Đại Dương Đen - Chương 16
16
NHỮNG MÔ HÌNH LÝ GIẢI
Trầm cảm đến từ đâu? Kể từ khi Hippocrates, hai nghìn năm trăm năm trước, cho rằng nguyên do là cơ thể thừa “mật đen”, các cố gắng liên ngành tâm lý học, thần kinh học, hóa sinh và xã hội học đã có những bước tiến lớn trong việc xác định nguồn cơn của trầm cảm và qua đó tìm ra những phương pháp trị liệu phù hợp. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn vẫn đứng trước rất nhiều ẩn số, đi kèm các tranh cãi. Nhưng nếu có một điều mà chắc chắn không ai phản đối thì đó là không có duy nhất một nguyên nhân gây ra trầm cảm. Trầm cảm có lý do sinh học, lý do tâm lý và lý do xã hội; hơn nữa, những yếu tố này tương tác qua lại với nhau, khiến bức tranh phức tạp hơn.
Ảnh hưởng của gene Chúng ta hãy bắt đầu trước với sinh học. Không khó để nhận ra, trầm cảm lặp lại qua các thế hệ của một gia đình. Con cái của cha mẹ trầm cảm có rủi ro trầm cảm cao gấp hai tới ba lần so với mức trung bình trong dân cư, và nếu trầm cảm đã xuất hiện ở hai thế hệ thì ở thế hệ thứ ba, không những xác suất nó xảy ra là cao hơn, nó sẽ còn xuất hiện sớm hơn và sẽ còn nặng hơn nữa. Trong các nhân vật của chúng ta, yếu tố gia đình dường như đóng vai trò quan trọng ít nhất là Bảo Anh, ở Hoa và ở Thành.
Tuy nhiên, bản thân điều này chưa xác định rõ ràng vai trò của di truyền, nó có thể là câu chuyện của môi trường. Trầm cảm ở cha mẹ ảnh hưởng tới khả năng họ nuôi dạy con, khiến môi trường sống và quá trình trưởng thành của trẻ trở nên bất lợi, và qua đó tăng khả năng nó cũng bị trầm cảm. Để đánh giá riêng được ảnh hưởng của gene, các nhà chuyên môn chú ý tới những cặp sinh đôi nhưng lớn lên trong những môi trường khác nhau, ví dụ do được các gia đình khác nhau nhận làm con nuôi. Các kết quả khá rõ ràng, ở các cặp sinh đôi cùng trứng, nghĩa là chia sẻ một trăm phần trăm gene, nếu một người có trầm cảm thì xác suất người kia cũng có là gần năm mươi phần trăm. Ở các cặp sinh đôi khác trứng, tức là mức chia sẻ gene chỉ giống các anh chị em trong một gia đình, tỷ lệ này chỉ là hai mươi phần trăm, tuy vẫn cao hơn mức trung bình trong dân số. Nhìn chung, người ta cho rằng trầm cảm chủ yếu, di truyền đóng góp tầm năm mươi phần trăm vào rủi ro mắc bệnh - đây là một mức độ vừa phải, thấp hơn vai trò của gene trong rối loạn lưỡng cực. Hiện nay chưa có đủ dữ liệu để kết luận về vai trò của gene trong trầm cảm dai dẳng.
Mọi cố gắng để xác định gene hoặc những gene liên quan tới trầm cảm tới nay đều vẫn thất bại. Có lẽ sẽ không có gene hay nhóm gene nào chịu trách nhiệm hoàn toàn cho trầm cảm, theo nghĩa là người có gene đó thì chắc chắn sẽ bị trầm cảm, tương tự như cách màu mắt hay màu tóc được xác định bởi gene. Ngược lại, người ta cho rằng sự tương tác qua lại giữa gene và yếu tố môi trường, cụ thể là stress, đóng một vai trò quan trọng. Điều này thực ra không xa lạ, chiều cao của một cá nhân là một sản phẩm của cả gene và môi trường, cụ thể là yếu tố dinh dưỡng.
Tương tác qua lại này được thể hiện qua mô hình khuynh hướng trầm cảm và stress. Khuynh hướng, hay còn gọi là tạng, diathesis trong tiếng Anh, là một sự tổn thương có sẵn. Ở mức độ stress thấp (phần trái của hình bên dưới), rủi ro trầm cảm của người có mức tổn thương cao và người có mức tổn thương thấp không khác nhau là bao. Nhưng ở bên phải hình, vùng có nhiều stress, rủi ro của người có mức tổn thương cao lớn hơn hẳn.
