Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 1 - Chương 08
Chương VIII
TIỀN CÔNG LAO ĐỘNG
Sản phẩm lao động là sự đền bù tự nhiên hoặc là tiền công lao động.
Ở giai đoạn khởi đầu của mọi sự vật, khi mà chưa có sự chiếm hữu đất đai và tích lũy vốn, toàn bộ sản phẩm làm ra thuộc về người lao động. Họ chẳng có chủ đất mà cũng chẳng có chủ xưởng để phải chia sẻ sản phẩm.
Nếu tình trạng này tiếp tục, thì tiền công lao động chắc là đã được tăng lên cùng với những cải tiến về năng suất lao động do sự phân công lao động mang lại. Mọi thứ lẽ ra đã dần dần rẻ hơn. Mọi thứ được sản xuất ra bằng một lượng lao động ít hơn, và vì những hàng hóa được làm ra với lượng lao động ít hơn, và vì những hàng hóa được làm ra với lượng lao động như nhau tất nhiên sẽ được trao đổi với nhau, nên chúng cũng sẽ được mua hàng một sản phẩm có lượng lao động ít hơn.
Nhưng mặc dù mọi vật có thể sẽ thật sự rẻ hơn trước nhiều, về bề ngoài nhiều thứ có thể đắt hơn trước, hoặc được dùng để đổi lấy một lượng hàng hóa nhiều hơn.
Chúng ta giả sử, chẳng hạn, là trong phần lớn các ngành sản xuất năng suất lao động đã được tăng lên gấp 10 lần, hoặc, nói một cách cụ thể, một ngày lao động có thể làm ra một lượng sản phẩm gấp 10 lần so với trước, nhưng trong một ngành sản xuất riêng biệt nào đó, năng suất lao động chỉ có thể tăng lên gấp đôi hoặc một ngày lao động chỉ có thể làm ra một lượng sản phẩm gấp hai lần so với trước mà thôi. Khi trao đổi sản phẩm một ngày lao động trong phần lớn các ngành sản xuất lấy sản phẩm một ngày lao động trong ngành sản xuất này thì lượng sản phẩm tăng lên 10 lần trong phần lớn các ngành chỉ đổi lấy lượng sản phẩm tăng lên 2 lần trong một ngành riêng biệt mà thôi. Do đó, một lượng sản phẩm trong ngành này, chẳng hạn một pound, hình như đắt hơn 5 lần so với trước đây. Song trên thực tế sản phẩm này lại rẻ hơn gấp hai lần. Mặc dù lượng sản phẩm này đổi lấy 5 lần lượng hàng hóa khác, nó chỉ yêu cầu có một nửa lượng lao động để mua hoặc để sản xuất lượng sản phẩm đó. Việc mua bán sẽ dễ dàng hơn trước gấp hai lần.
Nhưng tình trạng ban đầu này mà trong đó người lao động được hưởng toàn bộ sản phẩm làm ra, không kéo dài quá thời kỳ mở đầu cho việc chiếm hữu ruộng đất và tích lũy vốn. Nó đã chấm dứt khá lâu trước khi có những cải tiến đáng kể về năng suất lao động và sẽ không có ý nghĩa nếu nói ở đây những tác động của nó tới sự đền bù hoặc tiền công lao động.
Khi mà ruộng đất trở thành vật tư hữu, người chủ đất tất nhiên đòi phải chia cho họ một phần sản lượng mà người lao động làm ra trên mảnh đất tư hữu đó. Tiền thuê ruộng đất là phần khấu trừ đầu tiên từ sản lượng mà sức lao động làm ra từ ruộng đất.
Thật ít khi thấy người làm ruộng lại có đủ lương thực để tự nuôi sống mình cho đến khi gặt hái được sản phẩm. Họ được nuôi sống bằng số tiền mà người chủ trại lấy tiền vốn của mình ứng trước cho họ. Người chủ trại thuê mướn người lao động để cày mảnh đất của mình với mục đích là phải nhận được một phần sản phẩm do lao động của người này làm ra hoặc nhận được lợi nhuận từ vốn bỏ ra. Lợi nhuận này là phần khấu trừ thứ hai từ sản phẩm của người lao động được thuê mướn làm việc trên mảnh đất của người chủ.
Lợi nhuận được khấu trừ từ bất kỳ sản phẩm lao động nào. Trong tất cả các ngành chế tạo và mỹ nghệ, phần lớn người lao động đều phải cần chủ động trước cho họ vật liệu để làm việc và sản xuất và tiền công để sinh sống cho đến khi công việc được hoàn tất. Người chủ hướng một phần sản phẩm do lao động của những công nhân làm ra hoặc một phần giá trị mà lao động làm tăng thêm cho vật liệu khi đã là thành phẩm, và lợi nhuận của chủ là trong phần được chia này.
Đôi khi cũng có một người thợ sản xuất độc lập, tự mình có đủ vốn để mua vật liệu và để tự nuôi sống cho đến khi hoàn thành sản phẩm. Người này vừa là chủ vừa là thợ và được hưởng toàn bộ sản phẩm lao động của mình hoặc toàn bộ giá trị mà lao động làm tăng thêm cho vật liệu được lao động tác động đến. Giá trị này thường bao gồm hai loại thu nhập khác nhau, thuộc về hai người khác nhau, đó là lợi nhuận của tiền vốn và tiền công lao động.
Những trường hợp như trên tuy nhiên cũng không nhiều. Trên toàn lục địa Châu Âu, cứ 20 thợ làm thuê cho chủ mới có 1 người sản xuất độc lập. Tiền công lao động đều được mọi người hiểu là để trả cho người lao động làm thuê cho chủ, còn người có vốn thuê mướn lao động là một người khác.
Tiền công lao động thông thường như thế nào là tùy theo bản hợp đồng thuê mướn nhân công ký kết giữa hai bên: chủ và thợ mà lợi ích của hai bên không bao giờ giống nhau. Người thợ, muốn có càng nhiều tiền công càng hay, nhưng người chủ lại muốn trả công càng ít càng tốt. Thợ kết hợp với nhau để đòi tăng lương, thì chủ cũng kết hợp với nhau để hạ tiền công lao động.
Cũng không khó khăn gì để có thể đoán trước bên nào, thợ hay chủ, có lợi thế hơn trong các cuộc tranh chấp về tiền lương và buộc đối phương phải theo những điều kiện của mình đưa ra. Các chủ, vì ít hơn về số lượng, cho nên họ phối hợp với nhau dễ dàng hơn nhiều: đây là chưa kể đến luật pháp còn cho phép hoặc ít nhất là không ngăn cấm họ liên kết với nhau, trong khi đó lại ngăn cấm thợ kết hợp với nhau đòi quyền lợi. Không có đạo luật nào chống lại việc phối hợp hành động để hạ giá công lao động, nhưng có nhiều đạo luật không cho phép thợ liên kết đòi tăng tiền công lao động. Trong các cuộc tranh chấp giữa chủ và thợ, giới chủ có thể chịu đựng được lâu hơn. Chủ đất, chủ trại, chủ nhà máy hay công xưởng, người lái buôn. Dù chẳng thuê mướn một người thợ nào cũng có thể sống một vài năm bằng số tiền vốn sẵn có. Nhiều công nhân chẳng có đủ tiền để sinh sống trong một tuần, ít người có khả năng sống qua một tháng và rất ít người có đủ tiền sống cả năm, nếu không có việc làm. Về lâu dài mà nói, thợ cũng rất cần cho chủ cũng như chủ cũng phải cần đến thợ, nhưng sự cần thợ này không cần thiết như vậy.
