Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 4 - Chương 05

Chương V

TIỀN THƯỞNG

Các khoản trợ cấp xuất khẩu ở Anh thường được cầu xin và đôi khi được cấp cho sản phẩm của các ngành đặc biệt của nền công nghiệp trong nước. Nhờ có tiền trợ cấp xuất khẩu đó, người ta cho rằng các nhà buôn và sản xuất công nghiệp có khả năng bán hàng với giá rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh với họ tại thị trường nước ngoài. Do đó, một số lượng lớn hàng hóa sẽ được mang xuất khẩu và cán cân thương mại sẽ nghiêng hơn về nước chúng ta. Chúng ta không thể tạo cho các nhà sản xuất trong nước chúng ta có độc quyền ở nước ngoài như chúng ta đã làm cho họ tại thị trường trong nước. Chúng ta không thể ép các khách hàng ở nước ngoài phải dùng hàng của các nhà sản xuất ở nước chúng ta như chúng ta đã làm đối với những khách hàng là đồng bào của chúng ta.

Cách làm tốt nhất đã được nghĩ đến là trả tiền thêm để giúp cho họ mua hàng. Chính theo cách làm này mà chế độ buôn bán chủ trương làm giàu cho cả nước và đút tiền vào túi của chúng ta bằng cách dành được một cán cân thương mại nghiêng về đất nước chúng ta.

Các khoản trợ cấp xuất khẩu phải cấp cho các ngành buôn bán mà chúng ta thấy rõ là không thể hoạt động có hiệu quả nếu không có khoản tiền đó. Nhưng tất cả các ngành buôn bán mà người lái buôn có thể bán hàng hóa của mình với một giá có thể mang lại cho ông ta đủ số tiền lời thông thường đối với số tiền vốn bỏ ra, hoàn lại toàn bộ số tiền vốn dùng để sản xuất và mang hàng ra thị trường bán, thì có thể được tiến hành không cần có tiền trợ cấp. Mỗi ngành như vậy rõ ràng là có một vị trí ngang với các ngành khác mà được tiến hành không có tiền trợ cấp, và do đó chẳng cần phải có trợ cấp mới có thể hoạt động được như các ngành khác. Các ngành đó chỉ đòi hỏi phải có một khoản tiền trợ cấp trong trường hợp người buôn bán phải bán hàng với một giá mà tiền thu được không đủ để hoàn lại số tiền vốn đã bỏ ra cùng với số tiền lời thông thường, hoặc ông ta buộc phải bán hàng với giá thấp hơn giá thành để có thể đưa hàng ra bán ở thị trường. Số tiền trợ cấp được cấp cho ông ta để đền bù sự thua lỗ này và cũng để khuyến khích ông ta nên tiếp tục hoặc có thể bắt đầu một ngành buôn bán mà phần chi phí được giả thiết là lớn hơn phần thu về, mà mỗi quá trình hoạt động lại ngốn một phần số vốn sử dụng, và ngành đó có tính chất là chẳng bao lâu số vốn sẽ chẳng còn nữa, nếu các ngành khác cũng giống như ngành đó.

Cần nhận thấy là các nghề nghiệp tiến hành với sự cấp phát tiền thưởng khuyến khích là những nghề duy nhất có thể được thực hiện giữa hai nước trong bất kỳ một thời gian đáng kể nào, mà trong quá trình hoạt động một trong hai bên sẽ luôn luôn và đều đặn bị lỗ hoặc bán hàng với giá thấp hơn giá thành để đưa ra bán trên thị trường. Nhưng nếu số tiền trợ cấp lại không đủ để bù đắp cho số thiệt hại của nhà buôn do bán hàng với giá hạ hơn giá mà ông ta định để có thể thu được số tiền lời cần thiết, thì lợi ích cá nhân buộc ông ta phải sử dụng vốn vào một ngành nghề khác mà ở đó ông ta bán được hàng hóa với số tiền lời dự tính.

Vậy tiền trợ cấp chỉ có tác dụng buộc ngành buôn bán đi vào con đường kém về tiền lời hơn so với việc buôn bán tiến hành theo ý muốn của người kinh doanh.

Tác giả khá tài ba và có nhiều kinh nghiệm của những cuốn sách nhỏ bàn về việc buôn bán ngũ cốc đã cho thấy rất rõ ràng rằng kể từ khi áp dụng tiền trợ cấp xuất khẩu đối với ngũ cốc, giá ngũ cốc xuất khẩu với cách định giá vừa phải đã cao hơn giá ngũ cốc nhập dù được định giá rất cao, và số tiền thu được từ giá cao khi xuất đó lớn hơn tổng số tiền trợ cấp xuất khẩu. Tác giả đó cho rằng trên cơ sở những nguyên tác chi phối chế độ buôn bán, đó là một bằng chứng rõ ràng cho thấy việc thúc đẩy việc buôn bán ngũ cốc theo cách này là có lợi cho đất nước; giá trị xuất khẩu vượt quá giá trị nhập khẩu bằng một số tiền lớn hơn toàn bộ số tiền chi phí mà nhà nước đã bỏ ra để thúc đẩy việc xuất khẩu. Tác giả đó không xem xét tới khía cạnh là số tiền trợ cấp xuất khẩu chỉ là một phần nhỏ nhất của số chi phí mà việc xuất khẩu ngũ cốc đã thực sự gây nên cho xã hội. Cần phải tính đến số tiền vốn mà người nông dân phải sử dụng để trồng trọt và làm ra thóc lúa. Trừ khi giá ngũ cốc khi bán ở các thị trường nước ngoài có thể hoàn lại không những số tiền trợ cấp xuất khẩu mà còn cả số tiền vốn bỏ ra để trồng trọt cùng với số tiền lời thông thường của tiền vốn, xã hội bị thua thiệt bởi sự chênh lệch đó hoặc bởi sự giảm sút tương đương của tổng số vốn quốc gia. Nhưng lý do khiến người ta nghĩ là cần thiết phải trợ cấp xuất khẩu là giá cả chưa đủ sức làm việc này.

Mọi người nói rằng giá ngũ gốc trung bình đã giảm xuống đáng kể từ khi áp dụng tiền khuyến khích. Như tôi đã trình bày ở trên, giá ngũ cốc trung bình đã bắt đầu giảm sút vào cuối thế kỷ trước và đã tiếp tục như vậy trong 64 năm đầu của thế kỷ này. Nhưng sự kiện này, hãy giả thiết là một sự thật như tôi đã tin là như vậy, chắc là đã xảy ra bất kể có sự trợ cấp và có thể là đã không xảy ra do có khoản trợ cấp đó. Giá ngũ cốc đã hạ ngay cả ở Pháp cũng như ở Anh mặc dù ở Pháp người ta không những không trợ cấp xuất khẩu mà cho đến năm 1764, xuất khẩu ngũ cốc còn bị đặt dưới sự nghiêm cấm ngặt nghèo. Sự giảm xuống dần dần về giá ngũ cốc trung bình như vậy chẳng phải do có luật về tiền khuyến khích mà cũng chẳng vì không có luật đó mà chính là do việc tăng một cách dần dần ít người nhận thấy của giá thực của bạc mà trong quyển đầu tôi đã cố gắng trình bày là đã xảy ra tại thị trường chung Châu Âu trong thế kỷ này. Cho nên, không thể nói là tiền trợ cấp hay tiền thưởng khuyến khích đã là nguyên nhân dẫn đến việc giảm sút giá thóc lúa.

Trong những năm thóc lúc được mùa, người ta nhận xét là tiền thưởng khuyến khích đó tất nhiên phải nâng giá ngũ cốc tại thị trường trong nước lên trên mức mà lẽ ra nó đương nhiên phải tụt xuống. Đó chính là mục đích đã được công khai thừa nhận của thể chế đó. Trong những năm mất mùa thóc lúc khan hiếm, mặc dù tiền thưởng luôn luôn bị ngừng lại không thực hiện, tuy nhiên việc xuất khẩu nhiều trong những năm được mùa thường luôn luôn cản trở ít nhiều việc thừa thãi của năm này làm giảm sự khan hiếm của năm khác. Kể cả trong những năm thóc lúc thừa thãi và trong những năm thóc lúa khan hiếm, tiền thưởng khuyến khích tất yếu phải làm cho giá thóc lúa tính bằng tiền trong một chừng mực nào cao hơn ở thị trường trong nước so với khi không có tiền thưởng.

Nhiều người nghĩ rằng tiền thưởng khuyến khích sẽ phải thúc đẩy việc trồng trọt để tăng sản lượng thóc lúa theo hai cách khác nhau, trước hết là mở rộng thị trường nước ngoài đối với thóc lúa của nông dân, và điều đó làm tăng nhu cầu mua thóc lúa dẫn đến việc nông dân phải thúc đẩy sản xuất loại hàng hóa đó, và thứ hai là phải bảo đảm cho nông dân có thể bán với giá cao hơn để khuyến khích việc trồng trọt. Họ nghĩ rằng sự khuyến khích kép này trong một thời kỳ kéo dài nhiều năm phải đưa đến việc gia tăng sản xuất ngũ cốc để có thể hạ giá nó trên thị trường trong nước nhiều hơn là tiền thưởng khuyến khích có thể nâng giá lên trong tình trạng hiện nay mà sự cày cấy có thể vẫn không thay đổi.

Tôi cho rằng bất kỳ sự mở rộng thị trường xuất khẩu nào do có tiền trợ cấp của nhà nước đều ảnh hưởng đến thị trường trong nước, vì mỗi giá lúa mà đem xuất khẩu do có tiền thưởng khuyến khích, và chắc đã không đem xuất khẩu nếu không có tiền trợ cấp đó, sẽ nằm lại trong nước phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và làm cho mặt hàng này hạ giá hơn. Người ta đã có nhận xét rằng tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu ngũ cốc cũng như các khoản trợ cấp xuất khẩu đối với các mặt hàng khác đặt lên vai dân chúng hai loại thuế: một là thuế đánh vào họ để buộc họ phải có sự đóng góp vào số tiền thưởng khuyến khích, và thứ hai là thuế xuất phát từ giá hàng hóa tăng cao tại thị trường trong nước mà nhân dân là những khách hàng tiêu dùng thóc lúa cho nên họ phải chịu thêm thuế đó. Loại thuế thứ hai mà nhân dân phải gánh chịu là nặng hơn nhiều so với loại thuế thứ nhất. Chúng ta hãy giả định đem so sánh năm này với năm khác, tiền thưởng khuyến khích là 5 shilling cho việc xuất khẩu một góc tạ Anh lúa mì sẽ nâng giá của mặt hàng này tại thị trường trong nước chỉ lên có 6 penny một giá Anh hoặc 4 shilling một góc tạ Anh, tất nhiên là cao hơn so với khi không có tiền thưởng. Chỉ tính theo giả thiết rất phải chăng này, đa số dân chúng ngoài việc đóng thuế để góp cho tiền thưởng khuyến khích là 5 shilling mỗi góc tạ Anh lúa mì để xuất khẩu, còn phải đóng góp thêm 4 shilling cho mỗi góc tạ Anh lúa mì nữa vì họ là những người tiêu thụ loại lương thực này. Nhưng cũng theo vị tác giả các cuốn sách bàn về việc buôn bán ngũ cốc, tỷ lệ trung bình của số ngũ cốc xuất khẩu so với lượng ngũ cốc được tiêu dùng trong nước chỉ là một trên ba mươi mốt (1/31). Vì vậy, dân chúng khi đóng 5 shilling cho thứ thuế đầu, họ phải đóng tới 6 bảng 4 shilling cho thứ thuế thứ hai. Một sự đóng góp về thuế nặng nề như vậy đối với một thứ hàng hóa lương thực cần thiết cho đời sống của mọi người tất nhiên sẽ làm giảm mức sinh sống của người lao động nghèo, hoặc họ phải được tăng tiền lương tỷ lệ với mức tăng về giá sinh hoạt của họ. Nếu cơ chế này hoạt động theo cách thứ nhất, thì nó làm giảm khả năng của nhân dân lao động nuôi dạy con cái và có chiều hướng hạn chế dân số trong nước. Nếu nó hoạt động theo cách thứ hai, nó phải làm giảm khả năng của các người chủ thuê mướn nhân công và có chiều hướng hạn chế ngành nghề phát triển. Việc xuất khẩu quá nhiều ngũ cốc vì thế càng mở rộng thị trường nước ngoài thì lại càng làm giảm thị trường và mức tiêu dùng trong nước, hạn chế việc phát triển dân số và các ngành nghề sản xuất trong nước; xu hướng cuối cùng của nó là làm cho thị trường trong nước bị thu hẹp lại và kém phát triển, vì thế về lâu dài sẽ làm giảm, hơn là làm tăng, thị trường và mức tiêu dùng trong nước về ngũ cốc.

Tuy nhiên mọi người nghĩ rằng tăng giá nông sản hàng hóa sẽ làm lợi cho người nông dân và tất nhiên, khuyến khích phát triển sản xuất.

Tôi cho rằng có thể sẽ là như vậy nếu tiền thưởng khuyến khích có tác dụng làm tăng giá thực của ngũ cốc hoặc cho phép người nông dân cùng với số lượng ngũ cốc tương đương có thể thuê mướn được một số lớn hơn nhân công cùng một cách như là những người lao động đang được thuê mướn trong các vùng lân cận. Nhưng rõ ràng là không có tiền thưởng khuyến khích cũng như bất kỳ một thể chế nào khác có thể có được tác dụng như vậy. Không phải là giá thực tế mà là giá danh nghĩa có thể bị tác động ở bất kỳ mức nào bởi tiền thưởng khuyến khích. Mặc dù tiền thuế mà thế chế đánh vào đại bộ phận nhân dân có thể rất nặng nề đối với những người phải đóng, nó lại có lợi rất ít cho những ai được hưởng kết quả mang lại.

Tác động thực sự của tiền thưởng khuyến khích không nâng được giá trị thực tế của ngũ cốc lên nhiều bằng làm giảm sút giá trị thực tế của bạc hoặc là làm cho một số lượng tương đương của bạc chỉ đổi lấy được một số lượng ít hơn không chỉ là ngũ cốc mà cả những hàng hóa nội địa khác nữa, vì giá tiền của ngũ cốc làm nhiệm vụ điều chỉnh giá mọi thứ hàng khác trong nước.

Giá ngũ cốc điều chỉnh giá tiền công lao động mà tiền công này phải đủ để người lao động có thể mua được một số lượng lương thực cần thiết để nuôi sống anh ta và gia đình ở các mức độ khác nhau: hoặc rộng rãi, hoặc vừa phải, hoặc ít ỏi, tùy theo hoàn cảnh xã hội hoặc đang tiến lên, hoặc đang dẫm chân tại chỗ, hoặc suy thoái mà người chủ bị buộc phải nuôi sống họ như vậy.

Giá ngũ cốc điều chỉnh giá tất cả các sản phẩm của đất đai mà, theo từng giai đoạn phát triển, luôn luôn giữ một tỷ lệ nào đó so với giá ngũ cốc, mặc dù tỷ lệ đó thay đổi tùy theo các thời kỳ khác nhau. Ví dụ, nó điều chỉnh giá tiền cỏ khô cho súc vật ăn, thịt lợn và thịt bò, và tiền chăn nuôi ngựa, xe cộ dùng cho việc chuyên chở, hoặc phần lớn các mặt hàng thương nghiệp trong nước.

