Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 3 - Chương 03
Chương III
CÁC THÀNH THỊ MỌC LÊN VÀ PHÁT TRIỂN SAU KHI ĐẾ QUỐC LA MÃ SỤP ĐỔ
Sau khi đế quốc La Mã sụp đổ dân cư ở các thành thị cũng chẳng có gì thuận lợi hơn dân cư ở các vùng nông thôn. Thật vậy, họ thuộc một tầng lớp dân chúng rất khác xa với những người dân đầu tiên của các nước Cộng hòa cổ Hy Lạp và Ý. Những người dân này thời xa xưa hầu hết là các chủ sở hữu đất đai, những người đã mở đầu việc phân chia lãnh thổ trong nước; họ thấy rất thuận tiện là nên xây nhà ở của họ ở liền kề nhau. Sau khi đế quốc La Mã sụp đổ, các chủ sở hữu đất đai thường lại chuyển sang ở các lâu đài xây dựng kiên cố, vững chắc trên chính những vùng đất thuộc quyền sở hữu của họ với những người tá điền và đầy tớ phụ thuộc hoàn toàn vào họ. Ở các thành thị hầu hết là các nhà buôn và thợ máy ở. Vào thời đó, địa vị của họ khá hèn hạ hoặc rất gần với điều kiện của dân nô lệ. Các bản hiến chương cổ xưa đã ban những đặc quyền cho những người sinh sống ở thành thị chủ yếu ở Châu Âu, và qua đó chúng ta thấy rõ đời sống và địa vị của thị dân trước khi chúng ở các thành thị lớn khẳng định rằng họ có thể gả con gái của họ cho bất kỳ ai không cần phải có sự đồng ý của vị lãnh chúa cai quản họ, rằng các con cái của họ được thừa hưởng di sản, tức là các hàng hóa mà họ để lại sau khi chết, chứ không phải trao lại cho vị lãnh chúa như trước, rằng họ có thể định đoạt những đồ đạc và tài sản của họ bằng chúc thư. Nhưng trước khi được hưởng những đặc quyền đó, họ sống cũng chẳng khác gì hoặc cũng gần giống như tình trạng của những tá điền thời phong kiến vì phải hoàn toàn phụ thuộc vào vị lãnh chúa.
Những người sống ở thành thị thời đó rất nghèo và hèn hạ. Họ thường đem hàng hóa đi lang thang từ nơi này sang nơi khác, từ phiên chợ này sang phiên chợ khác, chẳng khác gì những người bán rong ngày nay. Ở tất cả các nước Châu Âu thời đó, cũng giống như ở một số chính phủ Tartar thuộc Châu Á ngày nay, thuế má thường đánh vào những người mang hàng đi bán, đánh vào hàng hóa của họ khi phải đi ngang qua những thái ấp, những cái cầu nào đó, khi họ chở hàng hóa từ nơi này sang nơi khác trong một phiên chợ, khi họ dựng một cái lều hoặc cái sạp để bán hàng. Các loại thuế đó ở Anh thường gọi là thuế qua cầu, thuế đi ngang qua đất riêng, thuế dựng lều… Đôi khi nhà vua, đôi khi vị lãnh chúa, trong một vài trường hợp, đã ban ơn cho một số người buôn bán nào đó được miễn đóng những loại thuế đó trong những vùng thuộc phạm vi cai trị của mình. Những người buôn bán đó, mặc dù về nhiều mặt, cũng chẳng khác gì người nô lệ hèn hạ, nhưng được gọi là người buôn bán tự do. Để trả ơn, họ thường nộp cho người che chở bảo trợ cho họ một thứ thuế hàng năm gọi là thuế thân. Vào thời đó, sự bảo trợ ít khi được ban cho ai mà không có sự suy xét kỹ càng, và loại thuế này có thể được coi như một sự đền bù cho những gì người bảo trợ có thể bị mất qua việc miễn cho họ các thuế khác. Thoạt đầu, cả thuế thân lẫn việc miễn cho họ các thứ thuế khác hình như chỉ có tính chất cá nhân, và do đó, chỉ liên quan đến các cá nhân riêng biệt trong cuộc đời của họ, hoặc do ý thích của người bảo trợ mà thôi. Trong những bài tường trình chưa được đầy đủ được in từ sổ địa chính (một quyển ghi rõ các cuộc điều tra về đất đai ở Anh quốc dùng để cho mục đính đánh thuế và thiết lập quyền sở hữu theo lệnh của vua William – Người chinh phục vào năm 1088) về một số thành phố của Anh, người ta thường nói tới thứ thuế mà dân thành thị đóng hoặc cho nhà vua, hoặc cho một vị lãnh chúa nào đó để được hưởng sự che chở, bảo hộ này, và đôi khi tổng số tiền đóng lại bằng tất cả các thứ thuế cộng lại[7].
