Chuyến hành hương của thời gian - Chương 08

Chương 8.

Tay chạm tay…

Lần đầu tiên, là hôm Bôn níu tay, khiến tôi té ngã, đập đầu xuống đất.

Lần thứ hai, là khi tôi vừa chập chững lên thành phố, không dám qua đường. Bôn ở bên cạnh, mất kiên nhẫn mà bắt lấy tay tôi, đi băng băng qua đường phố, ngang dọc người xe.

Lần thứ ba, là vào kỳ nghỉ Tết dương lịch năm tôi học năm hai trung cấp. Đêm ba mươi ở trung tâm thành phố, người ta tổ chức bắn pháo hoa, chúng tôi cùng chen chúc giữa biển người, Bôn vì sợ bị tách ra mà đã nắm chặt tay tôi.

Lần thứ tư, thứ năm, thứ sáu… cho đến tận bây giờ, tôi đã không còn sợ hãi, hoang mang nữa, dường như bản thân đã dần chấp nhận sự tiếp xúc gần gũi, ấm áp này.

Hiện tại, tay tôi đặt trong tay Bôn, tim đã thôi lỗi nhịp, chỉ có sự lo lắng ngập tràn.

Trước nay, tôi chưa từng nghĩ Bôn sẽ có lúc yếu đuối đến nhường này. Cả người anh, tâm hồn lẫn thể xác đều rệu rã. Tôi nhìn thân ảnh đó, bất giác lòng nặng trĩu.

- Tắm đi, rồi đi ngủ.

Tôi nói, tay thoát ra khỏi tay anh, người đứng dậy, muốn rời đi.

Chân còn chưa kịp bước, tay đã bị Bôn một lần nữa nắm lại. Anh ngồi dưới thấp, tôi đứng trên cao. Môi anh nhấp nháy:

- Anh …

Bôn ngập ngừng, khiến tim tôi bỗng chốc trở nên run rẩy, thực sự không dám đứng lại, liền rời đi.

***

Vùng thôn quê, người ít nhà thưa, dân sống thành từng cụm nhỏ, từ thôn này sang thôn khác, cách nhau cả mấy cánh đồng rau.

Ấy vậy mà, sau khi kết quả giám định pháp y được loan ra, rất nhanh, chốn yên bình đâu đâu cũng nhốn nháo lạ thường.

Buổi trưa, tôi từ trạm y tế ra chợ ăn cơm, đi đến góc nào cũng thấy tụm ba tụm bảy, nói chuyện râm ran. Còn tưởng đang có bộ phim nào đang nổi lắm, như Giày thủy tinh hay Truyền thuyết Jumong được chiếu trên VTV hơn chục năm về trước.

Ở cơ quan, tôi còn chưa hiểu ngọn ngành, mọi người không biết từ đâu mà đã tường sự việc. Vừa trông thấy bóng tôi lướt qua, đã chạy túm lại, hỏi dồn:

- Thằng chồng bị bắt chưa?

- Con cái thế nào?

- Bao giờ đi chôn?



Tôi bị làm cho bất ngờ, mù mờ không hiểu, chỉ có thể đứng ngây ra. Cuối cùng cô trạm trưởng mới nói:

- Ra là cô này cổ chưa biết gì.

Vậy là mọi người liền kể lại cho tôi.

Cái chết của chị Vi không đơn thuần là do tự tử. Thực ra, đó là một vụ giết người có dàn dựng của người chồng.

Lúc nằm trong bệnh viện, anh ta bảo với gia đình rằng do vợ chồng bể nợ, cuộc sống trở nên bế tắc, nên cùng nhau tự tử.

Công an xã vốn nghiệp vụ thấp, mà ở cái nơi chân quê này, hằng ngày nhìn thấy cảnh giết người cướp của trên tivi, dẫu rùng mình nhưng chỉ nghĩ đó là chuyện xa xôi. Cho nên thấy anh ta khai hợp lý và thực sự có việc nợ nần, công an cũng qua quýt cho xong.

Nào ngờ, thì ra anh ta ngoại tình, rồi gia đình phát sinh cự cải. Sau khi dùng dây chuyền xiết cổ vợ đến ngất đi, anh ta tiêm một lượng lớn cồn mã tiền vào người vợ. Bản thân chỉ uống vào lượng nhỏ để có thể dễ dàng cứu sống. Người tình của anh ta là y tá làm trong bệnh viện, cũng có ít nhiều liên quan.