Do nó điều chỉnh giá tiền của các loại sản phẩm thô thu hoạch từ đất, giá ngũ cốc cũng điều chỉnh cả nguyên vật liệu dùng trong việc sản xuất, chế tạo. Do nó điều chỉnh giá tiền công lao động, nó cũng điều chỉnh cả tiền lương trong công nghiệp. Vì vậy, nó điều chỉnh cả nông nghiệp lẫn công nghiệp. Giá tiền công lao động và giá tiền mọi sản phẩm của đất đai và lao động phải chịu sự chi phối của giá ngũ cốc và tất nhiên tăng lên hay hạ xuống theo tỷ lệ với giá danh nghĩa của ngũ cốc.

Mặc dù do có sự áp dụng tiền thưởng khuyến khích, người nông dân có thể bán được thóc lúa với giá 4 shilling một giá mà đáng lẽ ra nếu không có tiền thưởng khuyến khích thì anh ta chỉ bán được có 3 shilling 6 penny mà thôi, và trả cho chủ đất một số tiền thuê tỷ lệ với sự tăng này của giá tiền sản phẩm thô mà anh ta trồng trọt và thu hoạch được. Nhưng nếu với giá tiền thóc lúa bán tăng lên hơn trước, 4 shilling mà anh ta thu được từ việc bán một giá lúa cũng chỉ mua được một số hàng hóa nội địa trị giá tương đương với 3 shilling 6 penny như trước kia, thì cả người nông dân lẫn người chủ đất cũng chẳng thấy tình hình sinh hoạt của mình hơn lên chút nào qua việc thay đổi giá tiền này. Người nông dân không thể trồng trọt được nhiều hơn trước; người chủ đất cũng không thấy mình sống khá hơn. Việc tăng giá ngũ cốc có thể mang lại cho họ một chút lợi nếu mua hàng ngoại; nhưng họ chẳng có lợi gì khi mua hàng trong nước. Hầu hết toàn bộ số tiền chi tiêu của người nông dân và phần lớn chi tiêu của người chủ đất là mua các mặt hàng sản xuất trong nước.

Việc suy giảm về giá trị bạc đó là hậu quả của các mỏ có trữ lượng lớn đang được khai thác ở phần lớn thế giới thương mại, và việc đó xảy ra đồng đều như nhau ở mọi nước thì chẳng làm cho ai thực sự giày có hơn nhưng cũng chẳng làm cho họ nghèo đi. Một bộ đồ bát đĩa bằng bạc thực ra rẻ hơn trước, còn mọi thứ hàng khác đều vẫn giữ nguyên giá trị thật như trước kia.

Nhưng nếu sự suy giảm giá trị bạc lại do kết quả của một tình hình đặc biệt hay thể chế chính trị của một nước riêng biệt nào đó và chỉ xảy ra ở nước đó mà thôi, thì nó trở thành một vấn đề gây hậu quả rất lớn và làm cho dân chúng nước đó chẳng những không giàu lên mà còn thực sự nghèo hơn trước. Việc giá hàng hóa các loại tính bằng tiền tăng lên, nếu chỉ xảy ra đối với nước đó, làm cho các ngành công nghiệp ở nước đó hoạt động kém hiệu quả và cho phép nước ngoài, bằng cách cung cấp hầu hết các loại hàng hóa mà chỉ lấy một số lượng bạc ít hơn là các người thợ của nước này có khả năng làm ra, bán rẻ hơn không những ở thị trường nước ngoài mà ngay cả ở thị trường trong nước.

Đây là tình hình đặc trưng của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là chủ những mỏ lớn và là nước phân phối vàng bạc cho tất cả các nước ở Châu Âu. Các kim loại quý đó chắc đã bán ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha với giá rẻ hơn là ở bất kỳ nước nào khác ở Châu Âu. Tuy nhiên, sự chênh lệch giá sẽ không thể nhiều hơn số tiền chi phí chuyên chở và bảo hiểm. Do có giá trị lớn nhưng dung tích nhỏ, cho nên các kim loại đó cũng không mất tiền chuyên chở nhiều và tiền bảo hiểm cũng chỉ bằng tiền bảo hiểm các loại hàng hóa khác có giá trị tương đương mà thôi. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có thể chỉ bị thiệt hại rất ít về tình hình đặc biệt này của họ nếu như hai nước này không làm trầm trọng thêm những điều bất lợi cho mình bằng những thể chế chính trị.

Tây Ban Nha đánh thuế nặng và Bồ Đào Nha nghiêm cấm việc xuất khẩu vàng và bạc, bắt việc xuất khẩu đó phải chịu các chi phí của hàng lậu và còn làm tăng giá trị các kim loại đó ở các nước khác lên cao hơn giá ở tại trong nước, vì phải cộng thêm vào giá các chi phí đó. Khi người ta ngăn chặn một dòng nước chảy cho đến khi nước lên ngang tới mặt đập thì tất nhiên nước phải tràn qua mặt đập như thể không có đập vậy. Việc cấm xuất vàng và bạc cũng không thể giữ lại ở trong nước một số lượng nhiều hơn là nước đó có thể sử dụng, tức là không vượt quá tổng giá trị sản phẩm đất đai và lao động của nước đó để cho phép sử dụng số lượng vàng và bạc dưới hình thức tiền kim loại, các bát đĩa bằng vàng bạc, mạ vàng và đánh các đồ trang sức và trang trí bằng vàng và bạc. Khi mà số lượng này đạt tới mức đầy đủ thì cái đập ngăn bị nước đầy lên đến ngang mặt và dòng nước chảy tới sau đó tất nhiên phải tràn qua mặt đập. Số lượng xuất khẩu vàng bạc hàng năm từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì thế, theo ý kiến chung và bất chấp mọi sự hạn chế, là gần như tương đương với lượng nhập khẩu hàng năm. Tuy nhiên, cũng giống như nước ở đằng sau mặt đập phải sâu hơn là trước mặt đập, số lượng vàng bạc mà các hạn chế này giữ lại ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tất phải, tùy theo số sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động, lớn hơn số lượng thấy ở các nước khác. Mặt đập càng cao và càng vững chắc, thì mức chênh lệch về độ sâu của nước ở sau và trước mặt đập càng lớn. Thuế được đánh càng cao, các khoản tiền phạt để ngăn chặn xuất khẩu càng lớn, các lực lượng công an có nhiệm vụ thi hành pháp luật càng cảnh giác và nghiêm khắc hơn, thì chênh lệch về tỷ lệ vàng bạc so với số sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng như so với số sản phẩm hàng năm ở các nước khác tất phải lớn hơn. Mức chênh lệch đó là rất đáng kể, và người ta luôn thấy ở các nước đó rất nhiều bát đĩa bằng kim loại quý ở những nhà mà ở đó không có đồ vật gì khác để xứng đáng với sự nguy nga, lộng lẫy đó như thường thấy ở các nước khác. Vàng bạc rẻ mạt và trái lại các hàng hóa lại rất đắt vì đó là hậu quả của sự dư thừa kim loại quý đã làm cho cả nông dân và người sản xuất hàng hóa ở cả Tây Ban Nha lẫn Bồ Đào Nha hết sức chán nản, do đó đã tạo điều kiện cho người nước ngoài đến cung cấp cho nhân dân hai nước này những loại hàng thô và hầu hết các sản phẩm chế tạo mà chỉ lấy một số lượng vàng bạc ít hơn so với số lượng mà những người trong hai nước này có thể làm ra. Thuế và mọi sự ngăn cấm lại hoạt động theo hai cách khác nhau. Chúng không những làm giảm rất nhiều giá trị của vàng bạc ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và còn bằng cách giữ lại không cho xuất sang các nước khác một số lượng kim loại quý đó, cho nên đã làm cho giá trị vàng bạc ở các nước khác tăng giá hơn trước mà đáng lẽ ra không thể tăng hơn được mức đã được định sẵn, điều này đã đem lại cho các nước đó một mối lợi gấp đôi trong quan hệ buôn bán với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nếu ta mở cửa đập, tất nhiên mức nước ở trên mặt đập sẽ phải hạ xuống nhiều và chẳng bao lâu mức nước ở phía trên và phía dưới đập sẽ bằng nhau. Bỏ việc đánh thuế và mọi sự cấm đoán, và vì thế, số lượng vàng bạc ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ bị giảm đáng kể và làm tăng trong một chừng mực nhất định số lượng vàng bạc tại các nước khác, tất nhiên giá trị các kim loại đó và tỷ trọng của nó so với sản lượng hàng năm của đất đai và lao động sẽ tiến tới mức ngang nhau hoặc ít nhất cũng phải gần bằng nhau. Sự thiệt hại mà Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có thể đã phải chịu qua việc xuất khẩu vàng bạc như thế chỉ là một vấn đề danh nghĩa và tưởng tượng mà thôi. Giá trị danh nghĩa của các hàng hóa của họ và sản lượng hàng năm của đất đai và lao động của họ tất sẽ phải giảm xuống và được thể hiện bằng một lượng vàng bạc ít hơn trước, nhưng giá trị thực tế vẫn như trước và đủ để thuê mướn và trả công cho một số lượng lao động tương đương. Do giá trị danh nghĩa của hàng hóa của họ sẽ bị giảm xuống, giá trị của số lượng vàng bạc còn lại ở trong nước tất sẽ phải tăng và do đó, một số lượng nhỏ hơn của kim loại quý đó sẽ đủ để đáp ứng mọi yêu cầu của thương mại và lưu thông chẳng khác gì số lượng vàng bạc lớn hơn đã phải dùng trước kia. Số vàng bạc chuyển ra nước ngoài không phải là chẳng mang lại gì cho đất nước, nó sẽ được chuyển thành một giá trị tương đương các loại hàng hóa. Các loại hàng hóa cũng không chỉ là những đồ tiêu dùng xa xỉ phục vụ cho những kẻ ăn không ngồi rồi chẳng làm ra của cải vật chất gì. Vì số của cải và thu nhập thực sự của những người ăn không ngồi rồi không thể tăng lên do sự xuất khẩu vàng bạc, cho nên các người đó cũng không thể tăng mức tiêu dùng của họ. Chắc chắn là các loại hàng hóa đó, có thể là phần lớn hoặc ít nhất là một phần nào đó, bao gồm các vật liệu, dụng cụ, lương thực thực phẩm dùng cho những người lao động để họ có thể tái sản xuất ra các của cải vật chất có ngang giá trị với số lượng hàng hóa và thực phẩm mà họ đã tiêu dùng và còn có lãi. Nhiều nguyên vật liệu của xã hội nằm chết trong kho nay đã được mang ra sử dụng và làm sống lại một số lớn ngành công nghiệp mà trước đó không được sử dụng đến. Sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động của họ nay được tăng lên một chút và chắc hẳn trong một vài năm sau sẽ tăng lên rất nhiều. Các ngành công nghiệp của họ đang được giải thoát khỏi một trong những gánh nặng ngột ngạt mà chúng đang phải chịu đựng hiện nay.

Việc xuất khẩu ngũ cốc tất cũng phải diễn biến theo đúng cách thức như chính sách phi lý mà Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã áp dụng. Bất kể canh tác thực sự ra sao thì chính sách đó đã làm cho ngũ cốc bán với giá đắt hơn tại thị trường trong nước mà đáng lẽ ra giá cả đã không đáng phải như thế, và ở nước ngoài giá ngũ cốc có phần nào rẻ hơn. Vì giá tiền trung bình của ngũ cốc điều chỉnh ít hay nhiều giá các loại hàng hóa khác, cho nên nó làm hạ giá bạc xuống khá nhiều ở nơi này và có chiều làm tăng giá bạc chút ít ở nơi khác. Vì thế, người ngoại quốc, đặc biệt là người Hà Lan, không những được ăn ngũ cốc của chúng ra với giá rẻ hơn mà đáng lẽ ra họ không được hưởng như vậy ở nước họ, hơn nữa người Hà Lan còn được ăn ngũ cốc với giá rẻ hơn so với nhân dân nước chúng ta cũng trong cùng những hoàn cảnh tương tự. Việc hạ giá bạc như trên cản trở các thợ thủ công của chính chúng ta không được cung cấp hàng để đổi lấy số lượng bạc ít hơn. Như thế các đồ vật chế tạo của chúng ta bị bán khá đắt trên tất cả các thị trường và các đồ vật chế tạo của người Hà Lan lại được phép bán rẻ hơn, và do đó, tạo cho nền sản xuất của người Hà Lan có lợi thế gấp đôi so với chúng ta.

Số tiền thưởng thêm ở tại thị trường trong nước không nhiều theo giá thực tế như là theo giá danh nghĩa của ngũ cốc vì nó làm tăng thêm không phải là số lượng lao động mà một số lượng ngũ cốc nào đó có thể duy trì và sử dụng, mà chỉ là số lượng bạc được trao đổi mà thôi, do đó việc này làm nản lòng những người sản xuất, nó chẳng giúp gì nhiều cho các nông dân hoặc các nhà quý phái ở nông thôn. Thật vậy, số tiền thưởng khuyến khích cũng mang lại thêm một ít tiền cho cả nông dân lẫn các nhà quý phái ở nông thôn, và có lẽ cũng có một phần nào khó thuyết phục phần lớn trong số họ rằng số tiền đó chẳng mang lại lợi lộc gì lớn cho họ. Nhưng nếu số tiền đó mất giá và không đủ thuê một số lượng lao động, mua một số lượng lương thực – thực phẩm và các thứ hàng hóa trong nội địa vì giá ngày càng tăng hơn trước, điều lợi mà chúng ta thấy ở trên đây chỉ là một hiện thực trên danh nghĩa và là do óc tưởng tượng nghĩ ra như vậy.

Có lẽ chỉ có một loại người trong cộng đồng mà số tiền thưởng khuyến khích đó có thể được coi là có lợi thật sự. Đó là những người buôn bán ngũ cốc, và các nhà xuất nhập khẩu ngũ cốc.

Trong những năm thóc lúa dồi dào, số tiền thưởng tất yếu sẽ khuyến khích xuất khẩu nhiều hơn là thông thường, và do ngăn cản sự dồi dào của năm này làm giảm sự thiếu hiếm của năm khác, cho nên trong những năm khan hiếm phải nhập khẩu ngũ cốc nhiều hơn thông thường.

Việc đó làm tăng hoạt động kinh doanh của người buôn bán ngũ cốc. Trong những năm khan hiếm thóc lúa các người đó được phép nhập một số lượng lớn ngũ cốc nhưng lại bán với giá cao hơn, cho nên có số lợi nhuận nhiều hơn thông thường, nếu như sự dồi dào của năm này không bị ngăn cản ít nhiều để làm bớt sự thiếu, hiếm ngũ cốc của năm khác. Chính trong loại người buôn bán ngũ cốc này mà tôi nhận thấy có sự nhiệt tình để tiếp tục hoặc phục hồi số tiền trợ cấp xuất khẩu.

Các nhà quý phải ở nông thôn khi họ áp đặt tiền thuế cao đối với việc nhập khẩu ngũ cốc từ nước ngoài, và do đó, trong các thời kỳ thóc lúa có ở mức trung bình, việc áp đặt tiền thuế cao cũng chẳng khác gì ngăn cấm không cho nhập, và khi họ thiết lập tiền thưởng khuyến khích, hình như họ đã bắt chước cách làm của các nhà sản xuất, chế tạo.

