Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 4 - Chương 07
Chương VII
THUỘC ĐỊA
PHẦN I
LÝ DO VÀ ĐỘNG CƠ THIẾT LẬP CÁC THUỘC ĐỊA MỚI
Lợi ích đầu tiên trong việc thiết lập các thuộc địa của Châu Âu ở Châu Mỹ và vùng Tây Ấn không phải hoàn toàn đơn giản và rõ ràng như lợi ích của Hy Lạp và La Mã cổ xưa trong việc chiếm cứ các thuộc địa.
Tất cả các nhà nước của Hy Lạp cổ xưa thường chỉ có mỗi nước một vùng lãnh thổ rất nhỏ, và khi dân chúng đã sinh sôi nẩy nở quá đông không thể cùng chung sống trên mảnh đất của họ nữa, thì một phần trong số dân chúng đó được gửi tới các vùng xa xôi, hẻo lánh nào đó để xây dựng cơ đồ mới.
Lúc đó xung quanh vùng đất đai mà dân chúng đang sinh sống thường có những bộ lạc láng giềng rất hiếu chiến, những người này chẳng dễ dàng gì để cho số dân chúng đó bành trướng ra khỏi đất nước của mình. Các thuộc địa của dân tộc Dorian chủ yếu nằm trong các vùng đất thuộc nước Ý và đảo Sicily. Vào những thời kỳ trước khi thành lập đế quốc La Mã, các vùng này là nơi cư trú của các bộ lạc mọi rợ và hung dữ, đó là bộ lạc Ionians và Aeolians. Họ là hai bộ lạc lớn khác của người Hy Lạp ở vùng Tiểu Á và các đảo nằm trên biển Aegean. Vào thời đó, các bộ lạc đó cũng đang ở trong tình trạng giống như dân chúng sinh sống ở Sicily và ở Ý. Thành phố mẹ thường coi thuộc địa như mọi sự giúp đỡ cần thiết, và ban cho nó mọi ân huệ cũng như mọi sự giúp đỡ cần thiết, và thành phố mẹ cũng nhận được lòng kính yêu và sự biết ơn của thuộc địa. Đối với vùng đất xa xôi này thành phố mẹ không tìm cách áp đặt quyền lực và không coi nó nằm trong phạm vi quyền hạn của mình. Thuộc địa thành lập một hình thức chính phủ của chính mình, ban hành các luật pháp, cử các vị thẩm phán và tuyên bố chiến tranh hay hòa bình với các dân tộc láng giềng với tư cách là một nhà nước độc lập không cần phải đợi sự chuẩn y hay đồng ý của một thành phố mẹ. Không có gì đơn giản và rõ ràng hơn là một thuộc địa như vậy có những quyền hạn độc lập và lợi ích riêng của nó.
La Mã, cũng giống như các nước cộng hòa cổ xưa khác, đầu tiên được thành lập dưa trên cơ sở một đạo luật về ruộng đất mà qua đó đất đai trong cộng đồng được phân chia theo một tỷ lệ nào đó cho các công dân hợp thành nhà nước. Quá trình diễn biến các hoạt động của xã hội loài người thông qua các cuộc hôn nhân, thừa kế và tước đoạt lẫn nhau tất đã làm xáo trộn sự phân chia ruộng đất lúc ban đầu và đã chuyển quyền sở hữu ruộng đất của nhiều gia đình vào tay một người. Để chấn chỉnh lại tình hình lộn xộn này, một đạo luật đã được ban hành nhằm hạn chế số lượng đất đai mà mỗi một công dân có quyền chiếm hữu không vượt quá 500 Jugera, khoảng 350 mẫu Anh (khoảng 0,4 ha một mẫu).
Tuy đạo luật đó vẫn được thi hành, không bị bỏ rơi hay lãng quên, nhưng tình trạng sở hữu không đều nhau về ruộng đất vẫn cứ tăng lên. Phần lớn các công dân trở thành những người không có ruộng đất mà không có đất thì các luật lệ và tập tục thời bấy giờ làm cho một người tự do khó có thể giữ được quyền độc lập của mình. Vào thời kỳ hiện nay, mặc dù một người nghèo không có ruộng đất riêng, nếu có chút ít vốn liếng, anh ta vẫn có thể canh tác ruộng đất của một người khác hoặc có thể buôn bán nhỏ, và nếu như anh ta không có vốn thì vẫn có thể tìm được một công việc làm như một người lao động nông nghiệp hay thợ thủ công chẳng hạn. Nhưng đối với người La Mã cổ xưa, ruộng đất của người giàu có là do nô lệ đảm nhiệm và làm việc dưới sự cai quản của một đốc công cũng là nô lệ, cho nên một người nghèo có rất ít may mắn trở thành một người lao động nông nghiệp hay một nông dân. Mọi ngành nghề và sản xuất công nghệ đều do người nô lệ đảm nhiệm để làm giàu cho các chủ nô mà sự giàu sang tiền của và quyền lực của họ làm cho những người tự do khó có thể cạnh tranh nổi với họ được. Các công dân không có ruộng đất cũng khó có phương tiện sinh sống nào khác trừ tiền thưởng của các ứng cử viên tại các cuộc bầu cử được tiến hành hàng năm. Các vị đại biểu do dân chúng bầu ra khi muốn cổ vũ người dân thường chống lại những người giàu có và những nhà quyền quý có thế lực, thì thường nhồi vào đầu óc họ hình ảnh của việc phân chia ruộng đất trước kia và gợi ý cho thấy rằng luật về ruộng đất đó nhằm hạn chế tài sản tư nhân vẫn là một đạo luật cơ bản của nước cộng hòa.
Dân chúng đưa ra yêu cầu phải được chia ruộng đất, nhưng những nhà quyền quý và các người giàu lại cương quyết không chịu nhả ra bất kỳ phần đất nào của họ. Để thỏa mãn trong một chừng mực nào đó yêu sách của dân chúng không có ruộng đất, họ luôn luôn đề nghị nên chuyển số dân chúng đó tới một thuộc địa mới. Nhưng đế quốc La Mã đang đi chinh phục các vùng đất đai khác thấy không cần thiết phải đưa những công dân của mình đi tìm vận may ở các vùng xa xôi mà họ thật sự không biết nên định cư ở đâu cho thuận tiện. Vì thế, đế quốc La Mã đã giao cho người dân những đất đai nằm trong các tỉnh của Ý đã được chinh phục và đã trở thành lãnh địa của các nước cộng hòa, vì như thế các người dân di cư đó chẳng bao giờ có thể thành lập được một nhà nước độc lập mà quá lắm chỉ bầu ra một hội đồng quản trị lãnh địa nơi họ ở và dù cho hội đồng đó có quyền ban hành các luật lệ để cai trị địa phương của mình, thì luôn luôn vẫn bị đặt dưới phạm vi quyền hạn và quyền lực pháp lý của thành phố mẹ. Việc chuyển dân tới một thuộc địa kiểu này không chỉ làm cho họ được thỏa mãn về mặt phân chia ruộng đất mà còn thiết lập ở đó một đội quân đồn trú tại chỗ sẵn sàng phục vụ cho lợi ích của đế quốc La Mã khi cần thiết hơn là trông chờ vào lòng trung thành của người dân bản xứ. Do đó một thuộc địa La Mã hoàn toàn khác hẳn với một thuộc địa Hy Lạp xét về bản chất của việc thành lập thuộc địa này cũng như dựa trên những lý do để xây dựng nó. Do đó danh từ “thuộc địa” có những nghĩa khác nhau theo ngôn ngữ nguồn gốc. Từ Latin colonia chỉ có nghĩa khá đơn giản là một đồn điền. Từ Hy Lạp αποιχια, ngược lại, có nghĩa là từ bỏ nơi ở đi khỏi gia đình, không ở nhà nữa. Nhưng mặc dầu thuộc địa La Mã về nhiều mặt khác hẳn với thuộc địa hoàn toàn đơn giản và rõ ràng. Cả hai thiết chế đều xuất phát từ sự cần thiết không thể bỏ qua hoặc từ ích lợi quá rõ ràng và hiển nhiên.
Việc Châu Âu thiết lập các thuộc địa ở Châu Mỹ và Tây Ấn không xuất phát từ bất kỳ một sự cần thiết nào, và dù cho lợi ích mà các thuộc địa đó mang lại quả là rất to lớn, lợi ích cũng không rõ ràng và hiển nhiên như thế. Lúc mới đầu thiết lập thuộc địa, người ta cũng chưa thật hiểu rõ tác dụng mà cũng chẳng rõ vì lý do thiết lập hay vì sự tìm ra vùng đất mới đã làm cho họ nghĩ đến lợi ích đó, và kể từ ngày đầu đặt chân lên vùng đất mới mà sau này được biến thành thuộc địa, họ cũng chưa thật hiểu rõ tính chất, tầm cỡ và giới hạn của lợi ích mà họ sẽ được hưởng sau đó.
Người dân xứ Venizia, vào thế kỷ thứ 14 và thứ 15, đã tiến hành việc buôn bán đồ gia vị và các hàng hóa của Đông Ấn hết sức thuận lợi để phân phối cho các nước ở Châu Âu. Họ mua các hàng hóa đó từ Ai Cập, lúc đó ở dưới quyền thống trị của dân tộc Mamalukes, kẻ thù của người Thổ Nhĩ Kỳ, mà người xứ Venizia cũng là kẻ thù của người Thổ Nhĩ Kỳ. Vì cả hai đều có chung một kẻ thù và cùng chung lợi ích, cho nên đã có một mối quan hệ gắn bó giúp cho người Venizia hầu như nắm độc quyền trong việc buôn bán đó.
Nhưng những lợi nhuận to lớn của người Venizia đã khiến cho người Bồ Đào Nha hết sức thèm muốn, cho nên trong suốt thế kỷ thứ 15, người Bồ Đào Nha đã cố gắng tìm ra con đường biển đi tới các nước mà họ có thể mua được ngà voi và vàng mà người Moor vượt qua sa mạc mang tới cho họ. Vì thế, họ đã khám phá ra các vùng Madeiras, Canaries, Azores mũi quần đảo Verde, vùng bờ biển Guinea, bờ biển Loango, Congo, Angola và Benguela và cuối cùng là mũi Hảo Vọng. Đã từ lâu người Bồ Đào Nha muốn chia sẻ nguồn lợi buôn bán với người Venizia, và phát kiến cuối cùng đã giúp họ có triển vọng thực sự làm được điều họ mong ước. Năm 1497, Vasco de Gama điều khiển một đoàn gồm bốn thuyền buồm lớn xuất phát từ hải cảng Lisbon và sau 11 tháng đã tới bờ biển xứ Indostan, như vậy đã hoàn thành một cuộc thám hiểm dài ngày tiến hành với một sự kiên định lớn và hầu như liên tục trong suốt gần một thế kỷ.
Vài năm trước đó, trong khi Châu Âu ở trong tình trạng chờ đợi người Bồ Đào Nha thực hiện những dự án của họ nhưng xem ra cũng khó thực hiện được, thì một thuyền trưởng người ở vùng Genova đã có chủ trương tiến hành một chuyến vượt biển hết sức phiêu lưu mạo hiểm đi tới các nước vùng Đông Ấn theo hướng tây. Tình hình các nước đó rất ít được biết tới ở Châu Âu thời bấy giờ. Một vài nhà du hành ở Châu Âu cũng đã đi tới những vùng này. Họ đã cường điệu khoảng cách, có thề vì thiếu hiểu biết và quá đơn giản hóa. Vì đó thật là một khoảng cách khó có thể tính toán được với phương tiện thô sơ dùng cho nghề đi biển thời bấy giờ. Nhà vượt biển người Genova này đã đề ra một con đường xuyên đại dương mà ông ta cho là ngắn nhất và cũng là an toàn nhất. Ông này đã thuyết phục được nữ hoàng Isabella xứ Castile về khả năng thực hiện chuyến vượt biển này. Ông đã xuất phát từ hải cảng Palos tháng 8 năm 1492, gần 5 năm trước khi Vasco de Gama lên đường từ Bồ Đào Nha để bắt đầu cuộc thám hiểm của ông ta. Nhà vượt biển người Genova này tên là Columbus đã phải trải qua 2 – 3 tháng trời lênh đênh trên biển cả và cuối cùng đã phát hiện ra các đảo nhỏ Bahamas hay Lucayan rồi sau đó là một đảo lớn St. Domingo.
Nhưng các vùng đất mà Columbus đã phát hiện và tìm ra trong chuyến thám hiểm đầu tiên trong những chuyến vượt biển sau đó chẳng có chút gì giống những nơi mà nhà vượt biển người Genova định cố công tìm kiếm. Thay vì của cải dồi dào ruộng đất phì nhiêu và dân cư đông đúc của Trung Hoa và Indostan ông ta chỉ tìm thấy ở đảo St. Domingo và ở các đảo khác thuộc thế giới mới mà ông ta vừa đặt chân tới chỉ toàn là rừng rậm, đất đai hoang vu và là nơi cư trú của một vài bộ lạc những người sống hoang dã, man rợ, trần truồng và vô cùng đói khổ. Ông chẳng muốn tin rằng những nơi đó cũng chẳng khác gì những vùng đất đã được Marco Polo mô tả vì ông này là người Châu Âu đầu tiên đã đến Trung Hoa và Đông Ấn. Ông tự an ủi vì tìm thấy một vài dấu hiệu chứng tỏ có sự giống nhau nào đó dù rất nhỏ bé, đó là giữa Cibao, tên một quả núi ở đảo St. Domingo, và Cipango đã được Marco Polo nói đến trong cuộc hành trình của ông ta, và như thế cũng đủ để ông trở lại với những ý nghĩ ban đầu đầy trìu mến trước khi tiến hành cuộc hành trình dù cho sự thật không hoàn toàn là như vậy. Trong những bức thư mà ông viết cho Ferdinand và Isabella, ông luôn luôn gọi những vùng mà ông phát hiện ra trong chuyến vượt biển là Ấn Độ. Ông không thấy có chút nghi ngờ gì về những gì ông đã khám phá ra vì đó là những nơi tận cùng đã được Marco Polo mô tả và hơn nữa các vùng đó cũng không xa sông Hằng hoặc các nước đã bị vua Alexander chinh phục. Ngay cả đến khi cuối cùng đã biết chắc là những vùng đất đó khác hẳn, ông vẫn còn cho rằng các nước giàu có đó cũng chẳng còn xa bao nhiêu cách các nơi ông đã tìm thấy, và ông bày tỏ ý định là trong chuyến vượt biển sau, ông sẽ quyết tâm tìm kiếm các nước đó theo dọc bờ biển Terra Firma và hướng tới eo đất Darien.
Do sự hiểu lầm của Columbus cái tên Ấn Độ đã được gán cho các vùng đất đã được ông đặt chân lên trong chuyến vượt biển đó. Nhưng khi cuối cùng người ta thấy đó không phải là Ấn Độ thì các vùng đất mới được Columbus phát hiện được gọi là Tây Ấn, còn Ấn Độ cũ được gọi là Đông Ấn.
Tuy nhiên, triều đình Tây Ban Nha thấy các vùng đất mà Columbus tìm ra là những nơi mà ông này miêu tả là rất quan trọng vì ở các nơi đó có những tài nguyên thiên nhiên phong phú, đó là cây cối và các động vật hoang dại.
Con Cori, một loại thú vật nhỏ có tầm cỡ và hình dáng nằm giữa con chuột và con thỏ, đã được ông Buffon cho là giống như con Aperea của Brazil, là một loài thú vật bốn chân, đẻ con, lớn nhất ở đảo St. Domingo. Loại thú vật này hình như chưa bao giờ có nhiều, và chó mèo của người Tây Ban Nha đã hầu như tiêu diệt gần hết chúng cùng với một loại thằn lằn gọi là Ivana hoặc Iguana là phần thực phẩm động vật chủ yếu mà đất đai trên đảo có thể cung cấp được cho con người.
Thực phẩm thực vật của dân cư sống trên đảo cũng không có nhiều. Nó gồm có ngô bắp, củ từ, khoai tây, chuối v. v… đó là những loại thực vật mà Châu Âu thời đó chưa biết đến, cho nên không được ưa chuộng, và hơn nữa người ta còn không cho là các loại thực vật đó cho con người những chất dinh dưỡng cũng như các loại thóc lúa, đỗ đậu mà nhân dân Châu Âu đã trồng, tỉa từ bao đời nay.
Cây bông, một sản vật của đảo, đã cung cấp nguyên liệu cho nền công nghiệp dệt rất quan trọng thời bây giờ và được người Châu Âu cho là một loại thực vật rất có giá trị của các đảo đã được phát hiện. Nhưng mặc dù vào cuối thế kỷ 15, vải muslin (một loại vải mỏng) và các mặt hàng vải bông khác của Đông Ấn được người Châu Âu ưa dùng và tiêu thụ ở khắp mọi nơi trên lục địa này, sản xuất bông cũng chưa được tiến hành ở bất kỳ nơi nào ở Châu Âu. Hơn nữa, người Châu Âu còn cho là trồng bông cũng không mang lại nhiều lợi ích lắm.
Do chẳng tìm thấy các loại thú vật và thực vật khả dĩ mang lại nhiều lợi ích cho mình tại các đảo vừa mới tìm thấy để có thể chứng minh cho sự có ích của chúng đối với con người, Columbus chuyển sang tìm kiếm các khoáng sản. Ông ta tìm thấy nhiều loại rất quý hiếm có khả năng bù lại cho sự đạm bạc của giới thực vật và đông vật. Columbus thấy thổ dân trên đảo trang trí các quần áo họ mặc bằng những mẫu vàng nhỏ và ông được họ cho biết là họ tìm thấy những mẫu vàng đó trong các khe suối và ở chân các thác nước đổ từ đỉnh núi cao xuống. Điều đó làm cho ông vô cùng thỏa mãn vì thấy các vùng ông mới phát hiện rất giàu các mỏ vàng. Đảo St. Domingo được miêu tả là một vùng có rất nhiều vàng và chắc chắn là một nguồn của cải lớn cho triều đại Tây Ban Nha. Khi Columbus trở về nước, ông ta được nhà vua đón rước hết sức trọng thể với những nghi lễ dành cho người chiến thắng từ phương xa trở về. Các vật phẩm lấy từ các đảo về để cống tiến cho nhà vua được chở theo ông cùng với đoàn người diễu hành. Các đồ vật quý giá chỉ bao gồm có một số vòng tay và đồ trang sức bằng vàng và một vài kiện bông, còn lại chỉ là các đồ vật lạ tầm thường, và nhạc khí có tầm cỡ lớn đặc biệt, vài con chim có lông sắc rực rỡ và một vài bộ da cá sấu cực lớn cùng với 6,7 người thổ dân khốn khổ mà sắc mặt và hình dáng của họ đã gây một sự xúc động và cảm giác mới mẻ cho cuộc trình diễn cống nạp sản vật quý cho nhà vua.
Qua những lời trình bày của Columbus, triều đình Castile quyết định thu nhận làm thuộc địa các vùng đất mà Columbus đã tìm thấy, các thổ dân ở các nơi đó đành phải chịu ách thống trị của Tây Ban Nha vì họ chẳng có một chút khả năng nào để tự chống đỡ và bảo vệ cả. Lý do biến các vùng mới tìm thấy thành thuộc địa được giải thích như là một hành động nhằm chuyển thổ dân thành tín đồ cơ đốc giáo nhưng điều đó không thể biện minh cho sự bất công của hành động nói trên. Phải nói rằng ý đồ duy nhất thúc đẩy ông ta chiếm lấy các vùng đất mới là sự hy vọng tìm thấy ở đó các kho vàng. Và cũng để thực hiện ý đồ đó, Columbus đã đề nghị với triều đình Tây Ban Nha rằng một nửa số vàng bạc khai thác được ở vùng đó sẽ thuộc về nhà vua. Đề nghị này đã được triều đình chấp thuận.
Chừng nào toàn bộ hay phần lớn số vàng mà những nhà thám hiểm đã mang về cho Châu Âu là do hình thức chiếm đoạt, cướp bóc những thổ dân không có khả năng tự vệ, cho nên số vàng cống nạp lớn như thế cũng dễ dàng nộp được. Nhưng khi các thổ dân đã bị tước đoạt hết số vàng họ có và việc này chỉ cần 6 đến 8 năm là đã hoàn thành thì lúc bấy giờ muốn có vàng phải bắt tay vào khai thác mỏ, cho nên cũng khó mà có thể cống nạp cho nhà vua một số vàng lớn như vậy.
Sự bóp nặn vàng quá nặng nề đã làm cho các mỏ vàng bị khai thác triệt để và trở nên kiệt quệ đến nỗi không còn có thể sử dụng được nữa, cho nên, số vàng cống nạp cho triều đình được giảm xuống chỉ còn 1/3, sau đó 1/5 rồi sau nữa còn 1/10 và cuối cùng chỉ còn 1/20 tổng sản lượng vàng khai thác được. Còn số bạc phải đóng cho triều đình tiếp tục trong một thời gian khá dài là 1/5 tổng sản lượng bạc khai thác được. Trong thế kỷ này số bạc nộp cho chính quốc chỉ còn 1/10 mà thôi. Nhưng các nhà phiêu lưu, mạo hiểm lại tỏ ra không thích thú gì đối với bạc cả. Họ chẳng chú ý gì đến các thứ kim loại nào khác ngoài vàng.