Đó là lý do vì sao, tối hôm qua, sau khi mọi người gọi công an, mặt anh ta tái mét đi, tựa như không còn giọt máu nào. Dáng vẻ bệnh tật dường như tiêu tan hết, bao trùm lên cơ thể là sự run rẩy, hãi hùng.

Mà đáng nguyền rủa nhất, người đàn ông đó không những giết vợ mình, còn giết cả đứa con còn chưa rõ hình hài trong bụng vợ. Một lúc, cướp đi hai sinh mạng, đẩy bản thân vào vòng lao lý, để con thơ ở lại, mất mẹ, xa cha.

Tôi vừa căm hận, vừa xót xa. Bất giác nhận ra, có lẽ rằng hôm qua Bôn chính là bị sự thật này làm cho tâm tư hỗn loạn.

Sáng sớm hôm sau, khi màn đêm còn đang kiên cố bao lấy cả vùng thung lũng nhỏ, mọi người đã bắt đầu đốt đuốc, giương cờ, đưa tiễn người vợ xấu số ấy về nơi yên nghỉ.

Trong bóng tối, lốm đốm những ngọn lửa chập chờn, chỉ có tiếng trống kèn réo rắt, thê lương. Đoàn người đi đến đâu, dường như sương tan dần đến đó, trăng vốn dĩ đến lúc phai rồi, lại bỗng nhiên sáng tỏ nhiều hơn.

Trúc Linh đi cạnh tôi, tiếng thút thít lúc to lúc nhỏ, có lẽ đang rất buồn. Dầu mẹ mất khi Linh còn nhỏ, nhưng chắc hẳn ký ức đó trong nó chưa phai. Linh khóc, là vì cảnh tang thương trước mắt, cũng là vì nhớ lại những thương cảm trước đây.

Tôi thở dài. Một lát gặp mẹ, nhất định không được khóc.

Khi đoàn người đến khu nghĩa trang nằm lưng chừng chân núi, là lúc bầu trời đã thoát khỏi màn đêm, từng tia sáng lần lượt xuyên mây, le lói lên chút ánh vàng cam nhàn nhạt.

Chôn cất xong xuôi, mọi người lũ lượt ra về. Còn tôi và Trúc Linh nán lại, cùng sang mộ mẹ. Hai chị em tôi dùng khăn, chổi có sẵn, quét dọn một hồi, sau đó mới thắp nhang, đoạn ngồi xuống đợi nhang tàn.

Mộ mẹ được dượng xây tươm tất vô cùng, tuy không to nhưng gọn gàng, sạch đẹp. hướng thẳng phía mặt trời lên. Ở nơi đây, có nắng sóng sánh như mật ong rừng, có gió tươi như trà xanh thanh mát, có hương rừng ngào ngạt thông non. Từ đây nhìn xuống, trong tầm mắt trông thấy được thiên nhiên đẹp đẽ vô vàn. Thấy những ruộng rau trải dài, xanh bát ngát. Thấy rõ con mương thủy lợi uốn lượn ngoằn ngoèo, chạy từ dưới chân núi ra tận hướng bờ sông. Thấy những đồi chè nhấp nhô, ẩn hiện. Còn thấy cả nông trại rộng lớn nơi dượng và mẹ gắn bó cùng nhau.

Mẹ ơi! Mẹ được ở nơi yên bình đến vậy, con sẽ không buồn nữa.

Mẹ ơi! Con sống tốt lắm. Mọi chuyện đều ổn cả.

Nhưng mà, mẹ ơi! Con nói dối đấy, con không ổn chút nào.

Đi làm ở trạm y tế, gần đây con liên tục bị bắt tăng ca.

Bé Linh sắp phải đi học xa rồi, nơi này chỉ còn lại mình con.

Bố bị bệnh. Con nghĩ bố đã bị bệnh nặng rồi.

Hân cũng đi theo mẹ rồi, mẹ ạ. Con đau lắm.


Giữa cuộc sống vô vàn biến cố này, con đã tự mình từng chút, từng chút một, có thể đi qua. Có điều, gần đây con lại bắt đầu muốn dựa dẫm rồi.

Mẹ ơi! Con nhớ mẹ.

***

Nhịp sống bình lặng nhanh chóng trở lại miền quê. Ngoài việc quanh đi quẩn lại nói chuyện nhà nông, mùa vụ thế nào, giá nông sản ra sao, mọi người lại bắt đầu rảnh rỗi.

Tối thứ sáu, tôi từ cơ quan trở về. Lúc ghé vào quán tạp hóa đầu thôn, không biết bị xui khiến thế nào, lại gặp ngay bác Phúc. Mà bên cạnh bác, là anh bộ đội sâu răng tôi từng gặp hôm nào.