Bằng thể chế này, họ tự dành cho mình độc quyền về thị trường trong nước, và bằng một thể chế khác, họ lại ngăn cản không cho thị trường đó có quá nhiều hàng hóa của chính họ. Bằng cách sử dụng cả hai loại thể chế họ cố gắng nâng giá trị thực tế của hàng hóa cũng chẳng khác gì các nhà sản xuất chế tạo đã làm cũng bằng các thể chế tương tự, khi họ nâng giá trị thực tế của nhiều loại sản phẩm chế tạo trong nước. Có lẽ họ chẳng quan tâm đến sự khác nhau chủ yếu mà thiên nhiên đã tạo nên giữa ngũ cốc và các loại hàng hóa khác. Khi thông qua sự độc quyền trên thị trường trong nước, người ta đã buộc các nhà sản xuất len dạ và vải lanh bán các hàng hóa của họ với giá rẻ hơn là họ có thể mua được với giá đó, thì người ta đã tăng không những giá danh nghĩa mà cả giá thực tế của hàng hóa. Người ta làm cho các hàng hóa đó có giá trị ngang với một lượng lao động và lương thực lớn hơn, do đó người ta không những tăng lợi nhuận danh nghĩa mà cả lợi nhuận thực tế nữa, tăng của cải và thu nhập thực tế của các nhà sản xuất, chế tạo và tạo cho các người đó một cuộc sống giàu có, sung túc hơn hoặc giúp cho họ thuê được một số lượng lao động nhiều hơn để dùng cho công việc sản xuất các loại hàng hóa đó. Người ta thực sự khuyến khích các nhà sản xuất, chế tạo đó và hướng họ vào nhiều ngành công nghiệp đang có sẵn ở trong nước hơn là do họ tự ý lựa chọn để làm thêm. Nhưng khi sử dụng các thể chế tương tự người ta chỉ tăng giá danh nghĩa hay giá tính bằng tiền của ngũ cốc, mà không tăng giá trị thực tế của nó. Người ta không tăng thêm của cải thực tế, thu nhập thực tế cho người nông dân hoặc nhà quý phải ở nông thôn. Người ta không khuyến khích sự tăng trưởng của ngũ cốc vì người ta đã chẳng khuyến khích gì người nông dân hoặc nhà quý phái ở nông thôn thuê thêm nhân công để trồng thêm ngũ cốc. Bản chất của sự việc đã mang lại cho ngũ cốc một giá trị thực tế không thể bị thay đổi bởi giá tính bằng tiền. Không có khoản tiền khuyến khích xuất khẩu nào cũng như không có sự độc quyền nào đối với thị trường trong nước có thể làm tăng giá trị đó. Sự cạnh tranh tự do nhất cũng không thể làm cho giá trị đó bị hạ thấp. Trên toàn thế giới nói chung, giá trị đó ngang với số lượng lao động mà nó có thể sử dụng, và ở mọi nơi riêng biệt nào đó giá trị đó cũng vẫn ngang với số lượng lao động mà nó có thể sử dụng một cách hào phóng, vừa đủ hoặc khan hiếm như thường được sử dụng ở nơi đó. Hàng len hoặc vải lanh không phải là các mặt hàng điều tiết giá mà giá trị thực tế của các loại hàng hóa khác được đem ra để so sánh. Ngũ cốc là mặt hàng điều tiết. Giá trị thực tế của mỗi loại hàng hóa khác cuối cùng được đánh giá và quyết định bởi giá tiền trung bình của nó so với giá tiền trung bình của ngũ cốc. Giá trị thực tế của ngũ cốc không thay đổi theo những biến động về giá tiền trung bình của nó, mà những biến động này thỉnh thoảng xảy ra từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Chính giá trị thực tế của bạc mới thay đổi theo những biến động về giá tiền của ngũ cốc.

Các khoản tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu bất kỳ thứ hàng hóa nào sản xuất ở trong nước cũng tùy thuộc trước hết vào sự phản đối các loại mưu ma chước quỷ mà giới buôn bán sử dụng; sự phản đối đó buộc một bộ phận công nghiệp nào đó ở trong nước chuyển sang một ngành ít có lợi hơn là cứ để nó tự phát triển theo con đường riêng của nó, và sau đó là sự phản đối đó buộc một bộ phận công nghiệp chuyển sang một ngành thực sự bất lợi mà ở đó việc buôn bán sẽ bị thua thiệt nếu không có tiền thưởng khuyến khích hỗ trợ. Tiền thưởng khuyến khích đối với xuất khẩu ngũ cốc hơn nữa còn bị phản đối do nó không có cách nào thúc đẩy việc gia tăng loại hàng hóa đặc biệt này mà nó muốn khuyến khích sản xuất. Khi các nhà quý phái nông thôn muốn thiết lập tiền thưởng khuyến khích, họ đã yêu cầu thực hiện việc đó vì muốn bắt chước theo cách làm của các nhà buôn và các nhà công nghệ; nhưng họ đòi hỏi việc đó mà chẳng hiểu rõ những lợi ích của họ như những nhà buôn và nhà công nghiệp khi những người này đề xuất việc cấp tiền thưởng khuyến khích. Họ đã làm cho các khoản thu của nhà nước phải chi các món tiền rất lớn và bắt dân chúng phải chịu thuế má nặng nề nhưng họ lại chẳng làm tăng chút nào giá trị thực tế của loại hàng hóa của chính họ, và bằng cách giảm một phần nào giá trị thực tế của bạc, họ đã không khuyến khích trong một chừng mực nào đó nền công nghiệp ở trong nước, và đáng lẽ ra phải thúc đẩy cho tiến lên, họ lại làm cho đất đai ít nhiều bị chậm được cải thiện vì việc này tất yếu phải tùy thuộc vào nền công nghiệp của đất nước.

Để khuyến khích việc sản xuất một thứ hàng hóa nào đó, tiền thưởng khuyến khích sản xuất sẽ có một tác dụng trực tiếp hơn là khuyến khích xuất khẩu. Ngoài ra, dân chúng chỉ phải chịu một thứ thuế mà họ phải đóng để trả cho số tiền thưởng khuyến khích. Thay vì làm tăng thêm, nó lại có xu hướng làm giảm giá hàng hóa tại thị trường trong nước. Do đó, thay vì phải áp đặt một thứ thuế thứ hai lên quần chúng nhân dân, ít nhất nó có thể trả lại một phần nào đó số tiền thuế mà dân chúng đã phải đóng trước đó. Nhưng thật ra, người ta rất hiếm thấy tiền thưởng khuyến khích đối với sản xuất được áp dụng. Những định kiến sẵn có trong giới buôn bán đã làm cho chúng ta tin rằng mọi của cải quốc gia đều trước hết do xuất khẩu mang lại hơn là do sản xuất ở trong nước. Do đó xuất khẩu được coi trọng hơn vì dường như nó là biện pháp trực tiếp mang lại tiền của cho đất nước. Tiền thưởng khuyến khích đối với sản xuất, như người ta thường nói về việc này, thường dễ bị gian lận hơn là tiền thưởng đối với xuất khẩu. Việc đó đúng đến mức nào thì thật ra tôi cũng không rõ. Nhưng tiền thưởng khuyến khích đối với xuất khẩu bị lợi dụng vào các mục đích gian lận thì được nhiều người biết đến. Nhưng các nhà buôn và các nhà sản xuất công nghiệp thì chẳng thích thú gì khi thấy hàng hóa của mình xếp đầy ắp trong các kho, một điều mà họ cho rằng nguyên nhân là do tiền thưởng khuyến khích đối với sản xuất gây ra. Để tránh tình trạng quá dư thừa hàng hóa, họ cần phải áp dụng tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu để giúp cho họ bán nhanh các hàng hóa ra nước ngoài, và hơn nữa, còn giữ cho phần hàng hóa còn lại tại thị trường trong nước được bán với giá cao hơn. Đây chính một phương kế mà họ thích nhất. Tôi cũng được biết một số nhà kinh doanh đã thỏa thuận ngầm với nhau để cấp tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu bằng tiền của chính họ đối với một số hàng hóa nào đó mà họ đang buôn bán. Đây là một mưu chước rất thành đạt và đã tăng giá các hàng hóa của họ lên gấp đôi tại thị trường trong nước bất kể số sản phẩm đã tăng lên đáng kể về mặt số lượng. Tác động của tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu đối với ngũ cốc chắc là đã hoàn toàn khác hẳn một cách kỳ lạ nếu như nó đã làm hạ giá tiền của thứ hàng hóa này.

Trong một vài trường hợp đặc biệt người ta cũng đã cấp tiền thưởng khuyến khích đối với sản xuất. Điều này được thể hiện qua tiền thưởng tính theo trọng tài của tàu, thuyền đánh bắt cá trích trắng và cá voi.

Tiền thưởng theo kiểu này đã làm cho giá các loại sản phẩm nói trên rẻ hơn tại thị trường trong nước. Về các mặt khác, phải thừa nhận rằng ảnh hưởng của nó cũng chẳng khác gì tiền thưởng đối với xuất khẩu. Bằng tiền thưởng nói trên, một phần vốn được sử dụng để mang hàng hóa ra thị trường mà giá bán ra không đủ để bù lại số tiền vốn cộng với tiền lãi thông thường của số vốn bỏ ra.

Nhưng mặc dù tiền thưởng khuyến khích tính theo trọng tải các tàu thuyền đánh bắt cá đã không đóng góp gì vào sự giàu có của đất nước, người ta có thể cho rằng nó đã giúp vào việc bảo vệ đất nước bằng cách làm tăng thêm số thủy thủ và tàu thuyền đánh cá. Có thể nói rằng cách cấp tiền thưởng khuyến khích này còn ít tốn kém hơn nhiều so với việc duy trì một đội tàu thuyền lớn thường trực, nếu như tôi có thể dùng cách diễn tả như vậy, chẳng khác gì duy trì một đội quân thường trực.

Bất chấp các lý lẽ thuận lợi này, những suy nghĩ dưới đây làm cho tôi tin rằng khi cấp một trong các khoản tiền thưởng này cơ quan lập pháp đã phải chịu một sức ép rất lớn.

Thứ nhất, số tiền thưởng khuyến khích đối với việc đánh bắt cá trích hình như quá lớn.

Ngay từ đầu thời kỳ đánh cá mùa đông năm 1771 cho tới thời kỳ đánh cá mùa đông năm 1781 số tiền thưởng khuyến khích đối với việc đánh bắt cá trích là 30 shilling một tấn. Trong 11 năm này, người ta đã đánh bắt được 378.347 thùng cá trích ở xứ Scotland. Số cá trích đánh bắt đã được xử lý ngay trên biển để có thể để lâu được gọi là cá ướp muối. Để chuyển số cá ướp muối này thành cá có thể bán được cần phải sắp xếp và đóng thành thùng và cho thêm một số lượng muối nữa vào từng thùng cá, và trong trường hợp này, người ta tính là cứ 3 thùng cá ướp chỉ đóng thành 2 thùng cá đem bán. Số cá đem bán chỉ đạt được 252.231 thùng trong 11 năm. Trong 11 năm này, số tiền thưởng khuyến khích tính theo tấn trọng lượng lên tới 155.463 bảng 11 shilling hoặc 8 shilling 2 ¼ penny mỗi thùng cá ướp và 12 shilling 3 ¾ penny mỗi thùng cá đem bán.

Muối dùng để ướp cá trích đôi khi là muối của xứ Scotland và đôi khi là muối ngoại nhập, cả hai loại muối này được bán với giá không bị đánh thuế hàng hóa cho những người ướp cá. Thuế hàng hóa đối với muối của xứ Scotland hiện nay là 1 shilling 6 penny và muối ngoại là 10 shilling một giá (khoảng 36 lít). Một thùng cá trích dùng hết khoảng 1 ¼ giá muối ngoại. Dùng muối của Scotland thì mất khoảng 2 giá. Nếu cá trích được đem xuất khẩu, thuế này không phải đóng một phần nào cả, nếu đem bán tiêu dùng trong nước, bất kể cá trích được ướp bằng muối Scotland hoặc muối ngoại nhập, mỗi thùng cá chỉ phải trả 1 shilling. Đó là thuế cũ ở Scotland đánh vào một giá muối cần thiết để ướp một thùng cá trích theo cách tính ước lượng thấp nhất. Ở xứ Scotland, muối ngoại nhập chỉ chủ yếu dùng cho việc ướp cá. Nhưng từ ngày mồng 5 tháng 4 năm 1771 đến mồng 5 tháng 4 năm 1782, số lượng muối ngoại nhập và xứ Scotland lên tới 936.974 giá với giá 84 bảng Anh 1 giá; số lượng muối của Scotland chuyển từ nơi làm muối đến người ướp cá thì chỉ tới không quá 168.226 giá với giá 56 bảng Anh một giá. Do đó, hình như chủ yếu là muối ngoại được sử dụng trong nghề cá. Một tiền thưởng là 2 shilling 8 penny được trả cho mỗi thùng cá trích xuất khẩu và hơn 2/3 tổng số cá trích đánh bắt được đã đem xuất khẩu. Khi mang cộng tất cả các thứ đó lại người ta sẽ thấy là, trong vòng 11 năm này, mỗi thùng cá trích ướp với muối của xứ Scotland khi đem xuất khẩu đã làm cho chính phủ phải chi 17 shilling 11 ¾ penny và khi đem bán cho tiêu dùng ở trong nước chính phủ phải chi 14 shilling 3 ¾ penny, và mỗi thùng cá trích ướp với muối ngoại nhập làm cho chính phủ phải chi 1 bảng 7 shilling 5 ¾ penny khi đem xuất khẩu, và khi đem bán cho tiêu dùng trong nước chính phủ phải chi 1 bảng 3 shilling 9 ¾ penny. Giá một thùng cá trích loại tốt đem bán ra thị trường vào khoảng từ 17, 18 đến 24, 25 shilling, tức là trung bình khoảng 1 guinea (tiền vàng của nước Anh xưa, giá trị tương đương 21 shilling).

Thứ hai, tiền thưởng khuyến khích đối với việc đánh bắt cá trích trắng là loại tiền thưởng tính theo trọng tải tàu, thuyền đánh cá, tức là tỷ lệ với trọng tải của tàu thuyền, chứ không tính theo sự cần mẫn hay kết quả của người đánh bắt cá, và tôi nghĩ rằng lý do đó mà các tàu thuyền đánh cá được trang bị đầy đủ không phải để đánh bắt cá mà là để thu được tiền thưởng khuyến khích nhiều hơn. Trong năm 1759, khi tiền thưởng được quy định là 50 shilling một tấn, toàn bộ ngành đánh bắt cá của xứ Scotland chỉ mang về có 4 thùng cá ướp. Năm đó mỗi thùng cá ướp làm cho chính phủ phải chi riêng về tiền thưởng là 113 bảng 15 shilling, với mỗi thùng cá trích đem bán ra thị trường chính phủ đã phải chi tới 159 bảng 7 shilling 6 penny.