Các công việc làm khác của người Tây Ban Nha tại các vùng đất mới sau việc làm của Columbus hình như cũng được thôi thúc bởi một lý do tương tự. Sư thèm khát vàng đã đưa Oieda, Nicuessa và Vasco Nugnes de Balboa tới mũi Darien, đã đưa Cortex tới Mexico và đưa Almagro và Pizzarro đến Chile và Peru.
Khi các nhà thám hiểm tới được một bờ biển mới chưa ai biết đến, lời thăm hỏi đầu tiên là ở đó có thể tìm thấy được vàng không, và tùy theo những thông tin mà họ nhận được từ các thổ dân nơi đó, họ sẽ quyết định là rời vùng đó hay ở lại. Tất cả cá cuộc phiêu, mạo hiểm tốn kém và không chắc chắn đã làm cho phần lớn những người tham gia vào trò chơi này, bị khuynh gia bại sản, và công việc tìm kiếm các mỏ vàng, bạc mới là một công việc tai hại nhất đối với họ. Có thể đây là một cuộc xổ số không mang lại mấy thuận lợi cho người chơi vì tỷ lệ người được so với người thua là hết sức nhỏ nhoi, không đáng kể vì các giải thưởng quá ít mà người chơi lại quá nhiều, cái giá chung của một vé xổ số là toàn bộ cơ đồ của một người rất giàu có. Các dự án khai thác mỏ vàng bạc, đáng lẽ ra phải hoàn lại số tiền vốn bỏ ra để khai khoáng và mang lại số lợi nhuận thông thường cho số tiền vốn đã được sử dụng, cuối cùng lại ngốn đi cả vốn lẫn lãi.
Vì vậy đó là những dự án mà một nhà lập pháp thận trọng muốn tăng số tiền vốn của đất nước ít nhất phải lựa chọn để có một sự khuyến khích đặc biệt hoặc để trao cho các dự án đó một số tiền vốn lớn hơn nhiều so với số tiền vốn đáng lẽ phải bỏ ra trên cơ sở tự nguyện. Thực ra đây chỉ là một sự tin tưởng phi lý mà hầu hết mọi người đều có đối với vận may của mình. Mặc dù khả năng thành công rất mỏng manh, hãn hữu, người ta vẫn sẵn sàng bỏ ra một số tiền quá lớn một cách khá dễ dàng và trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.
Mặc dù sự xét đoán với một đầu óc trầm tĩnh điềm đạm về các dự án đó là hết sức bất lợi, sự xét đoán của lòng tham của con người thường hoàn toàn khác hẳn. Sự say mê đã làm cho nhiều người chấp nhận ý tưởng phi lý về một hòn đá tạo vàng thì cũng đã làm cho những người khác tin vào quan niệm cũng phi lý chẳng kém về những mỏ vàng, bạc to lớn. Họ không chút suy xét giá trị của các kim loại quý đó, ở mọi thời đại và các quốc gia, chủ yếu là do sự hiếm hoi của nó, và sự hiếm hoi này lại là do thiên nhiên chỉ khu trú nó vào một nơi nhất định và lại còn bao bọc chúng bằng những lớp đá cũng khó có thể bốc dỡ đi được, cho nên đòi hỏi tìm thấy các mạch quặng vàng bạc lớn và dồi dào như họ thường thấy đối với chì, đồng, thiếc hay sắt. Mộng tưởng của ngài Walter Raleigh về một thành phố vàng và một El Dorado (một xứ tưởng tượng có rất nhiều vàng) có thể làm cho chúng ta thích thú, mặc dù những người khôn ngoan cũng không thể tránh khỏi là không bị ám ảnh bởi những ảo tưởng hão huyền. Hơn một trăm năm sau khi con người vĩ đại nơi trên đã mất, thầy tu Gumila vẫn còn tin vào sự có thật của một đất nước diệu kỳ như vậy nên đã biểu thị sự sôi nổi, nhiệt tình là ông ta sẽ rất sung sướng nếu được đem ánh sáng của điều có thể tin là thật đó tới một dân tộc có khả năng đền bù lại xứng đáng sự khó nhọc mà nhà truyền giáo đã phải gánh chịu khi mang điều tốt lành đó tới cho họ.
Ở các vùng đất được người Tây Ban Nha tìm thấy đầu tiên, người ta chẳng thấy có mỏ vàng, bạc nào khả dĩ đáng để khai thác. Các nhà thám hiểm đầu tiên chắc cũng đã tìm ra những khối lượng vàng bạc lớn nhưng họ cũng đã thổi phồng thêm lên rất nhiều, kể cả trữ lượng của các mỏ mà họ đã khai thác. Nhưng họ đã thôi thúc lòng ham muốn giàu có của những người đồng hương của họ. Mỗi người Tây Ban Nha khi xuống tàu vượt biển tới Châu Mỹ đều mong tìm thấy ở đó một El Dorado. Vận may cũng đã giúp họ lần này như đã làm như vậy trong một vài trường hợp khác. Vận may đã giúp thực hiện niềm hy vọng của những người sùng tín nói trên. Trong việc phát hiện và chinh phục Mexico và Peru (xảy ra vào khoảng 30 năm đối với Mexico và 40 năm đối với Peru sau khi Columbus đầu tiên tìm thấy Châu Mỹ). Vận may đã mang lại cho những người đi tìm sự giàu sang phú quý ở Châu Mỹ những khối lượng kim loại quý mà họ muốn có.
Một dự án buôn bán với các nước thuộc vùng Đông Ấn đã giúp cho việc tìm ra Châu Mỹ.
Một dự án chinh phục đã mở đầu cho việc thiết lập sự thống trị của người Tây Ban Nha ở các vùng đất mới tìm ra. Lý do dẫn đến sự chinh phục này là việc tìm kiếm các mỏ vàng, bạc, và hơn nữa, một loạt các sự tình cờ, ngẫu nhiên, mà không một người khôn ngoan, hiểu biết nào có thể thấy trước được, đã làm cho dự án này kết thúc hết sức thắng lợi đến mức mà chính những người thực hiện kế hoạch cũng không thể ngờ tới được.
Những người phiêu lưu, mạo hiểm đầu tiên của các nước khác ở Châu Âu cũng đã tìm cách tiến hành các cuộc chiếm cứ đất làm thuộc địa tại các vùng đất mới được tìm thấy nhưng những ý định của họ đã không thể thực hiện được như vậy. Hơn một trăm năm sau khi đã thiết lập xong xuôi các khu định cư của người Châu Âu tại Brazil, người ta mới tìm thấy các mỏ vàng, bạc và kim cương ở các vùng này. Tại các thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan và Đan Mạch, người ta chẳng tìm thấy một mỏ nào, hoặc chí ít là có tìm thấy nhưng chẳng đáng để khai thác. Những người Anh đến lập nghiệp ở thuộc địa đầu tiên ở Bắc Mỹ đã cam kết nộp 1/5 số vàng, bạc khai thác được cho nhà vua như là một sự đền đáp lại ơn huệ của nhà vua đã cho họ quyền khai thác kim loại quý ở thuộc địa.
Trong các giấy phép cho quyền khai thác các mỏ kim loại quý cấp cho ngài Walter Raleigh, cho các công ty London và Plymouth, cho hội đồng Plymouth v.v… cũng đã ghi rõ phải nộp cho nhà vua 1/5 số kim loại quý khai thác được.
Cũng nhằm để tìm kiếm các mỏ vàng, bạc, các người đầu tiên đến lập nghiệp ở các thuộc địa cũng đã tham gia vào việc tìm con đường theo hướng Tây Bắc để tới các vùng Đông Ấn, nhưng đến nay họ vẫn cam chịu thất bại ở cả hai mặt khai thác mỏ và tìm đường.
PHẦN II
NGUYÊN NHÂN PHỒN VINH Ở CÁC THUỘC ĐỊA MỚI
Thuộc địa của một nước văn minh, dù trước đó nó là một vùng đất hoang vu hay một nơi có dân cư thưa thớt mà do đó người thổ dân ở đó sẵn sàng đón mời các người khác đến đó lập nghiệp, thường dễ tiến nhanh đến sự giàu có và phồn vinh hơn bất cứ một xã hội loài người nào khác.
Những người đến định cư ở đất mới thường có những kiến thức về nông nghiệp và sự hiểu biết về mỹ nghệ hơn là những người dân bản xứ. Họ cũng mang theo thói quen phải biết tuân theo các quy tắc về cai trị mà họ đã từng thấy được thực hiện ở chính nước họ, kể cả hệ thống luật pháp, nói chung, họ thiết lập ở nơi họ mới đến định cư một hình mẫu giống như ở chính quốc. Nhưng đối với những dân tộc còn sống trong tình trạng hoang dã, họ làm quen dễ dàng với mỹ nghệ hơn là với các hình thức luật pháp và cai trị. Những người đến định cư có thể dành được đất đai nhiều hơn là khả năng họ có thể trồng trọt, họ không phải trả tiền thuê đất và cũng chẳng phải trả một thứ tiền thuế nào.
Không có địa chủ nào bắt họ phải chia sẻ các sản phẩm thu hoạch được và, hơn nữa, nhà vua có đòi họ phải nộp một phần nào số sản vật đó thì cũng chẳng đáng kể. Cho nên họ tìm mọi cách để thu được ngày càng nhiều sản phẩm hơn vì tất cả những thứ đó đều thuộc về họ. Nhưng vì họ chiếm một vùng đất quá rộng mà với sự cần cù lao động của chính họ cộng với sức lực của những người mà họ có thể thuê mướn đến làm cho họ, họ cũng ít khi làm cho số đất đó đem lại 1/10 sản lượng mà nó có khả năng tạo ra. Cho nên, họ hăm hở đi tìm thuê các người lao động ở khắp các nơi, và trả cho các người đó tiền công hậu hỉ nhất. Mặc dù tiền công cao nhưng đất đai lại thừa thãi và rẻ mạt, cho nên những người lao động đó, chỉ một thời gian ngắn sau đó, đã rời bỏ điền chủ để tự canh tác lấy trên mảnh đất mà họ mua được.
Khi trở nên chủ ruộng đất, những người này cũng tìm những người lao động khác giúp mình canh tác. Đến lượt những người lao động mới đến, họ cũng chỉ ở không lâu rồi lại rời bỏ chủ mà đi kiếm ruộng đất để tự mình khai thác lấy. Do tiền công trả cho người lao động cao nên đã khuyến khích hôn nhân. Các trẻ em sinh ra từ các cuộc hôn nhân đó được nuôi và chăm sóc tốt, và khi chúng đến tuổi lao động, giá trị sức lao động của chúng thừa đủ để trả cho mọi chi phí nuôi nấng chúng nên người. Khi đến tuổi trưởng thành, chúng lại tiếp tục mua đất bằng giá tiền công cao của chúng và lại trở thành các chủ ruộng đất như ông, cha chúng trước đó.
Ở các nước khác, tiền thuê ruộng đất và lợi nhuận ngốn hết số tiền công. Hai tầng lớp trên cùng nhau áp bức tầng lớp dưới. Nhưng ở các thuộc địa mới, lợi ích của hai tầng lớp trên buộc họ phải đối xử rộng rãi và nhân hậu hơn đối với tầng lớp dưới, ít nhất là trong tình hình mà tầng lớp dưới này không phải là người nô lệ. Người ta mua với giá rẻ mạt các khu đất hoang vu nhưng hết sức màu mỡ.
Người chủ và cũng là người khai thác đất hoang thu được lợi tức ngày càng nhiều do biết đầu tư vào việc cải tạo đất. Nhưng họ cũng không thể làm việc đó một mình được và cần phải có sức lao động của nhiều người khác trong việc khai thác và trồng trọt. Do số lao động cần thiết lại quá ít và số đất đai cần phải khai khẩn lại quá nhiều, cho nên họ khó có thể tìm đủ số nhân công mà họ cần thuê mướn. Lúc đó, họ không đếm xỉa gì tới tiền công cao hay thấp miễn sao thuê được người làm dù phải trả bất kỳ giá nào. Người lao động làm thuê rất phấn khởi trước việc trả tiền công lao động cho họ.
Đất đai màu mỡ mà giá bán lại quá rẻ đã khuyến khích các chủ đồn điền cố gắng cải tạo đất và sẵn sàng trả tiền công cao cho nhân công giúp việc. Trong số tiền công đó có cả hầu như toàn bộ giá của đất. Cho nên mặc dù tiền công cao, nó vẫn thấp so với giá trị mà nó mang lại cho chủ đất. Điều gì khuyến khích dân chúng trong việc cải tạo đất thì cũng thúc dục họ tiến lên làm giàu để tăng thêm của cải cho bản thân.
Các thuộc địa cũ của Hy Lạp đã nhanh chóng vươn tới sự giàu có phồn vinh hình như cũng trong hoàn cảnh giống như vậy. Chỉ trong vòng một thế kỷ, một số thuộc địa đó đã đuổi kịp, thậm chí vượt các thành phố mẹ như Syracuse và Agrigentum ở Sicily, Tarentum và Locri ở Ý, Ephesus và Miletus ở Tiểu Á, các thuộc địa nói trên ít nhất cũng đã tiến lên ngang hàng về mặt giàu có so với các thành phố Hy Lạp cổ xưa.
Mặc dù được thiết lập sau, mọi loại hình nghệ thuật, triết học, thơ ca và tài hùng biện hình như đã được trau dồi từ lâu và đã được nâng cao chẳng kém gì bất kỳ nơi nào của nước mẹ. Trường phái của hai nhà triết học Hy Lạp cổ nhất, Thales và Pythagoras đã được thiết lập không phải ở cổ Hy Lạp mà một trường phái ở một thuộc địa ở Châu Á, và một trường phái ở một thuộc địa ở Ý. Tất cả các thuộc địa đó đều đặt ở các vùng đất cư trú của các dân tộc còn sống trong tình trạng hoang dã, man rợ, cho nên những thổ dân này dễ dàng lùi bước để cho những người định cư đến ở vùng đất mới chiếm cứ và khai khẩn đất đai theo ý muốn.
Những người định cư này chiếm được các khoảng đất màu mỡ rộng lớn và vì họ độc lập với thành phố mẹ, nên họ có quyền tự do quản lý mọi công việc theo cách mà họ cho là phù hợp nhất với lợi ích của chính họ.
Lịch sử các thuộc địa La Mã không có gì là sáng sủa lắm. Một vài thuộc địa, như Florence chẳng hạn, thực ra đã lớn mạnh thành những nước lớn qua nhiều thế kỉ xây dựng, sau khi thành phố mẹ sụp đổ. Nhưng không một thuộc địa nào trong số đó có được một tốc độ phát triển nhanh cả. Các thuộc địa đó được thành lập tại các tỉnh bị chinh phục và phần lớn đã có khá nhiều dân cư sinh sống ở đó. Những người đến định cư ở thuộc địa mới ít khi được giao cho nhiều đất đai và hơn nữa, vì thuộc địa đó không được độc lập, cho nên những người đến định cư không phải lúc nào cũng có tự do để tự quyết định mọi công việc theo hướng thích hợp nhất với lợi ích của chính họ.
Về mặt đất đai dồi dào và màu mỡ, các thuộc địa của Châu Âu lập tại Châu Mỹ và vùng Tây Ấn đã đuổi kịp và hơn nữa còn vượt xa khá nhiều thuộc địa của cổ Hy Lạp. Do bị phụ thuộc vào nước mẹ, các thuộc địa này không khác gì các thuộc địa của thời cổ La Mã, nhưng do ở vào vị trí khá xa Châu Âu cho nên sự phụ thuộc này cũng được giảm bớt đi ít nhiều. Do vị trí nằm ở xa cho nên các thuộc địa đó ít bị sự tác động của quyền lực nước mẹ. Khi tiến hành các hoạt động phục vụ cho lợi ích bản thân, các thuộc địa thường nhiều khi không được nước mẹ chú ý đến nếu không nói là bị bỏ mặc vì thực ra nước mẹ cũng chẳng hề và chẳng thể biết được những gì đang diễn ra ở thuộc địa. Trong một vài trường hợp, nước mẹ phải gánh chịu ảnh hưởng tai hại của các công việc làm ở thuộc địa và đành phải chịu như vậy vì đường sá xa xôi nên không thể hạn chế được các hoạt động sai trái ở thuộc địa. Ngay cả chính phủ độc tài và bạo lực Tây Ban Nha cũng đã nhiều lần bị buộc phải thu hồi lại hoặc làm giảm nhẹ các mệnh lệnh đã được áp đặt lên chính phủ thuộc địa vì sợ có cuộc nổi dậy của quần chúng. Phải nói rằng các thuộc địa của Châu Âu đều đạt được những tiến bộ rất lớn về mặt của cải, dân số và cải tạo đất đai canh tác.
Triều đình Tây Ban Nha thu được khá nhiều lợi tức từ các thuộc địa ngay từ ngày đầu mới được thành lập. Những nguồn lợi mà triều đình này thu được đã làm tăng thêm lòng ham muốn giàu có hết sức phi lý của nhiều người. Các thuộc địa của Tây Ban Nha ngay từ ngày đầu mới thành lập đã thu hút ngay sự chú ý của nước mẹ, trong khi đó thuộc địa của các nước Châu Âu khác lại bị nước mẹ bỏ mặc, không thèm nhìn ngó tới trong một khoảng thời gian khá lâu. Các thuộc địa Tây Ban Nha cũng không khấm khá hơn khi được sự chú ý của nước mẹ, và các thuộc địa của các nước Châu Âu khác khi bị nước mẹ lãng quên cũng chẳng vì thế mà trở nên tồi tệ hơn.
Tính theo diện tích đất đai, các thuộc địa Tây Ban Nha được coi là có dân số ít hơn và ít thịnh vượng hơn so với hầu hết các thuộc địa của các nước Châu Âu khác. Các thuộc địa Tây Ban Nha đạt được khá nhanh chóng những thành tựu to lớn về mặt dân số và cải tạo đất đai. Thành phố Lima được thành lập ngay sau khi bị chinh phục đã được Ulloa miêu tả như có một số dân 50.000 người vào thời điểm cách đây 30 năm. Quito, một xóm tồi tàn, nghèo khổ của người da đỏ, cũng được tác giả nói trên mô tả là khá đông dân cư. Gemelli Carreri, tự cho mình là một người du hành, đã mô tả thành phố Mexico như có một số dân 100.000 người; con số này, bất chấp sự thổi phồng của các nhà văn Tây Ban Nha, chắc hẳn ít ra cũng gấp hơn 5 lần số dân có vào thời Montezuma. Các con số này vượt xa nhiều số dân ở Boston, New York và Philadelphia, ba thành phố lớn của các thuộc địa Anh.
Trước khi có cuộc chinh phục của người Tây Ban Nha, không có súc vật kéo ở cả Mexico lẫn Peru. Lama là súc vật thồ duy nhất ở hai nơi này, và sức mạnh của con lama hình như còn kém xa con lừa. Dân chúng chẳng biết cái cày là thế nào. Họ cũng không biết sử dụng sắt. Họ không có tiền đúc mà cũng chẳng có phương tiện thanh toán nào cả. Dân chúng đổi chác hàng với nhau thay vì buôn bán. Một cái mai đá mài nhọn trở thành những con dao và búa để chặt, bổ. Xương cá và gân một vài loại súc vật dùng thay cho kim, chỉ để vá may và đó cũng là những thứ đồ vật dùng để trao đổi. Trong một tình trạng như thế, chắc hẳn cả hai nơi này khó có thể trở nên phát đạt, thịnh vượng được nếu như không được sự cung cấp thừa thãi về các loại súc vật, cày, các công cụ bằng sắt và nhiều đồ mỹ nghệ từ Châu Âu. Nhưng dân số của mỗi vùng phải cân đối với mức tăng trưởng và trình độ canh tác. Mặc dù ngay sau khi bị chinh phục, rất nhiều thổ dân đã bị tàn sát, hai vùng này đã được coi là có số dân đông hơn trước kia rất nhiều, và hơn nữa, cũng phải thừa nhận rằng người Tây Ban Nha định cư ở Châu Mỹ về nhiều mặt tài giỏi và có kỹ năng kỹ xảo hơn so với người da đỏ ở đó từ lâu.
Sau khi người Tây Ban Nha định cư trên vùng đất mới ở Châu Mỹ, việc định cư của người Bồ Đào Nha ở Brazil là lâu đời nhất so với bất kì một dân tộc Châu Âu nào khác sinh sống ở Châu Mỹ. Nhưng vì một thời gian lâu sau khi phát hiện các vùng đất mới lần đầu tiên, người ta không tìm thấy các mỏ vàng, bạc cho nên nhà vua cũng chỉ nhận được một ít lợi tức hoặc đôi khi không nhận được tí lợi tức nào từ thuộc địa nộp về cho chính quốc.
