Đại Dương Đen - Chương 14

14

HIỆN TƯỢNG

Từ thời Hy Lạp cổ đại người ta đã biết tới những biểu hiện của melancholia, hay u sầu, căn bệnh mà ngày nay ta gọi là trầm cảm. Hippocrates, người thầy thuốc Hy Lạp nổi tiếng sống hai nghìn năm trăm năm trước, được cho là người đầu tiên ghi chép về nó. Ông cũng cung cấp luôn một mô hình lý thuyết đi kèm; theo ông, bệnh được gây ra bởi sự mất cân bằng của chất mà ông gọi là “mật đen” trong cơ thể.

“Buồn bã, suy sụp, gầy gò bởi lo lắng và mất ngủ” bảy trăm năm sau, Areteaus, một trong những thầy thuốc quan trọng khác của Hy Lạp cổ đại, mô tả người bệnh. “Ở giai đoạn sau, họ than vãn về vô vàn sự vô nghĩa và mong muốn được chết” Plutarch, triết gia và sử học Hy Lạp, cũng ở thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, viết về những người u sầu, “Họ ngồi trước cửa nhà trong quần áo bẩn thỉu, kể lể về tội này hay lỗi kia của mình và sợ hãi chứ không còn hứng thú gì nữa kể cả với những lễ hội ngợi ca các vị thần”

Những ghi chép cổ đại này đã chứa đựng đầy đủ những triệu chứng được ghi nhận bởi y học hiện đại về trầm cảm: tâm trạng rối loạn, tự oán trách và trừng phạt bản thân, những dấu hiệu vật lý và thực vật như biếng ăn, mất ngủ, giảm cân và mong muốn tự sát.

Bởi những biểu hiện về cảm xúc là yếu tố khiến ta chú ý nhất, nên ta quen gọi trầm cảm là một rối loạn tâm trạng hay rối loạn cảm xúc. Tuy nhiên, theo Aaron Beck, cha đẻ của liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi mà chúng ta sẽ còn nhiều lần nhắc tới, gọi như vậy thì cũng ít hữu ích và khiến ta lạc lối như gọi bệnh sốt ban đỏ, do một loại virus gây ra, là một chứng “rối loạn của da”. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, triệu chứng chính của bệnh lại không thể hiện qua cảm xúc buồn bã hay bất hạnh, mà liên quan tới trạng thái tinh thần như lo lắng hay tuyệt vọng. Hay nó thể hiện qua sự thay đổi trong cái nhìn và thái độ về bản thân và về cuộc sống, người bệnh thấy mình vô dụng, vô giá trị, mọi thứ thì vô nghĩa, khiến họ không còn theo đuổi bất cứ mục đích hay mối quan tâm nào. Hoặc triệu chứng chính lại liên quan tới những biểu hiện thể chất như mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ, tức ngực, đau bụng hay run tay. Ở Việt Nam và nhiều quốc gia ngoài văn hóa phương Tây khác, những triệu chứng vật lý này có thể nhận sự chú ý cao hơn và khiến người ta bị lạc hướng. Nhiều nhân vật trong cuốn sách này đã mất nhiều năm gõ cửa các bác sĩ khác nhau và uống đủ loại thuốc nhằm trị các triệu chứng thể chất, trước khi tự mình tìm tới bác sĩ tâm thần. Trong một môi trường y tế chất lượng hơn, bác sĩ đa khoa sẽ phải có đủ kiến thức tối thiểu để gửi người bệnh tới đồng nghiệp chuyên khoa của mình.

Một trong những thách thức để hiểu và khái niệm hóa trầm cảm là nó được sử dụng lẫn lộn trong các bối cảnh đời sống hằng ngày và trong ngữ cảnh y học. Người ta hay quen miệng dùng chữ “trầm cảm” để chỉ trạng thái chán chường trong một ngày mưa, sự cô đơn trong một tối thứ Bảy hay cảm giác thất vọng khi thi trượt, và cho rằng căn bệnh trầm cảm cũng là một cái gì tương tự như vậy. Phần lớn sẽ đều đồng ý rằng tâm thần phân liệt là một cái gì đó xa lạ và kỳ lạ, khác hẳn với thế giới của người khỏe mạnh. Tuy nhiên, người ta lại hay cho rằng trầm cảm cũng chỉ là những trải nghiệm quen thuộc của buồn bã hay chán nản, có thể là nhiều hơn chút, mạnh hơn chút và cùng lắm là kéo dài hơn chút mà thôi. Cho nên người ta mới hay nói, “Xin thưa, bản thân tôi nhiều lúc cũng bế tắc, nhưng mình cứ phải phấn đấu thôi.”

