Chương 20. Mượn gió bẻ măng

 

Thái hậu thấy thế thì mỉm cười rồi đưa tay nhận lại chiếc khăn, sau đó bà khoan thai nói: "Chiếc khăn này cũng là do Thánh Tư thêu cho Mẫu hậu. Con nhóc này cũng chẳng biết an phận, từ nhỏ đã có tính yêu thích thơ văn. Nữ nhân thì chỉ cần học nữ công gia chánh là được!"

Nhật Suỷ có chút vui vẻ: "Thật ra tài nghệ thêu thùa của Thánh Tư cũng vô cùng xuất sắc! Hơn nữa việc am hiểu thơ văn cũng không phải là chuyện xấu thưa Mẫu hậu!"

Đuôi mắt Thái hậu có nét cười: "Mẫu hậu quên mất, cái phong hiệu Thánh Tư này cũng là do con nhóc này am hiểu thi thư mới có được!"

Nhật Suỷ cười ấm áp, nhưng mà giọng nói có chút ái ngại: "Từ lúc Thánh Tư nhập cung đến giờ, con vẫn hay bận rộn mà chưa có thời gian gặp mặt nàng ấy..."

Thái hậu liền đáp: "Ngày tháng còn dài, bây giờ Thánh Tư đã là phi tử của Quan gia, không sợ không có ngày được diện kiến thánh giá. Hơn nữa với thân phận của Thánh Tư, lúc này chưa được gặp mặt Quan gia cũng không phải chuyện xấu, chỉ cần con nhớ đến sự tồn tại của nó ở trong cung là được..."

Thái hậu nói đến đó, chỉ thấy Nhật Suỷ có chút suy tư. Bất chợt trên cao có cánh nhạn lướt qua, sắc trời lúc này cũng đã chập tối. Thái hậu hướng về phía Nhật Suỷ mà nhẹ giọng: "Không còn sớm nữa, Quan gia có định vào trong dùng cơm với Mẫu hậu hay không?"

Nhật Suỷ dường như sực nhớ chuyện gì, liền mỉm cười ngoan ngoãn nói: "Được ạ! Chỉ là lúc nãy con đã định đến cung của Nguyên phi dùng bữa, thôi thì hãy để Thiên Kiện báo lại cho nàng ta một tiếng!"

Thái hậu nghe đến đó thì xua tay: "Nếu con đã hẹn với Nguyên phi từ trước thì cứ đi đi! Mẫu hậu không biết Quan gia sẽ đến, trong cung cũng chỉ toàn những món đạm bạc."

Nhật Suỷ liền đáp: "Ngày thường con đã ăn nhiều món dầu mỡ, thi thoảng cũng nên ăn những món chay để bản thân cảm thấy thanh tịnh. Mẫu hậu hãy để hoàng nhi ở lại hầu hạ người dùng cơm!"

Thái hậu chậm rãi lắc đầu: "Quan gia tuổi hãy còn trẻ, phải ăn uống đầy đủ mới có thể sinh nhiều hoàng tử, công chúa. Con vẫn nên đi đến cung của Nguyên phi thì hơn!"

Nhật Suỷ nghe thế liền suy tư đôi lát, cuối cùng chỉ biết ngoan ngoãn cúi đầu chào Thái hậu: "Thế thì con xin cáo lui trước, chúc Mẫu hậu dùng cơm ngon miệng!"

Cô Tịnh Văn chờ Quan gia khuất dạng sau cánh cổng của cung Vạn Thọ, cuối cùng tiến đến dìu tay Thái hậu. Chỉ thấy gương mặt Thái hậu bình thản tự nhiên, như mặt hồ mùa thu yên ắng, tĩnh lặng: "Hình như đã lâu rồi Mai Phu nhân chưa đến cung Vạn Thọ?"

---oOo---

Tối hôm đó, Như Lộ tự tay ôm chiếc đàn bằng gỗ ngô đồng đi theo sự chỉ dẫn của cô Tịnh Văn, cuối cùng bước vào phòng ngủ của Thái hậu.