Vì thế, thuộc địa chẳng được sự quan tâm của chính quốc và hầu như bị bỏ mặc. Chính trong tình trạng bị lãng quên đó mà thuộc địa này đã có cơ hội vươn mình phát triển và trở nên giàu mạnh. Khi Bồ Đào Nha bị Tây Ban Nha thống trị, Brazil đã bị Hà Lan tấn công chiếm 7 trong số 14 tỉnh mà Brazil lúc đó bị chia thành. Người Hà Lan còn muốn xâm chiếm nốt 7 tỉnh còn lại, nhưng Bồ Đào Nha đã giành lại độc lập với dòng họ Braganza lên trị vì trên ngôi vua. Lúc đó người Hà Lan là kẻ thù của người Tây Ban Nha, cho nên đã trở thành bạn của Bồ Đào Nha vì nước này cũng là kẻ thù của Tây Ban Nha. Hà Lan đồng ý trao lại phần đất mà họ chưa chinh phục cho vua Bồ Đào Nha, ngược lại, vua Bồ Đào Nha đã chinh phục được như là một cử chỉ thân thiện giữa hai bạn đồng minh tốt. Nhưng chính phủ Hà Lan chẳng bao lâu lại áp bức người Bồ Đào Nha đã định cư ở Brazil. Những người này, thay vì đệ đơn khiếu nại để xin giải quyết, thì lại cầm lấy vũ khí và chiến đấu chống những người chủ mới. Với tinh thần dũng cảm và quyết tâm cao, được sự đồng tình chứ không phải là sự giúp đỡ của nước mẹ, họ đã đánh đuổi bọn thống trị Hà Lan ra khỏi Brazil.
Người Hà Lan thấy rõ họ không thể có khả năng chiếm giữ bất cứ phần đất nào ở Brazil cho họ nữa nên đã bằng lòng trao trả toàn bộ số đất đai dưới quyền của họ cho nhà vua Bồ Đào Nha hoặc con cháu của người Bồ Đào Nha đã định cư từ lâu ở các vùng này, người da trắng lai da đen và người hợp chủng giữa người Bồ Đào Nha và người Brazil. Không có một thuộc địa nào ở Châu Mỹ lại có nhiều loại người thuộc nguồn gốc Châu Âu như thế.
Vào cuối thế kỷ 15 và trong suốt phần lớn thế kỷ thứ 16, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là hai cường quốc hàng hải lớn trên mặt đại dương. Mặc dù việc buôn bán của Venizia được mở rộng tới khắp mọi nơi ở Châu Âu, hạm đội của Venizia cũng ít khi vượt qua phạm vi Địa Trung Hải. Người Tây Ban Nha đòi quyền chi phối toàn bộ Châu Mỹ với lý do họ là người đầu tiên tìm ra châu lục này. Dù cho họ không thể ngăn cản một cường quốc hàng hải lớn như Bồ Đào Nha mang dân đến định cư ở Brazil, Tây Ban Nha cũng làm cho phần lớn các quốc gia khác khiếp sợ không dám đến thiết lập thuộc địa ở bất kỳ nơi nào khác ở trên lục địa rộng lớn này. Những người Pháp muốn tìm cách định cư ở Florida đã bị người Tây Ban Nha tàn sát hết. Nhưng sự suy sụp về quyền lực hải quân của Tây Ban Nha, do sự thất bại của cái mà họ gọi là hạm đội vô địch của họ xảy ra vào cuối thế kỷ thứ 16 đã làm cho Tây Ban Nha không còn có đủ quyền lực cản trở các nước Châu Âu khác thiết lập thuộc địa tại Châu Mỹ. Trong suốt thế kỷ thứ 17, Anh, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển, những nước có hải cảng trên bờ đại dương, đã tìm cách thiệt lập các vùng định cư của họ tại Tân Thế Giới.
Người Thụy Điển đến định cư ở New Jersey; và việc một số gia đình Thụy Điển vẩn còn thấy sinh sống ở đó chứng tỏ là thuộc địa này đã có thể trở nên phát đạt thịnh vượng nếu như được sự che chở của mẫu quốc. Nhưng vì bị Thụy Điển bò mặc, không chú ý đến nên đã bị thuộc địa New York của người Hà Lan nuốt chửng, và sau đó, đến năm 1674 bị đặt dưới sự thống trị của Anh.
Các đảo nhỏ St. Thomas và Santa Cruz là những vùng duy nhất bị người Đan Mạch chiếm cứ. Những khu định cư nằm trên các đảo này bị đặt dưới sự cai quản của một công ty độc quyền. Công ty này giành lấy độc quyền thu mua những sản phẩm dư thừa của những người định cư và cung cấp trở lại cho họ hàng hóa của các vùng khác mà họ cần dùng. Trong mọi công việc mua bán, công ty này đã không những ép buộc những người định cư về mặt giá cả mà còn muốn thực hiện nhiều điều áp bức khác nữa. Có thể nói rằng không có gì tồi tệ hơn là sự cai quản của một công ty các con buôn, nó chẳng từ một việc gì nếu thấy có lợi. Tuy nhiên nó không thể cản trở các thuộc địa này tiến bước đi trên con đường phát triển mặc dù có thể làm chậm đi một chừng mực nào. Do Vua Đan Mạch gần đây đã ra lệnh giải tán công ty này cho nên các thuộc địa ở vùng Tây Ấn của Hà Lan cũng giống như các thuộc địa ở vùng Đông Ấn thoạt đầu bị đặt dưới sự cai quản của một công ty độc quyền. Một vài thuộc địa trong số này cũng đã có những tiến bộ đáng kể so với bất kỳ vùng nào khác đã được thành lập thành thuộc địa từ lâu và có đông dân cư sinh sống ở đó, nhưng vẫn kém phát triển nếu so sánh với phần lớn các thuộc địa mới.
Thuộc địa Surinam, dù đã có những bước tiến khá dài nhưng hãy còn chậm so với các thuộc địa trồng mía của các nước Châu Âu khác.
Thuộc địa Nova Belgia, hiện nay đã chia thành hai tỉnh New York và New Jersey, chắc cũng đã đạt được mức phát triển khá mặc dù vẫn nằm dưới sự cai trị của Hà Lan.
Thuộc địa này có những vùng đất phì nhiêu rộng lớn bán với giá rẻ, và đó chắc hẳn là nguyên nhân dẫn đến sự thịnh vượng ở nơi này mà không có một sự cai trị tồi tệ đến đâu có thể cản bước tiến của thuộc địa này trên con đường mở mang, phát đạt.
Vì thuộc địa nằm ở rất xa chính quốc cho nên những người định cư ở đây vẫn dùng mọi cách như buôn lậu để trốn tránh những hành động độc quyền của công ty đối với họ. Hiện nay công ty này cho phép các tàu Hà Lan buôn bán với Surinam với điều kiện đóng thuế 2,5 phần trăm trên tổng giá trị số hàng hóa chở trên tàu và chỉ dành cho mình độc quyền buôn bán nô lệ từ Châu Phi sang Châu Mỹ mà thôi. Có lẽ do sự nới lỏng các đặc quyền của công ty mà thuộc địa đã có dịp phát triển mạnh. Curacoa và Eustatia là hai đảo chủ yếu của Hà Lan được biến thành các hải cảng tự do mở cửa cho tất cả tàu bè của các nước. Chính sự tự do này là nguyên nhân dẫn đến sự thịnh vượng ở những đảo khó khăn này vì nếu đem so với các thuộc địa khác dù tốt hơn thì cửa khẩu của các thuộc địa đó cũng chỉ mở rộng cửa đón tiếp tàu bè của một nước duy nhất mà thôi.
Thuộc địa Canada của Pháp trong suốt phần lớn thế kỷ trước và một phần thế kỷ hiện nay cũng bị đặt dưới sự cai quản của một công ty độc quyền. Dưới sự cai quản không mấy thuận lợi như thế, thuộc địa này tất yếu phát triển rất chậm so với các thuộc địa mới được thành lập, nhưng nó đã có những bước tiến khá nhanh sau khi công ty độc quyền bị giải tán vì cái gọi là kế hoạch Mississippi bị thất bại. Khi người Anh chiếm giữ thuộc địa này họ thấy dân số ở đó gần gấp đôi số dân mà cha Charlevoix đã gán cho nó khoảng 20 – 30 năm trước đó. Vì thầy tu này đã đi thăm khắp mọi nơi trong vùng và không có ý định mô tả số dân ít hơn là thực tế.
Tại thuộc địa St. Domingo của Pháp một vùng đất do bọn cướp biển và lục lâm dùng làm sào huyệt khá lâu nên chúng không cần đến sự bảo vệ mà cũng chẳng công nhận quyền lực của nước Pháp. Khi bọn kẻ cướp đó trở thành những người công dân bình thường, chúng bắt đầu thừa nhận quyền lực này của Pháp, nhưng sự cai trị ở đó đã phải tiến hành hết sức nhẹ nhàng, mềm dẻo trong một thời gian khá dài. Chính trong thời gian này thuộc địa đã phát triển khá nhanh. Nó cũng như nhiều thuộc địa khác của Pháp lúc đầu cũng bị đặt dưới sự cai quản của một công ty độc quyền, vì lẽ đó thuộc địa tất nhiên bị chậm phát triển. Khi sự áp bức của công ty chấm dứt thì thuộc địa này đã có những bước tiến khá nhanh. Nó đã trở thành một vùng sản xuất đường quan trọng nhất ở Tây Ấn, và sản lượng đường của thuộc địa này được cho biết là lớn hơn sản lượng đường của tất cả các thuộc địa trồng mía của Anh gộp lại. Các thuộc địa trồng mía khác của Pháp nói chung cũng phát triển rất tốt.
Nhưng phải nói rằng không có thuộc địa nào có sự phát triển nhanh như thuộc địa của Anh tại bắc Mỹ.
Hai nguyên nhân lớn dẫn đến sự thịnh vượng tại tất cả các thuộc địa mới là đất đai rộng lớn và màu mỡ cộng với quyền tự do quản lý công việc theo cách làm của mình.
Tuy nhiên, các thuộc địa của Anh tại Bắc Mỹ tuy có những vùng đất rộng lớn khá màu mỡ nhưng xem ra vẫn còn kém hơn các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và cũng không hơn gì một vài thuộc địa mà Pháp chiếm được trước cuộc chiến tranh vừa qua. Nhưng người Anh áp dụng những thể chế chính trị thuận lợi cho việc cải tiến trồng trọt ở các vùng dưới quyền cai trị của họ hơn là các thuộc địa của những nước khác.
Thứ nhất, việc mua một số lớn đất đai chưa được trồng trọt ở các thuộc địa Anh để đầu cơ, lũng đoạn thị trường, tuy không thể hoàn toàn cấm đoán được nhưng ít ra đã bị hạn chế nhiều hơn so với các thuộc địa khác. Luật pháp áp dụng tại thuộc địa đòi hỏi các chủ đất phải cải tiến việc trồng trọt trong một khoảng thời gian nhất định trên một tỷ lệ diện tích nhất định, và khi bị thất bại trong việc cải tiến đó, họ bị buộc phải tuyên bố là các đất đai bị bỏ hoang đó có thể chuyển nhượng cho người khác, việc này thực ra không thể thực hiện triệt để được nhưng ít ra cũng đã mang lại một kết quả nào đó.
Thứ hai, ở Pennsylvania không có chế độ con trai trưởng thừa kế cho nên ruộng đất, cũng giống như động sản, được chia đều cho các con trong một gia đình. Ở ba trong các tỉnh thuộc New England, người con trưởng được chia 2 phần, còn lại các con khác mỗi người một phần theo luật của Moses. Mặc dù ở các tỉnh đó, một phần lớn ruộng đất đôi khi nằm trong tay một cá nhân, người này bỏ tiền ra mua hầu hết đất đai để đầu cơ lũng đoạn thị trường, nhưng trong khoảng một hai thế hệ, ruộng đất vẫn có thể được chia lại. Tại các thuộc địa khác của Anh, quyền con trưởng thừa kế được công nhận theo luật pháp của Anh. Nhưng tại tất cả các thuộc địa của Anh, ruộng đất thường được sử dụng dưới dạng lĩnh canh nộp tô tự do nên đã giúp cho việc chuyển nhượng dễ hơn, và người được hưởng một diện tích lớn ruộng đất thường tìm các chuyển nhượng ngay cho người khác để thu nhiều lợi hơn cho mình, và làm như thế càng sớm càng tốt, họ chỉ giữ lại một phần nhỏ để phát canh thu tô mà thôi.
Tại các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cái gọi là quyền Majorazz[14] được thực hiện khi thừa kế tất cả số ruộng đất có một tước vị danh tự kèm theo. Tất cả số ruộng đất đó đều thuộc về một người, và do đó chỉ được kế thừa theo thứ tự và không thể chuyển nhượng được. Các thuộc địa của Pháp dựa vào luật pháp theo tục lệ ở Paris theo đó, trong việc kế thừa ruộng đất, con thứ được hưởng nhiều thuận lợi hơn con trưởng, trái ngược hẳn với luật pháp của Anh.
Nhưng ở các thuộc địa Pháp, nếu phần ruộng đất nào được chiếm hữu theo tước vị hiệp sĩ được chuyển nhượng thì trong một khoảng thời gian nhất định người chủ sở hữu có quyền chuộc lại, nếu người đó là người thừa kế của dòng trên hoặc thừa kế của gia đình, tất cả các điền trang lớn nhất trong vùng nếu bị chiếm hữu theo kiểu tước vị quý tộc, tất nhiên làm cho sự chuyển nhượng thêm khó khăn, phiền toái. Nhưng ở một thuộc địa mới, một điền trang lớn chưa được canh tác có khả năng bị chia nhỏ nhanh hơn qua chuyển nhượng hơn là qua thừa kế. Như đã được nhận định ở trên, nguyên nhân chủ yếu của sự phồn vinh tại các thuộc địa mới là do đất đai quá ư dồi dào lại được bán với giá rẻ. Thực ra việc tập trung đất vào tay một số ít người sẽ làm mất đi sự dồi dào và rẻ mạt của đất đai. Việc tập trung đất đai chưa canh tác cũng cản trở không ít đối với việc cải tạo đất. Nhưng sức lao động dùng vào việc cải tạo và trồng trọt cung cấp những sản phẩm quý giá nhất cho xã hội. Sản phẩm của lao đông, trong trường hợp này, đủ để trả không những tiền công lao động và lợi nhuận của số tiền vốn bỏ ra mà còn cả tiền thuê đất nữa. Việc những người định cư trú tại các thuộc địa của Anh thường dùng sức lao động của họ vào việc cải tạo đất và trồng trọt chắc hẳn sẽ làm ra các sản phẩm có giá trị với số lượng lớn hơn so với bất kỳ thuộc địa nào khác, vì ở các thuộc địa khác đất đai bị tập trung vào tay một vài cá nhân và ít nhiều có thể bị bán đi để sử dụng vào các mục đích khác chứ không phải để trồng trọt.
Thứ ba, sức lao động của những người định cư tại các thuộc địa của Anh không những tạo nên những sản phẩm quý giá với số lượng nhiều hơn mà do thuế má vừa phải, còn thu hoạch cho riêng họ một phần lớn các sản phẩm đó mà họ có thể dự trữ trong kho và sau đó sử dụng để thuê mướn thêm lao động mở rộng sản xuất. Những người Anh định cư ở thuộc địa thực ra chưa đóng góp gì cho việc bảo vệ nước mẹ hoặc hỗ trợ tài chính cho chính quyền dân sự của nước mẹ. Chính họ lại được sự bảo vệ hoàn toàn của nước mẹ. Nhưng chi phí cho việc duy trì các hạm đội và quân lực luôn luôn lớn hơn rất nhiều so với chi tiêu cho một chính quyền dân sự. Chính quyền dân sự tại thuộc địa, mà ở đó họ sinh sống, chi tiêu rất phải chăng. Thường thường, mọi chi tiêu chỉ xoay quanh việc trả lương cho ông thống đốc, các vị thẩm phán, một số cảnh sát để duy trì một số công trình lợi ích công cộng. Chi tiêu của chính quyền dân sự vịnh Massachusetts trước khi có những rối loạn hiện nay thường chỉ vào khoảng 18.000 bảng Anh một năm, chỉ tiêu của New Hampshire và Rhode Island là 3.500 bảng/năm mỗi nơi. Chi tiêu của Connecticut là 4.000 bảng/năm, của New York và Pennsylvania là 4.500 bảng/năm mỗi nơi, của New Jersey là 1.200 bảng/năm, của Virginia và Carolina Nam là 8.000 bảng/năm mỗi nơi.
Chính quyền dân sự của Nova Scotia và Georgia một phần được sự tài trợ hàng năm của nghị viện, nhưng Nova Scotia ngoài ra còn nộp khoảng 7.000 bảng/năm dành cho các khoản chi công cộng của thuộc địa, và Georgia nộp khoảng 2.500 bảng/năm. Tất cả các chính quyền dân sự ở Bắc Mỹ trừ Maryland và Carolina Bắc, mà về 2 nơi này chưa có được những thông báo chính thức, không chi tiêu quá 64.700 bảng một năm trước khi có những sự lộn xộn hiện nay. Đây là một thí dụ đáng ghi nhớ về sự chi tiêu quá ít ỏi cho một bộ máy cai trị tới 3 triệu dân. Nhưng phần chi quan trọng nhất là chi cho quốc phòng và bảo vệ thì luôn luôn do nước mẹ gánh chịu. Các nghi lễ mà chính quyền dân sự thường phải tiến hành ở thuộc địa như đón tiếp một vị thống đốc mới tới nhận chức, mở hội nghị v.v… dù làm khá long trọng nhưng không có những sự phô trương quá mức hay các cuộc điều hành tốn kém. Sự cai quản của giáo hội cũng được thực hiện một cách hết sức căn cơ, tiết kiệm. Các thầy tu cũng không có nhiều và chỉ nhận được một khoản thù lao vừa phải để sinh sống hoặc sống bằng tiền đóng góp tự nguyện của dân chúng. Chính quyền Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lại trông chờ vào sự hỗ trợ từ các khoản tiền thuế đánh vào các thuộc địa. Nước Pháp thực ra chưa bao giờ đòi hỏi tiền thu nhập từ các thuộc địa của mình. Pháp có đánh thuế ở các thuộc địa nhưng những số tiền thu được nói chung lại để sử dụng cho dân chúng ở đó. Nhưng chính quyền thuộc địa của cả ba nước này lại tiến hành những nghi thức trọng thể rất tốn kém. Số tiền dùng cho việc đón tiếp một vị phó vương mới của Peru quả là to lớn. Những nghi thức như vậy không chỉ chi bằng các khoản tiền lớn mà các người định cư giàu có phải đóng góp mà còn là những dịp cho họ biểu thị sự kiêu căng, hợm hĩnh và khoe sự giàu sang của họ. Đó không những là những khoản tiền đóng góp, tuy thỉnh thoảng mới có nhưng lại hết sức nặng nề, mà còn hình thành những đòi hỏi thường xuyên nặng nề hơn, đó là những yêu cầu chỉ tiêu xa xỉ hết sức quá đáng. Tại các thuộc địa của ba nước đó, sự cai quản của giáo hội cũng rất chặt chẽ và khá ngột ngạt. Các giáo dân phải đóng đều và đủ thuế thập phân (thuế đóng bằng 1/10 sản lượng của ruộng đất) cho giáo hội để nuôi các thầy tu, hà khắc nhất là các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ngoài ra, giáo dân còn bị các thầy tu hành khất luôn luôn đến quấy nhiễu đòi phải cho họ những thứ gì họ muốn. Việc hành khất của các thầy tu này không những được chính quyền cho phép mà còn được giáo hội công nhận. Nó trở thành một khoản đóng góp khá nặng nề đối với dân nghèo vì họ được răn dạy rằng họ có nhiệm vụ phải cung ứng cho các thầy tu hành khất và sẽ là một điều tội lỗi lớn nếu họ từ chối việc bố thí. Ngoài ra, giới thầy tu còn là những kẻ chiếm hữu nhiều ruộng đất nhất.
Thứ tư, trong khi bán những sản phẩm dư thừa sau khi đã tiêu dùng, người dân sinh sống tại các thuộc địa của Anh được ưu đãi về mặt thị trường nhiều hơn bất kỳ thuộc địa nào của các nước Châu Âu khác. Mỗi nước Châu Âu có thuộc địa đều dành cho mình độc quyền buôn bán với thuộc địa của mình, vì thế họ cấm các tàu nước khác đến buôn bán với thuộc địa của họ và cũng cấm dân ở thuộc địa này không được nhập bất kỳ thứ hàng hóa nào khác của các nước Châu Âu khác. Nhưng cách thực hiện độc quyền cũng rất khác nhau đối với từng nước.
Một vài nước trao hẳn toàn bộ công việc buôn bán tại thuộc địa của họ cho một công ty độc quyền và mọi cư dân bị buộc phải mua tất cả những hàng hóa mà họ có nhu cầu tiêu dùng và bán tất cả các sản phẩm mà họ có dư cho công ty đó. Công ty độc quyền này sử dụng mọi quyền hạn để mua rẻ bán đắt gây thiệt hại tới lợi ích của cư dân, và đôi khi còn không chịu mua, dù với giá thấp, nhiều hơn số lượng có thể bán với giá cao ở Châu Âu. Công ty đó không những hạ thấp giá trị các sản phẩm dư thừa ở thuộc địa, và trong nhiều trường hợp còn làm nản lòng người sản xuất và kìm hãm sự gia tăng tự nhiên của sản lượng ở thuộc địa.
