Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 26
Tôi biết Khuê đang hiểu lầm mối quan hệ giữa tôi và Tịnh. Khuê không biết Tịnh là em gái tôi. Ngay cả Tịnh cũng không biết sự thật trớ trêu đó.
Hôm gặp Tịnh ở phòng trọ của Khuê, biết được gốc gác của nó, tôi choáng cả người. Mừng mừng tủi tủi, phải khó khán lắm tôi mới ngăn được những giọt nước mắt cứ chực ứa ra trong buổi trưa hôm đó. Thời gian qua tôi đã nhiều lần âm thầm quay về nhà ba mẹ ruột của tôi, đứng ngoài hàng rào nhìn vào, nhưng tôi chưa một lần nhìn thấy Tịnh mặc dù từ lâu tôi đã biết tôi có một người em gái. Sau này có dịp trò chuyện với Tịnh, tôi mới biết dì nó không có con nên xin ông bà Mười Thái cho nó về ở chung. Từ bé cho đến khi học xong cấp ba, nó sống với dì và bà ngoại ở huyện kế bên, sau đó lên thẳng Sài Gòn học Trung cấp Y tế. Những lúc nó về thăm nhà, tôi lại không có ở đó.
Khi lần đầu ngắm mái tóc loăn xoăn óng ánh của Tịnh, tôi không ngăn được mình tự hỏi đó là kết quả của những lần ghé tiệm uốn hay tóc em tôi có nguồn gốc tự nhiên như mái tóc quăn tôi đang sở hữu. Câu hỏi thật là lẩn thẩn nhưng nó lập tức tạo nên một cơn bão cảm xúc trong tôi. Đã mười ba năm qua, ngoài những lần lẻn về đứng trước cống nhà, tôi không có liên lạc gì với gia đình. Lâu nay, những người thân thích của tôi giống như những hình bóng thấp thoáng trong mơ, gần như không tồn tại dù tôi biết họ vẫn đang ở đó chờ tôi về.
Bây giờ em gái tôi bất chợt hiện ra bằng xương bằng thịt ngay trước mắt đúng vào lúc tôi không ngờ nhất đã khiến tôi hầu như không kềm được sự phấn khích. Một cảm giác gần gũi đột ngột xâm chiếm tôi, mãnh liệt đến mức tôi quên mất mục đích của chuyến viếng thăm. Từ lúc đó cho đến khi ra về, tôi chỉ mài mê hỏi chuyện Tịnh. Tôi quên mất Khuê đang ngồi cạnh, tệ nhất là quên mất nó đang ốm.
Hôm đó, tôi đã trách cứ mình rất nhiều trên đường về. Tôi tự dặn lòng khi nào Khuê hết ốm, tôi sẽ đối xử ân cần và dịu dàng với nó như một cách sửa chữa sai lầm nhưng rồi ngày Khuê đi làm lại, tôi vẫn không vượt qua được khoảng cách vô hình giữa tôi và nó - cái khoảng cách tôi tự tạo ra như một lớp hàng rào phòng thủ, thoạt đầu chỉ là một biện pháp bất đắc dĩ nhưng dần dần nó giống như một phản xạ tự nhiên.
Cứ mỗi lần tôi định tỏ ra thân thiện với Khuê thì hình ảnh thằng Quyền lại hiện ra như một thanh ba-ri-e chắn ngang đầu tôi. Thế là tôi đâm ra hoang mang sợ hãi. Lúc này thì tôi chắc chắn Quyền chính là khối u trong đời sống tinh thần của tôi, nó ngăn tôi bộc lộ tình cảm với Khuê cũng như khiến tôi do dự trong việc viếng thăm ba mẹ ruột của mình. Dĩ nhiên tôi biết rõ điều đó từ lâu nhưng tôi cố không thừa nhận, tôi quyết gạt hình ảnh Quyền ra khỏi đâu óc vì tôi không muốn thằng cà chớn đó đóng vai trò lớn lao trong cuộc đời tôi đến vậy. Nhưng sáng nay khi không thể xóa bỏ được khoảng cách giữa tôi và Khuê mặc dù tôi đã tự thề thốt với mình suốt cả buổi chiều hôm trước thì tôi buộc phải đau đớn chấp nhận sự ám ảnh của Quyền là có thật.
Dĩ nhiên nếu tôi giống như Quyền, tức là không quan tâm đến điều gì ngoài bản thân, buộc thế giới quay quanh mình một cách ích kỷ, tôi đã không rơi vô tình huống này. Mọi sự đối với tôi lúc đó sẽ đơn giản hơn nhiều. Tôi sẽ sống theo ý thích của mình, bất kể điều đó có thể khiến cả trái đất bị đột quỵ. Nhưng tôi không được sinh ra để đóng vai ác.