"Như Lộ xin kính chào Thái hậu điện hạ!"

Thái hậu bỏ quyển sách trên tay xuống, sau đó đưa mắt nhìn Như Lộ mỉm cười: "Mau đứng dậy đi!"

Như Lộ thấy Thái hậu cẩn thận dùng trâm cài để đánh dấu trang sách vừa đọc, bản thân liền có chút tò mò: "Không biết quyển sách mà Thái hậu điện hạ đang đọc có tên là gì thế ạ? Như Lộ muốn biết để lát nữa chọn một khúc nhạc phù hợp với tâm trạng của người, tránh để điện hạ cảm thấy mất hứng!"

Cuối đuôi mắt của Thái hậu lộ ra một tia cười: "Như Lộ con đúng là dễ mến! Chiều nay Quan gia có ghé qua cung Vạn Thọ, ta thấy Quan gia có vẻ thích bài thơ này, cho nên nhân lúc rảnh rỗi liền mở nó ra đọc. Như Lộ, con có muốn nghe thử bài thơ này không?"

Như Lộ đương nhiên là đồng ý. Thái hậu thấy thế liền mỉm cười khẽ ngâm:

"Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha

Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba."

 

Đây là bài Vịnh Nga, có nghĩa là:

"Cạp cạp" cặp vịt bơi

Ngẩng mặt nhìn trời xa

Lông trắng khoe nước biếc

Chèo đỏ rẽ sóng xanh."

 

Như Lộ vẫn còn đang học hỏi thi thư, cho nên lúc này chưa hiểu được ý nghĩa của bài thơ này, chỉ biết ngượng ngùng nói: "Như Lộ chữ nghĩa không nhiều, chỉ mong được Thái hậu điện hạ dạy bảo!"

Thái hậu lặng lẽ gấp quyển sách trên tay lại, sau đó bà liếc nhìn Như Lộ rồi điềm đạm nói: "Đây là bốn câu thơ đối đáp của sứ giả người Tống và thiền sư nước ta. Bài thơ này dựa trên bài Vịnh Nga của Lạc Tân Vương. Hai câu đầu là của sứ giả người Tống - Nguyễn Giác*, hai câu sau là của thiền sư Pháp Thuận thời Lê. Tống triều sai sứ giả họ Nguyễn sang sứ Đạt Việt, thực chất là để thăm dò tình hình suy thịnh của nước ta. Đại Hành Hoàng đế biết sứ giả họ Nguyễn giỏi thơ ca, cho nên khi hắn đến chùa Sách Giang, ngài ấy đã cho thiền sư Pháp Thuận giả làm người lái đò đón tiếp. Sứ giả họ Nguyễn trên sông bắt gặp một đôi vịt trời, liền dựa vào bài thơ Vịnh Nga mà ngâm hai câu. Hắn ta không ngờ người lái đò đằng sau lại có thể đối đáp hai câu kế tiếp, đương nhiên vì thế mà kinh ngạc trước sự hiểu biết của con dân Đại Việt. Họ Nguyễn lúc về nước còn để lại một bài thơ tặng cho Pháp Thuận thiền sư, trong đó có câu "Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu", nghĩa là "Ngoài trời còn có trời xa chiếu", với ý tôn trọng non sông Đại Việt!"

*Nguyễn Giác: thực chất là Lý Giác. Nhà Trần kiêng kỵ chữ "Lý", đổi tất cả thành chữ "Nguyễn".

Như Lộ thoáng chốc ngộ ra, liền bái phục nói: "Thái hậu điện hạ uyên bác tinh thâm, Như Lộ không sao bì kịp!"

Thái hậu tiến về phía Như Lộ mỉm cười: "Cái gì mà uyên bác tinh thâm? Giàn này yêu quý con, cho nên muốn mượn bài thơ này để giúp cho con đấy!"

Như Lộ như chiếc thuyền lạc lõng giữa mây mù, có chút ngô nghê hỏi: "Thánh ý của Thái hậu điện hạ đó là..."

