Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 31
Sau buổi coi mắt ở nhà chú Sáu Có, ba tôi hỏi tôi:
- Con thấy con bé đó thế nào? Con có còn thích nó như hồi nhỏ không?
Tôi đỏ mặt trước cách đặt vấn đề thẳng thắn của ba tôi:
- Dạ, để con suy nghĩ…
- Suy nghĩ gì nữa! Con gái người ta xinh xắn, ngoan ngoãn, dễ thương vậy mà!
- Dạ.
Dạ là thích phải không?
Tôi ấp úng:
- Nhưng quan trọng là ý kiến của cô ấy.
Chỗ này là tôi nói thật. Trước đây tôi có cảm giác Khuê thích tôi và tôi luôn tin vào trực giác của mình. Nhưng càng gần đến ngày coi mắt, tôi càng thiếu tự tin. Có thể đó là nỗi thắc thỏm tự nhiên của cậu học trò trước khi bước vào phòng thi dù bài vở đã thuộc làu làu. Nhưng khi đã gặp Khuê rồi không hiểu sao tôi vẫn chẳng thấy phấn chấn lên chút nào.
Suốt bữa ăn, tôi và Khuê không ai dám nhìn mặt ai. Tôi liếc trộm Khuê mấy lần, thấy nó toàn nhìn đi nơi khác. Như vậy là sao nhỉ? Tại sao Khuê không thể trò chuyện với tôi bình thường như những ngày ở quán? Hay nó cũng giống như tôi, thấy buổi coi mắt hôm nay thật là kỳ cục? Chú Sáu Có bảo xưa nay ở quê tôi người ta thường tổ chức lễ coi mắt ở nhà gái và bao giờ cũng có trầu cau, chè rượu, bánh trái. Giữa cuộc hàn huyên, đàng trai sẽ đứng lên thưa chuyện với đàng gái về mục đích cuộc gặp. Buổi trưa ở nhà chú, những thủ tục đó đã bị lược bỏ gần hết theo đề nghị của nhà gái, với lý do “để cho bọn trẻ tự nhiên”. Nhưng rốt cuộc, tôi chẳng thấy tự nhiên chút nào, thậm chí tôi gần như căng thẳng suốt bữa cơm. Tôi biết, chỉ cần một trong hai đứa tôi chủ động bắt chuyện, mọi thứ sẽ tốt lên rất nhiều. Giống như ống nước bị xoắn, chỉ cần tôi hoặc Khuê thò tay nắn lại đường dây, câu chuyện sẽ tự động thông dòng. Nhưng chẳng đứa nào trong hai đứa tôi đủ can đảm đưa tay ra.
Thái độ im lặng của Khuê còn khiến tôi suy diễn theo chiều hướng đen tối: Hay là Khuê thật ra không thích tôi như tôi vẫn nghĩ? Ở đời có những thứ thoạt trông thì giống tình yêu lạ lùng, nhưng đó không phải là tình yêu. Có phải Khuê ở trong trường hợp này? Nếu Khuê thích tôi, tại sao nó còn nhận tói gặp gia đình thằng Sẹo trong khi nó không hề biết Sẹo chính là tôi? Câu hỏi cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi như có ai đang kéo một lưỡi cưa khiến đầu tôi nhức buốt.
Chiều tối, tôi chụp chiếc nón vải trên đầu để không ai nhận ra tôi và đi lang thang không mục đích trên những con đường huyện lị cốt cho lòng khuây khỏa. Tôi không dám gọi điện thoại cho Khuê dù rất muốn. Ngay lúc này tôi không xác định được tâm trạng của nó, cũng như sợ mình sẽ rơi vào cảnh bẽ bàng nếu nhận được những lời khó nghe, chưa kể, gọi cho Khuê tôi phải đối mặt với bao nhiêu thứ rắc rối. Tôi không biết sẽ phải giải thích với nó ra sao nếu nó biết tôi đã nhận ra nó ngay từ đầu nhưng vẫn vờ như người xa lạ. Cả chuyện tôi giấu nó tôi là con của ông bà Mười Thái nữa, tôi cũng chưa nghĩ ra cách bắt đầu câu chuyện như thế nào để kết thúc không phải là một đổ vỡ ngoài ý muốn.
- Sẹo!
Một tiếng kêu phát ra từ sau lưng tôi khi tôi rẽ vào con đường tối chạy dọc con kênh đầy hoa súng tím cạnh nhà bưu điện khiến tôi giật bắn.
Tôi không nghĩ với chiếc nón phủ kín gáy, lại dưới thứ ánh sáng tù mù rọi yếu ớt qua tàng lá dày trên đầu, người khác có thể nhận ra tôi.
Tôi xoay người lại, vẫn chưa biết ai vừa gọi.
- Xin lỗi, ai đó?
