Chuyến hành hương của thời gian - Chương 07

Chương 7.

Khi xe lần nữa dừng lại, là lúc chúng tôi đến trạm dừng chân đặt giữa ranh giới hai tỉnh lộ.

Trạm nhỏ nằm trên đỉnh núi cao, giữa trưa nắng dường như đón nhận toàn bộ ánh sáng mặt trời. Nơi này, tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Mây trôi trên đầu, mây nổi ngay trước mặt. Chỉ cần phóng tầm mắt ra xa, sẽ thấy một vùng trắng xóa, bồng bềnh như bọt tuyết xà phòng. Xuyên qua những tầng mây mỏng nhất, tức thì hiện lên một vùng thung lũng lớn, nhà dân theo chiều dốc đổ mà xây lên, xen lẫn những mẩu dài cà phê đang mùa trổ bừng hoa trắng.

Tôi và Bôn lướt nhìn cảnh vật, rồi không hẹn mà cùng rời khỏi xe, đến trước khu vệ sinh thì rẽ làm hai hướng.

Lúc tôi quay về, đã thấy Bôn ngồi trên ghế lái. Ở ghế tôi ngồi, xuất hiện một chai nước nhỏ cùng vài cái bánh mì.

Tôi lên xe, phát hiện hình như Bôn đã thiu thiu ngủ.

Đã nhiều ngày liền, Bôn không ngủ. Từ thành phố trở về, còn chưa kịp nghỉ ngơi đã phải cùng tôi đi. Ở đám ma, tôi không ngủ, Bôn cũng không hề chợp mắt. Ban nãy tôi khóc xong, ngủ thiếp đi, anh lại tiếp tục lái xe.

Người ngồi cạnh tôi lúc này, đầu tựa sâu vào ghế, nhè nhẹ thở. Vì không thoải mái mà lông mày chau lại, hàng lông mi dài lay động không ngừng. Khuôn mặt vốn mềm mịn đến hôm nay đã lún phún râu, đôi môi cũng vì mệt mỏi mà trở nên nhợt nhạt.

Tôi nhìn Bôn, nhìn bàn tay anh đang đặt lỏng trên đầu gối, không biết vì áy náy hay vì điều gì khác, tay tôi đột nhiên vô thức vươn ra, muốn đặt lên bàn tay đó. Nhưng cuối cùng, chỉ đặt tay mình vào không khí, trên lưng chừng tay anh, rồi nhất quyết thu về.

***

Tôi trở về, tiếp tục sống những ngày bình thường như trước. Ban ngày đi làm, làm về thì dọn dẹp nấu ăn, rồi thì trốn vào phòng xem phim, đọc sách. Chỉ là, những đêm dài mất ngủ quay trở lại.

Bôn gần đây cũng thường xuyên đi sớm về khuya. Hôm nay là sinh nhật, mà hết thời sự tối vẫn chưa thấy về.

Trúc Linh nhìn đồng hồ, lại nhìn cái bánh kem đặt trên tủ lạnh. Cuối cùng thở dài một cái, chạy về phòng đọc truyện tranh.

Tôi biết em gái mình nôn nóng là vì ham vui, muốn ăn bánh kem, chứ chẳng phải thực sự mặn mòi tình cảm gì, cho nên cũng mặc kệ nó, một mình ngồi xem phim truyền hình.

Lát sau, dượng đột nhiên trở về từ nông trại, mặt mũi vì gió lạnh làm tái đi.

- Hôm nay không cần ngủ lại hả dượng?

- Định ngủ lại, nhưng cuối xóm có người mới mất, dượng về xem thế nào.

- Ai… ai vậy dượng?

- Nhà Phương, Vi cuối xóm. Chưa biết thế nào. Để dượng qua đó đã.

- Con đi nữa.

Tôi theo sau dượng, cũng muốn đi xem rõ tình hình.

Ban nãy, tôi ở trong nhà, nghe tiếng xe chạy tới chạy lui, ồn ào cả buổi, còn tưởng trong xóm có nhà nào tổ chức tiệc tùng. Nào ngờ…

Căn nhà cấp bốn lớn, cách nhà tôi vài hộ, có hai vợ chồng tầm khoảng ba mươi tuổi và một đứa con trai nhỏ. Vợ ở nhà bán quán, trông con, chồng làm nhân viên trong bệnh viện. Cuộc sống của họ, trước nay rất thuận hòa.

Hai gia bình tôi và họ bình thường cũng không hay qua lại, chỉ khi có đám, cỗ hay việc xóm thì mới lui tới vài lần.