Thái hậu mỉm cười: "Nguyễn Giác không nghĩ người lái đò am tường thi ca, nhưng người lái đò lại khiến hắn ta phải kinh ngạc. Nguyễn Giác đương nhiên ngoài kính phục còn có chút mến mộ. Giống như con đã nói, trước giờ con không giỏi thi thư, nếu bây giờ có thể đối đáp được một chút trước mặt Quan gia, thì chẳng phải là chuyện thú vị hay sao?"

Như Lộ lúc này mới ngợi ra, đôi mắt liền có nét vui mừng, nhưng nhanh chóng bị dập tắt đi: "Nhưng mà Như Lộ vốn dĩ ngu dốt, bản thân trước nay không giỏi thi thư thưa Thái hậu điện hạ!"

Nói đoạn nàng ta nâng niu chiếc đàn bầu trong tay mình, chầm chậm tiếp lời: "Như Lộ chỉ có một chút tài mọn này mà thôi..."

Thái hậu xua tay nói: "Thật ra thi thư không cần phải biết nhiều, chỉ cần con biết một ít mà chọn đúng thời điểm phô bày ra là được! Trong số những bài nhạc con thường đánh cho Quan gia, có khúc "Đạp thanh ca" chứ?"

Như Lộ gật đầu đáp: "Dạ có! Ý của Thái hậu điện hạ đó là..."

Thái hậu liền mỉm cười nói tiếp: "Quan gia nếu đã thích bài thơ này, vậy thì con cứ về viện Hương Liên mà học thuộc nó. Trong khúc "Đạp thanh ca" có một đoạn vừa hay có thể ngâm bài Vịnh Nga vào, con nói có đúng không?"

Như Lộ dần dần ngộ ra, ánh mắt lộ ra nét vui mừng, liền gấp gáp quỳ xuống cảm tạ: "Xin cảm ơn Thái hậu điện hạ đã chỉ bảo cho Như Lộ!"

Thái hậu cười sang sảng rồi đưa cho Như Lộ chiếc khăn tay có thêu bài Vịnh Nga của mình, cuối cùng bà điềm đạm nói: "Bổn cung đang muốn có cháu để bồng! Nếu như được Quan gia sủng ái, con nhất định không được phụ tấm lòng này của bổn cung!"

Như Lộ ngước mắt nhìn lên, vừa tạ ơn vừa nhận lấy khăn tay từ chỗ của Thái hậu. Cuối cùng Thái hậu chỉ chậm rãi nói: "Được rồi, hôm nay gọi con đến đây cũng chỉ có ngần ấy câu muốn nói. Bây giờ con lui về đi!"

Như Lộ đứng dậy rồi kính cẩn hành lễ để lui xuống. Thái hậu phóng tầm mắt dõi theo bóng dáng khả ái của Như Lộ, bên khoé môi của bà dường như có một nụ cười đắc ý.

---oOo---

Trưa hôm sau trời bỗng nhiên xám xịt, trên cao mưa bắt đầu rơi, không lớn mà đều đều trút xuống dai dẳng. Nhật Suỷ đang ở điện Thiên Khánh đọc sách, nhìn thấy cảnh mưa mà trong lòng sinh ra chút cô quạnh.

Thiên Kiện trông thấy nét mặt Nhật Suỷ như thế, liền tiến lên một bước nói: "Nếu bệ hạ cảm thấy buồn chán, hay là hãy để nô tài đến cung Hàm Xuân mời Thục phi điện hạ đến đây ạ?"

Nhật Suỷ suy tư đôi lát rồi chậm rãi lắc đầu, sau đó lặng lẽ khẽ nói: "Gọi nhạc kỹ đến đây đánh vài khúc nhạc là được!"

Đôi mày của Thiên Kiện chợt động, theo đó mà chỉ biết "dạ" một tiếng trước khi rời đi, giữa chừng thì chợt nghe Nhật Suỷ nói vọng đến: "Nhân tiện chuẩn bị xe ngựa đón Mai Phu Nhân đến đây!"

