Chuyến hành hương của thời gian - Chương 10

Chương 10.

Tôi không nhớ đêm hôm trước mình ngủ tự bao giờ, càng không nhận thức được mình vốn ngủ bao lâu. Lúc mở mắt đã thấy mặt trời đứng bóng, nhà cửa vắng lặng vô cùng.

Dượng hẳn đã đi vườn, Trúc Linh có lẽ đi chơi cùng bạn. Còn Bôn?

Tôi đảo một vòng quanh nhà, không thấy bóng dáng anh. Xe máy không có trong sân, chắc cũng đã ra ngoài rồi.

Lúc này tôi mới yên tâm, tận hưởng không gian bình yên, tĩnh mịch.

Tôi thích vô cùng những ngày nắng, trời xanh cao vút, bao la không một chút gợn mây. Được ở một mình, dọn dẹp nhà cửa, rồi tắm mát, ngồi xích đu, nghe nhạc Hoa Thần Vũ, và hứng gió lành.

Hôm nay, tôi đã mường tượng mình sẽ có một ngày như thế. Ấy vậy mà chỉ vừa đánh răng rửa mặt xong, trong phòng khách đột nhiên xuất hiện hai người.

Người số một thấy tôi, quay sang người số hai nói:

- Em ấy đây nè.

Người số hai cũng nhìn tôi, vui vẻ đi đến, tay bắt mặt mừng:

- Lâu quá không gặp, em khỏe không?

Đầu tôi nổ đùng một cái, xấu hổ không biết trốn đi đâu.

Tôi không phải xấu. Chỉ là khóc xong mà đi ngủ, khi thức dậy sẽ xấu vô cùng. Mặt mũi như bị ai đó dùng dép đế xuồng đạp lên, sưng vù, tròn vành vạnh. Cộng thêm mái tóc ngắn dính nước đang bám sát vào da mặt, trông chẳng khác nào cây nấm bị dập, vừa ngố vừa kinh.

Chưa đợi tôi trả lời, người số hai đã nói:

- Hình như em không khỏe, nhìn em hơi… hơi…

Hơi không biết diễn tả thế nào chứ gì!

Tôi sượng quá, cười trừ. Lúc đảo mắt nhìn Bôn, vừa vặn gặp trúng ánh mắt anh. Bôn như hiểu ý tôi, đoạn kéo người kia ngồi xuống ghế rồi nói:

- Việt nó đi đưa thiệp cưới mà không biết nhà, anh vừa đi đón.

- Hai anh ngồi uống nước, em vào trong một lát.

Nói rồi, tôi chuồn lẹ. Vô phòng liền sấy tóc, bôi một chút son. Lúc này mới yên tâm ra ngoài.

Trước đây, Việt từng là bác sĩ tâm lý của tôi. Tôi quý Việt, chỉ là sau này biết anh ta và Bôn rất thân nhau, tôi đã không còn chữa trị chỗ anh ta nữa. Có những việc mệt mỏi, tuyệt nhiên không nói được với anh ta. Cũng may khoảng thời gian sau đó, tôi có Yến và Hân luôn bên cạnh.

Tôi vừa ngồi xuống, Việt liền đẩy thiệp cưới đến trước mặt tôi. Tấm thiệp màu trắng, bên trên in những dòng chữ vàng đồng, đơn giản mà rất đẹp.

- Em phải đi đó. Hôm đó chủ nhật là không có công việc rồi. Đặt lịch đi cưới anh nha.

- Vâng.

- Thấy dấu cộng anh ghi trên thiệp không?

Tôi cầm lấy tấm thiệp đặt trên bàn, đọc tới đọc lui. Sau bốn chữ “Kình mời: Kỳ Như” có thêm một dấu cộng rõ vô cùng.

- Nhớ dắt một nửa theo nha.

Việt vừa nói xong, Bôn vỗ vai anh ta một cái, hắng giọng:

- Mời xong rồi thì về đi.

- Đuổi gì mà đuổi, nhà còn chưa cho xem mà tranh thủ đuổi bạn rồi. Phải xem lâu đài của hot boy pháp y chứ.

- Nhà đẹp lắm, xem xong rồi khen, làm người ta mắc cỡ.

Tôi nhìn hai người nọ làm trò, trộm nghĩ, hình như khùng điên cũng có thể lây lan, mà nhanh nhất, có lẽ là qua đường tình bạn.