* * *

Trải nghiệm của ông Thạch khác trải nghiệm của chị Hoa khác trải nghiệm của Xuân Thủy, hình hài của trầm cảm vô cùng đa dạng. Tuy không cùng xuất hiện ở mỗi trường hợp và cũng không có mức độ như nhau, những triệu chứng của trầm cảm có thể nằm ở những khía cạnh sau.

Biểu hiện trong cảm xúc. Người trầm cảm có thể có tâm trạng tiêu cực, từ mức nhẹ như buồn bã tới mức nặng như tuyệt vọng. Giận dữ cũng hay xuất hiện, nhẹ thì là cáu bẳn, gắt gỏng, nặng thì là hung hăng, thịnh nộ. Khi bùng nổ, Thành ném cốc vào tường trong cuộc họp hay đánh bố. Xuân Thủy “muốn đập phá, càn quét, hủy diệt mọi thứ xung quanh” và có trong đầu những cơn chửi rủa đồng nghiệp cay nghiệt vô tận. Đặc biệt, ở trẻ em và người trẻ, giận dữ được coi là một dấu hiệu cơ bản mà qua đó trầm cảm để lộ chân tướng của mình.

Họ cũng có thể đánh mất niềm vui và hứng thú trong cuộc sống, bắt đầu là với một vài hoạt động hay mối quan tâm (mức nhẹ), cho tới mất toàn bộ các đam mê và trở nên hoàn toàn thờ ơ với những gì xảy ra trong cuộc sống, thậm chí còn căm ghét những điều mà trước kia họ vốn say mê và thích thú (mức nặng). Không chỉ mất niềm vui với những điều nhất định, cụ thể, như âm nhạc hay chơi với con, họ mất đi khả năng trải nghiệm niềm vui nói chung, như một người mất khứu giác không còn cảm nhận được bất cứ mùi vị gì. Nhiều người thậm chí còn không cảm nhận cả sự buồn bã nữa, bên trong họ là một sự trống rỗng, vắng bóng mọi dấu vết của đời sống cảm xúc.

Gần như xuyên suốt qua các câu chuyện ở phần trước, người trầm cảm có những cảm xúc tiêu cực về bản thân, từ thất vọng về mình (mức nhẹ) tới coi mình là vô dụng hay căm ghét bản thân (mức vừa), tới cho rằng mình kinh tởm và không xứng đáng để sống (mức nặng). Họ đánh mất sự yêu thương, gắn bó với người thân, trở nên thờ ơ, vô cảm trước những người này, thậm chí ở mức nặng còn ác cảm và căm ghét họ. Thành nhìn đứa con nhỏ trên tay mình như nhìn một cục thịt giãy giụa, la hét và muốn vứt nó xuống lòng đường. Quỳnh dùng lời lẽ đâm chém đứa con gái nhỏ và lao vào bóp cổ nó như một con ma cà rồng.

Người ta có thể mất khả năng kết nối với người khác. Tác giả Matthew Ratcliffe dẫn lời một người trầm cảm, “Tôi chẳng cảm thấy gì với chồng mình, chẳng cảm thấy gì với những đứa con mình. Tôi ở trong một cái bong bóng rất dày, dù tôi ấn mạnh thế nào chăng nữa thì lớp vỏ của nó cũng đẩy tôi trở lại. Tôi không thể chạm vào bất cứ ai, không thể chạm vào bất cứ cái gì.” Khi trầm cảm tới thì dù trước mặt Hoa là chồng hay là con, tay trong tay, mắt nhìn mắt, “nhìn mãi nhìn mãi, chị sẽ chỉ thấy một khoảng trống dẫn tới một không gian xanh tím, đặc quánh”. Trong tự truyện của Sally Brampton, cô ghi lại mình đã kinh ngạc và sợ hãi chính bản thân như thế nào khi cô nhìn trên ti vi những cơ thể rơi xuống từ hai tòa tháp đôi trong sự kiện 11 tháng Chín với một thái độ dửng dưng cao độ - chính điều này khiến cô cuối cùng tìm tới bác sĩ. Sự mất kết nối này làm người trầm cảm trở nên vô cùng cô đơn. Như Hiển vừa từ chối tiếp xúc, rời xa bạn bè, vừa thấy mình bị khước từ, bỏ rơi, “biết mình thật vô lý, nhưng tôi không lý giải được tại sao”.