Trong tất cả các thủ đoạn được sử dụng để kìm hãm sự tăng trưởng tự nhiên ở một thuộc địa mới, có lẽ thủ đoạn của công ty độc quyền là có hiệu quả nhất. Đây là chính sách của Hà Lan mặc dù công ty của họ trong suốt thế kỷ hiện nay đã từ bỏ đặc quyền của họ. Đó cũng là chính sách của Đan Mạch cho đến tận triều đại vua vừa qua. Đó thỉnh thoảng cũng là chính sách của chính nước Pháp. Và mới đây, từ năm 1755, sau khi cách làm ăn này bị các nước khác tẩy chay vì tính phi lý của nó, nó đã trở thành chính sách của Bồ Đào Nha, ít nhất là đối với hai tỉnh chính của Brazil là Fernambuco và Marannon.
Nhiều nước khác tuy không thành lập tại thuộc địa một công ty độc quyền nhưng lại trao toàn bộ công việc buôn bán với các thuộc địa của họ cho một hải cảng riêng biệt nào đó tại nước mẹ mà từ đó không một tàu thuyền nào được phép căng buồm lên đường đi các thuộc địa, nếu không được sắp xếp trong một đội tàu và xuất phát vào một mùa nhất định, hoặc nếu muốn vượt biển đơn độc, thì phải có giấy phép đặc biệt và phải trả tiền rất nhiều. Chính sách này mở rộng cửa cho việc buôn bán của các thuộc địa với dân tại chính quốc, miễn là việc buôn bán phải được tiến hành qua một hải cảng vào một mùa đã được quy định hoặc bằng những tàu biển nhất định. Nhưng vì các nhà buôn góp vốn vào việc trang bị cho các tàu biển đã được phép chuyên chở hàng tới các thuộc địa, tất nhiên thường phối hợp hành động với nhau cho nên việc buôn bán của họ thường theo đúng những nguyên tắc chẳng khác gì đối với một công ty độc quyền cả. Họ cũng bòn rút những khoản lợi nhuận hết sức quá đáng từ công việc buôn bán đó. Dân cư tại các thuộc địa buộc phải mua hàng từ chính quốc với giá cắt cổ và bán sản phẩm của họ với giá rẻ mạt, đó là chưa nói tới việc cung cấp không được đầy đủ làm nảy sinh ra nạn khan hiếm hàng hóa đẩy giá cả tăng cao. Đây thật ra cũng là chính sách của Tây Ban Nha trong một vài năm gần đây, làm cho giá cả hàng hóa của Châu Âu tăng lên rất cao tại các thuộc địa của nước này ở vùng Tây Ấn. Ulloa đã cho chúng tôi biết rằng ở Quito, 1 pound (khoảng 450 gam) sắt bán khoảng 4 shilling 6 penny và 1 pound thép khoảng 6 shilling 9 penny. Chính vì muốn mua hàng hóa của Châu Âu mà các thuộc địa phải bán đi các sản phẩm của mình. Vì sản phẩm bán ra với giá rẻ và hàng hóa mua vào với giá đắt, cho nên bán ra nhiều nhưng mua vào chỉ được ít. Chính sách của Bồ Đào Nha về mặt này rất giống với các thuộc địa trừ Fernambuco và Marannon mà đối với 2 tỉnh này Bồ Đào Nha còn thi hành một chính sách khắc nghiệt hơn nữa.
Các nước khác thường để cho cư dân của mình buôn bán tự do với thuộc địa, và họ có thể tiến hành công việc thương mại từ tất cả các hải cảng của chính quốc và không cần đến bất kỳ loại giấy phép nào khác ngoài những thông lệnh chung của hải quan.
Trong trường hợp này, do hoạt động phân tán trong những hoàn cảnh khác nhau, cho nên các nhà buôn không thể phối hợp hoạt động, và hơn nữa, sự cạnh tranh giữa họ với nhau đủ để giữ cho giá cả luôn ở mức phải chăng. Với một chính sách tự do như vậy, thuộc địa có khả năng bán sản phẩm để mua hàng hóa từ Châu Âu với giá vừa phải. Nước Anh đã thực hiện một chính sách tự do như thế kể từ khi ra lệnh giải tán công ty Plymouth, khi các thuộc địa của Anh còn đang ở trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Pháp cũng áp dụng một sách tương tự từ khi ra lệnh giải tán công ty Mississippi như người ta thường gọi nó ở nước Anh.
Trong các quan hệ buôn bán với thuộc địa, cả Anh lẫn Pháp đều thu những khoản lợi nhuận không quá nhiều nhưng vẫn còn lớn hơn phần nào so với tình trạng nếu để cạnh tranh tự do với các nước khác. Giá hàng hóa của Châu Âu do đó cũng không cao quá mức tại phần lớn các thuộc địa của hai nước này.
Trong việc xuất khẩu các sản phẩm dư thừa, các thuộc địa của Anh cũng chỉ bị hạn chế ở chỗ là một số mặt hàng chỉ được bán ở nước mẹ, và số mặt hàng đó được liệt kê từ trước. Số sản phẩm còn lại được coi là những mặt hàng không bị liệt kê và có thể được xuất thẳng sang các nước khác miễn là được vận chuyện trên các tàu Anh hay tàu đồn điền mà trên đó chủ tàu và ¾ số thủy thủ phải là người Anh.
Trong số những hàng hóa không liệt kê có một vài sản phẩm rất quan trọng ở Châu Mỹ và vùng Tây Ấn như các loại thóc lúa, gỗ, thực phẩm, muối, cá, đường và rượu rum.
Thóc lúa là sản phẩm trồng trọt hàng đầu và chủ yếu tại các thuộc địa mới. Bằng cách cung cấp cho các loại sản phẩm trên đây một thị trường rộng lớn, luật này khuyến khích dân cư ở các thuộc địa mở rộng và phát triển trồng trọt đến mức độ thừa thãi sau khi đã thỏa mãn mọi yêu cầu tiêu dùng của bản thân và như thế tạo nên cơ sở cho việc tăng dân số tại thuộc địa.
Tại những vùng đất toàn là rừng rậm mà ở đó gỗ cũng chẳng có giá trị gì lắm, chi phí cho việc khai khẩn đất hoang rất tốn kém và là một trở ngại cho việc cải tạo đất để phát triển trồng trọt.
Để tạo cho thuộc địa một thị trường tiêu thụ gỗ rất rộng lớn, luật pháp khuyến khích cải tạo đất và nâng giá gỗ, điều đó làm cho dân cư thu được một ít lợi nhuận để bù đắp cho mọi chi phí đã bỏ ra.
Ở những vùng thưa dân và ít trồng trọt, trâu bò, cừu thường phát triển nhanh vượt quá mức tiêu dùng của dân chúng, và do đó, giá trở nên quá rẻ. Nhưng như đã được trình bày ở trên, giá trâu bò, cừu cũng phải chiếm một tỉ lệ nào đó so với giá ngũ cốc trước khi người ta muốn tiến hành việc cải tạo đất để tăng năng suất. Bằng cách tạo cho gia súc ở Châu Mỹ một thị trường tiêu thụ rộng lớn, luật pháp đã cố gắng nâng cao giá trị của sản vật này để khuyến khích việc chăn nuôi. Nhưng tác dụng tốt của điều tự do này đã bị đạo luật thứ tư của vua George III làm giảm đi phần nào vì đạo luật này đã đưa da sống và da thuộc vào trong danh mục các mặt hàng bị liệt kê, và như thế làm giảm đi giá trị gia súc ở Châu Mỹ.
Cơ quan lập pháp luôn luôn chú trọng đến việc tăng cường việc vận chuyển bằng đường biển và sức mạnh của hải quân Anh để giúp cho việc mở rộng nghề đánh cá tại các thuộc địa của chúng ta. Quyền tự do đánh cá đã cổ vũ ngư dân ở thuộc địa New England đã trở thành một trong những ngành quan trọng nhất trên thế giới. Ở Anh, nghề đánh cá voi tuy được tiến hành với một khoản tiền thường rất lớn nhưng cũng chỉ mang lại ít kết quả mà thôi, đến nỗi dư luận của nhiều người (mà tôi không dám bảo đảm là có dùng sự thật hay không) cho rằng toàn bộ sản lượng cá voi đánh được cũng không hơn gì nhiều so với giá trị của số tiền thưởng hàng năm trả cho nghề đánh cá voi này, nhưng ngược lại, tại thuộc địa New England, nghề đánh cá voi lại được tiến hành trên một quy mô rộng lớn mà chẳng cần có tiền thưởng khuyến khích nào cả. Cá là một trong những mặt hàng chủ yếu mà người dân Bắc Mỹ thường bán cho Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và vùng Địa Trung Hải.
Đường đầu tiên là một loại hàng được liệt kê và chỉ được xuất sang Anh mà thôi. Nhưng năm 1731, do có lời phản kháng của các chủ đồn điền trồng mía, cho nên đường được phép xuất đi khắp các nơi trên thế giới. Nhưng giá đường cao ở Anh cộng với những sự hạn chế đối với việc xuất khẩu đường đã làm cho việc xuất khẩu này không đem lại những kết quả mong muốn. Nước Anh và các thuộc địa của Anh vẫn tiếp tục là thị trường tiêu thụ duy nhất toàn bộ số đường do các đồn điền của Anh sản xuất ra. Nhu cầu tiêu dùng đường tăng nhanh đến nỗi sản xuất đường ở Jamaica cũng như ở các đảo Ceded, nhập khẩu đường đã tăng lên rất nhiều trong vòng 20 năm qua tuy xuất khẩu đường ra nước ngoài cũng không hơn trước là bao.
Rượu rum cũng là một mặt hàng rất quan trọng trong việc buôn bán với nước ngoài. Cư dân ở Châu Mỹ chuyên chở rượu rum sang bán tại vùng bờ biển Châu Phi và mua nô lệ da đen đem về nước.
Nếu toàn bộ các sản phẩm dư thừa của Châu Mỹ về thóc lúa, thực phẩm muối và cá được liệt kê vào danh mục và do đó chỉ được xuất sang Anh để tiêu thụ tại thị trường của chính quốc, thì các sản phẩm đó sẽ tràn ngập khắp mọi nơi và gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất trong nước. Vì thế các sản phẩm đó không những không được ghi và danh mục các mặt hàng cấm xuất tự do, mà hơn nữa, còn bị cấm nhập vào nước Anh vì sợ các hàng đó cạnh tranh với hàng nội địa tại chính quốc.
Các mặt hàng không liệt kê này đầu tiên được phép xuất đi tất cả mọi nơi trên thế giới. Gỗ và gạo đầu tiên bị liệt kê vào danh mục các hàng cấm xuất tự do nhưng sau đó đã được rút khỏi danh mục này, nhưng cũng chỉ được phép xuất sang thị trường Châu Âu và các nước ở phía nam mũi Finisterre mà thôi.
Vào năm thứ sáu triều đại vua George III, tất cả các mặt hàng không nằm trong danh mục bị cấm xuất tự do cũng chỉ được xuất hạn chế tới những nơi như đã nói ở trên mà thôi. Các vùng đất ở Châu Âu nằm ở phía nam Mũi Finisterre không phải là những nơi chuyên về sản xuất chế tạo cho nên cũng không làm cho dân chúng Anh lo sợ bị cạnh tranh.
Các mặt hàng bị liệt kê trong danh mục các hàng hóa cấm xuất tự do gồm có hai loại, một là, những sản phẩm đặc biệt của Châu Mỹ hoặc là các sản phẩm mà chính quốc không sản xuất hoặc không thể sản xuất được. Chúng bao gồm mật mía, cà phê, dừa quả, thuốc lá, ớt, gừng, vây cá voi, tơ sống, bông, lông hải ly và các loại da sống khác, bột chàm và hoàng mộc (hai loại này dùng làm thuốc nhuộm) và các loại gỗ; thứ hai là, những sản phẩm không phải là đặc biệt của Châu Mỹ và hiện đang được sản xuất ở chính quốc nhưng không đủ để cung cấp đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng, phần còn thiếu vẫn phải nhập từ nước ngoài vào. Trong số các loại hàng này có các đồ dùng cho hàng hải, cột buồm, trục căng buồm, rầm néo buồm, hắc ín, nhựa thông, sát thanh, kim loại thỏi, quặng đồng, da sống và da thuộc. Việc nhập các sản phẩm hàng hóa thuộc loại thứ nhất, dù nhiều đến mức nào đi chăng nữa, thì cũng không làm giảm mức sản xuất hoặc tác động xấu tới việc bán các sản phẩm của chính quốc. Bằng cách hạn chế xuất các mặt hàng đó, các nhà buôn ở Anh không những có thể mua rẻ tại ngay các đồn điền và sau đó bán đắt các sản phẩm đó tại thị trường trong nước, và hơn nữa còn thiết lập giữa các đồn điền và nước ngoài một ngành vận chuyển rất có lợi cho họ vì nước Anh tất nhiên phải đóng vai một thị trường trung gian mà qua đó các nước Châu Âu khác mua hàng từ các thuộc địa của Anh. Việc nhập các mặt hàng thuộc loại thứ hai cũng có thể tiến hành như trên để sử dụng các sản phẩm đó không phải để gây ảnh hưởng tới việc bán các sản phẩm tượng tự sản xuất tại chính quốc mà là để cạnh tranh với các mặt hàng tương đương nhập từ nước ngoài. Vì bằng cách đánh thuế, các sản phẩm loại hai nhập từ thuộc địa có thể phải bán với giá đắt hơn hàng trong nước, nhưng rẻ hơn nhiều so với hàng nhập từ nước ngoài. Bằng cách hạn chế các sản phẩm đó tại thị trường nội địa, Anh không hề làm cho việc sản xuất hàng hóa tại chính quốc bị suy giảm mà là gây ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng nhập vào Anh từ các nước mà xem ra Anh bị thiếu hụt trong cán cân thương mại với các nước đó.
Việc cấm xuất khẩu từ các thuộc địa sang bất kỳ nước nào khác trừ Anh các thứ như cột buồm, trục căng buồm, rầm néo buồm, hắc ín, nhựa thông, tất nhiên có xu hướng làm giảm giá gỗ tại các thuộc địa và do đó làm tăng chi phí phá hoang, gây cản trở cho việc cải tạo đất. Nhưng vào đầu thế kỷ hiện tại, năm 1703, công ty buôn bán nhựa cây và hắc ín Thụy Điển đã tìm cách nâng cao giá bán các mặt hàng này cho nước Anh bằng cách cấm ngặt xuất khẩu trừ phi các hàng đó được chuyên chở bằng tàu biển của chính họ, theo giá cả mà họ quy định và theo số lượng mà họ cho là thích hợp. Để đối phó với mọi thủ đoạn của công ty Thụy Điển và cũng đã tự giải thoát ra khỏi mọi sự lệ thuộc vào Thụy Điển cũng như các nước Bắc Âu khác, Anh quốc đã cấp một khoản tiền thưởng khuyến khích đối với việc nhập từ Châu Mỹ các đồ trang bị cho ngành hàng hải, và tiền thưởng này đã có tác dụng làm tăng giá gỗ ở Mỹ nhiều hơn là sự hạn chế gỗ trong phạm vi thị trường nội địa có thể làm giảm giá gỗ. Cả hai luật lệ này được ban hành đồng thời và gây tác động tốt nhiều hơn xấu tới việc khai khẩn đất đai ở Mỹ.
Mặc dù sắt và gang sản xuất tại Mỹ cũng được liệt kê vào danh mục các mặt hàng cấm xuất ra nước ngoài nhưng khi nhập vào Anh thì được miễn thuế khá nhiều so với các sản phẩm tương tự nhập từ bất kỳ nước nào khác. Luật lệ này một mặt khuyến khích lập thêm các lò đúc gang, sắt tại Châu Mỹ và mặt khác lại gây trở ngại cho gang, sắt từ các nước khác muốn nhập vào Anh. Lò luyện gang ngốn rất nhiều củi và do đó lại đóng góp vào việc phát quang rừng rậm để lấy gỗ.
Luật lệ đó đã có xu hướng nâng cao giá trị cây gỗ ở Châu Mỹ và thúc đẩy việc phát quang rừng rậm, nhưng các nhà lập pháp lại chẳng hiểu được sự ích lợi hai mặt của luật lệ này. Tác dụng có lợi của luật pháp tuy là ngẫu nhiên nhưng là hiện thực.
Buôn bán được phép tiến hành hoàn toàn tự do giữa các thuộc địa của Anh tại Mỹ và các vùng Tây Ấn đối với các mặt hàng đã liệt kê cũng như chưa liệt kê. Các thuộc địa này đã trở nên đông dân cư hơn và phát đạt tới mức mỗi thuộc địa đều có thể tìm thấy ở một vài thuộc địa khác một thị trường rộng lớn đủ khả năng tiêu thụ mọi loại sản phẩm của mình. Tất cả các thuộc địa đó gộp lại với nhau hình thành một thị trường nội địa rộng lớn để tiêu thụ các sản phẩm của nhau.
Nước Anh chỉ cho phép các thuộc địa được tự do buôn bán đối với các sản phẩm thô hoặc sơ mà thôi. Còn đối với các sản phẩm đã được tinh chế hay có chất lượng cao thì các nhà buôn và các nhà sản xuất chế tạo Anh tìm cách dành cho họ sự độc quyền thông qua luật pháp hoặc đôi khi bằng thuế cao hoặc bằng cấm đoán triệt để.
Ví dụ, đường thô nhập từ các đồn điền trồng mía của Anh chỉ trả tiền thuế nhập 6 shilling 4 penny một tạ Anh (bằng 50.8 kg) trong khi đường trắng phải trả tới 1 bảng 1 shilling 1 penny một tạ Anh, và hơn nữa, đường tinh chế đóng thành bánh còn phải trả tới 4 bảng 2 shilling 5,8/20 penny mỗi tạ Anh. Khi đánh thuế cao các sản phẩm đó của thuộc địa, Anh vẫn là thị trường chủ yếu tiêu thụ các loại đường đó. Điều đó có nghĩa là ngăn cấm mọi việc tinh chế đường để bán cho bất kì thị trường ngoại quốc nào và chỉ cho phép bán tại thị trường nội địa mà tiêu thụ hơn 9/10 tổng giá trị sản phẩm. Do đó, việc sản xuất đường tinh ít được tiến hành tại các thuộc địa của Anh và số đường tinh chế chủ yếu là để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa mà thôi, trong khi đó ngành sản xuất này lại rất phát triển tại các thuộc địa của Pháp.
Khi Grenada còn nằm dưới sự thống trị của người Pháp, mỗi đồn điền trồng mía đều có một nhà máy tinh chế đường. Từ khi đảo này rơi vào tay người Anh thì các nhà máy tinh chế đường đã thôi hoạt động, và tôi tin chắc rằng tới ngày nay, tháng 10 năm 1773, không quá 2,3 nhà máy còn tồn tại trên đảo. Hiện nay hải quan đã tỏ thái độ khoan dung đối với việc nhập đường tinh chế và chỉ đánh thuế đường loại này như đường thô nếu chuyển từ dạng bánh sang dạng bột.
Trong khi khuyến khích các thuộc địa ở Châu Mỹ sản xuất các thanh và thỏi gang bằng cách miễn thuế nhập, nhưng vẫn tiếp tục đánh thuế nặng đối với các thanh gang nhập từ một nước ngoài, nước ngoài, nước Anh lại cấm triệt để việc lập các lò luyện thép, các xưởng cát kim loại tại bất kỳ đồn điền nào ở Mỹ. Các cư dân ở thuộc địa không được phép sản xuất các mặt hàng công nghiệp tinh chế dù để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng của chính họ, mà phải mua những loại hàng này từ các người buôn bán hay nhà sản xuất của Anh khi họ cần.
Nước Anh còn cấm cả việc buôn bán len và các hàng len cùng các sản phẩm của Châu Mỹ từ tỉnh này sang tỉnh khác bằng đường thủy, kể cả vận chuyển bằng đường bộ bằng ngựa và xe ngựa. Luật pháp này nhằm ngăn cản việc thiết lập các xưởng chế tạo các loại hàng hóa như vậy để bán ở những nơi xa và hạn chế ngành công nghiệp của cư dân vào công việc sản xuất các vật phẩm thô như các hộ gia đình thường làm ra để dùng hoặc để bán cho những người ở cùng trong khu vực.
Ngăn cấm mọi người không được chế biến các hàng hóa từ các sản phẩm thô mà chính họ làm ra và không cho họ sử dụng vốn và công nghệ theo cách mà họ cho là có lợi nhất cho bản thân, là một sự vi phạm trắng trợn quyền thiêng liêng nhất của con người. Song, những sự cấm đoán như vậy cho đến nay vẫn chưa gây tổn hại cho các thuộc địa đất đai vẫn bán với giá rẻ; sức lao động vẫn được trả công cao cho nên cư dân ở thuộc địa vẫn có thể nhập từ chính quốc các loại hàng công nghiệp tinh xảo với giá rẻ hơn là họ có thể tự sản xuất ra để tiêu dùng. Mặc dù thực ra các cư dân ở thuộc địa cũng không bị cấm mở các xưởng sản xuất, chế tạo như vậy, nhưng trong tình hình hiện nay, khi nghĩ đến lợi ích bản thân, họ thấy ngay là không nên làm như vậy. Trong tình trạng phát triển hiện nay, những sự cấm đoán đó, mặc dù không cản trở tính siêng năng, cần cù của họ hoặc hạn chế họ không được hoạt động trong những lĩnh vực mà họ tự nguyện muốn làm, có thể cũng chỉ là dấu ấn nô lệ áp đặt lên họ, mà không có đầy đủ lý lẽ, bởi những nhà buôn và những nhà công nghiệp ghen ghét vô nguyên cớ tại nước mẹ. Trong một tình trạng phát triển hơn, nhưng sự cấm đoán đó tất sẽ là những sự áp bức thực sự khó ai có thể chấp nhận được.
