Chuyến hành hương của thời gian - Chương 13

Chương 13.

Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, từ sáng sớm tôi đã sang giúp Bôn dọn dẹp, trả phòng.

Chân Bôn tuy hiện tại không cần phải che băng gạc nữa, nhưng nếu di chuyển gây ma sát, cảm giác đau vẫn còn, chỗ da non vừa liền cũng sẽ bị tổn thương mà bong tróc. Cuối cùng, suốt quãng đường từ khách sạn xuống taxi, từ taxi vào bến xe, Bôn chỉ có thể dùng một chân để trụ, cả người đành phải dựa vào tôi mà di chuyển.

Tôi đưa anh đến được phòng bán vé thì thể lực dường như cũng bị bào mòn gần hết. Nếu tìm một điều mà ví von, thì việc tôi đỡ anh giống như một lần ôm năm bó hướng dương từ ruộng lên bờ. Vừa nặng vừa quá khổ, nặng nhọc vô cùng.

Chúng tôi lấy được vé xe thì đến dãy ghé chờ cách đó không xa. Bôn ngồi xuống, tựa lưng vào ghế, chân bị thương bắt chéo vào chân kia, thư thả, điềm tĩnh giữa không gian tấp nập người xe.

Tôi ngồi cạnh anh, chuyên tâm nhắn tin cho Yến, những khi nói xấu chị dâu của của mình, Yến chửi rất hăng, tôi vì thế bất giác mỉm cười.

Bôn buồn chán, bèn xoa đầu tôi nói:

- Anh phải về mà em vui vậy à?

Tôi dời mắt khỏi điện thoại, nhìn anh:

- Không có.

Tay Bôn vẫn ở trên đầu tôi, rồi khẽ luồn những ngón tay vào tóc. Tôi nhồn nhột, khó chịu né ra, len lén nhìn phản ứng của những người xung quanh. Thật may vì chẳng ai để ý đến hành động vừa rồi của anh, bởi họ đều đang tập trung vào điện thoại của mình.

- Tóc mái dài rồi, che hết mắt.

Tôi khều khều mấy sợi tóc thưa trước trán. Không biết tự lúc nào đã dài rồi. Tóc mái chẳng hiểu vì sao mọc rất nhanh, vừa cắt, chỉ mấy bữa sẽ liền dài ra.

- Em ăn bao nhiêu hình như mang đi nuôi tóc hết. Tay cũng nhỏ xíu xiu này.

Vừa nói, Bôn đưa tay cầm lấy một tay tôi, bàn tay kia của anh xòe ra, áp tay tôi lên, so sánh.

Bôn cao, nhưng tạng người thanh mảnh. Ấy vậy mà bàn tay anh quả thực rất to. Mấy ngón tay sạch sẽ, trắng dài, vừa nắm hờ đã bao trọn cả tay tôi. Anh nắm tay, mãi không buông. Bàn tay đó, ấm áp, mềm mềm, thi thoảng còn vương vấn chút hương của nước rửa tay, một mùi thơm, ngòn ngọt.

Tôi rất thích, thích nắm tay anh.

Khi chiếc loa sau lưng tôi vừa bật thông báo mời hành khách lên xe, bầu trời không hề có một dấu hiệu nào báo trước, đột ngột đổ mưa.

Rất may, chiếc xe Bôn đi được đậu rất sát mái hiên. Hành khách chỉ cần đứng ở trong, vươn tay một cái đã có thể bám được vào chỗ vịn, nhảy tót một phát đã vào trong xe.

Tôi dìu Bôn, vừa đến gần cửa xe, anh lại nhảy thụt lùi về sau, cố ý để mọi người lên trước. Mãi đến khi chiếc loa ở đó không xa, đọc tên nhắc anh là hành khách cuối cùng, lúc đó Bôn mới bịn rịn, lên xe.