Chúng ta thường ít nghe nói đến giới chủ liên kết với nhau nhưng luôn nghe thấy những cuộc liên kết đấu tranh cần thợ. Nhưng nếu có một ai tin vào lời nhận định trên rằng giới chủ rất ít liên kết với nhau thì người đó thật là chẳng hiểu biết gì về sự đời cả và hoàn toàn không có một chút ý thức gì về vấn đề này. Giới chủ, bất kỳ ở đâu, luôn luôn liên kết với nhau trên một cơ sở thỏa thuận ngầm nhưng rất ăn ý với nhau để không tăng tiền công lao động cao hơn tỷ suất thực của nó. Vi phạm sự liên kết ngầm này là hành động đáng chê trách nhất, là sự nhục nhã đối với người chủ trước những người chủ khác. Chúng ta ít khi nghe nói đến sự liên kết ngầm này trong giới chủ vì đó là một tình trạng trong tự nhiên, bình thường không ai biết đến. Nhiều chủ nhà máy hoặc chủ xưởng chế tạo đôi khi ăn cánh với nhau và liên kết hành động chung để hạ tiền công lao động thấp hơn tỷ suất tự nhiên. Những hành động phối hợp chung đó được tiến hành với sự bí mật và yên lặng cao nhất cho đến khi bắt tay vào việc, và khi công nhân phải nhận sự hạ công lao động, như đôi khi họ phải chịu, không chút kháng cự thì cũng ít ai biết đến việc này. Nhưng sự liên kết như vậy của giới chủ, tuy thế cũng đã nhiều khi bị chống trả kịch liệt thông qua sự hợp sức và đồng lòng của công nhân đòi cho tăng lương, công nhân lao động thường viện có đôi khi là giá thực phẩm tăng cao, đôi khi là chủ giành quá nhiều lợi nhuận khấu trừ sản phẩm do họ làm ra. Nhưng dù cho những hành động liên kết của công nhân có tính tấn công hay phòng vệ, những hành động đó được rất nhiều người biết đến. Để làm cho những yêu sách của mình chóng đi tới kết quả, công nhân thường làm ầm ỉ và đưa ra những phản đối om sòm và đôi khi còn sử dụng hình thức bạo lực mạnh mẽ nhất. Họ hành động một cách tuyệt vọng và còn tỏ ra khá điên rồ vì họ chỉ còn một sự lựa chọn hoặc họ phải chết đói hoặc họ phải làm cho chủ sợ hãi mà đồng ý ngay với những yêu sách mà họ đưa ra. Trong những trường hợp này, giới chủ cũng làm rùm beng không kém gì đối phương và không ngừng yêu cầu viên chánh án dân sự giúp đỡ để thi hành một cách triệt để những đạo luật đã được ban hành chống lại cuộc đấu tranh của người lao động. Do sự can thiệp của viên chánh án dân sự, sự ngoan cố của giới chủ và cuối cùng là do phần lớn các công nhân không đủ lương ăn để kéo dài cuộc đấu tranh, cho nên hành động liên kết của họ kết thúc mà không hề mang lại một kết quả nào trừ việc các người cầm đầu bị trừng trị hoặc đi đến một tình trạng suy sụp.
Trong những cuộc tranh chấp với công nhân, giới chủ thường có lợi thế. Tuy nhiên có một mức mà thấp hơn nó khó mà có thể giảm được tiền công ngay cả của loại lao động thấp nhất.
Một người luôn luôn phải kiếm sống bằng lao động của mình, và tiền lương của người đó ít nhất phải vừa đủ để nuôi sống anh ta. Tiền lương đó trong nhiều trường hợp còn phải nhiều hơn ít nữa, nếu không thì người đó khó có thể nuôi nổi gia đình mình, và dòng họ của những người lao động đó không thể tồn tại quá được một thế hệ. Ông Cantilion đã giả sử về vấn đề này là những người lao động bình thường thuộc loại bét nhất cần phải kiếm được là gấp đôi số tiền cần thiết để nuôi sống chính họ để có thể nuôi được hai con; lao động của người vợ, vì còn phải làm nhiệm vụ trông nom con cái, nên chỉ kiếm đủ nuôi thân thôi. Nhưng theo như tính toán, một nửa số con đẻ ra thường chết yểu trước khi đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, người lao động nghèo nhất, nếu theo như cách tính toán nói trên, cần phải nuôi 4 con, trong đó chỉ có hy vọng là hai đứa sẽ sống đến lúc trưởng thành. Nhưng số tiền cần thiết để nuôi 4 đứa trẻ có thể gần bằng số tiền để nuôi một người lớn. Tác giả này nói thêm là một người nô lệ có đầy đủ sức lao động có thể làm ra đủ lương thực và các thứ cần dùng để tự nuôi mình gấp hai lần, và một người lao động tầm thường nhất cũng không thể kiếm ăn kém hơn một người lao động nô lệ khỏe mạnh. Như vậy rõ ràng là để có thể nuôi sống một gia đình, người chồng và người vợ, bằng sức lao động của chính họ, dù cho lao động đó là loại thấp nhất trong lao động bình thường, cũng cần phải kiếm được nhiều hơn số tiền cần thiết để tự nuôi sống mình, nhưng tỷ lệ nhiều hơn là bao nhiêu hoặc theo cách tính toán trên đây, hoặc theo một cách nào khác, thôi không dám tự mình quyết định tỷ lệ này.
Có những hoàn cảnh nào đó đôi khi mang lại lợi thế cho người lao động và giúp họ nâng tiền lương lên khá cao so với tỷ lệ này, tỷ lệ thấp nhất phù hợp với những con người bình thường mà thôi.
Khi ở một nước nào đó có một mức cầu luôn luôn cao về nhân công: người làm công ăn lương, thợ thủ công, thợ công nhật, đầy tớ thuộc đủ các loại, và khi năm sau tạo ra nhiều công việc làm hơn năm trước, thì công nhân lao động không cần phải liên kết với nhau đòi tăng lương. Do có sự khan hiếm nhân công, cho nên giới chủ phải cạnh tranh với nhau trả giá cao hơn để thuê cho đủ số công nhân cần thiết, như vậy họ tự phá vỡ luật lệ là phải liên kết với nhau để không tăng lương cho người lao động.
Nhu cầu thuê thêm lao động không thể vượt qua mà chỉ theo đúng với tỷ lệ tăng của quỹ dùng để trả lương. Quỹ này gồm hai loại: một là, thu nhập dư ra so với mức cần thiết để sinh sống; và thứ hai là, tiền vốn dư ra so với số cần thiết để thuê người làm cho chủ.
Khi người chủ ruộng đất, người hưởng trợ cấp hàng năm hoặc người giàu, có những khoản tiền thu nhập nhiều hơn là họ cần để nuôi gia đình mình, thì họ thường sử dụng toàn bộ hay một phần số tiền dư thừa để thuê mướn một hoặc vài người đầy tớ. Do khoản tiền dư thừa tăng, cho nên họ tất nhiên muốn tăng số người phục vụ họ.
Khi một người thợ kiếm ăn độc lập, như thợ dệt vải hoặc thợ đóng giày, có trong tay một số tiền vốn nhiều hơn là đủ để mua vật liệu cho công việc sản xuất của anh ta và để nuôi sống anh ta và gia đình cho đến khi bán hàng hết hàng, thì tất nhiên anh ta muốn thuê thêm một hoặc vài người thợ bằng số tiền dư thừa đó để kiếm thêm lời do lao động của họ mang lại. Số tiền dư thừa này càng tăng thì anh ta càng thuê thêm nhiều thợ.
Vì vậy nhu cầu thuê người lao động làm công ăn lương tất yếu tăng lên theo mức tăng thu nhập và vốn của mỗi nước. Tăng thu nhập và tăng vốn là tăng của cải của quốc gia. Do đó nhu cầu thuê mướn thêm lao động làm công ăn lương sẽ tăng lên cùng với việc tăng thêm của cải quốc dân. Nhu cầu này sẽ không tăng, nếu của cải quốc dân không tăng.