Nhưng dù cho ở trong tình trạng bị đè nén thế nào đi chăng nữa vào thời kỳ đầu, thật khá hiển nhiên là những cư dân thành thị đã được hưởng tự do và độc lập sớm hơn nhiều so với những người dân ở nông thôn. Phần thu nhập của nhà vua từ các loại thuế thường được sử dụng đầu tư vào nông trại trong một khoảng thời gian nào đó để lấy tô, đôi khi để chi cho viên quận trưởng và đôi khi cho những người khác.
Những người dân thành thị cũng thường được tin cậy giao phó cho việc sử dụng các số tiền thu nhập đó để đầu tư vào canh tác ruộng đất, và do đó, chịu trách nhiệm chung về việc thu hồi toàn bộ số tô[8]. Cho thuê một trang trại theo kiểu này là một điều khá dễ chịu cho nền kinh tế của nhà vua ở tất cả các nước thuộc Châu Âu.
Các vị đế vương này còn tìm cách cho tất cả các tá điền thuê toàn bộ các thái ấp của họ. Tá điền phải liên đới và riêng từng người chịu trách nhiệm tập hợp đủ tô để nộp cho Bộ Tài chính của nhà vua qua các quan khâm sai đặc trách phụng mệnh nhà vua làm việc thu tô. Tá điền cũng thấy đó là một việc tốt vì họ tránh được những lời nói thô tục, hỗn xược của các sĩ quan thu tô của nhà vua – một tình tiết mà vào thời bấy giờ, được coi như có tầm quan trọng lớn nhất.
Trước hết, trang trại ở thị trấn được mang cho dân thị trấn thuê để canh tác cũng chẳng khác gì các trang trại khác cho nông dân thuê dù chỉ trong một thời hạn nào đó mà thôi. Tuy nhiên, trong quá trình cho thuê lấy tô như thế, người ta dần dần thấy tốt hơn là đóng hàng tháng một khoản tiền nhất định và làm cho tiền thuê trang trại trở thành một khoản đóng góp cố định, không tăng lên nữa.
Việc trả tiền thuê trang trại trở thành một việc lâu dài, cho nên việc miễn giảm tiền thuê cũng lâu dài. Do đó, việc miễn giảm không còn có tính cách cá nhân nữa, và sau đó, không còn được coi như thuộc về cá nhân với tư cách cá nhân nữa, mà là với tư cách người dân của một thị trấn nào đó. Thị trấn được miễn đóng tiền thuế được gọi là thị trấn tự do cũng như những người dân sinh sống ở đó được gọi là thị dân tự do, hay thương nhân tự do.
Cùng với việc ban ân này của nhà vua, dân thành thị đồng thời được hưởng những đặc quyền như đã nói ở trên, tức là họ có quyền tự họ quyết định việc hôn nhân cho các con gái của họ, các con của họ được kế thừa di sản của họ để lại sau khi chết, và họ có quyền định đoạt các đồ đạc và tài sản riêng của họ theo ý muốn hoặc theo chúc thư. Tôi không rõ, các đặc quyền như vậy có thường được ban cùng với quyền tự do buôn bán cho từng người dân thành thị riêng biệt với tư cách cá nhân hay không. Tôi cho rằng không chắc có thực việc ban ơn các đặc quyền đó mặc dù tôi không thể đưa ra một bằng chứng trực tiếp nào về việc đó cả. Nhưng dù sao thì điều này rất có thể đã xảy ra vì những ràng buộc của chế độ nông nô và chế độ nô lệ đã được hoàn toàn bãi bỏ, và cuối cùng ngày nay họ đã thực sự trở thành người tự do đúng nghĩa của từ Tự do.
