Chương 9. Chiếc trâm Thiên Tuyết

 

Lúc Nguyên Ninh rời khỏi viện Ngọc Lan thì trời cũng đã dần khuya. Có mùi hoa yên chi ngọt ngào thoảng qua, trước mắt Nguyên Ninh là một dải khói sương mờ ảo. Đám đèn lồng trên tường được treo nối tiếp nhau, kéo dài tưởng chừng như vô tận. Tất cả bị cuốn vào một khoảng không tối tăm, quạnh hiu đến độ chẳng thấy được ánh sáng ở nơi cuối cùng.

Ngã ba đường trước mắt làm đêm tối thêm phần tĩnh lặng. Vì mải lo suy tư, cho nên Nguyên Ninh đã bước nhầm đường. Tố Liên thấy thế liền nhẹ giọng nói: "Chủ nhân, bên đó là lối đi dẫn đến vườn ngự uyển."

Nguyên Ninh liền “À” một tiếng, sau đó có chút ngạc nhiên nói: "Sao em không gọi ta là chị cho thân mật?"

Tố Liên chậm rãi lắc đầu: "Hậu cung quá đỗi rộng lớn, không những thế còn có rất nhiều người tâm địa xấu xa. Em chỉ sợ nếu tiếp tục gọi chủ nhân là chị, bản thân sẽ theo thói quen mà lỡ miệng trước mặt bọn họ, như vậy sẽ không tốt cho chủ nhân người. Nhưng mà chủ nhân yên tâm, tình cảm của người dành cho Tố Liên như thế nào, bản thân em tự nhiên hiểu rõ!"

Nguyên Ninh nghe đến đây thì có chút ấm áp, nàng vỗ nhẹ bàn tay của Tố Liên mà nhẹ giọng: "Như vậy cũng được!" 

Nói xong câu này, Nguyên Ninh xoay đầu nhìn xung quanh để xác định bản thân ở đâu, chợt thấy cuối góc tường sau lưng dường như có bóng ai thấp thoáng. Nàng hít vào một hơi bình tĩnh rồi lặng lẽ quay đầu, sau đó bước tiếp rồi thấp giọng nói với Tố Liên: "Em đừng nhìn lại! Thì ra kể từ lúc chúng ta bước khỏi viện Ngọc Lan, đã có người âm thầm theo dõi."

Tố Liên nghe đến đó thì mi mắt chợt động, nàng cũng liền nhỏ giọng đáp lời: "Xem bộ Hạ Phu nhân đối với mối quan hệ giữa chủ nhân và Tĩnh Huệ Phu nhân vẫn còn chút nghi ngại."

Nguyên Ninh thở dài: "Tình hình thế này, chúng ta làm sao nói rõ mưu kế của cô ta cho chị Yên Ngôn nghe?"

Dường như Tố Liên sực nhớ đến chuyện gì, theo đó mà khẽ hít một hơi rồi nhỏ giọng: "Chẳng phải khi nãy chủ nhân vừa bước nhầm về phía vườn ngự uyển hay sao?"

Nguyên Ninh nghe đến đó thì đuôi mày giãn ra, nàng mỉm cười nhìn Tố Liên nói: "Khi nãy ta bước vội, thì ra vốn dĩ không phải nhầm đường..."

Tố Liên cũng ôn thuận mỉm cười, chủ tớ hai nàng cứ như vậy mà thẳng lối về viện Nhã Cúc. Cuối góc tường có tà áo lay động, bóng người theo đó cũng nhanh chân bám theo bọn họ.

Thuỷ Linh đã đợi sẵn trong phòng, chu đáo chuẩn bị nước nóng cho Nguyên Ninh rửa mặt. Nguyên Ninh bước qua thềm cửa đi vào phòng, hướng đến bàn trang điểm ngồi xuống rồi nhìn ra cửa sổ, trong đầu nàng lúc này có một thoáng suy tư.

Thuỷ Linh bước đến một bước để hầu hạ Nguyên Ninh rửa mặt. Thông qua chiếc gương đồng, Nguyên Ninh nhìn thấy Thuỷ Linh vui vẻ tháo trang sức trên đầu nàng, liền trầm tĩnh cất tiếng: "Thuỷ Linh, em có biết cung Thuý Hoa nằm ở chỗ nào hay không?"

Thuỷ Linh có chút biến sắc: "Sao chủ nhân lại hỏi đến chỗ này vậy ạ?"