Không phải sự giàu có của đất nước mà là sự gia tăng liên tục của cải trong nước đã làm cho tiền công lao động tăng lên. Cho nên không phải ở các nước giàu có nhất, mà là ở những nước phồn vinh, thịnh đạt nhất hoặc ở các nước trở nên giàu có nhanh chóng nhất, tiền công lao động được nâng lên cao nhất. Nước Anh hiện nay là nước giàu có hơn nhiều so với các nơi khác ở Bắc Mỹ. Nhưng tiền công lao động ở Bắc Mỹ, lại cao hơn so với ở Anh. Ở thành phố New York, những người lao động bình thường một ngày kiếm được 3 shilling 6 penny tiền Mỹ, bằng 2 shilling của đồng bảng Anh. Tiền lương của thợ mộc đóng tàu là 10 shilling 6 penny tiền Mỹ, cộng với số chrome trị giá 6 penny tiền Anh, tổng cộng bằng 6 shilling 6 penny đồng bảng Anh; thợ mộc làm nhà và thợ nề kiếm được 8 shilling, bằng 4 shilling 6 penny của đồng bảng Anh; thợ may công nhật kiếm được 5 shilling bằng khoảng 2 shilling 10 penny đồng bảng Anh. Tiền công trả như trên đều cao hơn ở London và người ta xác nhận là tiền lương ở những vùng thuộc địa khác cũng cao như ở New York. Giá thực phẩm ở bất kỳ nơi nào ở Bắc Mỹ đều thấp hơn ở Anh. Bắc Mỹ không hề biết đến sự khan hiếm, đói kém. Gặp lúc mùa màng xấu nhất, nhân dân vẫn có đủ lương thực để sử dụng mặc dù xuất khẩu giảm đi. Nếu giá lao động bằng tiền ở các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ cao hơn ở chính quốc thì giá thực tế của lao động làm có thể mua được những thứ cần thiết và tiện nghi cho đời sống, lại còn cao hơn nhiều.
Cho dù Bắc Mỹ chưa giàu bằng Anh nhưng lại tỏ ra thịnh vượng và phát triển nhanh và mạnh hơn Anh nhiều trong việc thu hoạch các của cải để làm giàu. Dấu hiệu chứng tỏ sự thịnh vượng của bất kỳ nước nào là sự tăng số dân. Ở Anh và phần lớn các nước Châu Âu khác, dân số được giả thiết là khoảng tăng gấp đôi trong vòng 500 năm. Ở các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ, số dân tăng gấp đôi trong vòng 20 -25 năm. Không phải như hiện nay số dân tăng là do có sự nhập cư của những người ở nhiều nơi khác đến, mà lúc đó là do số dân tự tăng nhanh. Những người già thường có từ 50-100 hay hơn nữa con cháu. Lao động được đền bù tốt, cho nên các gia đình đông con không thấy việc có nhiều con là gánh nặng mà lại là nguồn mang lại sự giàu có cho gia đình và sự thịnh vượng cho bố mẹ.
Lao động của một đứa con trước khi rời gia đình ra ở riêng được tính ngang giá 100 bảng. Một bà quả phụ với 4-5 con ở đây được mọi người tán tỉnh và xin lấy làm vợ vì được coi như một thần tài mang lại sự giàu có, cứ không như những người góa chồng như thế ở Châu Âu thì khó mà kiếm được tấm chồng lần thứ hai. Giá trị của đàn con là điều khuyến khích lớn nhất cho mọi cuộc hôn nhân. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy dân Bắc Mỹ thường lấy vợ, lấy chồng khi còn ít tuổi. Mặc dù những cuộc hôn nhân sớm sủa đó mang lại khá nhiều nhân khẩu, người ta vẫn không ngớt than phiền về sự khan hiếm nhân công. Nhu cầu về lao động và quỹ dành để thuê mướn họ tăng lên quá nhanh, nếu không nói là nhanh hơn khả năng tìm thuê được người lao động.
Mặc dù là một nước rất giàu có, nhưng nếu cứ dậm chân tại chỗ, không làm cho của cải sinh sôi nảy nở, thì tiền công lao động cũng khó có thể cao được. Quỹ để trả công lao động, tiền thu nhập và vốn của người dân trong nước có thể ở mức độ lớn nhất nhưng nếu quỹ lương và thu nhập vẫn giữ nguyên như vậy hoặc gần như vậy trong một vài thế kỷ, thì số người lao động cần hàng năm có thể dễ dàng và thậm chí rất dễ dàng tìm thuê được. Không còn cảnh khan hiếm nhân công, giới chủ cũng chẳng cần phải cạnh tranh với nhau trả lương cao để thuê mướn họ. Số lượng nhân công trong trường hợp này trở nên nhiều hơn số công việc dành cho họ. Do số công việc có rất ít, người lao động thiếu việc làm lại nhiều, họ buộc phải cạnh tranh nhau để giành cho mình việc làm. Nếu ở những nước như vậy tiền công lao động trước đây có thể đủ để nuôi sống người lao động và gia đình, thì sự cạnh tranh giành việc làm giữa những người lao động và lợi ích của giới chủ sẽ nhanh chóng giảm tiền công xuống mức thấp nhất của người bình thường. Trung Hoa đã có thời kỳ giàu có nhất, vì đất đai màu mỡ, phì nhiêu lại được cày cấy, chăm bón tốt nhất, với những người cần cù và số dân đông nhất thế giới. Nhưng nước này cứ dậm chân tại chỗ từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, Mareo Polo, người đến Trung Hoa hơn 500 năm trước đây, đã tả đời sống của dân chúng, sự cần cù lao động của họ và mức đông dân cũng chẳng khác gì những người du lịch ngày nay tả về họ.
Có thể Trung Hoa đã có nhiều của cải và trở nên giàu có từ trước khi Marco Polo đến thăm và từ đó đến nay phát triển rất chậm. Theo lời kể của những người đến Trung Hoa ngày nay, tuy có nhiều sự trái ngược về những khía cạnh khác nhau, nhưng họ đều nhất trí là tiền công lao động thấp và người lao động gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi sống gia đình. Họ cảm thấy thỏa mãn khi được một vài lon gạo sau một ngày lao động cật lực trên đồng ruộng. Người thợ thủ công còn ở trong tình trạng tồi tệ hơn. Đáng lẽ ra họ ngồi đợi công việc làm tại xưởng theo yêu cầu của khách hàng như ở Châu Âu, thì họ lại phải đi lang thang ngoài đường phố với bộ đồ nghề trên vai để mời chào mọi người thuê mướn họ, làm như thể đi xin công việc vậy. Sự nghèo khó của các tầng lớp dưới trong dân chúng Trung Hoa còn vượt xa số phận của những dân tộc nghèo nàn, cơ cực ở Châu Âu. Ở vùng chung quanh Quảng Châu, người ta thường nói là có hàng trăm, hàng nghìn gia đình chẳng có nhà ở trên mặt đất mà sống trong thuyền trên các dòng sông và kênh lạc. Họ sống thiếu thốn quá đỗi đến mức họ vớt cả những đồ ăn thừa mà các tàu Châu Âu vứt bỏ. Những súc vật chết, như chó hay mèo, mặc dù đã tương đối thối và nặng mùi, đều được họ sử dụng như một thứ lương thực ngon lành nhất đối với nhân dân các nước khác. Hôn nhân được khuyến khích ở Trung Hoa, họ sinh con đẻ cái không phải vì chúng đem lại lợi ích vật chất gì cho họ, mà là để cho chúng tự do chết dần chết mòn vì không có gì để sống.
Trung Hoa tuy dậm chân tại chỗ nhưng không có dấu hiệu gì chứng tỏ nước này tụt lùi lại đằng sau. Dân chúng vẫn sinh sống khá đông tại các thành thị. Nông dân vẫn nhẫn nại canh tác trên mảnh đất quê hương không chút lơ là. Họ làm đầy đủ, hoặc ít nhất cũng gần đầy đủ mọi công việc đồng áng, gặt hái cần thiết mỗi năm, và quỹ dành để nuôi sống họ không bị giảm đi. Những người lao động thuộc tầng lớp thấp nhất, bất kể thiếu thốn về vật chất và thường kiếm không đủ sống, đã cố gắng làm thêm đủ mọi công việc để có thể duy trì dòng tộc của họ.
