Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 1 - Chương 10
Chương X
TIỀN CÔNG VÀ LỢI NHUẬN TRONG CÁC CÁCH SỬ DỤNG LAO ĐỘNG VÀ VỐN
Mọi lợi thế và bất lợi trong các cách sử dụng lao động và vốn ở cùng một vùng phải hoàn toàn ngang bằng hoặc luôn luôn hướng đến sự ngang bằng. Nếu cùng ở trong một vùng nào đó, có một công việc nào đó tỏ ra có lợi thế hơn hoặc bất lợi hơn so với các công việc khác, thì rất nhiều người sẽ kéo đến xin làm công việc có lợi hơn và cũng không ít người sẵn sàng từ bỏ công việc bất lợi hơn. Vì thế công việc có lợi sẽ chẳng bao lâu quay trở lại mức độ bình thường của mọi công việc. Đây là trường hợp của một xã hội mà ở đó mọi việc diễn ra một cách tự nhiên, ở đó có tự do hoàn toàn và mỗi người hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn công việc nào đó mà anh ta cho là thích hợp và chuyển công tác khi anh ta không còn hứng thú nữa, mỗi người đều có lợi ích riêng muốn tìm một công việc có lợi và tránh những công việc bất lợi.
Tiền công và lợi nhuận bằng tiền, quả thực hết sức khác nhau tại bất kỳ nơi nào ở Châu Âu tùy theo cách sử dụng lao động và vốn khác nhau. Nhưng sự khác nhau này nảy sinh một phần là do một số yếu tố trong chính công việc làm mà, trên thực tế hoặc trong tưởng tượng của mỗi người, tạo thành một khoản thu nhập nhỏ trong công việc này và, đổi lại, một khoản thu nhập lớn trong công việc khác, và một phần là do chính sách của Châu Âu mà ở đó không nơi nào sự vật được ở trong trạng thái tự do hoàn toàn.
Việc xem xét riêng biệt những yếu tố đó và chính sách nói trên sẽ chia chương này thành hai phần.
PHẦN I
NHỮNG BẤT BÌNH ĐẲNG NẢY SINH TỪ CHÍNH BẢN CHẤT CỦA CÔNG VIỆC
Dưới đây là năm yếu tố chính mà tôi nhận thấy là đã cấu thành một khoản thu nhập nhỏ bằng tiền ở một số công việc và đổi lại là một khoản thu nhập lớn ở những công việc khác. Thứ nhất: sự dễ chịu hoặc nặng nhọc của công việc; thứ hai: sự dễ dàng và rẻ tiền hoặc sự khó khăn và đắt tiền khi học việc, thứ ba: tính lâu dài hoặc sự bấp bênh của công việc; thứ tư: cần độ tin cậy nhiều hay ít đối với người thực hiện công việc, và thứ năm: khả năng thành đạt hoặc không thành đạt trong công việc.
Thứ nhất, tiền công lao động biến động tùy theo công việc dễ chịu hay khó nhọc, bẩn thỉu hay sạch sẽ, mang lại vinh dự cho người thợ hay khiến cho người này cảm thấy nhục nhã khi phải làm việc này. Như vậy ở hầu hết mọi nơi, trong cả năm một người thợ may kiếm được ít hơn một thợ dệt vì anh ta làm một công việc nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. Người thợ dệt kiếm được ít hơn người thợ rèn. Công việc của thợ dệt không phải bao giờ cũng dễ hơn, nhưng sạch sẽ hơn nhiều. Mặc dù thợ rèn là người thợ thủ công khéo và giỏi nghề, nhưng cũng ít khi kiếm được, trong 12 giờ làm việc, một số tiền bằng một thợ mỏ, dù cho anh này chỉ là một người lao động bình thường và làm việc có 8 tiếng một ngày, vì công việc của người thợ rèn không hoàn toàn bẩn thỉu, ít nguy hiểm hơn so với thợ mỏ, hơn nữa được làm việc ban ngày và trên mặt đất. Một nghề danh giá mang lại vinh dự cho người làm nghề đó như là một phần thưởng lớn. Về mặt thu nhập bằng tiền, xét chung thì những nghề này không được nhiều tiền, như tôi sẽ trình bày tường tận dưới đây. Sự nhục nhã có hiệu ứng ngược lại. Nghề của anh hàng thịt tuy là một công việc khá tàn bạo và ghê tởm nhưng nó mang lại nhiều lời hơn so với phần lớn các nghề thông thường khác. Công việc tồi tệ, đáng khinh nhất chắc hẳn là của người đao phủ, nhưng so với số lượng công việc phải làm thì anh này được trả lương hậu hỉ nhất.
Săn muông thú và đánh cá là những công việc rất quan trọng của loài người trong trạng thái hoang sơ của xã hội, nhưng khi xã hội tiến lên thì săn muôn thú và câu cá trở thành sự tiêu khiển thú vị nhất, và cái mà mọi người nghèo coi là một thứ để kiếm sống thì người giàu coi là trò tiêu khiển. Những người đánh cá đã có từ thời Theocritus (xem Idyllium XXI). Những người săn hoặc câu trộm bất kỳ họ ở đâu cũng chỉ là những người nghèo khó ở vương quốc Anh. Ở những nước mà pháp luật cấm săn bắn trộm rất nghiệt ngã thì người được phép đi săn bắn cũng không ở trong tình cảnh tốt đẹp hơn. Nhiều người thích săn bắn là do sở thích riêng của họ chứ không phải săn bắn mang lại cho họ một đời sống sung túc, phong lưu. Muông thú săn được thường bán quá rẻ ở chợ, cho nên người thợ săn chỉ đủ mua được những vật dụng, và lương thực để đủ sống mà thôi.
Người chủ tiệm rượu hay chủ quán ăn chẳng có gì thoải mái, dễ chịu vì họ thường gặp phải những hành động sai trái, tàn bạo, phá phách của những người say rượu hoặc của những tên côn đồ, vô lại muốn ăn, uống quỵt không trả tiền. Nhưng đó lại là nghề cần ít vốn mà được nhiều lợi nhuận.
Thứ hai, tiền công lao động biến động tùy theo sự dễ dàng và rẻ tiền hoặc sự khó khăn và đắt tiền khi học việc.
Khi một cái máy đắt tiền được sử dụng, người ta mong rằng sản phẩm do nó làm ra sẽ thu hồi được vốn bỏ ra với một số tiền lời trước khi máy bị thanh lý. Một người được đào tạo với khá nhiều phí tổn để nắm vững được chuyên môn nghề nghiệp và kỹ năng, kỹ xảo cần thiết được so sánh với cái máy đắt tiền nói trên. Vì công lao và tiền của bỏ ra để trau dồi nghề nghiệp, anh ta mong nhận được tiền lương phải cao hơn tiền công lao động bình thường để bù đắp lại những phí tổn học tập và ít nhất cũng có một số tiền lời nhất định.
Sự khác nhau giữa tiền công lao động có kỹ thuật và tiền công lao động bình thường được dựa trên nguyên tắc này.
Chính sách của Châu Âu coi lao động của thợ cơ khí, thợ thủ công mỹ nghệ và thợ chế tạo là loại lao động có kỹ năng, kỹ xảo, còn những người lao động ở nông thôn là loại lao động thường. Điều này giả định là công việc của người thợ có kỹ thuật mang tính chất tinh tế và phức tạp hơn loại lao động thường. Có thể là như vậy trong một số trường hợp, nhưng trong đa số trường hợp lại khác hẳn, như tôi cố gắng trình bày dưới đây. Luật pháp và tục lệ ở Châu Âu quy định là một người muốn được chấp nhận làm một loại lao động nào đó cần phải có một thời gian học nghề, sự học nghề này khác ngặt nghèo, chặt chẽ tùy theo những vùng khác nhau. Trong khi tiếp tục thời gian học nghề, toàn bộ công sức lao động của người học nghề thuộc về người chủ. Trong khi đó, trong nhiều trường hợp, người học nghề phải do cha mẹ hoặc họ hàng thân thuộc trả mọi khoản phí tổn về ăn uống, chi tiêu, kể cả quần áo. Đấy là chưa kể còn phải đưa cho chủ một số tiền để được học nghề. Nếu người học nghề quá nghèo không đủ tiền, họ phải bù lại bằng thời gian, tức là bị buộc phải làm thêm cho chủ một số năm không công sau khi thành nghề. Nhưng đối với lao động ở nông thôn, người lao động được làm việc dễ dàng hơn, họ tự học những phần khó của công việc mà họ phải làm và bằng sức lao động họ tự nuôi sống mình trong suốt thời kỳ được mướn làm công việc. Thật hợp lý là ở Châu Âu tiền lương của người thợ máy, thợ thủ công mỹ nghệ và thợ cơ khí chế tạo phải được trả cao hơn những người lao động bình thường. Tiền lương của họ tất yếu phải như vậy cho phù hợp với hoàn cảnh, và tiền thu nhập cao hơn của họ làm cho họ có được một địa vị được trọng vọng hơn trong dân chúng. Tuy vậy, sự hơn về địa vị này thường cũng chẳng nhiều lắm; tiền kiếm được của một người thợ trong một ngày hay một tuần trong những ngành công nghiệp thông thường như vải lanh trơn, vải len, nếu được tính theo trung bình, thì chẳng hơn là bao so với tiền công của người lao động bình thường. Việc làm của những người thợ này thường liên tục và ổn định hơn, nếu tính gộp cả năm thì tiền thu nhập của họ có thể nhiều hơn. Tuy vậy, cũng phải nói là không nhiều hơn là đủ để bù đắp tổn phí chi cho việc học tập nghề nghiệp của họ.
Theo học các ngành mỹ thuật và nghề tự do, lại còn vất vả và tốn kém hơn nhiều. Vì thế, họa sĩ, luật sư hoặc người thầy thuốc cần phải được trả công xứng đáng cho phù hợp với công sức, tiền của mà họ đã phải bỏ ra.
Lợi nhuận của vốn hình như rất ít chịu ảnh hưởng của việc học nghề dễ hay khó của người thợ được nhận vào làm việc. Cách sử dụng vốn ở các thành thị lớn hầu như cũng dễ và cũng khó học như nhau. Một ngành sản xuất dù là ở ngoài nước hay trong nước cũng không thể đánh giá cái nào phức tạp và rắc rối hơn cái nào.
Thứ ba, tiền công lao động ở các loại công việc khác nhau biến động tùy theo công việc đó có lâu dài bền vững hay không.
Công việc làm ở một số ngành thường lâu dài, bền vững hơn so với những ngành khác. Trong phần lớn các ngành công nghiệp, người thợ chắc chắn có đủ công việc làm suốt cả năm. Nhưng người thợ nề, trái lại, không thể làm việc trong những ngày băng tuyết hay giông bão và họ có việc hay không còn tùy theo có người gọi thuê hay không. Anh ta cũng có thể, ở vào trường hợp luôn luôn không có việc gì để làm. Số tiền anh ta kiếm được khi có việc làm không những phải đủ để nuôi sống anh ta khi ăn không ngồi rồi, mà còn phải bù đắp những khoảnh khắc lo lắng do sự bấp bênh của công việc gây nên.
Ở nơi mà số tiền kiếm được của phần lớn các thợ chế tạo cũng gần như tiền công nhật của người lao động bình thường, thì thu nhập của những người thợ nề thường hơn gấp rưỡi hay gấp hai số tiền lương đó. Ở nơi mà người lao động bình thường kiếm được 4 đến 5 shilling thì thợ nề kiếm được 7 đến 8 shilling, người lao động bình thường kiếm được 6, thì thợ nề kiếm được 9 đến 10, ở đâu người lao động bình thường kiếm được 9 đến 10, như ở London, thì người thợ nề kiếm được tiền công 15 đến 18 shilling. Tuy nhiên, không có loại lao động chuyên môn nào lại dễ học hơn nghề thợ nề. Các vị chủ tịch các hội ở London đôi khi cũng làm thợ nề trong mùa hè. Tiền công của thợ nề không phải chủ yếu nhờ tay nghề của họ mà vì việc làm của họ không thường xuyên và rất bấp bênh.
Người thợ mộc được coi như có một nghề thích hợp và cần đến tài năng khéo léo hơn người thợ nề. Thế nhưng, ở hầu hết các nơi, tiền công nhật của thợ mộc thường thấp hơn. Việc làm của họ không hoàn toàn tùy thuộc ở chỗ có người cần họ làm hay không, và họ không bị thời tiết cản trở.
Khi các nghề mà nói chung thường xuyên phải thuê mướn thợ, lại không được tiến hành liên tục ở một nơi riêng biệt nào đó, thì tất nhiên tiền công của thợ được nâng lên rất nhiều so với tỷ lệ thông thường của họ đối với tiền công lao động bình thường. Ở London, hầu hết các thợ thủ công làm công nhật được chủ gọi làm việc và cho thôi bất kỳ lúc nào, cũng chẳng khác gì các thợ công nhật ở các vùng khác. Vì thế các thợ thủ công, thợ may công nhật thường kiếm được nửa đồng curon (tiền Anh bằng 5 shilling) một ngày, mặc dù 18 penny được tính là tiền công của lao động bình thường. Ở các thị trấn và làng xã, tiền công của người thợ may công nhật thường ít khi bằng tiền công của người lao động bình thường nhưng ở London nhiều khi họ chẳng tìm được việc làm trong nhiều tuần lễ liên tiếp, nhất là về mùa hè.
Khi mà công việc làm lại không thường xuyên mà còn nặng nhọc, tồi tệ và bẩn thỉu, thì tiền công của người làm việc đó đôi khi lại cao hơn tiền công của người thợ thủ công mỹ nghệ có kỹ năng, kỹ xảo cao nhất. Một thợ mỏ làm theo sản phẩm ở Newcastle kiếm được số tiền gấp đôi, thậm chí gấp ba tiền công của người lao động bình thường ở nhiều vùng Scotland. Sở dĩ lương thợ mỏ cao hơn vì nó bao gồm các yếu tố nặng nhọc, tồi tệ và bẩn thỉu. Thợ mỏ được thuê thường xuyên trong hầu hết mọi trường hợp. Những công nhân bốc dỡ than ở các bến cảng ở London cũng giống người thợ mỏ ở chỗ họ cũng phải chịu đựng sự bẩn thỉu nhem nhuốc và nặng nhọc, nhưng công việc của công nhân bốc dỡ than lại không thường xuyên do tàu chở than đến cũng không đều đặn. Nếu thợ mỏ thường được trả lương gấp đôi hay gấp ba so với người lao động bình thường, thì không phải là điều phi lý khi công nhân bốc dỡ than đôi khi nhận được số tiền công gấp bốn, gấp năm lần người lao động bình thường.
Qua cuộc điều tra tìm hiểu về điều kiện sinh hoạt của công nhân bốc dỡ một vài năm trước đây, người ta thấy theo mức trả lương mà họ được hưởng, họ kiếm được một số tiền công từ 6 đến 10 shilling một ngày. 6 shilling là một số tiền lớn gấp bốn lần tiền công nhật của một người lao động bình thường ở London. Trong mỗi nghề riêng biệt, số đông nhất vẫn là những người hưởng lương thấp nhất. Dù số tiền kiếm được cao đến mức nào đi nữa, nếu nó nhiều hơn số tiền đủ để đền bù cho người lao động mọi sự thiệt thòi về nặng nhọc, bẩn thỉu, thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người đổ xô vào nghề này vì nó chẳng đòi hỏi một thứ gì đặc biệt cả và chắc sẽ làm cho mức lương của công nhân bốc dỡ than giảm xuống.