Trước nay, đối với mối quan hệ giữa tôi và Bôn, tôi chưa từng một lần mong cầu kết quả, càng không dám mong ước đồng hành. Vậy mà lúc anh theo chiếc xe lớn rời đi, chìm vào màn mưa lớn trắng xóa mịt mờ, bỗng chốc tôi thấy mình như bị mất mát điều gì đó. Tựa như bản thân vừa sơ sẩy, đánh rơi bức tranh đẹp đẽ mới ghép xong, từng mảnh, từng mảnh nhỏ bung ra, vương vãi, trong dòng nước chảy, theo mưa trôi đi mất.

***

Khi bố tôi được xuất viện, đã là hai tuần sau đó.

Buổi sáng, bác sĩ đi thăm bệnh, bảo bố tôi có thể xuất viện rồi. Tuy nhiên, vì bệnh của bố thuộc dạng mãn tính, cần chữa trị lâu dài, phải uống thuốc liên tục rất lâu. Nếu ngưng thuốc, tình trạng ảo giác rất có thể lần nữa xuất hiện. Tôi đặc biệt lưu ý lại, sau đó dặn dò dì thật kỹ.

Gần trưa, tôi làm thủ tục xuất viện cho bố xong, trước khi về phòng bệnh chuẩn bị đồ đạc thì ghé vào phòng trực tìm Nguyên – bạn Bôn, kiêm bác sĩ điều trị của bố tôi.

Trong phòng trực khoa cấp cứu, không gian được bài trí như một phòng họp lớn, ở giữa bày một cái bài dài rộng, đặt bên trên khay ly tách nhỏ và vài bình hoa.

Mấy cô ý tá đang túm tụm ăn xoài, thấy tôi ló mặt vào, lại tưởng tôi muốn nhờ gì đó, một cô bèn buông miếng xoài ăn dở, chạy ra.

- Sao em, có việc gì?

- Dạ không, em tìm bác sĩ Nguyên.

- À, vậy đợi chút nhé. Ảnh mới đi đâu đó, về liền giờ đó.

Nói rồi, cô y tá nọ lại vào trong, tiếp tục ăn uống, cười đùa.

Tôi quay người, đi ra xa cửa phòng một chút thì đứng lại, dựa lưng vào tường, đoạn đợi chờ.

Mùa mưa đã qua rồi, thời tiết cũng dần dễ chịu hơn. Trời cao xanh ngát, gió trong lành, vạt cỏ non ướp đủ ngọt lành, theo nắng ấm mơn mởn mọc lên. Hạ tàn, thu sang, hàng cây bàng thẳng tắp trên con đường ra cổng chính dường như cũng úa vàng, lá rụng, theo gió cuốn mà xào xạc, lao xao.

- Hey girl!

Tôi đang lơ đãng thì bị ai đó đập bên vai làm cho giật mình. Lúc quay sang mới biết là Nguyên.

Anh ta nhìn biểu hiện của tôi thì đắc ý, mỉm cười tươi, hai bên má lúm lõm vào, sâu hoắm. Trông thỏa mãn vô cùng.

- Đứng đây thơ thẩn gì thế?

- Chào anh. Muốn mời anh ăn cơm một bữa?

- À.

Nguyên nghe tôi đề nghị, tay đưa lên đẩy cao gọng kính, đoạn nhìn đồng hồ rồi mới nói:

- Được chứ! Vừa hay sắp bữa trưa rồi. Nhưng đi căn-tin thôi nhé, anh chi được nghỉ nửa tiếng thôi.

Vừa dứt lời, Nguyên liền cởi áo blue và tháo tai nghe mang đi cất. Sau mới cùng tôi đi đến nhà ăn của nhân viên.

Hai chúng tôi xếp hàng chọn món, Nguyên tự lấy cho mình một suất cơm gà, canh cải. Tôi nhìn phần cơm của Nguyên, ban đầu còn ngờ ngợ, sau mới nhận ra khẩu vị của anh ta hệt như Bôn.

Lúc ngồi vào bàn ăn, Nguyên dường như không hề nói. Thỉnh thoảng đồng nghiệp chào hỏi, anh ta mới đáp lại đôi ba lần. Mãi đến tận lúc cơm nước xong xuôi, Nguyên mới nhìn tôi, hỏi:

- Cơm được không?

