tay quấn băng keo cá nhân.
 
Nguyệt hơi đảo mắt, lạnh giọng, “tại sao anh ở đây? Về quê mặc đồ long trọng vậy làm gì, đi coi mắt hay đi hỏi vợ?”
 
Đằng sau, tiếng Dương cười ha hả. Nguyệt thầm chửi mình ngu ngốc.
 
Duy hơi mím môi. “Tôi ở công ty về thẳng đây. Tay em bị sao vậy?”
 
“Ờ. Cái này hả... Không cẩn thận, đứt tay thôi.” Ngừng một chút, Nguyệt chất vấn. “Mà sao anh biết nhà nội tôi mà tìm?”
 
Bà nội nhíu mày, “Nguyệt. Thái độ bây làm sao vậy! Không quan tâm thằng nhỏ đi có mệt không... uống nước chưa... toàn hỏi gì đâu không!”
 
“Bà nội... bà có biết anh ta là ai đâu... lỡ người xấu thì sao... bênh vực như vậy...”
 
“Nội, không sao, con quen rồi.” Minh Duy vui vẻ trả lời nội.
 
Nội? Nội tôi chứ không phải nội anh mà gọi ngọt thế! Quen rồi? Ý là nói cô bình thường cũng ngang ngược hung hăng chứ gì...
 
“Tôi... đem cục sạc điện thoại cho em!” Minh Duy đáp tỉnh bơ.
 
Nguyệt nhất thời cứng họng, chìa tay ra. “Vậy đưa đây rồi về đi.”
 
“Nguyệt!” Lần này không phải bà nội, mà là ông nội. Ông từ nhà trên đi xuống, giọng nghiêm khắc. “Con nhỏ này. Vô phép.”
 
Nguyệt lặng ngắt. Từ trước giờ ông nội vẫn là mẫu người nghiêm khắc, nói một là một, hai là hai. Mà cũng không đúng, thật ra đối với ai ông nội cũng nghiêm khắc, trừ một mình con Dương ra. Không hiểu sao ông nội luôn chiều chuộng con bé như vậy... Lời lẽ đối với con bé cũng ít lạnh lùng hơn với mọi người nhiều. Chắc là bởi từ nhỏ Mỹ Dương đã được ông chăm bẩm.
 
Dương đằng xa hơi nhổm dậy nghe ngóng tình hình.
 
Duy đứng dậy, nghiêm chỉnh sửa áo, quay về phía ông, “ông nội, con với em Nguyệt nói chuyện riêng một chút!”
 
Ông nội gật đầu, hòa nhã vỗ vai Minh Duy, một động tác khiến Nguyệt không tin vào mắt mình. “Ờ, nhanh đi con, rồi vô ăn. Trưa rồi!”
 
“Dạ. Con biết rồi nội.”
 
Nguyệt há hốc mồm không nói ra được chữ nào. Cô đi ra vườn cũng chưa tới hai tiếng, trở lại đã xuất hiện tình huống mang tính hư cấu như vầy... bước ngoặt này hoàn toàn không ngờ được.
 
-------
 
Nguyệt kẹp cái kéo cắt cây, khoanh tay trước ngực nhìn Duy. Anh hơi khó hiểu nhìn cô rồi nhìn chiếc kéo lớn trong tay cô.
 
“Em nói chuyện với tôi thôi... có cần đem theo kéo không?”
 
“Để hái bưởi. Cho anh mang về, không cả nhà lại nói tôi ngược đãi khách.” Nguyệt quay người, đi qua cầu đá, đến mé mương bên kia. “Qua đây.”
 
Minh Duy mặc suit, mang giày tây, đứng giữa vườn cây đã là điều lạ... vậy mà bây giờ cô bắt anh đi qua cây cầu nhỏ như vậy... Nhưng Minh Duy không nề hà. Anh cởi giày, cởi luôn tất để lại, đi chân không qua cầu.
 
