Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 3 - Chương 02

Chương II

NÔNG NGHIỆP BỊ TRÌ TRỆ Ở CHÂU ÂU CỔ ĐẠI SAU KHI ĐẾ QUỐC LA MÃ SỤP ĐỔ

Các dân tộc German và Scythe đã tràn vào những tỉnh thành phía tây của Đế quốc La Mã, gây nên những sự rối loạn kéo dài hàng thế kỷ. Những cuộc cướp bóc và hành động bạo ngược, mà các toán người man rợ này gây cho dân chúng nước cổ đại này làm cho mọi sự buôn bán giữa thành thị và nông thôn trong trước bị gián đoạn. các thành thị không còn sầm uất như trước nữa; dân cư hầu hết bỏ trốn đi lánh nạn. Nông thôn tiêu điều với đồng ruộng bỏ hoang, không người cày cấy trồng trọt. Các tỉnh thành phía tây của Châu Âu, dù trước đó đã trải qua một thời kỳ giàu có, thịnh vượng dưới thời cai trị của đế quốc La Mã, trở nên tiêu điều và rơi vào tình trạng nghèo khổ, sa sút. Trong thời kỳ mà những cuộc rối loạn và bạo động vẫn tiếp tục, những người cầm đầu các nhóm phiến loạn và thủ lĩnh các dân tộc khác nhau đã tìm mọi cách chiếm đoạt làm của riêng phần lớn đất đai thuộc các vùng bị xâm lược. Tuy phần lớn đất đai đó vẫn nằm trong tình trạng bỏ hoang, nhưng tất cả các loại đất đai, dù được trồng trọt hay không, đều có chủ cai quản. Tất cả đất đai đều bị chiếm dụng làm của riêng, và phần lớn nằm trong tay một số ít chủ sở hữu.

Sự chiếm đoạt những đất đai chưa trồng trọt đầu tiên này chỉ là một việc làm có tính quá độ mà thôi. Sau đó, đất đai dần dần được chia nhỏ thành từng miếng do việc thừa kế hoặc nhượng lại quyền sở hữu cho người khác. Chế độ con trưởng thừa kế cản trở việc chia nhỏ đất đai của ông cha qua việc thừa kế. Việc áp dụng chế độ kế thừa tài sản theo thứ tự trên dưới đã ngăn không cho ruộng đất bị xé lẻ ra thành những miếng đất nhỏ để có thể nhượng bán lại cho người khác.

Khi đất đai, cũng như động sản, trở thành một phương tiện sinh sống và hưởng thụ, luật thừa kế tự nhiên cho phép chia đất đai cho tất cả các con cái trong gia đình, vì lúc đó việc sinh sống và hưởng thụ của các người con được người cha quan tâm như nhau. Luật thừa kế này này sinh ra từ những người La Mã; họ chẳng phân biệt giữa con trưởng hay thứ, giữa con trai hay con gái trong việc thừa kế đất đai, và coi đất đai cũng chẳng khác gì một động sản. Nhưng khi đất đai được xem như một phương tiện không chỉ để sinh sống mà còn là sự biểu thị cho sức mạnh và quyền lực, thì người ta thấy tốt hơn chỉ dành sự kế thừa đất đai cho một người con duy nhất. Trong những thời kỳ hỗn loạn đó, mỗi một điền chủ lớn được coi chẳng khác gì một vị vương tước hay một vị hoàng thân quốc thích. Nhưng tá điền là thần dân của những điều chủ đó.

Điền chủ là người thẩm phán xét xử những người dân sống nhờ vào ruộng đất của ông ta; điền chủ là người ban hành các luật lệ trong thời bình. Điền chủ tuyển mộ binh lính và là chủ tướng của họ trong thời chiến. Điền chủ tiến hành các cuộc chiến tranh tùy theo ý thích của mình và thường để chống lại các chủ ruộng đất ở các vùng xung quanh và đôi khi chống lại cả nhà vua.

Sự an toàn của một điền sản, và do đó, sự bảo vệ và che chở của điền chủ đối với những tá điền thuê mướn ruộng đất và sinh sống trên mảnh đất đó, tùy thuộc vào điền sản đó. Họ nghĩ rằng nếu đem chia nhỏ điền sản thì sẽ làm cho nó đổ nát, điêu tàn và bị những kẻ xâm lược dễ bề chiếm cứ. Chế độ con trai trưởng thừa kế toàn bộ đất đai đã hình thành không phải ngay lập tức, mà qua một quá trình thời gian với lý do giống như thừa kế chế độ quân chủ. Để cho quyền lực và sau đó là sự an ninh của chế độ quân chủ không bị làm cho suy yếu bởi sự phân chia đất đai, thì toàn bộ đất nước chỉ có thể truyền lại cho một trong những người con. Để truyền lại quyền lực tối cao cho người con nào là phải xác định theo một luật lệ chung nào đó, mà không xét đến phẩm hạnh cá nhân của người được nối ngôi, mà chỉ dựa vào sự khác biệt rõ ràng nào đó không thể tranh cãi được. Trong số các con cái trong một gia đình thì không thể có sự khác biệt không thể tranh cãi được ngoài phân biệt về giới tính và tuổi tác. Nam thì thường phổ biến được trọng hơn nữ. Khi mà mọi điều khác đều giống nhau, thì người con lớn được lựa chọn hơn là con ít tuổi hơn. Từ đó xuất phát quyền thừa kế của người con trưởng và còn được gọi là quyền nối dõi tông đường.