Do muốn hạn chế một số sản phẩm của thuộc địa trong phạm vi thị trường ở chính quốc, nước Anh đã sử dụng những cách khác nhau khi phải giải quyết các hàng nhập từ thuộc địa: đền bù bằng cách tạo thuận lợi cho hàng thuộc địa bán tại thị trường ở chính quốc; đánh thuế cao các mặt hàng tương tự nếu được nhập từ các nước khác; và bằng cách cấp tiền thưởng khuyến khích cho các sản phẩm nhập từ thuộc địa vào chính quốc. Bằng cách thứ nhất, Anh tạo thuận lợi cho đường, thuốc lá và bằng cách thứ hai, tạo thuận lợi cho tơ sống, gai và lanh, bột chàm, các thiết bị dùng cho ngành hàng hải và gỗ xây dựng. Cách thứ hai nhằm khuyến khích các sản phẩm ở thuộc địa nhập vào Anh thông qua tiền thưởng khuyến khích.
Theo như tôi được biết, cách làm này là cách đặc hữu của Anh. Cách thứ nhất thì không. Bồ Đào Nha, không hài lòng với việc đánh thuế nặng vào thuốc lá nhập từ bất kỳ nước nào khác, cho nên cấm ngặt nhập thuốc lá bằng cách áp dụng những hình phạt nghiêm khắc nhất.
Về việc nhập khẩu hàng hóa từ Châu Âu, nước Anh cũng tỏ ra dễ dãi đối với các thuộc địa của mình hơn là đối với một nước nào khác.
Anh cho phép một phần, hầu như luôn luôn là một nửa, hơn nữa có thể một phần lớn và đôi khi là toàn bộ số tiền thuế phải trả khi nhập hàng hóa nước ngoài được trừ vào số hàng mà thuộc địa đó xuất ra nước ngoài. Thật dễ thấy trước được là không có một nước ngoài độc lập nào lại nhận hàng khi thấy các hàng đó bị đánh thuế nặng chẳng khác gì như khi nhập vào Anh. Chỉ khi nào một phần tiền thuế nhập khẩu được trở lại khi xuất khẩu thì ngành vận chuyển mới có khả năng hoạt động được. Ngành này rất được giới thương nhân ưa thích.
Tuy nhiên, các thuộc địa của chúng ta không phải là những nước độc lập. Nước Anh chiếm độc quyền cung cấp cho các thuộc địa mọi thứ hàng hóa của Châu Âu, nên có thể bắt họ phải chịu mọi khoản thuế đánh vào các hàng hóa đó cũng chẳng khác gì khi họ mua của mẫu quốc vậy. Nhưng trái lại, cho đến năm 1763, số tiền thuế được giảm đối với phần lớn các mặt hàng được xuất sang các thuộc địa của Anh cũng như sang bất kỳ một nước ngoài nào khác. Thực vậy, năm 1763, vào năm thứ 4 của triều đại vua George III, đặc ân này đã giảm bớt đi rất nhiều và một luật lệ mới được ban hành đã quy định rằng “Không có một phần thuế nào trước đây gọi là trợ cấp được miễn giảm đối với bất kỳ loại hàng hóa nào do Châu Âu hoặc Đông Ấn sản xuất chế tạo và được xuất từ vương quốc Anh sang các thuộc địa hay đồn điền của Anh ở Châu Mỹ trừ rượu vang, vải Callicoe trắng và vải muslin”. Trước khi thi hành luật này, nhiều loại hàng ngoại có thể mua tại các đồn điền với giá rẻ hơn là nước mẹ, và một vài loại hàng hiện nay vẫn còn được bán với giá rẻ như vậy.
Cũng cần phải nói rõ ở đây là chính những nhà buôn, những người đảm nhiệm các giao dịch thương mại với các thuộc địa là những cố vấn chính yếu về việc ban hành các luật lệ đó: chúng ta cũng không lấy gì làm lạ là phần lớn các nhà buôn đó luôn luôn đặt lợi ích riêng của chính họ lên trên lợi ích của thuộc địa và của vương quốc Anh. Trong khi thực hiện độc quyền cung cấp cho các thuộc địa mọi thứ hàng hóa từ Châu Âu và mua của thuộc địa các sản phẩm dư thừa nếu như các sản phẩm đó không đụng chạm gì đến các ngành thương mại mà các nhà buôn đó đang tiến hành tại chính quốc, họ luôn luôn chẳng đếm xỉa gì tới lợi ích của dân thuộc địa mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận của riêng họ mà thôi. Sự giảm thuế giống nhau đối với phần lớn các loại hàng hóa từ Châu Âu và từ Đông Âu tái xuất sang các thuộc địa cũng như khi tái xuất sang bất kỳ một nước độc lập nào khác, cho thấy là chỉ nước mẹ là phải hy sinh nhiều nhất cho tính vụ lợi của các nhà buôn.
Các nhà buôn này tìm mọi cách trả tiền thuế càng ít càng tốt đối với những hàng hóa tái xuất sang các thuộc địa và thu lại càng nhiều càng tốt số tiền thuế mà họ đã ứng trước khi nhập hàng vào vương quốc Anh. Do đó, họ có thể bán cho các thuộc địa hoặc một số lượng hàng vẫn như thế với một số lợi nhuận vẫn như thế và do đó thu lợi bằng cách này hay cách kia. Các thuộc địa cũng có lợi ích là mua hàng hóa với giá rẻ và mua được càng nhiều càng tốt. Nhưng vương quốc Anh thì không phải bao giờ cũng có lợi lộc vì đã phải chịu giảm bớt thu nhập vì trả lại phần lớn số tiền thuế đã thu được khi hàng từ nước ngoài nhập vào Anh. Ngoài ra, các hàng hóa sản xuất tại vương quốc lại bị bán rẻ tại chính các thuộc địa của mình vì bị sự cạnh tranh của các hàng ngoại được mang đến bán ở đó được miễn giảm thuế. Người ta đã nói khá nhiều tới công nghiệp sản xuất các đồ vải lanh ở Anh đã không những không phát triển mà còn bị chèn ép do có những khoản giảm thuế đối với việc tái xuất các đồ vài lanh của Đức từ nước Anh sang các thuộc địa ở Châu Mỹ.
Dù cho vương quốc Anh tiến hành buôn bán với các thuộc địa khác, nhưng Anh cũng còn có những luật lệ rộng rãi, tự do hơn so với các nước khác.
Trừ ngoại thương, các thuộc địa của Anh được toàn quyền tự điều hành mọi công việc của họ theo cách mà họ cho là tốt và có lợi cho họ. Người định cư tại thuộc địa cũng được hưởng mọi quyền lợi như đồng bào của họ sống tại chính quốc và cũng có một hội đồng đại biểu của nhân dân có quyền đưa ra những kiến nghị về thuế dùng để duy trì chính quyền ở thuộc địa. Quyền lực của hội đồng này đã làm cho cơ quan hành pháp phải kính nể. Những người định cư tại thuộc địa chừng nào vẫn tuân theo các luật lệ hiện hành thì không phải lo sợ gì về sự hằn thù của viên thống đốc hay của bất kỳ quan chức cai trị nào khác trong tỉnh. Các hội đồng thuộc địa cũng chẳng khác gì Hạ nghị viện ở Anh, không phải luôn luôn đại diện cho dân chúng theo một tỷ lệ nhất định về thành phần giai cấp, nhưng nó cũng có tính chất gần như thế. Vì chính quyền hành pháp không thể áp đảo hội đồng này được và do được sự hổ trợ của nước mẹ, cho nên hội đồng này cứ tiến hành mọi công việc đại diện cho lợi ích của cử tri và chịu ảnh hưởng về xu hướng của họ. Còn các hội đồng ở thuộc địa tương đương với Thượng nghị viện ở Anh không bao gồm các nguyên lão nghị viện thuộc dòng quý tộc. Tại một vài thuộc địa như trong ba chính quyền tại New England, các hội đồng đó không do nhà vua đề cử mà do đại diện của nhân dân bầu ra. Không ở một thuộc địa nào lại có dòng quý tộc cha truyền con nối. Tại tất cả các thuộc địa thực ra cũng như ở các nước tự do khác, con cháu của một dòng họ lâu đời được mọi người kính trọng hơn một người vừa mới phất dù người này có đủ phẩm chất và tiền tài chẳng kém gì. Các người nói trên chỉ được kính trọng hơn chứ chẳng có đặc quyền gì để có thể gây phiền toái cho những người láng giềng. Trước khi có những sự xáo trộn xảy ra như hiện nay, các hội đồng thuộc địa không những có quyền lập pháp mà còn có một phần quyền hành pháp nữa.
Tại các thuộc địa Connecticut và Rhode Island, hội đồng này bầu ra viên thống đốc cai trị. Tại các thuộc địa khác, hội đồng đề cử các viên chức thương chính để thu các thứ thuế mà hội đồng quy định, và các viên chức thương chính chịu trách nhiệm trước hội đồng về việc làm của họ. Có thể nói những người định cư ở thuộc địa được hưởng sự bình đẳng giữa họ với nhau nhiều hơn là dân chúng tại chính quốc. Cách ứng xử của họ toát lên tình thần cộng hòa, và các chính quyền thuộc địa, nhất là chính quyền ở các tỉnh thuộc New England đến bây giờ vẫn theo nền nếp cộng hòa như vậy.
Trái lại, chính quyền Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp lại tỏ ra độc đoán tại các thuộc địa. Chính quyền này trao cho các quan chức thừa hành quyền được tự do làm theo ý mình, cho nên, do thuộc địa ở quá xa mẫu quốc, các quan chức này đã lạm dụng quyền hành và làm nhiều điều bạo ngược đối với dân chúng. Dưới một chính quyền chuyên chế, người ta còn được hưởng nhiều tự do hơn ở thủ đô so với các địa phương trong nước. Chính nhà vua cũng không thấy có lợi gì hoặc không có ý định muốn xuyên tạc luật pháp và áp bức dân chúng. Tại thủ đô, sự có mặt của nhà vua ít nhiều làm cho các quan chức cấp dưới e dè, kiêng nể không dám làm bậy. Các quan chức này khi cầm quyền tại các địa phương, vì thấy những khiếu nại, tố cáo của dân khó có thể tới nhà vua, cho nên họ thực hiện các điều tàn bạo mà ít lo ngại hơn nhiều. Nhưng các thuộc địa Châu Âu tại Mỹ còn ở xa hơn nhiều so với các tỉnh xa nhất của đế chế vĩ đại nhất trước đây. Chính quyền tại các thuộc địa thuộc vương quốc Anh có thể là chính quyền duy nhất kể từ khi hình thành thế giới đã đảm bảo một sự an ninh hoàn toàn cho các cư dân sinh sống trên các vùng đất xa xôi. Sự cai trị của người Pháp tại các thuộc địa cũng còn nhẹ nhàng và phải chăng hơn so với người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tính hơn hẳn về thái độ cư xử tỏ rõ bản chất của dân tộc Pháp và tính chất cai trị của họ. Mặc dù hình thức cai trị của người Pháp còn nặng về chuyên chế bạo lực hơn sơ với Anh, nhưng lại hợp pháp và tự do hơn so với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Chính sách của Anh đã tỏ rõ hơn hẳn trong việc mưu cầu tiến bộ cho các thuộc địa của nước này tại Châu Mỹ.
Sự tiến triển của các thuộc địa trồng mía của Pháp ít nhất là bằng và còn có thể hơn phần lớn các thuộc địa trồng mía của Anh, nhưng các thuộc địa này lại được hưởng một chế độ cai trị tự do cũng chẳng khác gì các thuộc địa tại Bắc Mỹ. Nhưng các thuộc địa trồng mía của Pháp cũng hoạt động chẳng thua kém gì các thuộc địa của Anh trong việc tinh chế đường, và hơn nữa, điều quan trọng là chính quyền của họ đã áp dụng một chế độ quản lý người nô lệ da đen tốt hơn.
Tại tất cả các thuộc địa của Châu Âu, nô lệ da đen được sử dụng vào việc trồng mía và làm đường. Thể trạng của những người sinh ra ở nơi khí hậu ôn hòa ở Châu Âu không thể làm công việc đào đất dưới một mặt trời nóng bỏng ở các vùng Tây Ấn. Trồng mía là một công việc chân tay mặc dầu có người cho rằng đưa cày máy vào công việc này thì rất có lợi.
Nhưng muốn trồng trọt có kết quả và có lãi, tất nhiên phải biết cách quản lý và chăm sóc tốt súc vật kéo cũng như những người nô lệ da đen. Các chủ đồn điền người Pháp giỏi hơn người Anh về mặt quản lý nô lệ. Luật pháp có điều khoản bảo vệ nô lệ chống lại các hành vi tàn bạo của chủ. Nhưng luật pháp này chỉ được thi hành triệt để tại một thuộc địa mà ở đó chính quyền chuộng tự do. Ở nước nào mà luật về bảo vệ nô lệ được lập nên, quan tòa mà khi xét xử phải bảo vệ cho người nô lệ, đã can thiệp trong một chừng mực nào đó vào công việc quản lý tài sản tư hữu của người chủ. Ở một nước tự do mà ở đó người chủ là một ủy viên hội đồng thuộc địa hoặc một cử tri bầu ra hội đồng này, ông ta tất nhiên không dám làm điều bạo ngược một cách công khai đối với nô lệ của ông ta mà chỉ dám làm với sự thận trọng tối đa. Vị thẩm phán đó cảm thấy rất khó khăn khi xét xử người chủ ngược đãi nô lệ và lại càng bất lực hơn khi phải bảo vệ người nô lệ đó vì vị quan tòa kính nể người chủ có tước vị cao quý đó. Nhưng ở một nước mà chính phủ tỏ ta khá độc đoán thì vị quan tòa thường can thiệp vào công việc quản lý tài sản tư hữu của các cá nhân và có thể một cái thư có dấu ấn đỏ chót đủ để báo cho người chủ biết là phải tuân theo pháp luật, và do đó, vị quan tòa cũng dễ bảo vệ cho người nô lệ hơn. Sự bảo vệ của quan tòa làm cho nộ lệ được chủ đối xử nhẹ nhàng hơn và cũng được coi trọng hơn. Chính sự đối xử nhẹ nhàng làm cho người nô lệ biết ơn và trung thành hơn và trở nên thông minh và có ích cho chủ nhiều hơn.
Người nô lệ tiến dần đến thành người đầy tớ tự do và có thể cảm thấy gần gũi, quyến luyến đối với chủ như thường thấy biểu lộ ở trong số các người đầy tớ tự do chứ không thể thấy ở trong số các người nô lệ bị đối xử tàn bạo như thường thấy ở các nước mà người chủ có toàn quyền đối xử theo ý muốn đối với nô lệ mà không hề bị luật pháp cản trở.
Người nô lệ được đối xử tốt dưới một chính thể độc đoán hơn là dưới một chính thể tự do là có nguồn gốc lịch sử của nhiều thời đại và dân tộc. Trong lịch sử La Mã, vị quan tòa đầu tiên can thiệp cho một người nô lệ khỏi hành vi bạo lực của chủ là ở dưới triều đại các vị hoàng đế. Khi Vedius Pollio, đứng trước mặt hoàng đế Augustus, đã ra lệnh cho một trong số các nô lệ của ông ta vì đã phạm một lỗi nhỏ phải bị chặt ra từng mảnh và ném xuống ao để làm mồi cho cá mà ông ta nuôi ở đó, vị hoàng đế này đã vô cùng tức giận, ngài đã ra lệnh cho ông chủ này phải trả lại tự do không những cho người nô lệ đó mà còn cho tất cả các người nô lệ khác ở dưới quyền của ông ta. Dưới chính thể cộng hòa, không thấy có vị quan tòa nào có đủ quyền lực để bảo vệ cho nô lệ cả, hơn nữa lại càng có ít khả năng hơn trong việc trừng trị người chủ.
Người ta đã nhận xét rằng số tiền dùng để cải tiến công việc sản xuất tại các thuộc địa trồng mía của Pháp, đặc biệt tại thuộc địa lớn St. Domingo, đã được thu lại đầy đủ qua việc cải tiến trồng trọt tại các thuộc địa đó. Đó là kết quả của những sản phẩm thu được từ đất đai và từ tính siêng năng, cần cù của những người định cư trên đất mới hay là giá sản phẩm được dần dần tích lũy do phương pháp quản lý tốt và lại được sử dụng vào việc tái sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn.
Nhưng số tiền vốn được sử dụng để cải tiến trồng trọt tại các thuộc địa trồng mía của Anh một phần lớn được chuyển từ nước Anh và hẳn không phải hoàn toàn là sản phẩm của đất đai và của tính siêng năng, cần cù của những người định cư ở đất mới.
Sự phồn vinh tại các thuộc địa trồng mía của Anh phần lớn là kết quả của sự giàu có của chính vương quốc Anh, mà một phần của cải đó đã được sử dụng tại thuộc địa. Nhưng sự phồn vinh tại các thuộc địa Pháp hoàn toàn là do thái độ lao động tốt của dân định cư, và như thế chứng tỏ tính ưu việt về cách điều hành của Pháp so với Anh. Tính ưu việt đó thể hiện rõ nhất trong cách quản lý tốt số người nô lệ giúp việc.
Trên đây là những nét đại cương về chính sách của các nước Châu Âu đối với thuộc địa của họ.
Tuy nhiên, chính sách của Châu Âu cũng chẳng có gì nhiều để khoe mẽ, kể cả những ngày đầu mới thiết lập thuộc địa và cả sự phồn vinh sau đó của các thuộc địa tại Châu Mỹ.
Sự điên rồ và bất công hình như đã được coi là các nguyên tác chi phối và điều khiển dự án đầu tiên thành lập các thuộc địa đó, sự điên rồ tìm kiếm các mỏ vàng bạc và sự bất công muốn chiếm lấy các tài nguyên của một vùng rộng lớn mà người bản xứ ở đó không những không làm điều gì có hại cho nhân dân các nước Châu Âu mà còn đón tiếp và đối xử đầy nhiệt tình và lòng mến khách với những người mạo hiểm đầu tiên đặt chân lên mảnh đất của họ.
Những người mạo hiểm, mà sau đó họ thành lập các xứ thuộc địa, đều nuôi ảo tưởng tìm các mỏ vàng bạc nhưng lại che dấu những ý nghĩ thầm kín của họ bằng những mục đích hợp lý và đáng khen, song những động cơ đó chẳng mang thêm vinh dự gì cho Châu Âu cả.
Những người theo Thanh giáo ở Anh, do bị bó buộc và hạn chế ở trong nước đã di cư sang Mỹ để tìm tự do và ở đó họ đã lập nên bốn chính phủ của New England (nước Anh mới). Những người Anh theo đạo Thiên Chúa, do bị đối xử hết sức bất công trên chính đất Anh, cho nên cũng buộc phải di cư sang Mỹ, và ở đó họ thành lập chính phủ ở Maryland; tín đồ phái Giáo hữu cũng di cư sang tới nước Mỹ và thành lập chính phủ ở Pennsylvania. Những người Do Thái Bồ Đào Nha bị ngược đãi, hành hạ, khủng bố và cuối cùng bị trục xuất sang Brazil. Họ đã chỉ bảo cho các tên côn đồ và gái điếm đã ở đó từ trước cách sống có trật tự và sự siêng năng, cần cù lao động để kiếm sống và dạy cho họ biết cách trồng mía. Trong tất cả các trường hợp chinh phục và chiếm cứ các vùng đất rộng lớn ở Châu Mỹ, các chính phủ Châu Âu không hề nghĩ tới sử dụng sự khôn ngoan và các chính sách cần thiết để làm việc đó; họ chẳng cần đếm xỉa gì đến hậu quả dù biết đó là gây nên rối loạn và bất công.
Khi tiến hành thành lập các thuộc địa quan trọng ở Châu Mỹ, các chính phủ Châu Âu chẳng có gì đáng khen cả, kể cả trong dự tính và thực hiện. Việc chinh phục Mexico là một kế hoạch không phải do Hội đồng chấp chính Tây Ban Nha vạch ra mà là do viên thống đốc Cuba hoạch định. Kế hoạch này được viên thống đốc đó giao cho một người mạo hiểm, dũng cảm và táo bạo thực hiện mà sau đó viên thống đốc đã hối hận là đã giao phó cho ông ta một việc nguy hiểm như thế nhưng cũng chẳng còn làm thế nào để ngăn cản được nữa. Những người đi chinh phục Chile và Peru và hầu hết các vùng định cư khác của Tây Ban Nha ở Châu Mỹ cũng đã hành động không có sự cổ vũ của nhà nước, mà chỉ là sự cho phép thành lập cả khu định cư và tiến hành các cuộc chinh phục vì lợi ích của nhà vua Tây Ban Nha mà thôi. Các cuộc phiêu lưu, mạo hiểm đó do chính những người tiến hành nó phải chịu mọi chi phí và rủi ro. Chính phủ Tây Ban Nha hầu như chẳng đóng góp gì cho họ. Chính phủ Anh đóng góp rất ít cho công cuộc chinh phục một vài thuộc địa quan trọng nhất của nước này tại Bắc Mỹ.