Như vậy vẫn chưa hết. Họ đồng thời thường thường tập hợp thành một thứ đoàn thể hoặc phường hội và được quyền có những quan tòa và một hội đồng thành phố riêng của họ và được đưa ra những quy chế ngành nghề để tự cai quản, được quyền xây dựng những bức tường để tự bảo vệ và tổ chức cư dân thành thị vào các đội tuần tra, bảo vệ để giữ gìn an ninh trật tự chung, như thế cũng có nghĩa là để bảo vệ các bức tường đó chống lại mọi cuộc tấn công bất ngờ, kể cả đêm lẫn ngày, như thời xa xưa người ta đã quan niệm như vậy. Ở Anh họ thường được miễn các thủ tục tố tụng trước tòa án cấp tỉnh và huyện, trừ trường hợp đối với nhà vua, họ được giao cho các quan tòa của chính họ để xét xử và quyết định. Ở các nước khác, họ còn được ban những quyền hạn lớn hơn và rộng hơn[9].
Chắc chắn là cần thiết ban cho các thành thị, như trước đây đã cho họ quyền thu thuế, một vài quyền hạn có tính bắt buộc để bắt thị dân phải đóng các thứ thuế. Vào thời rối loạn ấy, thật là bất tiện nếu để cho dân chúng phải tìm kiếm sự công minh của bất kỳ tòa án nào khác. Nhưng kể ra cũng thực là đặc biệt là các vị vua chúa ở các nước Châu Âu đã có sự trao đổi về mặt này để làm cho số tiền thuê trở nên chắc chắn mà cần phải tăng thêm, và thu nhập của các vị vua chúa đó tất sẽ được cải thiện do quá trình tiến hóa tự nhiên của sự vật, không cần phải có sự chú ý, lưu tâm của chính họ, và hơn nữa, các vị vua chúa bằng cách làm này còn tự mình thiết lập một loại nước cộng hòa độc lập trong lòng những lãnh địa của chính họ.
Để có thể hiểu được việc này cần phải nhớ lại rằng vào thời đó, không có vị vua nào ở Châu Âu lại có khả năng bảo vệ, trên toàn bộ lãnh thổ rộng lớn của mình, những thần dân yếu đuối của mình khỏi sự áp bức của các lãnh chúa. Những ai mà pháp luật không thể che chở và cũng không đủ mạnh để tự bảo vệ mình, bị buộc phải cầu xin sự bảo trở của một vị lãnh chúa nào đó, và sự che chở đã làm cho họ trở thành nô lệ hay phụ thuộc hoàn toàn vào vị lãnh chúa mới, hoặc họ phải gia nhập một liên minh tự bảo vệ chung để đảm bảo sự an ninh của họ. Cư dân các thành thị và thị trấn, với tư cách cá nhân, không có khả năng tự bảo vệ mình, nhưng nếu gia nhập một liên minh bảo vệ chung với những người hàng xóm láng giềng, họ có thể chống cự không phải là kém. Các vị lãnh chúa câm ghét dân thành thị mà họ coi không những thuộc một đẳng cấp khác mà còn là một bọn nô lệ đã được giải phóng. Sự giàu có của dân thành thị làm cho các lãnh chúa ghen tị và tức tối, và chúng tìm cách cướp bóc thị dân trong mọi trường hợp, không chút dè dặt và thương xót.
Cư dân thành thị tất nhiên căm ghét và sợ các lãnh chua. Nhà vua cũng căm ghét và sợ các lãnh chúa, mặc dù có thể nhà vua khinh thị dân nhưng không có lý do nào để căm ghét hoặc sợ họ cả.
