Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 27
Ba tôi bảo:
- Hai ngày nữa nhà mình sẽ gặp nhà ông Cầm nghe con.
- Gặp ở đâu hả ba?
- Gặp ở nhà chú Sáu.
Ba tôi nói thêm:
- Bên nhà ông Câm định mời cơm nhưng ba thấy gặp ở nhà họ không tiện. Ở xã, lắm người nhận ra mình.
Trong những năm qua, ba tôi nhiều lần về làng thắp hương và đặt hoa trước mộ mẹ tôi và bà nội tôi ở nghĩa trang gần nhà. Năm tôi lên lớp Mười, ba tôi bắt đầu dắt tôi theo. Hai cha con tôi không ngày giỗ, sợ gặp bà con. Cũng không dám về sớm, sợ các cô tôi sẽ nhìn ra vết tích. Thường, tôi và ba tôi về muộn một tuần. Cần thận vậy nhưng vẫn có lần cha con tôi bị cô tôi bắt gặp. Lần đó, tôi đang khum tay che gió cho ba tôi thắp hương, bổng giật bấn khi nghe tiếng cô Tư tôi phía sau:
- Hai cha con về khi nào vậy?
Trong khi tôi tái mặt, ba tôi quay lại, lúng túng:
- Dạ, tôi và thằng Sâm mới về.
Cô tôi khóc:
- Chú ác lắm! Tự nhiên bỏ nhà đi biệt tăm biệt tích!
Sau khi nghe ba tôi xin lỗi và giải thích, cô tôi mới nguôi hờn giận. Từ hôm đó, mỗi khi về làng hai cha con tôi đều cảnh giác nhìn trước ngó sau. Cả tôi lẫn ba tôi chưa ai chuẩn bị tinh thần để xuất hiện công khai trước mặt mọi người, sợ tiếng đồn lan ra và thằng Quyền sẽ làm những chuyện ngu ngốc.
Vì vậy nghe ba tôi bảo cuộc gặp sẽ diễn ra ở nhà chú Sáu Có, tôi yên tâm ngay, chú Sáu Có sống ở huyện lị, cùng xã với ba mẹ ruột của tôi. Chú không có nhà cao cửa rộng, lại sống kín đáo nên ít người để ý.
Vợ chú là người miền Trung. Ba mẹ thím Sáu là chủ một quán ăn ngoài quê. Hồi chưa lấy chồng, thím Sáu phụ ba mẹ quản lý quán, chỉ khi gặp chú, thím mới bỏ nghề theo chồng vào Nam. Hồi mới bắt đầu kinh doanh, nhờ thím tận tình chỉ bảo tôi đỡ tốn công mò mẫm dò đường. Tôi giao hết việc quán xá cho thím, chỉ tò tò đi theo học việc.
Lúc tôi mở lời nhờ vả, thím hỏi:
- Tại sao con muốn mở quán ăn?
- Tại con học ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
- Tại sao con học ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống?
Cô thắc mắc giống hệt ba tôi. Năm tôi thi đại học, ba tôi rất ngạc nhiên khi biết dự định của tôi:
- Sao con lại thi vô ngành này?
- Con muốn đi theo con đường của mẹ.
Trước khi mất, mẹ tôi phụ trách nấu ăn cho xưởng đá hoa cương của người cô ruột ở Đồng Nai, có dẫn tôi đến chỗ làm chơi một vài lần. Hình ảnh của bà bên bếp lửa trong những ngày tháng đó vẫn còn in đậm trong ký ức tôi.
Tôi nói thêm, mặt quay đi chỗ khác để giấu đôi mắt hoe hoe đỏ:
- Đó là cách để mẹ luôn ở trong trái tim con.
Ba tôi không nói gì nhưng cái cách ông đặt tay lên vai tôi cho biết ông ngầm đồng ý với sự chọn lựa của tôi và tôi rất biết ơn ông về điều đó.
