Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 3 - Chương 01

QUYỂN III

MỨC ĐỘ GIÀU TĂNG TRƯỞNG KHÁC NHAU Ở CÁC DÂN TỘC

Chương I

TĂNG TRƯỞNG TỰ NHIÊN CỦA SỰ GIÀU CÓ

Mọi hoạt động buôn bán của một xã hội văn minh đều được tiến hành giữa cư dân ở thành thị và cư dân ở nông thôn, bao gồm việc trao đổi các sản phẩm thô lấy sản phẩm công nghiệp một cách trực tiếp hoặc thông qua tiền tệ hoặc một thứ chứng từ, hối phiếu nào đó thay cho tiền. Nông thôn cung cấp cho thành thị các phương tiện sinh sống và các nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp. Thành thị cung cấp lại cho nông thôn một phần các thành phẩm công nghiệp, vì thành thị không sản xuất ra các thứ cần thiết cho đời sống, cho nên có thể nói là mọi của cải và sự sinh sống của dân thành thị là nhờ vào nông thôn. Tuy nhiên, sẽ là điều sai lầm nếu chúng ta tưởng rằng mọi của cải mà dân thành thị có được là lấy của dân chúng ở nông thôn. Những của cải của cư dân thành thị và nông thôn có được là do sự nương tựa lẫn nhau, sự có đi có lại và sự phân công lao động. Trong mọi trường hợp thì cả hai bên đều có lợi và có lợi cho tất cả mọi người được phân công vào bất kỳ công việc gì. Cư dân ở nông thôn mua các hàng hóa công nghiệp của thành thị bằng các sản phẩm của họ có một lượng lao động ít hơn so với lượng lao động mà đáng lẽ ra họ phải bỏ ra nếu họ tự làm lấy hàng công nghiệp. Thành thị là một thị trường tiêu dùng các sản phẩm thặng dư của nông thôn, hay nói một cách khác, các sản phẩm còn dư lại sau khi đã nuôi sống người nông dân, và những người nông thôn mang các sản phẩm dư thừa của họ ra thành thị bán hoặc đổi lấy những đồ vật mà họ cần. Thành thị với số cư dân càng giàu có và đông đúc bao nhiêu thì thị trường tiêu thụ càng rộng lớn đối với các sản phẩm của nông thôn, và như thế lại càng có lợi cho nông dân. Ngũ cốc trồng trong vòng một dặm xung quanh thành thị được bán với giá tương đương với ngũ cốc mang từ 20 dặm xa đến bán. Ngũ cốc, dù đem từ nơi xa đến bán ở thành thị, cũng phải đủ để bù lại những chi phí trồng trọt và vận chuyển đến chợ và còn mang lại một số lợi nhuận thông thường cho người nông dân. Người nông dân trồng trọt ngũ cốc và các cây lương thực khác khi cư trú ngay gần thành thị tất nhiên được lợi thế hơn những người sản xuất ở xa vì họ vẫn bán sản phẩm với giá như nhau, nhưng được bớt rất nhiều về mặt chi phí vận chuyển. Khi so sánh việc trồng trọt đất đai gần nơi thành thị với những nơi trồng trọt ở rất xa thành thị, chúng ta thấy ngay lợi thế của người nông dân ở gần thành thị mà ở đó sự buôn bán đã trở nên sầm uất và sức tiêu thụ các sản phẩm của nông thôn ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Vậy chúng ta thấy quá rõ là nông thôn cũng chẳng bị thiệt thòi gì khi buôn bán với thành thị, và ngược lại, thành thị cũng chẳng mất mát gì khi có quan hệ buôn bán với nông thôn.

Các phương tiện sinh sống luôn luôn quan trọng hơn tất cả mọi thứ tiện nghi và các thứ đồ xa xỉ, vì thế ngành nông nghiệp sản xuất ra những thứ cần dùng cho đời sống tất yếu phải được xếp ở vị trí ưu tiên so với ngành sản xuất ra các đồ vật tiện nghi và xa xỉ. Các sản phẩm dư thừa, sau khi đã nuôi sống người nông dân làm ra nó, chính là nguồn sinh sống của thành thị mà nơi này chỉ có thể phát triển được khi phần sản phẩm dư thừa ở nông thôn tăng lên. Thực ra, thành thị không chỉ nhận được phần lương thực, thực phẩm nuôi sống cư dân của mình từ các vùng nông thôn xung quanh hoặc từ các vùng khác trên toàn đất nước, mà còn từ các nước xa xôi nữa. Điều này, mặc dù chẳng phải là một ngoại lệ của quy luật chung, đã gây nên những biến động đáng kể về mức độ giàu có của các thời đại và các dân tộc khác nhau.