Cứ thế anh lẳng lặng đi theo cô. Minh Nguyệt đi hai hàng bưởi, tìm kiếm trái chín. Thỉnh thoảng vỗ vỗ vào một trái lớn, rồi lắc đầu bỏ đi.
 
“Đây là bưởi năm roi phải không?”
 
“Sao anh biết?”
 
“Ở xứ này nổi tiếng với bưởi năm roi mà.” Duy thản nhiên đáp.
 
Nguyệt gật đầu. “Cũng đúng. Nhưng mà gò bên kia...” Cô chỉ sang gò đất bên cạnh, hai gò cách nhau một khoảng mương nhỏ độ chừng một mét rưỡi. Mỗi gò đất trải dọc thế này trồng được hai hàng bưởi. Vườn bưởi bao gồm những gò đất và mương nước xen kẽ nhau, kéo dài.
 
Duy nhìn theo hướng chỉ của cô.
 
“Gò bên đó trồng bưởi da xanh. Đúng là vùng này nổi tiếng với bưởi năm roi. Nhưng hiện nay có nhiều nhà vườn quyết định trồng bưởi da xanh lắm.”
 
Minh Duy quan sát Nguyệt, ánh mắt có chút thích thú. “Vậy bưởi năm roi khác với bưởi da xanh chỗ nào?”
 
“Màu trái bưởi khác. Bưởi năm roi có màu vàng nhạt, còn bưởi da xanh thì y như tên gọi.” Nguyệt rành rọt nói. “Còn nữa, múi bưởi năm roi cũng màu vàng nhạt, ăn vào có vị hơi chua, dù nó chín rồi nhưng vẫn còn vị chua, tép bưởi nhỏ. Bưởi da xanh khác, múi bưởi hơi ửng hồng, ăn ngọt, tép bưởi lớn...”
 
Minh Duy gật gù. “Vậy làm sao biết trái đã chín hay chưa?”
 
Nguyệt chỉ vào một trái bưởi, gần đó, “nè... trái như vầy, vừa lớn, vừa nặng tay...” cô vỗ vỗ nhẹ vào. “Anh nghe tiếng không?” Rồi lại vỗ một quả khác. “Khác với bên đây đúng không?”
 
Minh Duy gật đầu.
 
“Trái chín thịt sẽ đầy lòng, không nghe âm bọng lõng như vậy.” Ngập ngừng một chút, cô nói tiếp. “Với lại da trái bưởi nữa. Anh nhìn đi.”
 
Duy đến gần bên cúi xuống nhìn. Nhưng khoảng cách gần như vậy lại khiến Nguyệt mất tự nhiên, bất giác nhớ đến hôm trước, đỏ mặt. Cố lấy lại bình tĩnh, cô chỉ, “trái chín thì da nó căng lên... trái non thì không...”
 
“Em cũng biết nhiều quá chứ!” Duy mĩm cười hài lòng nhìn cô. Gương mặt anh như tỏa sáng lấp lánh.
 
Tim Nguyệt như ngừng đập. Người đàn ông này ỉ mình xuất chúng nên cứ tùy tiện mê hoặc người khác hay sao? Bối rối, cô nói, “Thường thức thôi... ai mà không biết!”
 
“Tôi không biết. Em nói tôi mới biết.”
 
Nguyệt im bặt nhìn anh. Thâm tâm cảm thấy có chút hài lòng, rốt cục cũng có thứ anh không biết mà cô thì biết, cô vì thế khẽ cười. Nhưng mà... Cũng phải, anh cũng đâu có gia đình họ hàng trồng bưởi, cũng đâu học nông lâm đâu mà biết. Cô quay sang cắt trái bưởi chín, ném cho Minh Duy. “Anh cầm...”
 
Duy ngoan ngoãn ôm trái bưởi. Sau đó, Nguyệt cắt thêm mấy 3 trái bưởi nữa. Do không đem theo giỏ, hai người phải chia nhau ôm chúng vào lòng, quay trở lại.
 
Nguyệt đi qua cầu đá, Duy vẫn đi chân trần, theo phía sau cô.
 