Các đạo luật luôn luôn có hiệu lực lâu dài sau khi không còn tồn tại các tình huống giúp cho các đạo luật đó hình thành và chấp nhận được. Trong tình thế hiện nay ở Châu Âu, người chủ sở hữu một mẫu Anh (khoảng 0,4 ha) đất cũng hoàn toàn có được đầy đủ mọi sự bảo đảm như người có 100 nghìn mẫu vậy. Song quyền kế thừa của người con trai trưởng vẫn tiếp tục được tôn trọng; và vì trong tất cả các tập tục, quyền thừa kế này phù hợp nhất để tôn niềm kiêu hãnh của các tước hiệu của gia đình, cho nên chế độ thừa kế này còn kéo dài nhiều thế kỷ nữa. Về các khía cạnh khác, không có gì đi ngược lại với lợi ích thiết thực của một gia đình đông con hơn là cái quyền nhượng mọi sự phú quý cho một đứa con, trong khi đó bần cùng hóa những đứa con khác trong cùng một gia đình.

Chế độ kế thừa tài sản theo thứ tự là hệ quả tất yếu của quyền kế thừa của người con trai trưởng. Nó được áp dụng để duy trì sự nối dõi tông đường mà luật kế thừa của con trưởng đã là nội dung chủ yếu, và như thế ngăn cản bất kỳ một bất động sản nào thoát ra khỏi dòng họ bằng cách cho, bán hoặc nhượng tài sản hay bằng bất kỳ cách nào khác. Các luật lệ này hoàn toàn không có ở người La Mã.

Khi các bất động sản đất đai là một loại lãnh địa riêng của một ông hoàng, chế độ kế thừa tài sản theo thứ tự có thể không phải là không hợp lý. Giống như cái gọi là các luật cơ bản của một vài chế độ quân chủ, các bất động sản có thể nhiều khi không để cho sự an ninh của hàng nghìn người bị nguy hại bởi tính thất thường hoặc sự ngông cuồng của một người. Nhưng trong tình trạng hiện nay ở Châu Âu, khi các điền sản nhỏ hoặc lớn đều được luật pháp ban hành ở trong nước đảm bảo an ninh cho chúng thì không gì có thể phi lý hơn là còn duy trì tình trạng như vậy.

Chế độ thừa kế tài sản được xây dựng trên cơ sở các giả định phi lý nhất cho rằng mỗi thế hệ tiếp sau không có quyền bằng nhau đối với ruộng đất và đối với cả những gì họ có nữa, mà tài sản của thế hệ hiện nay cần phải được hạn chế và điều tiết tùy theo sở nguyện của những người đã chết có thể từ 500 năm trước đây. Chế độ kế thừa tài sản theo thứ tự, tuy thế, vẫn hãy còn được tôn trọng tại phần lớn các nước Châu Âu, đặc biệt tại các nước mà ở đó người thuộc dòng dõi quý tộc vẫn được hưởng những nghi thức dân sự hoặc quân sự. Chế độ kế thừa theo thứ tự được coi là cần thiết để suy trì các đặc quyền, đặc lợi cho các nhà quý tộc và cho họ hưởng những chức vụ và tước hiệu cao quý của đất nước. Luật lệ ở nước Anh căm ghét những vật sở hữu hay địa vị có tính chất vĩnh viễn và do đó chúng bị hạn chế hơn bất kỳ ở chế độ quân chủ nào khác ở Châu Âu, mặc dù nước Anh không phải đã hoàn toàn xóa bỏ các thứ nói trên. Ở xứ Scotland, hơn 1/5, có lẽ là 1/3, tổng số diện tích ruộng đất hiện nay chịu sự chi phối của chế độ kế thừa di sản theo thứ tự.

