Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 2 - Chương 05
Chương V
CÁC CÁCH SỬ DỤNG VỐN
Mặc dù mọi thứ tiền vốn đều dành cho việc thuê mướn và trả công lao động sản xuất, thế nhưng số lượng lao động được sử dụng vào các hoạt động sản xuất lại biến động rất nhiều tùy theo sự đa dạng của cách sử dụng vốn cũng như biến động về giá trị mà cách sử dụng vốn làm tăng thêm sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động trong nước.
Một số vốn có thể sử dụng vào bốn cách khác nhau: thứ nhất, dùng vào việc khai thác sản phẩm thô cần thiết hàng năm để thỏa mãn nhu cầu sử dụng và tiêu dùng của xã hội; thứ hai, dùng vào việc chế biến sản phẩm thô đó để phục vụ cho nhu cầu sử dụng và tiêu dùng trước mắt của con người; thứ ba, vận chuyển sản phẩm thô hoặc đã chế biến từ các nơi có sẵn và nhiều đến những nơi cần dùng các loại sản phẩm đó, và cuối cùng đem chia các sản phẩm thô hoặc sản phẩm đã chế biến đó thành những gói nhỏ để đem bán lẻ cho người mua. Theo cách thứ nhất, tiền vốn được sử dụng vào việc cải tạo đất đai và đẩy mạnh trồng trọt, vào việc khai mỏ và đánh cá; theo cách thứ hai vốn của các nhà công nghiệp được sử dụng để chế biến sản phẩm thô; theo cách thứ ba các sản phẩm đã được chế biến được những người bán buôn phân phối đi các nơi trong nước, và theo cách thứ tư, các chủ cửa hàng bán lẻ các sản phẩm đã được chế biến đến tay người tiêu dùng. Khó có thể tưởng rằng một số tiền vốn mang sử dụng lại không nằm trong một cách này hay cách khác của bốn cách nói trên.
Mỗi một trong bốn cách sử dụng tiền vốn về cơ bản là cần thiết cho việc tồn tại và mở rộng ba cách kia hoặc cho lợi ích chung của toàn xã hội.
Nếu không có vốn sử dụng vào việc cung ứng sản phẩm thô, thì không thể có khâu chế biến và thương nghiệp.
Nếu không có tiền vốn sử dụng vào việc sản xuất, chế tạo các sản phẩm thô đòi hỏi phải có sự điều chế công phu trước khi có thể sử dụng thích hợp cho người tiêu dùng, thì không có sản phẩm tinh hoặc nếu chế tạo ra một cách tùy tiện, thì sản phẩm sẽ chẳng có giá trị khi trao đổi và không làm tăng thêm của cải cho xã hội.
Nếu không có tiền vốn được sử dụng vào việc vận chuyển sản phẩm thô hoặc sản phẩm được chế biến từ những chỗ có nhiều tới nơi cần mua, thì không có loại sản phẩm nào được sản xuất ra vượt quá nhu cầu tiêu dùng của các vùng lân cận. Tiền vốn của người đi buôn dùng để trao đổi sản phẩm dư thừa ở nơi này lấy sản phẩm dư thừa ở nơi khác, và như thế khuyến khích sự hăng hái sản xuất và làm tăng thêm sự hưởng thụ của dân chúng ở cả hai nơi.
Nếu không có tiền vốn được sử dụng vào việc phân chia sản phẩm thô hoặc đã được chế biến thành những gói nhỏ để đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng muốn mua ít một, thì khách hàng phải mua một số lượng hàng hóa mà người đó trước mắt chưa cần thiết. Nếu không có người hàng thịt, mỗi người sẽ buộc phải mua cả một con bò hay một con cừu trong một lần tiêu dùng. Điều này rất không thuận tiện cho cả người giàu lẫn người nghèo. Nếu như một người thợ nghèo trong một lần buộc phải mua các thứ lương thực, thực phẩm dùng cho cả tháng hoặc cho cả nửa năm, thì một phần lớn số vốn, mà người đó có và đang sử dụng như công cụ hành nghề, hay đồ đạc bày hàng trong cửa hiệu và tất nhiên đang mang lại cho anh ta một khoản thu nhập nhất định, thì anh ta buộc phải đưa khoản chi tiêu này vào phần vốn dành cho chi dùng trước mắt và do đó không mang lại tí lợi nhuận nào. Không có gì thuận tiện hơn đối với một người như vậy là có thể mua thức ăn từng ngày, và thậm chí từng giờ, như anh ta muốn. Vì thế, người thợ này có thể sử dụng hầu hết toàn bộ số vốn để kinh doanh. Như vậy, anh ta có thể mang lại một giá trị lớn hơn cho sản phẩm của anh ta, và số lợi nhuận thu được cũng thừa để bù đắp cho giá tăng thêm mà người bán lẻ buộc người mua phải trả. Những thành kiến của một vài tác giả thiên về chính trị đối với chủ cửa hàng và người buôn bán là hoàn toàn không có cơ sở. Số lượng hàng tạp hóa và thực phẩm có thể bán được ở một thành phố nào đó bị hạn chế bởi nhu cầu của thành phố đó và những vùng chung quanh. Vậy cho nên, số vốn sử dụng vào việc mua hàng tạp hóa và thực phẩm không thể vượt quá số tiền dùng để mua số lượng đó. Nếu số vốn này đem chia cho hai người bán tạp phẩm khác nhau, sự cạnh tranh giữa hai người này có chiều hướng làm cho cả hai bán rẻ hơn là số tạp phẩm nằm trong tay một người duy nhất. Nếu số tạp phẩm đó lại được chia cho 20 người bán, thì chắc hẳn sự cạnh tranh lại càng ác liệt hơn việc họ thỏa thuận với nhau để nâng giá càng ít xảy ra hơn. Sự cạnh tranh giữa họ với nhau có thể làm cho một vài người phá sản, nhưng để tránh được tình trạng này là công việc riêng của những người có liên quan. Điều đó chẳng đụng chạm gì đến người tiêu dùng hay người sản xuất, nhưng điều đó có chiều hướng phải làm cho người bán lẻ tìm cách bán rẻ hơn và mua đắt hơn so với khi ngành bán lẻ do một hay hai người giữ độc quyền. Một số trong những người này đôi khi đã dùng những lời lẽ tâng bốc các mặt hàng trong cửa hiệu của họ, và do đó,đã cám dỗ một số khách hàng nhẹ dạ, cả tin mua các thứ hàng mà họ không cần đến. Tuy nhiên, cái thói xấu này cũng không gây nhiều tác hại và chẳng đáng phải quá ư chú ý tới, cũng như chẳng cần hạn chế số lượng người bán lẻ. Điều đáng nói là không phải có quá nhiều các quán rượu bia, cho nên có nạn nghiện rượu mà nạn nghiện rượu này do các nguyên nhân khác gây ra đã làm mọc ra nhiều quán rượu.