Thứ ba, phương pháp đánh cá mà tiền thưởng khuyến khích được cấp theo trọng tải tàu thuyền đối với cá trích trắng, thường được tiến hành trên các tàu thuyền có trọng tải từ 20 đến 80 tấn, và như thế, tỏ ra không thích hợp lắm với tình hình ở xứ Scotland như với tình hình ở Hà Lan, nơi mà nước Anh đã du nhập phương pháp này. Hà Lan ở khá xa vùng biển mà ở đó có nhiều cá trích tụ tập, và do đó, chỉ có thể tiến hành công việc đánh cá bằng các tàu có boong, vì chỉ loại tàu này mới có khả năng chở đủ nước và lương thực để đi biển dài ngày ở những vùng xa đất liền. Nhưng các đảo Hebrides hoặc các đảo phía tây, các đảo Shetland, và các vùng bờ biển phía bắc và tây bắc xứ Scotland, những vùng được coi là gần đó có thể đánh bắt cá trích được thì lại bị chia cắt bởi nhiều nhánh của biển đi sâu vào đất liền mà theo cách gọi của dân địa phương là các hồ biển. Chính các hồ biển đó là nơi hội tụ của các đàn cá trích vào những mùa mà chúng kéo tới các vùng biển đó, còn các loại cá khác thì tôi được biết là thường ít khi kéo đến đây. Đánh cá bằng thuyền do đó được coi là phương pháp thích hợp nhất đối với tình hình đặc thù của xứ Scotland. Các người đánh cá thường chở cá trích đánh được về ngay bờ biển càng nhanh càng tốt để kịp đem ướp muối hoặc bán tươi cho người tiêu dùng.

Thứ tư, ở nhiều vùng ở xứ Scotland, trong một vài mùa nào đó trong năm, cá trích ít được dùng làm thức ăn cho người dân thường. Một khoản tiền thưởng mà có xu hướng làm giảm giá cá trích tại thị trường trong nước có thể đóng góp khá nhiều vào việc cứu giúp cho một số đông những đồng bào ở trong hoàn cảnh chẳng có gì dư dật lắm. Nhưng tiền thưởng khuyến khích việc đánh bắt cá trích lại không nhằm mục đích nói trên. Nó đã làm phá sản việc đánh cá bằng thuyền mà trên thực tế đã tỏ ra thích hợp với tình hình cung cấp tại chỗ cho thị trường trong nước, còn số tiền thưởng thêm 2 shilling 8 penny cho mỗi thùng cá đem xuất khẩu đã đưa ra nước ngoài phần lớn, tới hơn 2/3, tổng số cá đánh bắt được bằng tàu có boong. Vào khoảng 30-40 năm trước đây, trước khi thiết lập tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu tôi đã được cho biết là 15 shilling một thùng cá trích là giá thông thường trên thị trường. Khoảng từ 10 đến 15 năm trước đây, trước khi việc đánh bằng thuyền bị hoàn toàn phá sản, giá một thùng cá trích vào khoảng từ 17 đến 20 shilling. Trong 5 năm gần đây, trung bình giá đó vào khoảng 25 shilling một thùng. Tuy vậy, giá cao này có thể là do cá trích ngày càng ít đi ở vùng bờ biển xứ Scotland. Tôi cũng phải nói thêm là giá tiền thùng dùng đóng cá trích thường được tính gộp cả vào giá cá trích đã tăng lên gấp đôi kể từ khi có cuộc chiến tranh ở Mỹ hoặc ít nhất cũng tăng từ khoảng 3 đến 6 shilling. Tôi cũng phải nói rõ thêm là những bản tưởng trình mà tôi nhận được về mặt giá cả từ những thời kỳ trước đây cũng không thật giống nhau, và hơn nữa, còn có những thay đổi bất thường. Một cụ già có trí nhớ rất chính xác và có kinh nghiệm đã đảm bảo với tôi rằng hơn 50 năm về trước một guinea là giá thông thường một thùng cá trích đem bán ra thị trường, và có thể giá này vẫn còn là giá trung bình. Tất cả những bản tường trình đều đi đến kết luận là giá bán cá trích không bị hạ tại thị trường trong nước do có tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu.

Khi các nhà kinh doanh về nghề đánh cá sau khi nhận được các khoản tiền thưởng vẫn tiếp tục bán cá với giá giống như trước hoặc cao hơn, thì người ta cho rằng họ kiếm được khá nhiều lợi nhuận; không phải là không có những cá nhân đã kiếm được như vậy. Tuy thế, nói chung tôi có đầy đủ lý lẽ để khẳng định rằng sự việc không phải hoàn toàn là như vậy. Tác động của tiền thưởng đã khuyến khích các nhà kinh doanh liều lĩnh tham gia vào một công việc mà họ cũng chưa thực hiểu rõ và nắm vững, và thường họ bị thua lỗ do chính sự sơ xuất và thiếu hiểu biết của họ gây ra, do đó tiền lỗ vượt quá số tiền lợi nhuận mà họ thu được do sự rộng rãi, hào phóng của chính phủ về mặt tiền thưởng. Năm 1750 cũng bằng đạo luật đó mà lần đầu tiên đã quy định cấp tiền thưởng 30 shilling cho mỗi tấn để khuyến khích việc đánh bắt cá trích trắng, một công ty cổ phần đã được thành lập với số vốn là 500.000 bảng Anh (cùng với khoản tiền khuyến khích thêm cộng với số tiền thưởng xuất khẩu vừa nói đến ở trên, tiền thưởng xuất khẩu là 2 shilling 8 penny mỗi thùng cá cộng thêm với giá tiền muối của Anh và muối nhập từ nước ngoài không phải chịu thuế) mỗi cổ đông đã nhận được, trong khoảng 14 năm, 3 bảng tiền lãi cổ phần hàng năm đối với số tiền vốn góp là 100 bảng và nhận trực tiếp từ viên tổng thu ngân của nhà thuế quan, cứ sáu tháng một lần nhận lãi. Ngoài cái công ty lớn này mà nhà ở của viên thống đốc và các giám đốc công ty đều ở London, người ta đã tuyên bố là hợp pháp khi mở thêm các trạm đánh cá ở tất cả các hải cảng tiền tiêu của vương quốc Anh miễn là mỗi trạm phải có được một số vốn cổ phần là 10.000 bảng để tự quản lý lấy lãi ăn lỗ chịu. Các trạm cá đó cũng được hưởng các khoản tiền thưởng khuyến khích như tổng công ty. Tiền cổ phần đóng cho tổng công ty đã được hoàn tất và một số trạm cá cũng đã được thành lập ở nhiều hải cảng tiền tiêu của vương quốc. Mặc dù có những khoản tiền thưởng khuyến khích, hầu hết các công ty và các trạm đánh cá đều bị mất hoặc toàn bộ hoặc phần lớn số tiền vốn, và bây giờ cũng khó mà tìm ra dấu vết của công ty và các trạm đánh cá đó. Bây giờ, việc đánh bắt cá trích trắng hoàn toàn hoặc hầu như hoàn toàn nằm trong tay các nhà kinh doanh tư nhân.

Nếu có một ngành sản xuất nào đó thật cần thiết cho việc bảo vệ xã hội, sẽ là một điều thiếu thận trọng nếu dựa vào sự cung cấp của các nước láng giềng; và nếu ngành sản xuất đó không thể bằng cách nào khác dựa vào sự đóng góp xây dựng ở trong nước thì tốt hơn là nên đánh thuế các ngành công nghiệp khác để hỗ trợ cho ngành sản xuất nói trên. Nguyên tắc này có thể được chứng minh bằng tiền thưởng khuyến khích đối với việc xuất khẩu vải buồm và thuốc súng của Anh.

Nhưng mặc dù rất ít khi được coi là hợp lý khi đánh thuế công nghiệp của đại bộ phận dân chúng để hỗ trợ cho ngành công nghiệp của một số nhà sản xuất nào đó, thế nhưng trong sự rộn rịp của nền kinh tế phồn thịnh, khi quần chúng được hưởng một số tiền thu nhập lớn hơn mức mà họ biết dùng để làm gì, thì cấp các khoản tiền thưởng như vậy cho các nhà sản xuất được ưu ái có thể là một điều bình thường như chi tiêu một món tiền không cần thiết vậy. Trong các khoản chi phí công cũng như tư, có nhiều của cải có thể thường được công nhận như một sự cáo lỗi cho sự điên rồ. Nhưng chắc chắn phải có một cái gì đó hơn là sự phi lý thông thường khi tiếp tục ăn tiêu hoang phí như vậy vào những lúc khó khăn và túng quẫn của xã hội.

Cái được gọi là tiền thưởng đôi khi chỉ là một khoản tiền được trả lại, và do đó, không phải chịu những lời phản bác giống như số tiền thưởng khuyến khích theo đúng ý nghĩa của nó. Ví dụ, tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu đường tinh chế có thể được coi như một khoản tiền được trả lại từ số thuế đánh vào đường thô mà đường tinh được chế biến từ đó ra. Tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu lụa mịn là một khoản tiền trả lại từ số tiền thuế đánh vào tơ sống nhập khẩu. Tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu thuốc súng chẳng qua cũng chỉ là khoản tiền trả lại từ số tiền thuế đánh vào lưu huỳnh và kali nitrat nhập khẩu mà thôi. Theo ngôn ngữ của nhân viên thuế quan, những khoản trợ cấp đó chỉ là những khoản miễn giảm thuế đối với các mặt hàng xuất cũng như nhập. Hình thức giảm thuế này đã bị thay đổi cách gọi do việc sản xuất một loại hàng hóa nào đó và được gọi là tiền thưởng khuyến khích.

Tiền thưởng cho các nghệ sĩ và các nhà sản xuất có tài năng và rất trội trong nghề nghiệp của họ không bị phản đối như tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu đã nói ở trên. Bằng cách khuyến khích các tài năng và sự khéo léo đặc biệt, loại tiền thưởng này thúc đẩy sự thi đua giữa những người thợ làm việc trong các ngành nghề khác nhau, nhưng số tiền sử dụng để thưởng như thế cũng không đủ để cấp phát cho bất kỳ ai xứng đáng được nhận thưởng. Mục đích của loại tiền thưởng này không phải dùng để làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên về số công việc làm hiện có, mà chỉ để làm cho các công việc được hoàn thành với chất lượng càng hoàn hảo bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Ngoài ra, số tiền chỉ cho loại tiền thưởng này cũng khá ít ỏi, nhưng tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu lại rất lớn. Chỉ riêng tiền thưởng đối với việc xuất khẩu ngũ cốc đôi khi cũng đã tiêu tốn của công quỹ tới 300.000 bảng một năm.

Tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu đôi khi được coi như loại tiền thưởng cho các nghệ sĩ tài năng và các nhà sản xuất giỏi, cũng như là số tiền thuế quan được giảm đối với hàng xuất được gọi là tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu. Nhưng chúng ta, trong mọi trường hợp, phải nhìn vào bản chất sự vật chứ không chỉ chú trọng đến cách gọi.

Ngoại đề về việc buôn bán ngũ cốc và các luật lệ về ngũ cốc.

Tôi không thể kết luận chương này về tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu mà không đưa ra nhận xét là những lời khen ngợi đối với đạo luật quy định tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu ngũ cốc, kể cả đối với các quy định có liên quan tới đạo luật này, là hoàn toàn không xứng đáng. Lời khẳng định này có thể được chứng minh khá đầy đủ là đúng đắn nếu có một sự xem xét cặn kẽ về tính chất của công việc buôn bán ngũ cốc và các luật lệ chủ yếu của Anh có liên quan đến việc buôn bán đó. Tầm quan trọng lớn lao của chủ đề này tất phải biện minh cho ngoại đề dài dòng này.

Công việc làm ăn của nhà buôn ngũ cốc gồm có bốn ngành mà đôi khi một nhà buôn có thể tiến hành luôn cả 4 ngành trong hoạt động của mình, nhưng về thực chất nó được tách biệt thành bốn loại buôn bán khác nhau. Đó là, thứ nhất, công việc buôn bán của nhà buôn ngũ cốc trong nội địa; thứ hai, công việc buôn bán của nhà kinh doanh nhập khẩu ngũ cốc phục vụ cho sự tiêu dùng trong nước; thứ ba, công việc của nhà buôn xuất khẩu sản phẩm trong nước ra nước ngoài và, thứ tư, công việc của nhà buôn chuyên nhập khẩu ngũ cốc để rồi lại tái xuất.

I. Lợi ích của nhà buôn ngũ cốc trong nội địa và lợi ích của quảng đại quần chúng, dù cho có đối lập nhau thế nào đi chăng nữa khi mới thoạt nhìn, thì cũng hoàn toàn giống nhau, kể cả vào những năm khan hiếm nhất. Nhà buôn ngũ cốc trong nội địa tìm cách nâng giá ngũ cốc tới chừng mực mà sự khan hiếm thực sự do mùa vụ gây ra cho phép, và họ chẳng thấy có lợi ích gì nếu nâng lên quá mức cho phép. Vì bằng cách nâng giá, nhà buôn đó đã làm giảm mức tiêu dùng và đặt mọi người, nhất là tầng lớp nghèo, vào tình huống phải tiết kiệm và quản lý tốt hơn việc tiêu dùng ngũ cốc. Nếu bằng cách nâng giá quá đáng, nhà buôn đó sẽ làm giảm mức tiêu dùng tới mức độ là cung sẽ vượt cầu và số ngũ cốc sẽ bị dư thừa một vài tháng sau khi vụ mùa sau bắt đầu được gặt hái, thì nhà buôn đó tất nhiên sẽ phải chịu sự rủi ro không những mất một phần ngũ cốc do bị hư hao tự nhiên mà còn bị buộc phải bán số ngũ cốc còn lại với giá rẻ hơn so với mức mà ông ta đáng lẽ đã bán được vài tháng trước đó. Nếu do tăng giá không đủ cao, nhà buôn sẽ làm giảm mức tiêu thụ quá ít, và như thế, sẽ làm cho mức cung của thời vụ không đáp ứng mức cầu của thời vụ, ông ta không những bị mất đi một phần lợi nhuận mà đáng lẽ ra có thể thu được, mà còn làm cho dân chúng phải chịu, trước khi mùa vụ chấm dứt, những cảnh điêu đứng của nạn đói chứ không chỉ những gian khổ do sự đắt đỏ gây ra. Dân chúng cần phải chú trọng làm thế nào để mức tiêu thụ ngũ cốc của họ hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng phải phù hợp càng nhiều càng tốt với mức cung của thời vụ. Và do đó, lợi ích của nhà buôn ngũ cốc trong nước cũng chẳng khác gì lợi ích của dân chúng. Bằng cách cung cấp cho dân chúng gần đúng như mức yêu cầu tiêu dùng của họ, nhà buôn có thể bán được ngũ cốc với giá cao nhất và thu được lợi nhuận nhiều nhất. Với sự hiểu biết và nắm vững tình hình mùa màng, cũng như mức bán ra hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng, nhà buôn có thể phán đoán một cách chính xác nên cần có sự cung ứng ở một mức độ nào đó là vừa đủ. Tuy không quan tâm đến lợi ích của chúng, nhà buôn này có chiều hướng, do chính lợi ích bản thân thúc đẩy, đối xử tốt đối với họ trong những năm khan hiếm thóc lúa chẳng khác gì người thuyền trưởng khôn ngoan đôi khi buộc phải đối xử thích hợp với thủy thủ của mình. Khi một người thuyền trưởng thấy số lương thực dự trữ trên tàu có thể sắp cạn, ông ta tất phải yêu cầu thủy thủ giảm bớt suất ăn. Mặc dù do quá ư thận trọng, ông ta đã yêu cầu giảm suất ăn mà thực ra cũng chưa thực sự cần thiết phải làm như vậy, tuy thế những sự bất tiện mà thủy thủ phải chịu đựng cũng chẳng là bao so với sự nguy hiểm mà họ có thể sẽ gặp phải nếu thiếu sự lo xa tính trước của người thuyền trưởng. Bằng cách tằn tiện quá mức cần thiết, nhà buôn ngũ cốc trong nội địa đôi khi phải nâng giá bán ngũ cốc cao hơn mức yêu cầu của sự khan hiếm của thời vụ, nhưng mọi sự phiền phức mà dân chúng có thể phải chịu do cách ứng xử này gây nên, cũng không đáng kể so với nguy cơ bị nạn đói đe dọa vào cuối thời vụ. Nhà buôn ngũ cốc có thể phải chịu đựng nhiều hơn do sự tằn tiện quá đáng gây nên, vì ông ta không những phải hứng chịu sự tức giận của dân chúng đối với ông, mặc dù ông ta có thể tránh được hậu quả của sự tức giận này, mà còn do số lượng ngũ cốc còn lại trong vào cuối vụ mùa và nếu như vụ mùa sau đó lại thu hoạch được dồi dào thóc lúa, thì tất nhiên nhà buôn đó phải bán với giá rẻ hơn nhiều so với mức mà đáng lẽ ra ông ta đã có thể thu được.

