Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 3 - Chương 04

Chương IV

THƯƠNG NGHIỆP Ở THÀNH THỊ ĐÃ GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NHƯ THẾ NÀO

Sự giàu có ngày càng lớn ở các thành phố công thương nghiệp đã góp phần rất nhiều vào việc cải thiện và nâng cao năng suất trồng trọt ở nông thôn theo ba cách dưới đây.

Thứ nhất, bằng cách cung cấp một thị trường rộng lớn cho các sản phẩm thô của nông thôn, thành thị đã khuyến khích nông thôn đẩy mạnh trồng trọt và nâng cao năng suất cây trồng. Điều này không những có lợi cho các nước sở tại mà còn có ảnh hưởng ít hay nhiều tới các nước mà các thành phố có giao dịch buôn bán. Đối với chính nước mình cũng như với các nước khác, các thành phố cung cấp thị trường cho một phần các sản phẩm thô hoặc đã được chế biến, và do đó khuyến khích nền công nghiệp và đổi mới các hoạt động sản xuất. Nông thôn nằm sát ngay thành thị tất nhiên được hưởng lợi ích từ thị trường này. Các sản phẩm thô mất ít chi phí chuyên chở, cho nên nhà buôn có thể trả giá hời hơn cho người trồng trọt, mà vẫn bán cho người tiêu dùng với giá như hàng hóa nhập từ các nước ở xa.

Thứ hai, tiền tài tích lũy được của cư dân thành thị được sử dụng mua đất đai ở vùng nông thôn mà phần lớn số đất đó chưa được cày cấy trồng trọt gì. Các nhà buôn thông thường có tham vọng trở thành những nhà quý phái ở nông thôn, và khi họ trở thành những người có danh vọng ở nông thôn, họ biết cách cải thiện tình hình ở nơi đó. Một nhà buôn quen sử dụng tiền vào những dự án mang lại cho họ lợi nhuận, trong khi người quý phái ở nông thôn lại chỉ biết dùng tiền vào việc tiêu xài hoang phí. Nhà buôn luôn luôn muốn nhìn thấy đồng tiền của mình ra đi nhưng khi trở về phải mang theo lợi nhuận, còn nhà quý phái thì sau khi tiêu tiền, chẳng còn dịp nào để lấy lại được nữa.

Những thói quen khác nhau đó tất nhiên ảnh hưởng tới tính tình và cách ứng xử của họ trong mỗi công việc.

Một nhà buôn thông thường là một nhà kinh doanh táo bạo, ngược lại, nhà quý phái ở nông thôn lại rụt rè, nhút nhát. Nhà buôn sẵn sàng bỏ ra ngay một lần một số vốn lớn để cải tạo đất đai khi mà ông ta nhìn thấy trước khả năng nâng cao giá trị của đất theo cùng tỷ lệ với số tiền bỏ ra. Nhà quý phái rất ít khi dám sử dụng vốn theo cách này, nếu ông ta có tiền trong tay. Nếu ông ta có cải tạo đất, thì thường ông ta không dùng vốn riêng và lấy tiền từ số hoa lợi hàng năm.

Những ai đã may mắn sống trong một thành phố buôn bán nằm trong một vùng nông thôn với những đất đai chưa cải tạo, chắc sẽ nhận thấy ngay tinh thần hăng say của các nhà buôn trong công việc cải tạo đất so với các nhà quý phái nông thôn. Các thói quen về mặt quy trình làm việc, tiết kiệm và sự chú trọng đến công việc là những đức tính sẵn có trong tiềm thức của các nhà buôn và làm cho họ rất thích hợp với công việc thực hiện bất kỳ kế hoạch cải tạo nào vừa có kết quả và có lãi.

Thứ ba, và cũng là cuối cùng, thương mại và công nghiệp dần dần làm cho mọi người quen với trật tự công việc và quản lý tốt, đảm bảo tự do và an ninh cho cư dân ở nông thôn mà trước đây họ đã phải sống trong một tình trạng chiến tranh triền miên với những người láng giềng của họ, đó là chưa kể sự phụ thuộc có tính chất nô lệ đối với những người ở địa vị cao hơn họ. Mặc dù điều này được nhận thấy ít nhất, đó lại là điều quan trọng nhất. Ông Hume là tác giả duy nhất mà tôi biết là đã có nhận xét về việc đó.

Tại một nước không có ngành ngoại thương mà cũng chẳng có sản xuất chế tạo ra các hàng hóa tiêu dùng cần thiết, một chủ sở hữu lớn không thể mua được gì, tuy còn phần lớn các sản phẩm thu hoạch được từ ruộng đất sau khi đã chi đủ cho việc nuôi sống những người làm công việc cày cấy, trồng trọt, ông ta chỉ còn biết tiêu phí toàn bộ số sản phẩm dư thừa vào các cuộc chiêu đãi khách khứa tại nhà. Nếu số sản phẩm dư thừa này đủ để nuôi 100 hoặc 1000 người, ông ta cũng không biết làm gì khác là nuôi 100 hoặc 1000 người. Lúc nào ông ta cũng có vô số người hầu cận, tùy tùng và phụ thuộc. Những người này chẳng có gì để đền đáp ông ta về công ơn đã nuôi họ, cho nên phải tuân theo sự sai bảo của ông ta chẳng khác gì binh lính tuân theo mệnh lệnh của vị hoàng thân đã trả lương cho họ.