Tôi đang lựa xương cá trong miệng, bị hỏi thì nghẹn họng trả lời:

- Vâng, cũng được.

- Bôn thế nào rồi?

- Dạ?

- À, chân nó thế nào rồi?

- Đỡ rồi anh, đi lại bình thường.

- Ừm, vậy thế em với Bôn sao?

Tôi nghe Nguyên hỏi câu này, tay khựng lại, thôi không vớt rau trong canh nữa, sau đẩy khay cơm sang bên cạnh, nghiêm túc nhìn anh ta.

- Ý anh là…?

- Thì em với Bôn bây giờ… à… ừm…?

Nguyên càng ậm ờ, ý tứ càng rõ hơn. Tôi biết anh ta không hỏi gì được từ Bôn, mới đánh bạo hỏi tôi thế này.

Bởi vì Nguyên chỉ là quan tâm mà hỏi, không giống những người tò mò chuyện người khác để mua vui, vậy nên tôi cũng thật tâm mình mà nói:

- Thực ra, trước nay em với Bôn thế nào, thì bây giờ vẫn vậy. Chỉ là trước đây có những việc không thể thể hiện ra, chỉ giữ trong lòng, bây giờ thì tự nhiên hơn một chút.

Nguyên nghe xong, gật gù nói:

- Vậy thì tốt rồi. Anh chỉ sợ em không hiểu được tình cảm của nó. Nhiều lúc anh thấy nó khổ tâm lại tưởng em không biết. Anh biết hai đứa sợ gì, nhưng thôi, cố lên, ít ra đó là trắc trở hai đứa đều hiểu và cùng đối mặt.

Tôi sợ chứ, sợ yêu đậm sâu mà không thể nào tiến tới, sợ hạnh phúc cho chúng tôi thì ít, mà khổ đau lại cho quá nhiều người.

- Anh muốn uống gì không?

Tôi thấy tâm trạng mình chùng xuống, không muốn tiếp tục chủ đề này nữa, bèn lảng tránh sang chuyện khác.

- Uống chứ, được người đẹp mời, thôi thì uống một ly bí đao hạt chia vậy.

Nguyên nói, vẻ hào hứng trước đề nghị này, đoạn đứng dậy, xòe tay trước mặt tôi:

- Hai mươi lăm ngàn một ly. Em uống không? Nếu uống thì hai ly, năm mươi nhé.

Tôi phì cười, mở bóp lấy tiền đưa Nguyên, rồi dặn:

- Em mua ba ly, dạng ly mang về ấy.

Cuối cùng, bữa mời cơm của tôi kết thúc bằng cảnh tượng một người xách bốn ly nước theo sau một người.

Đến tận phòng bệnh của bố, Nguyên mới đưa tôi ba ly nước và một ít tiền thừa. Sau đó, anh ta lại vào chào hỏi và dặn dò dì ít câu. Trước khi tạm biệt, Nguyên còn nhất quyết đứng chứng kiến tối chấp nhận lời mời kết bạn trên facebook, rồi mới chịu dứt khoát rời đi.

Người đó, khuôn mặt luôn thờ ơ lãnh đạm, đối với bệnh nhân lại kiên nhẫn, nhẹ nhàng. Dầu thức ngày trực đêm mệt nhọc, lại sẵn sàng nán lại trông em bé giúp đồng nghiệp không thân.

Người đó, đủng đỉnh bước đi, dáng vẻ từ tốn mà tao nhã, dần dần biến mất ở góc quành hành lang.

***

Mặc mong muốn của tôi, dì và bố vẫn khăng khăng không cho tôi cùng về.

Dì bảo:

- Dì với bố con về thẳng nhà mà, con đừng lo. Có gì thì dì gọi cho con. Con lo về, sớm được ngày nào hay ngày đó, đi xa lâu như vậy chắc cũng bộn việc ở nhà.

Bố tôi không buồn không vui nói:

- Có phải con nít đâu mà đòi đưa với đón. Về đi, nhớ đến nơi đến chốn. Khi nào… khi nào rãnh thì đưa Trúc Linh về một bữa. Vậy thôi.