Tôi cũng nói với thím Sáu những gì tôi đã nói với ba tôi. Và cũng giống như ba tôi, thím Sáu đặt tay lên vai tôi:
- Thím sẽ giúp con.
Thím chậm rãi:
- Những gì con học được ở trường sẽ cung cấp cho con kiến thức về kỹ năng quản trị nhà hàng, quản trị dịch vụ ăn uống, thiết kế thực đơn và tổ chức hội nghị, hội thảo, yến tiệc… từ đó xây dựng các phương án kinh doanh.
- Dạ.
- Tất nhiên những kiến thức đó con chưa thể áp dụng được trong lúc này. - Thím tư lự nói tiếp - Điều con cần lúc này là xây dựng một quan niệm đúng đắn về nghề thông qua nhưng kinh nghiệm thực tiễn.
Thím mỉm cười động viên tôi:
- Bắt đâu từ một quán ăn nhỏ có khi lại là điều hay đối với một sinh viên mới ra trường như con.
Thím Sáu khiến tôi kinh ngạc. Tôi như nuốt từng lời thím nói. Tôi không nghĩ thím lại hiểu sâu về nghề này như vậy. Sau này tôi mới biết nhân viên của thím trước đây có không ít sinh viên học cùng ngành với tôi. Nhưng sinh viên đầy ắp ảo tưởng đó, lúc nào cũng mơ mộng sẽ vào những nhà hàng bề thế, những khách sạn nguy nga sau khi ra trường nhưng rồi đành phải xin vào những quán ăn nhỏ để chờ thời.
Thím Sáu nói đúng. Sau một thời gian lăn lộn trong thực tế, tôi nhận ra nhân viên một quán ăn rất khác với nhân viên một nhà hàng, từ tính chuyên nghiệp, kỹ năng phục vụ đến chế độ lương bổng. Tôi không thể trả lương một sao để đòi một cung cách phục vụ năm sao.
Tôi nói với thím Sáu lo lắng của mình. Thím điềm tĩnh:
- Con đừng lo. Các em là sinh viên Ngữ văn, Tài chính, Sư phạm, không được đào tạo các kỹ năng làm việc trong nhà hàng. Con không thể bắt các em phải bưng khay đồ ăn đi tới đi lui bằng năm ngón tay xòe đỡ bên dưới như trong phim được. Cứ bưng bình thường như ở nhà các em vẫn dọn cơm phụ ba mẹ. Con phải biến nhược điểm thành ưu điểm. Điểm mạnh của quán sẽ là tính thân thiện.
Tính thân thiện theo thím Sáu, là tạo ra một không gian ẩm thực giống như gia đình. Làm thế nào để khách bước vào quán có cảm giác như trở về nhà và bữa ăn tại quán có không khí ấm cúng gần gũi như một bữa ăn gia đình. Để làm được điều đó, chỉ dựa vào kiểu mẫu bàn ghế, chén đũa, phong cách bài trí hay thái độ niềm nở của nhân viên là không đủ. Cần phải chú ý đến cấu trúc của thực đơn. Tiếp theo là cách chế biến, nấu nướng. Sau nữa là cách chọn nguyên liệu. Cách chọn nguyên liệu lại liên quan đến cách chọn bạn hàng ngoài chợ, v.v…
Thím Sáu chỉ ở với tôi bốn tháng nhưng những gì tôi học được ở thím gần bằng nửa đời người.
Ngày thím từ giã quán để về quê, tôi rưng rưng cầm tay thím:
- Con cảm ơn thím rất nhiều.
- Cố lên con. Con yêu nghề, lại ham học hỏi, khám phá, thím tin con sẽ thành công.
Nhưng tôi không chỉ có ưu điểm. Thím Sáu nhìn xoáy vào mặt tôi:
- Con vẫn còn một điểm yếu.
- Dạ, thím cứ dạy. - Tôi lễ phép.