Trước khi có việc mở rộng công thương nghiệp ở Châu Âu, lòng mến khách và sự bao dung của người giàu và những vị cao sang quý tộc, kể từ nhà vua xuống tới vị nam tước nhỏ nhất, đều vượt quá trí tưởng tượng của chúng ta ngày nay. Phòng khách lớn tại cung điện Westminster là phòng chiêu đãi khách của vua William Rufus và có thể chưa đủ rộng để tiếp số khách của nhà vua. Thomas Becket đã nổi tiếng về lòng mến khách vì ngài đã ra lệnh rải lên nền nhà cỏ khô hoặc bấc tùy theo mùa để cho các hiệp sĩ và các cận vệ của họ không sợ bị bẩn quần áo khi ngồi xuống nền nhà ăn tiệc, nếu như họ có thể không có đủ ghế ngồi ở bàn tiệc. Đại bá tước xứ Warwick được mọi người ca ngợi là ngài đã hằng ngày chiêu đãi 30.000 người tại các thái ấp khác nhau của ngài. Mặc dù con số này có thể được thổi phồng, nhưng dù có bịa thêm thì cũng chứng tỏ là ngài bá tước thường chiêu đãi hàng ngày khá nhiều khách khứa.

Lòng mến khách như trên đã được thấy ở rất nhiều nơi trên các vùng cao xứ Scotland mới chỉ vài năm trước đây thôi. Hình như điều đó là khá phổ biến ở các nước nơi mà công thương nghiệp ít được mọi người biết đến.

Tiến sĩ Pocock có nói là ông đã nhìn thấy một tù trưởng Ả Rập ăn uống ngay trên phố tại một thị trấn sau khi bán một đàn gia súc và ông mời luôn các khách qua lại, kể cả những người ăn mày, cùng ngồi ăn và chia sẽ bữa tiệc thịnh soạn với ông.

Những người thuê mướn đất phụ thuộc về mọi phương diện vào người chủ sở hữu cũng như những người hầu cận của ông ta. Ngay cả những người thuê được sự thỏa thuận của chủ đất không quá phụ thuộc vào chủ đất vì họ làm rẽ ăn chia đôi hoa lợi, cũng nằm trong tình trạng như trên dù họ trả tiền thuê không bằng với số lương thực mà đất đai thực sự đem lại cho họ. Một đồng curon (tiền Anh, bằng 5 shilling), một nửa đồng curon, một con cừu to, một con cừu non một vài năm trước đây là một số tiền tô thông thường ở các vùng cao xứ Scotland đủ để nuôi sống một gia đình. Ở một vài nơi tiền tô vẫn như vậy cho tới ngày nay, tuy số tiền hiện nay ở đó không thể mua được một số lượng hàng như ở các nơi khác. Ở một vùng mà số sản phẩm dư thừa của một điền trang lớn phải được tiêu dùng ngay tại điền trang đó thì đối với người chủ sở hữu sẽ thuận tiện hơn nếu cái phần sản phẩm dư thừa đó được tiêu thụ ở một nơi xa nhà ở của ông ta, miễn là những người tiêu dùng sản phẩm dư thừa đó cũng phụ thuộc vào ông ta như những người tùy tùng và đầy tớ của ông ta, do đó ông ta khỏi bị phiền nhiễu bởi một số bạn quá đông hoặc một gia đình quá nhiều người. Một người thuê được sự thỏa thuận của chủ đất (tenant at will) được sử dụng một số đất đai đủ để nuôi sống gia đình anh ta và phải trả một số tiền nhiều hơn tô miễn lao dịch một ít (quit-rent), cũng phụ thuộc hầu như vô điều kiện vào người chủ sở hữu như bất kỳ người đầy tớ hoặc tùy tùng nào của ông ta. Một người chủ sở hữu như vậy nuôi đầy tớ và các người tùy tùng ở chính nhà ông ta cũng như ông ta nuôi những tá điền tại chính nhà của họ. Sự sống của cả hai loại người là nhờ vào sự hào phóng của ông ta, và sự tiếp tục cuộc sống đó phụ thuộc vào hảo tâm của ông ta.

Chính dựa vào quyền lực mà trong tình trạng như vậy người chủ sở hữu lớn chắc chắn có đối với tá điền và số người tùy tùng và đầy tớ, mà các vị nam tước thời xưa đã tạo nên sức mạnh cho mình. Các vị này trở thành những vị thẩm phán phân xử các vụ kiện trong thời bình và trở thành những người cầm quân trong thời chiến, mà quân lính là những người sinh sống trong những vùng đất đai dưới quyền cai trị của họ. Họ có thể duy trì trật tự và thực thi pháp luật trong các vùng đất mà họ chiếm hữu, và mỗi người trong số họ đều có thể huy động toàn thể dân chúng ở nơi họ cai trị để chống lại bất kỳ ai khác mà họ cho là có hành vi chống họ. Không một ai khác có đủ quyền hành để làm như vậy. Nhà vua đặc biệt lại không thể làm như vậy. Vào thời xa xưa, vua cũng chỉ là một đại điền chủ lớn nhất trong lãnh địa của mình, và vì lợi ích của công việc phòng vệ chung chống kẻ thù từ bên ngoài, cho nên các nhà điền chủ lớn khác tỏ lòng tôn kính đối với nhà vua. Để đòi trả cho được một món nợ nhỏ trong phạm vi đất đai của một đại điền chủ, nếu như ở đó cư dân đã được vũ trang và đoàn kết một lòng chống lại, thì nhà vua cũng phải tiêu hao không ít nhân lực và chi phí như thể tiến hành một cuộc chinh phạt lớn để dập tắt một cuộc nội chiến vậy. Vì thế nhà vua phải từ bỏ việc cai trị về mặt pháp luật trong phần lớn đất nước và trao nó cho những ai có đủ khả năng và uy lực để làm việc đó, ngay cả việc điều khiển các đội dân quân, vua cũng trao quyền cho những ai mà dân quân chịu tuân theo mệnh lệnh của họ.

