Dám Bị Ghét - Chương 12
ĐÊM THỨ NĂM: Sống hết mình "ngay tại đây, vào lúc này"
Chàng thanh niên ngẫm nghĩ. Học thuyết tâm lý học của Alfred Adler triệt để quan tâm đến quan hệ giữa người với người, và cho rằng mục đích sau cùng của mối quan hệ giữa người với người chính là cảm thức cộng đồng. Nhưng, liệu chỉ có thế thôi sao? Không phải mình sinh ra trên cõi đời này là để đạt được một điều gì khác sao? Ý nghĩa của cuộc đời này là gì? Mình đang đi về đâu, mình muốn sống một cuộc đời thế nào? Càng suy tư, càng thấy sự tồn tại của bản thân thật nhỏ nhoi.
Ý thức quá mức về bản thân sẽ kìm hãm chính mình
Triết gia: Lâu không gặp cậu.
Chàng thanh niên: Vâng, có lẽ đến cả tháng nay rồi. Từ hôm đó đến giờ, tôi cứ nghĩ mãi về cảm thức cộng đồng.
Triết gia: Thế cậu thấy sao?
Chàng thanh niên: Cảm thức cộng đồng quả là một cách nghĩ hấp dẫn. Chẳng hạn như cảm giác thuộc về nơi nào đó là nhu cầu căn bản rnà chúng ta luôn có, cảm giác "mình có thể ở đây". Tôi nghĩ, đó là một chiêm nghiệm tuyệt vời, khẳng định rằng chúng ta là những sinh vật mang tính xã hội.
Triết gia: Một chiêm nghiệm tuyệt vời. Nhưng...?
Chàng thanh niên: Ha ha... Thầy tinh thật đấy! Tôi vẫn còn thấy mắc mứu. Nói thật, tôi vẫn hoàn toàn không hiểu những chuyện vũ trụ thế này thế nọ, và cảm thấy những lời đó đầy màu sắc tôn giáo và hơi hướm thờ cúng.
Triết gia: Khi Adler phát biểu khái niệm cảm thức cộng đồng, ông cũng vấp phải rất nhiều sự phản đối như vậy. Rằng "Tâm lý học đáng lẽ ra phải là một môn khoa học, nhưng Adler ngay từ đầu lại đi nêu ra vấn đề về 'giá trị' ", và rằng "Một thứ như vậy thì không phải là khoa học".
Chàng thanh niên: Thế rồi, tôi đã thử tự mình suy nghĩ xem tại sao mình lại không hiểu, và tôi nghĩ vấn đề là ở trình tự. Vì bỗng chốc xem xét ngay đến nào là vũ trụ, nào là vật vô sinh, nào là quá khứ với tương lai thì không thể hiểu được.
Đúng ra, đầu tiên phải lý giải cái "tôi" cho thật rõ. Tiếp đó là suy xét mối quan hệ một đối một, nghĩa là quan hệ với người khác kiểu "tôi với anh". Và cuối cùng, ta sẽ cảm nhận được cộng đồng rộng lớn.
Triết gia: Đúng vậy. Trình tự rất hợp lý đấy.
Chàng thanh niên: Trong đó, điều đầu tiên tôi muốn hỏi thầy là "cố chấp vào bản thân". Thầy nói rằng, hãy thôi cố chấp vào cái "tôi", chuyển sang "quan tâm tới người khác". Quan tâm tới người khác là một điều quan trọng. Điều này là sự thực và tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng chúng ta bản chất là luôn nghĩ đến bản thân, chỉ nhìn thấy bản thân mình thôi.
Triết gia: Thế cậu đã thử suy nghĩ xem tại sao mình lại nghĩ đến bản thân chưa?
Chàng thanh niên: Tôi đã thử. Nếu tôi giống như một kẻ ái kỷ, lúc nào cũng tự yêu bản thân, mê mẩn chính mình thì có lẽ đã dễ giải quyết. Vì khi đó, "hãy quan tâm tới người khác" sẽ là một lời chỉ trích thích đáng. Nhưng tôi lại không phải là một kẻ ái kỷ, mà là một người duy thực (realist) ghét bản thân. Chính vì ghét bản thân nên tôi lúc nào cũng chăm chăm đến bản thân. Chính vì thiếu tự tin nên tôi mới ý thức quá mức về bản thân.
Triết gia: Cậu cảm thấy mình ý thức quá mức về bản thân vào những lúc như thế nào?