Điều này sẽ khác ở một nước mà quỹ dùng để trả công lao động bị suy sụp. Thường thường năm sau nhu cầu về đầy tớ và người lao động được giảm đi so với năm trước. Nhiều người được đào tạo với trình độ nghiệp vụ cao hơn, nhưng vì không có đủ công việc làm, nên đã phải bằng lòng tìm việc ở các ngành có trình độ nghiệp vụ thấp hơn. Các ngành sử dụng trình độ nghiệp vụ thấp này, không những có quá nhiều người lao động dư thừa rồi, lại còn phải gánh chịu sự dư thừa lao động của các ngành cao hơn, cho nên sự cạnh tranh giành công việc làm trở nên hết sức gay gắt và tất yếu dẫn đến việc hạ thấp lương lao động xuống tới mức tồi tệ nhất mà người lao động phải cam chịu để tồn tại. Nhiều người cũng chẳng thể tìm ra công việc làm, ngay cả khi chấp nhận những điều kiện nặng nề như vậy, và do đó họ không còn cách gì khác ngoài chịu chết đói hoặc bị đẩy đến chỗ phải đi ăn xin, ăn mày hoặc phạm những tội ác để có được tiền sinh sống. Thiếu thốn, đói khổ và chết chóc là những điều tất nhiên xảy ra với giai cấp đó và từ đó lại lan sang các giai cấp trên cho đến khi số dân trong nước giảm xuống tới mức có thể đảm bảo sinh sống bằng tiền thu nhập và số vốn còn lại. Điều này được phản ánh qua hoàn cảnh thực tế ở Bengai và ở một vài khu định cư của Anh ở Đông Ấn. Ở một nước đất đai phì nhiêu mà trước kia số dân còn ít ỏi, ở đó thời bây giờ kiếm ăn sinh sống cũng không có gì khó khăn lắm nhưng hàng năm ba tới bốn trăm nghìn người phải chịu chết đói, vì thế có thể tin rằng ở nước đó ngày nay quỹ dùng để nuôi sống những người lao động nghèo đang giảm đi nhanh chóng. Tình trạng khác nhau giữa Bắc Mỹ và Đông Ấn thể hiện một cách sinh động sự tài giỏi của Hiến chương Anh quốc trong việc bảo vệ và cai trị Bắc Mỹ và sự thống trị nghiệt ngã và áp lực quá đáng của công ty thương mại Đông Ấn của Anh.
Đền bù đầy đủ sức lao động là một triệu chứng tự nhiên của việc tăng thêm của cải của đất nước. Việc duy trì sự sinh sống của người lao động nghèo khổ ở mức độ quá ư thiếu thốn, trái lại, là một triệu chứng tự nhiên cho thấy mọi vật đang ngừng trệ và dân chúng đang đói khổ và chết dần chết mòn, như thế họ sẽ nhanh chóng bị tụt hậu.
Ở Anh hiện nay, tiền công lao động rõ ràng là cao hơn mức cần thiết để giúp cho người lao động có thể nuôi nổi gia đình họ. Để có được sự hiểu biết về điểm này, không cần thiết phải đưa ra những tính toán để xem thế nào là số tiền ít nhất cần cho người lao động dùng để nuôi gia đình. Có nhiều triệu chứng cho thấy là tiền công lao động ở bất kỳ đâu cũng không kém mức tối thiểu này mà bất kỳ người dân thường nào cũng phải kiếm được.
Trước hết, ở tất cả các nơi ở Anh, người ta thấy có sự khác biệt, ngay cả ở những loại lao động thấp nhất, giữa tiền công mùa đông và tiền công mùa hè. Công mùa hè bao giờ cũng cao nhất. Nhưng việc nuôi gia đình vào mùa đông lại tốn kém hơn nhiều vì phải chi tiêu mua nhiên liệu sưởi. Vì vậy, tiền công được trả cao nhất khi chi tiêu lại ít nhất, rõ ràng là tiền công không được điều chỉnh bằng sự cần thiết phải chi tiêu nhiều hơn mà bằng số lượng và giá trị của sản phẩm. Một người lao động biết lo xa phải tìm cách dành dụm một phần tiền công mùa hè để thanh toán chi phí cao về mùa đông và bằng cách làm như vậy, tiền công của cả năm có thể trang trải chi phí của toàn gia đình anh ta trong cả năm. Một người nô lệ, hay bất kỳ ai dựa vào người khác để sinh sống hàng ngày, thì không thể làm được như vậy.
Thứ hai, tiền lương lao động ở Anh không biến động theo giá lương thực, thực phẩm. Giá thực phẩm thường thường thay đổi từ năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác. Nhưng ở nhiều nơi, tiền công lao động vẫn giữ y nguyên không thay đổi có khi đến một nửa thế kỷ. Nếu ở những nơi đó, người lao động nghèo có thể nuôi được gia đình trong những năm đắt đỏ là vì họ dành dụm được tiền trong những năm lương thực dồi dào và rẻ. Giá lương thực cao trong 10 năm qua không làm cho tiền công lao động được nâng lên đáng kể ở nhiều nơi trong nước Anh. Tiền công có được nâng lên ở một vài nơi nhưng không phải do giá lương thực cao mà là do nhu cầu về lao động tăng.
Thứ ba, giá thực phẩm biến động tùy theo từng năm nhưng tiền công lao động lại thay đổi tùy theo từng vùng. Giá bánh mì và thịt thường không thay đổi hay hầu như không thay đổi ở phần lớn các vùng trên đất nước Anh. Bánh mì, thịt và nhiều loại thực phẩm khác bán lẻ cho người lao động nghèo nơi chúng rẻ, và rẻ hơn vì những lý do mà tôi sẽ giải thích dưới đây. Nhưng tiền công lao động ở một thành phố lớn và những vùng lân cận thông thường cao hơn các nơi khác ở xa thành phố vài dặm khoảng 1/4 hoặc 1/5, tức là 20 đến 25%. 18 penny một ngày công lao động có thể tính là giá trả công thông thường ở London và vùng xung quanh. Nếu ở xa hơn độ vài dặm, giá công lao động hạ xuống còn 14 đến 15 penny. 10 penny là giá công lao động một ngày ở Edinburgh và vùng lân cận. Nếu ở xa hơn độ vài dặm, giá công lao động tụt xuống còn 8 penny – đây là giá thông thường ở hầu hết các vùng đất thấp tại Scotland, ở xứ này, giá công lao động biến động ít hơn nhiều so với ở Anh. Sự chênh lệch về giá công lao động như vậy chưa đủ hấp dẫn để chuyển một người từ vùng này sang vùng khác, nhưng lại gây ra sự chuyên chở một khối lượng hàng hóa lớn không những từ vùng này đến vùng khác mà cả từ nước này sang nước khác, làm cho giá cả gần như bằng nhau. Kinh nghiệm cho thấy con người là khó di chuyển nhất. Nếu một người lao động nghèo có thể nuôi gia đình ở những nơi thuộc vương quốc Anh mà ở đó giá công lao động thấp nhất, thì họ tất sẽ trở thành giàu có, nếu sống ở những nơi giá lao động cao nhất.
Thứ tư, những biến động về giá công lao động không những không phù hợp về thời gian hoặc không gian với giá thực phẩm, mà thường là trái ngược hẳn.
Giá thóc lúa, lương thực của người bình dân, đắt hơn ở Scotland so với ở Anh mà từ nước này Scotland hàng năm nhập rất nhiều. Giá công lao động, ngược lại ở Anh lại đắt hơn ở Scotland. Do đó, nếu người lao động nghèo có thể nuôi gia đình ở xứ này của vương quốc Anh, thì họ có thể trở thành giàu có khi chuyển đến vùng khác trong cùng một vương quốc. Bột yến mạch là một thứ lương thực tốt nhất của người lao động bình thường ở Scotland nhưng loại này thông thường kém phẩm chất so với loại tương tự ở các vùng khác ở Anh. Nhưng sự khác biệt về cách sinh hoạt không phải nguyên nhân mà là hậu quả của sự chênh lệch về tiền công lao động, mặc dù, do hiểu lầm, tôi thường được giải thích sự khác biệt đó chính là nguyên nhân. Không phải vì một người đi xe ngựa và người láng giềng của ông ta đi bộ mà người này giàu, người kia nghèo, mà vì người này giàu nên có xe ngựa, và vì người kia nghèo nên phải đi bộ.