Những người nào có vốn dùng vào một trong bốn cách nói trên cũng là những người lao động sản xuất. Lao động của họ, khi hướng vào những mục đích có lợi được thể hiện trong các mặt hàng có khả năng bán chạy mà lao động đã có tác động đến, và nói chung được cộng thêm giá trị ít nhất bằng số tiền đủ ăn để nuôi sống họ và gia đình.
Lợi nhuận của người chủ trại, người sản xuất chế tạo, người bán buôn và người bán lẻ hàng hóa đều được rút ra từ giá của các hàng hóa mà hai loại người đầu làm ra, và hai loại người sau mua và đem bán. Song các khoản vẫn bằng nhau được sử dụng vào mỗi một trong bốn cách đó sẽ thu hút vào hoạt động các số lượng lao động sản xuất rất khác nhau và làm tăng, cũng với mức độ rất khác nhau, giá trị sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động xã hội.
Vốn của người bán lẻ hàng hóa cùng với tiền lời thu được hoàn lại vốn của người bán buôn mà người bán lẻ đã mua hàng của những người đó để người bán buôn tiếp tục công việc kinh doanh của mình.
Vốn của người bán buôn hoàn lại, cùng với số lợi nhuận, vốn của chủ trại và nhà sản xuất chế tạo mà người bán buôn đã mua sản phẩm thô và sản phẩm đã chế biến của họ, và như vậy giúp họ tiếp tục kinh doanh. Thông qua loại dịch vụ này, người bán buôn đóng góp gián tiếp vào việc hỗ trợ quá trình lao động sản xuất của xã hội và làm tăng thêm giá trị sản phẩm hàng năm của xã hội. Những người bán buôn còn dùng tiền vốn của họ để thuê tàu biển, thủy thủ và các xe vận tải cùng công nhân lái xe để vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác và do đó làm cho giá hàng hóa tăng thêm bằng giá trị không chỉ của lợi nhuận mà của tiền công nữa. Đây là sức lao động sản xuất được huy động trực tiếp và là giá trị mà số vốn đó làm tăng thêm cho sản phẩm hàng năm. Tác động của số vốn này ở cả hai mặt nói trên đều tỏ ra hơn hẳn tác động của số vốn của người bán lẻ.
Một phần tiền vốn của người chủ xưởng sản xuất, chế tạo được dùng như vốn cố định để mua các công cụ sản xuất và hoàn lại vốn, cùng với lợi nhuận, cho người làm ra công cụ lao động. Một phần vốn luân chuyển dùng để mua nguyên vật liệu và hoàn lại vốn, cùng với lợi nhuận, cho chủ trại và chủ mỏ, mà chủ xưởng mua hàng của họ. Nhưng phần lớn tiền vốn lưu động luôn luôn được dùng để phân phối cho các người thợ mà chủ xưởng thuê làm việc. Phần vốn này làm cho các nguyên vật liệu đó tăng thêm giá trị bằng tiền công phải trả cho thợ và lợi nhuận của chủ xưởng đối với toàn bộ số vốn để trả lương, mua nguyên liệu và công cụ sử dụng trong quá trình sản xuất. Số vốn của người chủ xưởng được dùng để huy động một số lượng lao động sản xuất hàng năm của đất đai và lao động xã hội so với số tiền vốn tương đương trong tay của một người buôn sỉ.
Người chủ trại dùng tiền vốn vào việc thuê mướn lao động sản xuất nhiều hơn bất kỳ người nào khác cũng sử dụng một số vốn tương đương. Không những người phục vụ ở nông trại, mà cả gia súc đều được coi là sức lao động sản xuất. Trong nông nghiệp, thiên nhiên cùng lao động với con người, và mặc dù lao động của thiên nhiên không gây chút tốn kém nào, sản phẩm của thiên nhiên có giá trị của nó, cũng như sản phẩm của những người thợ được trả công đắt tiền nhất. Các hoạt động quan trọng nhất của nông nghiệp hình như hướng nhiều vào sử dụng độ phì nhiêu của ruộng đất để trồng những cây có lợi nhất cho con người, và chỉ phần nào làm tăng độ phì nhiêu đó.
Một cánh đồng mọc đầy các cây thạch nam và cây mâm xôi có khả năng sản xuất một số lượng thực vật không kém gì cánh đồng trồng nho hoặc ngũ cốc được chăm bón tốt nhất.