Một tập đoàn các nhà buôn cũng có thể nắm trong tay toàn bộ số ngũ cốc của một nước rộng lớn, và nếu như thế họ có thể giải quyết việc bán ngũ cốc này theo kiểu của người Hà Lan khi giải quyết khối lượng đồ gia vị có quá nhiều trong tay bằng cách hủy hoặc đổ đi một phần lớn khối lượng đó để có thể bán số lượng còn lại với giá cao. Nhưng thật khó có thể thực hiện được sự độc quyền rộng lớn như vậy đối với ngũ cốc, dù vi phạm pháp luật đi chăng nữa, và chừng nào pháp luật còn cho phép việc buôn bán ngũ cốc được hoàn toàn tự do, thì trong tất cả các mặt hàng ngũ cốc là thứ hàng hóa ít bị độc quyền hóa nhất bởi một số ít các nhà tư bản lớn bỏ tiền ra mua vét phần lớn ngũ cốc để tích trữ đầu cơ. Không những tổng giá trị ngũ cốc có trong một nước lớn hơn nhiều so với tiền vốn mà một số ít người có thể dùng để mua, nhưng nếu giả định là họ khả năng mua được số lớn ngũ cốc như họ muốn, thì cách sản xuất và thu hoạch ngũ cốc cũng làm cho việc thu mua này gặp rất nhiều khó khăn và khó có thể thực hiện được. Giống như ở bất kỳ một nước văn minh nào, ngũ cốc là một thứ hàng hóa có sức tiêu thụ lớn nhất hàng năm, vì thế một số lượng lao động lớn hơn được huy động vào việc sản xuất ngũ cốc so với bất kỳ loại hàng hóa nào khác. Khi ngũ cốc đã được thu hoạch, rất nhiều nhà kinh doanh đã đổ xô đến mua để chế biến và họ không thể tập trung vào một nơi như một số các nhà sản xuất công nghiệp độc lập mà tất nhiên phải phân tán ra tất cả mọi nơi trên đất nước. Các nhà kinh doanh làm việc thu mua ngũ cốc này có thể bán ngay số ngũ cốc mua được cho người tiêu dùng ở gần nơi họ ở hoặc bán lại cho các nhà buôn ngũ cốc trong nội địa để sau đó các người đó lại bán cho người tiêu dùng. Những người buôn ngũ cốc, kể cả người chủ trại và người làm bánh mì, tất yếu phải nhiều hơn số người buôn bán các mặt hàng khác, và tình hình hoạt động khá phân tán của họ làm cho họ chẳng thể nào thực hiện một sự liên kết chung được. Nếu trong một năm khan hiếm thóc lúa, bất cứ người nào trong số những người buôn bán đó thấy trong tay còn có khá nhiều ngũ cốc và, với giá hiện hành, ông ta có thể bán hết trước khi hết vụ mùa, thì ông ta chẳng bao giờ nghĩ đến nâng giá để gây thiệt hại cho chính mình và lại lợi cho các địch thủ cạnh tranh, mà ông ta sẵn sàng bán với giá hạ hơn để có thể giải quyết nhanh hết số ngũ cốc còn tồn đọng trước khi vụ thu hoạch mới bắt đầu. Cũng lý do như vậy, cũng lợi ích như vậy tất sẽ điều chỉnh thái độ ứng xử của bất kỳ người buôn bán ngũ cốc nào và nói chung buộc họ phải bán số hàng còn tồn đọng với một giá mà theo cách xét đoán của họ, thích hợp nhất với tình hình khan hiếm hoặc dư thừa thóc lúa.

Bất cứ ai chú ý nghiên cứu lịch sử về những thời kỳ khan hiếm thóc lúa và nạn đói đã gây bao nhiêu đau thương cho bất kỳ vùng nào ở Châu Âu trong thế kỷ hiện nay hoặc trong thời gian thuộc hai thế kỷ đã qua mà chúng ta có đầy đủ các bản tường trình về một số sự kiện đã xảy ra, sẽ thấy rõ là sự khan hiếm thóc lúa chưa bao giờ có nguyên nhân là sự liên kết giữa những nhà buôn thóc lúa trong nội địa mà chỉ là do sự khan hiếm thực sự ở một vùng nào đó được gây nên bởi sự tàn phá của chiến tranh và trong phần lớn các trường hợp, bởi mùa màng thất bát, và nạn đói chẳng bao giờ xảy ra vì một lý do gì khác ngoại trừ việc chính phủ áp dụng các biện pháp không đúng đắn để giải quyết các hậu quả của nạn khan hiếm ngũ cốc.

Tại một nước sản xuất nhiều thóc lúa mà ở đó việc buôn bán, giao lưu hoàn toàn tự do, nạn khan hiếm chỉ xảy ra khi mùa màng không được thuận lợi và không bao giờ lại quá ư trầm trọng đến mức gây nên nạn đói. Mùa màng với thu hoạch thóc lúa ít ỏi nhất đi chẳng nữa nếu được sự quản lý tốt, dựa trên sự tiết kiệm và ăn uống thanh đạm, vẫn có khả năng nuôi sống số dân chúng trong cả năm nhờ có thóc lúa dư dật trong vụ trước. Mùa màng bị thất bát do phần lớn bị ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài, hoặc mưa quá nhiều. Nhưng ngũ cốc thường mọc trên những vùng đất bất kể là cao hay thấp, bất kể là khô hay ướt, cho nên hạn hán hay mưa dai chỉ có thể làm hại cho mùa màng ở vùng này nhưng lại thuận lợi đối với vùng khác. Mặc dù ở các vùng có quá nhiều mưa hoặc bị nắng hạn kéo dài, mùa màng cho thu hoạch thóc lúa kém hơn rất nhiều so với mùa khí hậu ôn hòa, nhưng chỗ được mùa bù cho chỗ bị mất mùa. Tại các nước chuyên trồng lúa mà ở đó việc trồng trọt không những đòi hỏi đất canh tác phải ẩm ướt mà trong một thời kỳ nhất định còn cần được cấy trong nước, tác động của hạn hán sẽ thật là tai hại. Ngay cả ở những nước như vậy, hạn hán có thể gây ra mất mùa ở một số vùng chứ không thể làm cho mùa màng trong cả nước thất bát, vì thế chẳng thể gây nên nạn đói nếu chính phủ chủ trương cho tự do buôn bán ngũ cốc. Hạn hán xảy ra ở vùng Bengal vài năm gần đây đã có thể gây nên tình trạng khan hiếm thóc gạo rất nặng nề. Những điều quy định không đúng và một vài sự hạn chế không phù hợp do các nhà chức trách của Công ty Đông Ấn áp đặt đối với việc buôn bán gạo, có thể đã biến sự khan hiếm thóc lúa thành một nạn đói.

Khi muốn giải quyết hậu quả của nạn khan hiếm thóc lúa chính phủ ra lệnh cho các nhà buôn ngũ cốc phải bán theo một giá mà chính phủ cho là hợp lý, việc đó hoặc ngăn cản các nhà buôn ngũ cốc đem hàng ra chợ bán, và như thế đôi khi cũng gây nên nạn đói ngay vào đầu thời vụ; hoặc nếu các nhà buôn đó mang ngũ cốc ra chợ bán, thì như thế lại khuyến khích người tiêu dùng mua ăn cho thỏa thích và tất nhiên cũng dẫn tới đói kém trước khi kết thúc mùa vụ. Tự do buôn bán ngũ cốc không hạn chế là một biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu nạn đói và cũng là phương pháp tốt nhất làm giảm nhẹ hậu quả của nạn khan hiếm thóc lúa. Ta phải thấy rằng hậu quả của một nạn khan hiếm thóc lúa. Ta phải thấy rằng hậu quả của một nạn khan hiếm ngũ cốc thật sự không thể giải quyết được triệt để mà chỉ có thể làm giảm nhẹ trong một chừng mực nhất định. Không có sự buôn bán nào khác lại cần phải có sự bảo vệ đầy đủ của luật pháp và cũng không có sự buôn bán nào khác đòi hỏi sự bảo vệ ấy nhiều như vậy vì không có sự buôn bán nào khác lại dễ bị quần chúng nhân dân theo dõi và chê trách như buôn bán ngũ cốc.

Trong những năm khan hiếm ngũ cốc, nhân dân thuộc hàng ngũ người nghèo đổ cho bọn người buôn bán ngũ cốc là đã gây nên tình cảnh gieo neo điêu đứng và khốn cùng của họ do tính tham lam, hám lợi của họ. Vì thế, đáng lẽ ra họ kiếm được nhiều lợi nhuận vào những dịp như vậy, những nhà buôn ngũ cốc lại đứng trước nguy cơ phá sản vì các kho chứa ngũ cốc của họ có thể bị đập phá và cướp đi bằng vũ lực. Tuy nhiên, chính trong những năm khan hiếm, khi giá cả lên cao, mà người buôn bán ngũ cốc hy vọng kiếm ăn được tốt và thu được nhiều lời. Người buôn bán ngũ cốc thường ký kết hợp đồng với một vài chủ trại để cung cấp cho họ một số lượng ngũ cốc với một giá nào đó trong một số năm nhất định. Giá theo hợp đồng này được tính theo mức trung bình, hợp lý tức là trung bình thông thường được quy định trước những năm khan hiếm gần đây nhất là 28 shilling một góc tạ Anh (bằng 12,7 kg) lúa mì và các loại thóc lúa khác tùy theo tỷ lệ. Trong những năm khan hiếm, người buôn bán ngũ cốc mua số lớn ngũ cốc với giá thông thường và bán nó với giá cao hơn nhiều. Số lợi nhuận đặc biệt to lớn này chỉ vừa đủ để đưa ngành buôn bán của họ lên ngang tầm cỡ với các ngành buôn bán khác đền bù những sự thiệt hại mà ông ta đã phải gánh chịu trong các trường hợp khác như do tính chất dễ hư, thối của loại hàng hóa này và do những biến động không thể lường trước được về mặt giá cả, rõ ràng là trong ngành này ít khi dễ làm giàu như ở các ngành buôn bán khác. Do có sự chê trách, dè bỉu của quần chúng vào những năm khan hiếm mà chỉ trong những năm đó mới dễ thu được nhiều lợi nhuận, cho nên những người có tư cách và có của rất ghét tham gia vào ngành buôn bán ngũ cốc. Thường là những người buôn bán tầm thường, người xay bột, người làm bánh mì, người buôn bán bột cùng với một số người buôn thúng bán mẹt, chạy hàng xách, họ thường là những người trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Chính sách cũ của Châu Âu còn cho phép và ủng hộ việc chỉ trích và dè bỉu của quần chúng đối một ngành rất có lợi cho họ mà đáng lẽ ra phải không tán thành thái độ đó của dân chúng.

Vào triều đại vua Edward VI, đã ban hành luật pháp quy định bất kỳ người nào có hành vi mua bất kỳ loại ngũ cốc nào với ý định đem bán lại sẽ được coi là người mua bán thóc lúa nhằm lũng đoạn thị trường và vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt 2 tháng tù giam nếu là phạm pháp lần đầu và bị tịch thu một số lượng ngũ cốc, nếu tái phạm phải bị phạt 6 tháng tù giam và bị tịch thu số lượng ngũ cốc gấp hai lần, và nếu phạm pháp lần thứ ba thì bị đem gông lại và bị phạt tù giam theo mức mà nhà vua sẽ tùy quyền định đoạt và bị tịch thu toàn bộ hàng hóa. Chính sách cổ xưa của nhiều nước khác ở Châu Âu cũng không kém gì so với ở Anh

Tổ tiên của chúng ta hình như đã nghĩ rằng người ta có thể mua ngũ cốc của người chủ trại với giá rẻ hơn là của người buôn bán ngũ cốc, vì tổ tiên chúng ta cho rằng người buôn bán còn tính thêm một khoản lợi nhuận quá cao ngoài số tiền mà họ phải trả cho người chủ trại. Vì vậy tổ tiên chúng ta đã cố sức thủ tiêu toàn bộ nghề buôn bán ngũ cốc, và hơn nữa, ngăn cấm các người làm trung gian giữa người trồng trọt và người tiêu dùng, và đây cũng chính là ý nghĩa của rất nhiều hạn chế áp đặt lên ngành buôn bán của những người được gọi là kẻ chuyên chở ngũ cốc, một ngành mà không ai được phép hành nghề nếu không có một giấy phép chứng nhận khả năng và trình độ nghề nghiệp và có đức tính liêm khiết và buôn bán thật thà. Theo đạo luật do vua Edward VI ban hành, ba vị thẩm phán trị an có quyền cấp giấy phép cho người buôn bán ngũ cốc. Nhưng sau đó người ta cho rằng sự hạn chế như vậy chưa đủ, và sau đó bằng một đạo luật của nữ hoàng Elizabeth, đặc quyền cấp giấy phép này được giao cho các phiên tòa họp hàng quý.

Chính sách cổ xưa ở Châu Âu bằng cách này cố sức điều tiết nền nông nghiệp vẫn được coi là ngành sản xuất chủ yếu ở nông thôn bằng những nguyên tắc khác hẳn với những nguyên tắc đối với ngành công nghiệp được coi là ngành sản xuất lớn ở thành thị. Bằng cách để lại cho người chủ trại không có khách hàng nào khác ngoài người tiêu dùng hoặc người buôn chuyến và người chuyên chở ngũ cốc, người chủ trại bị buộc phải tự mình làm công việc, không chỉ với tư cách là một chủ trại mà còn là một người bán buôn ngũ cốc hoặc một người bán lẻ ngũ cốc. Ngược lại, nhà sản xuất công nghiệp ở thành thị lại bị cấm không được làm nghề của người chủ cửa hiệu hoặc người bán lẻ hàng hóa. Như vậy, bằng đạo luật này chính phủ muốn thúc đẩy lợi ích chung của đất nước hoặc muốn làm cho ngũ cốc bán với giá rẻ với dụng ý là không muốn cho mọi người biết được tại sao lại rẻ như vậy, và bằng một đạo luật khác, chính phủ muốn bảo vệ quyền lợi cho một tầng lớp riêng biệt, đó là các chủ cửa hàng mà những người này thường bị người sản xuất công nghiệp bán hàng ra với giá rẻ hơn, và như thế có thể làm cho các cửa hàng bị phá sản nếu cho phép nhà sản xuất kiêm thêm cả việc bán lẻ hàng hóa do chính họ làm ra.