Thằng Quyền lại khác. Cá nhân nó tất nhiên chẳng có ý nghĩa gì trong mắt tôi, nhưng tôi không thể không đếm xỉa đến nó chỉ vì định mệnh đã ban cho nó thứ quyền năng hắc ám: nếu muốn nó đủ sức quấy nhiễu và đầu độc đời sống của ba tôi, ba mẹ ruột của tôi và nhiều người khác nữa - những người thân yêu nhất của nó, cũng là những người thân yêu nhất của tôi. Càng ngày tôi càng tuyệt vọng nhận ra rằng ngay từ khi lọt lòng, tôi đã bị cột chặt vào thằng Quyền bằng sợi dây éo le, phi lý nhưng cực kỳ dẻo dai của số phận.
Tôi không biết làm thế nào bứt đứt sợi dây đó. Cho đến hôm nay tôi vẫn chưa thật sự sống được cuộc đời của tôi. Tôi như người bị mắc kẹt trong thân xác của kẻ khác. Hằng ngày tôi hành xử như người có hai nhân cách: vừa muốn bày tỏ vừa muốn che giấu tình cảm của mình, vừa muốn đến gần lại vừa muốn tránh xa nhỏ Khuê.
Tôi chẳng thích thú gì với cái nhị trùng bản ngã đó nhưng cũng giống như một bác sĩ tồi, tôi không biết cách kê đơn cho căn bệnh của chính mình.
Tôi biết Khuê có cảm tình với tôi. Tuy Khuê chưa bao giờ nói ra nhưng qua cách nó hờn dỗi mỗi khi nhắc đến Tịnh, tôi đoán được trái tim nó đang đập vì điều gì và điều đó khiến tôi vui mừng đồng thời cũng làm tôi nhức đầu ghê gớm.
Những mẩu đối thoại hôm nào không ngớt lởn vởn trong đầu tôi:
- Quê anh ở đâu vậy?
- Quê tôi ở ngoài Trung.
- Anh ở miền Trung sao tôi nghe giọng anh giống người miền Nam quá vậy?
- Chắc tại tôi vô trong này lâu rồi.
Hôm trò chuyện với Tịnh trước mặt Khuê cũng vậy:
- Anh biết quê em à?
- Cách đây nhiều năm tôi từng tới quê của cô Khuê. Tôi theo ông cậu đi buôn dưa hấu ở miệt này.
Toàn những lời dối trá đáng xấu hổ.
Tôi thấy giống như tôi đang đùa cợt với Khuê nhưng tôi lại không thể tiết lộ thân phận của mình dẫu tôi biết kéo dài tình trạng mập mờ này là hành động khá nhẫn tâm - không chỉ với Khuê mà với cả chính tôi.
Bây giờ tôi chỉ hy vọng vào ngày gặp mặt do gia đình hai bên sắp xếp để giải tỏa điều này nhưng mỗi khi nghĩ đến thằng Quyền tôi lại nhận ra mình vừa mong vừa không mong ngày đó xảy đến.
Trong khi chờ xem sắp tới đây thứ gì sẽ trút xuống cuộc đời mình, tôi cố tìm cách giúp đỡ Khuê trong công việc cũng như trong cuộc sống như để bù đắp những gì tôi đã gây ra cho nó.
Khuê là cô gái thông minh, cầu tiến, dù nó vẫn bướng bỉnh như cô bé mười tuổi năm nào. Cũng như tôi, Khuê lớn lên trong hoàn cành khó khăn, ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường đã phải nghĩ cách kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Tôi hoàn toàn hình dung được cảnh sống của Khuê vì tôi từng trải qua những tháng ngày tương tự.
Lúc mới lên Sài Gòn, cuộc sống của hai cha con tôi rất vất vả. Ba tôi may mắn tìm được việc làm ngay nhưng thu nhập của một tài xế taxi thường không ổn định. Ba tôi chạy xe theo ca nên mỗi tháng ông chỉ làm việc mười lăm ngày. Hôm nào chạy xe, ba tôi phải thức dậy từ bốn giờ sáng, chạy ra cây xăng gần nhà nhận xe và trở về nhà vào bốn giờ sáng hôm sau. Chú Sáu Có có giúp đỡ ba tôi phần nào nhưng ba tôi chỉ nhận lấy lệ vài lần. Ông không muốn dựa dẫm vào em họ mình.
Chỉ gần một năm trở lại đây, khi ba tôi sắm được chiếc Toyota bốn chỗ, cuộc sống của hai cha con mới dễ thở hơn đôi chút. Có xe góp vào công ty, một tháng ba tôi chạy đủ ba mươi ngày, không phải chạy theo ca như trước. Thu nhập cao hơn. Doanh số cũng không còn lệ thuộc vào chỉ tiêu của công ty, hôm nào mệt ba tôi có thể ở nhà nghỉ ngơi lấy sức.
Ba tôi mua xe hoàn toàn do tình cờ, một sự tình cờ may mắn. Một hôm ba tôi chở khách đi Bình Dương. Vị khách trạc tuổi ba tôi, trong khi trò chuyện dọc đường nghe ba tôi than thở chiếc xe cũ quá, ông bảo bạn ông đang muốn bán chiếc Toyota đang đi để bù thêm tiền đổi xe mới. Ông bảo nếu ba tôi muốn mua, ông sẽ giới thiệu với bạn ông.