Lúc tôi và dượng đến trước nhà nọ, đã thấy người ra vô rất nhiều, tiếng thút thít quẩn quanh khuôn viên nhỏ.

Dượng tôi đến gặp bác trưởng khu, trao đổi:

- Sao rồi anh?

- Vợ chồng nó tự tử. Bạn thằng Phương đến phát hiện, đưa đi cấp cứu. Thằng Phương thì ổn rồi, đang nằm viện. Con Vi thì…

Nói rồi, bác thở dài, mắt hướng vào cửa chính.

Tôi theo đó nhìn vào, thấy vài người đàn ông đang khó nhọc khiêng cái giường lớn đặt trong phòng khách. Như thế, chắc chắn người vợ đã không qua khỏi rồi.

Dượng nghe xong liền phụ giúp những người khác dựng rạp, kê bàn. Còn tôi đảo xuống nhà dưới, trông thấy mấy cô lớn tuổi đang bận rộn dọn dẹp cũng xắn tay làm cùng.

Bác Oanh - vợ bác trưởng thôn đứng ra chỉ đạo sau nhà bếp, lúc này mới nói:

- Tí nữa ở trên dựng rạp xong chắc cũng trễ lắm, việc còn lu bu, trước mắt mình cứ nấu một nồi cháo lớn, để mấy người ai đói thì ăn. Mỗi người một tay, giúp nhau cho tươm tất. Vợ chồng nó ở đây không có người thân, chòm xóm mình không làm được gì nhiều, cố chu toàn cho nó vậy…

Bác mở lời xong liền nhanh chóng chia việc cho mọi người.

Tôi vì còn trẻ, không biết nhiều về nghi thức cúng kính, cũng không tự biết việc để làm, nên bác chủ động phân cho tôi nấu cháo đêm.

Bác bảo nấu chào gà. Tôi còn đang phân vân không biết lấy gà ở đâu thì dượng gọi tôi lại dặn:

- Con về nhà mình bắt lấy ba con gà trống lớn lớn, nấu cháo hai con, còn một con nhốt lại để nếu bữa sau họ cần. Bác Oanh bảo mua nhưng mà dượng nghĩ thôi thì mình giúp người ta, nên nếu bác có đưa thì con đừng lấy.

Tôi dạ một tiếng, băng băng qua mấy cái hàng rào dâm bụt quay về nhà.

Tôi đến dưới sân, gọi với lên:

- Trúc Linh…

Lặng im.

- Trúc Linh.

Chờ đợi.

- Trúc Linh ơi. Trúc Linh!

- Đây, đây, gọi gì như gọi đò thế?

Em gái tôi hớt hải chạy ra, đầu tóc rối bù, bộ quần đùi, áo số mặc trên người trông xộc xệch như ở trên giường mới dậy.

- Xuống đây giúp Hai bắt gà với.

Trúc Linh vừa chạy xuống vừa phụng phịu nói:

- Nửa đêm nửa hôm tự dưng đi bắt gà làm gì?

Tôi đợi em gái đến gần, cốc đầu nó một cái rồi đi đến chuồng gà ở góc vườn.

Cái chuồng nhỏ chứa hơn chục con gà, trong đêm tối không ngừng phát ra tiếng “lúc cúc”, lúc nhỏ lúc to.

Tôi khẽ mở cửa, Trúc Linh chiếu ánh đèn flash từ điện thoại vào trong, rồi rất nhanh tay, nó tóm một con, lôi ra. Ngay lập tức, tôi đóng cửa chuồng lại.

Mấy con gà bị làm cho kinh động, ở trong chuồng kêu “quang, quác”, vỗ cánh bay loạn xạ vô cùng.

- Còn hai con nữa…

Tôi cầm con gà từ tay Linh, tìm một sợi dây cột hai chân của nó.

- Bắt nhiều vậy Hai?

- Linh bắt đi, nhà cuối xóm có đám ma, Hai bắt qua đó nấu cháo gà.

Trúc Linh sững người, dọi thẳng đèn vào mặt tôi, hỏi tiếp:

- Ai mất?

- Chị Vi.

Linh không hỏi nữa, chỉ buồn buồn, lẳng lặng bắt tiếp hai con gà khác, cùng tôi cột chặt chân, bỏ vào bao. Cuối cùng, nó nói:

- Em không sang đâu, em sợ lắm, Hai giúp ít ít thôi rồi về nha.

- Ừ, nhưng mà Linh có bắt gà trống không đó?

- Dạ, em chỉ không biết vịt trống, vịt mái thôi. Gà là chuyện nhỏ.