Vì lợi ích chung cho nên cư dân thành thị ủng hộ nhà vua, và nhà vua cũng ủng hộ thị dân chống lại các lãnh chúa. Thị dân là kẻ thù của kẻ thù của nhà vua, cho nên nhà vua phải tìm cách làm cho họ chống lại những kẻ thù đó. Thật không có gì lạ là vua cho phép cư dân thành thị có quan tòa riêng của họ, cho họ đặc quyền áp dụng những quy chế thích hợp để tự cai quản lẫn nhau, được xây dựng tường lũy để tự bảo vệ, và đặt thị dân vào vòng kỷ luật quân đội, như thế người dân thành thị có đủ mọi phương tiện tự vệ và không phụ thuộc vào các nam tước. Nếu không thiết lập một chính quyền thường trực kiểu này, nếu không có một vài quyền hạn để buộc cư dân phải hành động theo một kế hoạch chung, thì nhất định không thể có một liên minh bảo vệ chung để mang lại cho cư dân thành thị một nền an ninh bền vững và không thể cho phép họ dành cho nhà vua một sự ủng hộ đáng kể nào. Bằng cách cho cư dân thành thị một số quyền lợi, nhà vua đã làm cho những người, mà nhà vua muốn họ trở thành bạn chứ không phải thù, và hơn nữa trở thành bạn đồng minh, không còn ghen tị và nghi ngờ rằng họ sau này sẽ bị nhà vua áp bức bằng cách tăng tiền thuế trang trại hay nhượng cho người khác quản lý.
Các vị vương hầu, thường chẳng ưa gì các vị nam tước, hình như cũng tỏ ra rất dễ dãi trong việc ban các đặc quyền cho các thị trấn dưới quyền cai trị của mình. Vua John của nước Anh tỏ ra là một người ban ơn rất hào phóng cho các thành thị[10].
Philip đệ nhất của nước Pháp mất hết uy quyền đối với các nam tước dưới triều đại của nhà vua. Vào cuối thời kỳ trị vì của nhà vua, hoàng tử Lewis, sau đó lên ngôi với tước hiệu là Lewis Béo theo lời cha Daniel đã tham khảo ý kiến của các vị giám mục phụ trách các địa phận thuộc quyền cai quản của nhà vua về các phương pháp thích hợp nhất để hạn chế uy quyền của các lãnh chúa. Các vị giám mục đó, khi được hỏi ý kiến, đưa ra hai đề nghị. Một là thiết lập một trật tự mới về tư pháp bằng cách bổ nhiệm các quan tòa và một hội đồng thành phố ở mỗi vùng thuộc quyền cai quản của nhà vua. Đề nghị thứ hai là thành lập các đội dân quân mới đặt dưới quyền chỉ huy của các vị quan tòa ở nơi sở tại và sẵn sàng tiến quân trong trường hợp khẩn cấp để ứng cứu nhà vua. Từ thời kỳ này trở đi, theo các nhà khảo cổ Pháp, thể chế của các quan tòa và hội đồng thành phố được chính thức quy định. Trong những triều đại không được thịnh trị của các vị hoàng thân của nhà Suabia, phần lớn các thành thị tự do ở Đức lần đầu tiên nhận được những đặc quyền ban cho họ và do đó, liên minh buôn Hanseatic nổi tiếng đã trở thành một lực lượng đáng gờm.
Các đội dân quân do các thành thị thành lập vào thời kỳ bây giờ cũng chẳng kém phần hùng mạnh so với các đội quân của đất nước. Vì các đội dân quân rất sẵn sàng tập hợp để đối phó với các tình huống bất ngờ, cho nên họ thường tỏ ra lợi hại trong các cuộc đọ sức với quân lính của các vị lãnh chúa ở các vùng lân cận. Ở các nước như Ý và Thụy Sĩ mà ở đó do các đội quân ở xa thủ đô và cũng có thể vì một vài lý do khác nữa, nhà vua mất hết toàn bộ quyền lực của mình, vì thế các thành thị trở nên các nước Cộng hòa độc lập và đem quân đi chinh phục các nhà quý tộc ở vùng xung quanh, buộc những người này phải rời bỏ các lâu đài riêng của họ ở vùng nông thôn và đến ở thành thị cũng như mọi cư dân khác. Đây là một câu chuyện ngắn về nước Cộng hòa Berne cũng như một số các thành thị khác ở Thụy Sĩ. Trừ Venice ra, vì thành phố này có một lịch sử khác hẳn, đây là lịch sử của tất cả các nước cộng hòa lớn ở Ý mà một phần lớn đã xuất hiện và mai một trong một thời gian dài từ cuối thế kỷ thứ 12 đến đầu thế kỷ thứ 16.