Vào thế kỷ trước, thóc lúa đều đắt hơn ở cả hai vùng của vương quốc Anh so với giá hiện nay. Đây là một thực tế hiển nhiên không thể nghi ngờ gì, và chứng cớ của nó lại có tính quyết định đối với Scotland hơn là đối với Anh. Mặc dù ở cả hai vùng của liên hiệp vương quốc Anh, giá thóc lúa có phần nào chắc chắn rằng giá công lao động còn rẻ hơn nhiều. Nếu như người lao động nghèo có thể nuôi gia đình họ thời bây giờ, thì chắc chắn bây giờ họ còn dễ chịu hơn nhiều. Vào thế kỷ trước, tiền công lao động bình thường phổ biến trên trong phần lớn xứ Scotland là 6 penny vào mùa hè và 5 penny vào mùa đông. Ba shilling tiền công trong một tuần, giá công này hãy còn tiếp tục được trả ở một vài nơi ở vùng cao và ở các đảo phía tây. Tiền công thông thường nhất của người lao động bình thường trên phần lớn miền đất thấp hiện nay là 8 penny một ngày. Giá công này cao hơn: 10 penny, đôi khi 1 shilling, ở Edinburgh và những tỉnh giáp với Anh và ở cả một vài nơi mà gần đây có nhu cầu về nhân công nhiều hơn như Giasgow, Carron, Ayrshire,…
Ở nước Anh, những tiến bộ về nông nghiệp, công nghiệp chế tạo và thương mại đã bắt đầu sớm hơn nhiều so với xứ Scotland. Cùng với những tiến bộ đó, người chủ đòi hỏi nhiều nhân công hơn và do đó giá công lao động tất nhiên phải tăng lên. Do đó, vào thế kỷ trước cũng như ở thế kỷ hiện nay, tiền công lao động ở Anh cao hơn so với ở xứ Scotland. Giá công lao động thực sự đã tăng lên khá nhiều từ thời đó, mặc dù thật khó mà biết được tiền công lao động đã tăng lên bao nhiêu và tiền công rất đa dạng và trả tùy theo vùng, và tùy theo loại công việc. Năm 1614 người lính bộ binh đã được trả lương cũng chẳng khác gì hiện nay, 8 penny một ngày. Khi sắp xếp tiền lương trả cho binh lính, người ta đã tính trên cơ sở tiền công thông thường của những người lao động bình thường mà chính từ tầng lớp người này binh lính thường được tuyển mộ. Chánh Án Tòa án tối cao Hales, trong bài viết dưới thời vua Charles II, đã tính toán chi tiêu cần thiết của một gia đình lao động gồm 6 người: cha, mẹ và hai con có khả năng lao động và hai con nhỏ chưa lao động được, số tiền cần thiết này là 10 shilling một tuần, hoặc 26 bảng một năm. Nếu họ kiếm không đủ số tiền này bằng sức lao động, họ tất yếu phải xoay sở bằng cách ăn cắp hay ăn xin, ông ta đã giả định như vậy. Ông ta đã có nhiều cố gắng làm một cuộc điều tra tỉ mỉ về vấn đề này. Năm 1688, ông Gregory King có tài về mật số học chính trị đã được tiến sĩ Davenant hết sức thần phục và ca ngợi, đã tính toán tiền thu nhập trung bình của người lao động và đầy tớ ở ngoài (không ở trong nhà chủ) phải vào cỡ 15 bảng một năm để nuôi một gia đình mà ông giả sử là có 3 người rưỡi (tính trung bình). Những tính toán của ông ta, tuy có khác về bề ngoài, nhưng lại rất phù hợp với tính toán của ông Chánh Án Hales. Cả hai đều giả định là chi tiêu hằng tuần của những gia đình như thế vào khoảng 20 penny 1 người. Cả thu nhập bằng tiền và chi tiêu của những gia đình này tăng lên khá nhiều kể từ thời gian đó trên khắp mọi nơi ở vương quốc Anh. Có thể có nơi khá hơn, cũng có nơi kém hơn, nhưng có lẽ hiếm thấy ở nơi nào đó lại quá nhiều như trong một vài bản tường trình huyênh hoang về tiền công lao động hiện nay mới được công bố cho công chúng biết. Cũng cần phải nhận xét rằng tiền công lao động không thể xác định được cụ thể và chính xác ở bất kỳ nơi nào vì tại cùng một nơi và cùng một công việc tiền lương nhiều khi được trả khác nhau. Tiền lương không phụ thuộc vào khả năng của người thợ mà còn tùy thuộc vào tính rộng rãi hay hẹp hòi của người chủ.
Ở nơi nào tiền công không do luật pháp điều chỉnh, tất cả những gì chúng tôi có thể tham vọng xác định là tiền công của những công việc thông thường nhất mà thôi. Kinh nghiệm cho thấy là luật pháp không bao giờ có thể điều chỉnh đúng được tiền công mặc dù luật pháp có ý muốn làm như thế.
Sự đền bù thực tế cho lao động, số lượng hàng thiết yếu và mọi tiện nghi cho đời sống mà sức lao động mang lại cho người lao động trong thế kỷ hiện nay, có thể đã tăng lên nhiều hơn là giá công lao động tính bằng tiền. Thóc lúa rẻ hơn trước. Nhiều thứ lương thực khác nữa, mà từ đó người lao động nghèo cần cù có thể tìm thấy được những thức ăn ngon lành, lại còn rẻ hơn nhiều. Chẳng hạn, khoai tây hiện nay chỉ bằng nửa so với 20, 40 năm trước. Giá cả cũng tương tự như vậy đối với củ cải, cà rốt, cải bắp. Những thứ trước đây người ta thường trồng bằng cái cuốc trong tay, ngày nay được trồng trọt bằng cái cày và sức kéo của con vật. Tất cả mọi thứ thu hoạch từ vườn đều bán rẻ hơn trước. Cần phải nhắc lại ở đây là trong thế kỷ trước, nước Anh phải nhập từ Flanders phần lớn táo và củ hành tỏi nữa, những thứ người Anh rất hay tiêu dùng thì nay được trồng ở khắp nơi với giá có thể chấp nhận được. Ngành công nghiệp chế tạo vải lanh và vải len đã có những bước tiến bộ dài, như vậy đã cung cấp đủ cho người lao động những thứ hàng vải vóc với giá rẻ hơn và phẩm chất tốt hơn. Đó là chưa kể đến công nghiệp chế tạo các đồ dùng bằng kim khí cũng như các đồ vật cần dùng trong gia đình như bàn, ghế, tủ, giường,… Giá xà phòng, nến , da và các thứ đồ dùng có men đã bị đắt hơn nhiều chủ yếu do bị đánh thuế. Tuy vậy, người lao động cũng chẳng bị thiệt thòi gì nhiều mặc dù họ cũng phải dùng các thứ nói trên vì giá hàng của các vật phẩm này tuy có cao nhưng họ lại được đền bù bằng giá hạ của nhiều loại hàng khác, nhất là lương thực, thực phẩm. Điều than phiền là việc dùng xa xỉ phẩm đã xâm nhập đến các tầng lớp thấp nhất và người lao động nghèo không còn bằng lòng với các loại lương thực, thực phẩm, quần áo và nhà ở mà trước kia họ rất thỏa mãn khi có được, điều than phiền này khẳng định là không chỉ giá công lao động, mà cả nước đền bù thực tế cho lao động tăng lên.