- Con hơi lạnh lùng. Dĩ nhiên thím hiểu số phận nào đã tạo nên tính cách đó nơi con và thím tôn trọng điều đó. Nhưng làm trong quán ăn tức là sống trong môi trường sinh hoạt nhóm, con phải cởi mở, giỏi giao tiếp, đặc biệt khi con là người quản lý. Con đừng để tính cách đó cản trở con.
Tôi cúi đầu:
- Con sẽ nghe lời thím. Con sẽ thay đổi.
Tôi vô cùng tiếc nuối khi thím Sáu không thể ở thêm. Tôi muốn mãi mãi là đứa học trò nhỏ của thím. Nhưng tôi cũng biết bốn tháng xa gia đình với thím là một sự hy sinh rất lớn.
Không thể ở gần thím Sáu, tôi tự rèn luyện bằng cách nghiền ngẫm những điều thím dạy bảo. Tất nhiên, khó nhất với tôi vẫn là làm sao thay đổi tính cách. Không thể xây dựng một quán ăn thân thiện với một người quản lý kém thân thiện. Nhưng tính cách con người không phải tự nhiên mà có. Chính số phận đã chọn tôi để gieo xuống những hạt giống khô không khốc. Tôi lớn lên, gặt lấy sự lạnh lùng, dù muốn hay không.
Cái quá khứ nặng nề mà tôi phải gánh trên vai để đi suốt thời trai trẻ đó, không dễ gì vứt bỏ. Thật tâm tôi cũng chẳng muốn vứt bò, vì trong gánh nặng đó có linh hồn của mẹ tôi và bà nội tôi. Cả tuổi thơ bị bạn bè ruồng rẫy xa lánh nữa, cũng làm trĩu vai tôi môi khi nhớ lại. Tôi chẳng ghét bỏ hay thù hận ai, nhưng tôi trở thành người sống khép kín, không thích giao du. Những đêm mưa thao thức, tôi đã không ít lần bần thần tự hỏi: Làm sao để chữa lành nỗi đau bé thơ? Vết thương thời thơ ấu phải chăng là loại vết thương mãi mãi không lành? Cái chết của bà tôi là lời xin lỗi bà dành cho mẹ tôi nhưng chỉ khiến vết thương trong lòng tôi sâu thêm. Cả người nữ hộ sinh năm nào nữa, nghe nói sau khi vô tình biết về cái chết của mẹ tôi và bà tôi đã xin nghỉ việc và vào sống trong chùa. Tôi chẳng vui vẻ gì khi đón nhận tin đó, chỉ thấy lòng nặng chình chịch.
Rất nhiều lần tôi bắt gặp mình thèm được ríu rít như Lương, hồn nhiên như Tịnh và bốc đồng như Khuê.
Nhưng tôi không phải là họ. Tôi là Sâm.
Cái thằng Sâm khó gần đó, sau khi được thím Sáu Có giáo huấn, đã thay đồi phần nào. Tôi bắt đầu nhận ra nếu cứ để quá khứ níu chân, tôi sẽ không thể nào sắp xếp ồn thỏa cuộc đời mình. Nếu tôi không ra khỏi nhưng ám ảnh của quá khứ thì cái hiện tại mà tôi đang sống đến một ngày nào đó sẽ trở thành một quá khứ tối tăm khác, lần này sẽ đầy hối tiếc vì chính tôi là người đã tạo ra nó.
Tôi thầm cảm ơn thím Sáu tôi. Tôi cũng cảm ơn cả nghệ thuật nấu nướng đậm phong vị miền Trung thím truyền lại cho tôi. Có lẽ nhờ điều này mà khi tôi nhận bừa là người miền ngoài, nhỏ Khuê chẳng mảy may nghi ngờ.
Nhưng chỉ hai ngày nữa thôi, Khuê sẽ biết được gốc gác của tôi. Nó sẽ biết tôi chính là thằng Sẹo khốn khổ ngày xưa.