Dù công việc làm thường xuyên hay bị ngắt quãng, lợi nhuận trung bình của vốn trong bất kỳ nghề riêng biệt nào cũng không bị ảnh hưởng. Không phải do nghề nghiệp mà do người chủ quyết định xem nên dùng thường xuyên số vốn họ có hay không.
Thứ tư, tiền công lao động biến động tùy theo mức độ tin cậy nhiều hay ít vào người thợ.
Tiền công của thợ làm hàng vàng bạc và đồ nữ trang bất kỳ ở đâu cũng cao hơn so với các loại thợ khác. Vì họ được giao phó làm các vật liệu quý hiếm.
Chúng ta giao phó sức khỏe cho người thầy thuốc, giao tài sản và đôi khi cuộc sống và uy tín của chúng ta cho luật sư và người được ủy quyền đại diện cho chúng ta trước tòa. Sự tin cậy đó không thể giao cho bất kỳ ai khác, lại càng không thể giao cho những người tầm thường, thấp hèn được. Do vậy, tiền thù lao phải xứng đáng với địa vị quan trọng trong xã hội mà sự tin cậy đó tạo ra cho họ. Họ đã bỏ nhiều thời gian, công sức, của cải vào việc học tập, và với niềm tin cậy đó, giá trị lao động của họ lại càng được nâng cao.
Khi một người chỉ sử dụng tiền vốn của riêng mình vào việc khai thác một ngành nghề, thì chẳng có sự tin cậy nào cả, và uy tín, mà người đó có thể giành được từ người khác, là tùy thuộc vào ý kiến của người khác về tài sản, tính trung thực và sự thận trọng của bản thân anh ta. Do đó, tỷ suất lợi nhuận khác nhau trong các ngành kinh doanh khác nhau không thể phát sinh từ mức độ tin cậy khác nhau đối với người buôn bán.
Thứ năm, tiền công lao động trong các công việc khác nhau biến động tùy theo khả năng thành đạt trong các công việc ấy.
Người nào cũng được đào tạo để làm một việc gì đấy, nhưng khả năng thành đạt thì khác nhau trong những nghề nghiệp khác nhau. Sự thành đạt hầu như chắc chắn đối với phần lớn các ngành cơ khí, nhưng sự thành đạt lại khá mơ hồ trong các nghề tự do. Nếu con anh học nghề đóng giày dép, chắc chắn con anh sẽ làm được một đôi giày, nhưng nếu anh gửi con đi học luật thì trong 20 người mới có 1 người sẽ trở thành tài giỏi để có thể kiếm sống bằng nghề đó. Trong cuộc xổ số hoàn toàn công bằng, những người được giải tất phải thu hết các số tiền mà rất nhiều người khác mất. Trong một nghề nghiệp mà trong 20 người chỉ có 1 người thành công, thì người thành công đó phải giành tất cả những gì đáng lẽ 20 người kia cũng phải đạt được. Một cố vấn pháp luật, tuổi khoảng chừng xấp xỉ tứ tuần, bắt đầu có thể làm được việc trong ngành của mình, tất phải nhận được sự đền bù không những cho chính những cố gắng học hành của ông ta mà còn của 20 người khác đã thất bại, không thể đóng góp gì cho ngành mà họ đã theo học. Số tiền thù lao trả cho viên cố vấn pháp luật dù lớn đến đâu, thì sự đền bù thực sự của các khoản tiền thù lao đó không bao giờ xứng với sự thành đạt của ông ta. Hãy tính toán những gì có thể thu thập được hàng năm và những gì chi tiêu cũng trong năm đó bởi tất cả những người thợ ở một nơi nào đó trong một nghề, chẳng hạn nghề đóng giày dép hoặc nghề dệt, ta sẽ thấy số tiền thu nhập luôn luôn vượt quá tiền chi. Nhưng hãy làm một phép tính như vậy đối với các cố vấn và sinh viên luật, bạn sẽ thấy những số tiền thu nhập hàng năm của họ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với số tiền chi tiêu hàng năm, mặc dù ta vẫn đánh giá cao nghề luật. Vì thế cuộc xổ số về luật hẳn chưa phải là một cuộc xổ số hoàn toàn công bằng, và nghề luật cũng giống như các nghề tự do và danh giá khác, đứng về mặt thu nhập bằng tiền, rõ ràng là được đền bù chưa đủ.
Các nghề đó, tuy nhiên, vẫn cứ giữ mức phát triển cùng với các ngành nghề khác, và, bất kể những sự nản lòng này, mọi người hào phóng và có tinh thần tự do đều đổ xô vào các nghề tự do này. Có hai nguyên nhân khác nhau khiến họ muốn thực hiện lòng ham muốn của họ. Thứ nhất, lòng ham muốn tiếng tăm kèm theo tính ưu tú của nghề nghiệp, và thứ hai, lòng tin tưởng tự nhiên mà mỗi người ít nhiều không những đặt vào chính khả năng, mà còn vào vận may riêng của mình nữa.
Sự xuất sắc và sự trội hơn trong bất kỳ nghề nghiệp nào, mà rất ít người đạt được dù chỉ ở mức độ bình thường, là dấu hiệu có tính quyết định nhất của cái được gọi là thiên tài hoặc những tài năng xuất chúng. Công chúng thán phục những tài năng đặc biệt như vậy, và đó tất nhiên là một phần của sự thưởng công đối với họ. Sự thán phục của dân chúng là phần thưởng lớn đối với ngành y và có lẽ còn lớn hơn nữa đối với ngành luật, đối với thơ ca và triết học thì sự thưởng công đó hầu như là tất cả.
Có một vài tài năng rất dễ thương và tuyệt diệu mà người nào có thì được mọi người mến mộ, thán phục, nhưng sử dụng tài năng đó vào mục đích tìm kiếm tiền thì được coi, dù bằng lý trí hay thành kiến, như là một sự bán rẻ danh dự. Do đó thù lao bằng tiền cho những người biểu diễn những tài năng đó phải đủ không những để họ trả cho thời gian, công sức và chi phí để đạt được những tài năng đó, mà còn trả cho những điều làm cho họ mang tai mang tiếng và mất uy tín khi sử dụng các tài năng đó như là một phương tiện kiếm sống. Những món tiền thưởng quá cao của các cầu thủ, các ca sĩ và các vũ nữ opera v.v… được tính theo hai nguyên tắc: tài năng hiếm có và giỏi tuyệt trần, và sự mang tai mang tiếng họ phải chịu khi biểu diễn. Thoạt đầu có vẻ là phi lý khi chúng ta khinh rẻ những người đó, song lại thưởng công cho họ rất rộng rãi về mặt tài năng mà họ sử dụng. Trong khi làm việc này, bắt buộc phải làm thứ kia. Nếu ý kiến hoặc thành kiến của công chúng thay đổi đối với các nghề nghiệp như vậy, thì số tiền trả công cho họ sẽ nhanh chóng giảm đi. Nhiều người sẽ cố gắng học hỏi để có được những tài năng như họ, và sự cạnh tranh sẽ nhanh chóng làm giảm giá lao động của họ. Những tài năng như thế, mặc dù không phổ biến, nhưng không phải là hiếm đến mức như người ta tưởng. Nhiều người có thể có những tài năng đó nhưng họ khinh thị nó, và nhiều người khác nữa có khả năng đạt được những tài năng đó, nếu nó được coi như một thứ gì vinh dự và tôn quý.
Tính tự phụ quá đáng mà mỗi người thường nghĩ về tài năng của mình đã được các nhà hiền triết và đạo đức của mọi thời đại coi như là một điều tai hại. Sự quá tự tin của họ vào vận may của chính họ là điều phi lý mà họ ít nhận thấy hơn. Song sự quá tự tin này còn phổ biến hơn nữa. Bất kỳ người nào nếu còn có đầy đủ sức khỏe và minh mẫn cũng có lòng tự tin. Họ thường nghĩ đến thắng lợi hơn là thất bại, và rất ít người lại đánh giá mình đúng với khả năng thật sự mà họ có.
Ai cũng muốn mình có dịp may làm giàu. Điều này có thể được thấy rõ qua xổ số. Thế giới đã không bao giờ và sẽ không bao giờ thấy có một loại xổ số hoàn toàn công bằng, không chút vụ lợi, vì nếu như thế thì người tiến hành xổ số sẽ chẳng có chút lợi lộc gì. Trong các cuộc xổ số của nhà nước, các vé xổ số thật sự không đáng với giá trị mà người mua phải trả, song các vé đó còn được bán trên thị trường với giá tăng thêm 20, 30, 40%. Nhu cầu mua vé, dù với giá cao hơn giá quy định, cũng chỉ để thỏa mãn niềm hy vọng hão huyền là muốn được giải lớn. Những người tỉnh táo nhất chưa chắc đã coi xổ số là trò ngu xuẩn – chỉ một số tiền nhỏ để có cơ may vớ được 10 hoặc 20 ngàn bảng Anh, mặc dầu họ biết rằng ngay số tiền nhỏ đó có lẽ cũng nhiều hơn 20% hoặc 30% so với giá trị của cơ may đó. Trong cuộc xổ số mà không có giải thưởng nào vượt quá 20 bảng Anh, mặc dầu về nhiều mặt khác cuộc xổ số này còn gần với sự công bằng nhiều hơn là xổ số của nhà nước, người ta thường ít mua vé số loại này. Để có dịp may trúng những giải lớn, một số người mua một số vé và nhiều người khác lại mua rất nhiều vé của cùng một loại. Trong môn toán học chưa có một giả định nào chắc chắn hơn là càng mua nhiều vé, thì càng chắc thua hơn. Liều lĩnh bỏ tiền mua vé số, chắc chắn sẽ bị mất tiền và càng mua nhiều vé bao nhiêu, sự mất tiền đó lại càng chắc chắn bấy nhiêu.
Người ta thường đánh giá thấp khả năng thua thiệt và ít khi đánh giá cao hơn giá trị thực sự của khả năng đó. Chúng ta có thể biết được điều này từ tiền lời rất vừa phải của công ty bảo hiểm. Để có thể ký hợp đồng bảo hiểm chống hỏa hoạn hoặc tai nạn trên mặt biển chẳng hạn, tiền đóng bảo hiểm chung phải đủ để đền bù cho số thiệt hại chung, để trả tiền chi phí về quản lý công ty, và phải thu được một số tiền lời tương xứng với số tiền vốn bỏ ra. Người nào không đóng quá số tiền bảo hiểm đó tất nhiên không trả quá giá trị thực của sự rủi ro xảy ra, hoặc cái giá thấp nhất mà anh ta mong có thể bảo hiểm rủi ro một cách hợp lý. Mặc dù nhiều người kiếm được ít tiền nhờ bảo hiểm, nhưng rất ít người đã làm giàu, và chỉ xét từ khía cạnh này mà thôi người ta thấy khá rõ là cán cân lỗ lãi bình thường trong ngành bảo hiểm không thuận lợi hơn là trong các nghề thông thường mà ở đó nhiều người có khả năng làm giàu. Tuy tiền đóng bảo hiểm thường vừa phải, nhưng nhiều người quá coi thường mọi sự rủi nên không muốn đóng tiền bảo hiểm. Tính trung bình trong toàn vương quốc, 19 trong số 20 hoặc có thể nói là 99 trong số 100 nhà đều không đóng bảo hiểm hỏa hoạn. Những rủi ro trên mặt biển đụng chạm đến lợi ích thiết thân của phần lớn dân chúng, và do đó, số tàu biển được bảo hiểm lớn hơn nhiều so với số tàu không đóng bảo hiểm. Thế nhưng nhiều con tàu vẫn không bảo hiểm ngay cả trong thời chiến. Điều này đôi khi có thể là do thiếu thận trọng, và cũng do quá ư khinh suất. Khi một công ty lớn hoặc một nhà buôn lớn có 20 hoặc 30 tàu biển hoạt động trên các đại dương, thì có thể nói là những tàu này bảo hiểm cho nhau. Số tiền bảo hiểm để dành được có thể giúp họ đền bù lại những thiệt hại mà có thể gặp phải trong quá trình diễn biến bình thường của ngẫu nhiên. Sự không chú ý đến việc đóng tiền bảo hiểm tàu biển, cũng như trường hợp đối với nhà cửa, không phải là do tính toán chi li mà do thiếu suy nghĩ, coi thường những rủi ro có thể xảy ra.
Sự khinh thường mọi rủi ro và hy vọng quá nhiều vào thắng lợi thường ở vào độ tuổi mà thanh niên bắt đầu lựa chọn nghề nghiệp. Người dân thường thì không chút sợ hãi những sự may rủi và sẵn sàng gia nhập quân đội phục vụ như một người lính hoặc đi biển như một thủy thủ còn hơn cả những thanh niên thuộc giới thượng lưu hăm hở đi vào các nghề tự do.
Sự mất mát của người lính thì khá rõ ràng. Song bất chấp mọi hiểm nguy, những thanh niên tự nguyện gia nhập quân ngũ ngay từ khi chiến tranh mới bắt đầu bùng nổ. Dù cho họ chẳng có gì để lựa chọn, qua trí tưởng tượng còn non trẻ, họ mong muốn giành được vinh quang và sự trọng vọng của mọi người. Chính những hy vọng lãng mạn này đã làm cho họ phải trả giá bằng xương máu. Họ được hưởng tiền lương còn ít hơn người lao động bình thường và phải chịu biết bao sự nặng nhọc khó khăn khi ở trong quân ngũ.