***

Hạ chưa tàn, nắng vẫn râm ran. Ven dải ngô đồng vàng khô, dài bất tận, đám trẻ con mặt đỏ au au, vô ưu, vô lo, nô đùa, đứa chơi đánh trận, đứa lại thả diều.

Giữa những ngày êm đềm như thế, cuộc đời em gái tôi chuẩn bị phải lật sang trang mới.

Tôi và Bôn đưa Trúc Linh đi thành phố, làm thủ tục nhập học và lo liệu chỗ ở cho nó xong xuôi thì trong đêm liền trở về nhà.

Em gái nhỏ, từ bé đến lớn, dù mạnh mẽ giỏi giang, nhưng nghĩ đến việc nó phải một mình sống ở nơi xa xôi không khỏi khiến tôi đau lòng.

Bôn dường như cũng có phẫn không nỡ. Tôi biết Bôn yêu chiều Linh nhất, đi đâu về cũng nhất định có quà cho nó, lúc nó có bạn trai còn sốt sắng điều tra thông tin người đó, hai ba ngày không gặp nó là phải gọi facetime.

Suốt quãng đường về, bởi lo âu, Bôn không nói. Trên xe khách chỉ lẳng lặng nhìn trời mây.

Dạo gần đây, chúng tôi dần dần cư xử rất đỗi bình thường, xem như đêm buồn thương đó không còn tồn tại. Cả hai đều cố gắng không thể hiện ra bất cứ khác lạ gì?

Lúc đặt xe về, thấy số ghế được ghi liền nhau, tôi còn tưởng là hai ghế liền kề, thì ra chỉ là cùng một hàng, cách nhau một lối đi. Bộ dạng Bôn khi nhận ra điều đó, mặt nghệt ra, ngớ ngẩn vô cùng.

Xe mải miết đi, len lỏi qua dòng đường chật ních, phố đông người, sau đó băng qua những rừng cao su rộng lớn, cây cao mọc sát mép lề đường. Rồi xe leo đèo, chênh vênh trên vực núi và đá tảng, đi sánh bên mây.

Rất lâu sau, khi xe đi được nửa chặng đường, người ngồi phía bên trong tôi liền xuống xe.

Tôi mừng rỡ, ngồi vào chiếc ghế vừa trống tức thì, nương đầu vào cửa sổ. Cảm giác có chỗ dựa làm tôi dễ chịu hơn, theo nhịp lắc lư, dần dần thiếp đi.

Bởi vì ngủ không say, lúc xe dừng, xe chạy, người đi lên, đi xuống, tôi đều có thể nhận ra. Qua đi một lúc, tôi nghe bên cạnh mình có người ngồi xuống, mùi hương như có như không, quen thuộc vô cùng.

Tôi xoay đầu, lờ mờ mở mắt, nương theo ánh đèn mờ trong xe nhìn người đó.

Bôn cạnh tôi, ngồi thẳng, khoanh tay, mắt nhắm nghiền.

Đã lâu lắm rồi, kể từ lần đầu tiên tôi gặp anh cho đến tận bây giờ. Từ thờ ơ đến ghét bỏ, rồi thầm thương, tôi đối với Bôn như thế, còn anh đối với tôi thế nào?

Chàng trai năm ấy, đến nhìn mặt mặt chị em tôi cũng không muốn, bây giờ lại là người yêu chiều Linh vô hạn, và là người chưa bao giờ để tôi lại một mình. Dầu mưa rơi, nắng đổ, Bôn chưa từng vội, tôi bước chậm, anh cũng sẽ bước chậm cùng tôi.

Xe xuất phát lúc trời vừa tối, bây giờ đã là nửa đêm rồi. Trăng trời, người bên cạnh, tôi đều không thể nào chạm tới. Tôi cố nhắm mắt, ép mình phải ngủ. Vì sợ rằng, càng suy nghĩ nhiều, trong lòng sẽ càng thấy chông chênh.

Khi tôi một lần nữa đi vào giấc ngủ, bàn tay mơ hồ cảm nhận được chút ấm áp vây quanh. Ban đầu tôi còn nghĩ là do áo khoác mặc trên người rơi xuống, cho đến khi năm ngón tay nhỏ đột ngột bị tách ra, mới biết thì ra Bôn đã đan tay vào.