Trồng trọt và cày cấy thường có tính chất điều tiết hơn là thúc đẩy khả năng sinh sản tích cực của thiên nhiên. Sau khi công việc cày cấy đã hoàn tất, phần lớn công việc để lại cho thiên nhiên tác động tới. Người lao động và súc vật dùng trong nông nghiệp không những tái tạo ra một giá trị tương đương với mức tiêu dùng của chính con người và súc vật, hoặc tương đương với số vốn bỏ ra để sử dụng người lao động và súc vật kéo, cùng với số lợi nhuận mang lại cho người chủ, mà tạo ra giá trị lớn hơn nhiều. Ngoài số vốn và lợi nhuận của người chủ trại, sức lao động này còn tái sản xuất ra tiền thuê ruộng đất để trả cho địa chủ. Tiền thuê ruộng đất này có thể xem như sản phẩm thuộc khả năng của thiên nhiên mà địa chủ nhượng cho người chủ trại sử dụng. Tiền thuê đất này nhiều hay ít là tùy theo mức độ của khả năng đó, hay nói một cách khác, tùy theo khả năng sinh sản của đất trên cơ sở tự nhiên hoặc đã được chăm bón. Đó là sản phẩm của thiên nhiên sau khi đã khấu trừ hay đền bù cho nó tất cả những gì được coi là sản phẩm của con người. Nó hiếm khi ít hơn 1/4 và thường nhiều hơn 1/3 toàn bộ sản lượng thu được. Không có một số lượng lao động sản xuất tương đương nào dùng trong sản xuất chế tạo lại có khả năng tái sản xuất một giá trị lớn như vậy. Thiên nhiên không có một tác động nào trong sản xuất công nghiệp, mà sức lao động của con người làm nên tất cả, và do đó, mức tái sản xuất luôn luôn tùy thuộc vào sức mạnh của các tác nhân sử dụng vào công việc đó. Vì vậy số vốn dùng trong nông nghiệp không những huy động một số lượng lao động sản xuất lớn hơn bất kỳ số vốn tương đương nào dùng trong sản xuất chế tạo, mà tỷ lệ với số lượng lao động sản xuất được sử dụng trong nông nghiệp, số vốn này còn mang lại một giá trị tăng thêm lớn hơn nhiều cho sản phẩm hàng năm của ruộng đất và lao động trong nước, cho số của cải thực sự làm ra và cho thu nhập của toàn thể dân chúng. Trong tất cả các cách mà tiền vốn có thể được sử dụng, nông nghiệp tỏ ra có khả năng sinh lợi nhất cho xã hội.
Các số tiền vốn sử dụng trong nông nghiệp và trong thương nghiệp bán lẻ của bất kỳ xã hội nào tất phải nằm trong phạm vi của xã hội đó. Các số tiền vốn đó được sử dụng vào những nơi nhất định, vào các nông trại và các cửa hàng, cửa hiệu của người bán lẻ hàng hóa. Mặc dù cũng có một vài trường hợp ngoại lệ, các số tiền vốn đó thuộc về dân định cư của xã hội.
Ngược lại, số vốn của một nhà buôn sỉ hình như không có nơi sử dụng nhất định ở bất kỳ nơi nào và thường chuyển từ nơi này sang nơi khác, tùy theo nơi nào mà người buôn sỉ có thể mua được rẻ hoặc bán được đắt.
Vốn của người sản xuất chế tạo nằm chính ở nơi người đó tiến hành công việc kinh doanh nhưng không nhất thiết phải ở một nơi nhất định nào đó. Nó thường được sử dụng ở xa nơi sản xuất ra nguyên liệu và xa cả nơi tiêu thụ hàng công nghiệp. Thành phố Lyons ở xa các nơi cung cấp nguyên vật liệu cho công nghiệp chế tạo và cũng xa những nơi tiêu thụ hàng hóa sản xuất ra. Những người dân ăn mặc theo đúng mốt thời trang ở Sicily dùng các hàng may mặc bằng tơ lụa nhập từ nhiều nước khác, mà ít khi dùng các thứ vải vóc do chính nơi họ chế tạo. Một phần lông cừu của Tây Ban Nha được chế biến và sản xuất thành len ở Anh, và một phần thành phẩm đó lại được gửi sang bán ở Tây Ban Nha.
Một người lái buôn dùng vốn của mình để xuất khẩu các sản phẩm dư thừa của một nước sang các nước khác có thể là người bản xứ mà cũng có thể là người ngoại quốc. Nếu người đó là người nước ngoài, tất nhiên là những người lao động mà ông ta thuê mướn để làm việc toàn là những người bản xứ trừ ông ta ra mà thôi, và số lợi nhuận mà người lao động đó làm ra lại chỉ thuộc về một mình ông ta, tức là sản phẩm hàng năm của họ sẽ ít đi một lượng bằng số lợi nhuận đó.
Các thủy thủ và nhân viên vận tải mà ông ta thuê để làm công việc chuyên chở hàng hóa từ nước này sang nước khác có thể thuộc quốc tịch bất kỳ nước nào thì cũng như là người bản xứ mà thôi. Người ngoại quốc, bằng số vốn bỏ ra, mang lại một giá trị cho các sản phẩm dư thừa tương đương với số vốn mà một người bản xứ bỏ ra để đổi lấy thứ hàng gì mà trong nước dân chúng yêu cầu. Trên thực tế, số vốn của người bán buôn này hoàn lại số vốn của người sản xuất số sản phẩm dư thừa đó, và thực sự giúp cho người sản xuất nói trên tiếp tục kinh doanh. Vậy số vốn của người buôn sỉ chủ yếu đóng góp vào việc hỗ trợ lao động sản xuất và làm tăng giá trị sản phẩm hàng năm của xã hội.
Điều quan trọng hơn là tiền vốn của nhà công nghiệp phải nằm ở trong nước, vì nó dùng để thuê mướn một số lượng lao động sản xuất nhiều hơn và làm tăng thêm giá trị nhiều hơn cho sản phẩm hàng năm của ruộng đất và lao động. Tuy nhiên, tiền vốn đó cũng rất có lợi cho đất nước, mặc dù nó không nằm trong nước. Các nhà công nghiệp Anh đã sử dụng vốn của họ để chế biến sợi lanh và sợi gai đầu được nhập khẩu hàng năm từ các vùng bờ biển Baltic; tất nhiên số vốn mà họ sử dụng để làm công việc chế biến này rất có lợi cho các nước sản xuất sợi lanh và sợi gai dầu. Các nguyên liệu đó là một phần của số sản phẩm dư thừa ở các nước đó. Các nguyên liệu này nếu không được đổi lấy những thứ hàng hóa khác có nhu cầu tiêu dùng ở trong nước, thì sẽ chẳng còn chút giá trị và chẳng chóng thì chầy sẽ không ai chịu sản xuất nữa. Các nhà buôn xuất khẩu sợi lanh và sợi gai dầu đã hoàn trả vốn cho những ai sản xuất ra các loại nguyên liệu đó, và do đó, lại khuyến khích họ tiếp tục sản xuất, và các nhà công nghiệp Anh làm công nghiệp chế biến sợi lanh và sợi gai dầu lại chính là những người hoàn trả lại số vốn mà các nhà buôn đó đã bỏ ra.