Tại các nước như Pháp hoặc Anh, quyền lực của nhà vua, dù bị suy yếu, nhưng lại chẳng bao giờ bị sụp đổ hoàn toàn, cho nên các thành thị ít có cơ hội trở thành hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên, nhiều thành thị được bành trướng, mở rộng và hùng mạnh tới mức nhà vua không thể đánh thuế vào các cư dân ở đó nếu như không có sự thỏa thuận của họ, ngoại trừ tiền thuê trang trại ở thành thị thì vẫn được giữ y nguyên như cũ. Vì thế, các thành phố lớn được mời cử những người được ủy quyền tới đại hội các bang thuộc vương quốc mà ở đó họ có thể cùng với giới tăng lữ (clergy) và các nam tước giúp đỡ nhà vua trong những trường hợp đặc biệt. Những người được ủy quyền này của các thành phố lớn thường ủng hộ nhà vua nên được nhà vua sử dụng như đối trọng trong các cuộc họp để chống lại uy quyền của các lãnh chúa. Từ đó, người ta thấy sự đại diện của các thành thị trong quốc hội (states general bao gồm 3 đẳng cấp: tăng lữ, quý tộc và giai cấp tư sản) của tất cả các chế độ quân chủ lớn ở Châu Âu.
Trật tự và một nền cai trị tốt, cùng với cái đó là tự do và an ninh của cá nhân, đã được thiết lập tại các thành thị, trong khi đó thì những người cày cấy trồng trọt ở nông thôn phải chịu không biết bao sự thống khổ và tàn bạo. Nhưng những con người bị đặt vào tình trạng không thể tự bảo vệ được thì đành bằng lòng với những gì họ kiếm được để sống cho qua ngày đoạn tháng, vì họ biết rằng đòi hỏi hơn thế tất yếu sẽ làm cho những kẻ áp bức nổi xung lên và làm nhiều điều bất công hơn nữa đối với họ. Trái lại, khi họ đã được bảo đảm hưởng thụ kết quả của sự lao động cần cù, chăm chỉ của họ, tất nhiên họ càng nỗ lực hơn nữa để cải thiện điều kiện sống mà cả những thứ tiện nghi và đồ đạc sang trọng nữa. Sự cần cù, chăm chỉ làm ăn này với mục đích là làm ra nhiều của cải hơn sự đòi hỏi của mức sống bình thường đã được thấy ở các thành thị sớm hơn nhiều so với các vùng nông thôn. Nếu một người nông dân nghèo khổ bị áp bức thậm tệ và hoàn toàn lệ thuộc vào vị lãnh chúa hay chủ đất, tích lũy được một số vốn nhỏ mà anh ta phải cố sức che dấu để chủ đất không biết được, vì anh ta biết rõ số vốn đó không thuộc về anh ta, dù chính anh ta làm ra nó bằng sức lao động của mình, cho nên anh ta nhằm có dịp tốt là chuồn thẳng ra thành thị. Luật pháp thời bấy giờ khoan dung với cư dân thành thị và muốn làm giảm uy quyền của các lãnh chúa đối với những người sinh sống ở nông thôn, cho nên người nông dân chạy trốn ra thành thị này, nếu ẩn náu được một năm khỏi sự tầm nã của vị lãnh chúa cai quản anh ta, thì anh ta được coi như là người tự do vĩnh viễn.
Bất kể số tiền vốn nào được tích lũy do bàn tay cần cù lao động của những người dân ở nông thôn sẽ tìm thấy nơi cất dấu an toàn ở các thành thị là nơi cứ trú mà người có của có thể được bảo đảm an toàn.
