Đại Dương Đen - Chương 23
23
LO ÂU VÀ TRẦM CẢM
Khi một cá nhân có nhiều bệnh cùng một lúc, ví dụ vừa bị viêm khớp vừa bị dị ứng theo mùa, người ta nói tới hiện tượng comorbidity, có bệnh đồng tồn tại hay là bệnh đi kèm. Điều này khiến cho việc chữa bệnh có thể trở nên phức tạp hơn, các biện pháp điều trị bệnh này có thể có ảnh hưởng tiêu cực tới bệnh kia và ngược lại.
Đồng mắc bệnh có thể xảy ra một cách tình cờ, ví dụ khi một bệnh nhân Covid-19 cũng có huyết áp cao, tiểu đường hay bệnh tim. Nhưng trong nhiều trường hợp, các bệnh tồn tại đồng thời này liên quan tới nhau. Có ba trường hợp một cá nhân mắc nhiều bệnh một cách không tình cờ. Hoặc căn bệnh này là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới căn bệnh kia, ví dụ rối loạn lạm dụng rượu có thể dẫn tới xơ gan. Hoặc bệnh này gián tiếp khiến bệnh kia xuất hiện: ung thư có thể là một cú sốc tâm lý, làm đảo lộn cuộc sống của người bệnh và khiến họ rơi vào trầm cảm. Ở trường hợp thứ ba, các căn bệnh đồng tồn tại bởi chúng có cùng chung nguyên nhân. Một chấn thương tâm lý trầm trọng có thể vừa gây ra rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD), vừa có thể khiến trầm cảm xuất hiện. Hoặc những tổn thương bẩm sinh trong gene khiến rối loạn lo âu và trầm cảm cùng xảy ra ở một người. Hiển nhiên, nhiều khi rất khó để phân định rạch ròi. Các nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng tâm thần phân liệt và trầm cảm có chung một số rủi ro về gene. Mặt khác, khi tâm thần phân liệt phát ra và bắt đầu phá hủy cuộc sống của người bệnh, nó có thể dẫn tới việc người đó rơi vào trầm cảm và lạm dụng rượu.
* * *
Hiện tượng đồng mắc vô cùng phổ biến ở các tâm bệnh, và bệnh càng nặng thì khả năng nó không phải là tâm bệnh duy nhất mà người ta có càng cao. Quá nửa số người mắc một tâm bệnh ở mức nặng cũng có hai hoặc nhiều hơn các tâm bệnh khác. Trong năm người trầm cảm thì ở bốn người, nó không phải là tâm bệnh duy nhất.
Thùy Dương không dám tới bể bơi của trường, không dám nói chuyện với thầy giáo, không dám mở email ra đọc. Nỗi sợ giao tiếp khiến cô “đóng băng, chân tay hóa đá, miệng há ra mà không phát ra tiếng”. Thanh đứng ở cổng trường run rẩy mà không thể đi vào trong, và có giai đoạn cậu sợ công an tới mức không thể đi xe máy ra đường. Hoa thức dậy mỗi sáng với cảm giác lo âu mơ hồ như có thảm họa lơ lửng trên đầu, rà soát trong tâm trí mãi mà không tìm được lý do. Thành dùng các app nhắn tin bảo mật nhất chỉ để nói chuyện về tuổi thơ của mình và đón bạn tới thăm cách nhà mình mấy trăm mét để không phải gửi địa chỉ nhà qua Internet. Uyên sợ các cuộc tiếp xúc, tới trường là chóng mặt, vào thang máy đúng lúc sinh viên tràn vào chen chúc thì buồn nôn, khó thở và hoảng sợ. Xuân Thủy vừa đặt vé máy bay trên mạng vừa lập cập sợ lộ thông tin thẻ tín dụng, sợ mua hớ, sợ mua thiếu hay thừa cân hành lý, sợ đánh sai thông tin. Anh “sợ đến buồn ỉa luôn, rất muốn đại tiện mà vào nhà vệ sinh thì không có gì mà đại tiện cả”. Cứ mười người trầm cảm thì có sáu người cũng bị rối loạn lo âu. Ngược lại, hơn một nửa số người rối loạn lo âu cũng sẽ trầm cảm ở một thời điểm nào đó trong đời mình. Rối loạn lo âu và trầm cảm hay đi cùng nhau tới mức, trong một thời gian dài, người ta không đánh giá được đây là một hay hai bệnh. Đây cũng là lý do vì sao chúng ta dành một chương riêng cho sự đồng tồn tại của chúng. Chúng chồng chéo lên nhau ở cả lịch sử bệnh trong gia đình, ở các triệu chứng và trong chẩn đoán. Những người bị bệnh kép này chịu ảnh hưởng nặng nề hơn và có tỷ lệ tự sát cao hơn những người chỉ có một trong hai bệnh.