Như Lộ theo đó mà ngồi trong xe ngựa, băng qua màn mưa đi đến điện Thiên Khánh. Khi nàng bước vào bên trong, hai mắt đã thấy Nhật Suỷ nằm nghỉ trên chiếc ghế dài ở tây điện. Đôi mắt của chàng nhắm nghiền, bản thân đang chìm vào trong khúc nhạc được đánh ở đó.

Như Lộ đưa mắt nhìn mấy nàng nhạc kỹ đang ngồi ở đó, lặng lẽ gật đầu chào bọn họ. Mấy nàng nhạc kỹ ở đó cũng lễ phép chào Như Lộ, đôi bên lúc này đều tôn trọng lẫn nhau. Chung quy thì trước đây Như Lộ cũng giống như những nàng nhạc kỹ này, vậy nên bản thân đối với bọn họ có một tình cảm đặc biệt.

Vậy nên ngoài việc kính trọng, mấy nàng nhạc kỹ ở đó còn vô cùng quý mến Như Lộ. Bởi lẽ mặc dù bây giờ đã là phi tần, nhưng mà Như Lộ không hề tỏ ra hống hách, trái lại còn rất hay ban thưởng cho bọn họ.

Như Lộ không muốn Nhật Suỷ mất hứng, cho nên liền bỏ qua lễ tiết mà ngồi xuống đưa tay đánh nhẹ dây đàn, thuận lợi tham gia vào bài "Thất tịch dạ vũ" mà mấy nàng nhạc kỹ đang say sưa đánh.

Nhật Suỷ nghe tiếng đàn bầu thì mở mắt ra. Như Lộ thấy thế liền định bụng sẽ đứng lên hành lễ, nhưng mà Nhật Suỷ đã mỉm cười phất tay, ý bảo rằng nàng hãy bỏ qua lễ tiết mà tiếp tục đánh đàn.

Thực ra bài "Thất tịch dạ vũ" này đối với Như Lộ có chút đặc biệt. Nó làm nàng nhớ lại ký ức ngày trước, đây là chuyện mà có lẽ cả đời này Như Lộ sẽ không thể quên.

Đó là một buổi tối mùa thu trước đêm thất tịch. Vì cẩn thận chuẩn bị cho tiết mục ngày mai, cho nên Như Lộ đã ôm đàn bầu đến một toà thuỷ đình hẻo lánh trong cung tập luyện.

Không ngờ Nhật Suỷ đã vô tình đến bên hồ, cứ như thế mà lặng lẽ thưởng thức tiếng đàn của Như Lộ.

"Tiếng đàn vô cùng trong trẻo, như mặt hồ mùa thu không một chút lăn tăn gợn sóng!"

Lời khen tặng của Nhật Suỷ làm Như Lộ giật mình đến mức siết chặt tay, vô tình làm cho dây đàn bị đứt.

"Tăng!"

Tiếng đàn bầu vốn dĩ đã não nề, vậy nên thanh âm dây đàn bị đứt càng thê lương gấp bội. Nhật Suỷ chớp mắt một cách ưu buồn, sau đó chau mày thở dài.

Trước đó Như Lộ đã từng đánh đàn hầu hạ thánh giá, cho nên nàng biết người trước mặt của mình là ai, chỉ biết sợ hãi quỳ rập xuống: "Nô tỳ có tội!"

Nhật Suỷ chậm rãi lắc đầu rồi cong môi cười nhạt: "Không phải lỗi của ngươi! Chỉ là trẫm rất thích tiếng đàn bầu, nhìn thấy dây đàn bị đứt, bản thân có chút thương xót!"

Nói xong câu này, Nhật Suỷ liền chau mày rồi hít vào một hơi thật sâu, cuối cùng lặng lẽ ngâm:

"Thốt đoái Dao cầm* phượng vĩ hàn

Tử Kỳ bất tại, hướng thuỳ đàn?

Xuân phong mãn diện giai bằng hữu

Dục mịch tri âm, nan thượng nan."