Thật sai lầm khi tưởng rằng phạm vi quyền hạn về mặt lãnh thổ xuất phát từ luật pháp phong kiến. Không những những quyền lực pháp lý cao nhất cả về dân sự và hình sự, mà cả quyền tuyển mộ quân lính, đúc tiền và đưa ra các luật lệ riêng của từng địa phương để cai trị dân chúng ở nơi đó, là những quyền riêng biệt ở từng thái ấp mà các đại điền chủ đã nắm giữ từ nhiều thế kỷ trước khi cái tên luật phong kiến được biết đến ở Châu Âu. Các lãnh chúa Saxon ở nước Anh đã có uy lực và quyền xét xử rất lớn trước thời Chinh phục (Conquest) chẳng khác gì các lãnh chúa Norman sau thời kỳ đó. Nhưng luật phong kiến không được coi là đã trở thành luật tục lệ và án lệ (common law) của nước Anh cho đến cả sau thời Chinh phục. Điều thực tế, và chẳng còn chút nghi ngờ gì nữa, là quyền lực và pháp quyền rộng lớn nhất đã thuộc về các đại lãnh chúa ở Pháp trong các thái ấp của họ từ lâu, trước khi luật phong kiến được áp dụng ở nước này. Quyền lực và pháp quyền đó tất nhiên đã xuất phát từ tình trạng chiếm hữu bất động sản (thái ấp) và những phong tục thời bấy giờ. Không cần phải quay trở lại nguồn gốc xa xôi của các chế độ quân chủ của Pháp hay của Anh, chúng ta có thể thấy, vào thời kỳ rất lâu sau đó, nhiều bằng chứng là những kết quả như vậy luôn luôn xuất phát từ những nguyên nhân như vậy. Chưa được 30 năm qua kể từ khi ông Cameron ở Lochabar thuộc xứ Scotland, chẳng có một giấy ủy quyền theo pháp luật nào, mà cũng chẳng phải là một nhà quý tộc hay một người đứng đầu các chủ sở hữu ruộng đất, chỉ là một kẻ hầu cận của Công tước xứ Argyle, và hơn nữa, cũng chưa phải là một thẩm phán hòa giải đã thực thi quyền tài phán tối cao về hình sự đối với dân chúng nằm trong phạm vi cai trị của ông ta. Người ta ca ngợi ông đã thực thi nhiệm vụ này một cách công bằng, vô tư, chính trực, dù chẳng có thủ tục pháp lý nào, và chắc tình hình ở địa phương đó trong nước vào thời bấy giờ buộc ông ta phải thực thi quyền tài phán đó để duy trì trật tự an ninh công cộng. Nhà quý phái đó với số tiền địa tô của ông ta chưa vượt quá 500 bảng một năm đã lôi cuốn tới 800 người tham gia cuộc nổi dậy do ông cầm đầu vào năm 1745.

Luật phong kiến được ban hành có thể được coi như một mưu toan làm giảm bớt quyền lực của các vị lãnh chúa lớn cai trị các thái ấp (không phải nộp thuế cho nhà vua). Luật này quy định một sự phục tùng có quy cũ cùng với các loại nhiệm vụ và dịch vụ, từ nhà vua cho tới điền chủ nhỏ nhất. Khi điền chủ còn trong độ tuổi vị thành niên, việc quản lý số tô và đất đá rơi vào tay của cấp trên trực tiếp, và cũng như thế đối với trường hợp vị thành niên của các đại điền chủ: tất cả việc quản lý và số tô nằm trong tay nhà vua. Vị thành niên này được nhà vua nuôi nấng và giáo dục, với tư cách là người giám hộ, vua có quyền quyết định hôn nhân của người đó, miễn là không làm điều gì không đúng với địa vị của anh ta. Nhưng mặc dù thể chế này tất yếu củng cố quyền uy của nhà vua và làm suy yếu quyền lực của các đại điền chủ, nó cũng không thể thiết lập trật tự và chính quyền vững chắc trong cư dân trong nước vì nó không thể làm thay đổi tình hình chiếm hữu bất động sản và các thói tục đã ngự trị từ lâu đời mà từ đó xuất hiện mọi sự rối loạn. Quyền lực của chính phủ vẫn tiếp tục tồn tại nhưng người cầm đầu (nhà vua) lại quá yếu và các quan chức dưới quyền lại quá mạnh, và đó cũng là nguyên nhân suy yếu của người đứng đầu chính phủ. Sau khi thiết lập thể chế về sự lệ thuộc phong kiến, nhà vua vẫn không đủ quyền lực ngăn chặn bạo lực của các lãnh chúa như trước đó. Các lãnh chúa cứ việc tiến hành các cuộc chiến tranh theo ý muốn riêng của họ, không những giữa họ với nhau và nhiều khi chống cả nhà vua, do đó trong nước luôn luôn xảy ra những hành vi bạo lực, cướp bóc và hỗn loạn.