Vậy sự tiến bộ trong hoàn cảnh sinh sống của các tầng lớp nghèo được coi là một điều tốt hay một điều bất lợi cho xã hội? Câu trả lời mới thoạt đầu hình như cũng khá đơn giản. Đầy tớ, người lao động và thợ thủ công các loại chiếm phần lớn số dân trong mọi xã hội. Nhưng điều gì làm cho hoàn cảnh của họ ngày càng tốt hơn không thể coi là bất lợi cho xã hội, cho toàn thể đất nước. Không có một xã hội nào lại có thề phồn vinh, hạnh phúc trong khi đa số dân chúng sống khổ sở, cơ cực. Cần phải có sự công bằng trong đời sống xã hội, những người nào làm ra mọi của cải: lương thực, vải vóc, nhà cửa cho toàn xã hội, cần phải được hưởng một phần số của cải mà họ làm ra bằng sức lao động của chính họ.
Sự nghèo đói phần nào làm nản lòng nhưng không bao giờ có thể ngăn chặn các cuộc hôn phối vì nó làm cho các thế hệ nối tiếp nhau nẩy nở. Một phụ nữ ở vùng cao tuy đang chết đói dở nhưng vẫn đẻ ra hơn 20 người con. Trong khi một quý bà giàu có, xinh đẹp thường lại chẳng có một lần sinh nở nào và nếu như sinh hạ được 2, 3 con, thì bà ta đã cảm thấy kiệt quệ về sức lực. Tình trạng vô sinh thường hay thấy ở những người đàn bà giàu có, nhưng rất hiếm thấy trong số những người nghèo. Cảnh phong lưu, sung túc của phụ nữ, trong khi kích thích đam mê mọi thú vui thì lại thường làm cho họ mất hết khả năng sinh đẻ.
Cái nghèo mặc dù không ngăn chặn được quá trình sinh đẻ, nhưng lại gây ra nhiều khó khăn trong việc nuôi con. Một cây non mới mọc, nhưng khí hậu lạnh lẽo và khắc nghiệt tất sẽ làm cho cây đó héo tàn và chết lụi. Tôi được biết là ở vùng cao nguyên xứ Scotland, người đàn bà có thể sinh 20 con nhưng chẳng nuôi nổi 2 con cho đến tuổi khôn lớn. Rất ít trẻ em sống đến độ tuổi 13, 14. Ở một vài vùng, một nửa số trẻ em ra đời chết trước khi chúng lên 3; ở một số vùng khác chúng không sống đến tuổi lên 7, và ở hầu hết các nơi, chúng không vượt quá độ tuổi lên 9 hoặc lên 10. Tình trạng tử vong trẻ em khá cao, nhất là trong những gia đình bình thường vì họ không có điều kiện chăm sóc, nuôi nấng chúng như con các nhà khá giả. Mặc dù hôn nhân của những cặp trai gái bình thường mắn con hơn những cặp vợ chồng phong lưu, đài các, nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ con cái của họ đạt tới tuổi trưởng thành. Người ta thấy ở các trại nuôi trẻ con bị bỏ rơi, tỷ lệ tử vong còn cao hơn nhiều so với trẻ sinh trong các gia đình bình thường.
Các loại động vật đều sinh sản một cách tự nhiên tùy theo phương cách sinh sống của chúng, và không có loài nào có thể sinh sản ngoài cách đó được. Nhưng trong một xã hội văn minh, sự thiếu thốn vật chất của các tầng lớp người thấp kém và nghèo hèn có thể hạn chế quá trình sinh sản của nhân loại vì đa số trẻ em sinh ra từ những cuộc hôn nhân giữa các cặp trai gái trong các tầng lớp đó thường chết yểu do thiếu thốn đủ mọi thứ.
Sự trả công hậu đối với lao động bằng cách giúp họ chăm sóc, nuôi dạy trẻ và sau đó có một gia đình đông đúc, đang có chiều hướng mở rộng những giới hạn đó. Cũng nên nhận thấy việc làm này càng tỏ ra cần thiết hơn khi nhu cầu về nhân công càng tăng. Nếu nhu cầu này tiếp tục tăng, việc trả công lao động nhất thiết phải khuyến khích việc hôn nhân và sinh đẻ để đáp ứng đòi hỏi ngày càng tăng về dân số. Nếu sự trả công lao động không đủ để đáp ứng đòi hỏi này, thì sự thiếu hụt nhân công sẽ buộc phải tăng mức đền bù này. Nếu trả công lao động nhiều hơn thì việc sinh đẻ quá mức sẽ làm giảm tiền trả công xuống mức cần thiết nói trên. Thị trường lao động, khi thì có quá nhiều nhân công, khi thì không có đủ nhân công để thỏa mãn nhu cầu sử dụng, do đó giá công lao động được quyết định bởi quy luật cung cầu mặt hàng này. Chính theo cách này mà nhu cầu về nhân công, cũng như nhu cầu về bất kỳ thứ hàng hóa nào khác, nhất thiết phải điều chỉnh số người sinh ra. Chính nhu cầu này điều chỉnh và quyết định tình trạng dân số ở nhiều nước khác nhau, ở Bắc Mỹ, ở Châu Âu và ở Trung Hoa; và tình trạng dân số làm cho một nước có thể trở nên tiên tiến, lạc hậu hay tĩnh lập; tùy theo từng trường hợp. Sự hao mòn sức lực của một người nô lệ là do chủ nô định đoạt, nhưng của một người đầy tớ tự do lại do chính anh ta chịu trách nhiệm. Nhưng thực ra sự hao mòn cơ thể của người nô lệ cũng như người đầy tớ là do chủ nô hay do người chủ thuê mướn nhân công bù đắp. Tiền công trả cho người thợ và người đầy tớ cần phải đủ để cả hai tiếp tục dòng giống của mình tùy theo nhu cầu của xã hội tăng, giảm hay tỉnh lập. Nhưng mặc dù sự hao mòn cơ thể của người đầy tớ tự do cũng do người chủ thuê mướn nhân công bù đắp, người chủ này thường trả tiền công lao động cho người đầy tớ ít hơn nhiều so với cái giá mà chủ nô trả cho người nô lệ. Theo kinh nghiệm của nhiều thời đại và nhiều quốc gia, công việc của người lao động tự do rút cuộc được trả công rẻ hơn so với công việc của người nô lệ. Điều này được thấy ngay cả ở Boston, New York và Philadelphia nơi mà tiền công lao động bình thường rất cao. Vì thế lao động được đền bù xứng đáng dẫn đến sự giàu có ngày càng tăng và đó là nguyên nhân của việc tăng dân số. Than phiền về chuyện này là ca thán về hậu quả và nguyên nhân tất yếu của sự phồn vinh chung của đất nước.
Cần phải nhận thấy là chính tại quốc gia tiến bộ khi mà xã hội đang ngày càng có được nhiều của cải hơn, chứ không phải khi xã hội đã hoàn toàn giàu có, điều kiện sống của người lao động nghèo, tức là phần lớn số dân, có lẽ là hạnh phúc nhất và thoải mái nhất. Điều kiện sống đó là khó khăn tại một quốc gia tỉnh lập, và cơ cực tại một quốc gia suy thoái. Một quốc gia tiến bộ là một quốc gia hạnh phúc và vui vẻ đối với các tầng lớp xã hội khác nhau. Quốc gia tỉnh lập thì buồn tẻ, mà suy thoái thì sầu não.