Cuộc xổ số của biển cả không hoàn toàn bất lợi như trong quân đội. Con trai một người lao động hoặc một thợ thủ công nào đó có thể sẵn sàng đi biển với sự đồng ý của cha, nhưng nếu anh ta là một binh sĩ, anh ta đi biển chẳng cần sự đồng ý của gia đình. Những người khác thấy anh ta có thể làm nên một cái gì đó bằng nghề này, nhưng ngoài anh ta ra chẳng ai thấy anh ta có thể làm được cái gì đó bằng nghề khác. Một đô đốc hải quân được công chúng biết đến và thán phục ít hơn là một viên tướng bộ binh, và thắng lợi lớn nhất trong hải quân mang lại danh tiếng và của cải ít hơn so với thắng lợi tương đương ở trên đất liền. Và ở các cấp dưới cũng có sự khác biệt như vậy. Theo luật lệ, thứ bậc, một viên hạm trưởng trong hải quân xếp ngang với một viên đại tá trong lục quân, nhưng thực ra không được trọng vọng như viên đại tá. Những giải thưởng xổ số lớn có rất ít, trong khi những giải thưởng nhỏ hơn có nhiều hơn. Do đó, những thủy thủ bình thường thường gặp vận may và được thăng chức nhanh hơn người lính bình thường. Thủy thủ ít khi nhận được sự ân thưởng nào khác ngoài sự rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ và vượt qua khó khăn nguy hiểm. Tiền lương của lính thủy không nhiều hơn tiền công của người lao động bình thường tại hải cảng mà ở đó có sự điều chỉnh mức lương của những người đi biển. Do họ luôn luôn di chuyển từ hải cảng này đến hải cảng khác, tiền lương tháng của những người thường đi từ cảng này đến cảng khác của Anh có phần cao hơn mức lương của bất kỳ người thợ nào ở những nơi đó. Cảng London, nơi có số người và tàu lui tới nhiều nhất, được coi là nơi điều chỉnh mức lương ở tất cả các cảng khác. Tại London, tiền lương của phần lớn các thợ thuộc các ngành nghề thường gấp đôi lương của các đồng nghiệp của họ ở Edinburgh. Nhưng thủy thủ từ hải cảng London ra đi thì ít khi kiếm được nhiều hơn từ 3 đến 4 shilling một tháng so với những bạn đồng nghiệp từ hải cảng Leith ra đi. Sự khác nhau này thường không lớn lắm. Vào thời bình và trong nghề hàng hải thương mại, giá ở London là 1 guinea cho đến 27 shilling một tháng. Một người lao động bình thường có thể kiếm được từ 40 đến 50 shilling một tháng với mức 9 hoặc 10 shilling 1 tuần. Ngoài tiền lương, người thủy thủ còn được cung cấp lương thực, thực phẩm. Giá trị của số lượng hàng cung cấp không mất tiền này có thể không vượt quá sự chênh lệch giữa lượng thủy thủ và tiền công một người lao động bình thường, và mặc dù được cung cấp như vậy, người thủy thủ cũng chẳng thể nào chia sẻ các thức ăn đồ uống với vợ con họ được. Những người này lĩnh một phần lương của người thủy thủ nói trên tại nhà để sinh sống. Đời sống phiêu lưu đầy nguy hiểm không làm nản lòng thanh niên, và đối với họ đó là một nghề nghiệp hấp dẫn. Một người mẹ hiền, dịu dàng trong tầng lớp dưới thường rất sợ con trai mình theo học ở một trường ở hải cảng vì những câu chuyện phiêu lưu của thủy thủ và bóng dáng các tàu biển có thể cuốn hút con trai bà đi biển. Triển vọng còn xa vời của những sự may rủi mà người ta vẫn có thể thoát bằng sự can đảm và khéo léo, không có gì làm cho thanh niên phiền lòng và cũng không vì thế mà tiền lương được tăng thêm dù làm bất kỳ công việc nào. Trong các loại nghề nghiệp có hại cho sức khỏe, tiền công lao động luôn luôn đặc biệt cao. Tính độc hại là một yếu tố gây nên sự khó chịu đối với công việc, và tiền lương phải được sắp xếp tương ứng với mức độ độc hại của nghề nghiệp.
Trong các cách sử dụng tiền vốn, tỷ suất lợi nhuận trung bình biến động nhiều hay ít tùy theo thu nhập có chắc chắn hay không. Thu nhập trong nội thương thường chắc chắn hơn so với trong ngoại thương, và ở một số ngành ngoại thương chắc chắn hơn ở các ngành ngoại thương khác. Chẳng hạn, thu nhập khi buôn bán với Bắc Mỹ chắc chắn hơn là với Jamaica. Tỷ suất lợi nhuận luôn luôn tăng ít nhiều cùng với những rủi ro có thể xảy ra. Nhưng nó không thay đổi theo tỷ lệ với may rủi hoặc tăng để có thể đền bù hoàn toàn cho sự rủi ro nếu có. Phá sản là điều rất thông thường xảy ra trong các ngành nghề dựa vào may rủi. Nghề may rủi nhất là buôn lậu, mặc dù khi thành công thì lãi rất lớn, nhưng đó cũng là con đường tất yếu dẫn đến phá sản. Hy vọng thành đạt là điều hấp dẫn đối với rất nhiều nhà kinh doanh giàu óc phiêu lưu, mạo hiểm và lôi cuốn họ vào các nghề dựa trên cơ sở may rủi. Sự cạnh tranh giữa họ với nhau làm cho lợi nhuận của họ giảm xuống dưới mức đủ để đền bù cho sự rủi ro. Để đền bù hoàn toàn mọi sự rủi ro, tiền lời thông thường, ngoài lợi nhuận trung bình của vốn, không những phải bù lại cho những tổn thất thỉnh thoảng xảy ra, mà còn phải có một số lợi nhuận dư thừa cho những người tham gia vào cuộc phiêu lưu, giống như tiền lãi của các công ty bảo hiểm. Nhưng nếu tiền lời thông thường đã đủ cho tất cả những thứ này, thì sự phá sản trong những nghề này sẽ không xảy ra nhiều hơn so với những nghề khác.
Trong số 5 yếu tố làm thay đổi tiền công lao động, chỉ có hai yếu tố có tác động tới lợi nhuận tiền vốn: công việc kinh doanh thoải mái hay nặng nhọc và có nhiều rủi ro hay an toàn. Về mặt thoải mái hoặc không thoải mái, thì có ít hoặc không có sự khác biệt trong phần lớn các cách sử dụng vốn, nhưng có sự khác biệt rất nhiều trong việc sử dụng lao động, và lợi nhuận thông thường của tiền vốn, mặc dù nó tăng cùng với sự rủi ro, nhưng không phải luôn luôn tăng tỷ lệ với rủi ro. Từ đó có thể thấy rằng trong cùng một xã hội hoặc một khu vực, tỷ suất lợi nhuận thông thường, trung bình trong các cách sử dụng tiền vốn khác nhau tất phải ổn định hơn là tiền công của các loại lao động. Chênh lệch giữa số tiền thu nhập của một người lao động bình thường và số tiền thu nhập của một luật sư hay một người thầy thuốc có đông khách hàng rõ ràng phải lớn hơn nhiều so với chênh lệch giữa lợi nhuận thông thường trong bất kỳ 2 ngành nghề nào. Hơn nữa, chênh lệch biểu kiến về mặt lợi nhuận của các ngành nghề khác nhau thường bị hiểu lầm vì chúng ta không phải bao giờ cũng phân biệt được cái gì được coi là tiền lương và cái gì là lợi nhuận.
Tiền lãi của nhà bào chế đã trở thành ngạn ngữ nói lên một điều gì quá đáng. Tiền lãi biểu kiến lớn này, tuy thế, lại thường không nhiều hơn tiền công lao động hợp lý. Tài năng và kỹ xảo của người bào chế thuốc còn tinh vi hơn nhiều so với tài năng của bất kỳ một thợ thủ công mỹ nghệ nào, và lòng tin mọi người đặt vào ông ta còn có tầm quan trọng lớn hơn nhiều. Ông ta là người thầy thuốc của dân nghèo trong mọi trường hợp và của người giàu khi sự nguy hiểm không quá lớn. Sự trả công cho ông ta cần phải tương xứng với tài năng của ông ta và lòng tin đối với ông ta. Sự trả công này được thể hiện qua giá thuốc mà ông ta bán cho người bệnh. Toàn bộ số thuốc mà một nhà bào chế đắt hàng nhất tại một thị trấn lớn bán trong một năm, về chi phí có thể cũng không vượt quá 30 hoặc 40 bảng Anh. Dù cho ông ta bán thuốc được 300 hoặc 400 bản, tức là lãi 1000%, số tiền này thường cũng chưa vượt quá tiền lương hợp lý của công việc ông ta làm, vì ông ta chỉ thu tiền công lao động qua giá bán thuốc mà thôi. Phần lớn số tiền lời biểu kiến là tiền lương thực tế được ẩn giấu dưới số tiền lời.
Tại một thành phố càng nhỏ, một người bán tạp phẩm thu được một số tiền lời khoảng 40 hoặc 50% trên một số tiền vốn chỉ có 100 bảng Anh, trong khi một nhà buôn lớn chuyên bán sỉ cùng ở thành thị đó chỉ thu tiền lời từ 8 đến 10% trên một số vốn là 10 nghìn bảng Anh. Công việc buôn bán của người chủ cửa hàng tạp hóa rất cần cho sự tiêu dùng của dân chúng, và do thị trường nhỏ bé và eo hẹp cho nên không thể sử dụng vốn lớn vào công việc kinh doanh. Người bán tạp phẩm không chỉ sống bằng nghề nghiệp của ông ta, mà còn sống bằng cách nắm vững những hiểu biết nghiệp vụ mà công việc buôn bán tạp phẩm đòi hỏi. Ngoài việc có một ít vốn, ông ta phải biết đọc, biết viết, biết giữ sổ sách kế toán và cũng phải biết phân biệt, đánh giá khoảng 50, 60 mặt hàng, giá và chất lượng của chúng, biết ở nơi nào các tạp phẩm đó được mua với giá rẻ nhất. Ông ta phải có đầy đủ những hiểu biết cần thiết của một người buôn bán sành sỏi. Không có gì cản trở ông trên bước đường tiến lên, trừ việc thiểu số tiền cần thiết cho việc kinh doanh. 30 hoặc 40 bảng Anh một năm không thể coi là một sự trả công quá cao, hoặc quá nhiều đối với một người có một trình độ lao động tinh vi như vậy. Nếu khấu trừ số tiền này khỏi các khoản lợi nhuận tưởng chừng rất lớn của tiền vốn, thì số tiền còn lại có thể được gọi là lợi nhuận thông thường của vốn. Phần lớn số tiền lời biểu kiến trong trường hợp này cũng là tiền lương thực tế.
Chênh lệch giữa tiền lãi biểu kiến khi bán lẻ và tiền lãi biểu kiến khi bán buôn ở thủ đô còn ít hơn nhiều so với các thị trấn và làng, xã. Ở nơi mà 10 nghìn bảng Anh có thể dùng trong ngành buôn bán tạp phẩm, tiền công lao động của người bán tạp phẩm chỉ là một con số chẳng đáng gì thêm vào số tiền lời thực tế của một số vốn lớn như vậy. Tiền lời biểu kiến của một người bán lẻ hàng hóa giàu có gần như bằng với tiền lời biểu kiến của một nhà buôn bán sỉ. Trên cơ sở tính toán này, hàng hóa bán lẻ ở kinh thành nói chung rẻ bằng và thường rẻ hơn so với các thị trấn và làng mạc. Các tạp phẩm chẳng hạn, thường rẻ hơn nhiều, còn bánh mì và thịt thường rẻ như nhau. Hàng tạp phẩm không mất thêm phí tổn gì khi đem đến bán ở thành thị lớn hay ở làng xã, nhưng ngũ cốc và gia súc thì mất thêm khá nhiều phí tổn chuyển chở, vì phần lớn số hàng này phải chở từ xa đến. Giá thành của hàng tạp phẩm vì thế giống nhau ở cả hai nơi, nhưng hàng này rẻ nhất khi người ta chỉ tính thêm một số tiền lời ít nhất. Giá thành của bánh mì và thịt cao hơn ở các thành phố lớn so với làng xã. Vì vậy mặc dù tiền lời ở thành phố lấy ít hơn, hai thứ thực phẩm này không phải bao giờ cũng rẻ hơn, mà thường rẻ như nhau. Đối với những mặt hàng như bánh mì và thịt, vẫn cùng một nguyên nhân làm giảm tiền lời biểu kiến, nhưng lại làm tăng giá thành. Tầm cỡ của thị trường, mà ở đó các số vốn lớn được sử dụng, làm giảm tiền lời biểu kiến, nhưng làm tăng giá thành do những hàng này phải cung cấp từ ở các nơi xa đến. Việc giảm cái này và tăng cái kia hình như, trong hầu hết các trường hợp, gần như đối trọng cái này với cái kia, và đó chính là lý do mà giá ngũ cốc và gia súc thông thường rất khác nhau giữa những vùng khác nhau trong nước, nhưng giá bánh mì và thịt thường rất gần như bằng nhau ở hầu hết các địa phương trong nước.
Mặc dù lợi nhuận của tiền vốn ở cả hai khâu bán buôn và bán lẻ ở thủ đô thường ít hơn so với ở các thành phố nhỏ và các làng xã, nhưng những người buôn bán ở thủ đô, tuy lúc đầu thu được tiền lãi ít hơn, nhưng lại chóng làm giàu hơn nhiều so với những nhà buôn ở thành phố nhỏ và ở nông thôn. Ở các nơi này, thị trường quá nhỏ bé cho nên tuy có vốn nhưng không thể sử dụng hết được vào kinh doanh. Vì thế, mặc dù lợi nhuận thu được của một người buôn bán nào đó có thể đạt được tỷ suất rất cao, nhưng nói chung tổng số lợi nhuận không lớn lắm và do đó hàng năm cũng không thể tích lũy được nhiều. Ở các thành phố lớn, ngược lại, khi tiền vốn tăng lên thì có thể mở rộng buôn bán. Một nhà kinh doanh căn cơ và phát đạt có khả năng tăng khoản tín dụng của ông ta nhanh hơn số tiền vốn. Công việc kinh doanh của ông ta được mở rộng tỷ lệ với số tín dụng và tiền vốn, và số tiền lởi tỷ lệ với quy mô mở rộng kinh doanh; và số tích lũy hàng năm tỷ lệ với số tiền lãi. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ngành kinh doanh nào ở thành phố lớn cũng mang lại sự giàu có cho những người bỏ vốn, mà giàu có là do họ chịu thương chịu khó, căn cơ, tiết kiệm và luôn luôn chú trọng đến công việc buôn bán giao dịch. Cũng có trường hợp có nhà kinh doanh làm giàu nhanh và đột ngột vì họ chuyên đầu cơ, tích trữ. Nhà buôn chuyên đầu cơ tích trữ chẳng làm một nghề gì thường xuyên, ổn định và lâu bền cả. Năm nay, họ có thể buôn ngũ cốc (lúa mì) và năm sau lại trở thành người buôn rượu, và các năm sau đó lại xoay sang nghề buôn đường, thuốc lá hoặc chè. Nghề nào mà họ ngửi thấy có nhiều lời lãi thì họ lập tức xông vào, và họ rút lui ngay khi thấy nghề đó có ít hoặc cũng chỉ có tỷ suất có lãi thông thường như mọi ngành nghề khác. Họ được lãi hay lỗ vốn không giống như ở các ngành kinh doanh ổn định thông thường. Một nhà buôn có đầu óc mạo hiểm có thể đôi khi trở nên giàu có lớn chỉ trong hai, ba áp phe lớn mà ông ta thành công và cũng có thể phá sản chỉ sau vài áp phe làm ăn bị thất bại. Đầu cơ tích trữ thường chỉ có thể tiến hành ở các thành phố lớn mà ở đó đòi hỏi phải có quy mô hoạt động thương mại lớn và những lượng thông tin nhanh chóng.
Năm yếu tố nói trên mặc dù gây nên những bất bình đẳng về mặt tiền công lao động và lợi nhuận của vốn, lại không liên quan gì đến những thuận lợi và bất lợi, dù thực sự hay tưởng tượng, trong các cách sử dụng lao động và tiền vốn khác nhau. Bản chất của các yếu tố đó là bù thêm cho số tiền lãi nhỏ ở chỗ này và giảm bớt số tiền lãi lớn ở chỗ khác.