Những dải đất rộng lớn chưa được cày cấy trồng trọt hãy còn bị một số gia đình chiếm giữ. Và không còn khả năng các dải đất đó bị chia thành những miếng đất nhỏ. Rất ít khi thấy những điền chủ lớn lại chịu bỏ công sức, tiền của ra để chăm bón và cải tạo đất. Trong những thời kỳ hỗn loạn mà các tập tục man rợ nói trên được hình thành, người điền chủ lớn chỉ ráng sức bảo vệ ruộng đất thuộc về ông ta mà thôi hoặc tìm cách mở rộng phạm vi quyền hạn tới đất đai của những người láng giềng. Ông ra không có thì giờ nhàn rỗi để trông nom việc cày cấy trồng trọt và cải tạo đất đai. Khi luật pháp và trật tự được lập nên và ông ta được nhàn nhã thì ông ta lại thiếu những khả năng cần thiết. Nếu khoản chi tiêu gia đình ông ta tương đương hoặc vượt quá số thu nhập của ông ta như thường xảy ra, thì ông ta không có đủ vốn dự trữ để sử dụng vào mục đích này. Nếu ông ta là một nhà kinh tế, thì ông thường thấy có lợi hơn là nên sử dụng tiền để dành hàng năm để mua các thứ đồ dùng mới hơn là cải tạo đất đai. Muốn cải tiến trồng trọt để mang lại thêm lợi nhuận, cũng giống như việc buôn bán, đòi hỏi người chủ đất phải chú trọng đến các khoản tiết kiệm nhỏ và các khoản tiền lời ít ỏi mà xem chừng một người sinh ra trong một cơ ngơi lớn, dù có căn cơ, tằn tiện đến đâu, cũng không thể làm nổi. Hoàn cảnh của con người như thế tất nhiên hướng ông ta vào các sở thích trang trí nhà của để phục vụ cho ý thích riêng của mình hơn là tìm kiếm lợi nhuận mà ông ta thấy không thật cần thiết. Ngay từ khi còn bé, ông ta đã quen với lối sống sang trọng, với quần áo hợp thời trang, với kẻ hầu người hạ, với những đồ đạc hoa mỹ cần thiết trong nhà. Tất nhiên, nếp suy nghĩ cũ vẫn còn ám ảnh ông khi ông nghĩ đến cải tạo đất đai. Hiện nay ở vương quốc Anh vẫn còn một số điền sản lớn tiếp tục nằm trong tay những gia đình đó quyền quý từ thời kỳ phong kiến rối loạn trước kia. Chúng ta hãy so sánh tình trạng hiện nay đó với những đất đai nằm trong quyền sở hữu của các chủ đất nhỏ ở các vùng lân cận, và chẳng cần phải có lý lẽ gì khác để thuyết phục bạn rằng điền sản rộng lớn như vậy thật là bất lợi biết bao cho công việc cải tạo và nâng cao năng suất.

Nếu chúng ta khó có thể trông mong một sự cải tạo đất đai từ các điền chủ lớn, chúng ta lại càng không có hy vọng gì hơn đối với những người sử dụng đất thuê của các ông chủ đó. Trong thời đại xa xưa ở Châu Âu, người canh tác đất đai là những người tá điền tự nguyện. Họ hầu như hay hoàn toàn là những người nô lệ, nhưng tình trạng nô lệ của họ thuộc kiểu nhẹ hơn so với những gì chúng ta đã biết về chế độ nô lệ dưới thời cổ Hy Lạp hay La Mã. Họ trực tiếp thuộc về đất đai hơn là về chủ đất. Họ có thể được bán đi cùng với ruộng đất chứ không bán riêng. Họ có thể lấy vợ, lấy chồng miễn là có sự đồng ý của chủ đất, sau đó người chủ đất này không được hủy bỏ hôn nhân bằng cách bán riêng lẻ người chồng hay người vợ cho những người khác nhau. Nếu người chủ gây thương tật hoặc giết bất kỳ người nào dưới quyền mình, ông ta sẽ bị một hình phạt nào đó, mặc dù thông thường cũng nhỏ thôi. Những người làm thuê ruộng đất này không được quyền có tài sản – những gì họ có được thuộc về người chủ, người này có thể lấy tài sản đó đi theo ý muốn. Bất cứ công việc gì liên quan đến trồng trọt, cải tạo đất đai mà các người nô lệ như vậy đã tiến hành, về thực chất là việc của người chủ đất. Người này phải bỏ ra các khoản chi phí như thóc giống, súc vật kéo, công cụ canh tác. Lợi tức thu được thuộc về người chủ. Nô lệ chẳng được gì cả trừ việc được nuôi ăn hàng ngày. Vậy nói đúng ra là người chủ đất trông nom chính đất đai của ông ta và cày bừa trồng trọt trên đất đó bằng sức lao động của nô lệ. Loại nô lệ này hãy còn tồn tại ở Nga, Ba Lan, Hung, Bohemia, Moravia và ở những nơi khác thuộc Đức. Chế độ nông nô này mới chỉ được xóa bỏ dần dần ở các vùng phía tây và tây nam Châu Âu.