Nhưng điều gì mà những thể chế phong kiến mạnh mẽ đến đâu cũng không thể thực hiện được, thì hoạt động yên lặng và khó nhận ra của ngành ngoại thương và công nghiệp mang lại thành công. Các đại điền chủ dần dần được cung cấp các thứ đồ vật và hàng hóa cần thiết đổi bằng các sản phẩm dư thừa của đất đai, cho nên họ hoàn toàn sử dụng các thứ đó mà chẳng cần phải chia sẻ với những kẻ hầu cận và các tá điền. Tất cả để cho mình và không có gì phải cho người khác hình như ở mỗi thời đại đã trở thành một câu châm ngôn tồi tệ của những người làm chủ nhân loại. Vì vậy, ngay sau khi các đại điền chủ đã tìm thấy một phương pháp tiêu dùng giá trị của các số tô nộp cho họ, thì họ không còn ý định chia sẻ cho các người khác. Họ sẵn sàng đổi sự nuôi sống hay nói cho đúng hơn, giá trị dùng cho việc nuôi sống hàng ngàn người trong một năm, lấy một đôi khóa thắt lưng bằng kim cương hoặc lấy một thứ đồ vật phù phiếm nào khác. Cái khóa thắt lưng bằng kim cương đó tuy thế hoàn toàn là của ông ta, và không một ai khác được có phần ở đó cả. Nhưng trước kia, theo phương pháp chi tiêu cổ truyền, các thứ đó phải được chia sẻ ít nhất với một nghìn người. Sự khác nhau giữa hai phương pháp chi tiêu, hoặc cho chính bản thân mình hoặc chia sẻ với những người khác, là một điều có ý nghĩa quyết định. Các vị lãnh chúa dần dần đổi chác toàn bộ sức mạnh và quyền lực của họ để được hưởng những thứ phù hoa trẻ con, tầm thường và tham lam nhất.

Tại một nước không có ngành ngoại thương mà cũng chẳng có các ngành công nghiệp, một người dù giàu có đến bao nhiêu cũng chẳng thể sử dụng hoa lợi một cách nào khác là nuôi sống có lẽ đến một nghìn gia đình mà tất nhiên họ phải chịu mọi sự sai khiến của người đó. Trong tình trạng Châu Âu ngày nay, một người giàu như vậy có thể chi tiêu toàn bộ số hoa lợi, và thường làm như thế, còn hơn là trực tiếp nuôi 20 người hoặc sai khiến mười người hầu cận mà chẳng cần phải sai khiến nhiều đến vậy. Nhưng gián tiếp, người giàu có đó có lẽ nuôi sống một số lớn bằng, và có thể còn lớn hơn, số người mà ông ta đã nuôi theo kiểu chi tiêu cũ, vì mặc dù số sản phẩm mà ông ta đổi lấy bằng toàn bộ hoa lợi tuy bề ngoài trông rất nhỏ bé nhưng đã đòi hỏi phải có sự gia công chế biến của một số rất nhiều người thợ. Giá cao của các sản phẩm đó được tính bằng tổng số tiền công lao động trả cho những người thợ thủ công cùng với lợi nhuận của chủ. Khi trả tiền mua những thứ đó, người giàu có kia đã gián tiếp trả mọi khoản công lao cần thiết và số tiền lợi nhuận, như thế ông ta gián tiếp nuôi sống các người thợ và chủ của họ. Tuy nhiên, ông ta cũng chỉ bỏ ra một phần rất nhỏ của số tiền cần thiết để nuôi sống các người thợ và chủ của họ, vì hàng của họ làm không chỉ bán cho một người mà cho rất nhiều người tiêu dùng. Mặc dù người nhà giàu đó có đóng góp một phần nhỏ bé nào đó vào sinh kế của những người thợ, nhưng họ vẫn không phụ thuộc vào ông ta, vì không có ông ta, những người thợ vẫn cứ sinh sống như thường.

Khi các đại điền chủ chi các số tô thu được để nuôi tá điền và người hầu cận mình, thì mỗi người trong số họ nuôi sống tất cả mọi người làm việc dưới quyền sai bảo của mình.

Nhưng khi các đại điền chủ chi tiêu để nuôi sống các nhà buôn và các người thợ thủ công, họ có thể, nếu tính gộp lại, nuôi sống một số người lớn hơn trước rất nhiều. Song mỗi một người trong số họ, nếu tính riêng lẻ, thường chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào việc nuôi sống bất kỳ một người nào trong số lớn các người được nuôi đó. Mỗi nhà buôn hoặc mỗi thợ thủ công kiếm sống bằng công việc làm không chỉ cho một trăm hoặc một nghìn khách hàng khác nhau. Mặc dù về danh nghĩa họ sống được nhờ các khách hàng, nhưng họ hoàn toàn không phụ thuộc vào bất kỳ người nào trong số các khách hàng đó.