Trật tự đó của sự việc, mặc dù nói chung là không nhất thiết nước nào cũng phải có, nhưng ở mỗi nước nó lại do chính khuynh hướng tự nhiên của con người định đoạt và thúc đẩy. Nếu các tập quán của con người đã không bao giờ cản trở các khuynh hướng tự nhiên đó, thì các thành thị ở bất kỳ nơi đâu chắc đã không thể phát triển quá mức phát triển trồng trọt và cải tạo ở vùng lãnh thổ, nơi mà thành thị được xây dựng, trừ khi toàn bộ vùng lãnh thổ đó đã hoàn toàn được trồng trọt và cải tạo. Nếu số lợi nhuận thu được bằng nhau hoặc gần bằng nhau, thì phần lớn người có vốn sẽ đầu tư vào nông nghiệp và cải tạo đất đai nơi họ sống hơn là vào ngành chế tạo hay ngoại thương. Người đầu tư cải tạo đất có thể giám sát hay chỉ đạo được đồng vốn của mình, và đồng tiền bỏ ra ít bị rủi ro hơn so với đồng tiền của người làm nghề buôn bán lúc nào cũng phải đương đầu không những với gió to sóng cả, mà còn phải đương đầu với những hành động ngông cuồng và sai trái của những người ở đất nước xa lạ mà tính cách và hành vi của con người này họ chưa hiểu biết cặn kẽ. Ngược lại, vốn của điền chủ chỉ đầu tư vào cải tạo đất đai, phải công nhận là khá bảo đảm. Ngoài ra, vẻ đẹp đồng quê, thú vui của cuộc sống thôn dã, đầu óc thảnh thơi yên tĩnh, ít bị quấy nhiễu và cuộc sống độc lập có sức hấp dẫn hoặc ít hoặc nhiều đối với tất cả mọi người. Cày cấy trồng trọt là chức phận nguyên thủy của con người nên trong các thời kỳ phát triển khác nhau của loài người dường như họ vẫn thích duy trì nghề nghiệp nguyên thủy này.

Quả thực, nếu không có sự hỗ trợ của nghề thủ công thì nghề canh nông chắc sẽ không thuận chiều xuôi gió và bị gián đoạn. Những người làm nghề rèn, nghề mộc, nghề chữa xe bò, nghề đúc, nghề xây, nghề nung gạch, nghề thuộc da, nghề đóng giầy dép và nghề may là những người mà nông dân thường xuyên cần đến dịch vụ của họ. Những người làm nghề thủ công này thỉnh thoảng cũng cần có sự giúp đỡ của nhau. Khác với người nông dân, những người thợ thủ công không nhất thiết phải sống cố định một chỗ, nhưng họ thường sống bên cạnh nhau. Từ đấy hình thành một thị trấn hay một làng nhỏ. Sau đấy, những người làm nghề bán thịt, nghề nấu rượu và nghề làm bánh mì cùng với những người làm nghề thủ công và bán hàng khác đến sống cùng và cung cấp những vật dụng mà những người làm nghề thủ công trên còn thiếu. Từ đấy thị trấn trở nên đông đúc hơn. Dân cư thị trấn và nông thôn phục vụ lẫn nhau. Thị trấn là một hội chợ hay một thị trường không bao giờ đóng cửa để người sống ở nông thôn lui tới đổi các sản phẩm thô họ làm ra lấy các hàng chế tạo. Loại thương mại này giúp dân cư ở thị trấn có được nguyên liệu để sản xuất và vật dụng để sinh sống. Số lượng thành phẩm của thợ thủ công bán cho người dân sống ở nông thôn nhất thiết sẽ điều tiết số lượng nguyên liệu và thực phẩm người thợ mua. Vì vậy, nghề nghiệp và mức sống của người làm nghề thủ công không thể tăng được nếu nhu cầu đối với hàng thành phẩm của người sống ở nông thôn không tăng tương ứng. Nhu cầu này chỉ có thể tăng tương ứng với mức độ cải tạo đất đai và trồng trọt, vì vậy nếu tập quán của con người không can thiệp vào sự phát triển tự nhiên của sự vật thì mức độ giàu có và sự phát triển của thành thị trong bất cứ xã hội nào cũng sẽ tăng tương ứng với sự khai phá và phát triển nông nghiệp của lãnh thổ hay đất nước.