Mô hình khuynh hướng trầm cảm và stress
(Theo Jill M. Hooley, James N. Butcher, Matthew K. Nock, Susan Mineka trong Abnormal Psychology, Pearson Education Limited, 2017)
Nhưng khuynh hướng trầm cảm này được tạo ra bởi cái gì? Câu trả lời là gene. Ví dụ, gene tạo ra đặc điểm tính cách neuroticism, thường được dịch ra tiếng Việt là bất ổn hay nhạy cảm. Người có đặc điểm tính cách này nhạy cảm hơn trước những kích thích tiêu cực của môi trường và dễ có hơn những cảm xúc như buồn phiền, sợ hãi, tội lỗi hay giận dữ. Tuy nhiên, gene không phải là thủ phạm duy nhất tạo ra khuynh hướng trầm cảm cao, những yếu tố phi sinh học cũng đóng một vai trò. Một đứa trẻ bị chấn động tâm lý lớn hay có tuổi thơ khắc nghiệt sẽ phát triển sự tổn thương khiến khi lớn lên nó dễ bị trầm cảm hơn khi gặp phải áp lực mới trong cuộc sống.
Có thể hình dung khả năng chịu stress của mỗi người là một cái thùng. Người có khuynh hướng trầm cảm cao là người mà trong thùng đã có sẵn nhiều thân gỗ (gene bất lợi, trải nghiệm tuổi thơ khó khăn). Anh sẽ không còn nhiều chỗ cho những sự kiện gây áp lực mới trước khi cái thùng của anh đầy.
Ẩn dụ thùng chứa stress cung cấp một lời giải thích dễ hiểu cho những câu hỏi muôn thủa hướng tới người trầm cảm, “Người khác còn gặp chuyện lớn hơn, sao họ không sao?” “Chỉ vì một thằng con trai mà mày như vậy?” Nó giúp dịch chuyển “cái lỗi” ra khỏi người trầm cảm. Họ không yếu đuối hay kém cỏi. Nguồn cơn nằm ở sự tổng hòa của vô số những điều khác nhau mà người ngoài có thể không hề biết tới: cha mẹ đã từng bị trầm cảm, tuổi thơ thiếu thốn tình cảm, mất người thân sớm, chứng kiến bạo lực gia đình, bị xâm hại, kinh tế gia đình khó khăn.
Thùng chứa stress của một cá nhân
(Theo Carsten Konrad trong Therapie der Depression: Praxisbuch der Behandlungsmethoden, Springer, Berlin, 2017)
Ảnh hưởng hóa thần kinh
Đây là một trong những mô hình sinh học quan trọng nhất của trầm cảm và là nền tảng cho các cố gắng phát triển thuốc trầm cảm từ hơn nửa thế kỷ nay. Hệ thống thần kinh có chức năng truyền các tín hiệu từ não tới các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, các tế bào thần kinh không dính liền vào nhau, giữa chúng có một khoảng cách nhỏ, gọi là khớp nối (synapse). Các tín hiệu thần kinh được truyền tải qua khoảng cách nhỏ này bởi những phân tử dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter), ta có thể hiểu chúng như những người đưa thư. Người đưa thư xuất phát từ tế bào thần kinh trước, và khi đưa xong thư tới tế bào thần kinh sau, họ quay về và tải nhập vào tế bào trước.
Có ít nhất ba mươi loại người đưa thư khác nhau, nhưng ba chất dẫn truyền mang tên norepinephrine, dopamine và serotonin, được gọi chung là monoamine, đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện của chúng ta. Người ta cho rằng serotonin điều hòa nhiều chức năng quan trọng của cơ thể như ngủ, ăn và các cảm xúc; norepinephrine thì liên quan tới phản ứng trước áp lực, sự tỉnh táo, năng lượng và các mối quan tâm. Cuối cùng, dopamine được cho là tác động tới động lực, khoái cảm và hành vi tìm tới tưởng thưởng.