Biểu hiện trong nhận thức. Người trầm cảm cho rằng mình kém cỏi, ngu dốt hay xấu xí, điều có thể khác xa thực tế tới mức những người xung quanh không thể nào hiểu nổi. Ở mức nhẹ, họ bị ám ảnh bởi các sai lầm của mình, ở mức nặng, họ cho rằng mình là gánh nặng cho người thân hay cho công ty, người sùng đạo có thể cho rằng mình là kẻ tội lỗi xứng đáng bị trừng phạt nặng nhất. Hoa lớn lên “với mong muốn tự tiêu diệt bản thân, nhưng không theo một cách nhẹ nhàng mà phải thật đau đớn. Sự căm ghét chính mình lớn lên theo thời gian và trở nên tự nhiên với Hoa như người khác thấy đói, thấy khát”. Với Thùy Dương thì “cơn hoảng loạn thường được khởi đầu bởi suy nghĩ là mình vô dụng. Suy nghĩ này xâm chiếm tới mức mình tê liệt và không làm được gì nữa. Mình bắt đầu sỉ vả bản thân, và điều đó khiến cảm giác bản thân vô dụng kia lại càng bùng lên. Cuối cùng, mình bị nhấn chìm bởi đống rối ren trong đầu”.

Việc không có khả năng học tập hay làm việc như trước được nữa, không chăm sóc bản thân hay chăm sóc người khác được nữa, càng làm tăng cảm giác mình vô dụng, thừa thãi. Thêm nữa, người trầm cảm (và người xung quanh) hay cho rằng đó là do lỗi của họ, suy nghĩ mà người bị ung thư hay suy tim ít khi có. Họ trách móc, đổ lỗi cho bản thân nếu có điều gì không vừa ý xảy ra. Ở mức nặng, họ cho rằng mình chịu trách nhiệm cho mọi điều tệ hại, kể cả những điều không nằm trong sự kiểm soát của họ. Từ đó, họ tin rằng không ai có lý do gì để yêu quý, quan tâm tới họ nữa, và nếu có thì họ cũng không xứng đáng với tình cảm đó.

Ý thức rằng cái chết của mình sẽ đem lại đau khổ cho ai đó, em gái, người yêu, những đứa con, thường là sợi chỉ cuối cùng giữ họ lại với cuộc sống. Sợi chỉ đó đứt khi ý nghĩ mình là gánh nặng, biến mất là điều tốt nhất mình làm được cho người thân, xuất hiện. “Chết đi! Không có mày thì mọi người không bị ảnh hưởng.” Giọng nói trong đầu Hiển tỉ tê phân tích, thuyết phục vô cùng, “Uyên có thể đi yêu người khác, bố mẹ mày không bị tốn kém thêm.” Cậu thấy “nó rất hiểu mình, nó biết các băn khoăn của mình, nó kéo mình đi.”

Họ có một hình ảnh méo mó về cơ thể của mình. Ở mức nhẹ, họ lo lắng về hình dạng bên ngoài, ở mức nặng, họ hoàn toàn tin rằng họ xấu xí và trông ghê tởm. “Tôi thấy cơ thể mình đáng tởm” Uyên viết về bản thân. “Đầu óc tôi tởm vì sự ngu đần. Trái tim tôi tởm vì đây tiêu cực và đáng bỏ xó (…) Tôi thấy mình cứ mục ruỗng dần.”

Khía cạnh quan trọng thứ hai liên quan tới nhận thức là sự suy giảm trong khả năng ra quyết định. Một mặt, người trầm cảm lo sợ quyết định của mình sai. Mặt khác, họ không có khả năng xử lý thông tin. Các tính toán, suy nghĩ, dù chỉ liên quan tới những điều quen thuộc và đơn giản hằng ngày như nấu gì hay có rửa xe máy hay không, cũng là một gánh nặng lớn. Ở mức nhẹ, họ chật vật để ra những quyết định mà khi khỏe họ không cần phải suy nghĩ nhiều. Ở mức nặng, họ không thể lên danh sách để đi chợ. Hương thấy “cuộc sống đang trượt dân ra khỏi sự kiểm soát của mình mà não chị lại đơ ra như một cái máy tính bị treo, khiến chị chỉ có thể giương mắt lên nhìn.” Thành “không ngồi được lâu trước máy tính, não anh nhanh bị trơ, các suy nghĩ trở nên ì ạch, và cố gắng tập trung khiến anh kiệt sức.” Uyên kinh ngạc về bản thân, “Bên trong tôi đang méo mó, hay môi trường bên ngoài tôi đang lệch lạc? Tôi đã mất khả năng đánh giá.” Ở những bệnh nhân lớn tuổi, biểu hiện này có thể bị nhầm tưởng là của bệnh sa sút trí tuệ.