Tuy nhiên, để cho có sự bình đẳng đối với toàn bộ các mặt thuận lợi và khó khăn trong cách sử dụng lao động và vốn, ba điều cần thiết phải có ngay cả ở những nơi có tự do hoàn hảo nhất. Thứ nhất, các công việc làm đã có và được quen biết từ lâu ở vùng này; thứ hai, các việc làm phải ở trạng thái tự nhiên; thứ ba, các việc làm đó là duy nhất hoặc chủ yếu của những người tiến hành làm việc đó.
Thứ nhất, sự bình đẳng này chỉ có thể có ở những việc làm đã bình ổn và quen biết rộng rãi ở trong vùng.
Ở nơi nào mà mọi yếu tố khác đều giống nhau, thì tiền công ở các nghề nghiệp mới thường cao hơn là trong các nghề nghiệp cũ. Khi một nhà kinh doanh định thành lập một ngành công nghiệp mới, ông ta trước hết phải trả tiền công cao hơn để thu hút thợ ở nơi khác đến, và phải qua một thời gian dài ông ta mới giảm tiền công xuống đến mức thông thường. Những xí nghiệp sản xuất theo mốt thời trang luôn luôn thay đổi và rất ít khi kéo dài quá lâu để được coi là những cơ sở đã có từ lâu. Trái lại, những cơ sở sản xuất các đồ tiêu dùng thường ngày ít khi thay đổi. Vẫn cái khuôn mẫu hoặc kết cấu đó thường có nhu cầu sử dụng kéo dài cả thế kỷ. Cho nên, tiền công của thợ làm việc ở các cơ sở mới sản xuất mốt thời trang thường cao hơn tiền công thợ ở các cơ sở sản xuất có tính chất lâu dài. Thành phố Birmingham có rất nhiều cơ sở sản xuất các mặt hàng thời trang phù hợp với thị hiếu của khách hàng, và thành phố Sheffield lại đầy rẫy các mặt hàng thông dụng mà người tiêu dùng quen thuộc từ đã lâu. Do vậy, tiền công lao động ở hai thành phố này phù hợp với sự khác nhau về tính chất sản xuất.
Việc thành lập một nghề sản xuất mới, một ngành thương mại mới hoặc một phương pháp canh tác mới trong nông nghiệp là một hành động đầu cơ hứa hẹn những lợi nhuận cực kỳ to lớn cho chủ dự án. Những khoản tiền lời thu được từ các cuộc kinh doanh mới là rất lớn và có thể luôn luôn ở những mức độ khác nhau hoàn toàn, không giống chút nào với tỷ suất lãi thông thường của các loại ngành nghề lâu đời ở trong vùng. Nếu như dự án sản xuất mặt hàng mới thành công, tất nhiên, lợi nhuận thu được lúc đầu rất lớn. Khi việc sản xuất đã được nhiều người biết đến và có nhiều nhà kinh doanh tham gia vào việc sản xuất mặt hàng đó, sự cạnh tranh giữa họ với nhau tất yếu sẽ làm giảm giá bán và sức tiêu thụ, cho nên cuối cùng cũng trở về mức độ chung của các ngành sản xuất thông thường.
Thứ hai, sự bình đẳng này về các mặt thuận lợi và bất lợi trong các cách sử dụng lao động và vốn chỉ có thể diễn ra trong trạng thái bình thường, tức là trạng thái tự nhiên mà thôi.
Nhu cầu về các loại lao động khác nhau đôi khi lớn hơn, đôi khi ít hơn mức bình thường. Trong trường hợp này thì có nhiều thuận lợi cho việc làm, trường hợp khác thì có ít thuận lợi hơn. Chẳng hạn, nhu cầu về lao động ở nông thôn vào vụ cắt cỏ và mùa gặt là lớn hơn so với những thời gian khác trong năm, và do đó khi có nhu cầu cao thì tiền công lao động tất nhiên tăng cao hơn bình thường. Trong thời gian chiến tranh, khi 40.000 hoặc 50.000 thủ thủy từ các tàu buôn bị xung vào các đội chiến thuyền của nhà vua, thì nhu cầu về thủy thủ tất nhiên tăng lên rất nhiều để phục vụ cho các đội thương thuyền. Do khan hiếm thủy thủ, cho nên tiền lương của họ được nâng cao, thường từ 1 guinea 27 shilling lên ba bảng 40 shilling 1 tháng. Trong các ngành sản xuất bị đình đốn, nhiều người thợ đáng lẽ phải rời ngành mà họ đang làm để đi tìm việc ở nơi khác, nhưng đành phải chấp nhận một số tiền công ít hơn là đáng ra phải tương ứng với tính chất việc làm lúc đó.
Lợi nhuận của tiền vốn biến động tùy theo giá hàng hóa mà được sản xuất bằng tiền vốn đó. Khi giá một mặt hàng tăng lên trên mức giá thông thường hoặc trung bình thì lợi nhuận của phần tiền vốn dùng cho việc sản xuất loại hàng này tất phải được nhiều hơn và nếu giá mặt hàng đó hạ xuống thì phần tiền vốn có liên quan đến mặt hàng đó tất nhiên cũng bị giảm xuống tương ứng. Mọi thứ hàng hóa đều ít nhiều chịu sự biến động của giá cả, nhưng một số mặt hàng ít biến động hơn các mặt hàng khác. Lượng lao động được sử dụng hàng năm để sản xuất hàng hóa được điều chỉnh bởi nhu cầu hàng năm, sao cho số lượng trung bình hàng hóa sản xuất ra hàng năm phải ngang bằng càng gần càng tốt với nhu cầu tiêu dùng hàng năm. Trong một vài ngành sản xuất, một lượng lao động cố định luôn luôn tạo ra một lượng hàng hóa cố định hoặc gần như cố định. Trong ngành sản xuất vải lanh hoặc các hàng dệt len chẳng hạn, một số thợ cố định hàng năm sẽ sản xuất ra một lượng vải lanh hoặc hàng dệt len gần như cố định. Do đó những biến động về giá thị trường của các mặt hàng đó chỉ có thể phát sinh khi có những biến động bất thường về nhu cầu. Chẳng hạn, một tang lễ quốc gia nâng giá vải đen. Nhưng do nhu cầu về các loại vải lanh và các mặt hàng len dệt thường thường ít thay đổi, cho nên giá cả các hàng hóa đó vẫn được giữ vững. Nhưng có những loại công việc khác mà ở đó một lượng lao động cố định không phải bao giờ cũng tạo ra một lượng hàng hóa cố định. Chẳng hạn, một lượng lao động cố định trong các năm khác nhau sẽ tạo ra những lượng rất khác nhau về ngũ cốc, rượu, hoa bia, đường, thuốc lá v.v… Giá cả của các thứ hàng hóa đó tất yếu biến động không những theo sự biến động của cầu, mà còn theo số lượng hàng hóa có nhiều hay ít. Lợi nhuận của một số nhà buôn tất nhiên phải bị tác động bởi giá cả lên xuống của hàng hóa. Những người đầu cơ rất chú trọng đến giá của những mặt hàng này. Họ mua tất cả hoặc hầu hết các loại hàng hóa nào mà họ thấy trước là sẽ khan hiếm và giá cả sẽ phải tăng cao, và tìm cách bán chúng đúng vào lúc khi giá của chúng có khả năng hạ xuống.
Thứ ba, sự bình đẳng này trong toàn bộ các thuận lợi và bất lợi của các cách sử dụng lao động và tiền vốn chỉ có thể được thực hiện khi các cách sử dụng này là độc nhất hoặc chủ yếu của những người tiến hành các cách sử dụng đó.
Khi một người kiếm sống bằng một việc làm mà việc đó lại không dùng hết phần lớn thời gian của anh ta, trong những lúc nhàn rỗi, anh ta muốn làm một việc gì đó thêm với tiền công rẻ hơn là cần phải tương xứng với tính chất của việc làm.
Ở nhiều vùng ở Scotland, một số người gọi là người thôn dã vẫn thường kiếm ăn như thế, tuy rằng trước đây tình trạng này phổ biến hơn nhiều so với hiện nay. Họ là đầy tớ “ngoại trú” của địa chủ và chủ trại. Tiền công, mà những người chủ trả cho những người này là một cái lều, một mảnh vườn nhỏ và có thể có thêm một hoặc hai mẫu Anh (khoảng 0,4 ha) đất trồng trọt loại xấu. Khi nào chủ cần họ đến giúp việc, chủ cho họ thêm hai đấu to (đơn vị đo lường khoảng 9 lít) bột yến mạch một tuần, giá khoảng 16 penny Anh.
Phần lớn thời gian trong năm, chủ rất ít hoặc không cần đến lao động của họ, và việc trồng trọt mảnh vườn con không sử dụng hết thời gian mà họ có. Khi được thuê mướn, họ sẵn sàng dùng thì giờ nhàn rỗi để làm việc cho những người thuê đó để đổi lấy một số tiền công ít hơn nhiều so với những người lao động khác. Vào thời cổ xưa, việc làm này rất phổ biến ở khắp Châu Âu. Ở những nước có số dân ít và nông nghiệp thô sơ, nếu không có lực lượng lao động này thì phần lớn địa chủ, chủ trại không thể kiếm cho họ đủ nhân công cần thiết, khi rất cần lao động trong những ngày mùa. Nhiều người làm công cho địa chủ vào chủ trại nói trên, đã được trả công rõ ràng là không phải toàn bộ giá lao động của họ. Cái lều nhỏ và mảnh vườn con chính là phần lớn của giá lao động đó. Sự trả công hàng ngày hoặc hàng tuần tưởng như là toàn bộ tiền công lao động đã được nhiều tác giả mô tả, khi nói đến giá lao động và lương thực thời xưa, là tiêu biểu cho một loại giá hết sức thấp.
Các sản phẩm của loại lao động này thường rẻ hơn giá đáng ra phải có. Các loại bít tất dài ở nhiều vùng ở Scotland được đan với giá tiền công rẻ hơn bất kỳ ở nơi nào khác dệt bằng khung cửi, vì đó là những sản phẩm của những người đầy tớ và những người lao động mà nguồn sống chính là nhờ thu nhập từ một công việc khác. Hơn 1000 đôi bít tất dài ở vùng Shetland đã được nhập vào hải cảng Leith với giá 5 đến 7 penny một đôi. Ở thành phố Lerwich, thủ phủ của các hòn đảo Shetland, giá một ngày công lao động thông thường chỉ có 10 penny. Tôi đã được mọi người nói cho biết giá công lao động này với một giọng hoàn toàn chân thực. Cũng ở những đảo nói trên, người ta đan những đôi bít tất dài bằng sợi len chỉ với giá 1 guinea 1 đôi hoặc hơn một chút.
Việc xe sợi lanh được tiến hành ở Scotland cũng gần như đan bít tất dài của những người đày tớ trong thời gian nhàn rỗi vì những người xe sợi này cũng chủ yếu kiếm ăn bằng những công việc khác. Họ kiếm được rất ít tiền để sống cho nên phải tìm đủ mọi cách kiếm bù thêm. Ở nhiều vùng Scotland, một phụ nữ kiếm được 20 penny 1 tuần phải là một thợ xe sợi loại giỏi.
Ở các nước giàu có, thị trường thường rộng lớn và thu hút toàn bộ lao động và tiền vốn. Những ví dụ về người lao động sinh sống bằng một nghề chính nhưng phải làm thêm một nghề phụ để bổ sung cho số tiền thu nhập thường chỉ xảy ra ở những nước nghèo. Thí dụ dưới đây cũng là một bằng chứng cùng loại với điều đã nói ở trên mà người ta đã thấy ở một thủ đô nước rất giàu. Tôi tin rằng không có thành thị nào ở Châu Âu mà ở đó giá tiền thuê nhà lại đắt hơn ở London, song, tôi cũng không biết có thủ đô nào mà ở đó một căn hộ có đầy đủ đồ đạc lại có thể thuê với giá rẻ như vậy. Căn hộ có sẵn đồ đạc cho thuê không những rẻ hơn ở London so với Paris, nó còn rẻ hơn nhiều so với Edinburgh, nếu muốn thuê một căn hộ cùng loại. Một điều có thể cho là đặc biệt lạ thường: sự đắt đỏ của tiền thuê nhà là nguyên nhân tạo nên giá rẻ của các căn hộ có sẵn đồ đạc cho thuê. Giá tiền thuê nhà đắt ở London xuất phát không những từ lý do đắt đỏ thường thấy ở các thủ đô: giá lao động đắt, giá vật liệu xây dựng đắt, vì phải mua từ những nơi xa đến, và trước hết là do tiền thuê đất rất đắt, mọi chủ đất đều giữ độc quyền về đất đai nằm dưới quyền sở hữu của họ và đòi tiền thuê cho mỗi mẫu Anh đất xấu nhất ở thành phố đắt bằng 100 mẫu Anh ở nông thôn. Giá thuê nhà đất một phần còn do những tập tục và cách sinh hoạt khá lạ lùng của dân chúng: mỗi chủ gia đình đều muốn thuê một cái nhà riêng biệt cho gia đình mình từ nóc nhà đến tầng dưới cùng. Một cái nhà riêng đối với người Anh là bao gồm từ mái nhà xuống đến nền nhà. Ở Pháp, Scotland và nhiều nới khác ở Châu Âu, nhà riêng chỉ có nghĩa là một căn hộ không rộng quá một tầng nhà. Một người lái buôn ở London bắt buộc phải thuê cả một cái nhà ở một khu vực của thành phố nơi ông ta có nhiều khách hàng. Tầng trệt được dùng làm cửa hàng. Ông và gia đình ngủ ở gác xép sát mái và ông ta cố gắng giảm chi cho tiền thuê nhà bằng cách cho thuê lại hai tầng giữa ngôi nhà. Ông nuôi sống gia đình bằng chính nghề của mình, chứ không phải bằng tiền cho thuê các tầng nhà. Trong khi đó ở Paris và Edinburgh, những người cho thuê căn hộ thường không cách nào khác để sinh sống, và do đó giá tiền thuê phòng có sẵn đồ đạc bao gồm không những tiền thuê nhà, mà cả phần tiền để nuôi sống gia đình chủ nhà.
PHẦN II
NHỮNG BẤT BÌNH ĐẲNG DO CHÍNH SÁCH CỦA CHÂU ÂU GÂY NÊN
Đó là những bất bình đẳng về các điều kiện thuận lợi và bất lợi trong cách sử dụng lao động và tiền vốn do thiếu một trong ba điều kiện tất yếu nói trên gây ra, ngay cả nơi có tự do hoàn hảo nhất. Những chính sách của Châu Âu không để cho mọi sự vật ở trong tình trạng tự do hoàn toàn và gây nên những bất bình đẳng khác còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Chính sách đó nhằm ba mục đích sau đây. Thứ nhất, hạn chế sự cạnh tranh trong một số việc làm ở một số người ít hơn số người làm những việc đó; thứ hai, tăng sự cạnh tranh trong những việc làm khác vượt quá mức tự nhiên nên có; và thứ ba, ngăn chặn không cho lao động và tiền vốn được tự do lưu thông từ việc làm này đến việc làm khác và từ nơi này đến nơi khác.