Nói rồi, bố và dì khăn gói lên xe. Còn tôi phải di chuyển đến một nhà xe khác, lúc đó mới có thể mua vé về.

Tôi lên xe lúc mười một giờ đêm, sáu giờ sáng xe đã đến bến xe trên phố, sớm hơn dự định gần một tiếng đồng hồ. Tôi lo Bôn vẫn còn ngủ say, bèn tự lên xe bus về chợ xã.

Trên chiếc xe cũ đã bạc màu chỉ có đôi ba khách. Mỗi người ngồi một góc, trầm tư nhìn trời đất, nghĩ câu chuyện của riêng mình.

Tôi kéo rộng cửa sổ xe, mặc gió lạnh lùa vào, cố gắng hít hà bầu không khí trong lành cho đến căng đầy hai lá phổi, lúc đó mới thoải mái nhè nhẹ thở ra.

Lâu lắm rồi mới được thu vào tầm mắt chốn thôn quê yên tĩnh này. Những rừng thông lặng lẽ, xanh rờn cao vút. Những thung lũng trải đầy hoa dại, rực rỡ nhiều màu. Những cung đường dài quanh co, ôm lấy hồ giữa núi, rộng mênh mông, trải vàng của nắng, càng thăm thẳm, rêu xanh một màu.

Khi tôi vừa xuống ở trạm xe bus cuối cùng ở chợ thì nhận được cuộc gọi của Bôn. Giọng anh uể oải, vẻ như vừa ngủ dậy:

- Em đến đâu rồi?

- Em đang ở chợ.

- Chợ nào?

- Ngoài xã ấy.

- Hả?

Tôi cười trừ, biết thể nào Bôn cũng bất ngờ như thế.

- Em đang định bắt xe ôm.

- Không được! Đợi anh.

Nói rồi, Bôn cúp máy ngay lập tức, thực sự rất vội vàng.

Tôi ra khỏi chơ, ở ngã ba đường tìm nơi thoáng nhất để Bôn có thể dễ dàng nhận ra mình. Chẳng ngờ đứng đợi rất lâu, người đến đón tôi là dượng.

Trên xe, dượng không ngừng hỏi han tôi về bố, rồi lại kể cho tôi nghe về nhà cửa trong suốt gần hai tháng tôi xa nhà. Dường như tâm trạng dượng không tồi, còn bảo tối nay tôi phải đúc bánh xèo cho dượng ăn no một bữa.

Buổi tối, tôi theo lời dượng làm mấy dĩa bánh xèo. Phần để dượng và mấy chú trong xóm cùng ăn, phần cất tủ cho Bôn, phần để dành cho hai em bé sinh đôi.

Lúc tôi bưng hộp bánh xèo sang nhà hàng xóm, con chó lớn của nhà họ thấy lạ liền sủa rất to, càng lúc càng hung dữ. Tôi sợ hãi, chỉ có thể đứng ngoài cổng gọi với vào.

Tôi gọi hai ba tiếng, liền có một bóng dáng bé nhỏ chạy ra, miệng lanh lảnh mắng con chó đang không ngừng sủa:

- Mỡ! Im nào, im ngay. A, cô Kỳ Như, cô Kỳ Như.

Cậu bé vừa thấy tôi thì vui vẻ gọi lớn, đoạn để chân trần lao từ nhà ra cổng, hớn hở nói:

- Cô Kỳ Như đi chơi giờ mới về hả? Chú Bôn bảo cô chỉ đi mấy bữa thôi, mà con thấy cô đi lâu quá chừng.

- Ừ, cô về rồi. Cô đúc bánh xèo này, con mang vào cho em gái cùng ăn nha.

- Suỵt, cô đừng nói to. Nó lại đánh con đó.

Tôi phì cười vì nỗi sợ bé con. Bèn bẹo má cậu bé, rồi thơm một cái.

- Cô về đây.

- Nhưng mà cô Kỳ Như ơi, bánh này là cô hay chú Bôn làm, nếu chú Bôn làm thì con không ăn đâu, dở lắm.

- Chú Bôn làm cho con ăn hồi nào?