Chàng thanh niên: Chẳng hạn như lúc ngồi họp, tôi không dám giơ tay phát biểu. Tôi hay lo hão, kiểu như "Hỏi câu này, không khéo bị cười cho", "Ý kiến không đúng trọng tâm có thể bị bẽ mặt" và cứ thế do dự. Không những vậy, ngay cả đến một câu nói đùa với mọi người, tôi cũng e ngại. Sự tự ý thức kiểu ấy luôn kìm hãm tôi, nhất cử nhất động đều bị bó buộc. Sự tự ý thức của tôi không cho phép tôi hành động tùy ý muốn.
Tôi cũng không cần thầy trả lời đầu. Lại vẫn một câu "Hãy can đảm lên" phải không? Nhưng, câu đó hoàn toàn chẳng ích gì với tôi. Bởi đây là vấn đề có trước cả lòng can đảm.
Triết gia: Được rồi! Lần trước, tôi đã nói với cậu khái quát về cảm thức cộng đồng, còn hôm nay, chúng ta sẽ giải thích sâu hơn nhé.
Chàng thanh niên: Vậy thì, câu chuyện sẽ đi tới đâu?
Triết gia: Có lẽ sẽ đề cập tới chủ đề "Hạnh phúc là gì?"
Chàng thanh niên: Ồ...! Ý thầy là đi sâu vào cảm thức cộng đồng sẽ có hạnh phúc sao?
Triết gia: Không : cần vội trả lời đâu. Điều cần thiết với chúng ta bây giờ là đối thoại.
Chàng thanh niên: Ha ha ha...! Được thôi! Chúng ta bắt đầu nào!
Không phải khẳng định bản thân mà là chấp nhận bản thân
Triết gia: Trước hết là về điều lúc nãy cậu nói rằng "Sự tự ý thức luôn kìm hãm, không cho phép tôi hành động tùy ý muốn". Có thể, đó cũng chính là điều mà nhiều người khác đang trăn trở. Nào, chúng ta hãy một lần nữa trở về xuất phát điểm và cùng nghĩ về "mục đích" của cậu. Cậu muốn đạt được điều gì khi tự kìm hãm những hành động tùy ý của mình?
Chàng thanh niên: Tôi chỉ có một mong muốn, là không bị cười nhạo, không bị nghĩ là kẻ ngốc.
Triết gia: Nghĩa là, cậu không tự tin vào cái tôi thuần khiết của mình như nó vốn có đúng không? Và cậu cố né tránh thể hiện cái tôi vốn có ấy trong quan hệ với người khác. Bởi vì, dám chắc là nếu chỉ có một mình trong phòng, cậu có thế hát vang, nhảy nhót theo điệu nhạc, hoặc ăn nói hùng hồn.
Chàng thanh niên: Ha ha ha... Thầy nói cứ như thể đã gắn camera theo dõi tôi ấy nhỉ! Nhưng... Ừm... Đúng thế đấy. Khi chỉ có một mình tôi có thể hành động tùy ý.
Triết gia: Một mình thì ai cũng có thể hành động như một ông vua. Tức là điều này cũng là một vấn đề cần được xem xét từ góc độ quan hệ giữa người với người. Bởi vì không phải cậu thiếu một "cái tôi thuần khiết", mà chẳng qua cậu chỉ không thể hiện được nó ra trước mặt người khác mà thôi.
Chàng thanh niên: Vậy thì tôi phải làm gì?
Triết gia: Vẫn là cảm thức cộng đồng thôi. Cụ thể là cậu phải chuyển từ cố chấp vào bản thân (self interest) sang quan tâm đến người khác (social interest) để xây dựng được cảm thức cộng đồng. Muốn làm được vậy, cần bắt đầu từ ba điểm sau: "Chấp nhận bản thân", "Tin tưởng người khác" và cuối cùng là "Cống hiến cho người khác".
Chàng thanh niên: Ô, lại thêm một loạt từ ngữ mới nhỉ! Chúng có nghĩa gì vậy?
Triết gia: Trước hết, tôi sẽ giải thích về "chấp nhận bản thân". Đêm đầu tiên, tôi đã dẫn ra với cậu một câu nói của Adler rằng: "Điều quan trọng không phải là anh được trao cho cái gì, mà là anh sử dụng cái đó như thế nào." Cậu còn nhớ không?
Chàng thanh niên: Tất nhiên tôi vẫn nhớ.
Triết gia: Chúng ta không thể vứt bỏ, cũng không thể đem đổi vật chứa là "bản thân" này. Nhưng, điều quan trọng là "sử dụng vật chứa ấy như thế nào". Phải thay đổi cách nhìn đối với chính "bản thân", nghĩa là thay đổi cách sử dụng nó.