Sự đền bù đầy đủ sức lao động khuyến khích mọi sự phát triển và làm tăng thêm tính nhẫn nại, cần cù lao động của người dân bình thường. Tiền công lao động là sự cổ vũ, khuyến khích sự cần cù và tính siêng năng, và theo bản chất của con người, sự cần cù siêng năng lại càng cao khi sự khuyến khích vật chất lại càng lớn. Sinh sống càng đầy đủ thì sức khỏe của người lao động càng dồi dào. Niềm hy vọng ngày càng có điều kiện sống tốt đẹp hơn và cuộc đời sẽ ngày càng sung sướng và đầy đủ hơn làm cho người lao động mang hết sức lực, tài năng ra làm việc. Khi được hưởng tiền công cao, người thợ làm việc tích cực, chăm chỉ và khẩn trương hơn khi nhận được tiền công thấp. Điều này dễ dàng nhận thấy hơn ở Anh so với ở Scotland và ở các thành thị lớn so với ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Một vài người thợ khi kiếm trong bốn ngày đã đủ ăn trong cả tuần thường không làm gì trong ba ngày còn lại. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp chung đối với phần lớn các người thợ. Khi được trả lương hậu theo sản phẩm, người thợ làm hết sức mình và có thể hủy hoại sức khỏe của mình trong mấy năm. Một người thợ mộc ở London có thể làm với toàn bộ cơ bắp ở mức cao nhất nhưng không thể kéo dài quá 8 năm. Việc này cũng thường thấy ở nhiều nghề khác mà ở đó người thợ được trả công theo sản phẩm khi làm việc trong ngành công nghiệp chế tạo và ngay cả trong các công việc lao động ở nông thôn khi họ được trả công cao hơn bình thường. Hầu hết các thợ thủ công đều bị chi phối bởi ý nghĩ là làm miệt mài hết sức để hoàn thành loại công việc được giao phó, bất kể làm như thế có hại cho sức khỏe của họ. Ramuzzini, một người thầy thuốc Italia nổi tiếng, đã viết một cuốn sách về căn bệnh này. Chúng tôi không coi những người lính là những người cần cù, chăm chỉ nhất trong số chúng ta. Tuy nhiên, khi những người lính được sử dụng vào một loại công việc đặc biệt nào đó và được trả tiền công hậu hỉ theo sản phẩm làm ra, các sỉ quan của họ thường buộc phải quy định với người thầu khoán là binh lính làm công việc đặc biệt này, không được phép nhận một số tiền nào đó cao hơn số quy định hàng ngày theo mức họ được trả. Trước khi quy định này được đưa ra áp dụng, các binh lính đã thi đua làm việc để vượt mức và đã làm quá sức đến nỗi sức khỏe bị tổn hại do lao động quá mức. Áp dụng làm việc quá mức trong bốn ngày trong tuần thường là nguyên nhân thực tế gây ra tình trạng ăn không ngồi rồi trong ba ngày còn lại, và việc làm này đã bị nhiều người than phiền. Lao động căng thẳng, dù đó là trí óc hay tay chân, tiếp diễn trong vài ngày liên tục, cần phải được có thì giờ nghỉ ngơi, giải trí, đó là ý muốn của mọi người lao động. Nếu không hạn chế bằng sự bắt buộc hay bằng một biện pháp cần thiết nào khác thì hầu như khó tránh khỏi sự lao động căng thẳng này. Đó là đòi hỏi của thiên nhiên cần phải được thanh thản, thoải mái sau những ngày làm việc, đôi khi cũng được ăn chơi phóng đãng và tham gia các trò giải trí trong các ngày nghỉ. Nếu không được như vậy, hậu quả đôi khi khá nguy hại và đôi khi còn gây tai họa nguy hiểm đến tính mệnh. Nếu người chủ chịu nghe theo những lời khuyên bảo của lý trí và tinh thần nhân đạo, họ tất phải điều chỉnh việc làm của người thợ cho vừa với sức lực của họ, chứ không nên tận dụng sức lao động có lợi cho họ, dù chỉ là lợi ích trước mắt. Tôi tin và đã thấy là ở các nghề khác nhau, người lao động, khi làm việc điều độ thì có khả năng làm việc bền bỉ, lâu dài, họ không những giữ được sức khỏe lâu dài nhất, mà hơn nữa còn làm ra lượng sản phẩm nhiều hơn.
Người ta cho rằng công nhân thường nhàn rỗi vào những năm giá hàng hóa rẻ, và cần cù, chăm chỉ làm việc vào những năm giá hàng hóa đắt. Một cuộc sống sung túc thường làm cho người lao động lười nhác, không thích làm việc, và một cuộc sống thiếu thốn lại thúc đẩy họ làm việc hăng say. Người ta không còn nghi ngờ là chỉ đầy đủ hơn chút ít so với bình thường đã có thể làm cho một số người thợ trở nên lười biếng, nhưng không đúng, nếu như nói rằng điều này đã ảnh hưởng đến đa số người lao động, hoặc nói rằng người ta khi túng đói làm việc tốt hơn là khi no đủ, khi thất vọng họ làm việc tốt hơn là khi sảng khoái; khi họ hay ốm yếu thì làm tốt hơn là khi họ mạnh khỏe. Mọi người đều khẳng định là trong những năm đắt đỏ thường thấy có nhiều dân bình thường đau yếu, bị bệnh tật và chết chóc, điều đó không thể không làm giảm sút lương của họ. Trong những năm dồi dào, no đủ, đầy tớ thường rời bỏ nhà chủ và đi kiếm ăn bằng công sức lao động của họ. Giá lương thực, thực phẩm rẻ đã thúc đẩy các ông chủ, nhất là chủ trại, thuê mướn nhiều nhân công hơn. Các chủ trại trong các dịp đó mong kiếm được nhiều lợi nhuận từ ngũ cốc bằng cách thuê thêm ít nhân công hơn là bán ngũ cốc với giá rẻ trên thị trường. Nhu cầu thuê nhân công tăng, trong khi số người xin làm việc lại giảm. Do đó, giá lao động luôn tăng trong những năm giá rẻ.
Trong những năm khan hiếm, đời sống khó khăn và không bảo đảm đã khiến cho nhiều người đi xin việc làm. Nhưng do giá lương thực, thực phẩm cao, quỹ dùng để nuôi đầy tớ bị giảm sút, cho nên chủ không muốn tăng mà còn giảm bớt số đầy tớ họ đang thuê mướn. Trong những năm đắt đỏ, những người thợ nghèo kiếm ăn độc lập thường tiêu xài số vốn nhỏ nhoi mà trước đây họ dùng để mua vật liệu để tự sản xuất hàng hóa, cho nên họ bắt buộc phải đi làm công nhật. Càng ngày càng có nhiều người xin việc làm nhưng rất khó được chấp nhận làm việc. Nhiều người muốn nhận làm việc với những điều kiện công sá thấp hơn bình thường. Vì thế tiền lương của cả thợ lẫn đầy tớ đều thấp hơn trong những năm đắt đỏ.
Các chủ thuê mướn nhân công thường có lợi thế khi thuê đầy tớ vào những năm đắt đỏ hơn là vào những năm hàng hóa rẻ. Họ thấy người lao động vào những năm đắt đỏ phải khúm núm và phụ thuộc vào họ nhiều hơn là vào những năm giá rẻ. Do đó, họ ca ngợi những năm đắt đỏ như là những thời kỳ thuận lợi hơn để kiếm chác. Địa chủ và trại chủ lại càng có thêm lý do để bày tỏ sự thỏa mãn của họ với những năm đắt đỏ. Địa tô của những kẻ này và lợi nhuận của những kẻ kia phần lớn dựa vào giá lương thực. Không có gì phi lý hơn nếu nghĩ rằng người lao động làm việc ít hơn khi làm việc cho bản thân so với khi làm cho người khác. Một người thợ độc lập nghèo chắc chắn sẽ làm việc cần cù, chăm chỉ hơn một người thợ làm theo sản phẩm. Người thợ độc lập ít bị cám dỗ bởi những thứ bạn xấu mà trong các xưởng chế tạo công nghiệp lớn thường làm hư hỏng tinh thần làm việc của đồng nghiệp. Những người thợ độc lập hơn hẳn các đầy tớ được thuê mướn với số tiền công và tiền nuôi cơm giống nhau, dù học làm việc nhiều hay ít. Những năm hàng hóa rẻ có chiều hướng tăng số người thợ độc lập so với thợ công nhật và đầy tớ, và những năm đắt đỏ lại làm cho số người này giảm đi.