- Hôm trước, chú Bôn chở tụi con đi học về, rồi bảo trổ tài làm bánh ăn. Nhưng mà cháy lắm.

Vừa nói, cậu bé vừa nhăn mặt, lăc đầu. Biểu cảm chê bai vô cùng đa dạng.

- Hôm nay là cô làm, con cứ yên tâm. Cô về đây.

Tôi vui vẻ trở về, cố tình nán lại phòng bếp, quẩn quanh dọn dẹp đó đây, muốn đợi Bôn. Ấy vậy mà khi đêm xuống, trăng lên, anh vẫn chưa về.

Mùa vụ đã xong, dượng không cần phải ra canh rẫy nữa, suốt đêm tụ tập coi đá bóng, thỉnh thoảng lại vào bếp châm trà, thấy tôi cứ ngồi mãi ở bàn ăn chơi xếp hình thì quở:

- Sao không ngủ đi? Trễ rồi!

Tôi nhìn đồng hồ, đã gần chín giờ đêm, bèn dạ vâng vài tiếng rồi đi vào phòng ngủ.

Căn phòng lúc này so với lúc tôi đi không có gì thay đổi, mấy thỏi son lúc trước băng vội trên giường thì vẫn y chỗ cũ, chỉ có cái bể ba ba nhỏ là sạch sẽ, trong veo.

Tôi về nhà, cảm giác thân thuộc khiến tinh thần thả lỏng, vừa đặt lưng xuống đã thiêm thiếp ngủ đi.

Trong giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn nghe tiếng cổ vũ đá banh của mọi người, nghe tiếng gà cúc cúc ở sân sau, nghe động cơ xe máy dừng lại dưới nhà sàn. Không lâu sau lại nghe tiếng cửa phòng mình được mở ra.

Tôi khó nhọc mở mắt ra, định xoay lưng, nào ngờ chưa nhúc nhích, lại cảm thấy có một thân thể nằm xuống cạnh mình, phía sau lưng lập tức cảm nhận được một luồng hơi lạnh, rồi bỗng dưng, cả người bị một vòng tay lớn ôm vào.

Tôi hốt hoảng, muốn bật dậy. Chẳng ngờ người kia lại phản ứng nhanh hơn, kìm tôi lại:

- Đừng quay lại, mắc cỡ lắm. Một lát thôi.

Bôn nói, trong hơi thở phảng phát mùi men. Hình như, anh say rồi. Say mới dám làm càn như thế.

- Nhưng mà…

- Không sao đâu, anh đóng cửa rồi.

Tôi nghe vậy, lúc này mới yên tâm mà nằm yên.

Bôn động đậy, rồi đưa tay luồn qua cổ tôi, lại cầm lấy tay tôi đang đặt hờ trên gối, mấy ngón tay dài không ngừng vuốt ve.

Tay anh lạnh, lớp áo khoác mặc trên người cũng lạnh. Khiến tôi thoáng chốc rùng mình.

- Anh uống rượu?

- Ừ.

- Uống nhiều không?

- Ừ.

- Ăn gì chưa?

- Ừ.

Tôi cười trừ. Chút căng thẳng vì sự xuất hiện của Bôn cũng không còn nữa.

- Sao em không nói chuyện với anh?

- Em có hỏi chuyện anh còn gì.

- Ừ.

Ít phút sau:

- Sao em không nói chuyện với anh?

Tôi nén thở dài, nói:

- Anh buồn ngủ rồi, về phòng ngủ đi.

- Lúc gọi em xong, bị sếp gọi, anh phải đi liền.

Thế nào là ông nói gà, bà nói vịt? Cứ nói chuyện với người say sẽ rõ.

- Em biết, dượng nói với em rồi.

- Lạnh quá!

- Anh về phòng ngủ đi.

Tôi vừa nói xong, lại bị Bôn xiết chặt hơn một chút. Rồi, anh lặng lẽ kéo một góc chăn nhỏ, đắp vào, đầu anh dụi vào lưng tôi, nhè nhẹ thở, nói thì thầm:

- Một xíu nữa thôi.