Nguyên Ninh ngạc nhiên đáp: "Có chuyện gì sao? Sắc mặt của em hình như được tốt cho lắm!"

Thuỷ Linh chậm rãi gật đầu: "Trước đây, cung Thuý Hoa là tẩm điện dành cho phi tần ở tiền triều. Sau khi Trần triều được lập, cung điện này không được tiếp tục sử dụng. Vậy nên càng lúc nơi này càng trở nên hoang phế. Hiện giờ... nó chẳng khác gì lãnh cung cả..."

Nguyên Ninh lúc này mới ngợi ra mọi chuyện: "Thì ra là thế... chẳng trách..."

Thuỷ Linh đợi thêm một chút rồi nhẹ giọng hỏi tiếp: "Không biết tại sao chủ nhân lại nhắc đến cung điện này thế ạ?"

Nguyên Ninh lặng lẽ chớp mắt, sau đó nàng đưa tay bắt lấy chiếc quạt xếp đang nằm trên bàn, cuối cùng nhẹ giọng nói: "Ta có chuyện này muốn nhờ em."

---oOo---

Sáng hôm sau chúng phi tần lại có mặt đầy đủ tại cung Nghênh Xuân. Bây giờ tuy mùa hạ đã đến, nhưng mà buổi sáng trời vẫn còn se lạnh, cho nên mọi người mặc y phục mùa xuân.

Được may bằng vải gấm tiến cung, y phục mùa xuân có tổng cộng ba lớp áo. Trong cùng là lớp áo cổ chéo gọi là “giao lĩnh”. Kế tiếp là lớp áo thứ hai dùng để giữ ấm. Tuỳ theo sở thích của từng người, lớp áo này có thể là giao lĩnh cổ chéo, hoặc là loại “viên lĩnh” cổ tròn. Cuối cùng là chiếc áo “đối khâm” hai vạt song song dùng để khoác ngoài, toát lên vẻ thướt tha, uyển chuyển.

Trong số các phi tần ở đó, Thục phi ăn mặc kiều diễm hơn hẳn. Trên áo của nàng thêu hoa văn bướm vờn hoa bí. Cánh bướm được thêu bằng tơ vàng chỉ bạc, vậy nên mỗi khi tà áo lay động, cánh bướm lại lấp lánh trong nắng mai, sống động như thể có linh tính. Cổ áo giao lĩnh của nàng thêu hoạ tiết hoa lựu. Màu đỏ của nó bật lên giữa sắc vàng của vải gấm, càng làm cho Thục phi thêm phần nổi bật.

Trong số những món trang sức lấp lánh trên đầu Thục phi, nổi bật hơn hẳn là một đoá trâm cài hình hoa quỳnh. Hoa quỳnh chỉ nở vào ban đêm, hương thơm bay xa vạn lý, có điều chỉ có thể tồn tại trong hai canh giờ, vì thế mà trở nên quý giá lạ thường. Thục phi cài đoá trâm hoa này, một mặt nói rằng chỉ có nàng mới xứng với loại hoa quý hiếm kia, mặt khác thì hoa quỳnh trong thi thư có tên là "đàm hoa", đây cũng chính là khuê danh của Thục phi.

Quý phi lúc này đang ngồi đối diện Đàm Hoa, đương nhiên là dễ dàng nhận ra ẩn ý của đám  hoạ tiết đó. Trong thi thư, loài bướm được gọi là "hồ điệp", còn hoa bí gọi là "điệt hoa". Chữ "điệp" của "hồ điệp" đồng âm với chữ "điệp" trong "muôn trùng vạn điệp". Còn chữ "điệt" trong "điệt hoa" lại đồng âm với chữ "điệt" trong "điệt tử điệt tôn". Vậy nên hoa văn bướm vờn hoa bí là sự kết hợp của "điệp" và "điệt", mang ý nghĩa con cháu đầy đàn. 

Lại thêm thạch lựu là loại quả tượng trưng cho thiên chức sinh nở của người phụ nữ. Quý phi trông thấy những hình thêu này, bất giác không khỏi cảm thấy buồn cười. Nàng âm thầm nhẹ giọng nói với Cẩm Tú: "Thục phi trông ngóng có con đến mức không ngại phô trương như thế ư?"