- Tao đây!
Một bóng người lững thững bước ra từ sau gốc cây bằng lăng ven đường. Khi người đó đến cách tôi chừng một mét, gần đến mức có thể với tay ra là đụng, tôi vẫn không nhận ra kẻ đối diện là ai.
- Mày không nhớ tao à?
- Trời tối quá! - Tôi nói, như phân trần.
- Tao là Quyền đây!
Tôi há hốc miệng:
- Quyền?
Quyền cười khảy:
- Mày không ngờ gặp tao ở đây phải không?
Đúng là tôi không ngờ. Tôi cứ đinh ninh Quyền đang ở Đà Nẵng. Thái độ của ba mẹ ruột của tôi ở nhà chú Sáu Có trưa nay cũng cho thấy Quyền không có mặt ở huyện lị.
Tôi căng mắt quan sát Quyền, bây giờ thì tôi nhận ra những đường nét quen thuộc trên mặt nó trong ánh sáng nhá nhem. Khác với tôi và Khuê, Quyền không thay đổi mấy sau từng ấy năm. Nó chỉ hơi gầy đi, không béo tròn như những gì tôi còn nhớ về nó thời tiểu học.
Tôi hỏi, sau khi đã trấn tĩnh:
-Làm sao mày biết tao ở đây?
Quyền nhún vai:
- Quá đơn giản! Tao bám theo mày từ nhà ông Sáu Có.
- Mày rình tao à? - Tôi hừ mũi, giọng cảnh giác - Mày đi theo tao làm gì?
- Làm gì à? Để nói cho mày biết Khuê không bao giờ thích một đứa như mày.
Tôi không biết Quyền dựa vào đâu mà nói thế. Có thể nó bịa ra để cố tình khiêu khích tôi. Nhưng lúc đó tôi không có thì giờ để nghĩ ngợi nhiều. Những suy nghĩ tiêu cực về tình cảm của Khuê vẫn ám ảnh tôi từ trưa đến giờ khiến óc tôi căng ra như dây đàn sắp đứt.
Câu nói của Quyền chẳng khác nào dầu trút vào lửa. Đầu tôi nóng phừng phừng:
- Đứa như tao là đứa như thế nào?
- Một đứa cầu bơ cầu bất. - Giọng Quyền khinh miệt.
Dù giàu tưởng tượng đến mấy tôi cũng không nghĩ Quyền lại buông lời sỉ nhục tôi ngay lần đầu tiên gặp lại. Chính nó là thủ phạm gạt tôi ra khỏi gia đình mà tôi thuộc về. Chính nó gián tiếp đẩy hai cha con tôi lên Sài Gòn lăn lộn kiếm sống mười mấy năm nay. Vì nó là con ruột của ba tôi, tôi đã không tính toán với nó. Tôi đã không cố giành lấy cuộc sống lẽ ra là của tôi chỉ vì tôi không muốn những người thân yêu của tôi khó xử. Thế mà bây giờ nó lại dám thốt ra những lời khốn nạn.
Người muốn nổ tung, tôi thu nắm đấm và rít qua khe răng:
- Mày nhắc lại lần nữa coi! Tao là đứa như thế nào?
Mặt Quyền nhơn nhơn:
- Mày là đứa cầu bơ…
Quyền chưa nói hết câu, tôi đã tung nắm đấm vào mặt nó. Đã lâu lắm tôi chưa từng đánh nhau. Tôi cũng không phải là đứa ham đánh nhau. Nhưng lần này tôi dồn tất cả sức lực và nỗi căm ghét vô bờ vào cú đánh.
Cú đánh đầy dồn nén, mạnh và nhanh đến mức Quyền dù nhanh mắt né qua một bên vẫn lãnh nguyên nắm tay tôi vào mặt.
Quyền bật ra sau, sụm xuống nhưng rồi nó lồm còm bò dậy.
- Khá lắm, thằng lang thang! - Quyền đưa tay chùi vết máu ứa ra trên môi, tiếp tục xúc phạm tôi và hùng hổ lao tới.
Tôi kịp dạt sang trái để tránh cú đấm của Quyền và lập tức phản đòn bằng một quả móc tay phải vào quai hàm đối thủ. Lần này Quyền né được và tung một cú đá sượt ngang be sườn tôi.
Hai đứa tiếp tục quần thảo trong cảnh tranh tối tranh sáng ngập trong tiếng dế giun. Trong khi tôi im lặng ra đòn, Quyền vừa đánh vừa phun nọc như rắn độc:
- Tao nói cho mày biết, Khuê sẽ là vợ tao. Nó không bao giờ thèm để mắt đến một đứa khố rách áo ôm như mày.
Lại một cú đấm nữa trúng ngực Quyền.