Vào giữa thế kỷ 20, người ta tình cờ quan sát được là một số thuốc vốn có mục đích chữa các bệnh khác như huyết áp cao hay lao lại có “tác dụng phụ” là tăng hay giảm các triệu chứng trầm cảm. Chúng lại đều có chung đặc điểm là làm giảm hay tăng mức của các chất dẫn truyền thuộc nhóm monoamine trong người. Thêm nữa, các xét nghiệm cơ thể của người mới tự sát cũng cho thấy họ có mức monoamine thấp hơn trung bình. Mô hình monoamine lý giải trầm cảm ra đời. Theo lý thuyết này, trầm cảm xuất hiện là do sự thiếu hụt của các monoamine (ở Mỹ, người ta cho rằng quan trọng nhất là norepinephrine, châu Âu, ngược lại, cho là serotonin quan trọng hơn). Về cơ bản, từ bảy mươi năm qua, các thế hệ thuốc chống trầm cảm khác nhau đều được phát triển và sản xuất với mục đích làm tăng mức của các monoamine trong các khớp thần kinh.
Tuy nhiên, còn có nhiều điều người ta không hiểu. Nhiều loại thuốc cũng làm tăng mức monoamine nhưng lại không có tác dụng như kỳ vọng. Ở một số người trầm cảm, mức của monoamine cũng không thấp, thậm chí còn cao hơn trung bình. Lý thuyết này cũng không giải thích được vì sao công dụng của thuốc lại có độ trễ vài tuần, trong khi mức monoamine đã được cải thiện ngay khi uống thuốc rồi. Có vẻ như lý thuyết này là một lời giải thích quá đơn giản cho những hệ thống rất phức tạp đằng sau, và còn có những cơ chế khác nữa đang vận hành mà chúng ta chưa biết tới. Đáng tiếc, tới thời điểm hiện nay, vẫn chưa có một lý thuyết nào về chất dẫn truyền thần kinh thuyết phục hơn để thay thế.
Ảnh hưởng của hệ điều tiết hormone
Mô hình này tập trung vào cơ chế bài tiết hormone vào trong máu để điều hòa các chức năng của cơ thể. Cơ thể sản xuất hormone để phản ứng với các thông điệp mà não bộ gửi đi, và quá trình này thay đổi theo các thời kỳ khác nhau của cuộc đời, ví dụ mức hormone tình dục biến động vào thời điểm dậy thì. Hormone mà chúng ta quan tâm ở đây là cortisol, được sản sinh ra khi cơ thể gặp căng thẳng. Cortisol làm tăng lượng đường trong máu và hạn chế các chức năng không được coi là thiết yếu, nó chuẩn bị cơ thể cho một tình huống đánh trả hay chạy trốn. Một lượng hợp lý của cortisol là cần thiết để cơ thể phản ứng trước những mối nguy hay tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu cơ thể bị stress triền miên, đồng nghĩa với việc cortisol bị duy trì ở mức cao, não bộ bị thay đổi. Hoạt động làm mới các tế bào thần kinh của hồi hải mã, phần não bộ phụ trách trí nhớ, nhận thức cũng như khả năng điều hòa tâm trạng, bị đình trệ. Lúc đó, các sợi nhánh của các nơron thần kinh khu vực này trông như những cành cây khẳng khiu mùa đông, chứ không như những nhánh cây nhiều lộc non vào mùa xuân ở một não bộ khỏe mạnh. Hồi hải mã của người trầm cảm cũng trông trơ trụi như vậy. Đặc biệt là sau khi được trị liệu thành công, dù bằng phương pháp gì, các sợi nhánh của nơron thần kinh thuộc hồi hải mã của họ lại đâm chồi, phân nhánh như ở người không trầm cảm.
Mô hình này lý giải mối liên quan giữa stress và trầm cảm, đồng thời giải thích vì sao trẻ em có tuổi thơ khắc nghiệt, bị bạo hành hay lạm dụng tình dục sau này lại có khuynh hướng trầm cảm cao hơn. Stress kinh niên khiến cho hệ thống điều hòa cortisol của họ bị trục trặc và trở nên đặc biệt nhạy cảm. Cơ thể họ phản ứng thái quá trước những căng thẳng mới - nó luôn nhầm tưởng mình đang phải đối mặt với những nguy cơ lớn. Điều đó khiến cho cortisol của họ luôn ở mức cao (có thể quan sát thấy điều này ở người trầm cảm), hồi hải mã của họ bị hư hại.