 

*Dao cầm: tức là đàn cổ cầm được làm từ thân của cây ngô đồng. Hình dáng của đàn được mô phỏng theo phượng hoàng.

Đây là bài thơ Bá Nha đã làm khi viếng mộ Tử Kỳ - tri âm và cũng là tri kỉ của mình. Sau khi đập nát dao cầm, Bá Nha đã quyết cả đời này sẽ không chơi đàn nữa. Bởi vì người hiểu được tiếng đàn của Bá Nha chỉ có Tử Kỳ mà thôi. Bài thơ trên có nghĩa là:

"Đập nát Dao cầm phượng lạc loài

Tử Kỳ đã khuất, đàn cùng ai?

Gió xuân khắp chốn bao bè bạn

Tìm được tri âm, thật khó thay!"

 

Như Lộ không hiểu ý tứ của bài thơ trên, chỉ thấy Nhật Suỷ thương tâm vô hạn, trong lòng bất giác nảy sinh một chút thương cảm, chỉ đành nhẹ giọng nói: "Nếu bệ hạ đã thích tiếng đàn bầu như thế, nô tỳ xin nguyện dùng nó hầu hạ người!"

---oOo---

Khi tiếng đàn của bài "Thất tịch dạ vũ" vừa dứt thì cơn mưa cũng tạnh hẳn, Nhật Suỷ thấy thế liền nhẹ giọng nói với mấy nàng nhạc kỹ ở đó: "Các ngươi lui xuống hết đi!"

Mấy nàng nhạc kỹ liền hiểu ý mà lui xuống, không quên cúi đầu thi lễ chào Như Lộ. Chờ đến khi bọn họ đã rời đi hết, Như Lộ liền đưa mắt nhìn khung cảnh ngoài cửa sổ, khoé môi cong lên nói: "Mưa tạnh làm cảnh trời xanh như tiết xuân, có mùi cỏ phảng phất đâu đây, khiến cho thiếp nhớ đến khúc "Đạp thanh ca", hay là bệ hạ hãy cho thiếp đánh thêm bài này?"

Nhật Suỷ mỉm cười rồi lặng lẽ gật đầu. Như Lộ thấy thế thì dịu dàng đánh vào dây đàn một âm. Chỉ nghe âm thanh ở đó du dương mà không kém phần yên ả, làm người ta tưởng tiết xuân như đang trở lại. Vừa khéo có hương mưa len qua cửa sổ, khiến lòng người nhớ đến mùi sương của ngày thanh minh. Quan trọng là Như Lộ không quên lời dạy của Thái hậu. Nàng ở đó uyển chuyển cong môi hát:

"Liên câu đạp thanh thảo

Xuân yến phi lạc hoa

Tiểu kiều du tiểu kiều

Song nga khán song nga.

Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha

Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba."

 

có nghĩa là:

"Gót sen đạp cỏ tươi xanh

Én xuân đập cánh làm nhành hoa rơi

Trên cầu thiếu nữ dạo chơi

Đôi mày nhìn ngắm vịt bơi hai hàng.

Hai hàng một cặp vịt bơi

Ngẩng đầu nhìn ngắm chân trời xa xa

Nước trong lông trắng hiện ra

Sóng xanh chèo đỏ rẽ qua dễ dàng."

 

Nhật Suỷ liền có chút thích thú xen lẫn ngạc nhiên: "Bài Đạp thanh ca đâu có đoạn này?"

Như Lộ vẫn không thôi gảy đàn, khoé miệng mỉm cười mà uyển chuyển nói: "Hôm qua thiếp đến cung Vạn Thọ, học được bài Vịnh Nga ở chỗ Thái hậu. Khi nãy thiếp to gan phối bài thơ này vào Đạp thanh ca, không biết bệ hạ nghe có thích không?"