Các đại điền chủ chi tiêu như vậy cho bản thân ngày càng nhiều, cho nên họ không thể không giảm bớt dần dần số người hầu hạ cho đến khi hoàn toàn không cần sử dụng họ nữa. Cũng nguyên nhân trên đã dẫn các đại điền chủ đến chỗ tổ chức lại việc canh tác và giảm bớt những tá điền không cần thiết. Các trang trại được mở rộng hơn và những người lao động trồng trọt giảm tới con số vừa đủ để canh tác mà thôi; đấy là nói theo trình độ trồng trọt và cải tạo đất chưa thật tốt vào thời bấy giờ. Bằng cách giảm số lao động không cần thiết và đòi người nông dân phải làm ra thật nhiều sản phẩm, người chủ đất dành được số sản phẩm dư thừa nhiều hơn trước, hay nói cho đúng hơn, dành được giá trị cao hơn từ các sản phẩm của ruộng đất và các đại điền chủ còn học được cách chi tiêu cho bản thân mà các nhà buôn và các nhà sản xuất chế tạo đã truyền cho họ. Nguyên nhân này còn phát huy tác dụng, nó xui khiến người điền chủ tăng số tô hoặc tiền thuê đất cao hơn khi tình trạng chăm bón được cải tiến phần nào. Các tá điền có thể đồng ý với yêu cầu tăng số tô hoặc tiền thuê phải nộp nhưng với một điều kiện là người chủ phải cho họ thuê dài hạn để họ có đủ thời gian thu lại cùng với lợi nhuận số vốn mà họ phải bỏ ra để cải tạo đất. Vì quen thói chi tiêu phù phiếm cho nên người chủ đất cũng sẵn sàng đồng ý với điều kiện của tá điền, và từ đó nẩy sinh ra các hợp đồng cho thuê ruộng đất dài hạn.

Ngay cả người thuê được sự thỏa thuận của chủ đất (tenant at will) mà trả toàn bộ giá trị của đất nhượng cho họ làm rẽ, cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào chủ đất. Cả hai, chủ đất và tá điền, đều có lợi như nhau và dựa vào nhau để sống. Người tá điền chẳng phải mang mạng sống hay toàn bộ của cải của họ để phục vụ cho lợi ích của người chủ đất như họ đã phải làm trước kia. Nếu họ ký được một hợp đồng thuê đất dài hạn, họ cũng chẳng vì thế mà mất đi tính độc lập của mình. Người chủ đất không thể trông chờ người tá điền làm cho họ bất kỳ công việc gì, dù chẳng quan trọng, ngoài các điều khoản đã được ghi rõ trong bản hợp đồng thuê đất và đã được luật thông thường cho phép.

Người tá điền như vậy đã trở thành độc lập và những người hầu cận và tùy tùng bị đuổi đi, không được làm nữa. Người chủ đất không còn quyền hành gì để can thiệp hoặc ngăn cản việc thực thi pháp luật và gây mất trật tự trong nước. Sau khi bán đi quyền ưu tiên của dòng dõi và đẳng cấp, không giống như Esau đã phải làm như thế vì bã vật chất vào thời kỳ túng đói, nhưng lại do tính phóng đãng, bừa bãi của sự giàu sang, vì những đồ nữ trang và đồ chơi rẻ tiền mà đáng lẽ ra dùng cho con trẻ hơn là những người lớn, các chủ đất đã tự biến họ thành người dân thành thị hay người buôn bán tầm thường. Chính quyền được thành lập ở nông thôn cũng như ở thành thị mà ở những nơi đó chẳng một ai có đủ quyền cản trở việc làm của chính quyền.

Điều này có thể không chút liên quan gì đến chủ đề này nhưng tôi không thể bỏ qua mà không đưa ra nhận xét rằng các gia đình có từ lâu đời, chiếm hữu những vùng đất rộng lớn được truyền từ đời này đến đời khác, rất hiếm thấy ở các nước thương nghiệp. Các gia đình như vậy lại thấy có khác nhiều ở các nước yếu kém về mặt thương mại như xứ Wales hoặc ở các vùng cao, xứ Scotland. Lịch sử các nước Ả Rập đầy rẫy các gia đình kiểu đó và Tartar Khan đã viết một chuyện về vấn đề này và được dịch sang nhiều thứ tiếng ở Châu Âu. Trong câu chuyện của Tartar Khan cũng chẳng có gì khác là đưa ra một bằng chứng là các gia đình cổ xưa có rất nhiều trong các dân tộc Ả Rập. Ở những nước mà ở đó một người giàu chỉ có thể chi tiêu số tiền lợi tức của ông ta vào việc nuôi sống nhiều người khác, ông ta không dám chi hết số tiền ông có. Sự rộng lượng của ông ta ít khi cho phép ông ta dùng tiền để nuôi một số người nhiều hơn khả năng cho phép. Nhưng ở đâu người giàu có đó có thể chi tiêu cho chính bản thân mình, ông ta thường tiêu không đếm xỉa đến khả năng cho phép, vì chính ông ta cảm thấy tính kiêu căng, lòng tự cao tự đại và sự hợm mình đã làm cho ông ta không còn chút suy xét gì về giới hạn cho phép, vì ông ta quá yêu bản thân mình. Tại các nước buôn bán, dù cho có những luật lệ nghiêm cấm việc phung phí tiền của, tuy thế cũng không mấy gia đình giữ được của cải trong nhà không đội nón ra đi. Cũng như vậy đối với các dân tộc chăn cừu như người Tartar và Ả Rập, bản chất của họ là chi tiêu theo sở thích mà chẳng có luật lệ nào có thể ngăn cấm họ được.

