Đại Dương Đen - Chương 28

28

PHÒNG NGỪA

Ở Trung Quốc và Ấn Độ, chắc hẳn ở Việt Nam và các nước đang phát triển khác cũng tương tự, chín mươi phần trăm người trầm cảm không được trị liệu. Hành trình nhiều năm của ông Thạch, Hoa, Thành hay Thanh cho thấy, trầm cảm không được bác sĩ gia đình, bác sĩ đa khoa ở những cơ sở chăm sóc sức khỏe tuyến đầu, gần người dân nhất (primary care), phát hiện ra. Từ nhiều năm nay, Chương trình Hành động vì Sức khỏe tinh thần của WHO triển khai các chương trình tập huấn nhân lực y tế cơ sở ở một số nước đang phát triển để nâng tỷ lệ phát hiện trầm cảm. Song song, các chuyên gia như Vikram Patel của Đại học Harvard, một trong những người đầu ngành ở lĩnh vực này, đề xuất đẩy mạnh tầm soát trầm cảm thông qua các nguồn lực sẵn có hơn, như qua mạng lưới nhân viên công tác xã hội, hay qua chính người dân. Cho mục đích này, bảng hỏi PHQ-9 do ba nhà nghiên cứu Kurt Kroenke, Robert Spitzer và Janet Williams phát triển hay được sử dụng nhất, với chín câu hỏi, nó ngắn gọn và có độ nhạy đủ dùng. Chỉ với vài phút, người ta có thể tự đánh giá hoặc được đánh giá bởi một nhân viên y tế có trình độ cơ bản. Patel và đồng nghiệp cũng khuyên nên dùng thêm bảng hỏi GAD-7 (gồm bảy câu hỏi) để đánh giá nhanh về rủi ro có rối loạn lo âu lan tỏa đi kèm. Tối ưu là ai cũng được tầm soát định kỳ, nhưng trong hoàn cảnh nguồn lực bị hạn chế, có thể tập trung vào các nhóm dễ tổn thương như phụ nữ sau sinh, người có bệnh thể chất kinh niên, người có những triệu chứng vật lý không giải thích được, và người gặp những chấn thương tâm lý lớn. Để so sánh, một số tổ chức chuyên ngành ở các nước phát triển, như Lực lượng đặc nhiệm cho các dịch vụ phòng ngừa (có chức năng tư vấn cho Quốc hội Mỹ) khuyến cáo tầm soát trầm cảm cho tất cả người lớn cũng như cho thiếu niên từ mười hai tới mười tám tuổi.

Một số người cho rằng tầm soát đại trà có thể dẫn tới những hệ quả tiêu cực. Người dân có thể vội vàng và sai lầm tự dán nhãn là mình có trầm cảm và sinh ra lo lắng. Quan ngại thứ hai là thuốc trầm cảm được dùng quá dễ dãi. Tuy nhiên, những lo ngại này chỉ có ý nghĩa ở các nước phát triển. Với tuyệt đại đa số người Việt, trầm cảm không phải là bóng ma ám ảnh giống như ung thư, khiến họ mất ăn mất ngủ vì một báo động giả. Thậm chí ngược lại, rất nhiều người, kể cả khi cầm chẩn đoán của bác sĩ trên tay, được xác nhận mức bệnh nặng, vẫn cho rằng mình không cần điều trị, mình chỉ cần “cố gắng hơn để tự vượt qua”. Nếu như ở các nước phương Tây, trên dưới mười phần trăm dân số dùng thuốc trầm cảm và bốn trong năm đơn thuốc trầm cảm được ký bởi bác sĩ đa khoa thì ở Việt Nam, tình huống hoàn toàn ngược lại. Nhiều bác sĩ đa khoa không có kiến thức cơ bản để có thể giới thiệu người bệnh tới đồng nghiệp chuyên khoa. Nhiều bác sĩ tâm thần thì không tạo được cảm giác tin cậy ở người bệnh để họ theo đuổi phác đồ, các trải nghiệm tích cực trong tương tác với y bác sĩ tâm thần là thiểu số. Với tất cả các yếu tố này, trong nhiều thập kỷ tới, chắc chắn người Việt vẫn chưa dùng thuốc trầm cảm một cách dễ dãi và đáng báo động như họ đang làm dụng thuốc hạ sốt hay kháng sinh.

Việc dán nhãn ai đó là người trầm cảm có thể có tác động tiêu cực, nhưng mặt khác, gọi tên ra được tình trạng của mình cũng làm nhiều người thấy nhẹ gánh. Trong nhiều năm, Hoa nghĩ mình bị điên khùng hoặc hỏng hóc về mặt nhân cách, cho tới khi cô biết có một cái tên khoa học cho tình trạng của mình và có nhiều người khác cũng giống như cô. Thậm chí, liệu pháp liên cá nhân (IPT), một trong những phương pháp trị liệu tâm lý phổ biến nhất hiện nay, luôn nhấn mạnh thân chủ là người bệnh, những vấn đề anh có là do bệnh gây ra, chúng không phải lỗi của cá nhân anh, và nếu IPT không đem lại kết quả, thì đó là lỗi của nó, không phải lỗi của anh. Dán nhãn chỉ trở thành vấn đề khi kèm với nó là định kiến và kỳ thị, như “ăn chơi trác táng” là định kiến và “nên tránh xa” là hành vi kỳ thị đã từng đi kèm với cái nhãn HIV. Không ai miệt thị “Đồ hen suyễn!” hay “Đứa hẹp van tim!” trong những trường hợp này, chúng ta không định nghĩa một cá nhân qua bệnh của họ như chúng ta vẫn làm với người trầm cảm, vẫn coi nó là đặc điểm nổi trội, xác định căn tính của họ.