Tôi mở mắt, nhìn thẳng Bôn, còn chưa kịp định hình đã bị tay kia của anh đặt lên đầu, kéo dựa vai anh.

Bôn không cho tôi cơ hội cựa quậy, kê đầu anh lên đầu tôi, im lặng không nói một lời. Năm ngón tay Bôn xen kẽ tay tôi, nhè nhẹ xiết vào.

Tôi không chống cự được. Sự ấm ấp này, tôi không cách nào chống lại. Đến nước này, chỉ có thể mặc nước chảy, lá trôi.

***

Tôi ngủ mơ, có người viết giấy tỏ tình cho mình. Thấy tôi vừa đồng ý, người ta liền chạy đi mất, đến khuôn mặt tôi còn chưa kịp nhìn. Sau đó, người nọ bỗng quay trở lại, mặt mũi trùm kín, giật lấy lá thư, vo tròn, ném thẳng vào miệng tôi.

Bỗng dưng, tôi không tài nào thở được, hốt hoảng quờ quạng. Lúc bừng mở mắt, mới biết, thì ra mình đang mơ.

Tôi uể oải ngồi dậy, cổ họng khô khốc, các cơ trên người dường như chỗ nào cũng co rút lại, nhức mỏi vô cùng. Có vẻ như, toàn thân đang phát sốt. Mấy hôm rồi, bận rộn ngược xuôi, cơ thể không bắt nhịp được, liền phản ứng rồi.

Tôi kéo rèm, nhìn mảng trời rộng nhuốm hừng đông, từng dải mây dài xếp chồng nhau, như sóng xô, lớp này dồn lên lớp khác, hồng hồng trắng trắng, điệp điệp trùng trùng.

Lúc này, gió sớm phất phơ, qua khe cửa mở hờ, len lỏi vào căn phòng nhỏ, se se lạnh. Tôi thoáng rùng mình, đoạn đóng cửa, cài then.

Đồng hồ trên tường vừa điểm vài chuông, vẫn còn rất sớm, tôi bèn chui lại vào chăn. Có điều, chỉ có thể nằm nhìn đống sao dạ quang dán trên trần, không thể chợp mắt thêm.

Bôn hẳn còn đang ngủ li bì. Chiều qua, trở về từ đám cưới, anh đã ngủ cho đến tận bây giờ.

Đám cưới hôm qua, tôi không thể không đi. Mà đi, cũng chỉ là thủ tục. Cả một đám cưới lớn vài trăm khách, ngoài Bôn và chú rể, tôi chả quen lấy một ai. Cho nên tôi đúng nghĩa đi ăn cưới, ăn một bụng thật no.

Người quen của Bôn, mỗi lần trông thấy tôi, ánh mắt đều không giấu vẻ tò mò, có người còn cười đùa, hỏi thẳng:

- Hôm nay đưa người yêu đi ra mắt à?

Người khác ghẹo:

- Nhanh nhanh gởi thiệp nha!

Mỗi lần như thế, tôi đều đang trong trạng thái một miệng đầy xôi, không thì đang xì xụp ăn bún xì dầu. Còn Bôn chỉ cười cười, chẳng buồn phân rõ đúng sai. Tôi biết anh không phải mặc nhiên để người ta nghĩ thế, mà là đối với mối quan hệ của chúng tôi, không cần thiết phải giải thích với những người đang sẵn tò mò, bởi vì càng giải thích, sẽ càng rối như tơ vò.

Bôn không như tôi, trở nên phiền não. Mà dường như ngược lại, anh hết sức vui vẻ, uống không biết bao nhiêu là rượu, cuối tiệc còn vứt tôi lại một mình, lên sân khấu hát hò, nhảy nhót tưng tưng.

Cuối cùng, vì Bôn đã thấm say, chúng tôi đành phải gởi xe của anh lại bãi xe nhà hàng, bắt taxi về, tốn không ít tiền xe.

Lúc tôi đang miên man suy nghĩ, bỗng dưng trời đột ngột đổ mưa, sấm đánh đùng đoàng, gió vần mạnh đến nỗi tôi nghe tiếng hàng bạch đàn trong xóm quật mạnh vào nhau.