Thứ nhất, chính sách của Châu Âu gây nên một sự bất bình đẳng rất nghiêm trọng đối với toàn bộ các điều thuận lợi và bất lợi trong việc sử dụng lao động và tiền vốn khác nhau vì hạn chế sự cạnh tranh trong một số việc làm ở một số người ít hơn số người muốn tham gia vào việc làm đó.
Những ưu đãi đặc biệt giành cho các phường hội là phương tiện chính mà chính sách của Châu Âu sử dụng cho mục đích này.
Những ưu đãi đặc biệt cho một nghề đã hợp thành một phường hội tất yếu hạn chế sự cạnh tranh ở thành phố, nơi nó được thành lập, ở số người được tự do hành nghề. Muốn được tự do kinh doanh phải trải qua một thời gian học nghề ở thành thị dưới sự chỉ bảo của một thợ cả hay một ông chủ có đầy đủ trình độ chuyên môn. Các quy chế của phường hội đôi khi điều chỉnh số người xin học nghề mà một người thợ cả được phép nhận và quy định rõ số năm tháng mà bất kỳ một người học nghề nào cũng phải tuân theo. Mục đích của cả hai quy định này là hạn chế sự cạnh tranh ở một số người ít hơn nhiều so với số người muốn đi vào nghề. Số người học nghề ít đi sẽ trực tiếp hạn chế nghề đó. Thời gian học nghề lâu hạn chế việc gia nhập nghề gián tiếp hơn, nhưng có hiệu quả do việc tăng chi phí học tập.
Ở Sheffield, không một thợ cả về nghề làm dao kéo nào được phép nhận hơn 1 người vào học nghề trong một lần dạy nghề, và điều này do quy chế của phường hội ấn định. Ở Norfolk và Norwich, không một thợ cả về nghề dệt nào được nhận dạy nghề cho 2 người một lần, nếu không người đó phải nộp phạt 5 bảng một tháng cho nhà vua. Không có một thợ cả về nghề làm mũ nào được phép nhận hơn hai thợ học nghề một lần ở bất kỳ nơi nào ở Anh, hoặc ở các thuộc địa của Anh, và nếu vi phạm, ông ta sẽ phải nộp phạt 5 bảng tháng, một nửa cho nhà vua, một nửa cho người thưa kiện vụ này tại một tòa án dân sự. Cả hai quy định này, mặc dù đã được luật pháp của vương quốc xác nhận, rõ ràng là do liên hiệp các phường hội soạn thảo và đệ trình để ban hành thành quy chế ở Sheffield. Những người thợ dệt tơ lụa ở London vừa mới được thành lập thành phường hội một năm thì đã đưa ra quy chế không cho bất kỳ một thợ cả nào được nhận quá hai người học nghề trong một lần. Quy chế này sau đó bị một đạo luật đặc biệt của nghị viện bác bỏ.
Bảy năm là thời gian quy định thông thường trên toàn bộ Châu Âu cho những người học nghề trong phần lớn các nghề đã hợp thành phường hội. Các phường hội như vậy trước kia gọi là trường dạy nghề - một tên gọi theo chữ Latin để chỉ bất kỳ một phường hội nào. Trường dạy nghề thợ rèn, trường dạy nghề thợ may v.v… là những từ ngữ thường thấy trong những bản hợp đồng cũ ở các thành phố cổ. Khi các phường hội riêng biệt được thành lập mà ngày nay được gọi là trường đại học hay cao đẳng, thì số năm học tập cần thiết để có thể đạt được trình độ cử nhân về các mặt nghiệp vụ sản xuất, chắc là đã được lấy theo thời gian học nghề do các phường hội quy định vào thời xưa. Do phải học tập 7 năm dưới sự hướng dẫn, dạy bảo của một thợ cả có đầy đủ trình độ nghiệp vụ, cho nên một người học nghề mới có đủ khả năng tự mình trở thành một thợ cả; cũng như vậy, phải học 7 năm dưới sự dẫn dắt của một người thầy có trình độ uyên bác, thì người học trò mới trở thành cử nhân, thầy giáo hoặc bác sĩ trong các nghề tự do và sau đó cũng có những người khác đến mình học.
Năm thứ năm thời nữ hoàng Elizabeth, Điều lệ về học nghề đã được ban hành quy định rằng không một ai có quyền làm bất cứ một nghề nào nếu như người đó chưa kinh qua học nghề ít nhất là bảy năm, và quy chế phường hội ban hành trước đó trở thành một đạo luật chung có tính bắt buộc đối với tất cả các nghề nghiệp ở thành thị. Nếu ở nông thôn thì một người có thể làm một vài nghề khác nhau mặc dù anh ta chẳng hề kinh qua 7 năm học nghề, nếu nghề nghiệp của anh ta cần thiết cho mọi người và ở nơi đó không đủ nhân công lành nghề.
Nếu giải nghĩa lời văn một cách chặt chẽ, bản điều lệ này chỉ hạn chế ở những nghề nghiệp đã có ở Anh trước năm thứ 5 thời nữ hoàng Elizabeth và không động chạm gì đến các nghề nghiệp có sau thời gian đó. Sự hạn chế này đã gây ra một vài phân biệt đối xử được coi như luật lệ cảnh sát và do đó mang tính chất không bình thường. Người ta đã quy định, chẳng hạn, một người đóng xe ngựa không được tự mình làm ra hay thuê thợ để làm bánh xe mà phải mua bánh xe đó của một chủ chuyên đóng bánh xe. Nghề đóng bánh xe đã có ở Anh trước năm thứ 5 thời nữ hoàng Elizabeth. Nhưng một người chuyên đóng bánh xe mặc dầu chưa hề học nghề ở người thợ cả đóng xe, lại có quyền hoặc tự mình hoặc thuê mướn thợ đóng xe ngựa; nghề đóng xe ngựa không được ghi trong bản điều lệ vì nó chưa có ở Anh khi bản điều lệ này được viết ra. Các ngành sản xuất ở các thành phố Manchester, Birmingham và Wolverhampton cũng không nằm trong bản điều lệ vì không tồn tại ở Anh trước năm thứ 5 thời nữ hoàng Elizabeth.
Ở Pháp, thời gian học nghề thay đổi tùy theo các thành thị và nghề nghiệp khác nhau. Ở Paris, 5 năm là thời gian cần thiết đối với phần lớn nghề nghiệp, nhưng trước khi bất kỳ người nào trở thành thợ cả, anh ta còn phải làm nghề đó trong năm năm như một người thợ lành nghề. Trong thời gian này anh ta được gọi là thợ bạn của người thợ cả, và thời gian đó được gọi là thời gian làm thợ bạn.
Ở Scotland, không có một đạo luật chung nào quy định thời gian học nghề. Ở nơi nào thời gian ấy lâu, người học viên có thể rút bớt thời gian quy định bằng cách trả một số tiền chịu phạt. Ở hầu hết các thành thị, nộp số tiền nhỏ có thể đủ để mua tự do ở bất kỳ phường hội nào. Thợ dệt vải lanh hay vải gai, các nghề chủ chốt ở xứ này, cũng như các người thợ khác cần thiết cho các nghề đó: thợ đóng bánh xe ngựa, thợ làm guồng quay tơ, đánh chỉ v.v… có thể tiến hành nghề nghiệp của họ ở phường hội bất kỳ mà không phải nộp thứ tiền phạt nào. Ở phường hội tại các thành thị, tất cả mọi người đều được tự do bán thịt bất cứ ngày nào trong tuần. Ba năm là thời gian học nghề thông thường ở Scotland, và nói chung, tôi chưa thấy nước nào ở Châu Âu có các luật lề về phường hội ít khắc nghiệt như vậy.
Tài sản mà mỗi người có được do sức lao động của chính mình làm ra là cơ sở gốc của mọi của cải khác, cho nên được coi là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Tài sản của một người nghèo nằm ở trong sức lực và sự khéo léo của đôi bàn tay của anh ta. Ngăn cản anh ta sử dụng sức lực và sự khéo léo đó theo cách của anh ta mà không hại đến người khác là vi phạm cái tài sản thiêng liêng nhất đó. Đó là sự vi phạm rành rành đối với sự tự do chính đáng của người thợ hoặc của người sẵn sàng thuê mướn người thợ đó. Điều đó ngăn cản người này làm việc thích hợp của mình, và cũng vì thế ngăn cản những người khác thuê mướn những người thợ mà họ thấy cần thiết và thích hợp. Việc xem xét nên thuê người thợ nào là do người thuê định đoạt vì việc đó liên quan trực tiếp tới lợi ích của người chủ. Sự lo lắng và quá ư quan tâm của nhà làm luật rõ ràng là không đúng chỗ và độc đoán.
Thời gian học nghề dài cũng chưa đảm bảo là sẽ không có việc làm bừa, làm ẩu, thiếu kỹ xảo trong các mặt hàng bán cho dân chúng. Khi sự việc này xảy ra, thường thường đó là kết quả của sự gian lận lừa gạt khách hàng, chứ không phải là sự thiếu kỹ năng, kỹ xảo. Thời gian học nghề lâu không thể đảm bảo là sẽ không có sự hành nghề gian lận và làm ẩu. Cần có nhiều quy định để ngăn chặn sự lạm dụng này. Dấu Sterling đóng trên thỏi kim loại, và nhãn hiệu trên vải len làm cho người mua hàng được yên tâm hơn bất kỳ một bản điều lệ học nghề nào. Người mua hàng thường xem nhãn hiệu hay dấu đóng trên mặt hàng chứ không bao giờ nghĩ là cũng nên tìm hiểu xem người thợ làm ra hàng hóa đó đã qua bảy năm học nghề chưa.
Việc quy định thời gian học nghề lâu không có khuynh hướng đào tạo những người trẻ vào nghề. Một người thợ làm khoán làm việc rất cần cù vì anh ta thấy có lợi khi làm việc tốt. Một thợ học nghề thường làm biếng vì anh ta chẳng thấy có lợi gì trước mắt. Trong các công việc hạ cấp, cái thú của lao động chỉ là được đền bù công sức bỏ ra. Người nào thấy được đền bù đầy đủ trong lao động tất phải mang hết sức lực và tài năng để làm việc. Một thanh niên tất nhiên cảm thấy chán nản trong lao động khi anh ta trong một thời gian dài chẳng thu được lợi ích gì từ việc làm đó. Những trẻ em được nhận vào học nghề do cơ quan từ thiện gửi gắm thường phải học nghề trong một thời gian lâu hơn hạn định, cho nên chúng tỏ ra rất lười biếng và chẳng làm nên được gì.
Người xưa không hề biết tới việc học nghề. Nghĩa vụ tương hỗ của thợ cả và người thợ học nghề được ghi rõ trong các bộ luật hiện đại. Luật La Mã hoàn toàn không đả động gì đến nghĩa vụ này. Tôi không biết một từ Hy Lạp hoặc Latin nào mà (tôi có thể cam đoan như vậy) có khái niệm như từ học nghề bây giờ. Người học nghề là người đầy tớ phải làm một loại nghề nghiệp nào đó có lợi cho chủ mà anh ta phải làm không công một số năm với điều kiện là người chủ sẽ dạy anh ta nghề nghiệp đó.
Vậy thời gian học nghề lâu là không cần thiết. Những nghề đòi hỏi kỹ xảo và sự khéo léo hơn các nghề thông thường, như thợ đồng hồ chẳng hạn, không cần quá nhiều thời gian để nắm được bí mật nghề nghiệp. Sự phát minh đầu tiên ra những chiếc đồng hồ và cả những dụng cụ dùng để chế tạo đồng hồ phải là công trình suy nghĩ sâu sắc và đòi hỏi nhiều thời gian của con người. Nhưng khi đồng hồ và dụng cụ chế tạo đồng hồ đã được phát minh ra và chế tạo thành công thì chỉ cần chỉ dẫn cho học viên qua các bài giảng và hướng dẫn không quá vài tuần lễ và thậm chí vài ngày là đã đủ để giải thích cho họ biết cách sử dụng dụng cụ và chế tạo đồng. Còn sự khéo léo của đôi bàn tay thực ra không thể có được dễ dàng nếu không có sự luyện tập và kinh nghiệm. Nhưng một thanh niên có thể làm việc cần cù, nhẫn nại và chú ý hơn, nếu ngay từ đầu anh ta làm việc như một người thợ công nhật, được trả công theo đúng với công việc bé nhỏ anh ta làm và phải đền những vật liệu mà anh ta làm hư hỏng do thiếu khéo léo và kinh nghiệm của anh ta. Việc học tập của anh ta theo cách này thường có hiệu quả hơn và chắc chắn là ít buồn nản và tốn kém hơn. Trong một nghề dễ học, anh ta sẽ gặp phải nhiều đối thủ cạnh tranh hơn. Khi anh ta trở thành một người thợ hoàn hảo với nghĩa đầy đủ của nó, thì anh ta sẽ nhận được tiền công kém hơn so với lúc anh ta học nghề. Cạnh tranh càng gay gắt thì lợi nhuận của chủ cũng như tiền công của thợ đều giảm sút. Các nghề nghiệp đều bị thiệt, nhưng công chúng và người tiêu dùng sẽ có lợi vì sản phẩm của thợ sẽ rẻ hơn trên thị trường.
Các phường hội và phần lớn các quy chế của phường hội là nhằm ngăn chặn sự giảm giá này và do đó ngăn chặn việc giảm tiền công lao động và lợi nhuận bằng cách hạn chế cạnh tranh tự do. Để thành lập một phường hội, vào thời xưa ở nhiều nước trên đất Châu Âu không cần phải có giấy phép nào khác ngoài giấy phép của thành phố tự quản nơi phường hội được thành lập. Ở Anh, nhà vua ra một đạo luật cho phép phường hội hoạt động với những đặc quyền của nó, nhưng nhằm vào việc bòn rút tiền của thần dân hơn là bảo vệ tự do,chống lại bọn độc quyền áp chế. Chỉ cần nộp đủ tiền cho nhà vua là đặc quyền sẽ được cấp ngay. Khi một số thợ thủ công nào đó thấy cần thiết phải lập một phường hội mà không cần phải đợi nhà vua cho phép, những tổ chức bất hợp pháp đó nếu bị phát hiện cũng không vì thế mà mất quyền hoạt động, nhưng bị buộc phải nộp phạt hàng năm cho nhà vua để được phép hành nghề không có phép. Thành phố tự quản thay mặt chính quyền giám sát và kiểm soát các phường hội và ra những quy chế thích hợp, và bất kỳ kỷ luật nào được áp dụng đối với các phường hội cũng xuất phát từ một liên đoàn lớn hơn mà các phường hội đó chỉ là thành viên, chứ không phải do sự áp đặt của nhà vua.