Tôi cười cười nhìn em gái lên nhà, rồi nặng nhọc xách cái bao chứa ba con gà lớn, hướng cồng đi ra. Vừa đến trước cổng thì nhìn thấy một ánh đèn từ xa đang dần tiến đến, không bao lâu, ánh đèn càng lúc càng lan rộng, tiếng xe máy cũng càng rõ bên tai.

Bôn dừng xe trước mặt tôi, nhanh chóng gạt chân chống xuống mà không liền cúp máy. Chỉ có tiếng xe mất hẳn, ánh đèn vẫn sáng rực không rừng.

Tôi lấy tay che mặt, nheo mắt nhìn anh.

Bôn đến gần, nhìn chằm chằm cái bao trên tay tôi, lại thấy bộ dạng tôi vô cùng nhếch nhác, không nhịn được bèn lên tiếng:

- Em làm gì vậy? Bao gì đây?

Bôn vừa nói xong, mấy con gà trong bao rất phối hợp và không ngừng cựa quậy, kêu “cúc, cúc”.

Lần thứ hai trong vòng chưa đầy mười lăm phút, tôi phải giải thích cùng một việc. Lần này, tôi biết rút kinh nghiệm mà nói rõ hết trong một lần:

- Gà. Bắt sang bên kia nấu cháo. Chị Vi ở nhà đó tự tử, cứu không được, giờ đang chuẩn bị đám ma. Dượng cũng ở bên đó.

Bôn xoay người, hướng ngôi nhà cuối xóm mà nhìn.

- Đợi anh sang cùng.

Tôi gật đầu, đứng yên chờ đợi.

Rất nhanh, Bôn chạy xe vào trong sân, không buồn mang giỏ lên nhà cất, cứ thế trực tiếp đi ra, cầm lấy cái bao nặng đang nằm trên đất.

Chúng tôi đến nơi thì tách nhau, mỗi người giúp một việc.

Tôi lủi thủi làm gà, vặt lông gà đến đâu, da gà trong người lại nổi lên từng mảng. Thầm thấy may mắn vì chỉ vặt lông, làm lòng có hai con. Tôi không sợ mệt, chỉ sợ lúc làm lòng, mùi hôi tanh bốc lên phát nhợn.

Trong bếp, các cô lớn tuổi cũng cặm cụi nấu đồ cúng, cái bếp ga hoàn toàn không có giây nào rãnh rỗi. Tôi đành bắc ba viên gạch lớn, nhóm lửa, nấu cháo ở sân sau.

Nửa đêm, cái xóm nhỏ vốn yên bình bỗng ồn ã lạ thường. Ngoại trừ bọn con nít hẳn đã ngủ say, người lớn ai cũng bận lòng mà ở đây túc trực.

Tôi ngồi trên cái đòn nhỏ, nhìn chằm chằm vào mớ củi dâu tằm đang rực cháy, tiếng “tách, tách” mang tia lửa nhỏ, theo chiều gió như sóng hắt ra.

Tôi hoàn toàn chú tâm nhìn lửa nhảy, không biết tự bao giờ Bôn đã đến gần. Anh đứng trên cao nhìn xuống, trong đôi mắt đen phản chiếu bóng lửa bập bùng. Rồi Bôn tháo chiếc khăn len dày cộm ở cổ mình, cúi xuống, choàng vào cổ tôi. Mùi hương đàn ông mang theo mùi formon quen thuộc lập tức xông vào mũi, nhất thời khiến tôi trở nên đờ đẫn.

Đột nhiên, Bôn đẩy tôi ra, thản nhiên lấy đòn của tôi rồi ngồi lên đó. Vẻ mặt hoàn toàn không chút đổi thay.

Tôi lười phản ứng, chỉ nhích sang bên, hai tay đẩy củi.

Bôn cười cười, hỏi:
- Lúc nãy em làm gà hả?

- Vâng.

- Ghê không?

- Ghê.

- Tại thấy con gà trần chuồng nên mắc cỡ hả?

Tôi ngao ngán, đổi chủ đề, đánh lạc hướng của anh:

- Anh ăn tối chưa?

- Ăn rồi.

- Linh đợi anh về cắt bánh đấy, anh rãnh tay thì về cho nó vui.

- Chắc giờ bé ngủ rồi, mai cắt bánh cũng được. Sinh nhật chẳng qua là ngày để mỗi người được làm nhân vật chính thôi mà.

Tôi lén nhìn khuôn mặt bình lặng của anh. Không biết nói thế nào cho phải.

Gần mười năm nay, chưa khi nào tôi thấy Bôn thích hai từ “sinh nhật”. Có những lần Trúc Linh hào hứng tổ chức cho anh, dầu không thích, Bôn vẫn hưởng ứng để không phụ lòng em gái.