Một nước nào đó cũng như một người nào đó, có thể không đủ tiền vốn để cải tạo và trồng trọt tất cả số ruộng đất của mình, để chế biến các sản phẩm thô và sản xuất các thành phẩm phục vụ cho sự tiêu dùng trước mắt và để vận chuyển phần sản phẩm dư thừa dưới dạng sản phẩm thô hoặc thành phẩm tới các thị trường xa mà ở đó những sản phẩm này có thể trao đổi lấy các thứ hàng đang có nhu cầu tiêu dùng nhiều trong nước. Dân cư ở nhiều nơi khác nhau trên đất nước Anh không có đủ tiền vốn để cải tạo và trồng trọt toàn bộ đất đai của họ. Xin đơn cử một thí dụ, lông cừu ở các tỉnh phía nam xứ Scotland đã phải chuyên chở bằng xe trên những đoạn đường bộ xấu để được chế tạo thành len ở Yorkshire vì lý do không có đủ vốn để chế tạo tại chỗ. Nước Anh có không ít các thành phố công nghiệp mà dân ở đó không có đủ tiền vốn để chuyên chở sản phẩm của họ làm ra tới các thị trường xa mà ở đó có nhu cầu tiêu dùng và sử dụng. Nếu như có các nhà buôn như vậy, họ chỉ là những đại lý của các nhà buôn giàu có hơn hiện đang cư trú ở một vài thành phố buôn bán lớn.
Khi tiền vốn của bất kỳ nước nào không đủ để phục vụ cho ba mục đích đó, thì tùy theo tỷ lệ, khi một phần lớn của số vốn đó được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp thì nó huy động được một số lượng lớn lao động sản xuất ở trong nước, và việc huy động số lớn nhân công lao động đó sẽ tăng thêm rất nhiều giá trị cho sản phẩm hàng năm của xã hội. Sau nông nghiệp, số vốn dùng cho công nghiệp cũng huy động rất nhiều nhân công vào sản xuất và làm tăng rất nhiều giá trị cho sản phẩm hàng năm. Chỉ riêng số vốn dùng cho ngành xuất khẩu là có ít tác dụng nhất so với bất kỳ trong ba cách nói trên.
Thực vậy, đất nước chưa đạt đến mức độ giàu có mà nó tất nhiên mong muốn được như vậy, cho nên không thể nào có đủ số vốn cần thiết cho cả ba hướng hoạt động. Tuy nhiên, tìm cách quá sớm thực hiện cả ba hướng hoạt động khi số vốn thực sự chưa có đủ, thì tất nhiên không phải là cách làm ngắn nhất đối với một xã hội, kể cả đối với từng cá nhân cũng vậy. Phải nhận thức rằng mọi số vốn của các cá nhân trong một nước cũng có những hạn chế nhất định chẳng khác gì số vốn của một cá nhân riêng lẻ và chỉ thực hiện được một vài mục đích thôi. Số vốn của tất cả các cá nhân trong một nước cũng tăng lên như số vốn của từng cá nhân do quá trình tích lũy và góp thêm từ những gì họ dành dụm được trong tổng số tiền thu nhập của họ. Tổng số vốn của một nước chỉ có thể tăng ở mức nhanh nhất khi được sử dụng theo cách mà đem lại số thu nhập lớn nhất cho toàn dân, vì như vậy họ mới có thể để dành những số tiền tiết kiệm lớn nhất. Nhưng thu nhập của mọi người dân trong một nước tất yếu phải tỷ lệ với giá trị sản phẩm hàng năm thu được từ ruộng đất và lao động của chính họ.
Nguyên nhân chính của sự tiến bộ nhanh chóng ở các thuộc địa của nước Anh tại Châu Mỹ trên con đường tiến tới sự giàu có và phồn vinh là do họ sử dụng toàn bộ số vốn có trong tay vào sản xuất nông nghiệp. Tại các thuộc địa đó chẳng hề có một xưởng sản xuất, chế tạo có tính chất công nghiệp mà chỉ có các công việc sản xuất thủ công nghiệp tại gia đình thường đi liền với sản xuất nông nghiệp, và công việc này do phụ nữ và trẻ em đảm nhiệm trong mỗi hộ gia đình. Phần lớn các công việc xuất khẩu và buôn bán dọc bờ biển Châu Mỹ là do các nhà buôn lớn ở Anh tiến hành. Ngay cả những cửa hàng và nhà kho chứa hàng hóa để bán lẻ cho dân chúng ở một vài tỉnh, đặc biệt ở Virginia và Maryland cũng phần lớn thuộc về các nhà buôn cư trú ở mẫu quốc. Đây là một trong không nhiều thí dụ về ngành bán lẻ ở một nước tiến hành bằng số tiền vốn của những người không phải là cư dân của nước đó. Nếu như người Mỹ, bằng bất kỳ phương pháp gì, kể cả bạo lực, có ý định ngăn chặn các hàng công nghiệp từ Châu Âu tới và do đó trao độc quyền chế tạo và buôn bán cho những người bản xứ, chuyển một phần đáng kể số vốn của họ sang ngành này, thì tất nhiên đã làm giảm chứ chẳng làm tăng giá trị sản phẩm hàng năm của họ, đã cản trở chứ không phải đẩy nhanh tốc độ tiến tới sự giàu có và phồn vinh của đất nước mà họ đang được hưởng. Trường hợp này có thể gây ảnh hưởng trầm trọng hơn nếu như họ tìm cách giữ độc quyền về ngành xuất khẩu.
Quá trình phồn vinh thịnh vượng của loài người hình như hiếm khi kéo đủ dài để cho một nước lớn nào đó dành được đủ số vốn cần thiết để thực hiện cùng một lúc cả ba mục đích đó, trừ khi chúng ta tin vào những câu chuyện thần kỳ về sự giàu có và thịnh vượng của nước Trung Hoa, Ai Cập và của nước Indostan cổ xưa. Ngay cả ba nước đó, theo như những câu chuyện được kể lại, là những nước giàu có nhất thế giới, cũng nổi tiếng chủ yếu về thành tựu trong nông nghiệp và sản xuất chế tạo. Các nước đó không phải giỏi về ngoại thương. Người Ai Cập cổ xưa còn có sự mê tín thù ghét biển và nghề đi biển, sự mê tín này hầu như cũng khá phổ biến trong người Ấn Độ, và người Trung Hoa thì chưa bao giờ tỏ ra giỏi giang về việc buôn bán với người nước ngoài. Phần lớn các sản phẩm dư thừa ở ba nước nói trên do người ngoại quốc xuất khẩu để bán cho nước ngoài, họ dùng những vật dụng mà họ biết nhân dân ở ba nước đó cần đến, thường là vàng và bạc, để đổi lấy các sản phẩm dư thừa đó.