Chính quyền của thành phố tự quản hoàn toàn nằm trong tay các nhà buôn và các thợ thủ công mỹ nghệ. Những người này có lợi ích rõ ràng của tầng lớp mình là phải ngăn không cho thị trường tràn ngập quá nhiều hàng hóa thuộc loại ngành nghề của họ; việc này thực tế là làm cho thị trường luôn luôn khan hiếm các mặt hàng mà các phường hội của họ sản xuất ra. Mỗi tầng lớp đều nóng lòng muốn đặt ra những quy tắc thích hợp với mục đích này, và khi được phép làm như vậy, họ cũng sẵn sàng đồng ý để cho các tầng lớp khác cũng được làm như họ. Do đó các quy tắc như vậy, thực ra, mỗi tầng lớp đều buộc phải mua những mặt hàng mà họ cần của những người sản xuất khác trong cùng thị trấn, với giá đắt hơn là nếu như chính họ làm ra. Nhưng để đền bù lại sự thiệt thòi, họ lại bán hàng của họ sản xuất ra với giá đắt hơn. Việc này khiến cho tất cả mọi người, chừng nào họ còn giao dịch buôn bán với nhau trong cùng một thị trấn, không một ai trong số họ bị thua thiệt do việc đặt ra các quy tắc này. Nhưng trong các công việc giao dịch buôn bán đứng trên phương diện toàn đất nước, tất cả mọi người đều kiếm chác được khác nhiều. Và những giao dịch này làm cho mọi thành phố đều giàu thêm.
Mỗi thành phố tồn tại được và sản xuất được là do sử dụng nguyên vật liệu trong cả nước. Và mỗi thành phố trả mọi thứ cần thiết trong sinh hoạt cũng như những vật liệu đó bằng 2 cách: thứ nhất là trả lại cho nhà nước một phần nguyên liệu đã chế tạo thành hàng hóa mà giá của chúng được tính thêm tiền lương trả cho công nhân và tiền lãi cho chủ hay người trực tiếp thuê người làm; thứ hai là chuyển cho nhà nước một phần sản phẩm thô và đã được chế tạo, mà họ đã nhập từ các nước khác về hoặc mua từ các vùng xa xôi trong nước, tất nhiên cũng với giá được tính thêm tiền lương trả cho người vận tải hoặc thủy thủ và tiền lời trả cho nhà buôn đã thuê mướn công nhân để làm công việc nhập hàng hay vật liệu này. Về cái lợi thu được từ ngành thương mại thứ nhất thì phải kể đến mối lợi của thành phố là tự mình sản xuất ra các mặt hàng, cái lợi thu được từ ngành thương mại thứ hai là mối lợi từ việc buôn bán trao đổi giữa các vùng trong nội địa và ngoại thương. Tiền công của người thợ và lợi nhuận của người chủ là những lợi ích thu được từ cả hai ngành sản xuất và buôn bán. Mọi quy tắc đặt ra đều nhằm làm cho thành phố dành được tiền công cao hơn cho thợ và tiền lời nhiều hơn cho chủ, tức là vượt quá mức trong những trường hợp làm khác, như vậy sẽ giúp cho thành phố dùng một lượng lao động ít hơn mua được nhiều sản phẩm hơn của các nơi khác trên đất nước. Người buôn bán và thợ thủ công trong thành phố, do đó, có lợi thế lớn hơn so với địa chủ, trại chủ và người lao động làm thuê trong nước và như thế phá vỡ sự bình quân tự nhiên mà nếu không như vậy thì sẽ diễn ra giữa họ với nhau. Toàn bộ sản phẩm của lao động xã hội hàng năm được phân chia giữa hai loại người này. Bằng cách đặt ra những quy tắc, người dân thành thị được hưởng phần sản phẩm xã hội lớn hơn, và tất nhiên phần sản phẩm nhỏ hơn rơi vào tay những người ở nông thôn.
Cái giá mà thành phố thực sự trả cho các khoản lương thực và vật liệu nhập hàng năm là số lượng các mặt hàng công nghiệp và các thứ hàng hóa khác mà thành phố xuất ra ngoài. Hàng xuất khẩu bán với giá càng cao thì các mặt hàng nhập khẩu mua càng rẻ. Thành phố càng ngày càng phát triển các ngành công nghiệp của mình trong khi đó nông thôn lại phải chịu mọi điều bất lợi.
Cũng chẳng cần phải đi vào các công việc tính toán so sánh phức tạp, chúng ta có thể nhận thấy một cách khá giản đơn và rõ ràng là ngành công nghiệp tiến hành tại các thành phố ở Châu Âu đều ở vào thế lợi hơn so với công việc sản xuất ở nông thôn. Ở mỗi nước ở Châu Âu, chúng ta nhận thấy ít nhất là một trăm người trở nên giàu có từ ngành công nghiệp và buôn bán nhỏ bé lúc ban đầu thì mới có một người làm giàu được như vậy bằng cày cấy ở nông thôn. Vì vậy, công nghiệp được đền bù tốt hơn, tiền công lao động và tiền lời của vốn tất nhiên là nhiều hơn ở thành thị so với nông thôn. Nhưng tiền vốn và sức lao động tất nhiên tìm cách sử dụng có lợi nhất. Vì vậy, chúng chuyển về thành phố bằng mọi cách và để trống nông thôn.
Những người dân thành thị, vì thường sống tập trung vào một nơi, nên dễ bề phối hợp với nhau trong các hoạt động sản xuất. Những ngành sản xuất dù không có tầm quan trọng ở thành thị cũng được tập hợp lại ở nơi này hay nơi khác thành phường hội, và ngay cả ở những nơi mà thị dân chưa bao giờ có ý định lập thành phường hội, tuy vậy tinh thần phường hội, sự ghen tỵ đối với người lạ ở nơi khác, sự ác cảm không muốn nhận người học nghề hoặc truyền lại bí mật nghề nghiệp, thường có sẵn trong tâm trí của họ và nhiều khi dạy cho họ rằng bằng cách thành lập các hội nghề nghiệp tự nguyện và có những thỏa thuận chung, họ sẽ ngăn chặn được sự cạnh tranh tự do mà họ chẳng thể cấm đoán được bằng những quy chế của ngành nghề hay luật lệ của địa phương. Những ngành nghề sử dụng một số ít thợ thủ công rất dễ kết hợp thành nghiệp đoàn. Một nửa tá thợ chải lông cừu có thể cần thiết để giữ công việc làm cho một nghìn thợ kéo sợi và thợ dệt. Bằng cách không nhận thợ học nghề, họ không những không mở mang được công ăn việc làm mà còn làm giảm sút toàn bộ ngành sản xuất để tự biến mình thành nô lệ của chính họ và nâng giá công lao động của họ lên cao hơn nhiều so với mức tương xứng với tính chất công việc của họ.
Dân chúng ở nông thôn, sống phân tán trên một địa bàn xa xôi rộng lớn, không thể dễ dàng lập hội được. Họ chẳng những không bao giờ có thể hợp thành một phường hội, mà tinh thần phường hội cũng chưa bao giờ hình thành trong đầu óc của họ cả. Học nghề chăn nuôi chẳng bao giờ được cho là cần thiết, dù chăn nuôi là một ngành lớn ở nông thôn. Ngoài cái nghề gọi là thủ công mỹ nghệ và các nghề tự do, có lẽ chẳng có một ngành nghề nào lại cần phải có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm như vậy. Có nhiều cuốn sách viết về chăn nuôi bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Những điều nói trong các cuốn sách đó có thể cho chúng ta thấy rằng ngành chăn nuôi chưa được ai coi là một vấn đề dễ hiểu, ngay cả đối với những người giỏi giang và có nhiều tri thức. Từ những cuốn sách đó, chúng ta dù cố gắng mấy cũng không thể tìm hiểu được những thao tác phức tạp và đa dạng về chăn nuôi mà người nông dân vẫn thường sử dụng. Vậy mà tác giả của một vài cuốn sách lại còn nói với một giọng khinh thường về người nông dân. Ngược lại, ít có nghề cơ khí thông thường mà các thao tác của nó lại không được mô tả rõ ràng khúc chiết trong một cuốn sách nhỏ vài trang hoặc bằng lời được minh họa bằng hình ảnh. Trong cuốn lịch sử nghệ thuật mà Viện Hàn lâm khoa học Pháp xuất bản, một số môn mỹ thuật được giải thích bằng hình ảnh. Ngoài ra, việc điều khiển các hoạt động sản xuất cần phải thay đổi tùy theo những biến đổi của thời tiết cũng như nhiều biến cố khác. Việc đó đòi hỏi phải có sự phán đoán, suy xét thận trọng hơn là đối với những hoạt động hay thao tác giống nhau hoặc gần như giống nhau.
Không chỉ có kỹ thuật của người chủ trại và các thao tác về chăn nuôi, mà nhiều ngành lao động thấp kém ở nông thôn đòi hỏi phải có trình độ nghề nghiệp và kinh nghiệm nhiều hơn so với phần lớn nghề cơ khí. Người công nhân làm việc với đồng và sắt thì có trong tay những dụng cụ và vật liệu mà tính chất và trạng thái của chúng không thay đổi hoặc hầu như không thay đổi. Nhưng người nông dân cày cấy trồng trọt thì dùng sức kéo của ngựa hay bò mà sức khỏe, sức lực cũng như tính khí của chúng nhiều khi thay đổi tùy theo các trường hợp khác nhau. Các vật liệu mà người nông dân dùng cũng hay thay đổi, cho nên người nông dân phải điều hành với sự suy nghĩ và phán đoán thận trọng nhiều hơn. Người thợ cày, mặc dù vẫn bị coi là ngốc nghếch đần độn, nhưng ít khi bị sai lầm trong sự phán đoán và cách làm ăn thận trọng của họ. Thực vậy, người thợ cày ruộng không quen với cách ứng xử và giao thiệp xã hội lịch lãm như người thợ máy sống ở thành thị. Cách nói và ngôn ngữ của anh ta còn vụng về, thô lỗ, và những người không nghe quen còn cảm thấy khó hiểu nữa là đằng khác. Người thợ cày rất quen xem xét nhiều đối tượng khác nhau, cho nên họ thường có sự hiểu biết cao hơn những người mà từ sáng đến tối chỉ chú trọng vào một vài thao tác rất đơn giản.
Sự hiểu biết nhiều hơn của người thợ cày so với người thợ cơ khí là một điều khá rõ ràng đối với bất kỳ ai đã có dịp trò chuyện với cả hai loại người này vì công việc hay vì tính tò mò muốn tìm hiểu họ. Ở Trung Quốc và Indostan, về mặt tiền công và cấp bậc nghề nghiệp, người lao động ở nông thôn được mọi người đánh giá cao hơn phần lớn các thợ thủ công và thợ chế tạo ở thành thị. Những người lao động ở nông thôn chắc chắn là sẽ như vậy ở bất kỳ nơi nào, nếu các luật lệ về phường hội và tinh thần phường hội không ngăn cản họ.
Tính hơn hẳn của nền công nghiệp ở các thành thị tại các nước Châu Âu so với các ngành nghề ở nông thôn không phải tất cả là do sự thành lập các phường hội và việc đặt ra các quy tắc có liên quan đến các tổ chức đó. Còn có nhiều quy tắc, điều lệ khác hỗ trợ cho tính hơn hẳn nói trên. Thuế khá cao đánh vào các hãng sản xuất mà những người buôn bán nhập từ nước ngoài cũng nhằm vào mục đích đó. Các luật lệ về phường hội cho phép các cư dân ở thành thị nâng giá mà không sợ hàng hóa bán ra không chạy do sự cạnh tranh tự do của những người ở nông thôn. Lại còn có những quy định khác nữa bảo vệ thị dân chống lại sự cạnh tranh của người nước ngoài. Giá cả tăng lên như vậy cuối cùng đè nặng lên các điền chủ, chủ trại và người lao động ở nông thôn, và họ phải gánh chịu mọi hậu quả mà rất ít người dám kêu ca, chống đối các loại độc quyền đó. Họ thông thường không có xu hướng mà cũng chẳng có khả năng tham gia thành lập các nghiệp đoàn. Còn phép ngụy biện của các nhà buôn và nhà chế tạo thì cho rằng việc tăng giá đó là vì lợi ích của một bộ phận xã hội và cũng là lợi ích chung của mọi người.
Ở nước Anh, tính hơn hẳn của nền công nghiệp ở thành phố so với các ngành nghề ở nông thôn hình như trước kia được trọng thị nhiều hơn so với ngày nay. Tiền công của lao động nông thôn hiện nay tiến gần hơn so với tiền công của lao động công nghiệp ở thành thị. Lợi nhuận của tiền vốn bỏ ra cho sản xuất nông nghiệp cũng gần ngang với tiền vốn bỏ ra để buôn bán và sản xuất công nghiệp, chứ không như trong thế kỷ vừa qua hoặc đầu thế kỷ này. Sự thay đổi này có thể được coi là hậu quả cần thiết tuy rằng rất chậm trễ của việc khuyến khích công nghiệp ở thành thị. Ở thành phố vốn được tích lũy nhiều đến mức không thể sử dụng hết với lợi nhuận như trước đây trong các ngành công nghiệp đặc thù cho thành phố.
Nền công nghiệp cũng có những giới hạn của nó, và vốn tăng làm cho sự cạnh tranh thêm gay gắt và giảm bớt tiền lãi. Lợi nhuận bị giảm sút ở thành thị buộc các nhà sản xuất phải chuyển bớt vốn về nông thôn, và do đó, nhu cầu về lao động ở nông thôn tăng, và vì thế tiền công của họ được trả cao hơn. Tiền vốn được sử dụng rộng rãi, tôi có thể nói được như vậy, trong cả nước và một phần số tiền vốn đó được sử dụng vào việc phát triển nông nghiệp mà trước đó chỉ dành cho việc tích lũy ở thành thị.
Tất cả mọi nơi ở Châu Âu, việc cải thiện tình hình ở nông thôn chủ yếu là nhờ sự tràn ngập của tiền vốn mà trước đó chỉ tích lũy ở thành thị, sau đây tôi sẽ cố gắng chứng minh điều đó và đồng thời cho thấy rằng mặc dù một vài nước trong quá trình này đã đạt được sự giàu có đáng kể, nhưng rõ ràng là quá trình này tự nó là chậm chạp, không chắc chắn, bị cản trở và gián đoạn bởi nhiều biến cố, và do đó trái với quy luật tự nhiên và lý lẽ thông thường.
Trong quyển III và quyển IV tôi sẽ cố gắng giải thích đầy đủ và rõ ràng những lợi ích, thành kiến, quy luật và tập quán chi phối quá trình này.
Những người cùng ngành nghề thỉnh thoảng gặp nhau để bày mưu tăng giá. Mặc dù luật pháp không thể ngăn cấm những người cùng ngành nghề thỉnh thoảng gặp gỡ tập hợp như vậy nhưng luật pháp không được làm gì để tạo điều kiện cho những cuộc gặp như vậy hoặc làm cho chúng trở nên cần thiết.
Mọi quy định buộc tất cả những người cùng một ngành nghề trong một thành phố phải đăng ký tên và nơi ở vào một cuốn sổ chung là làm cho những cuộc gặp gỡ như vậy trở nên dễ dàng hơn. Nó giúp cho sự liên hệ giữa các cá nhân có thể chưa từng biết nhau từ trước và chỉ cho bất kỳ người nào trong một ngành nghề nhất định tìm được một bạn đồng nghiệp theo ý mình.