Cư dân ở thành thị thật ra vẫn phải nhờ vào lương thực và nguyên vật liệu cũng như các công cụ lao động do nông thôn cung cấp. Nhưng cư dân ở các thành thị nằm gần bờ biển hoặc dọc theo bờ các con sông có nhiều thuyền bè qua lại, thì không nhất thiết trông chờ vào sự cung cấp của vùng nông thôn gần thành thị. Họ có khả năng to lớn hơn và có thể mua các thứ cần thiết cho đời sống cũng như cho sản xuất của họ từ các vùng xa xôi nhất trên thế giới bằng cách trao đổi với các sản phẩm hàng hóa do chính tay họ làm ra hoặc làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa giữa các nước và trao đổi sản phẩm của nước này lấy các thứ đồ dùng cần thiết ở nước khác. Một thành phố như thế có thể phát triển và mở mang nhanh chóng tiến lên tình trạng giàu có và phồn vinh, trong khi đó không những các vùng nông thôn quanh đó mà cả những nơi khác mà thành phố đó có những giao dịch buôn bán đều sống trong cảnh nghèo đói. Mỗi một nước, nếu xét riêng lẽ, thì chỉ có thể cung cấp được một phần nhỏ lương thực hoặc nhân công, nhưng nếu tích gộp tất cả các nước lại thì lương thực, thực phẩm và nhân công cung cấp cho thành thị thật là to lớn biết bao. Tuy nhiên, trong khi công việc buôn bán chưa được mở rộng và còn hạn chế trong một phạm vi nhỏ vào thời bấy giờ, người ta chỉ mới kể đến một vài nước giàu có và thịnh đạt. Đó là đế chế Hy Lạp chừng nào nó còn tồn tại và Saracens (một nước nằm giữa Syria và bán đảo Ả Rập) dưới các triều đại của Abassides; Ai Cập cũng được xem như một nước giàu có, hùng cường cho đến khi bị Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục; một vài nơi dọc bờ biển của xứ Barbary (Bắc Phi) và tất cả các tỉnh thuộc Tây Ban Nha dưới quyền cai trị của người Moor cũng rơi vào tình trạng như vậy.
Các thành phố của Ý hình như là những nơi đầu tiên ở Châu Âu đã đạt được sự giàu có, thịnh vượng bằng con đường buôn bán. Ý nằm ở vào trung tâm khu vực văn minh và tiến bộ của thế giới bấy giờ. Những cuộc thập tự chinh, mặc dù đã gây ra những tàn phá lớn về của cải và làm chết không biết bao nhiêu người, cho nên đã làm chậm sự tiến bộ ở phần lớn các nước Châu Âu, nhưng đem lại khá nhiều thuận lợi cho một vài thành phố ở Ý. Các đạo quân lớn từ các nơi xuất quân đi chinh phục đất thánh (Holy Land) đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành vận tải biển của Venice, Genoa và Pisa (ở Ý) được sử dụng vào việc vận chuyển quân lính đến đất thánh và cũng để vận chuyển lương thực cho quân lính. Có thể nói là khổng lồ đó. Sự điên rồ tàn hại nhất đối với các nước ở Châu Âu lại trở thành một nguồn mang lại sự giàu có cho các nước cộng hòa đó.
Cư dân thành phố buôn bán hàng bằng cách nhập khẩu các hàng công nghiệp cải tiến và các đồ xa xỉ đắt tiền từ các nước giàu có để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng phù phiếm của các đại điền chủ mà họ sẵn sàng mua với số lượng lớn bằng các sản phẩm thô từ ruộng đất của họ. Công việc giao lưu buôn bán của phần lớn Châu Âu vào thời kỳ bấy giờ nhằm chủ yếu đổi các sản phẩm thô, mà nông dân nộp cho chủ đất, lấy những mặt hàng công nghiệp của các nước văn minh lớn. Như vậy, len dạ của Anh dùng để đổi lấy rượu vang của Pháp và các vải vóc mịn đẹp của xứ Flanders, và cũng như vậy, ngũ cốc của Ba Lan đổi lấy rượu vang và rượu mạnh của Pháp và lấy tơ lụa và nhung của Pháp và Ý.
Thị hiếu về các hàng công nghiệp tinh vi và đẹp được nẩy sinh do sự buôn bán với nước ngoài đưa vào các nước mà từ trước không sản xuất các loại sản phẩm đó. Nhưng khi thị hiếu này trở nên phổ biến và đòi hỏi ngày càng nhiều các loại hàng cao cấp đó, các nhà buôn tính đến việc thiết lập các xưởng sản xuất các mặt hàng đó ngay trong nước để tránh những chi phí chuyên chở rất tốn kém. Từ đó bắt đầu hình thành các xưởng sản xuất công nghiệp ở các vùng phía tây Châu Âu sau khi đế quốc La Mã sụp đổ.