Như vậy, một số vốn giống nhau ở bất kỳ nước nào sẽ huy động được một số lớn hay nhỏ sức lao động sản xuất và tạo thêm một giá trị lớn hay nhỏ cho sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động tùy theo các tỷ lệ khác nhau của số vốn đó được dùng trong nông nghiệp, công nghiệp và ngành bán buôn. Sự khác nhau cũng rất lớn tùy theo các loại bán buôn khác nhau mà một phần vốn được sử dụng vào đó.
Ngành bán buôn, tức là mua một số lượng lớn hàng hóa để rồi lại bán sỉ, có thể gồm ba loại: ngành nội thương, ngành ngoại thương phục vụ tiêu dùng và ngành vận tải quốc tế. Ngành nội thương có nhiệm vụ mua ở nơi này để bán ở nơi khác trong cùng một nước các sản phẩm công nông nghiệp của nước đó. Nó bao gồm cả buôn bán nội địa và buôn bán dọc bờ biển. Ngành ngoại thương phục vụ tiêu dùng tiêu dùng có nhiệm vụ mua hàng hóa ở nước ngoài để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ngành vận tải quốc tế có nhiệm vụ luân chuyển lượng hàng mua bán của nước ngoài, hoặc vận chuyển các sản phẩm dư thừa từ nước này đến nước khác.
Số tiền vốn được sử dụng trong việc mua hàng ở nơi này để bán ở nơi khác trong cùng một nước qua mỗi lần giao dịch thường hoàn lại hai loại vốn khác nhau đã được dùng trong nông nghiệp và công nghiệp ở nước đó, và như vậy làm cho hai ngành này có khả năng tiếp tục sản xuất. Khi một giá trị hàng hóa nào đó được chuyển khỏi nơi cư trú của một nhà buôn thì ít nhất là một giá trị tương đương của số hàng hóa khác được chuyển tới nhà buôn đó. Khi cả hai loại hàng hóa nói trên là sản phẩm trong nước, thì sau mỗi lần giao dịch buôn bán, cả hai loại vốn tất nhiên được hoàn lại để tiếp tục việc sản xuất ra sản phẩm mới. Số vốn dùng để chuyển hàng công nghiệp xứ Scotland đến London và chuyển ngũ cốc và hàng công nghiệp của Anh tới Edinburgh tất nhiên hoàn lại hai loại vốn của Anh đang sử dụng trong nông nghiệp và công nghiệp ở Anh qua mỗi lần giao dịch.
Số vốn dùng để mua hàng hóa nước ngoài nhằm cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước khi việc mua bán được thực hiện bằng sản phẩm trong nước, cũng hoàn lại hai loại vốn khác nhau, nhưng chỉ một loại vốn được sử dụng để duy trì sản xuất trong nước. Số vốn dùng để chuyển hàng của Anh sang Bồ Đào Nha và mang hàng hóa của Bồ Đào Nha trở về Anh, còn lại vốn kia là của Bồ Đào Nha. Do đó mặc dù số thu nhập của ngành ngoại thương phục vụ tiêu dùng cũng phải thu được nhanh như số thu nhập của nội thương, số vốn dùng cho ngành ngoại thương phục vụ tiêu dùng sẽ chỉ mang lại một nửa sự khuyến khích (!) cho nền công nghiệp hay sức lao động sản xuất của đất nước.
Nhưng số thu nhập của ngành ngoại thương phục vụ tiêu dùng rất ít khi thu lại được nhanh như số thu nhập của ngành nội thương. Số thu nhập của ngành nội thương thường nhận được trước cuối năm và đôi khi ba hay bốn lần trong một năm. Số thu nhập của ngành ngoại thương phục vụ tiêu dùng ít khi nhận được đầy đủ trước cuối năm, và đôi khi sau hai hay ba năm mới nhận được. Số tiền vốn dùng cho nội thương đôi khi quay vòng tới 12 lần, trong khi đó nếu dùng cho ngoại thương thì mới chỉ được một vòng. Nếu hai số vốn được xem là tương đương thì vốn dùng cho nội thương sẽ có tác động hỗ trợ và khuyến khích gấp 24 lần đối với công nghiệp trong nước so với số vốn dùng cho ngoại thương.
Hàng hóa nước ngoài mua về để cung cấp cho tiêu dùng trong nước có thể đôi khi phải trả bằng các hàng ngoại khác, chứ không chỉ bằng hàng sản xuất trong nước. Các hàng ngoại này chắc đã phải mua bằng các sản phẩm sản xuất ở trong nước hoặc bằng một thứ hàng hóa nào khác được mua bằng các sản phẩm trong nước. Kết quả của số vốn dùng trong công việc trao đổi ngoại thương phục vụ tiêu dùng vòng vèo như thế vẫn chẳng khác gì số vốn dùng trong các công việc giao dịch trực tiếp cùng loại, trừ trường hợp số thu nhập cuối cùng có thể còn xa vời hơn vì nó còn tùy thuộc vào thu nhập của hai, ba lần luôn bán với nước ngoài trước đó. Nếu như sợi lanh và sợi gai dầu của thành phố Riga được mua bằng sợi thuốc lá của Virginia, mà sợi thuốc lá này lại được mua bằng sản phẩm công nghiệp của Anh, thì nhà buôn phải đợi kết quả của hai lần buôn bán với nước ngoài trước đó để có thể sử dụng vẫn số vốn đó vào việc mua lại một số lượng tương đương sản phẩm công nghiệp của Anh. Nếu sợi thuốc lá Virginia trước đó đã được mua bằng đường và rượu rôm của Jamaica và cả hai thứ sản phẩm đó đều đã được mua bằng các sản phẩm công nghiệp của Anh thì nhà buôn đó phải chờ đợi thu lại tiền của cả ba lần buôn bán trước đó. Nếu hai hoặc ba lần buôn bán với nước ngoài đó lại do hai hoặc ba nhà buôn tiến hành: nhà buôn thứ hai mua hàng nhập ngoại của nhà buôn thứ nhất, và nhà buôn thứ ba mua hàng nhập ngoại của nhà buôn thứ hai để rồi xuất một lần nữa, trong trường hợp này mỗi nhà buôn sẽ nhận được sự hoàn trả vốn nhanh hơn, nhưng việc hoàn trả cuối cùng của toàn bộ số tiền vốn bỏ vào việc buôn bán này sẽ cũng chậm như mọi khi. Nếu toàn bộ số vốn sử dụng vào một cuộc buôn bán vòng vo như vậy lại thuộc về một hoặc ba nhà buôn, thì điều đó cũng chẳng có gì khác đối với đất nước, mặc dù có thể khác đối với những người buôn bán riêng biệt. Trong cả hai trường hợp một số vốn lớn hơn gấp lên ba lần đã được sử dụng để trao đổi một giá trị nào đó các hàng công nghiệp của Anh lấy một số lượng sợi lanh và sợi gai dầu được trực tiếp trao đổi với nhau. Toàn bộ số tiền sử dụng trong một cuộc buôn bán vòng vo với nước ngoài vì mục đích tiêu dùng trong nước tất sẽ có tác dụng khuyến khích và hỗ trợ ít hơn đối với lao động sản xuất trong nước so với một số tiền vốn tương đương được sử dụng vào một công việc buôn bán trực tiếp hơn cùng loại.