Tuy nhiên, dù cho người sản xuất công nghiệp có được phép mở cửa hàng để bán lẻ hàng hóa làm ra, họ cũng chẳng thể bán rẻ hơn các cửa hàng bán lẻ. Dù người sản xuất dùng bất kỳ phần tiền vốn nào để mở cửa hàng bán lẻ, người đó tất phải rút ra từ vốn sản xuất. Để có thể tiến hành kinh doanh theo cùng một nhịp bước với các người khác sản xuất cùng một mặt hàng như ông ta, người sản xuất này tất phải kiếm được lợi nhuận từ sản xuất và cả lợi nhuận từ cửa hàng bán lẻ của mình. Chúng ta hãy giả thiết làm ví dụ, ở ngay thành phố mà nhà công nghiệp sinh sống, 10% lãi được coi là tỷ lệ thông thường đối với cả người sản xuất và người chủ cửa hàng bán lẻ; ông ta tất nhiên phải tính tỷ lệ lợi nhuận gộp cho cả sản xuất và bán lẻ là 20%. Khi đưa hàng hóa từ kho xưởng sản xuất ra tới cửa hàng, ông ta đã phải tính thêm vào giá thành hàng hóa một khoản lãi cũng như khi ông ta bán hàng cho các cửa hàng với giá mua buôn vậy. Nếu ông tính hạ hơn, ông chắc đã mất đi một phần lợi nhuận đối với số vốn bỏ ra để sản xuất. Khi ông ta lại bán hàng từ cửa hàng bán lẻ của ông, trừ khi ông bán với một giá tương đương với giá của bất kỳ người bán lẻ nào khác, ông ta lại mất đi một phần lợi nhuận của vốn dùng để mở cửa hàng bán lẻ. Mặc dù hình như ông ta có thể đã có một tỷ lệ lợi nhuận gấp đôi đối với cùng một thứ hàng bán ra, nhưng món hàng đó lại là một phần của hai loại vốn khác nhau: vốn sản xuất và vốn kinh doanh bán lẻ, như thế nói cho cùng ông ta vẫn chỉ thu được một lợi nhuận duy nhất đối với số vốn mang sử dụng cho cả loại sản xuất lẫn kinh doanh. Nếu như ông ta thu được một tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn, ông ta là người bị thua thiệt hoặc đã không sử dụng được toàn bộ số vốn bỏ ra với mức lợi nhuận giống như các bạn đồng nghiệp ở cùng thành phố đó.

Điều mà nhà sản xuất công nghiệp bị cấm không được làm thì người chủ trại ở một mức độ nào đó lại bị buộc phải làm, người này phải chia số vốn có trong tay ra thành hai phần khác nhau về mặt sử dụng: một phần dùng để duy trì một số ngũ cốc luôn có trong kho và trên sân để các đụn thóc lúa để có thể bán ngay khi được thị trường yêu cầu và sử dụng phần kia vào việc canh tác ruộng đất. Nhưng người chủ trại cũng không thể không kiếm đủ số lợi nhuận thông thường đối với số tiền vốn bỏ ra để canh tác ruộng đất, và ông ta cũng chẳng thể bỏ qua mà không tìm cách dành được một số lợi nhuận nhất định từ số tiền vốn bỏ ra để buôn bán, tức là tích trữ ngũ cốc lại để đem bán khi cần thiết. Bất kể số tiền vốn bỏ ra để buôn bán thuộc về người chủ trại hay người buôn bán ngũ cốc, cả hai đều cần phải thu được lợi nhuận như nhau để bù đắp cho số vốn đã bỏ ra để kinh doanh. Vì có như thế cả hai mới có thể tiếp tục buôn bán theo cùng một nhịp độ với các bạn hàng khác và hơn nữa để ngăn cản họ không thay đổi, kinh doanh sang một mặt hàng khác. Người chủ trại, dù bị buộc bởi luật pháp phải làm thêm công việc của người buôn bán ngũ cốc, cũng không thể bán số ngũ cốc trong kho của họ với giá rẻ hơn so với người buôn bán ngũ cốc chuyên nghiệp trên một thị trường tự do cạnh tranh.

Người buôn bán mà có thể sử dụng toàn bộ số tiền vốn của mình vào một ngành kinh doanh duy nhất có thể được lợi thế chẳng khác gì người thợ sử dụng toàn bộ sức lao động vào một khâu sản xuất nhất định, vì người thợ khi tập trung sức lực và trí tuệ vào một công việc nhất định sẽ đật được sự khéo léo và có thể sản xuất ra một số lượng sản phẩm nhiều hơn dự tính. Người buôn bán cũng vậy sẽ nắm vững hơn phương pháp kinh doanh, biết mua, bán, dự trữ, trao đổi như thế nào có lợi nhất để với số vốn có trong tay, luôn chuyển được một số lượng hàng hóa nhiều hơn. Người thợ có thể làm ra sản phẩm với giá thành rẻ hơn còn người buôn bán cũng có thể bán hàng hóa với giá rẻ hơn chút ít nếu họ biết tập trung vốn và tâm trí vào một số mặt hàng dễ tiêu thụ hơn.

Phần lớn các nhà công nghiệp không có khả năng tiến hành việc bán lẻ hàng hóa do họ làm ra với giá rẻ hơn so với các chủ cửa hiệu năng động và nắm vững thị trường mà công việc chính của họ là mua sỉ và bán lẻ, thu mua để vào kho chứa và sau đó bán lẻ cho người tiêu dùng.

Đạo luật ngăn cấm nhà công nghiệp không được phép mở cửa hàng bán lẻ cũng chủ yếu nhằm buộc nhà công nghiệp phải sử dụng tập trung số vốn có trong tay vào công việc sản xuất để thúc đẩy ngành sản xuất có những bước tiến nhanh hơn. Đạo luật buộc người chủ trại phải làm thêm công việc buôn bán ngũ cốc cũng chỉ nhằm ngăn cản không cho nghề buôn này tiến quá nhanh. Cả hai đạo luật này đều vi phạm quyền tự do đương nhiên của con người, và như thế là bất công, cả hai đạo luật đều phi chính trị và đạo lý.

Mọi xã hội đều phải quan tâm đến việc không nên bó buộc hay ngăn cản bất kỳ ai trong công việc kinh doanh. Người nào muốn sử dụng hoặc sức lao động hoặc tiền vốn của mình để làm nhiều công việc hơn là tình hình cho phép sẽ không bao giờ làm hại cho bất kỳ ai khác bằng cách bán hàng rẻ hơn, ngoài việc người đó chỉ có thể làm hại cho chính mình. Người đời có câu châm ngôn “Nghề gì cũng biết nhưng chẳng tinh nghề nào”. Luật pháp luôn luôn phải tin tưởng vào con người vì họ biết phải làm thế nào để bảo vệ lợi ích của chính mình và họ cũng có khả năng xét đoán, trong hoàn cảnh địa phương nơi họ ở, việc họ cần phải làm hơn là nhà lập pháp. Vì thế, đạo luật buộc người chủ trại phải làm thêm công việc buôn bán ngũ cốc, gây nhiều tai hại nhất trong hai đạo luật đã được ban bố.

Đạo luật này cản trở không những việc sử dụng tập trung tiền vốn rất có lợi cho mọi xã hội mà còn cả việc cải tiến canh tác ruộng đất. Bằng cách buộc người chủ trại phải vừa sản xuất vừa kinh doanh mà đáng lẽ ra chỉ nên làm một trong hai công việc đó, đạo luật đã ép người này phải phân chia số tiền vốn có trong tay ra thành hai phần mà chỉ một phần được sử dụng vào trồng trọt. Nhưng nếu người chủ trại có quyền tự do bán ngay toàn bộ số thóc lúa thu hoạch được cho một người buôn bán ngũ cốc, thì toàn bộ số vốn mà người đó bỏ ra để canh tác được thu lại ngay lập tức để lại phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và có thể để mua thêm gia súc, thuê thêm người làm để có thể cải tiến canh tác. Nhưng do bị buộc phải bán lẻ ngũ cốc, cho nên người chủ trại phải để ra một số lớn tiền vốn bằng ngũ cốc để tại kho trong suốt cả năm và như thế, ông ta không thể làm tốt công việc trồng trọt với số vốn ít ỏi còn lại.. Đạo luật này vì thế đã cản trở việc cải thiện ruộng đất và thúc đẩy trồng trọt, và hơn nữa thay vì ý định làm cho giá ngũ cốc hạ xuống rẻ hơn thì lại làm cho ngũ cốc ngày càng khan hiếm hơn và do đó, bán với giá đắt hơn trước.

Sau công việc của người chủ trại là công việc của người buôn bán ngũ cốc. Thực ra nếu được bảo hộ và khuyến khích đúng mức, người buôn bán ngũ cốc có thể đóng góp rất nhiều hơn vào việc trồng trọt ngũ cốc. Người này tất sẽ hỗ trợ công việc sản xuất của người chủ trại chẳng khác chi người mua sỉ hàng hóa hỗ trợ nhà công nghiệp.

Người chủ cửa hiệu giữ thị trường tiêu thụ cho nhà công nghiệp, mua số hàng hóa ngay khi vừa xuất xưởng và đôi khi còn ứng trước tiền cho nhà công nghiệp để lấy hàng sau, điều đó giúp cho nhà công nghiệp tập trung toàn bộ tiền vốn vào sản xuất và do đó chế tạo ra nhiều sản phẩm hơn để bán khác với trường hợp người này phải tự giải quyết việc bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng hay cho các cửa hàng bán lẻ. Vì tiền vốn của người buôn sỉ thường cũng đủ để thay thế cho tiền vốn của nhiều nhà công nghiệp, nên sự giao lưu buôn bán giữa người này và các nhà công nghiệp làm cho người có nhiều tiền vốn muốn hỗ trợ cho những người buôn bán có ít vốn hơn và giúp họ khi gặp lúc thua lỗ mà nếu không có sự giúp đỡ đó thì có thể đưa họ đến tình trạng khuynh gia bại sản.

Một sự giao lưu như vậy được thiết lập giữa chủ trại và nhà buôn ngũ cốc cũng mang lại nhiều điều có lợi cho người chủ trại. Những người này do đó sẽ có khả năng dùng toàn bộ số vốn và có thể còn nhiều hơn thế nữa vào công việc trồng trọt. Trong trường hợp có sự rủi ro xảy ra mà nghề nghiệp của họ có khả năng dễ bị nhất, họ sẽ có thể tìm thấy ở người khách hàng thường xuyên – người buôn bán ngũ cốc giàu có – một người sẵn sàng giúp đỡ họ vì người này có đầy đủ khả năng làm việc đó, và do đó họ chẳng phải phụ thuộc vào tấm lòng hào hiệp của địa chủ. Nếu có thể thực hiện sự giao lưu này một cách phổ biến, nếu có thể chuyển toàn bộ số tiền vốn của vương quốc Anh vào công việc canh tác ruộng đất, nếu rút tiền vốn này về từ các công việc khác, thì mọi người sẽ không thể hình dung được sự cải thiện canh tác sẽ khả quan biết nhường nào và sẽ làm thay đổi biết bao bộ mặt của đất nước.

Đạo luật của vua Edward VI đã tìm cách hủy diệt một ngành buôn bán bằng cách cấm đoán mọi hoạt động của người trung gian đứng giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Thực vậy, đạo luật đó không thấy rõ là việc buôn bán ngũ cốc không những giúp vào việc làm giảm nhẹ rất nhiều những phiền phức do sự khan hiếm gây ra mà còn có khả năng ngăn chặn tai họa đó khỏi xảy ra. Có thể nói, sau công việc trồng trọt của người chủ trại, không có công việc nào khác lại đóng góp nhiều cho việc trồng trọt ngũ cốc như việc làm của người buôn bán ngũ cốc.

Đạo luật này sau đó cũng được làm nhẹ bớt tính khắc nghiệt bằng những quy định lần lượt cho phép mua bán ngũ cốc tự do khi giá lúa mì chưa vượt quá 20, 24, 32 và 40 shilling một góc tạ Anh. Cuối cùng, vào năm thứ 15 triều đại vua Charles II, việc mua bán ngũ cốc để sau đó đem bán lại cho người tiêu dùng được tuyên bố là hợp pháp đối với tất cả những người không có ý định đầu cơ, tích trữ, tức là không đem bán lại trên cùng một thị trường trong vòng 3 tháng, với điều kiện là giá lúa mì không vượt quá 48 shilling một góc tạ Anh. Đạo luật này mang lại cho người buôn bán ngũ cốc mọi sự tự do mà trước đó họ không hề được hưởng. Đạo luật của nhà vua đang trị vì hiện nay đã bãi bỏ hầu hết mọi luật lệ cũ cấm đoán việc mua một số lượng lớn thóc lúa để lũng đoạn thị trường và mọi hoạt động để đầu cơ tích trữ, nhưng lại không bãi bỏ những điều hạn chế của đạo luật đặc biệt này, vì thế những hạn chế đó vẫn tiếp tục có hiệu lực.

Tuy nhiên, đạo luật này cũng cho phép, trong một chừng mực nào đó, thực thi hai định kiến rất phi lý.

Thứ nhất, nó giả thiết rằng khi giá lúa mì đã lên cao tới 48 shilling một góc tạ Anh và giá của các loại ngũ cốc khác cũng lên theo tỷ lệ, ngũ cốc có thể được mua với số lượng lớn nhằm mục đích tích trữ để gây thiệt hại cho dân chúng. Nhưng qua những gì đã được nói đến ở trên đây, thật khá rõ là ngũ cốc không thể được mua vét hết với bất kỳ giá nào bởi những người buôn bán để có thể gây nguy hại cho dân chúng. Mặc dù 48 shilling một góc tạ Anh có thể được coi là giá rất cao, tuy vậy trong những năm khan hiếm, đó là một giá luôn luôn được thấy ngay sau khi thu hoạch thóc lúa, khi chưa có phần nào thóc lúa mới gặt được có thể được đem bán, và thật khó mà có thể giả thiết, dù cho dốt nát và không hiểu biết đến đâu, rằng bất kỳ một phần nào thóc lúa mới được thu hoạch có thể bị nhà buôn mua vét để làm hại dân chúng.

Thứ hai, có giả thiết cho rằng với một giá nào đó thì ngũ cốc có thể bị nhà buôn mua với số lượng lớn để đầu cơ tích trữ, tức là mua để nhằm sau đó đem bán lại tại cùng một thị trường và gây tổn hại cho dân chúng. Nhưng nếu một nhà buôn có lần định mua một số lượng lớn ngũ cốc khi đến một thị trường nào đó hoặc tại một thị trường nào đó với mục đích là sẽ bán lại sau đó tại chính thị trường đó, điều này chắc là do người buôn bán đó phán đoán đúng là thị trường này không được cung cấp một cách tự do thoải mái trong suốt năm như vào dịp đặc biệt đó, và do đó, giá ngũ cốc nhất định sẽ lên cao. Nếu như ông ta lại phán đoán sai và giá cả không tăng như ông dự đoán, nhà buôn này không những mất đi toàn bộ lợi nhuận của số vốn mà ông ta dùng để mua ngũ cốc mà còn mất thêm một phần vốn nữa qua việc phải chi cho việc cất giữ và do hư hao ở trong kho. Vì vậy ông ta tự gây thiệt hại cho chính mình hơn là gây tổn thiệt cho những người nào đó muốn mua ngũ cốc mà không mua được tại chính ngày chợ đó vì họ có thể sau đó lại mua được ngũ cốc với mức giá vẫn rẻ như bất kỳ phiên chợ nào khác. Nếu như nhà buôn đó đoán trúng thì thay vì gây thiệt hại cho một số lớn dân chúng, ông ta lại giúp cho họ một việc hết sức quan trọng. Bằng cách làm cho người tiêu dùng cảm thấy sự khan hiếm sớm hơn là tự họ có thể biết, người đầu cơ tích trữ đó làm cho người đi mua ngũ cốc hôm phiên chợ đó sẽ không cảm thấy quá ư nặng nề đối với họ về sau này khi sự khan hiếm thực sự xảy ra, vì họ không tiêu dùng hoang phí. Khi sự khan hiếm thực sự xảy ra, điều tốt nhất đối với người tiêu dùng là phải biết chia đều số lương thực hiện có ra từng tháng, từng tuần và từng ngày trong năm để đối phó với nạn khan hiếm ngũ cốc.