Cần nói thêm là căng thẳng khiến trầm cảm khởi phát, nhưng những hệ quả của bệnh về phần mình lại khiến căng thẳng trở nên trầm trọng hơn; người trầm cảm rơi vào một vòng xoáy đi xuống. Ví dụ, một phóng viên chớm trầm cảm, mất ngủ và không có khả năng trực ca sớm ở tòa soạn được nữa. Điều này dẫn tới việc anh bị đánh giá về tác phong làm việc, bị trừ lương và cuối cùng mất việc. Những sự kiện này làm tăng áp lực trong cuộc sống, áp lực tăng tác động lên căn bệnh khiến nó trầm trọng hơn. Một ví dụ khác: trầm cảm khiến người ta khó khăn để xây dựng những quan hệ liên cá nhân khỏe mạnh, mà các đổ vỡ trong quan hệ lại tạo ra nhiều căng thẳng hơn, dẫn tới trầm cảm nặng hơn, dẫn tới khả năng xây dựng quan hệ kém hơn. Họ lún sâu vào một vòng luẩn quẩn. Stress ở hai ví dụ trên được gọi là stress liên quan, để phân biệt với stress độc lập, không liên quan tới căn bệnh, như là thiên tai, suy thoái kinh tế hay dịch bệnh trong xã hội.
Stress kinh niên làm tăng rủi ro để trầm cảm bắt đầu, tiếp diễn và quay lại, nhưng đáng lưu ý là mối liên kết giữa một sự kiện gây stress và trầm cảm rõ nhất ở episode đầu tiên. Những pha bệnh sau có thể xảy ra mà không cần phải có sự kiện tiêu cực đáng kể nào đi trước. Thậm chí, chúng dường như đột ngột xuất hiện. Ở Hoa, một tin xấu trên báo, một bầu trời ảm đạm, một chuyện buồn từ bạn có thể khiến trầm cảm trỗi dậy.
* * *
Ngoài các mô hình sinh học đã được giới thiệu bên trên, khá nhiều mô hình lý giải sự hình thành của trầm cảm dựa trên các cơ chế tâm lý được đưa ra. Chúng ta hãy xem xét một vài trong số những lý thuyết được nhắc tới nhiều nhất.
Mô hình nhận thức của Beck
Aaron Beck, cha đẻ của phương pháp trị liệu nhận thức hành vi mà chúng ta sẽ còn tìm hiểu chi tiết, bắt đầu phát triển nền móng lý thuyết của mình vào thập kỷ 1960, khi người ta bắt đầu có xu hướng rời xa quan điểm là những suy nghĩ vô thức đóng vai trò quan trọng trong trầm cảm, hướng sự chú ý tới phần có ý thức trong suy nghĩ và quá trình xử lý thông tin của con người.
Beck cho rằng các phản ứng trong hành vi hay cảm xúc là hệ quả của những đánh giá trong nhận thức. Nói cách khác, các triệu chứng liên quan tới nhận thức xảy ra trước và gây ra những triệu chứng liên quan tới cảm xúc, tâm trạng và hành vi. Ví dụ, suy nghĩ rằng, “người khác thấy mình là một kẻ buồn chán” sẽ dẫn tới cảm xúc buồn bã và tâm trạng u ám, cũng như hành vi thu mình lại trước người xung quanh.
Trong mô hình của Beck, về mặt bản chất nó là một mô hình khuynh hướng trầm cảm và stress, mọi thứ bắt đầu bằng những trải nghiệm thơ ấu tiêu cực, thường là với cha mẹ hay người chăm sóc chính của mình. Những trải nghiệm này sẽ khiến niềm tin sai lệch, còn được gọi là những giản đồ gây trầm cảm (depressogenic schemas), hình thành. Giản đồ là một cấu trúc nhận thức nằm sâu trong tiềm thức. Những niềm tin sai lệch này cứng nhắc, cực đoan và gây hại, chúng là những mặc định thầm lặng mà người ta thường ý thức được là mình có nó. Những suy nghĩ thì đến và đi, nhưng những niềm tin này khá vững chắc. Một mặc định thầm lặng hay niềm tin sai lệch là, “Nếu không đạt được thành tích tốt thì mình chả có giá trị gì cả.”