Khi các thuộc địa được thành lập và trở thành những vùng đất đai đầy hứa hẹn đối với mẫu quốc thì các luật lệ đầu tiên mà chính quốc ban hành là nhằm đảm bảo độc quyền về buôn bán đối với các thuộc địa đó, hạn chế thị trường của thuộc địa và mở rộng thị trường của chính quốc, như thế là ngăn cản và kìm hãm chứ không phải là thúc đẩy quá trình phát triển tại các thuộc địa. Trong các cách đối xử với các thuộc địa nhằm thực hiện độc quyền buôn bán, phải nói rằng chính sách của Anh là tốt nhất so với các nước Châu Âu khác vì chính sách đó tỏ ra có phần nào tự do hơn và không áp bức quá nặng nề so với các nước khác.
Vậy, bằng cách nào chính sách của Châu Âu đã tác động đến thuộc địa hoặc mang lại sự vĩ đại cho các thuộc địa ở Châu Mỹ? Chỉ bằng một cách và cũng chỉ có một cách mà thôi. Magna virûm Mater! Cách đó là nuôi dưỡng và đào tạo những con người có đầy đủ khả năng thực hiện những công việc vĩ đại và đặt nền móng cho một đế chế hùng cường; và không có nơi nào trên thế giới mà chính sách ở đó có thể đào tạo được hoặc trên thực tế đã đào tạo được những con người như vậy. Các thuộc địa ơn nhờ chính quốc ở Châu Âu đã có chính sách giáo dục các quan điểm vĩ đại cho những người sáng lập tích cực, dám nghĩ dám làm, và một vài người vĩ đại và quan trọng nhất lại chẳng hề nhờ vả gì đến chính phủ của họ cả để xây dựng sự nghiệp cho chính bản thân họ.
PHẦN III
NHỮNG MỐI LỢI MÀ CHÂU ÂU DÀNH ĐƯỢC TỪ VIỆC TÌM RA CHÂU MỸ VÀ CON ĐƯỜNG THÔNG THƯƠNG SANG ĐÔNG ẤN QUA MŨI HẢO VỌNG
Đây cũng là những mối lợi mà các thuộc địa ở Châu Mỹ đã dành được từ chính sách của Châu Âu.
Đâu là những mối lợi mà Châu Âu dành được từ việc tìm ra và khai thác thuộc địa ở Châu Mỹ?
Các mối lợi đó có thể chia thành trước hết là những lợi ích chung mà Châu Âu, một lục địa rộng lớn, đã giành được từ các thuộc địa thuộc quyền sở hữu của nước mẹ đó do có sự cai trị bằng quyền lực đối với thuộc địa.
Châu Âu như là một lục địa lớn đã dành được những mối lợi chung từ việc tìm thấy Châu Mỹ và biến nó thành các thuộc địa. Các mối lợi chung đó trước hết mở rộng quyền hưởng thụ các tài nguyên cho Châu Âu và sau đó là tăng cường và đẩy mạnh nền công nghiệp tại chính quốc.
Các sản phẩm dư thừa của Châu Mỹ, khi nhập vào Châu Âu, cung cấp cho dân chúng ở đây những loại hàng tiêu dùng đa dạng mà ở nước họ chẳng hề có và do đó tăng khả năng hưởng thụ của họ.
Việc tìm ra và thuộc địa hóa Châu Mỹ đã giúp vào việc thúc đẩy và mở rộng nền công nghiệp ở Châu Âu, trước hết là ở các nước có quan hệ buôn bán trao đổi trực tiếp với Châu Mỹ như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Anh; và sau đó là các nước khác, tuy không có quan hệ thương mại trực tiếp với Châu Mỹ nhưng lại thông qua sự trung gian của một nước khác gửi hàng hóa của mình tới các thuộc địa, đó là xứ Flanders của Áo và một vài tỉnh của nước Đức. Các nước không có mối liên hệ trực tiếp đó cũng đã gửi sang các thuộc địa một số lượng lớn vải lanh và các loại hàng hóa khác. Tất cả các nước kể trên, dù trực tiếp hay gián tiếp mua bán, trao đổi với các thuộc địa ở Châu Mỹ, đã dành cho mình một thị trường rộng lớn để bán các hàng hóa dư thừa và tất nhiên đã nỗ lực khuyến khích phát triển nền công nghiệp trong nước.
Nhưng việc những sự kiện vĩ đại đó cũng thúc đẩy cả nền công nghiệp của nhiều nước khác nữa như Hung và Ba Lan, dù cho các nước đó chẳng hề mảy may xuất hàng sang các thuộc địa ở Châu Mỹ, thì có lẽ ít ai biết đến.
Nếu sự việc đã là như vậy thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Một số sản phẩm của Châu Mỹ được tiêu dùng ở Hung và Ba Lan, và ở hai nước này dân chúng có như cầu về đường, chocolate và thuốc lá từ vùng đất mới đó của thế giới. Nhưng muốn có các sản phẩm của Châu Mỹ để tiêu dùng ờ trong nước, Hung và Ba Lan tất nhiên phải có hàng công nghiệp để trao đổi hoặc các loại hàng hóa nào khác mà hai nước này có ở trong nước. Các sản phẩm của Châu Mỹ là các giá trị mới, các vật ngang giá mới nhập vào Hung và Ba Lan để đổi lấy các mặt hàng sản xuất tại nội địa hai nước đó. Được đem nhập vào Hung và Ban Lan, các sản phẩm từ Châu Mỹ đã mở rộng thị trường buôn bán tới những nước mới, vượt ra ngoài phạm vi các chính quốc.
Hàng từ Châu Mỹ làm tăng giá trị sản phẩm thừa ở các nước đó, do đó góp phần thúc đẩy sản xuất ở các nước đó. Do sản phẩm thừa ở Châu Mỹ được mang lưu thông với chính quốc và các nước khác, cho nên thị trường buôn bán, trao đổi hàng hóa ngày càng mở rộng giữa các nước, dù các nước đó có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp với nhau.
Công việc buôn bán, trao đổi đó cũng đã làm tăng mức hưởng thụ của dân chúng và thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển ngay cả tại các nước không hề gửi hàng hóa sang bán tại Châu Mỹ mà cũng không hề nhận được sản phẩm nào từ châu này cả. Các nước như vậy còn có thể nhận được nhiều hàng hóa hơn từ các nước có quan hệ buôn bán với các thuộc địa ở Châu Mỹ và do đó có nhiều sản phẩm dư thừa hơn trước. Hàng hóa và sản phẩm dồi dào không những làm tăng mức hưởng thụ của dân chúng mà còn thúc đẩy nền công nghiệp phát triển nữa. Rất nhiều vật ngang giá mới thuộc loại này hay loại khác đã được sử dụng vào việc trao đổi với các hàng hóa công nghiệp dư thừa.
Một thị trường rộng lớn được mở ra để tiêu thụ các sản phẩm dư thừa, do đó làm tăng giá trị của chúng và khuyến khích công nghiệp phát triển hơn nữa. Số lượng lớn sản phẩm dư thừa tại các thuộc địa thuộc Châu Mỹ đã được đưa vào buôn bán ở Châu Âu và trải qua nhiều lần quay vòng trong một năm đã làm tăng một số lượng hàng hóa tương đương được đưa vào vòng lưu thông ở Châu Mỹ. Mỗi nước tất nhiên nhận được phần hàng hóa sản phẩm ngày một nhiều hơn trước, do đó tăng mức hưởng thụ của họ và đẩy mạnh thêm nền sản xuất công nghiệp.
Nước mẹ của các thuộc địa ở Châu Mỹ lại nắm độc quyền buôn bán, trao đổi với các thuộc địa của mình, việc đó tất nhiên làm giảm hoặc ít nhất là giữ ở mức thấp sự hưởng thụ của nhân dân và kìm hãm sự phát triển công nghiệp tại các nước đó nói chung và ở chính các thuộc địa của họ ở Châu Mỹ nói riêng. Đó là một gánh nặng kìm giữ các nguồn máy sản xuất kinh doanh của nhân loại. Bằng cách làm cho các sản phẩm của thuộc địa bán với giá đắt hơn ở các nước khác, độc quyền buôn bán này làm giảm mức tiêu thụ dùng các sản phẩm đó và do đó kìm hãm nền công nghiệp phát triển tại thuộc địa cũng như tại các nước khác. Dân chúng buộc phải hưởng thụ ít hơn vì họ phải trả giá đắt cho những vật dụng họ tiêu dùng, và hơn nữa, họ còn buộc phải sản xuất ít hơn vì họ kiếm được rất ít lợi nhuận từ các sản phẩm họ làm ra. Bằng cách làm cho giá các sản phẩm của các nước bán tại thuộc địa với giá đắt hơn, độc quyền đó cũng vì lẽ trên kìm hãm sự phát triển công nghiệp tại các nước đó, và đồng thời cũng làm giảm mức hưởng thụ và kìm hãm nền công nghiệp tại chính thuộc địa. Đây chính là vật chướng ngại đã gây nên sự suy giảm về mặt hưởng thụ và kìm hãm công nghiệp phát triển tại các nước, nhưng các nước thuộc địa thiệt nhiều hơn so với bất kỳ nước nào khác.
Độc quyền đó của nước mẹ không những loại trừ càng nhiều càng tốt các nước khác ra khỏi một thị trường nào đó mà còn hạn chế các thuộc địa ở một thị trường nào đó.
Sự khác biệt là rất lớn giữa tình trạng bị loại trừ ra khỏi một thị trường nào đó trong khi các thị trường khác đều mở rộng cửa, và tình trạng bị hạn chế ở một thị trường nào đó khi mọi thị trường khác đều khép kín. Các sản phẩm dư thừa của các thuộc địa chính là nguồn gốc mang lại sự hưởng thụ vật chất ngày càng nhiều cũng như thúc đẩy sự phát triển công nghiệp ngày càng mạnh mẽ mà Châu Âu gặt hái được nhờ việc tìm ra Châu Mỹ và biến nó thành thuộc địa. Chính chủ trương nắm độc quyền buôn bán của nước mẹ đối với thuộc địa của mình có chiều hướng làm cho nguồn đó kém dồi dào hơn so với trường hợp không có độc quyền như vậy.
Những mối lợi đặc biệt mà mỗi nước đi chinh phục dành được từ các thuộc địa của mình thuộc hai loại khác nhau: thứ nhất, các mối lợi chung mà một đế chế thu được từ các lãnh thổ dưới quyền thống trị của đế chế đó, và, thứ hai, những mối lợi riêng thu được từ những lãnh thổ có một tính chất rất riêng biệt như các thuộc địa của Châu Âu tại Châu Mỹ.
Những mối lợi chung mà một đế chế thu được từ các lãnh thổ dưới quyền thống trị của nó, bao gồm trước hết là các lực lượng quân sự mà các lãnh thổ đó phải cung cấp cho công cuộc phòng thủ chung của đế chế đó và sau đó là các khoản tiền đóng góp cho chính phủ của nước mẹ.
Các thuộc địa La Mã thỉnh thoảng cung cấp cả hai loại nói trên. Các thuộc địa Hy Lạp đôi khi cung cấp các lực lượng quân sự, nhưng ít khi đóng góp tiền cho chính phủ trung ương. Các thuộc địa này ít khi tự nhận là dưới quyền thống trị của thành phố mẹ. Họ chỉ tự coi là đồng minh khi có chiến tranh, nhưng rất ít khi chịu nhận là thần dân trong thời bình.
Các thuộc địa Châu Âu tại Châu Mỹ có lẽ chưa bao giờ cung cấp các đội quân cho nước mẹ trong công cuộc phòng vệ cả, vì chính các thuộc địa đó cũng chưa có đầy đủ quân lực để tự phòng vệ. Hơn nữa, khi có chiến tranh, nước mẹ không những phải tự trang bị các lực lượng quân sự cần thiết để chiến thắng kẻ thù mà còn phải dành một phần quân lực đó vào việc phòng thủ thuộc địa. Về mặt này, các thuộc địa của Châu Âu tại Châu Mỹ đều trở thành một nguyên nhân gây nên sự suy yếu hơn là sự tăng cường sức mạnh cho chính quốc.
Các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chỉ đóng góp rất ít cho công việc phòng vệ của chính quốc cũng như cho việc chi tiêu của chính phủ trung ương. Các khoản tiền thuế đánh vào các thuộc địa của các nước Châu Âu nói chung, và của Anh nói riêng, rất ít khi đủ để cân bằng các khoản chi tiêu trong thời bình và lại càng không đủ để đáp ứng những khoản chi tiêu lớn trong thời chiến. Các thuộc địa như thế thực ra là một nguồn chi tiêu, chứ không phải là nguồn thu nhập cho nước mẹ.
Các mối lợi mà các thuộc địa này mang lại cho nước mẹ là những mối lợi riêng có mà các vùng lãnh thổ này do tính chất rất riêng biệt của nó đã mang lại cho nước mẹ. Như mọi người đã thừa nhận, độc quyền buôn bán là nguồn duy nhất đem lại các mối lợi đặc hữu đó.
Do việc buôn bán độc quyền này, toàn bộ sản phẩm dư thừa của các thuộc địa của Anh tại Châu Mỹ mà bao gồm các loại đã được liệt kê chỉ được xuất sang Anh mà thôi. Các nước khác có nhu cầu về các sản phẩm đó phải mua lại qua nước Anh. Giá các sản phẩm từ các thuộc địa của Anh xuất sang chính quốc tất nhiên phải bán rẻ hơn ở Anh so với bất kỳ nước nào khác, và như thế tất làm tăng mức hưởng thụ của dân chúng ở Anh hơn dân chúng ở bất kỳ nước nào khác.
Sản phẩm này cũng giúp vào việc phát triển nền công nghiệp ở Anh. Trong khi buôn bán trao đổi lấy các sản phẩm đã được liệt kê ở các thuộc địa bằng các hàng hóa dư thừa của chính mình, nước Anh bán hàng hóa của mình với giá cao hơn so với bất kỳ nước nào khác ở Châu Âu. Với các loại hàng công nghiệp của mình, nước Anh mua được ở các thuộc địa của mình một số lượng đường và thuốc lá lớn hơn nhiều so với các hàng công nghiệp của các nước khác.
Vì thế, khi hàng công nghiệp của Anh và của các nước khác đều dùng để buôn bán trao đổi lấy đường và thuốc lá của các thuộc địa Anh, giá mua khá rẻ đối với Anh đã khuyến khích và hỗ trợ cho nền công nghiệp ở Anh hơn ở bất kỳ nước nào khác.
Việc buôn bán độc quyền với các thuộc địa, vì nó làm giảm thiểu hoặc ít ra cũng giữ ở mức thấp mức hưởng thụ và nền sản xuất công nghiệp tại các nước không được phép buôn bán tự do với các thuộc địa, cho nên rõ ràng là tạo thuận lợi cho các nước có độc quyền buôn bán so với các nước khác.
Lợi thế này tuy thế cũng chỉ là lợi thế tương đối, chứ không phải tuyệt đối. Lợi thế này có được là nhờ việc chèn ép nền công nghiệp và sản phẩm của các nước khác hơn là nhờ việc phát triển nền công nghiệp và sản phẩm của nước mình cao hơn mức có thể đạt được trong trường hợp được tự do buôn bán.
Chẳng hạn như do độc quyền của Anh mà thuốc lá của Maryland và Virginia bán ở Anh rẻ hơn ở Pháp, vì Anh thường bán lại một phần khá lớn thuốc lá cho Pháp. Nhưng nếu Pháp và các nước Châu Âu khác được tự do buôn bán với Maryland và Virginia, thì thuốc lá của các thuộc địa này không những được bán rẻ hơn ở các nước đó, mà cả ở Anh nữa. Vì có thị trường rộng lớn hơn nhiều, nên sản lượng thuốc lá có thể tăng nhiều, và lợi nhuận của đồn điền trồng thuốc lá có thể tăng nhiều, và lợi nhuận của đồn điền trồng thuốc lá sẽ giảm xuống mức tự nhiên như lợi nhuận của đồn điền trồng ngũ cốc. Giá thuốc lá có thể sẽ giảm thấp hơn chút ít so với hiện nay. Cũng một lượng hàng hóa của Anh hoặc của các nước khác sẽ có thể mua được ở Maryland và Virginia một lượng thuốc lá nhiều hơn hiện nay, và do đó sẽ được bán với giá cao hơn. Và trong trường hợp được buôn bán tự do, thì những tác động kiểu này còn thể hiện rõ nét hơn nữa. Nước Anh sẽ không còn có lợi thế đối với các nước khác. Nước Anh sẽ có thể mua thuốc lá của thuộc địa rẻ hơn chút ít và do đó bán hàng hóa của mình đắt hơn chút ít so với hiện nay. Nhưng nước Anh sẽ không thể mua thuốc lá rẻ hơn và bán hàng hóa của mình đắt hơn so với các nước khác. Nước Anh sẽ có thể giành được lợi thế tuyệt đối, nhưng tất nhiên sẽ mất lợi thế tương đối.
Nhưng để có lợi thế tương đối đó trong mậu dịch với thuộc địa, để thực hiện dự án hiểm độc là loại trừ các nước ra khỏi phạm vi mậu dịch đó, nước Anh không những đã hy sinh một phần lợi thế tuyệt đối của mình, mà còn cam chịu những bất lợi tuyệt đối và tương đối trong hầu hết các ngành thương mại khác.
Khi nước Anh chiếm được độc quyền buôn bán với thuộc địa, thì vốn của nước ngoài mà trước đây được sử dụng, bị rút ra khỏi ngành thương mại này. Bây giờ chỉ sử dụng toàn vốn của nước Anh mà thôi. Số vốn mà trước đây dùng để mua sản phẩm dư thừa của các thuộc địa thì bây giờ cũng không còn đủ nữa, cho nên sản phẩm dư thừa được mua với giá rất rẻ. Nhưng khi nhà buôn bán rất đắt mà mua rất rẻ, thì lợi nhuận rất cao, cao hơn nhiều so với mức lợi nhuận thông thường trong các ngành khác. Lợi nhuận vượt trội trong mậu dịch với thuộc địa không thể không thu hút một phần vốn từ các ngành khác. Nhưng việc trích vốn này làm tăng sự cạnh tranh trong thương mại với thuộc địa và làm giảm cạnh tranh trong các ngành khác. Nó làm giảm lợi nhuận trong ngành này và làm tăng lợi nhuận trong ngành khác cho đến khi lợi nhuận của tất cả các ngành đạt tới một mức mới, cao hơn trước một ít.
Trước hết, độc quyền buôn bán cho phép nước Anh chuyển vốn từ các ngành khác cho ngành ngoại thương với các thuộc địa.
Mặc dù của cải của nước Anh tăng lên rất nhiều kể từ khi thiết lập luật hàng hải, của cải này không tăng theo cùng một tỷ lệ như của cải của các thuộc địa. Nhưng ngành ngoại thương của mỗi nước tất nhiên tăng lên tỷ lệ thuận với của cải các nước đó, sản phẩm dư thừa của mỗi nước tăng lên tỷ lệ với tổng sản phẩm của nước đó.
Sau khi đã thâu tóm hầu hết toàn bộ cái gọi là ngành ngoại thương của các thuộc địa và vì vốn của nước Anh không tăng theo tỷ lệ như quy mô của ngành ngoại thương, nước Anh không thể tiến hành nền ngoại thương mà không thường xuyên rút một phần vốn từ các ngành khác. Do đó, từ khi công bố luật hàng hải, mậu dịch với thuộc địa không ngừng tăng lên, trong khi đó các ngành ngoại thương khác, đặc biệt là ngoại thương với các ngành khác của Châu Âu, liên tục bị giảm sút. Các nhà sản xuất hàng xuất khẩu của Anh, thay vì thích nghi với thị trường lân cận ở Châu Âu hoặc xung quanh Địa Trung Hải, như trước khi có luật hàng hải, đã thích nghi với thị trường xa hơn ở các thuộc địa, tức là với thị trường nơi họ có độc quyền, chứ không phải với thị trường nơi họ có nhiều người cạnh tranh. Nguyên nhân suy thoái của các ngành ngoại thương khác, mà ông Matthew Decker và các tác giả khác cho là do mức thuế quá cao, giá lao động cao, tăng lượng hàng xa xỉ phẩm vốn. - chính là do mậu dịch với thuộc địa tăng quá nhanh. Vốn thương mại của nước Anh tuy rất lớn, nhưng không phải vô tận, và mặc dù đã tăng nhiều sau khi có luật hàng hải, nhưng đã không tăng cùng tỷ lệ như mậu dịch với thuộc địa, cho nên không thể không rút vốn từ các ngành khác, và các ngành khác đó không thể không bị giảm sút.
Thứ hai là, độc quyền thương mại này đã góp phần giữ mức lợi nhuận của các ngành khác nhau ở Anh cao hơn mức tự nhiên (thông thường), khi mà tất cả các nước được tự do buôn bán với các thuộc địa của Anh.