Tại các thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ đất chưa được canh tác hãy còn rẻ nên các thành phố chưa có các ngành chế tạo sản xuất các hàng hóa để bán đi xa. Ở Bắc Mỹ, khi người thợ thủ công thừa vốn kinh doanh cũng không thành lập một cơ sở chế tạo để bán nhiều hàng hơn cho nước láng giềng, mà dùng số vốn đó để mua và cải tạo đất chưa được canh tác. Vì thế, người thợ thủ công đã trở thành người chủ đồn điền, dù lương cao, dù đời sống dễ chịu hơn, nhưng lương cao, cuộc sống dễ chịu của người thợ thủ công cũng không thuyết phục được những người chủ đồn điền đi làm thuê cho người khác, mà chỉ làm việc cho bản thân mình. Theo suy nghĩ của người điền chủ, người thợ thủ công chỉ là đày tớ cho khách hàng mà anh ta phải phục vụ để kiếm sống, nhưng là một chủ đất, anh ta cùng gia đình tự cày cấy, trồng trọt trên mảnh đất của chính mình và thu hoạch các sản phẩm từ đất để sinh sống. Anh ta cảm thấy dễ chịu biết bao khi anh ta thực sự là một người chủ và độc lập với mọi người.

Ngược lại, ở các nước mà ở đó đất đai chưa được canh tác không còn dễ mua với giá rẻ, mỗi thợ thủ công khi dành dụm được một số vốn đủ để mở rộng kinh doanh, sẽ tìm cách phát triển phạm vi cung cấp hàng hóa và tìm cách bán hàng tới những nơi xa hơn. Người thợ rèn mở mang thêm các xưởng rèn và đúc sắt; người thợ dệt đa dạng hóa các mặt hàng bằng sợi lanh hay sợi len. Các xưởng sản xuất chế tạo các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của mọi người ngày càng tinh vi hơn, các mặt hàng tinh xảo và đẹp hơn trước, đó là chưa kể mẫu mã cũng nhiều hơn trước.

Trong mọi thời kỳ trong mọi xã hội, phần thặng dư của các sản phẩm thô cũng như các thành phẩm, một khi không được tiêu thụ hết ở trong nước, tất phải xuất khẩu ra nước ngoài để trao đổi lấy các hàng hóa mà trong nước có nhu cầu tiêu dùng. Để tìm cách sử dụng tiền vốn có hiệu quả, các xưởng sản xuất công nghiệp cần phải tìm đến ngành ngoại thương để xuất khẩu hàng hóa, dù chỉ bán với lợi nhuận tương đương hoặc gần bằng như trước. Nhưng xuất khẩu bằng tiền vốn nào, tiền vốn nước ngoài hay tiền vốn trong nước, điều đó không quan trọng gì lắm.

Nếu một xã hội không có đủ số vốn cần thiết để đẩy mạnh công việc cày cấy trồng trọt trên toàn bộ số đất đai có sẵn trong nước và chế biến toàn bộ sản phẩm thô trong nước thì tốt hơn và có lợi hơn là nên xuất khẩu ra nước ngoài các sản phẩm thô bằng tiền vốn của nước ngoài để sử dụng toàn bộ số vốn của xã hội vào những mục đích có lợi hơn. Sự giàu có của nước Ai Cập cổ đại, của nước Trung Hoa và xứ Indostan đủ để chứng minh rằng một dân tộc có thể đạt được mức giàu sang, thịnh vượng thông qua ngành xuất khẩu do ngoài nước ngoài thực hiện. Các thuộc địa của chúng ta ở Bắc Mỹ và Tây Ấn chắc đã bị chậm bước hơn nhiều về mặt xuất khẩu sản phẩm thặng dư nếu như các thuộc địa đó không sử dụng thêm vốn của nước ngoài.

Vì vậy theo quá trình diễn biến tự nhiên của sự vật, phần lớn tiền vốn của một xã hội đang trên đà phát triển trước hết phải hướng vào nông nghiệp, sau đó vào sản xuất, chế tạo hàng hóa công nghiệp, và cuối cùng vào ngành ngoại thương. Trật tự sự việc như đã nói trên luôn luôn phải được tôn trọng và tuân thủ ở một chừng mực nhất định ở bất kỳ nước nào có dư đất đai và sức lao động. Nước đó trước hết phải đầu tư vào khai thác đất đai để cày cấy trồng trọt trước khi các thành thị được thành lập, công nghiệp nước đó trước hết bắt đầu từ dạng thô rồi chuyển sang tinh vi, sau đó nước đó mới tính đến việc sử dụng và mở mang thương mại với các nước khác.

Mặc dù mỗi nước chắc đã phải tiến theo một trình tự tự nhiên như thế, tuy vậy trình tự đó đã bị đảo ngược về nhiều mặt tại các nước tiên tiến và hiện đại ở Châu Âu. Ngành ngoại thương của một vài thành phố tại các nước đó đã mang các mặt hàng tốt đẹp của họ để bán ở các nước khác, và như thế, công nghiệp và ngoại thương chung sức với nhau để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Chính những phong tục, tập quán mà chính phủ đầu tiên của các nước đó áp dụng và thực hiện đã hình thành cái trật tự đảo ngược không tự nhiên này mặc dù các chính phủ sau đó đã có nhiều thay đổi, nhưng lại chẳng đả động gì tới trật tự đó cả.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3