Lần gặp gỡ này, chóng vánh đến nỗi làm tôi bỡ ngỡ. Cho đến lúc hai người đàn ông nọ đi khỏi, tôi mới ý thức được những gì vừa diễn ra.

Ngày mai, tôi có hẹn. Cùng anh bộ đội.

Anh bộ đội được nghỉ phép ba ngày, hôm nay đã là ngày thứ hai.

Vừa rồi thấy nhau, tôi và anh ta đều ngượng ngùng, chỉ có bác Phúc là vô cùng hào hứng. Còn tự xắp xếp để mai chúng tôi gặp mặt riêng.

Tôi không biết ý anh bộ đội thế nào, nhưng thấy bản thân rất không được tự nhiên.

Đã từng có hai ba lần, anh bộ đội liên lạc, tôi đều từ chối, thực sự là vì có việc riêng. Nếu lần này lại từ chối nữa, tôi sợ người ta cho rằng tôi không thích họ nên kiếm cớ. Đành ậm ừ đồng ý.

Sáng hôm sau, tôi ăn bận chỉnh tề, trang điểm nhẹ, đúng giờ chuẩn bị đi.

Trúc Linh lại tưởng tôi mong chờ cuộc gặp này lắm, bèn theo sau trêu chọc:

- Xuân chưa tới nhưng hoa đã đơm bông...

Tôi nguýt Linh một cái, hùa theo:

- Ai đó ghen ăn tức ở thì Hai nhường này.

- Thôi thôi. Em nào dám ngắt hoa của Hai.

Tôi dơ nắm tay, làm bộ cốc nó, đoạn nhanh chóng dắt xe đi.

Tôi nổ máy, vừa ra đến cổng thì thấy Bôn về đến. Tôi thầm trộm nhìn anh, sau đó nhanh chóng rời đi.

Gần đây, chúng tôi rất ít gặp nhau, mấy hôm rồi mới được thấy anh. Chỉ là lướt qua thôi, mà đã gợn lên từng đợt sóng lòng, dồn dập, thổn thức đến hít thở cũng trở nên thực sự khó khăn.

Sau đám tang của chị Vi, tôi bỗng dưng muốn né tránh anh. Có lẽ, Bôn ít nhiều nhận ra điều đó. Anh thường xuyên đi sớm về khuya, có khi ở lại cơ quan mấy ngày liền. Trước đây, do công việc thất thường, thỉnh thoảng cũng có những ngày như thế. Mà lần này, mỗi sớm thức dậy, mỗi khuya đi ngủ, tôi đều không khỏi băn khoăn. Anh vì công việc, hay là vì tôi?

Anh bộ đội hẹn tôi ở một quán cà-phê ven phố. Là kiểu cà-phê vườn quán đặt trong không gian kín, bốn bề có kính bao quanh.

Lúc tôi đến nơi đã là quá nửa trưa, nhân viên trong quán đang hạ rèm ở tường kính đằng tây, ngăn ánh nắng chiếu nghiêng nghiêng, trực tiếp hắt vào. Ở phía đối diện, có một chàng trai đang ngồi, dáng người thẳng tắp, một tay dựa bàn, tay còn lại vân vê ly nước nhỏ, mắt hướng núi, xuyên qua tấm kính trong vắt, nhìn xa xăm.

Tôi lặng lẽ đến gần, kéo ghế, ngồi trước mặt anh ta.

- Chào anh.

Anh bộ đội hơi bất ngờ, nhìn tôi, lại nhìn đồng hồ, đoạn gật đầu, chào:

- Chào em.

Nói rồi, anh ta nhướng mắt, vẩy tay, gọi nhân viên đưa menu đến.

Tôi thuận đó, xem qua lấy lệ, rồi gọi một món đồ uống có tên rất mỹ miều – Vô thường trà hoa.

Dường như, anh bộ đội cũng là người ít nói. Hai chúng tôi qua lại được dăm ba câu, sự im lặng lại bao trùm.

Tôi không ngượng, chỉ thấy an tĩnh lạ thường, thư thả nhấp nháp vị trà thơm thơm, ngòn ngọt. Bên trong tách trà thủy tinh chứa thứ chất lỏng trong veo, tách lớp, trắng trắng, hồng hồng. Có cả bông hoa vô thường nhỏ, dầu nằm trong nước sôi, khói trắng, vẫn giữ nguyên dáng hình.