Hồi lớp Năm, Quyền gây sự đánh tôi mỗi ngày và tôi luôn thất thế trước nó. Hôm nào người tôi cũng đầy vết bầm khi trở về nhà. Bây giờ, tình thế hoàn toàn đảo ngược.
Quyền có vẻ bất ngờ trước những cú ra đòn chính xác của tôi. Cũng có thể nó mải lo lăng mạ tôi nên đòn thế lắm sơ hở. Nhưng những cú đánh của tôi vẫn không khóa miệng được Quyền. Càng bị trúng đòn, nó nói càng hăng:
- Tao thề với mày nếu không lấy được Khuê làm vợ, tao sẽ làm con chó.
Tôi và Quyền lăn xả vào nhau trong tiếng thụi “bình bịch” và trong con giận mù mịt của tôi. Tôi đấm đá như người say máu. Tôi đánh như đánh cho những gì ấm ức tích tụ bấy lâu nay, đánh cho voi nỗi muộn phiền của một số phận hầm hiu, cả cho nỗi lo âu về mối tình bị phá đám, nhất là thằng Quyền cứ mỗi lân mở miệng là thêm một lần xát muối vào lòng tôi. Tôi nện Quyền những cú nhừ tử. Thinh thoảng tôi trúng đòn của nó nhưng đang con điên tiết tôi chằng thấy đau. Đường vắng, đèn mờ, không người qua lại nên chẳng ai can ngăn hai đứa tôi.
Trong gần một tiếng đồng hồ, tôi đánh đấm đến mỏi cả tay Cuối cùng tôi phát chán, nhảy lùi ra sau, lạnh lùng:
- Tao về đây. Mày đừng để tao bắt gặp mày một lần nào nữa. Nhớ đấy!
Quyền không trả lời tôi. Nó ngồi bệt xuống mặt đường, thở dốc.
Cho đến khi quay mình bỏ đi, tôi vẫn nghe tiếng rên của Quyền đằng sau lưng đuổi theo tôi.
***
Tôi giấu ba tôi và vợ chồng chú Sáu Có chuyện tôi gặp thằng Quyền và đánh nhau với nó. Tôi biết, ba tôi thà bị điếc còn hơn buộc phải nghe cái tin tồi tệ đó. Hai đứa con đánh nhau chí tử, lại vì một đứa con gái, là chuyện chẳng bậc làm cha làm mẹ nào muốn thử bắt gặp một lần trong đời. Tình cảnh trái ngang và mối quan hệ phức tạp giữa tôi và Quyền còn đẩy câu chuyện đi xa hơn một cuộc xô xát thông thường. Nếu biết được, trái tim ba tôi sẽ bị chia đôi và nỗi đau trong lòng ông sẽ nhân lên gấp tám lần.
Tối đó, tôi leo lên giường nằm trằn trọc cả buổi vẫn không sao chợp mắt được. Chiếc máy quay phim trong đầu tôi cứ chiếu đi chiếu lại cảnh đánh nhau kinh hồn bên bờ kênh lúc nãy. Bây giờ, khi cơn đã dịu xuống, tôi bắt đầu thấy hối hận. Thằng Quyền dù gì cũng là con ruột của ba tôi không những thế nó gần như là đứa con bị thất lạc - là nỗi canh cánh trong lòng ba tôi suốt bao nhiêu năm nay. Tôi nói tôi thương ba tôi, thế mà tôi lại ra tay đánh nhau với Quyền. Tệ hơn nữa, tôi là đứa ra tay trước và sau đó không làm sao dừng lại được. Tôi đánh nhau giống như người mất trí, bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy xấu hổ.
Có lẽ hình ảnh mất dạy của thằng Quyền mười may năm trước vẫn còn đọng lại ở một ngóc ngách nào đó trong vỏ não tôi, lẽ ra đã ngủ yên trong hầm mộ của quá khứ nhưng lại bị những lời lẽ đầy xúc phạm cua nó dựng dậy khiến tôi bị khích động đến mức hoàn toàn mất kiểm soát.
Ba tôi nằm bên cạnh, thấy tôi lăn qua lăn lại liên tục, hắng giọng hỏi:
- Lam gì cựa quậy hoài vậy con?
Không nghe tôi trả lời, ông thở dài:
- Ngủ sớm đi con. Sáng mai còn qua nhà ba mẹ ruột con nữa.
Sáng hôm sau trước khi đến nhà ba mẹ ruột tôi, hai cha con tôi đi thăm mộ mẹ tôi và bà nội tôi, sau đó ghé nhà cô Ba và cô Tư.
Cô Ba đã già đi nhiều so với trí nhớ của tôi. Trước mắt tôi là một phụ nữ tuổi sáu mươi, tóc bạc nửa đầu, mặt đầy vết nám, hai mí sụp xuống khiến cặp mắt nhỏ lại, hoàn toàn khác với hình ảnh người cô khắc nghiệt đã nhiều lần phụ họa với bà nội tôi mắng nhiếc ba tôi và tấn công mẹ tôi trước đây.