Người ta cho rằng rối loạn lo âu thường xuất hiện trước và là một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn tới trầm cảm, khiến cho tiên lượng bệnh sau nặng hơn. Cũng giống như trầm cảm, rối loạn lo âu không phải là một bệnh, mà là một nhóm bệnh, và người ta có thể có cùng một lúc nhiều hơn một rối loạn lo âu.
Người có rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder) lo sợ mình bị đánh giá, phê phán, chỉ trích. Ở mức nặng, họ tránh các tình huống người khác nhìn thấy mình, dù chỉ là ở bể bơi hay nhà hàng, hoặc tránh tương tác với người khác, dù chỉ là nghe điện thoại của lễ tân khách sạn.
Ở rối loạn lo âu lan tỏa (generalized anxiety disorder), người ta có sự lo âu bất định hoặc lo mất kiểm soát cả với những chuyện nhỏ nhất như muốn một cuộc cà phê tán gẫu hay bạn không ưng địa điểm mình chọn.
Trong trường hợp rối loạn lo âu bị chia cắt, người ta không chịu đựng được việc xa người thân. Nó khiến một người mẹ bắt con cái đã trưởng thành luôn ở bên mình, hoặc lo lắng mất ăn mất ngủ rằng điều xấu sẽ xảy ra với chúng, kể cả khi chúng đang ở một hoàn cảnh sống bình thường.
Ngoài ra còn có chứng hoảng loạn, chứng sợ bị kẹt trong một không gian nào đó như trong xe buýt, siêu thị, rạp chiếu phim hay trên cầu, và các ám ảnh (phobia) đặc biệt khác như sợ nhện, sợ đi máy bay hay sợ nhìn thấy máu.
Trong các rối loạn lo âu trên, hoảng loạn và rối loạn lo âu lan tỏa thường gây ra tác động tiêu cực nhất tới cuộc sống của người bệnh, kế đến là rối loạn lo âu xã hội. Mặt khác, nếu như trầm cảm thường đến và đi theo các giai đoạn, dù chúng có kéo dài nhiều tháng, thì rối loạn lo âu lại khá thường trực. Nó cũng xuất hiện khá sớm trong cuộc đời, ở lứa tuổi thiếu niên hoặc chớm trưởng thành. Cũng giống như trầm cảm, khác biệt trong giới tính ở trẻ em là khá nhỏ, nhưng bắt đầu sau dậy thì thì nữ bị mắc bệnh nhiều gấp đôi nam giới.
Giống nhiều tâm bệnh khác, rối loạn lo âu có nhiều nguồn cơn. Chúng có thể liên quan tới các yếu tố sinh học như gene và những đặc điểm tính cách như quá nhạy cảm hay ức chế hành vi (sợ hãi những tình huống hay môi trường không quen thuộc). Con cái của cha mẹ có rối loạn lo âu có rủi ro mắc bệnh cao gấp từ hai tới bốn lần, và cũng mắc sớm hơn so với những người mà cha mẹ không có rối loạn lo âu. Trầm cảm ở cha mẹ cũng dẫn tới rủi ro cao hơn về rối loạn lo âu ở con, đặc biệt là hoảng loạn và rối loạn lo âu lan tỏa. Tuy nhiên, cũng giống như ở trầm cảm, sẽ còn rất lâu và có thể là không bao giờ người ta tìm thấy được “gene lo âu”. Các trải nghiệm tuổi thơ bất lợi, bị bạo hành thể xác hay tinh thần, sự giáo dục hà khắc của cha mẹ là những yếu tố làm tăng rủi ro cho các rối loạn lo âu. Nhóm nguyên nhân thứ ba là các yếu tố gây stress như khó khăn tài chính, ly hôn hay bệnh tật.
* * *
Một vấn đề lớn của căn bệnh này là nó có tỷ lệ được chẩn đoán rất thấp. Theo các thống kê khác nhau, người bệnh, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, có thể không được chẩn đoán nhiều thập kỷ sau khi phát bệnh. Thậm chí, nhiều người sống cả đời với căn bệnh này mà không ý thức được về nó và không nhận được sự trợ giúp cần thiết.
Trầm cảm và rối loạn lo âu có những biểu hiện giống nhau như thu mình, tránh các tương tác xã hội, đánh giá giá trị bản thân thấp, nên khi một episode của bệnh này đang xảy ra thì khó để xác định bệnh kia có tồn tại hay không. Nếu giữa các giai đoạn của trầm cảm mà các biểu hiện của rối loạn lo âu vẫn được ghi nhận thì đó là một dấu hiệu cá nhân mắc cả hai bệnh. Một số chuyên gia khuyên nên trị liệu trước bệnh gây tác động tiêu cực hơn, qua đó tăng khả năng người bệnh đi theo liệu pháp và không bỏ ngang. Cũng như với trầm cảm, người ta có thể điều trị rối loạn lo âu bằng thuốc, bằng trị liệu tâm lý, hoặc kết hợp cả hai cho những trường hợp nặng hoặc khi các phương pháp riêng lẻ không đạt được kết quả mong muốn. Nhiều thuốc trầm cảm loại SSRI và SNRI cũng có tác dụng cho rối loạn lo âu. Trong các liệu pháp tâm lý thì MBCT (liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm), giúp người bệnh nhận diện và chấp nhận cảm xúc của mình, đang được áp dụng ngày càng phổ biến hơn, tuy nhiên CBT vẫn được coi là nặng ký nhất. Phơi nhiễm (exposure) là kỹ thuật thông dụng nhất của phương pháp này và được dùng cho nhiều loại hình rối loạn lo âu, để giúp thân chủ vượt qua xu hướng né tránh vốn đặc trưng ở chúng.