Biểu hiện liên quan tới động lực (motivational). Đây chính là điều khiến người trầm cảm dễ bị cáo buộc và phán xét là lười lẫm và kém cỏi. Ý chí và khả năng hành động của người trầm cảm bị tê liệt, họ gặp khó khăn để có động lực làm những điều thậm chí cơ bản nhất. Ở mức nhẹ, họ buông những mục tiêu, kế hoạch mà có thể trước đó họ rất tâm huyết, và chỉ còn miễn cưỡng và máy móc thực hiện các trách nhiệm như chăm con hay đi làm kiếm tiền. Ở mức nặng, họ không thể thực hiện những hội thoại ngắn nhất, không tự vệ sinh cá nhân hay uống thuốc được. Những lúc nặng nhất, Dũng chỉ “nằm ru rú trong nhà, không tắm rửa, cả cái quần lót cũng không thay, khi nào quá đói thì hớp ngụm sữa hay ăn miếng cơm, thế thôi”. Matthew Ratcliffe trích lời một người khác, “Khi bạn trầm cảm, như có một khoảng cách khổng lồ giữa bạn và các vật khác, chúng trơ lì, không phản ứng trước những mong muốn của bạn. Khi trầm cảm qua đi, đáng ngạc nhiên làm sao, cái bút tự nhảy vào tay tôi, xà phòng cứ như là tự phủ kín người tôi, cái khăn nằm đúng ở vị trí mà tôi cần nó. Tôi không phải là nô lệ của các đồ vật xung quanh tôi nữa, tôi lại có thể là một phần của thế giới, lại tham gia vào nó.” Và một người khác nữa, “Tôi cứ nằm trên giường, khiếp sợ nghĩ tới việc phải vào nhà tắm, và khi đã ở dưới vòi sen, tôi ở đó cả thế kỷ, khiếp sợ việc bước ra ngoài. Mình có cảm giác bị khuyết tật, việc gì cũng trở nên khổng lồ, choáng ngợp.” Nhiều lúc, các đích mà Thùy Dương tự đặt cho mình là “làm thế nào để ngồi dậy trên giường được đã”. Những lúc khác, cô biết mình cần phải uống nước. “Mình ở trên giường, cách bình nước một gang tay, và nhìn chằm chằm vào nó. Tất cả những gì mình phải làm là nhấc cái bình lên, rót nước và uống. Cầm lên đi! Cầm lên đi! mình tự nhủ, nhưng tay mình như đã hoá đá.”

Họ lẩn tránh và thu mình. Ở mức nhẹ, họ trì hoãn những trách nhiệm và hoạt động phức tạp, đòi hỏi cố gắng, họ sẽ chơi game thay vì tham gia vào hoạt động xã hội. Ở mức nặng, họ tránh toàn bộ các giao tiếp. Thành nằm trong phòng tối, “nếu người thân vào phòng kéo rèm và bật đèn, anh sẽ sợ hãi và tức giận đuổi ra”.

Cuối cùng, họ mong muốn được chết. Ở mức nhẹ, nó là một mong muốn thụ động, một sự thờ ơ với cuộc sống. Ở mức nặng, mong muốn trở nên mãnh liệt, việc sống trở nên đau đớn. Tuy nhiên, ở tình trạng này, họ thiếu năng lượng để thực hiện kế hoạch tự sát của mình.