Dù cho loại hàng hóa ngoại dùng để mua hàng hóa nước ngoài để tiêu dùng trong nước là thế nào đi chăng nữa, nó cũng không gây nên sự khác biệt đáng kể về bản chất của công việc buôn bán hoặc sự khuyến khách và hỗ trợ mà nó mang lại cho lao động sản xuất trong nước. Ví dụ, nếu hàng hóa ngoại sử dụng cho việc tiêu dùng trong nước lại mua bằng vàng của Brazil hoặc bằng bạc của Peru, số vàng và bạc này, cũng chẳng khác gì sợi thuốc lá Virginia, tất phải được mua bằng một thứ gì đó, hoặc là bằng sản phẩm công nghiệp trong nước hoặc bằng một thứ gì khác đã được mua trước đó bằng sản phẩm trong nước. Vì vậy, cho tới nay, đối với lao động sản xuất trong nước, việc buôn bán với nước ngoài để mua hàng tiêu dùng cho trong nước, mà được tiến hành thông qua việc sử dụng vàng và bạc, có những thuận lợi và những sự phiền toái của bất kỳ loại buôn bán vòng vo nào với nước ngoài để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và sẽ hoàn lại, có thể cũng rất nhanh và có thể cũng rất chậm, số vốn đã được sử dụng trực tiếp để hỗ trợ cho lao động sản xuất. Việc buôn bán với nước ngoài bằng vàng bạc thậm chí còn có sự lợi nhuận hơn bất lỳ loại buôn bán đối ngoại nào khác cũng vòng vo như thế. Việc vận chuyển các kim loại đó từ nơi này sang nơi khác, do dung tích nhỏ nhưng lại có giá trị lớn, đỡ tốn kém hơn so với vận chuyển bất kỳ loại hàng hóa ngoại nào khác có giá trị tương đương. Tiền cước chuyên chở ít hơn nhiều, và phí bảo hiểm cũng không nhiều hơn. Vàng bạc lại ít hư hại trong quá trình vận chuyển. Một số lượng hàng ngoại tương đương luôn luôn có thể được mua bằng một số lượng hàng nội ít hơn, do sử dụng vàng và bạc, so với lượng hàng ngoại bất lỳ nào khác. Nhu cầu tiêu dùng ở trong nước có thể thường xuyên được thỏa mãn theo cách này một cách đầy đủ hơn với chi phí ít hơn so với cách khác. Không biết bằng cách xuất khẩu liên tục vàng bạc, ngành ngoại thương có bần cùng hóa đất nước, mà từ đó việc xuất khẩu đó được tiến hành hay không, sau đây tôi sẽ có dịp xem xét vấn đề đó một cách kỹ lưỡng hơn.
Phần vốn của bất kỳ nước nào mà được sử dụng vào ngành vận tải quốc tế hoàn toàn bị tách ra khỏi việc hỗ trợ cho lao động sản xuất của nước đó và được dùng vào việc hỗ trợ cho lao động ở một vài nước ngoài. Mặc dù tiền vốn này có thể hoàn lại hai loại tiền vốn khác nhau qua mỗi lần giao dịch, nhưng cả hai loại tiền vốn đó đều không thuộc về nước tiến hành việc vận chuyển. Một nhà buôn Hà Lan dùng tiền vốn của ông ta để chuyên chở ngũ cốc từ Ba Lan sang Bồ Đào Nha và chở hoa quả và rượu vang của Bồ Đào Nha về Ba Lan. Ông ta hoàn trả hai loại tiền vốn qua mỗi lần chuyên chở hàng, nhưng không một trong hai loại vốn đó hỗ trợ cho công việc lao động sản xuất của chính người Hà Lan, mà một trong hai loại tiền vốn đó dùng cho việc hỗ trợ công việc sản xuất của Ba Lan, còn lại tiền vốn kia hỗ trợ cho sản xuất của Bồ Đào Nha. Chỉ có lợi nhận của ngành vận tải quốc tế được mang về Hà Lan và làm thành một khoản tiền tăng thêm vào sản phẩm hàng năm của nước này. Khi ngành vận tải quốc tế của một nước nào đó được tiến hành bằng các tàu biển và thủy thủ của nước đó, thì cái phần tiền vốn dùng vào việc vận tải để trả tiền cước phí được phân phối cho một số người lao động sản xuất của nước đó phục dịch cho ngành vận tải quốc tế. Hầu hết các nước đã có một tỷ trọng đáng kể trong ngành vận tải quốc tế, trên thực tế, đều làm như thế này. Chính cụm từ ngành vận tải quốc tế đã nói rõ nội dung công việc mà nó làm, người ở những nước như vậy là những người vận tải cho các nước khác. Tuy nhiên, cái tên đó hình như không quan trọng đối với bản chất của ngành này. Ví dụ, một nhà buôn Hà Lan có thể sử dụng vốn của mình để làm công việc giao dịch buôn bán giữa Ba Lan và Bồ Đào Nha bằng cách vận chuyển một phần các sản phẩm dư thừa của nước này sang nước kia, không phải bằng tàu Hà Lan mà bằng tàu Anh. Người ta có thể đoán chừng rằng ông ta làm như vậy vì hoàn cảnh nào đó bắt buộc ông ta phải làm. Chính vì thế mà ngành vận tải quốc tế được coi là đặc biệt có lợi cho một nước như Anh mà ở đó sự phòng vệ và an ninh của đất nước dựa vào số lượng thủy thủ và vận tải biển. Nhưng số tiền vốn như vậy có thể thuê nhiều thủy thủ và tàu biển để tiến hành ngoại thương phục vụ tiêu dùng trong nước hoặc thậm chí cả cho ngành nội thương khi tiến hành việc vận tải hàng hóa dọc bờ biển. Số lượng thủy thủ và số tàu biển, mà một số tiền vốn bất kỳ có thể thuê mướn được, không tùy thuộc vào tính chất của ngành vận tải mà một phần tùy thuộc vào khối lượng hàng hóa so với giá trị của chúng và một phần tùy thuộc vào khoảng cách giữa các hải cảng mà họ phải chuyên chở, trong hai yếu tố này thì yếu tố trên là chủ yếu. Ngành vận tải than từ Newcastle tới London sử dụng nhiều tàu hơn là ngành vận tải toàn quốc Anh, mặc dù các cảng không cách xa nhau quá nhiều.