Cơ chế hoạt động của liệu pháp phơi nhiễm là thân chủ, một cách có hệ thống, dần dần và có kiểm soát, được “lì hóa” (desensitization) trước các yếu tố hay tình huống kích hoạt lo âu. Phơi nhiễm có thể xảy ra trong tưởng tượng. Một người sợ hãi các tình huống phải nói trước đám đông, ví dụ như trả bài trước lớp hay phát biểu trước công ty, trong trạng thái thả lỏng và thư giãn, hình dung ra một tình huống tương tự, nhưng ở mức thấp nhất của các cấp bậc lo âu, ví dụ thuyết trình trước một người bạn. Khi đã thật sự thoải mái với tình huống đó, người đó có thể chuyển sang hình dung một tình huống khó hơn một bậc, ví dụ trình bày ý tưởng của mình trước một giảng viên. Bước tiếp theo là thuyết trình trước cả lớp, rồi trước cả trường. Phơi nhiễm cũng có thể được làm trong thực tế, khi đó thân chủ thực sự thực hành các bước “mạo hiểm” theo mức khó dần đều nói trên. Để dần thắng nỗi lo sợ (hoàn toàn vô căn cứ) là mình sẽ bị mọi người ở bể bơi chế giễu, chê cười, Thùy Dương tới bể bơi, đi quanh một vòng, rồi lại đi về. Hoặc ở lớp, trong một học kỳ, cô tập đầu tiên là gật đầu chào sinh viên bên cạnh, rồi cười với giáo viên, rồi chào và cười nhiều lần hơn, rồi giơ tay phát biểu. Trong một ví dụ kinh điển khác, người sợ nhện được cho xem các bức ảnh nhện, rồi chạm vào một con nhện nhựa, rồi cầm lọ thủy tinh có con nhện thật bên trong, và cuối cùng có thể để con nhện thật trên bàn tay.
Phơi nhiễm có thể hiểu là phép thử cho phỏng đoán tiêu cực của người lo âu rằng sẽ có điều gì đó tệ hại xảy ra với mình. Khi người ta được chứng minh, lặp đi lặp lại, rằng cái mà mình sợ hãi kia thực ra không nguy hiểm, và mình có đủ khả năng để đối mặt với nó, thì dần dần sự lo âu như là một phản xạ có điều kiện được hình thành trong quá khứ phai nhạt đi, và người ta không lẩn tránh các tình huống kích hoạt nữa.
Phơi nhiễm tưởng tượng có hạn chế, không phải ai cũng có khả năng hình dung ra một cách sống động tình huống mình đứng trên một tòa nhà cao hay đang ở trên một chuyến bay. Mặt khác, không phải trường hợp nào người ta cũng đã sẵn sàng để có thể bước vào một tình huống thật, nhất là những tình huống đã gây ra chấn thương tâm lý lớn. Ảnh và video có thể trợ giúp hiệu quả cho việc hình dung. Phơi nhiễm cũng không nên được thực hành khi thân chủ đang trong trạng thái bất ổn, có xu hướng tự hại cao hay suy nghĩ tự sát.
Cuối cùng, cũng như với các rối loạn tâm lý nói chung, rối loạn lo âu có thể tái phát nếu như trị liệu không được thực hành thường xuyên, hay khi người ta ở trạng thái dễ bị tổn thương, ví dụ lúc mệt mỏi, mất ngủ hay gặp nhiều áp lực. Người ta phân biệt giữa lapse và relapse, có thể hiểu là tái phát tạm thời, và tái phát hoàn toàn. Ví dụ, sau khi được trị liệu, một người đã có thể vượt qua nỗi sợ gặp công an và tham gia giao thông trở lại. Nếu một ngày, khi thấy công an đằng trước, anh không thể đi tiếp mà phải quay đầu hoặc gọi người nhà tới đưa mình về, nhưng chuyện chỉ giới hạn ở hôm ấy, thì đó là một tái phát tạm thời. Nếu như anh rơi vào hành vi né tránh cũ, hoàn toàn không thể ra đường được nữa, thì đó là một tái phát hoàn toàn.