Như vậy, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc tự tầm soát là có ý nghĩa. Chúng ta vẫn dùng nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ của mình. Khi nó chỉ ba bảy, ba tám độ, ta sẽ thận trọng hơn trong sinh hoạt, tiếp tục theo dõi và tới bác sĩ nếu nó không thuyên giảm. Nếu nó chỉ ba chín, bốn mươi độ, ta tìm tới sự can thiệp chuyên môn ngay lập tức. PHQ-9 có thể được dùng tương tự cho sức khỏe tinh thần. Nếu ở trong vùng trầm cảm nhẹ, ra điều chỉnh cuộc sống theo những kiến thức hy vọng đã được thu nạp trước đó, và tiếp tục theo dõi. Nếu PHQ-9 cho thấy ta đang ở vùng trầm cảm vừa hay nặng, hoặc ra ở mức nhẹ nhưng không yên tâm, ta tới nhà chuyên môn để có được một đánh giá thấu đáo, chi tiết, đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Thang đánh giá Hamilton cho trầm cảm hay được dùng trong y tế có thể cần tới ba mươi phút. Một bác sĩ tâm thần hay chuyên gia tâm lý thận trọng cũng sẽ dùng nhiều công cụ đo lường khác nhau cho cùng một cá nhân, bởi bản chất của trầm cảm khiến nó không thể được định lượng với độ chính xác như nhiệt độ cơ thể, nhịp tim hay huyết áp.

* * *

Còn có thể làm gì nữa, ngoài việc phát hiện sớm, để phòng ngừa trầm cảm? Nhiều quốc gia có những chiến lược can thiệp từ “đầu nguồn”. Những can thiệp này có thể mang tính phổ quát, cho tất cả mọi người, chúng có thể mang tính chọn lọc, hướng tới những nhóm đối tượng nhất định như thanh niên, người nghèo hay phụ nữ mang thai và sau sinh, đặc biệt là phụ nữ bị bạo hành hay mẹ đơn thân. Chúng cũng có thể mang tính chủ đích, hướng tới cụ thể các cá nhân đã có một số triệu chứng trầm cảm.

Ở mức chung nhất, người ta quảng bá, tuyên truyền cho một lối sống lành mạnh. Một cơ thể khỏe mạnh là điều kiện thuận lợi để có một tinh thần khỏe mạnh, bệnh tật thể chất hiển nhiên tạo ra nhiều căng thẳng tinh thần. Mức tiếp theo là các can thiệp, qua các cơ quan, công ty, để giúp mọi người có được khả năng ứng phó với áp lực qua việc xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề, năng lực cảm xúc và các quan hệ xã hội mạnh khỏe. Các trường học có thể cung cấp liệu pháp nhận thức hành vi theo dạng nhóm, để tiết kiệm chi phí, cho học sinh từ các gia đình có tiền sử trầm cảm, cũng như cho các em có những dấu hiệu sớm. Có thể coi các hoạt động này như một dạng tiêm phòng chống stress tương lai.

Ở khía cạnh cá nhân, mỗi người có thể làm gì để bảo vệ mình? Chúng ta cần xây dựng những quan điểm khỏe mạnh về bản thân và thế giới. Cuộc sống hiện đại đẩy người ta vào cuộc đua và nhiều người tham gia cuộc đua bất chấp sức khỏe tinh thần của mình hoặc cho rằng nó là một nguồn lực vô hạn. Những quan điểm cho rằng con gái thì phải gầy, học giỏi thì mới có thể hạnh phúc, đẻ được con trai thì phụ nữ mới có giá trị, có chức vụ thì đàn ông mới được tôn trọng, là những yếu tố tổn thương có thể đẩy người ta vào tâm bệnh. Mặt khác, trong mỗi gian đoạn của cuộc đời, chúng ta cũng phải chuẩn bị cho các thách thức, các dịch chuyển trước mặt. Người sắp lập gia đình chuẩn bị cho các thách thức trong hôn nhân, sinh và nuôi dạy con, người trung niên chuẩn bị cho thách thức về hưu, người cao tuổi chuẩn bị tâm lý cho cái chết.

Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ con cháu mình? Trầm cảm đã xuất hiện ở thế hệ này thì dễ tái xuất hiện ở thế hệ sau, do đó sức khỏe tinh thần của cha mẹ là một trong những điều quan trọng nhất mà họ có thể trao cho con cái. Khuynh hướng trầm cảm cũng được tạo ra bởi một tuổi thơ bất lợi, và đây là trách nhiệm quan trọng thứ hai của cha mẹ. Một tuổi thơ thuận lợi hiển nhiên là một tuổi thơ không bị hắt hủi, ngược đãi hay xâm hại, nhưng nó không nhất thiết và cũng không thể là một tuổi thơ được bao bọc đến tận răng, chỉ toàn êm đềm mà không có sóng gió. Stress vượt ngưỡng phá hủy một cá nhân, nhưng stress ở mức vừa phải tôi luyện khả năng đề kháng của người đó. Một tuổi thơ thuận lợi là một tuổi thơ mà đứa trẻ được hỗ trợ để xây dựng năng lực cảm xúc và có gắn kết vững vàng với người chăm sóc mình để có thể thích nghi với nghịch cảnh khi nó tới. Đó chính là sự dẻo dai, bền bỉ tinh thần, khả năng phục hồi (resilience) mà các nhà tâm lý học hay nói tới.

Tổng kết lại, “vaccine” ngừa trầm cảm tốt nhất cho một cá nhân là sức khỏe tinh thần của cha mẹ họ, là một tuổi thơ được yêu thương, và khi họ lớn lên, là một cuộc sống điều độ, an toàn về vật chất, thư thái về tinh thần, trong một mạng lưới hỗ trợ và thương yêu của người thân và bạn bè xung quanh.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3