Cẩm Tú nghe đến đó thì chỉ biết mỉm cười. Thật ra y phục và trang sức của Quý phi cũng tinh tế không kém. Áo đối khâm của nàng thêu hoa mẫu đơn, còn viên lĩnh thì được thêu hoa văn "cửu sơn bát hải". Trên tóc nàng tuy không cài nhiều trang sức, nhưng nổi bật bởi chiếc trâm cài hình chim công. Trên đuôi công đính khá nhiều ngọc lam và trân châu, phối rất hợp với màu áo mà Quý phi đang mặc. 

Mấy hoạ tiết và trang sức này không chỉ hợp với Quý phi, mà còn thể hiện thân phận cao quý của nàng. Mẫu đơn là loài hoa tượng trưng cho tiết khí cao sang vương giả, còn chim công là hậu duệ của phượng hoàng. Hơn nữa "cửu sơn bát hải" là chín núi tám biển vây quanh Tu Di Sơn, ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong Phật giáo.

Nếu như hình thêu trên y phục của Đàm Hoa quá lộ liễu, thì hình thêu của Quý phi lại tinh tế, sâu xa. Phải có sự am hiểu đủ rộng mới có thể nhận ra ý tứ của từng đường kim mũi chỉ.

Nhìn thấy Quý phi to nhỏ với cận tỳ, trong lòng Đàm Hoa có chút chán ghét. Nàng quay đầu nhìn về hướng khác, vừa hay trông thấy đám ngọc trai trên đầu Lệ Uyển.

Trong lòng chợt nảy ra một ý, Đàm Hoa theo liền cong môi cất tiếng: "Mọi người thấy chiếc trâm trên đầu Hạ Phu nhân như thế nào?"

Chúng phi tần ở đó kể từ lúc đến cung Nghênh Xuân đã nhìn rõ chiếc trâm này. Bởi lẽ bản thân nó rất nổi bật, hơn nữa Lệ Uyển lại có ý khoe khoang nó trước mặt mọi người . Vậy nên khi Đàm Hoa phát ra câu đó, dẫu có chút ghen tỵ nhưng mọi người trong điện cũng phải đồng thanh khen một tiếng.

Thật ra lời này vẫn có chút thật tâm. Chiếc trâm đó là làm từ ngà voi được chạm khắc một cách tinh mỹ. Thân trâm được điểm xuyết bởi bạch ngọc, đầu trâm thì thì được đính ngân ty, mỗi sợi dây bạc này đều thả xuống ba viên ngọc trai. Chúng sáng bóng đều màu, lại không hề có một chút vẩn tạp. Nhìn sơ qua thì cũng biết độ quý giá của chiếc trâm này.

Lệ Uyển thấy mọi người đổ dồn ánh mắt về phía mình, cũng liền tỏ ra vẻ ngượng ngập: "Chiếc trâm này là do Thục phi điện hạ ban tặng, hạ thiếp vô cùng quý trọng!"

Mọi người không ngạc nhiên lắm trước câu đó của Lệ Uyển. Những vật quý giá như thế, vốn dĩ chỉ có Đàm Hoa mới có.

Đàm Hoa nhìn thấy nét mặt vừa ghen tỵ vừa ngưỡng mộ của chúng phi tần, liền cong môi mỉm cười: "Da của Hạ Phu nhân trắng sáng, đeo chiếc trâm "thiên tuyết" này vô cùng hợp! Nhưng mà dẫu nó có đẹp đến đâu thì cũng chỉ là một chiếc trâm, cung Hàm Xuân của bổn cung còn có nhiều thứ khác tinh xảo hơn!"

Sau khi Đàm Hoa nói xong câu đó, không khí trong đại điện bấy giờ đột nhiên trở nên yên ắng. Lát sau mới thấy Đàm Hoa đưa quạt che miệng, điệu bộ giống như vừa sơ ý lỡ lời: "Bổn cung thật quá vô ý, cái tên "thiên tuyết" này, chẳng phải là khuê danh của Quý phi hay sao?"

Khuê danh bị đem ra bỡn cợt, Quý phi đương nhiên là cảm thấy không vui. Giữa lúc nàng định cất tiếng phản biện, bên ngoài đại điện đã có tiếng bước chân.