Một cuộc cách mạng có tầm quan trọng lớn nhất đối với hạnh phúc của quần chúng là do hai tầng lớp dân chúng mang lại mặc dù họ chẳng có chút ý định gì để phục vụ nhân dân cả. Các đại điền chủ chỉ có mục đích chi tiêu hoang phí để thỏa mãn tính hư danh và lòng tự cao tự đại của họ. Các nhà buôn và thợ thủ công chỉ làm những gì có lợi cho chính bản thân họ, họ hoạt động dựa trên nguyên tắc của kẻ bán rong là chỉ tiêu một xu khi chắc chắn sẽ thu được một xu khác cho họ. Cả hai tầng lớp nói trên đều chẳng có ý thức hoặc sự tiên đoán gì về cuộc đại cách mạng mà chính sự điên rồ của tầng lớp này và sự cần mẫn của tầng lớp kia đang dần dần mang lại.

Chính vì vậy mà tại phần lớn Châu Âu, thương mại và công nghiệp ở các thành phố, đáng lẽ ra là hậu quả, lại trở thành nguyên nhân và cơ hội của mọi sự cải tạo đất đai và tăng cường trồng trọt ở nông thôn.

Trật tự này trái ngược với quá trình tiến hóa tự nhiên của sự vật, vì vậy quá trình này tỏ ra chậm chạp và thiếu chắc chắn. Chúng ta hãy so sánh sự tiến bộ chậm của các nước Châu Âu, mà sự giàu có dựa rất nhiều vào nền công thương nghiệp, với sự tiến bộ nhanh của các thuộc địa ở Bắc Mỹ, mà sự giàu có được xây dựng hoàn toàn bằng sản xuất nông nghiệp. Tại phần lớn Châu Âu, dân số chưa tăng lên gấp đôi trong vòng 500 năm. Nhưng ở các nước thuộc địa Bắc Mỹ dân số tăng gấp đôi chỉ trong vòng 20 – 25 năm mà thôi. Ở Châu Âu, luật về chế độ con trai trưởng thừa kế và các quyền lợi hưởng suốt đời cha truyền con nối đã ngăn cản việc phân chia các bất động sản lớn, do đó ngăn cản sự gia tăng số điền chủ nhỏ. Một điền chủ nhỏ hiểu rất rõ từng mảnh đất thuộc quyền sở hữu của mình, người này tỏ ra rất hào hứng, say mê cải tạo đất đai, nâng cao năng suất trồng trọt và tỏ ra là một người am hiểu, cần cù, thông minh và thành đạt nhất trong công việc cải tiến trồng trọt. Các luật lệ nêu trên ngoài ra còn làm cho đất đai ít được mua đi bán lại, trên thị trường có nhiều tiền hơn là số đất đem bán, cho nên số đất nào được đem bán thì bán với giá rất đắt mà mọi người gọi là giá độc quyền. Tiền cho thuê đất không đủ để trả tiền lãi của số tiền dùng để mua đất, đó là chưa nói đến những công sửa chữa và các khoản tiền khác thỉnh thoảng phải đóng góp.

Mua đất ở bất kỳ nơi nào ở Châu Âu là một việc làm không sinh lợi nhất đối với một số tiền vốn nhỏ. Vì để đảm bảo an toàn cao nhất cho bản thân, một người có một mức sống trung bình khi rút lui khỏi công việc kinh doanh thường đôi khi chọn mua một mảnh đất bằng số tiền còn lại để dưỡng lão. Một người làm một ngành nghề nào đó mà tiền thu nhập lại lấy từ một nguồn khác, nhiều khi cũng muốn để dành số tiền tiết kiệm được bằng cách mua đất. Nhưng một người còn trẻ tuổi, đáng lẽ ra đi vào một ngành nghề nào đó để kiếm ăn, lại đem số vốn 2 hoặc 3 trăm bảng Anh mua đất và tiến hành trồng trọt, thì anh ta có thể sống rất sung sướng, hạnh phúc và không phụ thuộc, nhưng không thể nào có hy vọng trở nên giàu có hay có danh giá lớn, nhưng nếu dùng số vốn có trong tay một cách khác thì anh ta chắc đã có thể gặp may đạt được sự giàu sang phú quý như những người khác đã làm. Loại người như trên, tuy không hy vọng trở thành một điền chủ nhưng nhiều khi cũng chẳng thích gì làm một người nông dân. Số đất ít lại bán với giá cao đã làm cho số vốn lớn không được sử dụng để cày cấy trồng trọt. Ở Bắc Mỹ, ngược lại, 50 – 60 bảng nhiều khi đã là một số vốn đủ để mở đầu cho nghề trồng trọt. Mua và cải tạo các vùng đất đai bỏ hoang được coi là một việc sinh lợi nhất đối với số vốn ban đầu ít ỏi cũng như đối với những số vốn lớn, và đó là con đường trực tiếp dẫn đến sự giàu sang phú quý. Đất hoang có rất nhiều và mua cũng chẳng mất mấy tiền, hầu như cho không vậy, hoặc mua bằng một giá thấp hơn nhiều so với giá trị của sản phẩm tự nhiên, đây là một điều không thể nào có được ở Châu Âu hoặc ở bất kỳ một nước nào mà đất đai ở đó đã trở thành vật sở hữu tư nhân.