Nhưng nếu ít khi có thể mong đợi việc cải tạo đất đai từ những đại điền chủ, thì điều mong ước đó lại càng khó thành sự thật khi các đại điền chủ vẫn tiếp tục sử dụng nông nô như những người làm công. Kinh nghiệm của tất cả các thời đại và các dân tộc chứng minh rằng công việc do nông nô làm, mặc dù hình như chỉ cần chi phí để nuôi sống họ, lại là tốn kém nhất. Một người không thể có tài sản riêng thì chẳng có mối quan tâm nào khác ngoài việc ăn được càng nhiều càng tốt và làm được càng ít càng hay. Những công việc mà họ làm, ngoại trừ phần để nuôi sống họ, đều bị chủ dùng bạo lực ép làm chứ không phải vì thích thú làm. Cả hai ông Pliny và Columella đã có nhận xét như sau: ở nước Ý cổ xưa, công việc cày cấy trồng trọt ngày càng suy đồi và chẳng mang lại lợi nhuận gì cho chủ đất khi việc này được giao cho người nô lệ. Ở nước Hi Lạp cổ, Aristotle cũng có nhận định tương tự, tình hình nông nghiệp cũng chẳng có gì tốt đẹp cả nếu không nói là tồi tệ. Khi nói về nước cộng hòa lý tưởng mô tả trong các luật của ông Plato, để duy trì một đạo quân 5000 người ăn không (tức là số chiến binh cần thiết để bảo vệ đất nước) cần phải có một vùng đấy đai rộng lớn, phì nhiêu như những vùng đồng bằng ở Babylon.

Con người thường có sự kiêu hãnh là được thống trị người khác, và không gì cắn rứt con người hơn là bị buộc phải nhún mình để thuyết phục chính những bộ hạ của mình. Do đó, con người thích người khác qụy lụy phục vụ cho mình hơn là phải nhờ vào sự giúp việc của những người lao động tự do. Việc trồng mía và thuốc lá có thể cho phép sử dụng lao động của nô lệ vào công việc này. Nhưng vào thời kỳ hiện nay thì không thể dùng sức lao động của nô lệ vào công việc trồng ngũ cốc. Ở các thuộc địa của nước Anh nơi người ta chủ yếu trồng ngũ cốc, phần rất lớn các công việc trồng trọt là do những người lao động tự do đảm nhiệm. Nghị quyết gần đây của những tín đồ phái Quakers ở Pennsylvania trả lại tự do cho những người nô lệ da đen của họ, có thể làm thỏa mãn mọi người chúng ta vì số nô lệ da đen được trả tự do cũng không thể nhiều lắm. Một nghị quyết như vậy tất sẽ không bao giờ được sự đồng ý nếu như số người nô lệ đó tạo thành một phần đáng kể của cải của họ. Ngược lại, tại các thuộc địa trồng mía của chúng ta, toàn bộ công việc do nô lệ đảm trách, và tại các thuộc địa trồng thuốc lá, một phần rất lớn mọi công việc do nô lệ làm. Lợi nhuận của một đồn điền trồng mía ở bất kỳ thuộc địa nào ở vùng Tây Ấn của chúng ta thường lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận trồng trọt các loại cây khác của chúng ta được biết ở Châu Âu hoặc Châu Mỹ. Người ta cũng nhận thấy rằng lợi nhuận mà một đồn điền trồng thuốc lá, mặc dù có kém hơn so với đồn điền trồng mía, nhưng mang lại lợi nhuận nhiều hơn so với các đồn điền trồng ngũ cốc. Cả hai loại đồn điền này có thể trang trải mọi khoản chi phí cho việc trồng trọt bằng sức lao động của nô lệ, nhưng phải nói là trồng mía có nhiều lợi nhuận hơn trồng thuốc lá. Do đó, số người da đen bao giờ cũng nhiều hơn số người da trắng tại tất cả các thuộc địa trồng mía và trồng thuốc lá.

Thay thế cho công việc trồng trọt bằng sức lao động của nô lệ thời cổ xưa đã xuất hiện một loại nông dân được thấy hiện nay ở Pháp với cái tên gọi là Metayer (tá điền ký kết với chủ ruộng đất một giao kèo nộp một phần sản phẩm thu hoạch được cho chủ đất). Các tá điền kiểu này còn được gọi theo chữ Latin là Coloni Partiarii. Vì ở Anh đã từ lâu không sử dụng loại tá điền ăn chia sản phẩm với chủ đất, cho nên hiện nay tôi không thấy có từ tiếng Anh nào để chỉ cho loại metayer này của Pháp. Người chủ ruộng đất cung cấp cho metayer thóc giống, súc vật và công cụ trồng trọt, tóm lại, toàn bộ số vốn cần thiết để cày cấy, trồng trọt cho nông trại. Sản phẩm được chia đều giữa chủ đất và người chủ nông trại sau khi đã trích ra phần được cho là cần thiết để suy trì số vốn bỏ ra; số vốn này sẽ trả lại chủ đất khi người chủ nông trại (hay metayer) thôi không làm nữa hay bị đuổi ra khỏi nông trại.