Lợi ích của người buôn bán buộc ông ta phải nghiên cứu để làm việc này càng chính xác càng tốt, và vì không có người nào khác có lợi ích giống như vậy hoặc có sự hiểu biết và khả năng để làm đúng như vậy, nên hoạt động thương mại quan trọng này tất phải hoàn toàn giao phó cho ông ta, hay nói một cách khác, việc buôn bán ngũ cốc, ít nhất là cung cấp cho thị trường trong nước, cần phải được hoàn toàn tự do.

Sự lo sợ của dân chúng đối với việc mua vét lương thực để lũng đoạn thị trường và đầu cơ tích trữ có thể đem so sánh với những hoảng sợ và ngờ vực của họ đối với ma thuật. Những kẻ khốn nạn bị buộc tội sử dụng ma thuật không phải là không có nhiều tội lỗi hơn những kẻ bị tố cáo là đầu cơ tích trữ và mua vét lương thực để kiếm lời. Luật pháp chấm dứt mọi sự khởi tố đối với ma thuật và cũng không cho phép bất kỳ người nào chỉ vì muốn thỏa mãn tính hiểm độc của mình bằng cách tố cáo người láng giềng là có ma thuật – một tội ác tưởng tượng mà người đó suy tưởng ra – hình như luật pháp đã thật sự giải thoát cho con người khỏi mọi nỗi lo sợ và ngờ vực bằng cách hủy bỏ nguyên nhân đã khuyến khích và hỗ trợ cho các mối lo sợ và ngờ vực đó. Luật pháp nhằm phục hồi toàn bộ sự tự do cho việc buôn bán ngũ cốc trong nội địa tất cũng phải tỏ ra có hiệu quả trong việc chấm dứt các mối lo sợ của dân chúng đối với việc mua vét, tàng trữ và đầu cơ.

Đạo luật của vua Charles II mặc dầu còn có nhiều điều chưa thật hoàn hảo, có thể đã đóng góp nhiều cho việc cung cấp dồi dào ngũ cốc cho thị trường trong nước và cho việc tăng gia trồng trọt hơn bất kỳ đạo luật nào khác. Chính từ đó mà việc buôn bán ngũ cốc trong nội địa được hưởng mọi sự tự do và bảo hộ mà trước đó chưa từng có. Do đó cả việc cung cấp ngũ cốc tại thị trường trong nước lẫn việc tăng gia trồng trọt đã được thúc đẩy mạnh mẽ do việc buôn bán ngũ cốc trong nước hơn là do buôn bán xuất nhập khẩu.

Số lượng ngũ cốc trung bình nhập vào Anh so với số lượng tiêu dùng không vượt qua tỷ lệ 1 trên 570. Để có thể cung cấp lượng ngũ cốc đầy đủ cho thị trường trong nước, việc buôn bán ngũ cốc trong nội địa phải đảm nhiệm một tỷ lệ so với nhập khẩu là 570 trên 1, theo tính toán của tác giả những luận văn viết về ngành buôn bán ngũ cốc.

Cũng theo tác giả này, số lượng trung bình các loại ngũ cốc xuất khỏi nước Anh, không vượt quá một phần ba mươi mốt sản lượng hàng năm. Để khuyến khích trồng trọt, cho nên, cần phải mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm trong nước và mức buôn bán trong nội địa phải là 30 trên 1 so với buôn bán xuất khẩu.

Tôi không tin tưởng nhiều vào cách tính toán có tính chất chính trị, vì thế, tôi không có ý đảm bảo cho sự chính xác của bất kỳ con số ước lượng nào như đã được đưa ra ở trên. Tôi chỉ nêu ra các con số đó để chứng minh là việc buôn bán với nước ngoài ít quan trọng hơn như thế nào so với việc buôn bán trong nước theo như ý kiến phát biểu của những người có kinh nghiệm và có đầu óc suy xét thận trọng nhất. Giá ngũ cốc hạ nhiều trong những năm trước khi thiết lập tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu có thể một phần nào là do tác động của đạo luật mà vua Charles II đã ban hàng trước đó 25 năm, và do đó, đã phát huy hiệu lực đầy đủ trong thời gian đó.

Chỉ một vài lời cũng đủ để giải thích những gì mà tôi đã nói về ba ngành khác nhau trong việc buôn bán ngũ cốc.

II. Người buôn bán làm công việc nhập khẩu ngũ cốc từ nước ngoài rõ ràng đóng góp vào việc cung cấp trực tiếp cho thị trường trong nước và phục vụ cho lợi ích trước mắt của phần lớn dân chúng. Nó có xu hướng làm giảm một phần nào giá tiền trung bình của ngũ cốc nhưng không làm hạ giá trị thực tế của nó hay số lượng lao động mà số tiền đó có khả năng thuê mướn và duy trì.

Nếu việc nhập khẩu lúc nào cũng được tự do, thì các chủ trại và các nhà quý tộc ở nông thôn chắc hẳn thu được ngày càng ít tiền hơn do bán ngũ cốc so với thời gian hiện nay khi nhập khẩu thường xuyên bị cấm đoán, nhưng số tiền mà họ thu được đó có giá trị cao hơn, có thể mua được nhiều loại hàng hóa hơn, thuê mướn và sử dụng được nhiều lao động hơn.

Của cải thực tế của họ, nguồn thu nhập thực tế của họ, vì thế vẫn không khác gì ngày nay, mặc dù chỉ được thể hiện bằng một số lượng bạc ít hơn, và họ cũng chẳng hề bị thiếu thốn hay bị chán nản khi trồng ngũ cốc so với thời gian hiện nay. Trái lại, giá trị thực tế của bạc tăng do kết quả của việc hạ giá ngũ cốc tính bằng tiền đã làm giảm luôn trong một chừng mực nào đó giá tính bằng tiền của tất cả các loại hàng hóa khác, việc này mang lại cho nền công nghiệp trong nước một vài lợi thế ở thị trường ngoại quốc và do đó có chiều hướng khuyến khích và thúc đẩy nền công nghiệp này. Nhưng phạm vi của thị trường tiêu thụ ngũ cốc trong nước phải cân đối với ngành công nghiệp chung của cả nước mà ở đó nó đạt được sự gia tăng, hoặc cân đối với số người sản xuất những thứ gì khác và vì thế thu được một cái gì khác, hoặc có thể được coi là tương đương với giá một mặt hàng nào khác dùng để trao đổi lấy ngũ cốc. Nhưng ở tất cả các nước, thị trường trong nước, với tính cách thuận tiện và gần gũi nhất, đã trở thành một thị trường lớn nhất và quan trọng nhất cho việc tiêu thụ ngũ cốc, cho nên việc tăng giá trị thực tế của bạc, do kết quả của việc hạ giá tiền trung bình của ngũ cốc, có chiều hướng mở rộng hơn thị trường lớn nhất và quan trọng nhất này cho việc tiêu thụ ngũ cốc và do đó khuyến khích sự tăng trưởng của ngành trồng trọt chứ không làm suy giảm ngành này.

Vào năm thứ 22 thuộc triều đại vua Charles II, việc nhập khẩu lúa mì vào thời kỳ mà giá tại thị trường trong nước chưa vượt quá 53 shilling 4 penny một góc tạ Anh đã phải chịu một khoản tiền thuế là 16 shilling một góc tạ, và một khoản tiền thuế 8 shilling vào thời gian mà giá chưa vượt quá 4 bảng. Chỉ số trên của hai giá này, đã chỉ xảy ra trong hơn một thế kỷ qua vào những thời kỳ khan hiếm nhất về ngũ cốc, và giá dưới, theo như tôi biết, chẳng hề xảy ra. Tuy nhiên, khi giá lúa mì tăng tới mức vượt chỉ số giá dưới, thì theo đạo luật này, người ta đánh thuế nặng, và khi tăng tới mức giá trên thì người ta đánh thuế nặng đến nỗi hầu như là cấm nhập vậy. Việc nhập khẩu các loại thóc lúa khác cũng bị hạn chế theo mức độ và bằng cách đánh thuế cân xứng với giá trị thóc lúa và hầu như cũng cao chẳng khác gì thuế đánh vào lúa mì[12]. Các luật lệ khác ban hàng sau đó còn tăng mức đánh thuế cao hơn nữa.

Trong những năm khan hiếm thóc lúa các luật lệ này khi được thi hành triệt để chắc đã mang lại nhiều đau khổ và túng quẫn cho dân chúng. Nhưng trong những trường hợp như vậy, việc thi hành các sắc thuế đánh vào nhập khẩu thóc lúa được đình chỉ bởi những quy định tạm thời cho phép, trong một thời gian hạn chế, được nhập ngũ cốc từ nước ngoài. Chính những quy định này chứng tỏ khá đầy đủ tính chất không đúng đắn của đạo luật chung này.

Những hạn chế đối với nhập khẩu, mặc dù xảy ra trước khi thiết lập tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu, đã bị thôi thúc bởi cùng một tinh thần, cùng một nguyên tắc và đã dẫn đến việc ban hành nhiều luật lệ. Dù cho tự nó đã bao hàm nhiều điều tai hại, các hạn chế này hay hạn chế khác đối với nhập khẩu đã trở nên cần thiết do hậu quả của các luật lệ đã được ban hành. Nếu khi lúa mì có mức giá dưới 48 shilling một góc tạ Anh, hay cũng không trên mức giá đó, nhiều thóc lúa của nước ngoài đã có thể được nhập vào trong nước được miễn thuế hoặc chỉ phải đóng thuế rất ít, số thóc lúa đó có thể đã được tái xuất cùng với việc được nhận tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu, và như thế gây thiệt hại đáng kể cho nguồn thu của chính phủ và cho cả thế chế, vì mục đích của thể chế là mở rộng thị trường cho sự phát triển sản xuất ở trong nước chứ không phải cho sự phát triển sản xuất của các nước ngoài.

III. Nhà buôn xuất khẩu ngũ cốc ra thị trường nước ngoài chắc hẳn không có những đóng góp trực tiếp vào việc cung cấp đầy đủ thóc lúa cho thị trường trong nước. Tuy nhiên họ cũng có những đóng góp gián tiếp. Dù nguồn cung cấp thóc lúa từ đâu đến đi chăng nữa, từ nguồn sản xuất trong nước hay do nhập từ nước ngoài, trừ khi số ngũ cốc trồng ở trong nước hoặc số ngũ cốc nhập từ nước ngoài nhiều hơn số ngũ cốc thường được tiêu dùng ở trong nước, thì việc cung cấp ngũ cốc của thị trường trong nước không thể nào quá đầy đủ và dư thừa. Nhưng trừ khi số ngũ cốc được mang xuất khẩu, người trồng trọt cảm thấy không cần thiết phải trồng nhiều hơn trước, và nhà nhập khẩu không nhập thêm ngũ cốc vào trong nước vượt số lượng tiêu dùng mà thị trường trong nước đòi hỏi. Thị trường này ít khi có quá nhiều ngũ cốc bị ứ đọng, mà thường là không có đủ hàng dự trữ, những người có nhiệm vụ cung ứng thóc lúa thường rất lo ngại, trừ khi hàng hóa đã được bán khỏi tay họ. Việc ngăn cấm xuất khẩu hạn chế việc cải tiến và thúc đẩy trồng trọt ở trong nước và giữ nó ở mức vừa đủ để cung cấp cho tiêu dùng của dân chúng ở trong nước. Chính tự do xuất khẩu thúc đẩy trồng trọt để có thêm nhiều thóc lúa cung cấp cho nước ngoài.

Đạo luật do vua Charles II ban hành đã cho phép xuất khẩu ngũ cốc khi giá lúa mì không vượt quá 40 shilling một góc tạ Anh và các loại hạt khác có tỷ lệ giá tương đương.

Cũng từ đạo luật này, sự tự do xuất khẩu được mở rộng tới mức giá lúa mì vượt quá 48 shilling một góc tạ Anh; và sau đó còn lên tới mức giá cao hơn nữa. Tiền thuế đóng cho nhà vua phải tính theo trọng lượng pound (450 gam là 1 pound) mỗi khi có xuất khẩu ngũ cốc. Nhưng các loại thóc lúa đều được quy định theo một tỷ lệ thấp trong sổ định mức cho nên tiền nộp cho nhà vua tính trên cơ sở pound chỉ là 1 shilling một góc tạ Anh đối với lúa mì, 4 penny 1 góc tạ Anh đối với yến mạch và 6 penny một góc tạ Anh đối với các loại ngũ cốc khác. Vào năm đầu của triều đại vua William và hoàng hậu Mary, khi ban hành đạo luật thiết lập tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu, thứ thuế nhỏ bé này hầu như đình chỉ không áp dụng nữa khi giá lúa mì không vượt quá 48 shilling một góc tạ Anh, và vào những năm thứ 11 và 12 dưới triều đại vua William III thuế này thôi không thu nữa ở tất cả các mức giá cao hơn.

Bằng cách này các nhà buôn xuất khẩu lại càng được khuyến khích nhiều hơn trong công việc giao dịch của họ do được hưởng thêm tiền thưởng, và hơn nữa, còn được tự do hơn so với các nhà buôn trong nước.

Theo quy định của đạo luật cuối cùng trong số các đạo luật đã được ban hàn, các nhà buôn có thể mua ngũ cốc với bất kỳ số lượng nào và bất kỳ giá nào để xuất khẩu, nhưng không được phép mua với số lượng lớn để bán cho người tiêu dùng trong nước trừ khi giá chưa vượt quá 48 shilling một góc tạ Anh. Như đã được trình bày, lợi ích của nhà buôn nội địa không đi ngược với lợi ích của quảng đại quần chúng. Nhưng lợi ích của nhà buôn xuất khẩu đôi khi trên thực tế lại đi ngược với lợi ích của dân chúng. Trong khi nước mình đang ở trong tình trạng khan hiếm và một nước láng giềng đang bị nạn đói đe dọa, có thể nhà buôn xuất khẩu sẽ sẵn sàng xuất ngũ cốc sang nước láng giềng kia mà chẳng đếm xỉa gì đến lợi ích chung và như thế làm trầm trọng thêm tai họa của nạn khan hiếm lương thực. Việc cung cấp thừa thãi ngũ cốc cho thị trường trong nước không phải là đối tượng chủ yếu của các đạo luật đó, nhưng lấy cớ là khuyến khích nông nghiệp để nâng giá ngũ cốc càng cao càng tốt và vì thế luôn luôn gây nên tình trạng khan hiếm tại thị trường trong nước. Bằng những sự cấm đoán, hạn chế nhập khẩu, thị trường trong nước không còn được cung cấp thóc lúa từ nước ngoài mà chủ yếu trông cậy và sản lượng lương thực ở trong nước, ngay cả vào những thời kỳ khan hiếm nhất; và bằng sự khuyến khích xuất khẩu, thị trường trong nước lại không được sử dụng toàn bộ sản lượng lương thực sản xuất ra mặc dù đang trải qua thời kỳ khan hiếm. Những luật lệ tạm thời cấm đoán trong một thời gian nào đó việc xuất khẩu ngũ cốc và bỏ việc đánh thuế đối với nhập khẩu ngũ cốc trong một thời gian nhất định đã được chính phủ Vương quốc Anh luôn luôn sử dụng, và như thế, chứng tỏ tính chất không đúng, nếu không nói là sai lầm, của toàn bộ hệ thống pháp luật ở nước này.