Ba tôi không ngờ vận may lại mỉm cười với mình ngay vào lúc ông không chờ đợi nhất. Từ lâu ba tôi đã ao ước có một chiếc xe tốt. Chiếc xe ông được cấp khá cũ, bu-gi hay mất lửa, cần số lỏng, lốp xe mòn, muốn thay phải đợi chạy đủ số ki lô mét theo quy định của công ty. Có lần xe ba tôi nổ lốp ngay trên cao tốc, suýt nữa xảy ra tai nạn. Mỗi khi nhắc lại chuyện này, ba tôi luôn rùng mình. Điều may mắn thứ hai, cũng là điều có ý nghĩa quyết định, là ba tôi chỉ phải trả trước năm mươi triệu cho chiếc xe được định một cái giá khá rẻ là bốn trăm triệu. Khoản nợ còn lại, chủ xe đồng ý cho ba tôi trả góp sáu triệu mỗi tháng - một số tiền vừa phải. Ngày lái chiếc Toyota về, ba tôi chắp tay “Tạ ơn Trời Phật”. Ông vỗ vai tôi, rưng rưng “Ở hiền gặp lành, con à”. Nhưng đó là chuyện sau này. Trước khi sắm xe, cuộc sống của cha con tôi vẫn thiếu trước hụt sau trong một thời gian dài. Lúc đặt chân lên lớp Tám, bắt đầu ý thức được tình cảnh eo hẹp của gia đình, tôi xin ba tôi cho tôi đi làm thêm. Tôi đinh ninh ba tôi sẽ thuận tình, không ngờ ông phản đối quyết liệt:
- Nhiệm vụ của con là học hành, chuyện tiền bạc để ba lo.
Căn nhà thuê của hai cha con tôi ở trong một xóm lao động nghèo. Những lúc không phải đến trường, tôi hay la cà qua nhà hàng xóm chơi. Cư dân trong xóm làm đủ thứ nghề và hầu như gia đình nào cũng gia công hàng cho các cơ sở sản xuất. Công việc đủ loại, chủ yếu là lao đông phổ thông, người già em bé đều làm được: cắt chỉ quần áo, xâu chuỗi hạt, dán bao thư, xếp hạc giấy, gấp các loại bao bì, lột tỏi lột hành cho các mối ngoài chợ… Dịp Tết thì xếp bao lì xì, lột hạt dưa cho các cơ sở làm bánh.
Tôi lân la làm quen và nhiều gia đình vui vẻ nhận thêm hàng về chia lại cho tôi. Suốt nhiều năm tôi hăng hái tham gia vào đội quân gia công của xóm, nhận làm đủ thứ việc. Dĩ nhiên tôi chỉ ngồi xâu chuỗi hạt, gấp bao bì hay làm những việc khác vào những ngày ba tôi chạy xe. Hôm nào ông ở nhà, tôi cắm mặt vào tập như đời tôi chỉ biết học và học. Lao động của tôi là loại lao động giá rẻ, tiền bạc chẳng bao nhiêu, nhưng mỗi tháng tôi cũng tích cóp được vài trăm ngàn để bỏ ống heo. Đó là niềm vui của tôi trong những năm tháng đó.
Số tiền dành dụm được dĩ nhiên tôi giấu kỹ. Nếu ba tôi biết, ông sẽ truy hỏi nguồn gốc và điều chắc chắn xảy ra là ông sẽ cấm tiệt tôi nhận hàng về làm thêm. Chính vì lý do này mà vào những dịp Tết, dù rất muốn mua tặng ba tôi một món quà gì đó - một chiếc áo mới chẳng hạn, nhưng rồi sau một hồi đắn đo tôi đành xếp ý định đó vào ngăn kéo và khóa lại. Tôi chỉ dùng tiền kiếm được bí mật mua tập vở và dụng cụ học tập để âm thầm chia sẻ gánh nặng tài chính với ba tôi.
Nhỏ Khuê chắc cũng nhọc nhằn không kém gì tôi. Hồi bé thì theo ba mẹ ngược xuôi sông nước. Lớn lên, một thời gian dài nó phải vừa đi học vừa đi dạy kèm và làm những thứ linh tinh khác. Tiền học phí thì Khuê vay của ngân hàng chính sách xã hội và sẽ phải trả dần sau khi ra trường. Ngay lần đầu tiên nhìn thấy chiếc xe đạp thô kệch của Khuê, tôi vừa buồn cười vừa cảm động. Đó là chiếc xe dành cho người lao động chứ không phải dành cho các nữ sinh yêu kiều mơ mộng. Một cô gái dám thản nhiên ngôi lên khối kim loại đó để rong ruổi khắp các nẻo đường phố thị phải là người rất giàu dũng khí và nghị lực. Là người sẵn sàng gánh gồng mọi thử thách, quyết không để cho mình rơi tự do trong cuộc đời.
Những ngày làm việc chung với Khuê, tôi nhận ra có điều gì đó như là sự cảm thông nảy mầm trong tôi, giúp tôi tin rằng nếu tôi có làm được gì cho Khuê thì không chỉ để xoa dịu sự áy náy trong lòng mà chính vì Khuê xứng đáng được như thế.