Biểu hiện vật lý và thực vật (vegetative). Tâm và thân đi cùng nhau. Dù là một căn bệnh tâm lý, trong nhiều trường hợp, những biểu hiện của trầm cảm mang tính thể xác. Đồng hồ sinh học của người trầm cảm bị hỏng, mất ngủ trở thành một trong những điều khủng khiếp, ám ảnh nhất. Mất ngủ khiến ông Thạch trở nên u mê, thế giới trở nên triền miên chói chang như những ngày hè. Những đêm dài một mình trong khi cả thế giới yên ắng là thời điểm sự khốn cùng của người trầm cảm lên cực điểm. “Ban ngày thì thời gian trôi nhanh? Dũng kể, “nhưng buổi đêm thì dã man lắm, bạn ạ. Tôi rút mẹ nó cục pin đồng hồ ra, để nó đừng có tích tắc, tích tắc. Cái sự nhích của cái kim đồng hồ ấy, đến giờ nó vẫn hằn sâu trong tâm trí tôi (…) Tôi nghĩ bụng, bây giờ mình đâm vào đâu nhỉ, đâm vào đâu để một phát chết luôn.”

Nhiều người khác thấy ngực nặng như bị đá đè, cơ thể nặng như chì, hoặc mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng và đau đầu. Hương có cảm giác “người mình co rúm lại, gù xuống, các bước chân lệt xệt”. Có những ngày, Thành “bị nấc triền miên, khiến toàn bộ lồng ngực như bị bóp nát. Lên cầu thang, anh hụt hơi, trong các cuộc họp, anh hay xây xẩm mặt mày, tai ù đi và nhiều khi phải giấu tay xuống dưới đùi vì chúng cứ run lên (…) Anh trở nên béo bệu vì tích nước, đi ngoài liên tục và mất ngủ”. Hồi sinh viên, cứ vài tháng, Hoa lại “vào viện cấp cứu vì đau bụng khủng khiếp mà không ai biết đó là do trầm cảm.” Sau này, chị có cảm giác “lạnh ở lưỡi”, “rồi sẽ hơi đau bụng”, và thấy “như có con rắn lạnh ngắt trườn trong bụng, khiến chị phải rùng mình”. Khi cố gắng đứng lên sau một giấc ngủ trưa, Thùy Dương ngã xuống sàn và không đứng lên được. “… Ngay cả việc thở cũng đau, như là có ai đang siết chặt lồng ngực của mình, không cho nó nở ra để không khí đi vào.”

Không rõ tình trạng kiệt sức và cạn kiệt năng lượng là một hệ quả trực tiếp của trầm cảm, hay nó là kết quả gián tiếp của việc thiếu ngủ, thiếu hoạt động thể lực và sinh hoạt ăn uống thất thường. Nhưng dù vì sao chăng nữa thì nó khiến cuộc sống của người trầm cảm bị biến dạng nghiêm trọng. Thùy Dương không còn hình dung được là trước kia đã có lúc mình đi lại nhanh nhẹn, đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng như không. Thật là kỳ quặc, tại sao một người đang sống bình thường lại có thể bị một cái bệnh hoàn toàn vô hình làm cho ngã xuống sàn mà không đứng dậy nổi?”

Đau đớn thể xác thường đồng hành trung thành với trầm cảm, tới mức một nguyên tắc cơ bản là cần tầm soát trầm cảm ở người có những biểu hiện đau kinh niên mà không tìm được lý do. Fibromyalgia, hội chứng đau cơ xơ hóa, mà Thùy Dương có, hay đi cùng trầm cảm, tuy tới giờ người ta chưa tìm được cơ chế kết nối ở đằng sau. Nó gây đau mãn tính, theo kiểu đau xoắn vặn, đau bỏng rát, trong cơ, dây chằng, gân và các tổ chức phần mềm, mặc dù cơ thể không có những tổn thương thực thể. Nó khiến cô gái mới ngoài hai mươi và hoàn toàn lành lặn về cơ thể này được bác sĩ khuyên “cứ đi bộ tối đa mười phút thì lại phải nghỉ năm phút” và nên “cân nhắc dùng xe lăn”.

Đến đây, chúng ta có thể thấy được là quan điểm “trầm cảm không phải là bệnh thật, nó chỉ ở trong đầu mình mà thôi”, kỳ dị và tức cười như thế nào.