Tôi nằm trên giường, kéo mềm quấn kín vào người, không hề muốn dậy đi làm. Trời mưa như thế, thật dễ khiến cho con người ta làm biếng, cả tâm thân.

Ngày xưa đi học, dù nhiều buồn thương, nhưng thực ra cuộc sống vô ưu vô lo, không sợ trời không sợ đất. Mưa rơi, là có lý do cho bản thân cúp học, ngủ vùi. Hiện tại, có quá nhiều việc để nghĩ suy, phải gặp những người mình không thích, làm công việc mình không mong cầu, lười cách mấy, cũng chẳng thể nào trốn tránh.

Sau một hồi đấu tranh tư tưởng, cuối cùng, tôi ngồi dậy, với tay lấy cái điện thoại để trên bàn, định mở nhạc, rồi chuẩn bị đi làm. Chẳng ngờ, màn hình điện thoại vừa được bật lên liền hiện ra biểu tượng cuộc gọi nhỡ. Tôi nhìn tên người gọi, bỗng chốc thấy lúng túng, lo lắng ngập tràn.

Ngay lập tức, tôi mở khóa màn hình, gọi lại dãy số đó. Chuông đổ vài hồi, rất nhanh đã có người nghe máy:

- Alo, Kỳ Như hả con?

- Dạ, chào dì.

- Dì xin lỗi, bây giờ còn sớm mà đã gọi con, nhưng mà…

Tôi ngắt điện thoại, vẫn ngồi một chỗ, người đờ ra.

Tôi luôn mong, thế gian này không có rượu. Không phải bởi vì những khó khăn mình phải trải qua, mà chỉ là lớn lên, chứng kiến thứ nước cay đậm mùi đó, lợi ít hại nhiều, khiến bao gia đình cơ cực, bao em bé thiệt thòi, tôi không kìm được lòng thương cảm.

Những người nghiện thứ đồ uống đó, làm người khác khổ sở, cũng tự khiến chính bản thân mình bị bào mòn sức lực. Người ảnh hưởng nội tạng, người suy kiệt thần kinh.

Bố tôi, là một người trong số họ.

Bố tôi bị tổn thương thần kinh, từ dạo nhập viện trước đã có dấu hiệu hoang tưởng, gần đây càng nặng hơn. Dì bảo, bố không ăn uống gì, suốt ngày lang thang đầu đường xó chợ, thường xuyên sợ hãi, tự nói, tự cười.

Dì đưa bố xuống bệnh viện tâm thần trung ương, nhập viện đã hơn một tuần nay. Dì vốn định giấu tôi, nhưng bây giờ đã lớn tuổi rồi, một mình chăm bố tôi không được, lúc này mới chịu gọi điện sang.

Tôi càng nghĩ càng xót xa. Không biết vì do đang sốt hay bị tin này khiến cho quá sốc, tôi thấy mình hơi choáng váng, phải vịn thanh giường, đứng dậy, chờ cho hoa mắt qua đi, đoạn nhanh chóng chuẩn bị để có thể nhanh chóng rời đi.

Suốt mười lăm phút sau đó, tôi bận rộn tới lui trong phòng, đầu không ngừng suy nghĩ về công việc. Có lẽ, nên viết một lá đơn. Tôi đắn đo mãi, cuối cùng quyết định, ghi rõ lý do và xin nghỉ phép không lương. Như thế vừa có thể yên tâm chăm bố, vừa không khiến cô trạm trưởng gây khó dễ.

Trước khi đi, tôi khẽ mở cửa phòng Bôn. Lúc này anh vẫn ngủ li bì, người chăn hỗn loạn, chân mang vớ bên có bên không, bừa bộn vô cùng. Cái điện thoại mới tháng trước được anh nâng niu như hoa như ngọc, nay bị đá bay nằm hững hờ gần cửa, ốp lưng một chỗ, điện thoại một nơi.

Tôi thầm thở dài, nhẹ nhàng lướt vô phòng, nhặt điện thoại lên. Sau dán lên bàn miếng giấy nhớ ghi dòng chữ: “Chăm baba dùm em.” Rồi nhanh chóng ra ngoài.

Dượng đang uống nước trà trong phòng khách, thấy tôi vai đeo túi lớn, mặc kín như bưng thì ngạc nhiên, ly nước vừa đưa lên lưng chừng liền ngừng lại, hỏi:

- Con đi đâu vậy, không đi làm à?