Chàng thanh niên: Thầy muốn nói, tôi phải trở nên tích cực, khẳng định rõ bản thân, luôn hướng về phía trước trong mọi việc phải không?
Triết gia: Không cần cậu phải cố trở nên tích cực khẳng định bản thân đâu. Cậu cần chấp nhận bản thân chứ không phải là khẳng định bản thân.
Chàng thanh niên: Không phải khẳng định bản thân, mà là chấp nhận bản thân?
Triết gia: Đúng vậy. Hai điều này khác hẳn nhau. Khẳng định bản thân nghĩa là dù không thể vẫn cứ tự ám thị mình rằng "Tôi có thể", "Tôi mạnh mẽ". Suy nghĩ này sẽ dẫn tới phức cảm tự tôn, tức là cách sống lừa dối chính bản thân mình.
Ngược lại, chấp nhận bản thân nghĩa là, giả sử ta không thể làm được một điều gì đó thì ta sẽ chấp nhận nguyên vẹn "cái tôi không thể làm được điều đó", từ đó tiếp tục cố gắng để có thể làm được điều đó. Ta không lừa dối mình.
Nói dễ hiểu hơn thì, khi chỉ đạt được điểm 6, nếu cậu tự an ủi rằng "Chẳng qua lần này không gặp may thôi, chứ thực lực của mình phải được 10 điểm", đấy là khẳng định bản thân. Còn nếu chấp nhận điểm 6 là điểm 6, rồi từ đó suy nghĩ xem "Làm thế nào để giành được điểm 10?", đấy là chấp nhận bản thân.
Chàng thanh niên: Tức là nếu có bị điểm 6 cũng không cần phải bi quan?
Triết gia: Tất nhiên rồi. Không ai là không có khuyết điểm. Như tôi đã nói với cậu khi giải thích về ham muốn trở nên vượt trội hơn, rằng con người ta, ai cũng luôn ở "trạng thái muốn mình tiến bộ hơn nữa".
Nói cách khác, điều này có nghĩa là không có ai đạt điểm 10 tuyệt đối. Chúng ta hãy chủ động thừa nhận điều đó.
Chàng thanh niên: Ừm... Nghe thì có vẻ tích cực, nhưng trong đó vẫn mơ hồ có nét tiêu cực nhỉ.
Triết gia: Thế nên tôi gọi đó là "sự từ bỏ mang tính khẳng định".
Chàng thanh niên: Sự từ bỏ mang tính khẳng định ư?
Triết gia: Giống như trong việc phân chia nhiệm vụ vậy. Ta phải phân biệt rõ "thứ có thể thay đổi" với "thứ không thể thay đổi". Chúng ta không thể thay đổi "thứ mình được trao cho". Nhưng điều chúng ta có thể thay đổi là "sử dụng thứ đó như thế nào". Vậy thì, thay vì chú tâm tới "thứ không thể thay đổi", ta chỉ còn cách chứ tâm tới "thứ có thể thay đổi" thôi. Đó chính là sự chấp nhận bản thân mà tôi muốn nói tới.
Chàng thanh niên: ... Thứ có thể thay đổi với thứ không thể thay đổi ư?
Triết gia: Đúng vậy. Hãy chấp nhận những thứ không thể thay đổi được. Hãy chấp nhận "cái tôi" như nó vốn có, sau đó, huy động "can đảm" để thay đổi những thứ có thể thay đổi. Chấp nhận bản thân là như vậy đó.
Chàng thanh niên: Ừm... Nói đến mới nhớ, trước đây, nhà văn Kurt Vonriegut cũng đã trích dẫn điều tương tự: "Lạy Chúa! Xin hãy ban cho con sự điềm tĩnh để đón nhận những điều không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những điều có thể và trí tuệ để luôn phân biệt được hai điều này" trong tiểu thuyết Lò sát sinh số 5.
Triết gia: Đúng, tôi có biết. Đấy là câu nói nổi tiếng được truyền tụng từ lâu trong cộng đồng Thiên Chúa giáo, Lời cầu nguyện của nhà thần học Mỹ Reinhold Niebuhr.
Chàng thanh niên: Thậm chí, ngay cả câu đó cũng dùng đến từ "can đảm". Tôi đã đọc tưởng đến thuộc lòng rồi mà bây giờ mới lần đầu tiên nhận ra.