Ruộng đất do kiểu tá điền như vậy chăm nom cày cấy trồng trọt thường nhờ người chủ đất cấp vốn cũng như trong trường hợp đối với nô lệ. Tuy nhiên, có một sự khác nhau rất cơ bản giữa tá điền và nô lệ. Tá điền, vì là người tự do, có khả năng sắm tài sản cho riêng họ và có một tỷ lệ nào đó về hoa lợi ruộng đất, cho nên họ rất chú tâm vào việc nâng cao sản lượng ruộng đất vì trong đó cũng có phần của họ. Trái lại, người nô lệ chẳng có quyền giữ lại của cải cho riêng mình và chỉ được đơn thuần nuôi sống mà thôi, cho nên anh ta chẳng cần phải suy nghĩ để tăng sản lượng cho ruộng đất và chỉ cần sản xuất nhiều hơn tí chút so với số sản phẩm lương thực cần để nuôi anh ta mà thôi. Có thể một phần vì lợi thế này và một phần do nhà vua ghen ghét với các vị lãnh chúa nên đã khuyến khích nông nô vi phạm quyền hành của các lãnh chúa và cuối cùng đã làm mai một loại canh tác theo kiểu chia sản phẩm này, cho nên chế độ nông nô đã lụi tàn dần trên phần lớn Châu Âu. Tuy nhiên, thời gian và phương pháp tiến hành một bước ngoặt quan trọng như vậy vẫn còn là một trong những điểm mù mờ nhất trong lịch sử cận đại.

Nhà thờ La Mã tự nhận đã có công lao to lớn trong việc này; và chắc chắn rằng vào đầu thế kỷ 12 giáo hoàng Alexander III đã ra sắc lệnh giải phóng tất cả những người nô lệ. Tuy nhiên, sắc lệnh của giáo hoàng là một lời hô hào đối với những người ngoan đạo hơn là một đạo luật bắt buộc các tín đồ phải tuân theo. Chế độ nô lệ tiếp tục tồn tại một cách khá phổ biến một vài thế kỷ sau đó cho đến khi dần dần bị thủ tiêu do có sự tác động chung của hai lợi ích kết hợp nói trên, một mặt là lợi ích của giới chủ sở hữu ruộng đất và mặt khác là nhà vua. Một người nông nô được giải phóng và được phép tiếp tục canh tác trên mảnh đất đã giao cho anh ta trước đó, vì không có vốn nên chỉ có thể cày cấy trồng trọt bằng những gì mà người chủ ruộng đất có thể cung ứng trước cho anh ta, và do đó, đã trở thành người tá điền mà người Pháp gọi là metayer.

Tuy nhiên loại tá điền này cũng chẳng thấy có ích lợi gì trong việc cải tạo chất đất để nâng cao năng suất, dù anh ta có một ít vốn dành dụm được, vì người chủ đất chẳng giảm bớt phần sản phẩm của họ một chút nào, họ vẫn cứ lấy đủ 1/2 số sản phẩm thu hoạch được như trước, dù cho người tá điền dùng vốn riêng của mình để tăng sản lượng.

Thuế thập phân, tức là thuế đánh vào ruộng đất và mới chỉ lấy đi 1/10 sản phẩm thu hoạch, được coi là một sự cản trở rất lớn cho việc cải tạo ruộng đất. Một thứ thuế thu tới 1/2 số sản phẩm thu hoạch chắc đã thực sự cản trở việc cải tạo đó. Một tá điền ăn chia sản phẩm (metayer) có thể chú trọng đến việc tăng sản lượng của ruộng đất càng nhiều càng tốt bằng đồng vốn của chủ đất, nhưng anh ta chẳng có lợi lộc gì mang tiền riêng của mình để làm việc đó. Ở Pháp, nơi mà 5/6 toàn bộ ruộng đất nằm trong tay các metayer, các chủ ruộng đất thường phàn nàn là các metayer của họ lợi dụng mọi dịp để sử dụng bò ngựa của chủ để kéo xe chuyên chở cho người khác lấy tiền công hơn là dùng để cày cấy, vì họ bỏ túi toàn bộ số tiền công chuyên chở và phải chia lợi nhuận với chủ đất khi dùng súc vật để canh tác. Loại tá điền này hãy còn tồn tại ở một vài vùng xứ Scotland. Họ được gọi là tá điền cứng cổ. Các tá điền Anh thời xưa mà Nam trước Gilbert và tiến sĩ Blackstone gọi là những người quản lý đất đai của điền chủ hơn là nông dân tá điền, thì cũng đại loại như vậy mà thôi.