Một niềm tin sai lệch có thể nằm im đó nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, nhưng khi có một yếu tố stress ngoại cảnh liên quan xuất hiện và gợi nhớ lại các tình huống quá khứ khiến niềm tin được hình thành (đứa trẻ bị sỉ nhục là vô dụng khi bị điểm kém), ví dụ khi cá nhân đó không đạt được thành tích tốt trong công việc đầu tiên của mình, niềm tin này được kích hoạt và tạo ra những suy nghĩ tiêu cực tự động. Gọi là tự động vì chúng xuất hiện ngay lập tức sau sự kiện gây stress, chúng ở bên dưới của ý thức và thường người ta không biết là mình có những suy nghĩ này trừ phi nắm bắt được những kỹ thuật như là chánh niệm. Sự tiêu cực của chúng thường xoay quanh ba trục: bản thân, thế giới và tương lai. Về bản thân, “Mình là một kẻ vô dụng” về thế giới, “Không ai ưa thích mình cả”, và về tương lai, “Mọi thứ vô vọng, sẽ như thế này mãi thôi”. Ba trục này tạo ra cái mà Beck gọi là tam giác nhận thức tiêu cực (negative cognitive triad).
Những niềm tin sai lệch chính là khuynh hướng trầm cảm hay sự tổn thương trong mô hình ta đã nói tới. Người tin rằng giá trị của mình phụ thuộc vào thành tích sẽ có rủi ro trầm cảm cao hơn khi gặp phải stress liên quan, như là thất bại trong học tập hay công việc. Người bị mẹ bỏ rơi trong tuổi thơ sẽ phát triển niềm tin sai lệch là ai rồi cũng sẽ rời bỏ mình, và sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương nếu một lúc nào đó, khi đã trưởng thành, họ bị phản bội trong quan hệ tình cảm. Nhưng điều này cụ thể xảy ra thế nào? Theo Beck, khi một sự kiện liên quan xảy ra, ví dụ một cá nhân bị sếp khiển trách, nó sẽ kích hoạt niềm tin sai lệch đang tiềm ẩn trong anh, “mình chỉ có giá trị khi đạt được thành tích”. Niềm tin được kích hoạt sẽ dẫn tới suy nghĩ tự động tiêu cực, “mình là kẻ vô giá trị”. Suy nghĩ tự động dẫn tới những phản ứng trầm cảm (buồn bã, căm ghét bản thân, đau đầu, thu mình lại, mất động lực, muốn tự sát).
Mô hình nhận thức của Beck
(Theo Jill M. Hooley, James N. Butcher, Matthew K. Nock, Susan Mineka trong Abnormal Psychology, Pearson Education. Limited, 2017).
Thế nhưng tại sao cái tam giác nhận thức tai hại kia lại được duy trì? Thông thường, người ta sẽ chỉnh. sửa quan điểm của mình nếu thấy chúng vênh với những gì họ quan sát được trong thực tế chứ? Đó là vì, theo Beck, người trầm cảm có những thiên vị trong cơ chế suy luận và tiếp nhận thông tin, họ bị rơi vào các bẫy trong suy nghĩ. Ví dụ, họ rơi vào bẫy lập luận cực đoan, trắng đen, “Nếu mình không đứng đầu lớp thì mình chẳng là gì cả.” Hoặc bẫy diễn giải tiêu cực, “Sếp vừa qua mà không chào mình, chắc hẳn ông ấy ghét mình.” Những thiên kiến méo mó này khiến tam giác nhận thức tiêu cực được giữ vững và củng cố, chúng kéo ta vào vòng xoáy đi xuống của trầm cảm, nếu như ta không nắm được kỹ thuật phá vỡ chúng một cách có ý thức.
Ban đầu, Beck cho rằng yếu tố ngoại cảnh là cần thiết để kích hoạt những niềm tin lệch lạc đang tiềm ẩn khiến một giai đoạn trầm cảm trỗi dậy, nhưng những nghiên cứu mới nhất cho thấy điều đó không thực sự cần thiết. Như Hoa trải nghiệm mỗi ngày, một kỷ niệm buồn, một bài hát buồn cũng có thể đánh thức những giản đồ trầm cảm ở trong chị.