Nhật Suỷ có chút vui vẻ, liền chìa tay ý bảo Như Lộ tiến lại gần. Như Lộ nắm lấy tay Nhật Suỷ rồi ngồi cạnh chàng, chỉ nghe Nhật Suỷ vui vẻ nói: "Dạo gần đây nàng rất hay học hỏi thi thư, rốt cuộc đã tiến bộ rất nhiều!"

Như Lộ mỉm cười một cách đáng yêu: "Hạ thiếp ở bên cạnh bệ hạ, đương nhiên là học được những cái hay của người!"

Nhật Suỷ chợt nhận ra trong tay Như Lộ có một chiếc khăn, liền nhẹ giọng hỏi: "Chiếc khăn này hình như là của Mẫu hậu thì phải!"

Như Lộ gật đầu đáp: "Thái hậu thấy thiếp thích đoạn thơ này, cho nên đã thưởng cho thiếp!"

Nàng nói xong câu đó, chợt thấy Quan gia mải mê nhìn chiếc khăn của mình, liền nhẹ giọng hỏi: "Bệ hạ thích chiếc khăn này lắm à?"

Nhật Suỷ cười hiền hoà rồi lặng lẽ nói: "Tặng cho trẫm được không?"

Như Lộ có chút ngạc nhiên, nhưng cũng đành ngoan ngoãn gật đầu. Chỉ thấy cuối đuôi mắt Nhật Suỷ là nét cười, chàng đưa chiếc khăn lên trước mặt mà lẩm bẩm: "Nga nga lưỡng nga nga..."

---oOo---

Mãi đến chiều thì mưa mới tạnh hẳn. Nguyên Ninh đang đứng bên cửa sổ dõi mắt nhìn Tố Liên quét dọn hoa rụng, bất chợt thấy ngoài cổng có vài bóng người, nhìn kỹ thì là Thiên Kiện và một vài nội thị.

Thiên Kiện nhanh chân bước về phía của Nguyên Ninh, sau đó khẩn trương hành lễ: "Nô tài xin cúi chào Thánh Tư Phu nhân!"

Nguyên Ninh nhẹ giọng đáp: "Đứng dậy đi!"

Lại nghe Thiên Kiện nói: "Nô tài theo lệnh Quan gia, đem đến viện Nhã Cúc một ít quà tặng cho Phu nhân người."

Mấy tên nội thị đứng đằng sau Thiên Kiện nghe đến đó thì đưa quà cho Tố Liên và Thuỷ Linh. Ở đó ngoài lụa là, gấm vóc, còn có mấy hộp trang sức và phấn son, tất cả đều là đồ tốt.

Thiên Kiện cười sang sảng rồi tiếp lời: "Ngoài mấy món này, Quan gia còn dặn nô tài phải đưa tận tay Thánh Tư Phu nhân chiếc hộp này!"

Nguyên Ninh đưa tay nhận lấy hộp quà, chỉ thấy đôi tay của Thiên Kiện nửa như đưa đến nửa như không. Thuỷ Linh hiểu ý, liền nhẹ giọng khẽ nói với Nguyên Ninh: "Thiên Kiện công công lặn lội từ điện Thiên Khánh đến đây, chắc hẳn là đã vất vả rồi ạ!"

Nguyên Ninh cũng đã ngộ ra ý tứ của Thuỷ Linh, liền quay đầu nói với Tố Liên: "Em vào phòng lấy ra một bao đỏ đưa cho Thiên Kiện công công!"

Chỉ nghe Tố Liên "dạ" một tiếng. Lúc đó Thiên Kiện mới cười nói: "Thánh Tư Phu nhân khách sáo rồi, chuyện này là chức trách của nô tài thôi ạ! Có điều nếu Thánh Tư Phu nhân đã ban thưởng, nô tài cũng không dám cả gan từ chối. Ngoài việc tặng cho Phu nhân mấy món quà này, Quan gia còn nói nếu có thời gian, người sẽ ghé thăm viện Nhã Cúc!"

Thuỷ Linh đứng bên cạnh nghe thế thì không khỏi vui mừng. Chỉ thấy Nguyên Ninh lặng lẽ đáp: "Ta biết rồi!"