Một tác giả Pháp có tầm cỡ hiểu biết và tài năng lớn, ông Messance, đã cố gắng trình bày rằng người nghèo trong những năm hàng hóa hạ phải làm nhiều công việc hơn là trong những năm đắt đỏ bằng cách so sánh số lượng và giá trị hàng hóa sản xuất vào những năm khác nhau đó trong 3 ngành công nghiệp: một ngành sản xuất hàng len thô ở Eleuf; một ngành sản xuất vải lanh, và một ngành tơ sợi, cả hai ngành sau rải ra trên toàn tỉnh Rouen. Qua bản tường trình của ông ta, bản sao các sổ ghi chép của các cơ quan nhà nước, ông ta khẳng định là số lượng và giá trị hàng hóa sản xuất trong ba ngành này luôn luôn cao hơn trong những năm hàng hóa rẻ so với những năm đắt đỏ. Sản lượng thường cao nhất trong năm hàng hóa rẻ nhất và thấp nhất trong năm đắt đỏ nhất. Cả ba ngành đều ở tình trạng tỉnh lập hay là nói chung không tiến mà cũng chằng lùi, dù sản lượng các ngành này có đôi chút biến động theo từng năm. Vải lanh ở Scotland và các mặt hàng len ở West Riding thuộc Yorkshire là những ngành sản xuất tăng tiến với hàng hóa ngày càng nhiều về số lượng và tăng về giá trị. Qua những quyết toán hàng năm về sản lượng hàng hóa không thể thấy là những biến động về sản lượng có mối liên quan đáng kể với tình trạng đắt, rẻ qua các mùa trong năm. Năm 1740, một năm cực kỳ khan hiếm hàng hóa, cả hai ngành này giảm sút rõ rệt. Nhưng năm 1756, một năm rất khan hiếm khác, ngành sản xuất lạnh ở Scotland đã có những tiến bộ đặc biệt. Ngành sản xuất ở Yorkshire giảm sút, sản lượng không đạt những chỉ tiêu năm 1755 cho mãi đến năm 1766 sau khi Mỹ bãi bỏ đạo luật về in dấu hiệu đặc biệt trên nhãn hàng. Từ năm đó trở đi ngành sản xuất ở Yorkshire đã nhanh chóng vượt những chỉ số trước đó và tiếp tục đi lên.
Hàng hóa do các ngành công nghiệp chế tạo làm ra khi đem bán ở các nơi xa ít phụ thuộc vào tình trạng đắt, rẻ ở nước sản xuất mà phần lớn phụ thuộc vào các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu ở các nước tiêu thụ hàng; còn tùy thuộc chiến tranh hay hòa bình ở nơi tiêu thụ, và hơn thế nữa, còn phải xem xét khả năng cạnh tranh của sản xuất ở địa phương như thế nào. Ngoài ra, phần lớn những việc đột xuất được làm trong những năm giá rẻ và ít được biết đến. Đầy tớ nam thường rời bỏ chủ nhà đã thuê mướn họ để trở thành lao động độc lập. Phụ nữ quay trở về với gia đình bố mẹ họ và thường làm nghề quay tơ dệt vải để tự trang phục và cung cấp cho gia đình. Ngay cả những người thợ làm việc độc lập cũng không sản xuất để bán cho người tiêu dùng như thường lệ mà họ được những người láng giềng thuê làm để phục vụ cho sự tiêu dùng cả gia đình họ. Do đó, những sản phẩm mà những người này làm ra không được ghi chép vào sổ sách của nhà nước, nhưng các nhà sản xuất và các thương nhân vẫn dùng những sổ sách này để huênh hoang tuyên bố về sự phồn vinh hoặc suy tàn của các đế chế hùng mạnh nhất.
Mặc dù giá công lao động biến động không như giá thực phẩm, mà thường ngược lại, chúng ta không thể thông qua nhận định trên đây để nghĩ rằng giá thực phẩm không ảnh hưởng đến giá công lao động. Giá công lao động tính bằng tiền nhất định phải được điều chỉnh bằng hai yếu tố: nhu cầu về lao động và giá các mặt hàng thiết yếu và tiện nghi cho đời sống.
Tùy theo nhu cầu về lao động tăng, giảm hoặc không thay đổi, hoặc tùy theo số dân gia tăng, giảm hay không thay đổi, nhu cầu về lao động quyết định số lượng nhu yếu phẩm và tiện nghi cần thiết phải cung cấp cho người lao động, và giá lao động tính bằng tiền được ấn định sao cho có thể mua được lượng hàng này. Mặc dù giá công lao động thường đôi khi cao trong khi giá lương thực, thực phẩm thấp, giá công này tất còn phải cao hơn nữa nếu giá lương thực, thực phẩm lên cao, do nhu cầu vẫn giữ nguyên.
Do nhu cầu về lao động tăng vào những năm phồn vinh đặc biệt và giảm vào những năm suy thoái, cho nên giá công lao động đôi khi cao trong những năm này và thấp trong những năm khác.
Điều này rất dễ hiểu là vào những năm phồn vinh, quỹ nằm trong tay người chủ dùng trả công lao động khá dồi dào để thuê mướn số người lao động nhiều hơn những năm trước khi quỹ đó không đủ để chi trả. Nhưng người chủ muốn thuê mướn thêm nhiều nhân công, tất nhiên phải trả giá cao hơn so với những người chủ khác, và làm như thế họ đã làm tăng giá thực tế và giá tính bằng tiền của lao động làm thuê.
Điều trái ngược tất nhiên xảy ra vào năm đặc biệt khan hiếm. Quỹ dùng để thuê lao động không còn đầy đủ như các năm trước nữa. Một số lớn lao động tất nhiên bị sa thải và để có việc làm, họ phải cạnh tranh với nhau và giảm cả giá thực tế lẫn giá danh nghĩa của lao động. Năm 1740, một năm khan hiếm, khó khăn ghê gớm, nhiều người phải nhận một số tiền công chỉ vừa đủ sống mà thôi. Nhưng những năm sau đó sự phồn vinh quay trở lại, nhân công lại trở nên khan hiếm và rất khó thuê mướn được thợ và đầy tớ.
Như thế, người ta thấy rõ là năm khan hiếm làm giảm nhu cầu về lao động và do đó hạ giá lao động, trong khi giá lương thực cao có xu hướng làm tăng giá tiền thuê mướn nhân công. Sự dồi dào lương thực trong năm mà mọi thứ đều rẻ, làm tăng nhu cầu về lao động và có xu hướng làm tăng giá lao động, trong khi giá lương thực rẻ lại có xu hướng làm giảm giá lao động. Trong những biến động bình thường của giá lương thực, cả hai nguyên nhân trái ngược nhau này hình như cân bằng nhau, và có lẽ một phần đó là lý do tại sao tiền công lao động ở mọi nơi đều giữ giá và ít thay đổi hơn so với giá lương thực.
Tiền công lao động tăng tất yếu làm cho giá nhiều mặt hàng cùng tăng theo bằng cách tăng thành phần cấu thành tiền công trong giá hàng và cho đến nay có xu hướng làm giảm mức tiêu thụ ở trong nước và ở nước ngoài. Tuy vậy, cũng là nguyên nhân làm tăng tiền công lao động, việc tăng tiền vốn có xu hướng làm tăng năng suất lao động khiến cho một lượng lao động ít hơn có thể làm ra một lượng sản phẩm nhiều hơn. Người chủ có vốn bỏ ra kinh doanh thuê mướn một số lớn người lao động và tất nhiên cố gắng phân công và phân phối việc làm như thế nào đó để có thể làm ra lượng sản phẩm nhiều nhất có thể được, có lợi cho người chủ. Cũng vì thế, người chủ đó cung cấp cho người lao động những máy móc tốt nhất mà ông ta có thể có. Điều gì xảy ra với người thợ ở một xưởng chế tạo đó cũng xảy ra với người lao động ở khắp nơi trong nước. Số thợ càng đông bao nhiêu, phân công lao động giữa họ càng tỉ mỉ, tinh vi bấy nhiêu, và các công đoạn sản xuất càng chia nhỏ bấy nhiêu. Nhiều người có tài năng được sử dụng vào việc chế tạo các loại máy móc thích hợp để làm cho công việc của mỗi người thợ tăng được năng suất lao động. Rất nhiều hàng hóa được làm ra với lượng công lao động ít hơn trước nhiều do có những cải tiến về máy móc, cho nên giá công lao động tăng được bù đắp dư thừa bởi lượng lao động giảm bớt.