Thuyết về cách phản hồi tư lự ám ảnh
Nhà nữ tâm lý học Nolen-Hoeksema của Đại học Yale, Mỹ, quan tâm tới một cách phản ánh có vấn đề trước những đau buồn và cảm xúc tiêu cực mà bà gọi là rumination, có thể được dịch là tư lự ám ảnh, nghĩ quẩn quanh. Theo Nolen-Hoeksema, xu hướng phản ứng này đi cùng với nhận thức tiêu cực sẽ khiến cho rủi ro trầm cảm cao hơn và các giai đoạn trầm cảm cũng dài hơn. Lý do là sự trầm ngâm ám ảnh khiến người ta chìm đắm vào vòng luẩn quẩn của những ý nghĩ “đời mình thật là tệ”, và “tại sao mọi thứ lại xảy ra với mình.” Thành phải đặt chuông đồng hồ để kéo mình ra khỏi những suy nghĩ miên man như sương mù trong đầu, “nếu không, mới vừa là buổi sáng mà ngẩng lên anh đã thấy thành hai, ba giờ chiều”. Trị liệu tâm lý dựa trên chánh niệm mà chúng ta sẽ bàn tới là một cách khác, hiệu quả hơn, để anh thoát khỏi cái chế độ suy nghĩ nhai đi nhai lại này.
Thuyết về sự bất lực được luyện
Lý thuyết này bắt nguồn từ các quan sát động vật của Martin Seligman, một nhà tâm lý học Mỹ, vào cuối thập kỷ 1960. Ông thấy rằng nếu chó bị giật điện trong một hoàn cảnh mà nó không thể làm gì được (ví dụ vì bị trói) thì sau một thời gian, nó sẽ có thái độ thụ động khi tiếp tục bị giật điện, kể cả khi môi trường đã thay đổi và nó có thể dễ dàng phản ứng để tránh được những cú giật này. Seligman cho rằng sau những cố gắng bất thành ban đầu để tránh bị sốc, con vật kết luận rằng nó bất lực, nó không có khả năng kiểm soát hoàn cảnh, và do đó, không có động lực để phản ứng với nghịch cảnh mới nữa. Ông gọi đây là sự bất lực được học, được luyện, được lập trình (learned helplessness - một cách dịch sang tiếng Việt khác là bất lực tập nhiễm). Những con vật có trạng thái bất lực được luyện này cũng có những dấu hiệu của trầm cảm, như là biếng ăn, sút cân, mức năng lượng giảm, và mức của các chất dẫn truyền thần kinh monoamine trong cơ thể chúng cũng thay đổi.
Liên hệ với người, Seligman và đồng nghiệp cho rằng khi con người trải qua những sự kiện tạo stress mà họ không kiểm soát được, ví dụ đứa trẻ bị cha mẹ đánh đập mà không thể thoát đi đâu, thì cũng như con chó kia, họ có sự bất lực tập nhiễm này và trở nên trầm cảm. Bằng sự tinh tế của mình, Thành cảm nhận được điều này từ lịch sử của mình. “Thành tự ví mình với một con thú triền miên trong trạng thái bị săn đuổi, nhìn đâu cũng thấy mối nguy. Trong thế giới của cậu bé Thành non nớt, cái ác quá vẹn toàn và mạnh mẽ. Anh không chế ngự được cảm giác rằng mọi việc nằm ngoài sự kiểm soát, anh sẽ bị nghiền nát bởi cuộc đời.”
* * *
Lùi lại một bước và nhìn lại, chúng ta thấy sự tương tác qua lại, đan xen của các yếu tố sinh học, môi trường và tâm lý để dẫn tới trầm cảm. Gene đóng một vai trò, nhưng vai trò đó không bất biến mà thay đổi tùy theo mức áp lực bên ngoài. Mặt khác, những yếu tố ngoại cảnh như tác động của người mẹ lên thai nhi khi họ chịu stress, hay một tuổi thơ bất hạnh cũng thay đổi tố chất sinh học, cụ thể là nó có thể khiến hệ thống điều hòa cortisol của cơ thể trục trặc. Tiếp nữa, những trải nghiệm quá khứ bất lợi khiến người ta phát triển niềm tin lệch lạc về bản thân, về xung quanh và về tương lai, hoặc bị tiêm nhiễm cảm giác mình bất lực trước cuộc sống. Tất cả những điều này tạo nên sự tổn thương, khuynh hướng trầm cảm. Chúng làm suy yếu sức kháng cự của một cá nhân. Chỉ cần một cú đẩy mới, một sự kiện tiêu cực mới, họ có thể gục ngã.