Cần phải nhận thấy rằng không có một nước lớn nào có thể tồn tại mà không xây dựng cho mình những xưởng sản xuất hàng công nghiệp, và cũng nên hiểu rằng khi nói về một nước không có sản xuất công nghiệp thì có nghĩa là nước đó không phải là không có nền công nghiệp phục vụ cho nhu cầu trong nước mà là nước đó không sản xuất được các mặt hàng mịn đẹp, chất lượng cao để đem bán ở các nước ở xa mà thôi. Vậy tại mỗi nước lớn, các mặt hàng công nghiệp có liên quan đến đời sống của đại bộ phận nhân dân như vải may mặc và các đồ dùng trong gia đình đều được sản xuất ngay tại nước đó. Điều này càng phổ biến hơn ở các nước nghèo mà người ta thường nói là chẳng có công nghiệp, nếu so sánh với các nước giàu có, mà ở đó đầy rẫy các hàng hòa công nghiệp dùng cho nội địa và xuất khẩu. Ở các nước giàu đó người ta thấy đủ các loại vải vóc và đồ đạc trong nhà để bán cho cả những người thuộc tầng lớp nghèo trong đó phần lớn là hàng nhập ngoại.
Các xưởng sản xuất hàng hóa công nghiệp thích hợp để bán cho nước ngoài đã được nhập vào các nước đó bằng hai cách.
Đôi khi các nhà buôn ở nước nhập hàng bỏ vốn ra thiết lập các xưởng sản xuất bắt chước theo kiểu xí nghiệp tương tự ở nước ngoài. Đó là sản phẩm của ngành ngoại thương như tơ lụa, nhung, gấm được bày bán rất nhiều ở Lucca và thế kỷ 13. Năm 1310, 900 gia đình bị buộc phải rời khỏi Lucca trong đó có 31 gia đình rút về Venice và mở đầu cho việc sản xuất tơ lụa ở đó. Việc sản xuất các mặt hàng đó được các nhà chức trách chấp nhận và cho phép hoạt động, và họ bắt đầu công việc sản xuất với 300 thợ. Việc sản xuất tơ lụa, vải vóc mịn đẹp như vậy hình như thời xưa cũng rất thịnh đạt ở Flanders và được đưa vào nước anh vào đầu triều đại nữ hoàng Elizabeth, và đó cũng là những nhà máy sản xuất được nhập vào các nước thường vẫn sử dụng nguyên vật liệu ngoại vì bắt chước các xưởng ở nước ngoài. Khi thiết lập xưởng sản xuất đầu tiên ở Venice, các nguyên vật liệu được nhập hoàn toàn từ Sicily và Levant. Các hàng sản xuất xưa kia ở Lucca cũng dùng nguyên liệu ngoại. Trồng dâu nuôi tầm không phải là một công việc phổ biến ở các tỉnh phía bắc của Ý trước thế kỷ thứ 16. Nghề này cũng chỉ được đưa vào Pháp dưới triều đại vua Charles IX. Flanders chủ yếu dựa vào sự cung cấp lông cừu và len của Tây Ban Nha và Anh. Lông cừu của Tây Ban Nha là nguyên liệu không phải cung cấp cho ngành sản xuất len đầu tiên của Anh mà cho ngành sản xuất len để xuất khẩu. Lyons sản xuất các mặt hàng tơ lụa với quá nửa nguyên liệu nhập từ nước ngoài, khi các xưởng sản xuất ở thành phố này mới bắt đầu hoạt động, có thể nói là toàn bộ hay hầu như toàn bộ nguyên liệu đã buộc phải nhập từ bên ngoài. Không có nguyên liệu nào sử dụng vào công việc sản xuất ở Spitalfields là sản phẩm của Anh. Nơi tiến hành sản xuất theo đề án và kế hoạch của một vài cá nhân, đôi khi được đặt ở một thành phố biển và đôi khi ở một thành phố trong nội địa, tùy theo lợi ích, sở thích và cách tính toán của họ.