Giữa lúc đó thì Tố Liên cũng đã quay trở ra nhét bao đỏ vào tay Thiên Kiện. Đôi mắt của Thiên Kiện sáng lên khi nhìn thấy tài lộc, chỉ gấp gáp mỉm cười hành lễ: "Nô tài xin cảm ơn Thánh Tư Phu nhân. Ở điện Thiên Khánh còn nhiều chuyện phải lo, nô tài xin cáo lui trước!"

Tố Liên đợi Thiên Kiện rời khỏi Nhã Cúc Viện, liền nắm tay Nguyên Ninh kéo vào phòng: "Không biết bên trong là gì mà Quan gia phải bắt Thiên Kiện phải trao tận tay chủ nhân nhỉ?"

Nguyên Ninh liếc mắt nhìn nàng ấy rồi từ từ mở hộp quà. Bên trong thì ra là một chiếc ngọc bội hình uyên ương. Tố Liên nhìn thấy nó thì vui mừng nói: "Uyên ương liền cánh là hình ảnh đáng ngưỡng mộ, Quan gia tặng cho chủ nhân chiếc ngọc bội này, chắc chắn là rất thích người!"

Nguyên Ninh chợt nhớ đến lời của Thái hậu tại viện thượng nghi về hình ảnh uyên ương, liền đưa mắt nhìn xa xăm mà lặng lẽ nói: "Tố Liên, vào cái đêm trước khi xuất giá trở thành Thái tử phi, chị Nguyệt cũng đã từng ướm thử giày uyên ương mà trong cung đưa đến, em có còn nhớ chứ?"

Tố Liên không hiểu tại sao Nguyên Ninh lại nhắc đến chuyện này, chỉ biết cúi đầu nhẹ giọng đáp: "Dạ thưa em vẫn nhớ!"

Nguyên Ninh chậm rãi gật đầu: "Lúc đó chị Nguyệt nắm tay ta, nói rằng Đông cung Thái tử vô cùng yêu thương chị. Nhưng mà có lẽ chỉ có Đông cung Thái tử mới yêu chị nhiều đến như vậy thôi! Sau này khi người trở thành Quan gia, tình cảm đó đã không còn như trước..."

Nguyên Ninh nói đến đó thì thở dài, sau cùng nàng lặng lẽ tiếp lời: "Có một số loại tình cảm quả thật giống như cây mía vậy, phần gốc thì ngọt, phần ngọn lại nhạt! Uyên ương ư? Bất quá cũng chỉ là hình ảnh mà người ta ví von thuở tình thắm mặn nồng. Nghe nói khi con mái đẻ trứng, con trống sẽ rời tổ bỏ đi. Đến khi trứng nở cả rồi, con trống mới quay trở về. Thử hỏi lúc quan trọng nhất không kề bên, khi khó khăn qua đi mới xuất hiện, thế thì còn có nghĩa lý gì cơ chứ?"

Tố Liên nghe thanh âm của Nguyên Ninh có bảy phần ưu phiền, liền lo lắng hỏi: "Chủ nhân không sao chứ?"

Nguyên Ninh lắc đầu: "Ta không sao... chỉ là không muốn bản thân quá đặt trọng mấy món quà này, sợ rằng tự mình đang vọng tưởng!"

Thuỷ Linh có chút ưu tư mà lặng lẽ chau mày, sau đó chợt tươi cười nói: "Thật ra không giống như chủ nhân nghĩ đâu. Xin người hãy theo nô tỳ!"

Thuỷ Linh theo đó mà nắm tay Nguyên Ninh chạy đi. Tố Liên cũng gấp gáp chạy theo sau. Phút chốc cả ba đã đến một chiếc hồ rộng lớn trong vườn ngự uyển. Ở đó chính là hồ Lạc Thanh.

Trong một cặp uyên ương, con trống được gọi là uyên, còn con mái được gọi là ương. Người ta thường dựa vào bộ lông để phân biệt chúng, bởi vì con trống có màu lông vô cùng sặc sỡ.