“Thật ra hôm nay tôi...” Anh mở lời. Câu nói đi thẳng vào trọng tâm này khiến Nguyệt giật nảy mình. Dù đang ở giữa cầu nhưng vẫn phải ngoáy lại, chặn họng anh.
 
“Khoan. Dừng. Tôi nói trước.”
 
Minh Duy bất ngờ, “được, vậy em nói đi.”
 
Cô cẩn thận quay người lại, nhìn anh, hít một hơi thật sâu, cô nói một tràn. “Tôi biết chủ đề anh muốn đề cập, hy vọng anh đừng hiểu lầm. Tôi hoàn toàn rất ổn. Anh không cần cảm thấy áy náy, chúng ta coi như không có chuyện gì. Tôi có thể dọn đi nếu anh thấy phiền. Dù sao thì anh cũng từng ở ngoại quốc nhiều năm như vậy, cứ coi như lối sống phương tây đi, tình một đêm cũng được.”
 
Tình một đêm, ba chữ này khiến lòng cô đau nhói. Sao có thể là tình một đêm...
 
Anh chau mày nhìn cô, nhất thời không nói nên lời. “Em... nghĩ vậy thật sao?”
“Phải, thật. Cho nên anh không cần cảm thấy có lỗi với tôi!” Nguyệt cố tỏ vẻ tự nhiên, tạo ra một nụ cười. Nhưng lòng cô hỗn độn rối ren, không hề dễ chịu.
 
Duy bất giác tiến lên một bước trên cầu, thu gần khoảng cách với cô. Nguyệt giật mình lùi lại. Nhưng cô quên rằng mình ở trên cầu. Cây cầu này lại chỉ rộng có hai tấc, cô không giữ được thăng bằng, ngã nhào xuống giữa mương súng.
 
Minh Duy sững sốt trước cảnh tượng vừa rồi. Minh Nguyệt có thể đứng thẳng dưới mương, vì nước không sâu. Chỉ là, người cô ướt sủng. Minh Duy nhìn vẻ loay hoay, bối rối của cô, cố nén cười.
 
Minh Nguyệt vừa xấu hổ, vừa cố gắng mò cây kéo cắt cây. Mò được rồi, cô hung hăng ném nó lên bờ.
 
Minh Duy đặt hai trái bưởi xuống đất, quay ra giữa cầu nhìn cô cười cười.
“Anh im. Không được cười.”
 
Nhưng anh không nhịn được nữa, bật cười.
 
Nguyệt đứng giữa mớ bông súng, tóc ướt sũng nhỏ nước, ngương mặt trắng trẻo dần đỏ ửng, bờ môi hồng hào cong lên hờn dỗi, đôi mắt lấp lánh nheo lại... toàn bộ biểu tình ấy của cô lại như cuốn lấy anh. Bởi vì bây giờ cô chẳng khác nào một đóa súng trắng bình dị nhưng lộng lẫy, sinh động giữa mặt nước. Anh cố nén xúc cảm của mình, “ơ kìa... trời chưa tối mà sao trăng lại ở dưới nước rồi!”
 
Nguyệt bực tức đập tay xuống nước, khiến nước xung quanh văng tung tóe.
 
Khoảnh khắc đó, mọi thứ như một thước phim tua chậm thu vào tâm tưởng anh. Cô xinh đẹp thế kia, yêu kiều như nữ thần hoa, lại kèm theo ánh nắng lấp lánh xuyên qua mấy giọt nước lơ lửng kia càng khiến khung cảnh trở nên huyễn hoặc.
 
“Được rồi... không cười, không cười em nữa!” Anh chìa tay về phía cô, “tôi kéo em lên!”
 
Minh Nguyệt hơi chần chừ nhìn tay anh, nhưng cô cũng giơ tay nắm lấy. Cô cười tinh ranh. Trong một giây, Minh Duy ngợ ra điều gì bất ổn. Nhưng trước khi kịp phản ứng, anh đã bị cô lôi luôn xuống nước.