Vào những thời kỳ khác, các xưởng sản xuất phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nước ngoài mọc lên một cách tự nhiên vì các hàng hóa sản xuất tại gia đình bằng các nguyên liệu thô đã ngày càng đẹp hơn trước dù việc sản xuất đó tiến hành ở các nước nghèo khổ nhất. Các xí nghiệp như vậy thường dùng vật liệu có sẵn trong nước. Một nước ở sâu trong lục địa thường có đất đai màu mỡ và dễ trồng trọt, và do đó, sản xuất được số lương thực thặng dư vượt số lượng cần thiết để nuôi sống người cày cấy, trồng trọt, nhưng vì chi phí chuyên chở bằng đường bộ và đường thủy cao và gặp khá nhiều bất tiện, nên khó đem được sản phẩm dư thừa bán ra nước ngoài. Sự thừa thãi lương thực làm cho giá bán hạ và khuyến khích một số lớn thợ thủ công định cư ở các vùng xung quanh, họ thấy, với sự lao động cần cù và khả năng nghề nghiệp, họ có thể kiếm được những thứ cần dùng cho đời sống và những tiện nghi sinh hoạt nhiều hơn là ở những nơi khác. Họ gia công các vật liệu mà đất đai ở vùng họ sẵn có và trao đổi các thành phẩm, hay nói cho đúng ra, giá các thành phẩm đó, lấy được các vật liệu và lương thực nhiều hơn. Họ tạo ra một giá trị mới cho các sản phẩm thô dư thừa ở vùng họ ở, do đó tiết kiệm được chi phí chuyên chở ra bờ sông hoặc tới các chợ ở xa, họ cung cấp cho những người cày cấy trồng trọt những sản phẩm của mình để đổi lấy những thứ cần thiết hoặc vừa ý trong những điều kiện dễ dàng hơn so với trước kia. Người cày cấy trồng trọt bán được sản phẩm thặng dư với giá hời hơn và mua được những đồ dùng tiện nghi mà họ cần với giá rẻ hơn. Nông dân do đó được khuyến khích cải tạo đất đai và trồng trọt kỹ càng hơn để có được nhiều sản phẩm thặng dư hơn nữa.
Vậy đất đai màu mỡ đã sinh ra ngành sản xuất chế tạo các hàng tiêu dùng, và sự tiến bộ của ngành sản xuất chế tạo lại giúp cho đất đai ngày càng được chăm bón tốt hơn. Các nhà sản xuất hàng hóa thoạt đầu chỉ nhằm cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng ở vùng xung quanh và sau đó, khi hàng hóa làm ra ngày càng đẹp và tốt hơn, đem bán ở các chợ xa hơn. Mặc dù sản phẩm thô và hàng hóa thô rất khó bán với giá cao để đủ trả cho chi phí chuyên chở, nhưng khi hàng hóa làm ra vừa đẹp vừa bền và bán với giá phải chăng được người tiêu dùng ưa thích, thì dễ dàng có thể trả đủ số chi phí chuyên chở khi đem bán ở những vùng xa xôi. Hàng hóa tuy dung tích nhỏ nhưng lại chứa đựng giá trị của một số lượng lớn sản phẩm thô. Ví dụ, một tấm vải mịn đẹp, cân nặng chỉ có 8 pound (mỗi pound khoảng 450 gam) lại chứa đựng một giá trị không những ngang với 80 pound lông cừu mà đôi khi còn có giá trị ngang với hàng nghìn lần trọng lượng ngũ cốc đủ nuôi sống nhiều người lao động và cả chủ của họ nữa. Ngũ cốc rất khó chuyên chở ra nước ngoài do cồng kềnh, nhưng khi được chế biến thành hàng hóa thì dễ vận chuyển hơn, dù cho tới những nơi xa xôi nhất thế giới. Theo cách này đã nẩy sinh ra các xưởng chế tạo hàng công nghiệp ở Leeds, Halifax, Sheffield, Birmingham và Wolverhampton. Các xưởng chế tạo công nghiệp đó là kết quả của sản xuất nông nghiệp. Trong lịch sử hiện đại của Châu Âu, việc mở rộng và đổi mới sản xuất công nghiệp thường diễn ra sau khi xuất hiện các xưởng là thành quả của ngành ngoại thương. Nước Anh nổi tiếng về việc sản xuất các mặt hàng vải vóc đẹp và mịn dệt bằng lông cừu Tây Ban Nha từ hơn một thế kỷ nay, trước khi những mặt hàng này được bán ra nước ngoài. Các vải vóc này đều rất phù hợp với việc xuất khẩu ra nước ngoài. Việc mở rộng và đổi mới các ngành sản xuất này chỉ có thể thực hiện được do kết quả của việc cải tạo và nâng cao năng suất nông nghiệp, do tác động của ngành ngoại thương và của ngành chế tạo mà ngành ngoại thương đã trực tiếp dựng lên. Tôi sẽ tiếp tục giải thích rõ thêm dưới đây.