Bằng cách loại trừ mọi khoản vốn của nước ngoài, độc quyền buôn bán với thuộc địa để làm giảm tổng số vốn được dùng xuống mức thấp hơn mức tự nhiên trong trường hợp được tự do buôn bán. Nhưng khi sự cạnh tranh vốn trong ngành đó giảm đi, thì tỷ suất lợi nhuận trong ngành đó nhất định tăng lên. Cũng như vậy, khi cạnh tranh vốn của Anh trong tất cả các ngành khác giảm xuống, thì lợi nhuận của Anh trong tất cả các ngành khác giảm xuống, thì lợi nhuận của Anh trong tất cả các ngành khác đó nhất định tăng lên. Dù quy mô vốn thương mại của nước Anh có là thế nào đi chăng nữa, thì độc quyền buôn bán với thuộc địa chắc là đã làm tăng tỷ suất thông thường của lợi nhuận Anh cao hơn trong tất cả các ngành thương mại khác so với khi không có độc quyền đó.
Nếu sau khi thiết lập hàng hải mà tỷ suất thông thường của lợi nhuận Anh giảm xuống đáng kể, thì chắc là tỷ suất đó đã giảm thấp hơn, nếu như độc quyền, do luật đó đặt ra, không góp phần duy trì tỷ suất đó.
Nhưng cái gì mà làm tăng tỷ suất lợi nhuận thông thường ở một nước cao hơn so với khi không có độc quyền, thì cái đó nhất định làm cho nước đó phải chịu bất lợi thế tuyệt đối và tương đối trong mọi ngành thương mại mà nước đó không có độc quyền.
Nước đó phải chịu bất lợi thế tuyệt đối, vì trong các ngành thương mại, mà nước đó không có độc quyền, các nhà buôn không thể có lợi nhuận nhiều hơn nếu không bán hàng nhập và hàng xuất ra nước ngoài với giá đắt hơn, vừa bán đắt hơn, phải vừa mua ít hơn vừa bán ít hơn, phải vừa hưởng thụ ít hơn, vừa sản xuất ít hơn so với khi có độc quyền.
Nước đó phải chịu bất lợi thế tương đối, vì trong các ngành thương mại, mà nước đó không có độc quyền, thì các nước khác có thể vừa hưởng thụ nhiều hơn vừa sản xuất nhiều hơn so với nước đó. Bằng cách này giá sản phẩm của mình cao hơn so với khi có độc quyền, nước này tạo khả năng cho các nhà buôn của các nước khác bán hàng của họ rẻ hơn nước này ở các thị trường nước ngoài, và do đó gạt nước này ra khỏi hầu hết các ngành thương mại mà nước này không có độc quyền.
Các nhà buôn Anh thường kêu ca về giá lao động cao ở Anh, nhưng họ lại làm thinh về lợi nhuận cao của vốn. Họ nói nhiều về khoản thu nhập lớn của người khác, nhưng không đả động đến thu nhập của mình. Song lợi nhuận cao của tiền vốn Anh có thể góp phần nâng giá hàng công nghiệp của Anh trong nhiều trường hợp lên ngay bằng và trong một số trường hợp lên cao hơn tiền công lao động ở Anh.
Chính bằng cách này mà tiền vốn của nước Anh một phần đã được rút ra và một phần đã được hướng ra khỏi phần lớn các ngành thương mại mà trong đó nước Anh không có độc quyền, cụ thể là ra khỏi ngành thương mại với Châu Âu và các nước nằm xung quanh Địa Trung Hải.
Ngành ngoại thương với thuộc địa thu hút được vốn từ các ngành khác vì ngành này có lợi nhuận cao hơn, ngành này phát triển liên tục và luôn thiếu vốn để tiến hành buôn bán gối đầu từ năm này sang năm khác.
Vì độc quyền thương mại với thuộc địa đã thu hút được một số vốn của Anh từ các ngành khác, cho nên nó buộc vốn của nước ngoài phải bỏ vào các ngành khác đó, vì các nước ngoài không bao giờ lại bỏ vốn vào các ngành ấy, nếu như số vốn đó không bị gạt ra ngoài ngành buôn bán với thuộc địa. Trong các ngành thương mại khác đó tình trạng cạnh tranh vốn của Anh giảm bớt đi, và do đó tỷ suất lợi nhuận của Anh tăng lên. Ngược lại, tình trạng cạnh tranh vốn của các nước ngoài tăng lên trong các ngành này, và do đó tỷ suất lợi nhuận của nước ngoài giảm xuống. Cả bằng cách này và cách khác, độc quyền buôn bán với thuộc địa rõ ràng buộc nước Anh phải chịu bất lợi thế tương đối trong tất cả các ngành thương mại khác đó.
Buôn bán với thuộc địa có lợi cho nước Anh nhiều hơn so với bất kỳ nước nào khác, và nước Anh đã biến số vốn bỏ vào ngành này thành một công việc có lợi nhiều hơn cho nước mình so với các nước khác.
Cách sử dụng vốn có lợi nhất đối với nước có vốn là cách mà tạo ra được số lượng lao động sản xuất nhiều nhất sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động ở nước đó. Nhưng số lượng lao động sản xuất mà số vốn của ngành ngoại thương buôn bán hàng tiêu dùng có thể kham được, lại hoàn tàn tỷ lệ với tần số thu nhập của ngành đó. Chẳng hạn, số vốn một nghìn bảng Anh đem lại thu nhập đều đặn một lần trong năm, thì số vốn đó có thể thường xuyên đảm bảo công việc cho một số lượng lao động sản xuất mà một nghìn bảng Anh có thể chu cấp trong một năm. Nếu số vốn đem lại thu nhập hai hoặc ba lần trong một năm thì nó có thể thường xuyên đảm bảo công việc cho một số lượng lao động sản xuất mà hai hoặc ba nghìn bảng Anh có thể chu cấp trong một năm. Vì lẽ đó, buôn bán hàng tiêu dùng với nước láng giềng nói chung có lợi hơn so với nước ở xa, và buôn bán trực tiếp nói chung có lợi hơn buôn bán vòng vèo.
Nhưng khi sử dụng vốn của nước Anh, thì độc quyền buôn bán với thuộc địa trong mọi trường hợp buộc một phần vốn phải chuyển từ buôn bán với nước láng giềng sang buôn bán với nước ở xa, và trong nhiều trường hợp phải chuyển từ buôn bán trực tiếp sang buôn bán vòng vèo.
Trước hết, độc quyền buôn bán với thuộc địa trong mọi trường hợp buộc một phần vốn của nước Anh phải chuyển từ buôn bán hàng tiêu dùng với nước láng giềng sang buôn bán với nước ở xa.
Trong mọi trường hợp, độc quyền này buộc phải chuyển một phần vốn từ buôn bán với Châu Âu và các nước xung quanh Địa Trung Hải sang buôn bán với các khu vực này rõ ràng là ít hơn, không những vì khoảng cách xa hơn, mà còn vì những hoàn cảnh đặc biệt của các nước đó. Thuộc địa mới bao giờ cũng thiếu vốn. Vì thế họ phải vay vốn của nước mẹ càng nhiều càng tốt, và luôn luôn nợ nước mẹ. Cách phổ biến nhất mà dân định cư ở thuộc địa thường vay nợ không phải là vay theo giao kèo của người giàu ở nước mẹ, mà là dây dưa nợ với các bạn hàng của họ ở nước mẹ. Các bạn hàng này cung cấp cho họ các loại hàng từ Châu Âu. Thu nhập của họ thường là không vượt quá một phần ba số tiền họ mắc nợ. Tổng số vốn mà các bạn hàng ứng trước cho họ, ít khi trở lại nước Anh sớm hơn 3 và đôi khi không sớm hơn 4 hoặc 5 năm. Thu nhập từ buôn bán với Châu Mỹ (và thu nhập từ buôn bán với Tây Ấn lại càng hơn thế) nói chung là không những xa vời hơn, mà còn thất thường hơn, không chắc chắn hơn so với thu nhập từ buôn bán với Châu Âu hoặc thậm chí với các nước nằm quanh quanh Địa Trung Hải. Những người có kinh nghiệm trong các ngành thương mại đó đều thừa nhận điều này.
Thứ hai là, trong nhiều trường hợp, độc quyền trong buôn bán với thuộc địa buộc một phần vốn của nước Anh chuyển từ thương nghiệp trực tiếp với nước ngoài sang thương nghiệp vòng vèo.
Trong số hàng hóa chỉ được gửi sang nước Anh một vài mặt hàng có khối lượng vượt quá mức tiêu dùng ở Anh, và do đó, số dư phải được xuất sang các nước khác. Nhưng không thể làm được việc này, nếu không chuyển một phần vốn của nước Anh sang ngoại thương vòng vo buôn bán hàng tiêu dùng. Chẳng hạn, Maryland và Virginia hàng năm gửi sang Anh hơn 96 nghìn barin thuốc lá, mà mức tiêu thụ ở Anh không vượt quá 14 nghìn. Vì vậy, hơn 82 nghìn barin phải xuất sang các nước khác: Hà Lan và các nước nằm quanh biển Baltic và Địa Trung Hải.
Nhưng phần vốn của Anh mà mua về 82 nghìn barin thuốc lá, rồi lại tái xuất sang các nước khác và sau đó lại mang về Anh hàng hóa hoặc là tiền, phần vốn đó được sử dụng trong ngoại thương vòng vo buôn bán hàng tiêu dùng và phải làm như vậy để tiêu thụ số lượng dư to lớn đó.
Nếu chúng ta muốn biết, trong bao nhiêu năm thì tổng số vốn này sẽ quay về nước Anh, chúng ta phải cộng khoảng cách từ Mỹ đến Anh và cả khoảng cách từ Anh đến các nước khác nói trên. Nếu trong ngoại thương trực tiếp với Mỹ, tổng số vốn không quay về sớm hơn 3 hoặc 4 năm, thì trong ngoại thương vòng vo tổng số vốn đó không thể quay về Anh sớm hơn 4 hoặc 5 năm. Trong ngoại thương trực tiếp, số vốn quay về trong một năm có thể tạo thêm việc làm cho một phần ba hoặc một phần tư lao động trong nước, nhưng khi buôn bán vòng vo thì chỉ tạo việc làm cho một phần tư hoặc một phần năm lao động mà thôi. Ở một số cảng tiền tiêu, người ta thường xuất khẩu thuốc lá cho các đại lý nước ngoài và cho họ mua chịu, ở cảng London người ta thường bán thuốc lá lấy tiền mặt, theo kiểu tiền trao cháo múc. Bởi vậy, tại cảng London, số vốn cuối cùng trong buôn bán vòng vo sẽ trở về chậm hơn so với số vốn từ Mỹ trực tiếp trở về, bởi vì hàng có thể nằm ế ẩm trong kho, đôi khi còn nằm rất lâu. Nhưng nếu thuộc địa không bị ràng buộc chỉ được bán thuốc lá cho Anh, thì thuốc lá chở về Anh chỉ nhiều hơn một ít so với lượng tiêu dùng ở trong nước. Hiện nay nước Anh mua hàng tiêu dùng bằng số tiền thu được từ việc tái xuất thuốc lá thừa, nhưng nếu để cho thuộc địa tự do bán thuốc cho nước ngoài, thì Anh có thể mua hàng tiêu dùng bằng sản phẩm thô hoặc sản phẩm chế biến của nước mình. Sản phẩm thô và sản phẩm chế biến của Anh không phải chỉ thích hợp với một thị trường rộng lớn, như hiện nay, mà còn phải thích hợp với nhiều thị trường nhỏ hơn. Thay vì một thị trường ngoại thương vòng vao quy mô lớn, lẽ ra nước Anh nên tiến hành buôn bán trực tiếp với nhiều nước nhỏ.
Độc quyền buôn bán với thuộc địa cũng buộc một phần vốn của nước Anh phải chuyển từ ngành ngoại thương sang ngành vận tải quốc tế, do đó, chuyển từ việc thuê mướn lao động ở nước Anh sang thuê mướn một phần lao động ở thuộc địa và một phần ở các nước khác.
Chẳng hạn, số hàng hóa mà hằng năm được mua bằng số tiền thu được do nước Anh tái xuất khẩu 82 nghìn barin thuốc lá dư thừa, không tiêu thụ hết ở Anh. Một phần số hàng đó, chẳng hạn vải lanh từ Đức và Hà Lan, được đem đi bán ở thuộc địa. Nhưng phần vốn mà nước Anh dùng để mua thuốc lá rồi sau đó bán đi mua vải lanh, nhất định phải bị chuyển từ việc thuê mướn và nuôi dưỡng lao động ở Anh sang việc thuê nhân công một phần ở thuộc địa và một phần ở các nước mà dùng sản phẩm của nước mình để trả tiền mua thuốc lá.
Ngoài ra, độc quyền buôn bán với thuộc địa, do thu hút một phần rất lớn vốn của nước Anh, hình như đã phá vỡ cân bằng tự nhiên giữa tất cả các ngành sản xuất của Anh mà lẽ ra đã tồn tại nếu không có độc quyền đó. Thay vì nên thích nghi với nhiều thị trường nhỏ, thì nước Anh lại chủ yếu chỉ thích nghi với một thị trường lớn. Đáng lẽ phải thực hiện theo nhiều kênh nhỏ, thì nền thương mại Anh lại chỉ biết vận hành theo kênh lớn. Toàn bộ hệ thống công nghiệp và thương mại Anh trở thành kém an toàn hơn vì tình hình chính trị kém lành mạnh hơn so với trường hợp không có độc quyền. Trong tình trạng hiện nay, nước Anh giống một cơ thể không lành mạnh trong đó một vài bộ phận lớn quá cỡ do đó dễ bị rối loạn nguy hiểm, khác với các cơ thể mà trong đó tất cả các bộ phận đều có tỷ lệ cân xứng.
Nếu do có tiền thưởng hoặc độc quyền mà một ngành sản xuất nào đó lớn quá cỡ, mất cân đối và gây ra một sự đình trệ hoặc gián đoạn trong công việc thì điều đó có thể gây ra rối loạn làm cho quốc hội và chính phủ phải lo lắng. Nếu phần lớn các ngành sản xuất của chúng ta bị đình trệ đột ngột và hoàn toàn, thì sự rối loạn và lo lắng đó sẽ lớn biết chừng nào?
Việc nới lỏng dần dần các đạo luật của Anh đối với độc quyền buôn bán với thuộc địa, tức là làm cho thương mại trở nên tự do hơn nhiều, là phương cách duy nhất mà trong có thể giúp nước Anh thoái khỏi mối nguy đó; và có thể giúp hoặc thậm chí buộc nước Anh rút một phần vốn của nó từ ngành đã lớn quá cỡ để đầu tư vào các ngành khác, cho dù lợi nhuận có ít hơn. Phương cách ấy sẽ dần dần khôi phục lại một tỷ lệ tự nhiên cân đối và lành mạnh giữa tất cả các ngành sản xuất và chỉ có sự tự do hoàn toàn mới có thể bảo toàn được. Ngay lập tức mở thông thương mại với thuộc địa cho tất cả các nước, có thể không những gây ra những bất lợi tạm thời mà còn gây ra thiệt hại lớn thường xuyên cho những nước nào mà hiện nay đang đầu tư vốn vào đó. Đấy là những tác động không hay của các quy định trong hệ thống thương mại!
Năm sự kiện bất ngờ đã xảy ra và giúp nước Anh cảm thấy việc bị loại ra khỏi ngành thương mại rất quan trọng với thuộc địa trong vòng hơn một năm nay (kể từ 1-12-1774).
Thứ nhất, trong khi soạn thảo hiệp định không nhập khẩu, các thuộc địa ở Bắc Mỹ đã làm cho nước Anh không còn mặt hàng mà trước đây rất thích hợp với thị trường của họ. Thứ hai, nhu cầu đặc biệt của hạm đội Tây Ban Nha trong năm nay đã làm cho nước Đức và các nước phương Bắc tiêu thụ hết nhiều mặt hàng (đặc biệt là vải lanh) mà trước đây thường cạnh tranh, ngay cả ở thị trường Anh, với hàng của nước Anh. Thứ ba, cuộc đình chiến giữa Nga và Thổ Nhĩ Kì đã tạo ra nhu cầu rất lớn từ phía thị trường Thổ Nhĩ Kì mà trước kia, trong thời chiến, được cung cấp rất ít. Thứ tư, nhu cầu của Bắc Âu về hàng công nghiệp của Anh đã tăng lên hàng năm trong thời gian qua. Và thứ năm, việc chia cắt và bình định Ba Lan, và mở thị trường ở nước lớn này trong năm nay đã làm tăng thêm nhu cầu của Bắc Âu.
Có 5 sự kiện này, ngoài sự kiện thứ tư, đều mang tính chất nhất thời và ngẫu nhiên, và việc bị loại ra khỏi ngành ngoại thương quan trọng với thuộc đĩa vẫn còn gây ra cảm giác chua xót. Song, sự chua xót này dần dần vơi đi, trong khi đó ngành công nghiệp và số vốn của đất nước có thể tìm được một cách và hướng sử dụng mới, và như vậy không để cho cảm giác chua xót đó trở nên trầm trọng hơn.
Độc quyền buôn bán với thuộc địa đã biến ngành đó từ một ngành buôn bán hàng tiêu dùng với nước láng giềng thành một ngành ngoại thương với nước xa hơn, trong nhiều trường hợp, từ ngành ngoại thương trực tiếp thành ngành ngoại thương vòng vo, và trong một số trường hợp, từ ngành buôn bán hàng tiêu dùng thành ngành vận tải quốc tế. Ngoài ra, vì phải làm cho phần lớn nền công nghiệp và thương mại của nước Anh thích nghi với một thị trường nhất định, cho nên độc quyền đã làm cho tình trạng trong công nghiệp và thương mại trở nên bấp bênh hơn và kém an toàn hơn so với khi sản phẩm của họ được thích nghi với nhiều thị trường.
Chúng ta phải phân biệt tác động của việc buôn bán với thuộc địa và tác động của độc quyền trong ngành đó. Tác động loại đầu luôn luôn là tích cực, còn tác động loại sau bao giờ cũng tiêu cực. Nhưng tác động loại đầu có lợi tới mức mà, mặc dù độc quyền có tác động xấu, buôn bán với thuộc địa nhìn chung vẫn có lợi, và rất có lợi, mặc dù cái lợi đó ít hơn nhiều so với trường hợp không có độc quyền.
Do loại trừ được sự cạnh tranh của các nước khác và do đó nâng cao được tỷ suất lợi nhuận trên thị trường mới và trong ngành sản xuất mới, nên độc quyền trong buôn bán với thuộc địa thu hút được sản phẩm của thị trường cũ và vốn ngành sản xuất cũ. Mục đích của độc quyền là phải tăng tỷ phần của thương mại với thuộc địa.
Tác động tốt của các việc buôn bán với thuộc địa vượt xa tác động xấu của độc quyền, cho nên ngay cả hiện nay ngành thương này không những có lợi, mà còn rất có lợi. Thị trường mới và việc làm mới do ngành thương mại với thuộc địa tạo ra là có quy mô lớn hơn nhiều so với phần thị trường cũ và việc làm cũ mà độc quyền để mất đi. Sản phẩm mới và số vốn mới do thương mại với thuộc địa tạo ra, đang duy trì ở Anh một số lượng lao động nhiều hơn số lượng có thể bị một việc do vốn bị rút ra khỏi các ngành khác. Song, nếu thương mại với thuộc đĩa, ngay cả hiện nay, là có lợi cho nước anh, thì không phải là nhờ độc quyền, mà bất chấp độc quyền.
Thương mại với thuộc địa mở ra một thị trường mới cho sản phẩm chế biến lớn hơn là sản phẩm thô của Châu Âu. Nông nghiệp là công việc thích hợp đối với tất cả các thuộc địa mới, một công việc mà do giá rẻ của ruộng đất, trở nên có lợi hơn các công việc khác. Vì vậy, thuộc địa có nhiều sản phẩm tô của đất đai, họ không những không nhập khẩu, mà còn có một lượng dư lớn để xuất khẩu, các thuộc địa mới, nông nghiệp thu hút nhân công từ các ngành khác hoặc giữ cho họ không chuyển sang các ngành khác. Họ có ít nhân công để làm các loại sản phẩm cần thiết khác, và không có nhân công để làm đồ trang trí. Họ thấy các thứ hàng đó mà mua của các nước ngoài thì rẻ hơn là tự làm lấy. Chính là bằng cách khuyến khích hàng công nghiệp của Châu Âu mà ngành thương mại với thuộc địa gián tiếp khuyến khích nền công nghiệp. Các nhà sản xuất ở Châu Âu tạo thành một thị trường mới cho sản phẩm của đất đai. Như vậy, thị trường nội địa về ngũ cốc và gia súc, về bánh mì và thịt gia súc ở Châu Âu, thị trường có lợi nhất, đã được mở rộng đáng kể nhờ buôn bán với Châu Mỹ.
Tấm gương của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cho thấy rằng độc quyền trong buôn bán của các thuộc địa đông dân và phồn vinh, không những đủ để thiết lập, mà còn duy trì ngành sản xuất công nghiệp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là những nước công nghiệp trước khi họ có thuộc địa lớn.
Ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tác động xấu của độc quyền mạnh hơn tác động tốt của ngoại thương với thuộc địa.
Ngược lại, ở Anh, tác động tốt của ngoại thương với thuộc địa mạnh hơn nhiều tác động xấu của độc quyền. Đó là do các nguyên nhân sau đây: bất chất một vài hạn chế, tự do buôn bán ít nhất là bằng, nếu không hơn các nước khác, tự do xuất khẩu, được miễn thuế, hầu như tất cả các loại sản phẩm nội địa sang bất kì nước nào; tự do vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác ở trong nước, mà không phải thông báo với cơ quan Nhà nước, không bị chất vấn và khám xét; thực thi pháp lý công bằng và không thiên vị làm cho các quyền của người dân Anh được tôn trọng tới mức tối đa và khuyến khích mọi người lao động hết sức mình và có hiệu quả nhất.
Độc quyền trong buôn bán với thuộc địa làm sa sút nền công nghiệp của tất cả các nước khác, nhưng chủ yếu là công nghiệp của các nước thuộc địa.
Vì vậy tỷ suất của lợi nhuận thương mại, cho nên độc quyền không khuyến khích cải tạo tốt. Lợi nhuận do cải tạo đất tùy thuộc vào mức chênh lệch giữa sản lượng mà đất đai tự nó có thể làm ra, và sản lượng mà đất đai buộc phải sản sinh ra nhờ đầu tư vốn vào đó. Nếu chênh lệch đó đem lại lợi nhuận nhiều hơn là số vốn tương đương đầu tư vào ngành thương mại, thì ngành trồng trọt sẽ thu hút vốn của các ngành thương nghiệp. Nếu chênh lệch ít hơn, ngành thương mại sẽ thu hút vốn của ngành nông nghiệp. Vì không khuyến khích cải tạo đất, nên độc quyền nhất thiết kìm hãm mức tăng tự nhiên của một nguồn thu nhập lớn khác, đó là tiền thuê đất. Cũng do tăng tỷ suất của lợi nhuận mà độc quyền nhất thiết nâng lãi suất của thị trường lên cao hơn là khi không có độc quyền. Nhưng giá đất, mà tỷ lệ với tiền thuê đất, nhất định sẽ giảm xuống khi lãi suất tăng lên, và sẽ tăng lên khi lãi suất giảm xuống. Do đó, độc quyền làm phương hại đến lợi ích của chủ đất theo hai cách: kìm hãm mức tăng tự nhiên thứ nhất là của tiền thuê đất và thứ hai là của giá đất.
Độc quyền nâng cao tỷ suất của lợi nhuận thương mại và do đó làm tăng thu nhập của giới thương nghiệp. Nhưng vì độc quyền cản trở quá trình tự nhiên của vốn, nên nó có xu hướng làm giảm hơn là làm tăng số thu nhập mà người dân thu được từ tiền lời của vốn. Lãi suất nhỏ từ một số vốn lớn hơn thường đem lại thu nhập nhiều hơn lãi suất từ một số vốn nhỏ. Độc quyền nâng tỷ suất lợi nhuận lên, nhưng không để cho tổng số lợi nhuận tăng cao như khi không có độc quyền.
Độc quyền làm giảm bớt tất cả các nguồn thu nhập ban đầu: tiền công lao động, tiền cho thuê đất và lợi nhuận của tiền vốn. Để nâng cao lợi ích của một tầng lớp ít người ở trong nước, độc quyền làm tổn hại đến lợi ích của tất cả các tầng lớp khác ở trong nước và ở nước ngoài nữa.
Như vậy, độc quyền đảm bảo lợi ích duy nhất cho một tầng lớp duy nhất, nhưng về nhiều mặt khác nhau lại làm tổn hại lợi ích chung của đất nước.
Cho đến nay, việc duy trì độc quyền là mục đích chủ yếu và có thể là duy nhất để nước Anh thống trị các thuộc địa của mình. Mọi chi phí mà nước Anh đã chi ra để duy trì sự lệ thuộc của các thuộc địa, là đều nhằm duy trì sự độc quyền đó. Chi phí để duy trì hòa bình ở thuộc địa, trước khi bắt đầu những rối loạn như hiện nay, là để chu cấp cho 20 trung đoàn bộ binh và pháo binh và để duy trì một hạm đội hải quân thường trực rất lớn để bảo vệ chống tàu buôn lậu của các nước khác thâm nhập vào bờ biển kéo dài của Bắc Mỹ và quần đảo Tây Âu. Thế mà chi phí để duy trì ổn định ở thuộc địa chỉ chiếm một phần nhỏ nhất trong số tiền mà nước mẹ chi ra để thống trị các nước thuộc địa của mình.
Với chế độ quản lý hiện nay, nước Anh chẳng được gì ngoài thua lỗ do việc thống trị các thuộc địa của mình.
Nhưng nếu nước Anh tự nguyện từ bỏ toàn bỏ quyền lực đối với thuộc địa của mình, để cho thuộc địa bầu ra chính quyền của họ, ban bố luật của họ, có quyền tuyên chiến và đình chiến như họ muốn, thì đó là một biện pháp mà chưa có và sẽ không có một nước nào trên thế giới chấp thuận. Song, giả thử biện pháp đó được chấp nhận, thì nước Anh không những được miễn trừ ngay lập tức toàn bộ khoản chi phí hằng năm để duy trì hòa bình ở thuộc địa, mà còn có thể kí một hiệp định thương mại tự do có lợi hơn cho đa số nhân dân, tuy có thiệt hơn cho các nhà buôn. Nếu chia tay với nhau thân thiện như vậy, thì tình cảm của thuộc địa đối với nước mẹ, mà hầu như đã bị lụi tàn do những bất hòa gần đây, nó nhanh chóng phục hồi. Được như vậy, thì các thuộc địa không những về lâu về dài sẽ tôn trọng hiệp định thương mại đó, mà còn giúp đỡ chúng ta trong chiến tranh cũng như trong buôn bán, và từ từ những thần dân nổi loạn trở thành những đồng minh hào phóng và trung thành nhất của chúng ta.
Để làm cho mỗi thuộc địa có lợi cho đế chế, thì trong thời bình mỗi thuộc địa không những phải cung cấp số tiền đủ để trang trải mọi chi phí để duy trì hòa bình ở thuộc địa đó, mà còn phải đóng góp phần của mình để hỗ trợ chính phủ trung ương của đế chế.
Hội đồng thuộc địa hoặc Quốc hội nước Anh quy định mức thuế cho từng thuộc địa. Mức thuế được xác định theo nhu cầu, và hội đồng thuộc địa xác nhận mức thuế đó sao cho phù hợp nhất với hoàn cảnh của mỗi thuộc địa.
Nếu Quốc hội nước Anh có toàn quyền đánh thuế thuộc địa, bất chấp sự đồng ý của hội đồng thuộc địa, thì từ thời điểm ấy chấm dứt tầm quan trong của hội đồng thuộc địa, và của các vị đứng đầu thuộc địa của nước Anh ở Mĩ. Nhưng những người đứng đầu ở Mỹ, cũng như ở các nước khác, thích duy trì địa vị của họ. Họ cảm thấy rằng nếu hội đồng của họ, mà họ thích gọi là quốc hội và rằng về quyền lợi ngang hàng với Quốc hội Anh, bị xuống cấp để trở thành những người thừa hành của Quốc hội Anh, thì tầm quan trọng của họ sẽ chấm dứt. Do đó, họ đã bác bỏ đề nghị của Quốc hội Anh đánh thuế thuộc địa theo nhu cầu, và cũng như những người khác có ý chí cao cường và đầy tham vọng, sẵn sàng tuốt gươm ra để bảo vệ địa vị và tầm quan trọng của họ.
Việc khám phá ra Châu Mỹ và con đường đi qua Mũi Hải vọng đến Đông Âu là 2 sự kiện vĩ đại và quan trọng nhất trong lịch sử loài người. Hệ quả của các sự kiện này là cực kì to lớn, nhưng trong khoảng thời gian ngắn hai, ba thế kỉ kể từ khi những khám phá này được thực hiện, chưa thể nhìn nhận hết toàn bộ ý nghĩa của các hệ quả đó. Trí tuệ của con người không thể đoán trước được là những sự kiện vĩ đại đó có thể đem lại những lợi ích gì hoặc những tác hại gì. Bằng cách liên kết, ở một mức độ nào đó, các khu vực xa xôi nhất của thế giới, tạo cho họ có điều kiện giảm nhẹ những thiếu thốn của nhau, làm tăng mức hưởng thụ của nhau và khuyến khích nền sản xuất của nhau, những sự kiện này nói chung là có lợi. Nhưng đối với người dân ở Tây Âu và Đông Âu thì những món lợi này đã tan biến mất trong cảnh khổ đau mà những sự kiện đó đã xảy ra.
Dù sao thì một trong những hệ quả chính của hai sự kiện trên là đã nâng hệ thống thương mại lên đến mức huy hoàng chói lọi mà nếu khác đi thì không thể nào đạt được. Mục đích của hệ thống này là làm giàu đất nước bằng công thương nghiệp hơn là bằng nông nghiệp, bằng nền sản xuất ở thành thị hơn là ở nông thôn. Nhưng nhờ những phát kiến này mà các thành phố thương nghiệp ở Châu Âu từ những nhà sản xuất và vận chuyển hàng hóa cho một phần rất nhỏ của thế giới (phần Châu Âu bên bờ Đại Tây Dương, các nước ven biển Baltic và Địa Trung Hải) đã trở thành các nhà sản xuất hàng hóa cho Châu Mỹ rộng lớn và thịnh vượng, và các nhà vận chuyển (và một phần nào đó sản xuất) hàng hóa cho hầu hết các nước Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ. Hai thế giới mới đã mở cửa đón nhận hàng hóa của Châu Âu, và mỗi thế giới mới đều rộng lớn hơn thế giới cũ, và thị trường của mỗi thế giới mới càng ngày càng trở nên to lớn hơn.
Các nước có thuộc địa ở Châu Mỹ và buôn bán trực tiếp với Đông Âu trên thực tế được hưởng cái hào nhoáng của ngành ngoại thương đó. Song, các nước khác, bất chấp mọi hạn chế nhằm loại trừ họ ra, thường được hưởng phần lớn hơn trong số lãi thực của thương mại. Ví dụ, các thuộc địa của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã khuyến khích nền công nghiệp của các khác nhiều hơn là của nước mình. Chỉ riêng hàng vãi lanh, mức tiêu dùng của các nước thuộc địa (người ta nói vậy, nhưng tôi không dám khẳng định con số này) lên tới hơn 3 triệu bảng Anh. Mà hầu như toàn bộ số vải này do Pháp, Flanders, Hà Lan và Đức cung cấp. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chỉ cung cấp một phần rất nhỏ. Số vốn, mà các thuộc địa dùng đề mua số lượng vải lanh lớn như vậy, hàng năm được phân chia cho dân chúng ở các nước Pháp, Đức v.v.. Lợi nhuận của vốn được tiêu dung ở Tây Ban Nha va Bồ Đào Nha và góp phần tăng sự giàu có của giới thương nhân ở Candiz và Lisbon.
Những luật lệ, mà mỗi nước đặt ra nhằm đảm bảo cho mình độc quyền buôn bán với thuộc địa của mình, thường lại có hại đối với nước đặt luật lệ hơn là đối với các nước khác. Sự chèn ép bất công đối với nền sản xuất của họ nhiều hơn là của các nước khác. Ví dụ, do có các luật lệ này, nhà buôn người Hamburg phải gửi vải lanh, mà ông ta muốn bán cho Châu Mỹ, tới London, và phải mua thuốc lá ở London đem về bán ở Đức, vì ông ta không thể gửi vải lanh trực tiếp sang Mỹ mà cũng không thể mua thuốc lá trực tiếp của Mỹ. Do hạn chế này mà ông ta phải bàn một loại hàng rẻ hơn một chút và mua một khác đắt hơn một chút, và lợi nhuận của ông ta chắc chắn bị cắt đi một ít. Song, trong việc buôn bán này giữa Hamburg và London nhà buôn nọ tất nhiên thu hồi vốn nhanh hơn nhiều so với trường hợp mua bàn trực tiếp với Mỹ, cho dù việc thanh toán của Mỹ cũng nghiêm chỉnh và đúng hạn như London. Do đó, số vốn của nhà buôn Hamburg có thể thường xuyên duy trì một số lượng lao động ở Đức nhiều hơn là nếu được trao đổi trực tiếp với Mỹ. Vì vậy, mặc dù đối với nhà buôn này cách buôn ban đầu có thể ít lợi hơn so với cách thứ hai, nhưng đối với nhà nước thì không thể ít lợi hơn được. Ngược lại, đối với nhà buôn London thì việc buôn bán này có thể lợi hơn, nhưng do thu hồi vốn chậm, nên không thể có lợi hơn đối với nhà nước Anh.
Trong buôn bán với Châu Mỹ, mỗi nước đều ra sức thu vén cho mình toàn bộ thị trường của thuộc địa. Trong phần lớn thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha đã ra sức khống chế việc buôn bán với Đông Âu, vì họ khẳng định rằng họ có công đầu mở đường đến Đông Âu, cho nên họ là nước duy nhất có quyền lưu thông trên Ấn Độ dương. Người Hà Lan vẫn tiếp tục không cho phép tất cả các nước Châu Âu khác buôn bán trực tiếp với các hòn đảo trồng gia vị của họ.
Từ khi quyền lực của Bồ Đào Nha bị giảm sút, không một nước Châu Âu nào dám khẳng định đặc quyền của mình được đi lại trên Ấn Độ Dương. Các cảng lớn ở đây bắt đầu mở cửa đón tàu mở cửa đón tàu của tất cả các nước Châu Âu. Song, ngoài Bồ Đào Nha và Pháp (trong một số năm), các nước Châu Âu đều ủy quyền buôn bán với Đông Ấn cho các công ty độc quyền. Loại độc quyền này chống lại bản thân nước thiết lập nên độc quyền này chống lại bản thân nước thiết thiết lập nên độc quyền. Vì phần lớn số dân nước này không những không được bỏ vốn để buôn bán trực tiếp, mà còn phải mua lại hàng của công ty độc quyền với giá đắt hơn là nếu họ được tự do buôn bán. Chẳng hạn, từ khi thành lập Công ty Đông Ấn của Anh, thì hầu hết người dân Anh không những không được buôn bán với Đông Ấn, mà còn phải trả giá rất cao cho số hàng hóa của họ tiêu dùng, không những trả lãi quá cao cho công ty độc quyền, mà còn trả giá cho những hao hụt to lớn do sự gian trá và lạm dụng mà không thể tránh được trong khi quản lý một công ty lớn như vậy. Tính phi lý của loại độc quyền thứ hai nảy thể hiện rõ nhiều so với loại thứ nhất.
Cả hai loại độc quyền này ít nhiều làm rối loạn sự phân bố vốn tự nhiên của xã hội, nhưng không phải bao giờ cũng làm rối loạn như nhau.
Loại độc quyền thứ nhất bao giờ cũng thu hút được một phần lớn hơn trong số vốn của xã hội vào một việc kinh doanh nào đó so với khi số vốn tự bỏ ra.
Loại độc quyền thứ hai đôi khi có thể thu hút vốn đổ ra, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể khác nhau, ở nước nghèo thì loại độc quyền này thường thu hút được nhiều vốn hơn, nhưng ở nước giàu thì nó thường gạt số vốn đó ra.
Chẳng hạn, những nước nghèo, như Thụy Điển và Đan Mạch, sẽ chẳng bao giờ đi tàu đến Đông Âu nếu việc buôn bán không thuộc về một công ty độc quyền.
Việc thành lập một công ty như vậy nhất thiết sẽ khuyến khích mạo hiểm. Độc quyền của họ làm cho họ không sợ sự cạnh tranh trên thị trường nội địa và có khả năng như nhau với các nhà buôn bán nước ngoài để giành thị trường ở các nước khác. Độc quyền của họ đảm bảo cho họ chắc chắn có lợi nhuận to lớn thu được từ một số lượng hàng khá lớn và có khả năng thu được lợi nhuận khá lớn từ một số lượng hàng rất lớn. Không có sự khuyến khích như vậy thì các nhà buôn nghèo của những nước nghèo như vậy chắc là đã không phải nghĩ đến việc mạo hiểm đầu tư vốn vào một cuộc phiêu lưu không chắc chắn và xa xôi như việc buôn bán với Đông Ấn.
Ngược lại, một nước giàu như Hà Lan, trong trường hợp được tự do buôn bán, thì chắc đã cho nhiều tàu thuyền đến Đông Âu hơn là như hiện nay. Vốn thương mại của Hà Lan lớn đến nỗi nó thường xuyên được xung vào công quỹ của các nước khác, hoặc tham gia vào các vụ buôn bán vòng vo nhất, hoặc đầu tư vào ngành vận tải quốc tế. Vì mọi việc làm ở gần không còn chỗ nữa, số vốn mà có thể đầu tư vào việc làm ở gần thì đã đầu tư rồi, cho nên số vốn của Hà Lan nhất thiết phải bỏ vào những việc làm ở xa. Nếu được hoàn toàn tự do, thì việc buôn bán với Đông Âu chắc đã thu hút được phần lớn số vốn dư thừa đó. Đông Âu cung cấp thị trường cho hàng công nghiệp của Châu Âu, cho vàng bạc cũng như một số sản phẩm khác của Châu Mỹ, và thị trường này có sức mua lớn hơn Châu Âu và Châu Mỹ góp lại.
Mặc dù không có công ty độc quyền thì một nước nào đó không có khả ngăn tiến hành buôn bán trực tiếp với Đông Âu, từ đó không thể suy ra rằng một nước như vậy trong tình hình như vậy không nên buôn bán trực tiếp với Đông Âu. Việc các công ty như vậy nói chung, không cần thiết để tiến hành thương mại với Đông Âu đã được minh họa khá đủ bởi thực tiễn của người Bồ Đào Nha – họ đã buôn bán với Đông Âu hơn một thế kỷ liền mà không có một công ty độc quyền nào cả.
Mặc dù người Châu Âu có nhiều khu định cư lớn ở bờ biển Châu Phi và Đông Ấn, họ chưa thiết lập được ở những nơi đó những thuộc địa, đông đảo và phồn thịnh như ở hòn đảo và lục địa Châu Mỹ. Song, Châu Phi và các nước được mệnh danh là Đông Âu là nơi cư trú của các dân tộc mọi rợ. Nhưng các dân tộc này không hề yếu hèn và vô phương tự vệ như những người Châu Mỹ cùng khổ và bất lực. Ngoài ra, ở Châu Phi và Đông Ấn có nhiều dân hơn và phần lớn sống bằng nghề chăn cừu. Trong khi đó thổ dân Châu Mỹ, trừ Mexico và Peru, chỉ làm nghề săn bắn. Vì vậy, ở Châu Phi và Đông Âu, người Châu Âu gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xua đuổi thổ dân để mở rộng đồn điền của mình. Hai khu định cư của người Hà Lan ở mũi Hảo vọng và ở Batavia hiện nay là hai thuộc địa lớn nhất mà người Châu Âu đã thiết lập. Ở Châu Phi và Đông Ấn, Mũi Hảo vọng là ngôi nhà trung lộ giữa Châu Âu và Đông Âu. Trên đường đi và về, thuyền Châu Âu thường dừng lại đây để tiếp nước, thực phẩm và các thứ khác. Batavia nằm trên con đường biển nhộn nhịp nhất từ Indonesia đến Trung Hoa và Nhật Bản. Hầu hết các thuyền từ Châu Âu đi Trung Quốc đều ghé qua Batavia. Đây là một trung tâm thương mại cả người Châu Âu và người Đông Ấn. Trong cảng ở đây người ta thường thấy tàu thuyền của người dân Trung Hoa và Nhật Bản, Bắc Kỳ và Nam Kỳ, Malacca và Celebes. Địa thế thuận lợi như vậy đã tạo điều kiện cho 2 thuộc địa này khắc phục mọi trở ngại do các công ty độc quyền gây ra. Địa thế này còn giúp Batavia khắc phục điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất trên thế giới.
Người ta kể rằng tại các hòn đảo trồng gia vị, người Hà Lan đã đốt hết số gia vị mà họ cho là thừa, không thể bán hết ở Châu Âu, làm như vậy là để đảm bảo mức lợi nhuận cần thiết của họ. Ở Bengal, công ty của Anh chưa thiết lập được một hệ thống có sức tàn phá như vậy, nhưng trong vòng một, hai thế kỷ này, chính sách của các công ty của Anh chắc là cũng đã có sức tàn phá như chính sách của người Hà Lan. Tôi không muốn quy lỗi cho công ty Đông Ấn, lại càng không muốn gắn tôi cho bất kì cá nhân nào. Đây là chế độ quản lý mà tôi muốn xem xét, chứ không phải thái độ của những người đã thừa hành trong chế độ đó. Họ đã hành động như tình thế đã sui khiến họ, và những ai lớn tiếng kêu gào chống họ, chắc gì đã hành động tốt hơn họ.
Bởi vậy, các công ty độc quyền như vậy gây ra nhiều phiền toái về mọi mặt, gây bất lợi cho các nước có các công ty đó, và gây thiệt hại cho những ai không may mắn chịu sự quản lý cả các công ty đó.