Tiếp nối loại tá điền ăn chia sản phẩm này, mặc dù ở những mức độ rất thấp, là những nông dân theo đúng tên gọi của nó. Những người này cày cấy ruộng đất bằng chính tiền vốn của họ, và trả tiền thuê đất cho chủ đất. Khi những người nông dân đó được thuê ruộng đất trên cơ sở một hợp đồng lâu dài, đôi khi họ thấy có lợi bỏ thêm tiền vốn riêng vào việc cải tạo đất đai, vì họ thấy có thể lấy lại số vốn đó và thu thêm được một số lợi nhuận lớn trước khi hợp đồng cho thuê ruộng đất hết hạn. Nông dân, tuy được sử dụng ruộng đất theo hợp đồng, cũng chẳng có gì chắc chắn cả, và tình trạng này còn đang ngự trị tại nhiều nơi ở Châu Âu. Họ có thể bị lấy lại ruộng đất trước thời hạn quy định trong hợp đồng vì ruộng đất đó được bán cho một chủ sở hữu mới. Ở Anh, ruộng đất có thể bị lấy lại bằng một động tác giả vì một mục đích nào đó. Nếu nông dân bị lấy lại ruộng đất một cách bất hợp pháp bằng bạo lực của chủ đất, việc thưa kiện, mà nhờ đó người nông dân được bồi thường, thật hết sức dở dang, chẳng có sự phán quyết nào để cho người nông dân được tiếp tục thuê mướn sử dụng ruộng đất chưa hết hạn, mà chỉ cho họ được hưởng một số tiền đền bù thiệt hại không bao giờ bằng sự thiệt hại thật sự. Ngay ở Anh, một nước ở Châu Âu mà ở đó có thể nói tầng lớp tiểu chủ ở nông thôn được tôn trọng nhất, mãi đến năm thức 14 triều đại vua Henri VII tố quyền trả lại tài sản (action for ejectment) mới được thông qua và thực hiện. Qua tố quyền này, người tá điền không những được đền bù mọi sự thiệt hại mà còn được cả quyền sở hữu nữa, và hơn nữa, lời thỉnh cầu của người tá điền không nhất thiết phải có sự phán quyết của một tòa án nào đó. Tố quyền này đã trở thành một phương thức có hiệu lực đến nỗi trong thủ tục tố tụng hiện đại khi người điền chủ muốn khởi tố đòi lại quyền sở hữu ruộng đất, ông ta ít khi sử dụng các tố quyền mà ông đương nhiên có với tư cách là chủ đất, tức là quyền khởi tố đương nhiên (writ of right) hoặc quyền chiếm hữu theo luật pháp (writ of entry) mà nhân danh cho người tá điền lại khởi tố đòi quyền thu hồi đất đai. Ở Anh sự an toàn của người tá điền cũng ngang với sự an toàn của người chủ sở hữu đất. Ngoài ra, ở Anh, một hợp đồng cho thuê đất suốt đời với giá trị tô đất 40 shilling một năm là quyền sử dụng suốt đời đất làm rẽ và cho phép người thuê đất có quyền bầu một nghị viên, và vì phần lớn các tiểu chủ ở nông thôn đều có đất làm rẽ được sử dụng trọn đời thuộc kiểu này, cho nên toàn bộ tầng lớp này trở thành những người được các chủ đất tôn trọng vì quyền lợi chính trị mà họ được hưởng.

Tôi tin rằng không có ở nơi nào khác ở Châu Âu ngoài nước nước Anh, có trường hợp người tá điền xây dựng nhà ở trên một mảnh đất mà anh ta không hề có hợp đồng thuê và tin rằng người chủ đất đó vì danh dự sẽ không tiến hành một sự cải tạo quan trọng như thế.

Các đạo luật và tập tục thuận lợi cho giới tiểu chủ ở nông thôn có thể đã góp phần vào sự vĩ đại hiện nay của nước Anh nhiều hơn là tất cả những luật lệ về buôn bán đã được mọi người tán dương ca ngợi.

Luật bảo đảm cho các hợp đồng thuê đất dài hạn không bị các người thừa kế làm khó dễ là một nét đặc thù của nước Anh. Luật này được đưa vào áp dụng ở xứ Scotland từ năm 1449 bằng một đạo luật của vua James II. Ảnh hưởng tốt đẹp của nó, tuy thế, đã bị chế độ kế thừa theo thứ tự cản trở rất nhiều; người thừa kế theo chế độ hương hỏa do cong trưởng được hưởng trước rồi mới theo thứ tự tới các người con tiếp sau đó, thường không được cho thuê ruộng đất hương hỏa bằng những hợp đồng dài hạn, thường là hơn một năm mà thôi. Một đạo luật của nghị viện sau đó có giải tỏa một phần nào những điều khoản khắt khe đó. Tuy nhiên, ở xứ Scotland, do những người thuê bất động sản theo hợp đồng không có quyền bầu cử một ủy viên trong nghị viện vì thế tầng lớp tiểu chủ ở nông thôn không được hưởng sự tôn trọng của các chủ đất như ở Anh.

ở những nơi khác thuộc Châu Âu, sau khi những người thuê ruộng đất được đảm bảo không bị quấy nhiễu bởi những người thừa kế và những người mua lại ruộng đất, thời hạn bảo đảm cho việc thuê ruộng đất vẫn bị hạn chế trong một thời gian ngắn; ví dụ, ở Pháp là 9 năm kể từ khi bản hợp đồng bắt đầu có hiệu lực thi hành. Sau đó thời hạn bảo đảm thi hành hợp đồng ở Pháp được kéo dài tới 27 năm, nhưng dù sao, thời gian này vẫn còn quá ngắn nên người tá điền không dám bỏ vốn đầu tư vào các cuộc cải tạo đất đai quan trọng vì họ sợ không kịp thu hồi lại vốn bỏ ra. Các chủ sở hữu nhà cửa, ruộng đất từ xa xưa là những nhà lập pháp ở mọi nước thuộc Châu Âu. Cho nên các đạo luật có liên quan đến ruộng đất đều được tính toán kỹ càng để phục vụ cho lợi ích của các chủ nhà, đất. Họ nghĩ những hợp đồng thuê ruộng đất ký kết với những người chủ tài sản trước đây là ông cha của họ, không thể cản trở họ hưởng thụ trong một thời gian dài toàn bộ giá trị đất đai mà họ được sử dụng theo quyền thừa kế. Vì họ tham lam và không công tâm, cho nên họ luôn luôn mắc chứng thiển cận, không thể nhìn xa thấy rộng được, nên không hiểu được rằng những luật lệ đó cản trở việc tá điền cải tạo đất đai, và như thế, làm thiệt hại đến lợi ích lâu dài của chính họ.