Đột nhiên, anh bộ đội hỏi tôi:

- Em thích mẫu người thế nào?

Tôi nghe vậy, cười cười, hỏi lại:

- Anh thích mẫu người thế nào?

- Anh thì thích con gái dịu dàng, yên tĩnh, hay cười.

Tôi đang chăm chú lắng nghe, bỗng ngẩn người.

Ý anh ta là gì?

Tôi hay cười, chẳng qua là không muốn nói, hoặc không biết nói gì. Cười, chỉ là cách đối phó với khoảnh khắc bản thân không thể làm gì khác mà thôi.

- Còn em?

- Em không có.

- Thiệt hả?

- Vâng.

Anh bộ đội nghe xong thì gải đầu, cười khờ trông tội nghiệp.

Lúc này, điện thoại anh ta đặt trên bàn rung lên. Anh bộ đội nhanh chóng cầm điện thoại ra ngoài, để tôi lại một mình, trầm mặc.

Mẫu người lý tưởng?

Ai mà chẳng có trong tâm tư của mình một mẫu hình nào đó. Hoặc anh chàng đẹp trai, hay cô nàng đẹp gái, nghề nghiệp ổn định, tính tình ấm áp, hiền hòa… Nhưng mà, thực ra những tiêu chuẩn đó dường như được đặt ra chỉ để khỏa lấp những tâm hồn cô đơn. Cho đến tận cùng, nhiều người đến với nhau đều dùng trái tim mà đặt lên tiêu chuẩn ấy.

Giá như con người ta, có thể giống bầu trời ngoài kia. Trời xanh là nắng, trời là xám mưa. Mà hình như, thảng hoặc, trời nắng vẫn đương có mưa phùn.

Nhiều phút sau, anh bộ đội quay trở lại. Vừa ngồi xuống liền hỏi tôi:

- Bây giờ em có bận không? Đi ăn được không?

- Không bận. Ăn gì?

- Em muốn ăn gì?

Ăn gì? Đột nhiên hỏi, tôi không biết. Trước nay tôi ít ăn ngoài, ăn ngoài chỉ có ăn cơm. Những lúc khác, Bôn kéo đi đâu thì tôi ăn ở đó. Nhưng nếu bây giờ, tôi trả lời “Ăn gì cũng được” sẽ khiến anh bộ đội khó xử hơn.

Cuối cùng, tôi chọn bừa:

- Ăn bún riêu.

***

Sống ở đời, ai cũng sẽ có lỗi sai, thậm chí sai rất nhiều lần. Mà cái sai khiến tôi khổ não nhất hiện tại là chọn đi ăn bún riêu trong cuộc hẹn đầu tiên với đàn ông.

Ăn bún riêu phải có tương đỏ, tương đen, chút chanh, chút sa tế, chút ớt dằm, và còn nhất định phải có mắm tôm.

Hình như, có hơi không sang thì phải. Có nên đổi ý, bảo anh ta ăn chỗ khác không, sang hơn một tí.

Tôi mãi suy nghĩ, đến suýt đụng phải người đi đường khác. Cũng may, anh bộ đội kéo ra.

Bây giờ tôi mới để ý, hai chúng tôi bước song song ngoài phố thế này, dường như đang bị rất nhiều người chú ý. Hiện tại, chúng tôi - một thấp, một cao, một trắng bệch, một đen thui, có lẽ trông rất khác người. Mà đặc biệt, đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao, bộ đội đi ra đường vẫn phải mặc đồ bộ đội. Cũng may, anh bộ đội không đội theo cái mũ có gắn ngôi sao như trên tivi tôi hay thấy.

Chân anh bộ đội dài, dù bước chậm nhưng tôi cũng rất vất vả mới có thể đi theo. Tôi vừa bước kịp, sóng vai, anh ta đã liền bước cao hơn một bước. Rút cuộc, tôi mặc kệ, theo nhịp của mình mà đi.

Đến quán quen, tôi không màng hình tượng, thản nhiên thưởng thức tô bún thơm nồng, đậm vị.

Anh bộ đội đợi tôi ăn xong, lúc này mới nói:

- Tháng sau được nghỉ, anh mời em đến ăn chỗ khác ngon hơn.

Tôi lau miệng, ngồi thẳng, nghiêm túc trả lời:

- Cảm ơn anh. Nhưng mà em ăn ở đây quen rồi.

Câu trả lời của tôi khiến anh bộ đội cứng đờ. Dường như hiểu được ý tứ mà tôi nói, anh ta chỉ cười nhẹ, gật đầu.