Vết thương lòng của Bôn, có lẽ sâu vô cùng.

Mẹ Bôn mất lúc vừa sinh xong, khiến anh là đứa trẻ mồ côi mẹ ngay từ thưở lọt lòng. Dượng là đàn ông, gà trống nuôi con, còn phải tự mình bươn trải, thời gian dành cho con so với những người khác càng ít hơn.

Có lẽ, Bôn từ nhỏ đã tự mình lớn khôn.

Có lần bác Oanh kể tôi nghe, ngày xưa có một cậu bé, ngày ngày khắc bước bộ đến trường. Sớm đi, chiều về, theo tiếng bước chân nhỏ có tiếng leng keng, là do chùm chìa khóa nhà đeo trên cổ va nhau tạo thành.

Cậu bé đó, hiện tại ngồi cạnh tôi, tay cầm que nhỏ vẽ vòng vòng trên đất. Lửa sáng chiếu trước mặt, trăng sáng rọi trên đầu. Rõ là thân ảnh của một người trưởng thành, vững chãi, lại phảng phất bóng hình nhỏ bé cô đơn.

Tiếng kèn, tiếng trống đám ma, giữa đêm khuya đột ngột vang lên, da thiết, thê lương đến mỏi mệt tâm hồn.

Thì ra, không phải chỉ là mỗi tôi mang nỗi khổ đau, mà ai cũng sẽ có nỗi đau riêng mình họ.

Bỗng dưng, tôi thấy lòng mình tràn đầy thương cảm, cho cậu bé thơ dại đang say ngủ bên trong, cho người đàn ông dịu dàng ngay bên cạnh, và cho cả bản thân mình.

Không kìm được, tôi thở dài một cái thật sâu, như thể nếu đuổi hết ra ngoài toàn bộ không khí trong lá phổi, thì bao nhiêu phiền não trong đời cũng liền sẽ rời đi.

Đột nhiên, tôi nghe tiếng của Bôn:

- Em thoa kem chống ánh trăng chưa?

Nói xong, Bôn nhìn chằm chằm tôi, mắt cười nhàn nhạt.

Tôi nghe câu đó, thực sự khâm phục sự kỳ quái của người này.

***

Ngày hôm sau, người thân của gia đình nọ mới từ quê đi đến. Người chồng cũng xuất viện về để chịu tang.

Tôi về nhà sau giờ làm, liền tranh thủ sang giúp việc bên trong bếp. Nghe tiếng khóc than từ nhà trên vọng xuống, ruột gan bỗng chốc nặng nề. Lòng chỉ thầm mong bình yên nhanh trở lại.

Sau bữa tối, nghi thức khâm liệm người mất được tiến hành.

Mà lúc người mất sắp được đưa vào hòm, gió nổi từng cơn, bàn linh đổ xuống. Mọi người xắp xếp lại, lần thứ hai cố gắng lần nữa đưa vào thì bao nhiêu cây nhang trong bát hương đột nhiên rực lửa, bừng cháy tới lụi tàn.

Mẹ người mất chứng kiến chuyện vừa rồi, vừa khóc vừa hô lên:

- Con ơi là con! Con bị oan ức gì? Không được liệm nữa, thả con tôi xuống. Nó chết oan, nó chết oan rồi.

Lúc này, mọi hoạt động hoàn toàn ngưng trệ, xung quanh bắt đầu phát ra tiếng xì xầm. Tôi lạnh cả sống lưng, cơ hồ run rẩy không thở được.

- Gọi công an đi.

Một người trong đám đông lên tiếng. Những người khác cũng hùa vào:

- Đúng rồi, gọi công an, gọi công an.

Không lâu sau, công an xuất hiện, toàn bộ gia đình nọ bị cách ly trong nhà. Lại thêm một khoảng thời gian nữa, một nhóm người khác cũng tiến vào.

Những người này bước xuống từ chiếc xe cấp cứu, trên dưới kín như bưng, đầu trùm nón nilong, thân mặc áo blue trắng, tay đeo găng cao su, còn xách thêm cơ man nào là dụng cụ và đồ đạc.

Tôi còn đang mơ hồ thì phát hiện, từ trong nhóm người đó có một ánh mắt đang nhìn thẳng vào mình. Đôi mắt đẹp tựa như nước mùa thu, khóe mắt dài, bên dưới mi mắt phải còn có một nốt ruồi nho nhỏ, màu nâu.

Bôn nhìn tôi, gật đầu, rồi nhanh chóng mà lướt qua. Lưng anh thẳng tắp, bước nhanh mà lại rất khoan thai. Thì ra, bộ dạng Bôn lúc làm việc trông như thế. Vừa chăm chú vừa nghiêm chỉnh, lại vô cùng xa cách, lạnh lùng.