Nếu các bất động sản về đất đai chia đều cho tất cả những người con khi người điền chủ chết, thì đất đai đó tất nhiên thường được mang bán. Đất đai mang bán càng nhiều thì nó càng không thể bán với giá độc quyền được. Tiền cho thuê cũng đủ để trả tiền lãi cho tiền mua đất, và một số tiền nhỏ có thể sử dụng để mua đất cũng có lợi như tiến hành các công việc kinh doanh khác.

Do đất đai phì nhiêu, bờ biển rất dài và nhiều sông ngòi có thể dùng thuyền bè đi lại để vận chuyển hàng hóa tới các vùng đất nằm sâu trong đất liền, cho nên nước Anh được thiên nhiên ưu đãi cũng chẳng khác gì bất kỳ nước lớn nào khác ở Châu Âu để trở thành một trung tâm ngoại thương và công nghiệp chế tạo hàng hóa bán cho các nơi xa, và cũng là nơi mà nông nghiệp có những cải tiến hơn. Từ đầu triều đại nữ hoàng Elizabeth, pháp chế Anh đã đặc biệt chú trọng đến lợi ích công thương nghiệp và có thể nói là không có nước nào ở Châu Âu, kể cả Hà Lan, đã ban hành những đạo luật thuận lợi hơn cho loại hình kinh doanh này. Vì thế cả thương nghiệp lẫn công nghiệp đều đã có những bước tiến liên tục trong suốt thời kỳ này. Ở nông thôn người ta cũng có những tiến bộ không kém phần quan trọng về mặt cải tạo đất đai và nâng cao năng suất cây trồng. Nhưng so với sự phát triển của công thương nghiệp ở thành thị thì sự phát triển nông nghiệp ở nông thôn có phần chậm hơn nhiều, và đứng ở một khoảng cách khá xa. Phần lớn đất đai ở nông thôn đã được cày bừa trồng trọt trước triều đại của nữ hoàng Elizabeth, một phần đất đai hãy còn bỏ hoang và ngay cả phần lớn đất đai đã được trồng trọt cũng chưa đạt được yêu cầu mà đáng lẽ ra đã phải có. Tuy nhiên, luật nước Anh cũng dành những ưu đãi và khuyến khích đối với nông nghiệp. Trừ những thời kỳ khan hiếm, người ta khuyến khích tự do xuất khẩu ngũ cốc, và hơn nữa còn được thưởng nếu xuất khẩu được nhiều. Trong thời kỳ mà ngũ cốc cũng chỉ vừa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân chúng, chính phủ đánh thuế nhập khẩu khá nặng để ngăn cản ngũ cốc tràn vào trong nước, như thế cũng chẳng khác gì cấm nhập khẩu vậy. Việc nhập gia súc, trừ trường hợp đối với Ireland, luôn luôn bị cấm và mới chỉ gần đây gia súc được phép nhập từ các nơi khác. Vì vậy, so với dân chúng trong cả nước người nông dân làm nghề trồng trọt được độc quyền về hai mặt hàng quan trọng nhất của sản phẩm thu hoạch từ đất đai: đó là bánh mì và thịt gia súc. Những khuyến khích này, mặc dù trên thực tế cũng còn là một điều viễn vông mà tôi sẽ trình bày ở dưới đây, cũng đủ để chứng minh là bộ phận pháp chế đã có những ưu đãi đối với nông nghiệp. Nhưng điều quan trọng hơn cả là giới tiểu nông ở Anh được luật pháp bảo đảm an toàn, không bị lệ thuộc và được mọi người trọng vọng. Do đó, không có nước nào, mà ở đó quyền thừa kế của con trưởng được công nhận, mà đóng thuế thập phân, và ở đó mọi quyền hưởng dụng tài sản vĩnh viễn (perpetuities), mặc dù trái với tinh thần pháp luật, được công nhận trong một số trường hợp, không có nước nào khuyến khích công nghiệp nhiều hơn nước Anh. Thực trạng công việc trồng trọt ở Anh là như vậy. Thử hỏi xem tình hình nông nghiệp sẽ ra sao, nếu pháp luật không trực tiếp khuyến khích nông nghiệp ngoài những gì đã làm một cách gián tiếp thông qua thương nghiệp, và nếu như giới tiểu nông vẫn nằm trong tình trạng giống như ở hầu hết các nước khác ở Châu Âu?

Hơn 200 năm đã qua kể từ khi bắt đầu triều đại nữ hoàng Elizabeth, một thời kỳ dài tương đương với quá trình thịnh vượng của loài người.