Một quy định cho phép những người cùng chung một ngành nghề được tự đóng một số tiền nào đó để giúp đỡ những người nghèo, người ốm đau, các bà quả phụ và trẻ em mồ côi trong ngành nghề của họ, và như thế làm cho họ thấy có lợi ích chung và những cuộc họp như vậy là cần thiết.
Một sự hợp thành phường hội không những làm cho các cuộc họp trở nên cần thiết mà còn làm cho một quyết định của đa số trở thành có hiệu lực đối với tất cả mọi người. Trong một ngành nghề tự do, một sự liên kết có hiệu quả không thể thiết lập trừ khi có sự đồng ý, nhất trí của từng người trong ngành nghề đó, và sự liên kết chỉ có thể kéo dài chừng nào tất cả mọi người còn đồng lòng muốn như vậy. Đa số những thành viên của một phường hội có thể cùng đưa ra một quy chế chung cho toàn ngành với những hình phạt thích hợp đối với những ai vi phạm, và như thế họ có thể hạn chế sự cạnh tranh giữa họ với nhau một cách có hiệu quả và lâu dài hơn so với bất kỳ hội tự nguyện nào khác.
Lý do cho rằng các phường hội là cần thiết để quản lý ngành nghề tốt hơn là không có căn cứ. Kỷ luật thực sự, có hiệu quả đối với một thợ thủ công không phải là kỷ luật của phường hội mà là ý muốn của khách hàng. Chính người thợ sợ mất công ăn việc làm nên đã hạn chế mọi sự gian dối và sửa chữa những công việc làm cẩu thả của mình. Một phường hội độc quyền tất yếu làm giảm sút sức mạnh kỷ luật này. Một số công nhân được sử dụng và họ muốn làm thế nào là theo ý muốn của họ, dù ý đó là tốt hay xấu. Chính vì thế mà ở nhiều thành thị lớn có nhiều phường hội được thành lập, khó mà tìm được những người thợ khá tốt, ngay cả ở một vài ngành nghề cần thiết nhất. Nếu anh sản xuất được một mặt hàng kha khá được nhiều người ưa chuộng, thì anh buộc phải sản xuất nó ở ngoại ô mà ở đó người thợ không được một sự ưu đãi nào mà chỉ hoàn toàn dựa vào chính khả năng của mình mà thôi, và sau đó, nhập lậu mặt hàng đó vào thành thị để bán mà tránh được mọi sự cấm đoán do độc quyền đặt ra.
Chính sách này hạn chế sự cạnh tranh trong một số việc làm ở một số người ít hơn số người sẵn sàng làm những việc đó, cho nên chính sách này của Châu Âu gây ra một bất bình đẳng rất nghiêm trọng trong toàn bộ các lợi thế và bất lợi trong các cách sử dụng lao động và tiền vốn.
Thứ hai là, bằng cách tăng sự cạnh tranh trong một số việc làm vượt quá mức độ tự nhiên của nó, chính sách của Châu Âu gây nên một bất bình đẳng khác có tính chất trái ngược trong toàn bộ các lợi thế và bất lợi trong các cách sử dụng lao động và tiền vốn.
Người ta đã từ lâu coi như một việc quan trọng là một số người trẻ tuổi cần phải được đào tạo để làm một số nghề nào đó, vì thế đôi khi dân chúng và các sáng lập viên tư nhân vì lòng mộ đạo đã ủng hộ nhiều khoản trợ cấp, các loại học bổng v.v… để phục vụ cho mục đích này. Với tấm lòng tốt của những người nói trên, nhiều thanh niên được theo học các ngành nghề. Ở Châu Âu chẳng hạn, những người viết văn được đào tạo vì lợi ích của giáo hội, nhưng họ lại không được gia nhập vào các đẳng cấp tôn giáo vì các lý do khác nhau. Thường thường họ được cấp các khoản học bổng bằng tiền từ công quỹ, nhưng vì số người trong ngành văn chương ở đâu cũng thường có rất nhiều, cho nên giá lao động của họ cũng không đáng kể.
Trước khi nghề in được phát minh, một nhà văn chẳng có việc gì làm tốt hơn để sử dụng những hiểu biết và tài năng của họ là làm một thầy dạy học ở trường tư hoặc trường công, hoặc làm nghề truyền lại cho những người khác những hiểu biết hữu ích và kỳ lạ mà họ đã nắm được qua học tập nghiên cứu sách báo, và điều này chắc chắn mang lại cho họ niềm vinh dự, sự hữu ích và cả lợi nhuận nhiều hơn là viết sách cho các nhà bán sách mà nghề in đã tạo điều kiện nhân bản cho họ. Muốn trở thành một nhà giáo giỏi về các môn khoa học đòi hỏi phải có một thời gian dài học tập nghiên cứu, phải có tài năng, sự hiểu biết và những cố gắng ít nhất cũng chẳng kém gì so với nhà luật học hay nhà danh y. Nhưng tiền trả cho một nhà giáo giỏi không thể mang so sánh với nhà luật học hay bác sĩ, vì nghề nhà giáo có quá nhiều người nghèo túng theo học và được sự đài thọ của công quỹ, trong khi nghề luật và nghề y ít bị vướng víu bởi những người không có tiền đi học. Tiền trả công cho các nhà giáo công hoặc tư, dù đã ít ỏi, chắc chắn sẽ còn ít hơn, nếu không loại trừ sự cạnh tranh của những nhà văn còn nghèo hơn họ phải kiếm sống bằng viết sách, báo cho các nhà xuất bản. Trước khi có nghề in, một người có học thức về một mặt nào đó đồng nghĩa với người ăn mày, ăn xin. Hiệu trưởng các trường đại học trước thời gian này đã nhiều lần phải cho phép học viên đi ăn xin.
Vào thời cổ xưa, trước khi xuất hiện các tổ chức từ thiện thuộc loại này để giúp những người nghèo khó theo học các nghề có văn hóa, các nhà giáo giỏi thường nhận được tiền thù lao khá hơn nhiều. Trong bài diễn văn chống lại các nhà triết học cổ Hy Lạp, Socrates đã phê phán các nhà giáo và thời của ông là thiếu nhất quán. Ông nói: “Họ đã đưa ra những lợi hứa hẹn tuyệt vời với môn sinh của họ; họ dạy những môn sinh này phải có học thức, phải biết sống trong hạnh phúc, và phải công bằng chính trực, và để đền đáp việc dạy học quan trọng như vậy, họ chỉ đề nghị trả cho họ 4 hoặc 5 mina mà thôi (mina = đơn vị tiền tệ cổ Hy Lạp). Họ dạy người khác các kiến thức và tính khôn ngoan thì họ cũng phải tự mình có sự hiểu biết và sự khôn ngoan cần thiết cho bản thân, và bất luận người nào chịu bán rẻ kiến thức của mình như vậy đều bị coi là điên rồ, ngờ nghệch”. Socrates chắc hẳn không có ý định phóng đại số tiền thù lao cho các nhà giáo, và chúng ta có thể biết chắc là ông cũng không có ý nói số tiền đó ít hơn giá trị thực tế của việc dạy học thời bấy giờ. 4 đồng mina bằng 13 bảng 6 shilling và 8 penny; 5 mina bằng 16 bảng 13 shilling và 4 penny. Các nhà giáo giỏi nhất ở kinh thành Athens thường được trả thù lao bằng số tiền không nhỏ hơn số tiền lớn nhất nói trên. Chính bản thân Socrates đòi mỗi môn sinh phải trả cho ông số học phí là 10 mina hay 33 bảng 6 shilling và 8 penny. Khi ông dạy học ở Athens, người ta nói ông có một trăm môn sinh. Tôi hiểu rằng đây là số môn sinh ông dạy trong một khóa học hay là những môn sinh theo học một giáo trình trong bài giảng của ông; con số này không có gì là lạ ở một thành phố lớn với một thầy dạy nổi tiếng như Socrates. Vậy, mỗi khóa học, ông chắc hẳn đã nhận được từ các môn sinh một nghìn mina, hay 3333 bảng 6 shilling và 8 penny. Plutarch dạy học ở một nơi khác cũng nói một nghìn mina là giá dạy học thông thường ở Hy Lạp. Nhiều nhà giáo nổi danh thời bấy giờ đã trở nên rất giàu có. Nhà giáo Gorgias cúng cho đền Delphi một pho tượng tạc hình ông ta bằng vàng đúc. Chúng ta không thể cho rằng ai cũng có thể làm được như Gorgias hoặc như Hippias và Protagoras, hai nhà giáo ưu tú khác vào thời bấy giờ đã được nhà triết học Plato mô tả là tuyệt vời vô song. Chính Plato cũng được mọi người nói là sống một cuộc đời rất huy hoàng, tráng lệ. Nhà triết học nổi tiếng Aristotle sau khi làm gia sư cho Alexander và được trả tiền lương một cách hết sức hậu hỉ và hào phóng, như đã thỏa thuận giữa hai cha con, đã cùng với cha là Philip quay trở về Athens tiếp tục làm nghề dạy học ở ngay trường của ông ta. Các nhà giáo dạy các môn khoa học thời đó không nhiều như một hai thế kỷ sau đó, khi sự cạnh tranh đã có phần làm giảm giá lao động và sự khâm phục đối với các nhà giáo. Tuy nhiên, những người ưu tú nhất trong các nhà giáo đó vẫn được mọi người tỏ lòng ưu ái, kính trọng hơn nhiều so với bất kỳ sự ưu ái nào đối với nghề này hiện nay. Các nhà chức trách ở Athens đã cử Carmeades (nhà triết học Hy Lạp đại diện cho một nền triết học theo chủ nghĩa hoài nghi) và Diogenes (chủ trương coi khinh mọi của cải và các tục lệ xã hội), một người là viện sĩ và một người là nhà triết học khắc kỷ, làm đại diện tại đại sứ quán Hy Lạp ở La Mã. Carmeades là một người sinh ra ở Babylone, và vì không có dân tộc nào lại muốn nhận người ngoại quốc vào làm việc ở các công sở hơn là người Athens, cho nên ông được người Athens ngưỡng mộ và khâm phục.
Sự bất bình đằng này nhìn chung có thể có lợi nhiều hơn hại đối với dân chúng. Đôi khi có nó thể hạ thấp nghề nghiệp của một nhà giáo công, nhưng do nền học vấn không đòi hỏi phải mất nhiều tiền, cho nên lợi thế đó tỏ ra quan trọng hơn nhiều so với điều bất lợi không đáng kể. Dân chúng lẽ ra được lợi rất nhiều từ nền học vấn đó nếu như việc thành lập các trường và học việc mà ở đó nền giáo dục được tiến hành đã được sắp xếp hợp lý hơn ngày nay ở phần lớn các nước Châu Âu. Thứ ba là, chính sách của Châu Âu, bằng cách ngăn chặn sự giao lưu tự do của lao động và tiền vốn từ công việc kinh doanh này sang công việc kinh doanh khác và từ nơi này sang nơi khác, đã gây ra trong một vài trường hợp một sự thiếu bình đẳng rất không thuận lợi trong tổng thể các mặt lợi và bất lợi của các cách sử dụng lao động và vốn khác nhau.
Quy chế học nghề cản trở việc giao lưu tự do của lao động từ công việc này sang công việc khác, ngay cả trong cùng một địa phương. Những đặc quyền của các phường hội cản trở việc giao lưu lao động từ nơi này sang nơi khác, ngay cả trong cùng một công việc làm.
Người ta thấy luôn luôn xảy ra tình trạng là ở một cơ sở sản xuất này người thợ được hưởng tiền công cao, trong khi đó những người thợ làm việc ở một cơ sở sản xuất khác buộc phải bằng lòng với một số tiền thù lao vừa đủ sống. Cơ sở này thì đang ở thế đi lên và vì thế luôn luôn cần thuê thêm thợ mới, cơ sở khác thì đang ở trong tình trạng suy sụp, và do đó, số thợ dư thừa ngày càng nhiều. Cả hai loại cơ sở này có thể đôi khi cùng hoạt động trong một thành phố, và đôi khi trong cùng một nơi ở gần nhau, nhưng không có khả năng giúp đỡ nhau về bất cứ điều gì. Quy chế học việc trong trường hợp này chống lại điều đó, còn trong trường hợp khác thì cả quy chế học việc và phường hội độc quyền đều chống lại. Trong nhiều cơ sở sản xuất, các thao tác rất giống nhau, người thợ có thể dễ dàng thay thế nhau, nếu như những luật lệ phi lý đó không ngăn cấm họ. Kỹ thuật dệt vải lanh trơn và lụa trơn hầu như hoàn toàn giống nhau; kỹ thuật len trơn có khác tí chút, nhưng sự khác nhau là không đáng kể, cho nên một người thợ dệt vải lanh hay lụa có thể trở thành một người thợ dệt len chấp nhận được chỉ trong ít ngày. Nếu biết bất kỳ một trong ba cơ sở sản xuất đó bị suy thoái, những người thợ ở cơ sở này có thể tìm việc làm ở một trong hai cơ sở còn lại, và tiền công của họ sẽ không quá cao ở cơ sở đang phồn thình, mà cũng không quá thấp ở cơ sở đang suy thoái. Do có một quy chế đặc biệt, việc sản xuất vải lanh ở nước Anh được mở cửa cho tất cả mọi người, nhưng vì sợi lanh không được trồng rộng rãi ở khắp mọi nơi trong nước, cho nên ngành dệt vải lanh không có đủ việc để thu hút các thợ bị giãn việc từ các cơ sở sản xuất khác. Những người này không có sự lựa chọn nào khác là hoặc nhận tiền cứu tế hoặc chuyển sang làm một người lao động bình thường, mà theo tập quán họ bị đánh giá kém hơn khi làm những việc không giống như công việc họ đã làm trước đó. Vì vậy họ thường chấp nhận tiền cứu tế xã hội.
Điều gì cản trở sự giao lưu tự do của lao động từ một công việc này sang một công việc khác thì cũng cản trở sự giao lưu tiền vốn. Số lượng tiền vốn mà có thể được sử dụng ở một ngành kinh doanh nào đó tùy thuộc rất nhiều vào số lượng người lao động có thể được sử dụng ở ngành đó. Tuy nhiên, các luật lệ của phường hội cản trở việc giao lưu tiền vốn từ nơi này đến nơi khác ít hơn là cản trở việc giao lưu lao động. Một người buôn bán giàu có sẽ giành được sự ưu đãi về mặt kinh doanh ở thành phố đã có phường hội dễ hơn nhiều so với một thợ thủ công nghèo muốn đến tìm việc làm ở đó.
Tôi tin rằng bất kỳ ở nơi nào trên đất Châu Âu, luật lệ phường hội cũng ngăn cấm sự giao lưu tự do của lao động. Luật về người nghèo cũng ngăn cản giao lưu lao động. Đó là đặc trưng của nước Anh. Người nghèo rất khó tìm chỗ định cư, thậm chí rất khó xin phép hành nghề ở bất kỳ xứ đạo nào khác ngoài xứ đạo nơi mình đang sống. Các luật lệ phường hội chỉ ngăn cấm sự lưu thông tự do đối với lao động của thợ thủ công và thợ chế tạo. Khó khăn trong việc tìm được một nơi an cư lập nghiệp cản trở cả việc lưu thông lao động bình thường. Cũng nên kể lại đây tình trạng hỗn loạn này ở nước Anh.