* * *

Tuy nhiên, trên phương diện hiện tượng luận, một lĩnh vực nghiên cứu về trải nghiệm và ý thức, trầm cảm không chỉ là tập hợp những điều kể trên. Điều góp phần khiến người ngoài không thể hiểu được người trầm cảm là nó là một trải nghiệm vô cùng khó diễn tả, truyền đạt và chia sẻ. Những nhân vật của cuốn sách này luôn trở đi trở lại rằng họ bất lực để diễn đạt những gì họ cảm thấy, những gì họ trải qua. Nếu như có điều làm Thùy Dương tự hào về bản thân, thì đó là “trong đêm đen dài hai mươi hai năm, mình đã trở thành ánh sáng cho chính mình như thế nào, bởi vì không ai, không một ai, có thể hiểu được những gì mình đã phải trải qua”. Trước Thùy Dương gần hai trăm năm, trong thời kỳ trầm cảm của mình, John Stuart Mill, triết gia có ảnh hưởng bậc nhất của Anh, viết, “Vào lúc này, không có bất cứ một ai mà tôi có thể khiến họ hiểu được hoàn cảnh của mình.” Trầm cảm, kể cả với những bậc thầy của ngôn từ, như với nhà văn William Styron, là gần như không mô tả được”. Nó là một cơn thủy triều độc hại “không thể gọi được tên”, một sự tra tấn xa lạ với tất cả những trải nghiệm hằng ngày, khiến người mạnh khỏe không thể hình dung nổi. Nó là một cái gì đó “rất gần với sự đau đớn, nhưng lại vô cùng khác, theo cách mà không thể diễn đạt được. Trong một cố gắng khác, Styron viết, “Cái đau này gần nhất với cả việc bị chết đuối hay chết ngạt, nhưng ngay cả vậy, những hình ảnh này cũng không phù hợp.”

Nhà nghiên cứu hiện tượng học Matthew Ratcliffe cho rằng sự khó khăn này nằm ở chỗ trầm cảm chuyên chở người bệnh tới một thế giới không còn gì chung với thế giới của những người còn lại, cũng là thế giới của chính họ trước kia.Căn bệnh phá vỡ cảm giác người ta thuộc về một thế giới chung, nó thay đổi quan hệ của người trầm cảm với thực tại. Với tất cả những gì mà trầm cảm gây ra, những thay đổi trong cảm nhận thể xác, sự mất hy vọng, cảm giác tội lỗi, cảm giác bị thu nhỏ bản thể và sự chủ động (agency), những thay đổi trong cảm nhận về thời gian, sự cô lập trước thế giới, nó tạo ra một sự dịch chuyển mang tính hiện sinh.

Trầm cảm phá hoại cảm giác cơ bản nhất của sự tồn tại, cảm giác được bao bọc xung quanh bởi một thế giới dễ chịu và quen thuộc. Không chỉ đơn giản là mất ngủ hay biếng ăn hay chán nản, tác giả Hornstein trích dẫn một người trầm cảm, “Bạn đánh mất chính cuộc sống. Bạn đánh mất một trái đất mà trên đó có thể sinh sống được. Bạn đánh mất lời mời cho cuộc sống mà trước kia vũ trụ vẫn gửi tới chúng ta trong từng khoảnh khắc. Bạn đánh mất một điều mà người ta còn chẳng biết nó là cái gì. Chính vì thế giải thích nó rất khó khăn.”

Và cái thế giới mới mà người trầm cảm bị vứt vào mới kinh khủng làm sao. Hương thấy mình như bị kẹt trong một cái ô tô bị va đập méo mó và đang chìm xuống đâu đấy mà xung quanh cứ mờ ảo, tối tăm và ngột ngạt”. Với William Styron, “thời tiết của trầm cảm” không lên bổng xuống trầm, ánh sáng của nó là thứ ánh sáng bị tụt áp. Ratcliffe trích lời một người trong cuộc, “Tôi ở một nơi khắc nghiệt và xa xôi, một địa hình khủng khiếp, chỉ dành riêng cho tôi. Tôi không có nơi nào để tới, không có gì để xem, không có cái nhìn toàn cảnh (panorama). Mặc dù cái quanh cảnh này bao quanh tôi, mênh mông và vô hình dạng, tôi không thể thoát khỏi sự cầm tù đáng sợ của cơ thể nặng như chì và con mắt cụp xuống.” Một người khác mô tả mình được đưa tới “một đất nước của hư vô, nơi thực tại đánh mất thực chất của nó và trở nên ma quái, trong suốt và khó tin”.