Vì vậy, số vốn dùng cho ngành nội thương của bất kỳ nước nào thường thường khuyến khích và hỗ trợ cho một số lượng lao động sản xuất lớn hơn ở trong nước và làm tăng giá trị sản phẩm hàng năm nhiều hơn là một số vốn tương đương được sử dụng vào ngành ngoại thương vì mục đích thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước. Còn số tiền vốn dùng vào ngành ngoại thương, xét về cả hai mặt này, cũng có lợi hơn nhiều so với một số vốn tương đương dùng cho ngành vận tải quốc tế. Do sức mạnh tùy thuộc vào của cải và sự giàu có, vì thế sức mạnh của mỗi nước luôn luôn cân xứng với giá trị sản phẩm hàng năm mà từ đó thu được mọi khoản tiền thuế. Nhưng mục tiêu lớn của kinh tế học chính trị của mỗi nước là tăng số của cải và sức mạnh của nước đó. Do vậy, không được dành sự ưu tiên hay sự khuyến khích đặc biệt cho ngoại thương phục vụ cho tiêu dùng, không được đề cao ngoại thương so với nội thương, cũng như đặt ngành vận tải quốc tế lên trên cả hai ngành khác. Không được phép cố ý dành cho hai ngành này (ngoại thương phục vụ tiêu dùng và ngành vận tải quốc tế) một phần vốn của đất nước nhiều hơn số tiền mà được thu hút một cách tự nhiên vào hai ngành đó.
Khi sản phẩm của bất kỳ ngành công nghiệp nào vượt quá nhu cầu đòi hỏi của xã hội, số sản phẩm thặng dư phải được chuyển ra nước ngoài để trao đổi lấy những thứ hàng gì mà trong nước có nhu cầu tiêu dùng. Nếu không có sự xuất khẩu thặng dư như vậy, một phần sức lao động sản xuất trong nước tất phải ngừng hoạt động, và giá trị sản phẩm hàng năm phải suy giảm. Đất đai và lao động của nước Anh thường sản xuất được một số lượng ngũ cốc, hàng len và đồ ngũ kim nhiều hơn nhu cầu đòi hỏi của thị trường trong nước. Tất nhiên phần sản phẩm thặng dư đó phải được xuất ra nước ngoài để đổi lấy những mặt hàng mà trong nước có nhu cầu tiêu dùng. Chỉ bằng cách xuất khẩu này thì sản phẩm thặng dư mới có được một giá trị đủ để đền bù cho sức lao động và các chi phí để làm ra các sản phẩm dư thừa đó. Ở gần bờ biển cũng như ở dọc bờ các con sông có nhiều tàu bè qua lại, là địa thế thuận lợi cho nền công nghiệp, vì các sản phẩm dư thừa có thể xuất khẩu dễ dàng để đổi lấy hàng hóa khác có nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Ngay cả khi các hàng ngoại được mua về bằng sản phẩm thặng dư xuất khẩu vượt quá nhu cầu tiêu dùng trong nước, thì số hàng ngoại không tiêu dùng hết ở trong nước đó lại phải mang tái xuất để đổi lấy các mặt hàng khác có nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn ở thị trường trong nước. Khoảng 96.000 barin (đơn vị đo lường bằng 238 lít) thuốc lá đã được mua hàng năm ở Virginia và Maryland bằng một phần sản phẩm thặng dư của ngành công nghiệp Anh. Nhưng nhu cầu tiêu dùng thực sự ở Anh không đòi hỏi quá 14.000 barin. Nếu số 82.000 barin thuốc lá còn lại không thể tái xuất để đổi lấy các vật phẩm tiêu dùng khác mà trong nước có nhu cầu, tất nhiên việc nhập các barin thuốc lá đó phải chấm dứt ngay, và cùng với việc đó , là việc ngừng hoạt động của các lực lượng sản xuất ở Anh được sử dụng vào việc làm ra hàng hóa để hàng năm bán đi và mua 82.000 barin thặng dư nói trên.
Các hàng hóa đó cũng là một phần sản phẩm của ruộng đất và lao động ở Anh, vì không có thị trường tiêu thụ trong nước, và hơn nữa, cũng bị cắt khỏi thị trường nước ngoài, cho nên không thể tiếp tục sản xuất được nữa. Vì thế, ngành ngoại thương vòng vèo phục vụ cho tiêu dùng trong nước có thể trong một vài trường hợp cũng rất cần thiết để hỗ trợ cho lực lượng sản xuất trong nước và tăng giá trị sản phẩm hàng năm, chẳng khác gì ngành ngoại thương trực tiếp.