Nếu hệ thống pháp chế được coi là tốt và có hiệu quả thì Vương quốc Anh không cần thiết phải luôn luôn thay đổi các luật lệ như vậy.

Các loại thuế khác nhau này được áp đặt một phần bởi triều đại vua Charles II năm thứ 22, thay cho Bảng thuế cũ, một phần bởi Bảng thuế mới, với tỷ lệ thuế 1/3 và 2/3, và bởi Bảng thuế năm 1747.

Nếu như tất cả các nước đều theo hệ thống xuất nhập khẩu tự do, thì các nước trên lục địa Châu Âu chắc sẽ giống như các tỉnh khác nhau trong một đế chế rộng lớn và do đó, sự tự do của ngành buôn bán trong nội địa đảm bảo cho việc làm giảm nhẹ tình hình khan hiếm lương thực và còn ngăn chặn có hiệu quả nạn đói. Sự tự do xuất nhập khẩu giữa các nước nằm trên cùng một lục địa cũng sẽ có tác dụng như vậy. Lục địa càng lớn bao nhiêu thì sự giao lưu buôn bán giữa các nơi trên lục địa này càng dễ dàng bấy nhiêu bằng các phương tiện giao thông thủy, bộ, và như thế không thể có một nơi nào lại có thể bị nạn khan hiếm lương thực hay nạn đói vì sự thiếu thốn của nơi này, có thể được bù đắp bằng sự thừa thãi của nơi khác. Nhưng rất ít nước lại hoàn toàn chấp nhận chế độ tự do này. Sự tự do trong việc buôn bán ngũ cốc hầu như ít hay nhiều đều bị hạn chế ở nhiều nước bởi những luật lệ phi lý, và do đó, đã dẫn đến sự rủi ro không thể tránh được là tình trạng khan hiếm lương thực dễ chuyển thành một nạn đói khủng khiếp. Yêu cầu về ngũ cốc của những nước như vậy có thể rất lớn và cấp thiết mà các nước láng giềng, lúc đó cũng ở trong tình trạng khan hiếm trong một chừng mực nhất định, không thể và không dám mạo hiểm cung cấp cho các nước đó vì cũng sợ bị lâm vào tình cảnh tương tự. Việc tự do xuất khẩu không hạn chế sẽ kém phần nguy hiểm hơn nhiều ở các nước lớn mà ở đó sản lượng ngũ cốc thu hoạch được rất lớn, do đó không bị ảnh hưởng nhiều về việc cung lương thực cho một nước khác qua xuất khẩu. Trong một bang trong Liên Bang Thụy Sỹ hoặc tại một vài bang nhỏ của Italia, đôi khi có thể cũng cần thiết phải áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu ngũ cốc. Nhưng mọi sự hạn chế xuất khẩu lại không cần thiết áp dụng tại các nước lớn như Pháp hoặc Anh. Ngoài ra, ngăn cấm chủ trại gửi hàng của họ làm ra đến các thị trường thuận lợi nhất để bán rõ ràng là hy sinh mọi điều luật về công bằng để thực thi ý kiến bảo vệ lợi ích công cộng, một hành vi của quyền lực lập pháp mà chỉ nên thực hiện và có thể được tha thứ chỉ trong những trường hợp cần thiết cấp bách nhất.

Cái giá phải trả cho việc ngăn cấm xuất khẩu ngũ cốc, nếu như phải thực hiện sự cấm đoán đó vì một lý do nào đó, cũng luôn luôn là một cái giá rất cao phải trả.

Các luật lệ về thóc lúa có thể đem so sánh với các luật lệ về tôn giáo. Dân chúng rất quan tâm đến những gì có liên quan đến sự sinh sống của họ ở đời này hoặc có liên quan đến hạnh phúc của họ ở đời sống mai sau, nên chính phủ cần phải chiếu theo các định kiến của họ và để gìn giữ thanh bình của quần chúng, chính phủ phải thiết lập một chế độ mà họ tán thành và chấp thuận. Chính vì lẽ này mà chúng ta ít khi tìm thấy một chế độ hợp lý có thể thiết lập đối với bất kỳ bên nào trong hai đối tượng chủ yếu đó.

IV. Công việc buôn bán của nhà buôn kiêm vận chuyển hoặc người nhập ngũ cốc của nước ngoài để rồi lại tái xuất đóng góp vào sự cung cấp dồi dào của thị trường trong nước. Người này không có mục đích bán ngũ cốc tại thị trường trong nước. Nhưng người đó thường thường rất muốn bán tại thị trường nội địa dù cho có kiếm được ít tiền lời hơn nhiều so với việc mang bán ở thị trường nước ngoài, vì như thế người đó giảm được chi phí bốc dỡ hàng, cước vận chuyển và tiền bảo hiểm.

Thông qua việc buôn bán, dân chúng trong nước trở thành những người tích trữ mọi loại ngũ cốc trong kho để rồi lại cung cấp các nước khác chứ chính họ cũng ít khi cần đến ngũ cốc để tiêu dùng. Công việc buôn bán bằng vận chuyển ngũ cốc từ nước sản xuất tới nước tiêu dùng đã làm cho giá tiền ngũ cốc giảm tại thị trường trong nước nhưng cũng không vì thế mà giá trị thực tế của ngũ cốc bị giảm theo. Chỉ có giá trị thực tế của bạc được nâng lên chút ít.

Việc vận chuyển ngũ cốc đã bị nghiêm cấm ở Anh trong mọi trường hợp thông thường bằng cách đánh thuế rất nặng đối với ngũ cốc từ nước ngoài nhập vào trong nước, nhưng khi thóc lúa trong nước ở vào thời kỳ khan hiếm, các nhà cầm quyền buộc phải đưa ra những quy định tạm thời ngừng không đánh thuế đối với ngũ cốc nhập, nhưng xuất khẩu loại hàng này vẫn bị nghiêm cấm. Bằng cách áp dụng các luật lệ này, việc vận chuyển thóc lúa thực sự bị cấm ngặt trong mọi trường hợp.

Hệ thống luật pháp đó cùng với việc thiết lập chế độ thường khuyến khích đã chẳng đáng khen chút nào mặc dù đã có những lời ca ngợi đối với nó. Người ta cho rằng nước Anh trở nên thịnh vượng là nhờ có hệ thống luật pháp này, nhưng thực ra nguyên nhân chính lại là ở những chỗ khác. Chỉ riêng sự bảo đảm mà luật pháp của nước Anh mang lại cho mọi công dân là họ được quyền hưởng thụ mọi kết quả lao động của chính họ đã đủ để làm cho đất nước thịnh vượng rồi, bất chấp các luật lệ phi lý về buôn bán. Sự bảo đảm này do cuộc cách mạng mang lại cũng cùng vào thời kỳ ban hành tiền thưởng khuyến khích. Sự cố gắng tự nhiên của mỗi cá nhân nhằm cải thiện đời sống của chính mình là một nguyên lý mạnh mẽ mà chỉ riêng nó, chẳng cần đến sự giúp đỡ nào khác, cũng đã đủ để đưa xã hội tới sự giàu sang và thịnh vượng bất kể những sự cấm đoán, hạn chế phi lý mà các luật pháp điên rồ của con người nhiều khi đã gây nên, mặc dầu sự cấm đoán hạn chế đã ít hay nhiều tác động tới quyền tự do hay làm giảm sự bảo đảm cho mọi người, ở Anh nền công nghiệp vẫn hoàn toàn được bảo đảm hoạt động bình thường. Thật vậy, tuy sự bảo đảm tự do này chưa thật đầy đủ ở tất cả mọi khía cạnh, nhưng nó vẫn tự do hoặc có thể được coi là tự do hơn bất kỳ nước nào khác ở Châu Âu.

Thời kỳ thịnh vượng của nước Anh đến sau khi đã ban hành hệ thống luật pháp có liên quan đến tiền thưởng khuyến khích, nhưng cũng không thể vì thế mà lại nói là sự thịnh vượng đó là do kết quả của hệ thống pháp luật này. Thời kỳ thịnh vượng này cũng đến sau thời kỳ công nợ của đất nước, nhưng cũng không thể nói thời kỳ công nợ đó là nguyên nhân dẫn đến thời kỳ thịnh vượng được.

Hệ thống luật pháp có liên quan đến tiền thưởng khuyến khích có cùng một mục đích như cách làm của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là làm giảm trong một chừng mực nhất định giá trị các kim loại quy sở nước mình ở nơi đã xảy ra sự việc, tuy nhiên nước Anh chắc chắn là một trong những nước giàu có nhất ở Châu Âu trong khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lại nằm trong số các nước nghèo khổ nhất. Sự khác nhau về hoàn cảnh này có thể là do hai nguyên nhân khác nhau gây ra. Thứ nhất, thuế quan ở Tây Ban Nha, sự nghiêm cấm của Bồ Đào Nha trong việc xuất khẩu vàng bạc, và hơn nữa, sự kiểm tra nghiêm ngặt đối với việc thi hành các luật pháp đó, phải được tiến hành không những trực tiếp hơn mà còn cưỡng bức hơn nhiều để làm giảm bớt giá trị các kim loại quý ở các nước này, so với các luật lệ về ngũ cốc ở Anh, vì hai nước này hàng năm nhập trên 6 triệu bảng Anh.

Thứ hai, ở hai nước này chính sách sai trái lại không có sự đổi trọng bằng sự tự do và bảo đảm an ninh cho dân chúng. Nền công nghiệp chẳng được hoạt động tự do mà cũng chẳng có sự bảo đảm gì của nhà nước. Vì cả hai chính phủ dân sự và giáo hội ở đây chẳng có thể làm gì hơn ngoài việc duy trì tình trạng nghèo khổ mặc dù các luật lệ về thương mại ở hai nước này còn có nhiều điều tinh khôn so với các luật lệ rất phi lý và điên rồ khác.

Triều đại của vua hiện đang trị vì đã thiết lập một hệ thống pháp luật mới về ngũ cốc, về nhiều mặt pháp chế mới tốt hơn pháp chế cũ rất nhiều nhưng cũng còn một vài mặt chưa thật tốt.

Theo quy định mới về luật pháp, các sắc thuế cao đối với việc nhập khẩu cho tiêu dùng trong nước bị tạm thời bãi bỏ khi giá lúa mì loại trung bình lên tới 48 shilling một góc tạ Anh, giá lúa mạch đen loại trung bình, giá đậu Hà Lan lên tới 32 shilling, giá lúa mạch lên tới 24 shilling và giá yến mạch lên tới 16 shilling, và thay cho sắc thuế cao đó người ta chỉ đánh thuế rất nhẹ khoảng 6 penny đối với một góc tạ Anh lúa mì và đối với các loại thóc lúa khác có giá trị tương đương. Thị trường trong nước được mở rộng cửa để đón nhận các loại lương thực nhập từ nước ngoài với giá thấp hơn khá nhiều so với trước.

Cũng theo luật nói trên, tiền thưởng khuyến khích cũ 5 shilling đối với xuất khẩu lúa mì bị tạm đình chỉ thi hành mỗi khi giá lúa mì lên tới 44 shilling một góc tạ Anh, chứ không phải là 48 shilling, giá mà trước đây đã được quy định cho việc bãi bỏ sắc thuế này; tiền thưởng 2 shilling 6 penny cho việc xuất khẩu lúa mạch cũng chấm dứt ngay khi mà giá loại ngũ cốc này lên tới 22 shilling, chứ không phải là 24 shilling như trước; tiền thưởng 2 shilling 6 penny cho việc xuất khẩu bột yến mạch chấm dứt ngay khi giá loại bột này lên tới 14 shilling chứ không phải 15 shilling như trước. Tiền thưởng đối với lúa mạch đen bị giảm từ 3 shilling 6 penny còn 3 shilling và cũng chấm dứt ngay khi giá loại ngũ cốc này lên tới 28 shilling chứ không phải 32 shilling như quy định trước đó.

Nếu như các loại tiền thưởng tỏ ra không thích hợp nếu không nói là sai trái như tôi đã cố gắng chứng minh trên đây, tôi cho rằng tiền thưởng như thế càng mau chóng chấm dứt và giảm bớt bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.

Cũng với quy chế này, nhà nước cho phép nhập khẩu ngũ cốc với giá thấp nhất để rồi lại được tái xuất miễn thuế là khi gửi vào nhà kho để đợi tái xuất, nhà kho đó phải được chốt lại chặt chẽ bằng khóa chung của nhà vua và người nhập khẩu. Không quá 25 cửa khẩu trên toàn nước Anh được hưởng quyền tự do này. Số này là những cửa khẩu chính, có thể không có các cửa khẩu khác ở Anh thích hợp cho mục đích này.

Đạo luật này rõ ràng là một bước tiến so với hệ thống luật pháp cũ.

Nhưng cũng đạo luật này đã quy định việc xuất khẩu yến mạch được hưởng 2 shilling tiền thưởng cho một góc tạ Anh mỗi khi giá loại ngũ cốc này chưa vượt quá 14 shilling. Trước đó, nhà nước không hề cấp tiền thưởng cho việc xuất khẩu loại ngũ cốc này, cũng chẳng cấp tiền thưởng bao giờ cho đậu Hà Lan và các loại đậu khác.

Cũng theo sự quy định của đạo luật này, việc xuất khẩu lúa mì bị nghiêm cấm khi giá loại ngũ cốc này lên tới 44 shilling một góc tạ Anh; khi giá lúa mạch đen lên tới 28 shilling, giá lúa mạch lên tới 22 shilling, giá yến mạch lên tới 14 shilling thì xuất khẩu các loại ngũ cốc này cũng bị chấm dứt. Giá các loại ngũ cốc này hình như rất thấp, và thật là không thích hợp khi cấm mọi việc xuất khẩu khi giá lên tới mức độ quy định mà khi đó tiền thưởng khuyến khích cũng bị rút luôn. Tiền thưởng này đáng lẽ ra phải rút khi giá còn ở mức độ thấp hơn nhiều hoặc xuất khẩu phải được phép hoạt động ở mức giá cao hơn nhiều.

Do đó, đạo luật này hãy còn kém khắc khe hơn so với đạo luật trước đây. Dù với những điều khoản còn chưa được quy định một cách hoàn hảo, chúng tôi có thể nói đến đạo luật này như chúng tôi đã có dịp nói về các luật pháp của Solon, dù cho chẳng phải là tốt nhất thì đạo luật này vẫn cứ là tốt nhất mà quyền lợi, thành kiến và tính chất của thời đại có thể chấp nhận được. Đã có thể đến lúc phải tính đến việc chuẩn bị một cách làm mang lại hiệu quả tốt hơn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3