Những người nông dân làm thuê ruộng đất cho chủ đất, ngoài số tô phải nộp, còn phải thực hiện không công một số dịch vụ cho chủ đất; các dịch vụ không công đó rất ít khi được ghi vào hợp đồng thuê ruộng đất, mà hoàn toàn tùy thuộc vào ý thích và thói quen của người cầm đầu thái ấp hoặc các lãnh chúa. Những dịch vụ đó hoàn toàn độc đoán và bắt người tá điền phải chịu rất nhiều điều phiền toái. Ở xứ Scotland, mọi sự phục vụ, hầu hạ và dịch vụ, nếu không được ghi rõ ràng trong hợp đồng, đều bị bãi bỏ trong những năm gần đây, và như thế, làm thay đổi tốt lên rất nhiều tình cảnh của những người nông dân lĩnh canh ruộng đất ở xứ đó.

Những dịch vụ công cộng mà người nông dân lĩnh canh ruộng đất của chủ đất bị buộc phải làm cũng độc đoán chẳng kém gì những việc hầu hạ hay lao động riêng cho chủ đất. Tình trạng phân bổ công việc theo cách thức của chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại khi cần phải sửa chữa, tu bổ đường sá. Tôi tin rằng ở bất kỳ nơi nào cũng có những sự áp bức như vậy đối với người nông dân thiếu ruộng đất, và có lẽ chỉ có sự khác nhau phần nào về mức độ mà thôi. Khi quân lính nhà vua, khi hoàng thân quốc thích hoặc sĩ quan của nhà vua đi ngang qua một nơi nào trong nước, người nông dân lĩnh canh ruộng đất buộc phải cung ứng mọi thứ cần dùng cho họ kể từ ngựa, xe kéo, lương thực, thực phẩm với cái giá do nhà thầu cung cấp lương thực cho quân đội quy định. Tôi cho rằng nước Anh là nước quân chủ duy nhất ở Châu Âu mà ở đó sự áp bức của những người phụ trách thu mua lương thực cung cấp cho quân đội bị hoàn toàn bãi bỏ. Nhưng tình trạng đó vẫn tồn tại ở Pháp và Đức.

Những người nông dân nói trên còn chịu nhiều thức thuế mà chính quyền bổ vào đầu họ, mà họ lại chẳng có quyền kêu ca, van nài để giảm bớt gánh nặng đó. Các vị chúa tể các lãnh địa trước đây, dù chẳng muốn đóng bất kỳ số tiền nào cho nhà vua, lại sẵn sàng để cho vua ra lệnh thu các loại thuế đối với những nông dân sinh sống trong lãnh địa của họ, và họ cũng chẳng cần biết rằng sưu thuế nặng nề của nhà vua cuối cùng đã ảnh hưởng tới lợi tức của chính họ.

Thuế thân, như hiện nay vẫn còn tồn tại ở Pháp, có thể cho một ví dụ về một trong những loại thuế đã áp dụng vào thời xa xưa đối với cư dân, nhất là nông dân. Đó là một thứ thuế đánh vào lợi tức của chủ trại trên cơ sở những vốn liếng nguyên vật liệu có trong nông trại. Vì thế người chủ trại phải luôn luôn tỏ ra nghèo túng, chẳng có gì đáng tiền cả, sử dụng rất ít vốn trong công việc trồng trọt, cày cấy, và lại càng ít hơn nữa trong việc cải tạo đất đai để nâng cao năng suất cây trồng. Nếu một nông dân Pháp tích lũy được một số vốn nào đó, thì thuế hầu như ngăn chặn anh ta sử dụng số vốn tích lũy vào việc nâng cao hiệu suất cây trồng. Ngoài ra, thứ thuế đó được coi là làm giảm phẩm giá của người nào phải đóng thuế đó và hạ giá trị của anh ta không những thấp hơn hàng ngũ những người quý phái, mà còn thấp hơn cả những người dân tỉnh lẻ. Chịu thứ thuế này chủ yếu là người tá điền phải thuê đất của người khác để cày cấy, trồng trọt. Không có một người nào trong giới thượng lưu, quý tộc, thậm chí cả những người dân tỉnh lẻ, có tiền vốn mà phải chịu đóng thứ thuế đó. Do đó, thuế này không những ngăn cản việc dùng số vốn tích lũy dùng để nâng cao hiệu suất đất đai, mà hơn nữa còn làm cho những ai có vốn muốn đầu tư vào ruộng đất cũng phải tìm cách lảng xa. Các loại thuế tính bằng 1/10 và 1/5 số sản phẩm thu hoạch được ở Anh vào thời kỳ xa xưa, vì nó tác động không tốt tới ruộng đất, cũng được coi như các thứ thuế cùng loại và cùng tính chất với thuế thân.