- Dạ, thưa dượng, bố con bệnh nặng, nhập viện rồi. Bây giờ con đi xem thế nào, rồi ở lại chăm bố vài hôm.

Dượng nghe tôi nói xong, bỗng nhiên trở nên trầm mặc, rất lâu sau mới nói:

- Ừ, phận làm con cái, con làm thế là đúng. Bây giờ con đi luôn hả?

- Dạ.

- Dượng đưa con đi bắt xe.

Nói rồi, dượng khoác vội áo khoác, rồi đánh xe chở tôi đi.

Chúng tôi ghé trạm y tế năm, mười phút để nộp đơn, rồi nhanh chóng đến bến xe. Dượng vào bến, đợi tôi mua vé xong thì cùng ngồi ở ghế chờ.

Trước giờ xe chạy, dượng bỗng đưa cho tôi một xấp tiền, rồi dặn:

- Cầm lấy, tiền viện phí chắc nhiều lắm, cầm lấy lo cho bố. Con cũng lo giữ sức khỏe, ăn uống đầy đủ vào, đừng bỏ bữa.

- Dạ.

- Dạ dạ cái gì, ở nhà còn ăn uống linh tinh, đi xa biết có ăn cho đàng hoàng không. Muốn bố nhanh khỏe thì con phải khỏe mới có sức chăm. Nghe chưa!

Dượng nói xong, vỗ vỗ vai tôi, nhẹ nhàng mà chất chứa quan tâm, lo lắng.

Tôi bị mấy câu nói của dượng làm cho tim mềm nhũn, không nói nên lời. Chỉ có thể khờ khạo dạ vâng, rồi mang tiền cất kỹ vào balo.

Xe lăn bánh, trước khi hoàn toàn khỏi bến, tôi vẫn thấy dượng đứng lặng, mắt dõi theo.

***

Tôi uống thuốc hạ sốt xong, ở trên xe dễ dàng ngủ mấy tiếng đồng hồ. Lúc tỉnh dậy, đã là giữa trưa, màn mưa trôi mất, màu nắng trải ngập tràn.

Mỗi người trên xe, người ngủ say, người cầm điện thoại. So với thế giới ồn ã ngoài kia, không gian trong xe lặng lẽ lạ thường.

Đột nhiên, điện thoại tôi kêu “ting” một tiếng, báo hiệu tin nhắn đến. Là Bôn.

“Anh vừa đi lấy xe về, tí nữa ghé trạm xá, cùng ăn cơm đi. Cơm cá hấp kho măng, bá cháy bọ chét”

Tôi đọc tin nhắn, thầm nghĩ, dường như Bôn chưa biết tôi có việc phải đi rồi, còn hí hửng muốn ăn trưa cùng. Lo Bôn đang lái xe, tôi không dám điện thoại, đành nhắn tin: “Đừng vào trạm xá, bố em nhập viện, em đang đi thành phố rồi.”

Tin nhắn vừa gửi, chưa đầy một phút sau, Bôn liền gọi đến. Tôi sợ làm phiền những người bên cạnh, nhanh nghe máy, giọng thầm thì:

- Anh đang chạy xe, gọi làm gì?

- Em đi hồi nào?

- Anh có dừng xe chưa?

- Em đi hổi nào?

Tôi thở dài, Bôn đang giận rồi.

- Sáng sớm, lúc anh còn ngủ.

- Sao không gọi anh dậy?

- …

Bị hỏi câu này, tôi không biết trả lời ra sao. Lúc mở cửa sáng nay, thấy anh ngủ rất ngon, tôi không nỡ.

Bôn dường như cảm nhận được sự khó xử của tôi, giọng nói càng trở nên lo lắng:

- Bố em bệnh thế nào?

- Em chưa rõ, có lẽ thần khinh bị tổn thương, sinh ảo giác.

- Ừm. Đến nơi thì gọi điện cho anh.

- Vâng.

- Giọng em khàn lắm, hình như bệnh rồi?

- Uống thuốc xong đỡ hơn rồi.

Tôi không nghe Bôn nói nữa, chỉ biết anh có lẽ đang trầm mặc suy nghĩ điều gì đó. Tôi không cúp máy, rất lâu sau, anh mới nhẹ nhàng lặp lại:

- Đến nơi nhất định phải điện thoại cho anh.