Thì ra Nguyên phi cùng với Tiêu Thoa đang từ ngoài cửa bước vào. Thiên Tuyết thấy Nguyên phi có mặt thì lặng lẽ đứng dậy, bất giác nàng cảm thấy trên cổ của mình có chút mát lạnh. Ở đó là vòng cổ kim xuyến được đính một viên đá quý màu đen. Chiếc vòng này khiến cho Quý phi có chút suy tư, theo đó mà tạm gác lại chuyện khuê danh Thiên Tuyết bị Đàm Hoa bỡn cợt.

Chúng phi tần ở đó trông thấy Nguyên phi bước vào thì đồng thanh hành lễ: "Chúng thiếp xin kính chào Nguyên phi điện hạ!"

Vẫn trầm tĩnh và ôn hậu như ngày thường, Nguyên phi lộ nét cười hiền hoà rồi miễn lễ cho chúng phi tần. Thiên Tuyết cũng cùng với chúng phi tần ngồi xuống, nàng lặng lẽ đưa ngón tay mân mê chiếc vòng cổ đang đeo, cuối cùng cũng nén được cơn giận.

Có điều cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, thấy Thiên Tuyết không nói gì, Đàm Hoa đương nhiên chưa được hả hê. Nàng đưa mắt về phía Nguyên phi mỉm cười nói: "Chị Huyền Dao thấy chiếc trâm "thiên tuyết" này thế nào?"

Huyền Dao là khuê danh của Nguyên phi, được kết hợp từ hai loại ngọc quý là ngọc huyền và ngọc dao. Có điều chữ "huyền" trong tên Nguyên phi nếu bị bỏ bớt nét ngọc đằng trước, bản thân sẽ trở thành chữ "huyền" có nghĩa là màu đen. Ánh mắt của Huyền Dao trong trẻo như nước sông mùa thu, nhưng lại vô hồn thả vào vô định. Trong đôi mắt đẹp như sương mai ấy, cảnh vật xa hơn một thước đã trở nên mông lung. Đôi mắt Huyền Dao rõ ràng cũng là thứ ngọc đẹp, nhưng lại trở nên tối tăm mất rồi...

Nghe Đàm Hoa đem khuê danh của Thiên Tuyết đặt cho chiếc trâm kia, trong dạ Huyền Dao có chút không bằng lòng. Trên cổ nàng cũng có chiếc vòng kim xuyến giống như Thiên Tuyết, đây vốn là trang sức thể hiện tình bạn kim lan của bọn họ. Thật ra mấy năm qua Huyền Dao vẫn luôn khó xử, một bên là em họ của mình, một bên là bạn bè chơi với nhau từ nhỏ, ai ngờ bọn họ lại đối đầu với nhau, chuyện này thực sự khiến cho Huyền Dao cảm thấy đau đầu. Có điều lúc này rõ ràng là Đàm Hoa có hơi quá đáng, cho nên Huyền Dao liền lặng lẽ ngâm hai câu thơ:

 

"Bích khê tuyết tịnh trà âu sảng.
Hồng thụ phong đa trúc viện lương." 

nghĩa là:

"Suối sạch tuyết trong trà thanh sảng.
Gió thổi cành xanh mát nhà tranh."

 

Nàng đọc xong hai câu thơ đó, liền dịu dàng nói: "Mắt của chị không tốt, không thể nhìn rõ chiếc trâm này, chỉ thấy nó huyền ảo như một con suối, hay là hãy đổi cái tên của nó thành "bích khê"? Em và mọi người ở đây nghĩ sao?"

Đàm Hoa nghe Huyền Dao nói thế thì nụ cười chợt tắt, có điều trong câu đó của Huyền Dao có nhắc đến chuyện đôi mắt không khoẻ, vậy nên Đàm Hoa cũng không tiện nói thêm lời gì.

Nhớ lại bản thân đã được Thiên Tuyết nói giúp, cho nên sau khi nghe Huyền Dao lấy lại công bằng cho nàng, Yên Ngôn cũng góp vào một câu tán dương: "Nguyên phi điện hạ am tường thi thư, lại có tấm lòng thanh cao đáng nể phục. Thiếp muốn noi theo tấm gương của người, để bản thân cảm nhận cái đẹp từ những thứ bình dị nhất. Giống như câu..."

Yên Ngôn nói đến đó thì khẽ đọc:

 

"Thi thiền khám phá liêu quy khứ.
Nhất lộ bồ hoa địch diệp phương." 

nghĩa là:

"Ngộ được thiền thư đành cáo biệt.
Dọc đường hoa cỏ ngào ngạt thơm."