Với những phương cách làm nản lòng người trồng trọt như vậy, ruộng đất do đó ít được tá điền chăm bón và cải tạo. Tầng lớp dân chúng đó, dù có được luật pháp che chở và bảo đảm quyền tự do, đã phải cải tạo đất đai của họ trong những hoàn cảnh không thuận lợi chút nào.

Người tá điền, nếu đem so sánh với người chủ ruộng đất, chẳng khác một người buôn bán với vốn vay của người khác so với người buôn bán bằng vốn của chính mình. Số vốn của cả hai nhà buôn đều đem lại lợi nhuận, nhưng vốn của một người, dù có khả năng không kém gì người kia, cũng cứ vẫn tăng lên chậm chạp hơn so với vốn của người kia, vì một phần lớn lợi nhuận của người đó phải dùng để trả tiền lãi cho số vốn đi vay.

Tương tự như vậy, đất của người tá điền được cải tạo chậm hơn so với đất của người chủ ruộng đất tự canh tác lấy. Địa vị của người tá điền thấp kém hơn so với người sở hữu ruộng đất. Ở phần lớn Châu Âu, những người nông dân lĩnh canh ruộng đất đều bị coi là tầng lớp dưới trong nhân dân, kém hơn cả địa vị của người buôn bán, và lại càng không thể so sánh với các nhà buôn lớn và các nhà sản xuất công nghiệp ở tất cả mọi nơi trên đất Châu Âu. Do đó, rất ít khi thấy người có một số vốn lớn nào đó lại từ bỏ địa vị cao sang để xuống một địa vị thấp kém hơn. Vì vậy trong tình hình hiện nay ở Châu Âu, vốn được rút ra từ các ngành nghề khác để sử dụng vào việc cải tạo đất đai và nâng cao hiệu suất canh tác. Có thể việc này được thực hiện ở Anh tích cực hơn bất kỳ nước nào khác, mặc dù ngay cả ở Anh những số vốn lớn được sử dụng vào canh tác thường được tích lũy từ công việc trồng trọt. Trong tất cả các loại ngành nghề, ngành trồng trọt thường tích lũy vốn chậm nhất. Sau những chủ sở hữu ruộng đất, các chủ trại lớn và giàu có thường là những người đóng góp nhiều vào công việc cải tạo ruộng đất và nâng cao năng suất trồng trọt – những loại người ngày ở Anh có nhiều hơn bất kỳ ở nước quân chủ nào khác ở Châu Âu. Nông dân dưới chính thể cộng hòa ở Hà Lan và Berne thuộc Thụy Sĩ có địa vị không thấp kém hơn nông dân ở Anh.

Chính sách cổ xưa của Châu Âu trước hết là không thuận lợi cho việc cải tạo ruộng đất và nâng cao hiệu suất cây trồng, dù cho việc đó do người chủ sở hữu ruộng đất hay người nông dân lĩnh canh tiến hành. Chính sách đó trước hết ngăn cấm mọi sự xuất khẩu ngũ cốc, nếu không có một giấy phép đặc biệt, và đây là một luật lệ khá phổ biến khắp mọi nơi, và sau đó là những hạn chế đối với việc buôn bán trong nội địa từng nước, không phải chỉ động chạm đến ngũ cốc mà còn cấm hầu hết các sản phẩm nông nghiệp khác nữa bằng những luật lệ phi lý chống những người mua tích trữ và đầu cơ nông phẩm, và bằng những đặc quyền dành cho các hội chợ và chợ búa. Người ta đã nhận thấy rằng bằng cách nào việc cấm xuất khẩu ngũ cốc cùng với một vài sự việc khuyến khích nhập khẩu ngũ cốc từ nước ngoài đã gây trở ngại cho việc cày cấy trồng trọt tại nước Ý cổ xưa, một nước có đất đai phì nhiêu, mầu mỡ nhất Châu Âu, và thời đó còn là thủ phủ của một đế quốc hùng mạnh nhất trên thế giới. Có lẽ cũng chẳng khó khăn gì để thấy rằng những hạn chế như vậy đối với việc buôn bán trong nước loại hàng hóa này, cùng với việc cấm xuất khẩu, chắc là đã dẫn đến sự chán nản của dân chúng trong công việc cày cấy trồng trọt tại các nước mà đất đai còn kèm mầu mỡ hơn và các điều kiện khác cũng kém thuận lợi hơn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3