Khi số vốn của bất lỳ nước nào tăng lên tới mức thừa thãi không dùng hết trong việc cung cấp cho tiêu dùng và hỗ trợ cho lực lượng sản xuất hoạt động ở nước đó, tất nhiên phần vốn thặng dư phải chuyển vào ngành vận tải quốc tế và được sử dụng cho các ngành dịch vụ như vậy ở các nước khác. Vậy, ngành vận tải quốc tế là hệ quả tất yếu và là một triệu chứng của sự giàu có tột bậc của một nước, nhưng không phải là nguyên nhân tất yếu của sự giàu có đó. Các chính khách có khuynh hướng ủng hộ và đặc biệt khuyến khích ngành này đã nhầm lẫn hệ quả và triệu chứng với nguyên nhân.
Theo diện tích đất đai và số dân, Hà Lan là nước giàu có nhất Châu Âu, và vì thế Hà Lan có tỷ suất lớn nhất trong ngành vận tải quốc tế ở Châu Âu. Nước Anh có thể xem là nước giàu có thứ hai ở Châu Âu, và vì thế, có một tỷ suất đáng kể trong ngành vận tải này mặc dù cái ngành vận tải mà người ta thường gán cho nước Anh chỉ là một ngành ngoại thương vòng vo phục vụ tiêu dùng. Đó là những ngành vận tải mà mục tiêu chủ yếu là chuyên chở hàng hóa của Đông và Tây Ấn và của Châu Mỹ tới các thị trường ở Châu Âu. Số hàng này thường được mua bằng các sản phẩm của nền công nghiệp Anh hoặc bằng những thứ hàng hóa ngoại mà trước đó Anh đã mua bằng sản phẩm của mình, và số thu nhập cuối cùng của các giao dịch đó đều được sử dụng hoặc tiêu thụ ở Anh. Việc buôn bán hàng hóa chuyên chở bằng tàu Anh giữa các hải cảng Địa Trung Hải và một vài ngành mậu dịch do các nhà buôn Anh đảm nhiệm để chuyên chở hàng giữa các cảng của Ấn Độ có thể được coi là ngành vận tải quốc tế đích thực của Anh.
Quy mô của ngành nội thương và của số vốn có thể được sử dụng cho ngành này, tất nhiên bị giới hạn bởi các giá trị các sản phẩm thặng dư của tất cả mọi nơi trong nước cần phải trao đổi hàng hóa do chính họ sản xuất để lấy các thứ hàng hóa khác mà họ có nhu cầu. Còn quy mô của ngành ngoại thương phục vụ tiêu dùng lại bị hạn chế bởi các giá trị sản phẩm thặng dư trong cả nước và bởi giá trị của những mặt hàng mà các sản phẩm dư thừa đó có thể đổi lấy được. Quy mô của ngành vận tải quốc tế lại tùy thuộc vào giá trị các sản phẩm thặng dư của các nước khác nhau trên thế giới. Do đó quy mô hoạt động của ngành này thật là vô chừng với hai ngành trên và có khả năng thu hút những số vốn lớn nhất.
Việc xem xét khả năng sinh lợi của số vốn riêng của mình là động cơ duy nhất chi phối người chủ sở hữu nên đầu tư vốn vào nông nghiệp, công nghiệp hoặc vào một ngành bán buôn hay bán lẻ. Các chủ sở hữu vốn ít khi nghĩ đến xem số vốn của họ thuê mướn được bao nhiêu nhân công dùng trong sản xuất, và số vốn đó làm tăng thêm được bao nhiêu giá trị cho sản phẩm hàng năm của đất nước.
Ở những nước mà nông nghiệp là ngành sản xuất mang lại nhiều lợi nhuận nhất so với các ngành khác và đó là con đường trực tiếp nhất dẫn tới sự giàu có, thì các số vốn nằm trong tay các cá nhân thường được sử dụng một cách có lợi nhất cho toàn thể xã hội. Tuy nhiên, lợi nhuận mà ngành nông nghiệp mang lại hình như chẳng bao giờ hơn hẳn các ngành khác ở bất kỳ nơi nào ở Châu Âu. Những người đặt kế hoạch ở nhiều nước trong mấy năm gần đây đã gây nên một sự hào hứng trong dân chúng về những câu chuyện cải tạo đất và trồng trọt có khả năng đem lại cho họ những món lợi nhuận đáng kể. Không cần phải đi sâu vào các chi tiết tính toán của họ, người ta cũng có thể nhận xét là kết quả của các kế hoạch đó là hoàn toàn không thật. Chúng ta thấy hàng ngày nhiều của cái, cơ đồ đồ sộ, nguy nga đã dành được chỉ trong vòng một đời người bằng buôn bán và sản xuất chế tạo mà thường chỉ bắt đầu bằng một số vốn nhỏ nhoi, đôi khi còn chẳng có tí vốn nào cả. Sự làm giàu nhanh chóng như thế bằng sản xuất nông nghiệp đã chẳng xảy ra, dù chỉ một trường hợp duy nhất, ở Châu Âu trong thế kỷ hiện nay. Tuy nhiên, khá nhiều đất đai còn bỏ hoang chưa cày cấy trồng trọt gì ở khá nhiều nước ở Châu Âu và ngay cả những đất được chăm bón tốt cũng chưa đạt được mức sản lượng cần thiết. Vì thế, phải nói rằng nông nghiệp hầu hết ở bất kỳ nơi nào cũng còn có thể thu hút số vốn lớn hơn nhiều so với trước đây đã sử dụng. Một số yếu tố trong chính sách ở Châu Âu đã mang lại cho các ngành kinh doanh ở các thành phố nhiều điều kiện thuận lợi hơn hẳn so với nghề làm ruộng ở nông thôn, cho nên nhiều tư nhân thường tìm cách sử dụng vốn của họ vào ngành vận tải quốc tế ở các nước Châu Á và Châu Mỹ xa xôi hơn là dùng vào việc cải tạo đất đai và cày cấy trồng trọt trên những mảnh đất màu mỡ nhất ngay cả gần nơi họ cư trú. Tôi sẽ cố gắng giải thích đầy đủ những yếu tố đó trong hai quyển sau đây.