Thuỷ Linh đưa mắt nhìn xuống hồ Lạc Thanh, sau đó nhẹ giọng nói với Nguyên Ninh: "Chủ nhân, người nhìn con uyên đó xem!"

Ở trên hồ chỉ có một con vịt, lông của nó là một màu nâu tía, rõ ràng là một con mái, vậy mà Thuỷ Linh lại gọi nó là "uyên", chuyện này thật khiến cho Nguyên Ninh có chút khó hiểu: "Đó chẳng phải là con ương hay sao?"

Thuỷ Linh lắc đầu nói: "Đối với loài uyên ương, con mái sẽ có mỏ màu tía, còn con trống thì có mỏ màu đỏ. Con trống này tuy không còn bộ lông sặc sỡ, nhưng mà chiếc mỏ của nó vẫn là màu đỏ!"

Tố Liên nghe đến đó thì có chút thắc mắc: "Thông thường màu lông của con trống thường vô cùng sặc sỡ. Tại sao con uyên này chỉ có màu nâu tía đơn giản như thế? Chẳng khác nào con mái cả!"

Thuỷ Linh liền nhẹ giọng nói: "Thời điểm này đã qua mùa sinh sản của uyên ương, vậy nên những con trống sẽ bị rụng lông, không những mất đi vẻ ngoài sặc sỡ, mà còn mất đi khả năng bay lượn. Vậy nên chúng sẽ đối mặt với nhiều hiểm nguy, bản thân phải trốn đến một nơi an toàn để lẩn tránh các loài thú dữ. Đó cũng là lý do tại sao con trống không giúp con mái xây tổ trong khoảng thời gian rụng lông này!"

Nguyên Ninh nghe đến đó thì đưa mắt nhìn con uyên kia, chỉ thấy bộ lông trên người của nó quả thật là xơ xác vô cùng, trong lòng bỗng dưng lan toả một nỗi thương cảm.

Chiếc mỏ màu đỏ của con trống kia đang gắp một quả sồi, bản thân cố hết sức bơi về phía bờ hồ, nơi phủ đầy bóng mát của một cây liễu. Trên thân liễu có một hốc cây, ở đó là một chiếc tổ uyên ương, nơi con mái đang nằm bên trong, hai mắt nhắm nghiền âm thầm ấp trứng.

Ở dưới gốc liễu, con trống đang thu gom những chiếc lá nằm vương vãi xung quanh. Một thảm lá theo đó mà phủ lên gốc liễu, xung quanh có rất nhiều quả sồi, tất cả những thứ này là do con trống âm thầm chuẩn bị.

Thuỷ Linh liền nhẹ giọng nói tiếp: "Sau khi từ trong trứng nở ra, uyên ương con sẽ lao xuống mặt đất từ tổ của mình. Nếu như có thảm lá bên dưới đỡ lấy, con non sẽ chịu ít đau đớn hơn. Chủ nhân nhìn xem, ở xung quanh còn có nhiều loại hạt do con trống nhặt về. Nó muốn sau khi trứng nơi ra, con mái và các con sẽ không phải đi xa tìm mồi. Dẫu bản thân đang gặp nguy hiểm, vậy mà con trống lại hao tâm như thế, đủ để thấy nó yêu thương gia đình của mình đến mức nào!"

Nguyên Ninh có chút thẫn thờ, sau cùng chỉ biết lặng lẽ nói: "Thì ra bản thân ta đã hiểu sai tâm ý của cô mẫu. Cô mẫu chỉ muốn nói với ta rằng, trong chuyện tình cảm cần có sự hy sinh, cả con trống và con mái đều có nỗi khổ của riêng mình. Lẽ nào đối với chuyện thất sủng của chị gái ta, Quan gia đúng là có nỗi khổ tâm?"

Nguồn: Wattpad / Gacsach (orginal)

Xem bản full và mới nhất: https://phungvutrantrieu.blogspot.com/

Facebook: https://www.facebook.com/phungvutrantrieu