Tất cả những người không liên quan bị công an đẩy lui ra, sau đó họ quây bạt nhỏ màu trắng, che kín nơi người mất đang nằm. Cuộc khám nghiệm bắt đầu, rồi kéo dài khá lâu, có điều mọi người đều vì tò mò mà không ai rời khỏi, kiên nhẫn đợi chờ.

Nhiều tiếng sau, bạt trắng dỡ ra, nơi đó trông như không có bất cứ dấu hiệu gì thay đổi.

Từ ngoài nhìn vào trong, tôi thấy đám người áo trắng đang chụm lại, như thể bàn bạc điều gì đó, rồi lại cùng với mấy người áo xanh, trao đổi qua lại thêm một lúc lâu.

Lúc nhóm người nọ đi ra, tôi còn nghĩ Bôn sẽ theo xe lên phố, rút cuộc anh chỉ thay quần áo, sau đó quay vào. Bôn nhìn thấy tôi, không đảo mắt sang chỗ khác lấy một lần, cứ thế đi thằng đến góc rạp nơi tôi đứng.

Bôn đến bên cạnh, đứng sát hỏi tôi:

- Bố đâu?

- Dượng ra nông trại rồi.

- Em làm về qua thẳng đây luôn hả?-

- Ừm.

- Khuya rồi, tranh thủ về nghỉ đi.

- Để xem còn giúp được gì nữa thì…

- Khuya rồi. Về thôi.

Bôn chưa nói hết câu, chân đã bước lên vài bước, những ngon tay dài nắm lấy cổ tay tôi, dùng lực kéo đi.

Tôi bàng hoàng. Phần vì quá bất ngờ, phần vì sợ những ánh nhìn xung quanh.

Trong rạp toàn người quen quanh xóm. Mấy cô, mấy bác, già, trẻ, ban đêm ai cũng sang ngồi uống trà, cắn hột dưa, cho cảnh tang, nhà vắng bớt phần nào cô quạnh. Họ ngồi với nhau, nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Nếu như họ thấy cái cảnh này, không biết câu chuyện sẽ được thêm mắm dặm muối ra sao. Tài năng hô mưa gọi gió của họ lớn vô cùng.

Tôi thực sự rất sợ năng lực đó, cho nên tay toan giật ngược ra, nào ngờ bị Bôn càng nắm chặt, một mạch kéo ra ngoài. Chúng tôi bỏ lại ánh sáng và tiếng ồn ở sau lưng, chìm sâu vào màn đêm mờ mịt. Tay Bôn đã lỏng dần, nhưng vẫn quyết không buông.

Tâm trạng anh hôm nay, hình như khác ngày thường. Có chút mệt mỏi, có chút muộn phiền. Tôi âm thầm thôi phản kháng, mặc kệ anh kéo thẳng về nhà.

***

Tắm xong, tôi mở tủ lấy máy sấy tóc thì nhìn thấy một hộp lớn đã để trong đó từ lâu. Vốn định tối hôm qua mang tặng cho Bôn, nào ngờ lu bu bên đám ma mà quên mất.

Tôi buông máy sấy, cầm hộp quà hướng cửa đi ra.

Phòng Bôn không đóng kín. Tôi chỉ vừa đưa tay lên chạm nhẹ, cửa đã bị đẩy vào trong.

Theo ánh sáng từ đèn bàn hắt nghiêng nghiêng, tôi thấy Bôn đang ngồi trên thảm, lưng dựa vào giường. Bên cạnh chân anh đã đặt sẵn đồ để tắm.

Có điều, người ngồi đó, vì không chống cự được cơn buồn ngủ mà gục đầu ngủ say.

Tôi đến gần, tay khẽ đặt trên vai Bôn, lay nhẹ. Cách lớp vải áo sơ mi mỏng manh, cảm nhận được cơ thể anh hình như hơi nóng.

Bôn không phản ứng. Tôi sinh lo lắng, lại dời tay đặt tại trán anh.

Người tưởng chừng đang ngủ kia, bỗng dưng phủ bàn tay ấm của mình lên tay tôi. Tay chồng tay, giữ nguyên trên trán của anh, khiến bàn tay lạnh của tôi, lọt thỏm giữa hai luồng ấm áp.

Ngón tay cái của Bôn không ngừng vuốt ve lấy tay tôi, rất đỗi nhẹ nhàng. Rồi đột ngột anh ngẩng đầu, nhìn thằng vào tôi, khổ đau mà hỏi:

- Kỳ Như. Anh mệt quá!