Vừa thấy mặt hai cha con tôi, cô đã trách cứ:
- Bữa nay chú chịu ló mặt về quê rồi hả. Tôi tưởng hai cha con chú bỏ xứ đi luôn chứ.
- Em xin lỗi chị.
- Giận chú thì nói vậy thôi. - Cô Ba dịu giọng - Tôi nghe cô Tư nói chú có nỗi khổ riêng.
- Dạ.
Cô nhìn tôi:
- Cháu Sâm đây hả?
Tôi lí nhí:
- Dạ, con chào cô.
Cô nắm tay tôi:
- Con mau lớn quá, gặp nhau ngoài đường chắc cô không nhận ra. Con đã vợ con gì chưa?
Ba tôi đỡ lời:
- Dạ, cũng sắp rồi đó, chị. Khi nào đám cưới cháu, em sẽ gửi thiệp mời chị và chị Tư.
Hồi nhỏ tôi vẫn hay qua chơi nhà cô Ba. Nhà cô Ba hồi đó vui hơn. Bây giờ dượng Ba và mấy đứa con của cô đi làm ăn xa, cô ở nhà vò võ một mình. Cũng may là nhà cô Tư ở kế bên, hai chị em chạy qua chạy lại cũng đỡ buồn.
Sau cô Ba đến cô Tư. Sau cô Tư, đến nhà ba mẹ ruột của tôi. Trên đường quay về huyện lị, tôi ngồi nhấp nhổm sau lưng ba tôi, lòng bứt rứt không yên. Tôi sợ gặp thằng Quyền. Tôi không biết phải ứng xử như thế nào nếu hai đứa tôi lại chạm mặt nhau lát nữa đây.
Ba tôi không biết nỗi lo của tôi, chốc chốc lại nạt:
- Cái thằng này! Ngồi yên coi. Mày nhúc nhích hoài làm sao tao lái xe!
Rất may điều tôi lo ngại đã không xảy ra. Hôm đó tôi ở chơi nhà ba mẹ ruột của tôi suốt cả buổi sáng, vẫn không thấy Quyền đâu. Trong bữa cơm trưa, nó cũng bặt tăm.
Ba tôi hỏi:
- Cháu Quyền dạo này có hay về chơi không, anh Mười?
- Cháu ít về. Dạo này nó mê làm ăn, cứ nằm lì ngoài Đà Nẵng.
Theo lời ba ruột tôi, Quyền không chỉ quản lý khách sạn mà gần một năm nay nó kinh doanh cả mảng nhà hàng và du lịch, nghe nói công ty của nó đang trên đà phát đạt.
Tin tức về chuyện làm ăn của Quyền khiến ba tôi vui một thì câu nói tiếp theo của ba ruột tôi làm ông vui mười:
- Nó mong được gặp anh lắm đó, anh Bảy. Tiếc là tôi không địa chỉ và số điện thoại của anh.
Như vậy là ba mẹ ruột của tôi không biết Quyền đang có mặt ở thị trấn. Tôi không rõ tại sao nó không về nhà. Càng không giải thích được tại sao nó biết hôm qua là ngày gia đình tôi và gia đình Khuê gặp nhau để đón đường gây sự với tôi.
Ăn trưa xong, ba tôi quay lại nhà chú Sáu Có trả xe rồi hai cha con đón xe đò về Sài Gòn. Ngược với sự vui vẻ của ba tôi, lòng tôi đầy tâm tư suốt dọc đường về. Ba mẹ ruột của tôi hình như không hiểu gì về thằng Quyền. Tính nết nó chẳng thay đổi mảy may. Nó chẳng hề “tu tỉnh” như ba ruột tôi nhận xét. Vẫn thói côn đồ đó, vẫn lối ăn nói thô lỗ nhằm nhục mạ người khác, Quyền không khác gì chính nó trước đây, lần này nghiêm trọng hơn vì nó có vẻ sẵn sàng chen ngang vào chuyện tình cảm giữa tôi và Khuê. Nhớ lại câu nói của Quyền “Tao thề với mày nếu không lấy được Khuê làm vợ, tao sẽ làm con chó”, tự dưng tôi thấy người gây gây sốt và cảm giác bất an của mười mấy năm trước lại ùa về. Tôi cảm giác cuộc đời tôi đang cài số lùi. Đám mây đen có tên là Quyền tưởng đã tan theo thời gian hóa ra vẫn còn nguyên đó và tiếp tục phủ bóng xuống đời tôi y xì như cũ.
Sao mày cứ theo ám tao hoài vậy, Quyền ơi?