Nhiều người khác mô tả cảm giác bị giam cầm mà không thể thoát ra. Cái chuông thủy tinh là ẩn dụ giờ đây đã rất nổi tiếng của nữ nhà văn Sylvia Plath. “Dù có trên boong tàu du lịch hay ở một cafe đường phố,” Plath viết, “tôi vẫn cứ bị giam bên trong cái chuông thủy tinh, bị chiên âm ỉ trong không khí chua như giấm của mình.” Styron so sánh không gian của mình như một căn phòng ma quỷ bị hun nóng lên khủng khiếp. Alvarez, một tác giả viết về trầm cảm quan trọng khác, thấy mình ở trong một thế giới đóng kín, không có không khí và không có đường ra. Từ bên trong cái bong bóng cô đơn và khổ ải, người ta quan sát cuộc sống bên ngoài vẫn đang diễn ra, và cảm thấy mình ở trong một mùa đông băng giá và khô cằn. Người ở vùng nhiệt đới như ông Thạch lại thấy mình bị giam cầm triền miên trong mùa hè gay gắt mà ông không có cách nào thoát ra được.

Những người khác thì tin rằng mình vẫn ở trong thế giới cũ, tuy nhiên cái cằn cỗi, xám xịt mà họ thấy giờ đây mới là thực tại. Sự đẹp đẽ, xanh tốt trước kia chỉ là tấm màn, và tấm màn đã được vén lên, để lộ thực tại như nó vốn là. Trầm cảm khiến Andrew Solomon, tác giả cuốn tự truyện nổi tiếng Ác quỷ giữa ban ngày, nhận thức sâu sắc là anh “chạm được đến thực tế khủng khiếp của đời mình”.

Nhiều người mô tả trải nghiệm mất thăng bằng, đang rơi. Solomon thấy mặt đất lao vun vút về phía mình. Nhưng cảm giác này không kết thúc sau một tích tắc như vẫn xảy ra trong một giấc mơ, anh không thể thoát khỏi nó, nó tiếp tục, “kéo dài hết giờ này qua giờ khác qua giờ khác”. Hoa hay thấy mình ở trong một không gian xanh tím, đặc quánh. “Trong không gian đó, chị từ từ rơi qua nhiều tầng mà không thể bấu víu vào đâu. Bên trên, vầng sáng của mặt trời nhỏ dần và mờ dần. Không có gì níu kéo sự tồn tại vật lý của Hoa nữa, xung quanh chị là lạnh lẽo, ẩm ướt và sợ hãi.” Trong một buổi hội trường, cậu bé Thành bỗng thấy, “mọi thứ mờ đi, thảm âm thanh lùi ra xa”, và rồi cậu “rơi vào một cái hố thăm thẳm, xa dần, xa dần sự sống mà không thể níu kéo được”.

Cuối cùng và có lẽ quan trọng nhất, theo Ratcliffe, trầm cảm là một sự khủng hoảng của niềm tin. Không phải niềm tin mang tính tôn giáo, mà niềm tin bản năng mà chúng ta vẫn có rằng mọi việc đến rồi sẽ đi, cùng với thời gian, mọi sự sẽ thay đổi, tương lai sẽ khác. “Người ta có thể chịu đựng và sống sót qua gần như mọi thứ nếu họ nhìn thấy cái kết. Trầm cảm xảo trá ở chỗ nó khiến người ta không thể nhìn thấy điểm kết thúc. Cái đám sương mù đó là một cái chuồng không có ổ khóa.” Ratcliffe trích dẫn một nhân chứng. “Tôi ở một nơi chốn bị đóng cứng về thời gian, cái khoảnh khắc hiện tại này, nó kéo dài vô tận, đau đớn khôn cùng. Không còn khả năng gì nữa cho sự cứu rỗi, cho hy vọng” Một người khác trải nghiệm, “Nó là sự đầu hàng cuối cùng cho tất cả mọi thứ. Nó là cái chết”.

Chính vì vậy, nhiều người trầm cảm không thể tin được là cuộc sống của họ có thể sẽ khác đi. Sự mất hy vọng ở đây mang tính toàn diện, hiện sinh, không phải sự mất hy vọng về một điều gì cụ thể như cuối tuần trời sẽ khô ráo hay cuối năm mình sẽ được tăng lương. Khi cha của Solomon cam đoan với anh rằng giai đoạn trầm cảm rồi sẽ qua, với anh, nó cũng giống như ông nói là anh có thể “lắp một cái tàu vũ trụ bằng bột làm bánh bích quy và bay lên sao Hải Vương”. Cảm giác tuyệt vọng trọn vẹn và bao trùm này là điều mà chính người trầm cảm cũng không thể hiểu được.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3