Nước Pháp có ngành ngoại thương khá phát triển gần một thế kỷ trước khi Anh được nổi tiếng là một nước thương nghiệp. Pháp có một đội thương thuyền lớn, theo khái niệm của thời đó, trước cuộc viễn chinh của vua Charles VIII đến Naples. Phải thừa nhận là công việc trồng trọt và cải tạo nông nghiệp của Pháp nói chung còn kém Anh, vì luật pháp ở nước đó chưa từng có sự khuyến khích trực tiếp đối với nông nghiệp.

Ngành ngoại thương của hai nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha với các nước khác ở Châu Âu, mặc dù tiến hành bằng thương thuyền treo cờ nước ngoài, cũng có những tiến bộ đáng kể. Ngành thương mại tiến hành với các thuộc địa của hai nước đó được tiến hành bằng các phương tiện chuyên chở của hai nước đó, và ngành ngoại thương đó lớn hơn rất nhiều, vì các thuộc địa của họ rất giàu có và rộng lớn. Nhưng ngành ngoại thương đó không có xưởng sản xuất hàng hóa bán ở các nước xa, và phần lớn đất đai ở các hai nước này còn bỏ hoang chưa được khai thác. Ngành ngoại thương Bồ Đào Nha có từ lâu đời hơn so với bất kỳ nước lớn nào khác ở Châu Âu, trước nước Ý.

Nước Ý là nước duy nhất ở Châu Âu có đất đai được trồng trọt và cải tạo tốt nhờ có ngành ngoại thương và các xưởng sản xuất hàng bán ở các nơi xa. Trước cuộc xâm lược của Charles VIII, theo Guicciardin, Ý đã được trồng trọt ở khắp mọi nơi trên toàn quốc, kể cả các vùng đồi núi cằn cỗi nhất, cũng như các vùng đồng bằng mầu mỡ và phì nhiêu nhất. Đó là do lợi thế của nước này lúc đó lại chia cắt thành nhiều nước độc lập nhỏ, và do đó có thể đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển nông nghiệp chung. Bất kể ý kiến nêu trên của một trong những nhà sử học cận đại sáng suốt và thận trọng nhất, có thể thừa nhận là nước Ý vào thời đó đã không có một nền nông nghiệp phát triển hơn nước Anh ngày nay.

Tuy nhiên, số vốn mà bất kỳ nước nào dành được bằng công việc buôn bán và chế tạo hàng hóa chỉ là tài sản khá bấp bênh và không có gì chắc cả chừng nào một phần số tiền đó chưa được dùng một cách vững chắc vào công việc trồng trọt và cải tạo đất đai. Người ta thường nói rất đúng rằng một lái buôn không nhất thiết phải là công dân của một nước riêng biệt nào cả. Nơi anh ta tiến hành công việc buôn bán không quan trọng lắm đối với anh ta, và nếu cảm thấy chán ngán, anh ta tức thì chuyển số vốn cùng với tất cả các thứ hàng hóa từ nước này sang nước khác. Số vốn của anh ta không thể nói chắc là thuộc về một nước nào đó trừ khi số vốn đó nằm rải rác khắp mọi nơi ở nước đó dưới dạng các dinh cơ đồ sộ hoặc đất đai đã được cải tạo và nâng cấp. Ngày nay, không còn dấu vết gì về sự giàu sang phú quý lớn lao mà trước kia phần lớn các thành phố của người Hán đã có, trừ khi đọc những trang lịch sử tối mù thuộc thế kỷ thứ 13 và 14. Ngay cả địa điểm của một vài thành phố đó cũng không còn được biết rõ ràng là ở đâu hoặc tên Latin của vài thành phố đó liên quan đến thành thị nào ở Châu Âu. Nhưng mặc dù nước Ý đã phải trãi qua những sự rủi ro, bất hạnh vào cuối thế kỷ thứ 15 và đầu thế kỷ thứ 16, do đó đã làm giảm sút rất nhiều công việc buôn bán và chế tạo ở các thành phố của Lombardy và Tuscany, các nước đó (nằm trong nước Ý lúc bấy giờ) vẫn tiếp tục là những vùng đông dân cư và được cày cấy trồng trọt tốt nhất ở Châu Âu. Các cuộc nội chiến ở Flanders và chính phủ Tây Ban Nha tiếp nối cai trị các vùng này đã làm tan rã ngành thương nghiệp đang phát triển mạnh mẽ của Antwerp, Ghent và Bruges. Nhưng Flanders vẫn tiếp tục là một trong những vùng đông dân và giàu có nhất và cũng được trồng trọt tốt nhất ở Châu Âu thời bấy giờ. Các cuộc chiến tranh cũng như các khoản chi tiêu hoang phí của chính phủ làm kiệt quệ dễ dàng các nguồn tài nguyên do công việc buôn bán mang lại. Nhưng đất đai được cải tạo để nâng cao năng suất cho nông nghiệp là những thứ bền vững lâu dài và không thể bị phá hủy nếu không có các cuộc cướp bóc, phá phách của các dân tộc thù địch tàn bạo gây nên trong một vài thế kỷ như những cuộc tàn phá xảy ra trong một thời gian nào đó trước và sau sự sụp đổ của Đế quốc La Mã tại các vùng phía tây Châu Âu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3