Khi các tu viện bị phá bỏ, người nghèo không còn nơi nương tựa mà lòng từ thiện của các cơ sở tôn giáo mang lại cho họ. Sau những mưu toan không có hiệu quả nhằm cứu giúp người nghèo, đến năm 43 thời nữ hoàng Elizabeth đã được công bố một đạo luật buộc mỗi xứ đạo phải có trách nhiệm trông nom và cung cấp cho những người nghèo thuộc quyền cai quản của mình, và một viên giám thị trong coi những người nghèo được cử ra hàng năm để cùng với viên quản lý tài sản của giáo hội tạo nên những khoản tiền cần thiết cho việc làm đó.
Theo quy chế này, mỗi xứ đạo bị áp đặt phải cung cấp, nuôi dưỡng người nghèo thuộc quyền cai quản của họ. Ai được coi là người nghèo ở từng xứ đạo, tất nhiên, trở thành một vấn đề có một tầm quan trọng nào đó. Vấn đề này cuối cùng đã được giải quyết bằng một đạo luật do vua Charles II ban hành. Theo như nội dung đạo luật, bất kỳ người nào đã ở tại một xứ đạo nào đó trong 40 ngày mà không có sự khiếu nại của bất kỳ người nào ở chung quanh nơi đó, thì người đó được định cư ở đó, nhưng trong thời kỳ này, nếu có sự khiếu nại của viên quản lý tài sản giáo hội hay viên giám thị thì cần phải có hai vị thẩm phán trị an đuổi người dân mới đến cư trú về xứ đạo nơi người ấy trước đây được cư trú hợp pháp, trừ trường hợp người đó chịu bỏ tiền thuê một phòng với giá 10 bảng một năm, hoặc có thể trả một số tiền đảm bảo tương đương cho xứ đạo, mà ở đó anh ta đang ở, nếu như được các vị thẩm phán trị an phán xét điều đó là chấp nhận được.
Những sơ hở của đạo luật đã gây ra những sự gian lận; những người làm việc ở xứ đạo đôi khi đút lót người nghèo để họ bí mật chuyển sang một xứ đạo khác nơi mà họ chỉ cần giấy mình trong 40 ngày để có được một nơi ở chính thức, như vậy là giải thoát cho xứ đạo mà lẽ ra họ phải ở đó. Bởi thế, dưới thời vua James II, một đạo luật khác được ban bố rằng 40 ngày của một người nào đó ở một nơi nào đó mà không bị ai tố cáo chỉ được tính từ ngày anh ta chính thức thông báo bằng đơn viết tay nơi đang ở và số người trong gia đình cho viên quản lý tài sản giáo hội hoặc cho viên giám thị ở xứ đạo mà anh ta đến ở.
Nhưng những chức sắc ở xứ đạo cũng tỏ ra chẳng trung thực với bản thân hơn là với các xứ đạo khác và đôi khi họ phớt lờ những sự xâm nhập đó, tuy nhận được giấy báo, nhưng sau đó không thực hiện những biện pháp thích hợp. Vì mỗi người ở xứ đạo đều có lợi khi ngăn cản mọi người lạ mặt đến ở, cho nên dưới triều đại vua William III, người ta đã quy định là việc định cư ở một nơi nào 40 ngày phải tính từ ngày công bố giấy báo định cư đó vào ngày chủ nhật tại nhà thờ ngay sau khi làm lễ thánh.
Tiến sĩ Burn đã nói rằng loại định cư bằng cách tính 40 ngày sau khi công bố giấy báo, rất ít khi được thực hiện, và mục đích của cách làm này chủ yếu không phải là để cấp một nơi ở, mà chính là để lảng tránh không cấp cho ai cả, nhất là đối với những người nhập vào xứ đạo một cách bí mật, và giấy báo đó chỉ là một hình thức để buộc họ phải ra đi mà thôi. Nhưng nếu đối với một người nào đó, tình hình còn chưa rõ ràng liệu anh ta thực sự có phải rời xứ đạo ra đi hay không, thì bằng cách nộp giấy báo anh ta buộc xứ đạo hoặc phải cho anh ta định cư một cách hiển nhiên, tức là cho anh ta tiếp tục ở trong vòng 40 ngày, hoặc đẩy anh ta ra khỏi xứ đạo để chứng minh quyền hạn của mình.
Luật lệ này tất nhiên làm cho một người nghèo không thể nào dành được một nơi ở mới theo cách cũ, tức là ở một nơi nào đó 40 ngày. Nhưng nó cũng không hoàn toàn loại trừ các người dân thường ở một xứ đạo này đến ở một cách an toàn ở một xứ đạo khác. Bốn cách khác được sử dụng để có được một nơi mà ở không cần phải nộp hoặc công bố giấy báo. Cách thứ nhất là đóng đủ thuế theo định suất của xứ đạo; cách thứ hai là được bầu vào một chức vụ của xứ đạo hàng năm, và làm việc tại đó một năm, cách thứ ba là học nghề ở xứ đạo; cách thứ tư là được thuê mướn làm việc ở đó một năm và cứ tiếp tục được làm việc đó trong suốt thời gian còn lại.
Không một ai có thể có nơi ở trong xứ đạo bằng một trong hai cách đầu cả, vì ai cũng biết là người muốn đến ở xứ đạo không có gì khác ngoài sức lao động của họ, cho nên chẳng ai muốn gánh chịu hậu quả bằng cách chấp nhận đánh thuế họ hoặc bầu họ vào một chức vụ của xứ đạo.
Không có một người nào có vợ con lại có thể tìm được nơi lập nghiệp bằng một trong hai cách cuối nói trên đây. Một người đến học việc chắc hẳn là chưa có vợ, và hơn nữa luật lệ đã nói rõ rằng không một người đi ở nào có vợ lại có thể có nơi ở bằng cách được thuê mướn trong một năm. Mục đích chủ yếu của việc tìm nơi lập nghiệp bằng con đường phục vụ phần lớn là để hủy bỏ phương pháp thuê mướn cũ trong một năm, phương pháp này đã từng rất thông dụng trước đó ở Anh, và ngay cả ngày nay, nếu không có một điều kiện nào đặc biệt được thỏa thuận, luật pháp quy định rằng mỗi người làm công được thuê mướn trong một năm. Những người chủ thường không muốn thuê người làm công theo cách này để khỏi phải cung cấp cho người đó một nơi ở. Và người làm công cũng không muốn được thuê mướn như vậy, vì theo luật lệ, nơi ở cuối cùng sẽ làm mất hiệu lực tất cả những nơi ở trước đó. Vì vậy họ có thể mất nơi ở gốc của họ ở nơi sinh, nơi ở của bố mẹ và những người thân thuộc của họ.
Vậy, không có một người thợ độc lập nào, dù là thợ thủ công hay người lao động bình thường, có khả năng dành được một nơi ở mới bằng cách học nghề hay làm công cho nhà chủ. Khi những người như vậy muốn đến ở và làm việc cho giáo hội, mặc dù họ khỏe mạnh và chăm chỉ làm việc đến thế nào đi chăng nữa, cũng sẽ bị đẩy ra khỏi xứ đạo tùy theo sở thích của vị quản lý tài sản của giáo hội hay của vị giám thị, trừ khi họ thuê được một phòng ở giá 10 bảng một năm, điều này là không thể nào thực hiện được đối với một người không có tài sản nào khác ngoài sức lao động của chính mình, hoặc trừ khi họ có thể đưa ra một sự đảm bảo về mặt thanh toán các khoản tiền với xứ đạo như hai vị thẩm phán trị an cho là chấp nhận được. Họ đòi phải có sự đảm bảo thanh toán các khoản tiền là bao nhiêu là tùy theo sự định đoạt của họ, nhưng không dưới 30 bảng như đã được luật pháp quy định, vì một bất động sản được quyền sử dụng tự do với giá trị dưới 30 bảng sẽ không dùng làm nơi ở cho bất kỳ ai vì chưa đủ để thanh toán đầy đủ với xứ đạo. Nhưng đó là một số tiền đảm bảo mà rất ít người sống bằng sức lao động của mình có thể đưa ra được, và người ta còn luôn luôn đòi số tiền đảm bảo lớn hơn nhiều.
Để phục hồi lại trong một chừng mực nào đó sự lưu thông tự do của lao động mà các quy chế khác nhau đó đã hầu như hủy bỏ hoàn toàn, người ta đã nghỉ ra và thực hiện việc cấp giấy chứng nhận. Dưới thời vua William III, đã ban hành sắc luật quy định rằng bất kỳ người nào xuất trình một giấy chứng nhận của xứ đạo nơi anh ta định cư hợp pháp với chữ ký của người quản lý tài sản giáo hội và của người giám thị thì các xứ đạo khác phải tiếp cận anh ta.
Đuổi một người mà không phạm tội gì ra khỏi xứ đạo, nơi anh ta đang ở, là vi phạm quyền tự do và công lý.
Mặc dù những người biết suy nghĩ đôi khi than phiền về luật định cư gây nên sự bất bình của quần chúng; tuy thế những lời than phiền của họ chẳng bao giờ trở thành một tiếng vang lớn của quảng đại quần chúng. Ít khi thấy một người nghèo ở Anh ở độ tuổi 40, tôi có thể nói như vậy, mà trong một quãng đời nào đó của mình lại không cảm thấy bị áp bức tàn tệ bởi đạo luật định cư thiếu suy tính này.
Tôi sẽ kết luận chương dài dòng này bằng nhận xét rằng mặc dù trước đây người ta thường định giá tiền công trước hết bằng các đạo luật chung áp dụng cho toàn vương quốc Anh và sau đó bằng những mệnh lệnh của các vị thẩm phán trị án ở các tỉnh riêng biệt, cả hai cách này ngày nay không còn được sử dụng nữa. Tiến sĩ Burn nói: “Bằng kinh nghiệm của hơn 400 năm, đã đến lúc phải vứt bỏ mọi nỗ lực muốn đưa vào luật lệ những gì mà tự bản chất của nó không chịu sự hạn chế được nữa. Vì nếu mọi người làm cùng một công việc vẫn cứ được hưởng tiền công như nhau, thì không có sự ganh đua, không có sự cần cù, mà cũng chẳng có sáng kiến”.
Song, Nghị viện đôi lúc đã tìm cách ban hành những đạo luật riêng biệt để điều tiết tiền lương ở một số ngành nghề và ở một số nơi. Chẳng hạn, đạo luật ban hành dưới triều đại vua George III dùng cách xử phạt nặng để cấm tất cả các chủ thợ may ở London và vùng lân cận trả và cấm thợ nhận tiền công cao hơn 2 shilling và 7 penny một ngày, trừ các dịp quốc tang. Bất cứ lúc nào luật pháp cũng điều tiết khoảng cách thu nhập giữa chủ và thợ, các hội viên hội đồng lập pháp đều là những người chủ. Vì vậy, khi luật pháp có lợi cho thợ, thì luật pháp công bằng và đúng đắn, nhưng đôi khi không phải như vậy, khi nó ủng hộ giới chủ. Như vậy, luật pháp bắt buộc giới chủ trong một số ngành nghề phải trả công thợ bằng tiền chứ không phải bằng hàng hóa là hoàn toàn đúng đắn và công bằng. Điều đó chẳng có gì áp đặt đối với giới chủ cả. Luật chỉ buộc giới chủ phải tra công bằng tiền mà chính giới chủ thường lớn tiếng nói rằng họ đã trả bằng tiền, nhưng thực ra thì không phải như vậy. Đạo luật này ủng hộ người lao động, nhưng dưới triều đại vua George III thì luật đó lại được sửa đổi lại để bảo vệ lợi ích cho giới chủ. Khi những người chủ phối hợp hành động để giảm bớt tiền công lao động của thợ, họ thường cùng nhau thỏa thuận không ai được quyền thuê mướn thợ trên mức tiền công quy định giữa họ với nhau, và nếu người nào làm trái với thỏa thuận chung thì phải chịu phạt. Nhưng nếu giới thợ thuyền phối hợp với nhau để không chịu nhận một số tiền công nào đó ít hơn mức mà họ cùng nhau quy định thì họ sẽ bị ngay đạo luật của nhà vua trừng phạt rất nặng. Nếu luật pháp công bằng, thì đạo luật này cũng phải làm như vậy đối giới chủ mới đúng. Nhưng triều đại vua George III lại thực thi các luật lệ cho phép giới chủ được phép phối hợp như vậy để bóp nghẹt người lao động. Người ta cũng chẳng chú trọng đến những lời than vãn, kêu ca rằng việc trả tiền công lao động không có sự phân biệt giữa những người thợ có tài và chăm chỉ nhất và những người thợ bình thường.
Vào thời cổ xưa, người ta thường tìm cách điều tiết tiền lời của những người buôn chuyến và những người buôn khác bằng cách ước lượng và định giá các loại thực phẩm và mặt hàng khác. Giá quy định về bánh mì là dấu vết duy nhất còn lại từ thời xa xưa ấy. Khi mà phường hội độc quyền còn tồn tại, thì việc điều chỉnh giá các mặt hàng cần thiết cho đời sống là một điều chính đáng và hợp lý. Nhưng khi không có độc quyền, thì tốt hơn là để cho sự cạnh tranh điều chỉnh giá cả mà không nên đưa ra một giá quy định nào cả. Phương pháp định giá bán bắt buộc đối với bánh mì, do triều đại của vua George II đặt ra, là không thể nào áp dụng được ở xứ Scotland, vì theo luật định, việc thực thi quy định này nằm trong quyền hành của ban quản lý chợ, nhưng lại không có ban quản lý nào cả. Khiếm khuyết của luật này mãi đến năm thứ 3 thời vua George III mới được sửa đổi. Sự cần thiết phải quy định giá bắt buộc cũng chẳng gây ra sự phiền toái nào, và việc áp dụng giá quy định tại một số nơi cũng chẳng mang lại lợi ích thiết thực nào cả. Ở phần lớn các thành thị thuộc xứ Scotland, các chủ lò bánh mì lập thành phường hội và đòi có những ưu đãi đặc biệt, mặc dù họ cũng chẳng bị ai làm rầy rà trong việc bán bánh mì.
Tỷ lệ giữa các mức khác nhau về tiền công và lợi nhuận trong các cách sử dụng lao động và tiền vốn hình như cũng chẳng hề bị ảnh hưởng nhiều bởi sự giàu có hay nghèo khổ, bởi tình trạng phồn vinh, tĩnh lập hay sa sút của xã hội. Những cuộc cách mạng như đòi đảm bảo phúc lợi công cộng, mặc dù có ảnh hưởng tới các mức chung về tiền công và lợi nhuận, nhưng phải ảnh hưởng đồng đều tới các mức đó trong tất cả các ngành nghề có thuê mướn người làm. Vì vậy, tỷ lệ giữa mức tiền công và lợi nhuận phải giữ nguyên và không thể bị thay đổi bởi bất kỳ cuộc cách mạng nào.