Trên suốt quãng đường đi lấy xe, chúng tôi đều im lặng. Cho đến khi tạm biệt cũng chỉ nói vài câu lịch sự, xã giao: “Cảm ơn. Xin chào. Có dịp sẽ cùng uống cà-phê.”

Từ tối hôm qua, tôi đã vất vả suy nghĩ xem hôm nay sẽ từ chối anh ta thế nào cho khéo léo. Chẳng ngờ lại chóng vánh, đơn giản nhường này.

Câu chuyện xem mặt nhạt nhẽo, có lẽ đến đây là kết thúc.

***

Tôi về nhà, dưới sự tra hỏi của Trúc Linh và sự kỳ vọng, mong chờ của dượng, chỉ có thể cười trừ.

Thực sự rất buồn phiền.

Tôi không ăn tối, suốt buổi chỉ nằm yên, đắp chăn qua đầu, thao thức mãi.

Gần nửa đêm, tôi nghe tiếng xe máy của Bôn trở về. Một lát sau, lại nghe tiếng bước chân anh.

Bôn đứng trước của phòng tôi, khe khẽ gõ.

Tôi nín thở, vờ như mình đã ngủ rồi, mặc cho anh đứng bao lâu cũng không mở cửa ra. Rồi, tiếng gõ cửa ngưng bặt, nhưng tôi vẫn không sao nghe được tiếng bước chân rời đi. Dường như, Bôn cứ thế, đứng yên trước cửa.

Một lát sau, điện thoại tôi đặt bên gối đột ngột sáng lên, ánh sáng xanh nhấp nháy trong đêm tối, tiếng rung rè rè khiến tôi giật mình thảng thốt, như thể đang len lén đi ăn trộm bị người ta bắt được.

Tôi sợ Bôn phát giác, nhanh tay chụp lấy khối hình chữ nhật cạnh gối thật nhanh, trước tiên đặt chế độ im lặng cho điện thoại của mình.

Tin nhắn đến, những dòng chữ nho nhỏ màu đen hiện lên giữa màn hình trắng nhạt, nhắn gởi tâm tình của người đứng trước cửa kia:

“Kỳ Như, mở cửa cho anh. Anh biết em chưa ngủ.”

Tôi đọc tin nhắn của anh, tim cơ hồ như thắt lại, lồng ngực nhét toàn không khí thật chặt bên trong, đến khó thở vô cùng.

Khi còn chưa kịp bình tâm, dưới tin nhắn vừa rồi lại xuất hiện thêm một tin nhắn khác:

“Em cứ trốn hoài thế này, anh biết phải làm sao?”

Dưới lớp chăn dày, tôi co mình lại, vòng tay tự ôm chặt lấy hai đầu gối, như thể nếu chỉ cần bó chặt toàn thân lại, trái tim sẽ không còn co giật nữa.

“Kỳ Như, mở cửa cho anh, được không, em không thương anh hả?”

Tôi đọc tin này của anh, bao nhiêu tuyến phòng ngự trong tâm hồn cư nhiên bị sập đổ tan tành. Tôi càng ôm chặt người, tim lại càng mềm nhũn ra, chỉ có thể ngậm chặt quai hàm để tiếng nức nở không thể nào thoát ra.

Nước mắt tôi chảy xuống như nước tràn đê, giàn giụa trên khuôn mặt, vào cả mũi, vào trong khóe miệng, chảy xuống cả tai. Nhòe nhoẹt, ướt đẫm một mảng gối bông dày.

Tôi thương anh?

Thời gian trôi đi, sông cạn đá mòn. Huống hồ tường thành trong trái tim tôi, tựa như chỉ làm bằng cát ẩm. Tim anh là nước, tim tôi là cát, anh càng mềm mỏng, tôi càng chóng tan đi. Tự lúc nào, tôi quyện vào tình cảm của anh, đến bản thân tôi còn không rõ.

Nhưng mà, dượng ở ngay đây, những người nhiều chuyện cũng sẵn đợi chờ. Tôi không cách nào dũng cảm vượt qua được luân thường đạo lý. Làm sao để thương anh?

Người ngoài kia, vẫn đứng yên, nhè nhẹ thở. Anh bây giờ trông như thế nào? Có như tôi bây giờ, bế tắc đến tâm hồn rỗng tuếch.

Rất lâu sau, Bôn bỏ về phòng. Cho đến khi tim tôi chỉ vừa mới bình tâm, lại bị một tin nhắn khác của anh làm cho co thắt không ngừng:

“Xin lỗi, vì đã thương em.”