Triết gia: Đúng vậy. Không phải là chúng ta thiếu năng lực. Chúng ta chỉ thiếu "can đảm" mà thôi. Tất cả đều là vấn đề "can đảm".
Tín dụng và tin tưởng khác nhau thế nào?
Chàng thanh niên: Nhưng trong "sự từ bỏ mang tính khẳng định" ấy vẫn có chút sắc thái yếm thế, bi quan nhỉ. Sau bao nhiêu bàn luận, quả là đáng buồn khi điều cuối cùng đúc rút được chỉ là "từ bỏ".
Triết gia: Có đúng vậy không? Từ "từ bỏ" (akirame) có gốc là chữ "đế" trong Phật pháp, nghĩa là "nhìn sáng tỏ". Nhìn thấu chân lý của vạn vật, đó chính là "từ bỏ". Nào đâu có bi quan, bi lụy gì. Nhìn thấu chân lý ư...?
Dĩ nhiên, không phải cứ chấp nhận bản thân theo lối từ bỏ mang tính khẳng định là có thể có được cảm thức cộng đồng. Đó là sự thật. Khi chuyển từ "cố chấp vào bản thân "sang "quan tâm đến người khác", thứ tuyệt đối không thể thiếu được là từ khóa thứ hai, "Tin tưởng người khác".
Chàng thanh niên: Tin tưởng người khác. Tức là, tin vào người khác, đúng không?
Triết gia: Ở đây, phải phân biệt hai loại "tin" là tín dụng và tin tưởng để xem xét. Trước hết, tín dụng là thứ có điều kiện, tương ứng với "credit" trong tiếng Anh. Chẳng hạn, khi muốn vay tiền ở ngân hàng, ta cần thế chấp một cái gì đó. Ngân hàng sẽ tính ra số tiền cho vay tương ứng với giá trị vật thế chấp. Thái độ "nếu anh trả được thì tôi cho vay" hay "tôi chỉ cho vay đúng bằng số anh có thể trả được" thì không phải là tin tưởng. Đó là tín dụng.
Chàng thanh niên: Thì tài chính ngân hàng là thế mà.
Triết gia: Khác với điều đó, nền tảng của quan hệ giữa người với người được hình thành dựa trên sự "tin tưởng" chứ không phải "tín dụng", và đó chính là quan điểm của tâm lý học Adler.
Chàng thanh niên: Sự tin tưởng trong trường hợp đó là gì?
Triết gia: Tin tưởng người khác nghĩa là không đặt ra bất kỳ điều kiện gì. Thậm chí, dù không có căn cứ khách quan nào đủ để làm tín dụng cũng vẫn cứ tin, tin một cách vô điều kiện, không đòi hỏi phải có gì đảm bảo. Đó là sự tin tưởng.
Chàng thanh niên: Tin tưởng vô điều kiện ư? Lại là "yêu người thân cận" kiểu Thiên Chúa giáo mà thầy nói sao?
Triết gia: Tất nhiên, tin người vô điều kiện thì cũng có lúc bị lợi dụng. Cũng giống như người bảo lãnh khoản vay, có lúc phải chịu thiệt hại. Dù vậy nhưng vẫn tiếp tục tin. Thái độ đó được gọi là tin tưởng.
Chàng thanh niên: Có mà cả tin ngốc nghếch thì có! Có thể thầy theo thuyết tính bản thiện, nhưng tôi theo thuyết tính bản ác. Tin người dưng một cách vô điều kiện, bị lợi dụng thì có mà đi tong!
Triết gia: Hẳn là có lúc sẽ bị lừa, bị lợi dụng rồi. Nhưng cậu hãy thử hình dung mình ở vị trí kẻ lợi dụng mà xem. Nếu có người bị cậu lợi dụng mà vẫn tiếp tục tin cậu vô điều kiện, dù bị đối xử thế nào đi nữa vẫn tin tưởng ở cậu, thì với một người như thế, liệu cậu có thể phản bội lòng tin mãi được không?
Chàng thanh niên: ... Ừm, nhưng chuyện đó thì...
Triết gia: Hẳn là rất khó làm vậy phải không?
Chàng thanh niên: Sao nào? Rốt cuộc, ý thầy là đánh vào cảm xúc của người khác sao? Rằng hãy cứ giữ vững đức tin như một bậc thánh nhân để thức tỉnh lương tâm của họ? Tuy nói Adler không đề cập đến đạo đức, nhưng rốt cuộc chẳng phải vẫn là chuyện đạo đức đó sao!
Triết gia: Khác đấy. Cậu có biết ngược lại với tin tưởng là gì không?
Chàng thanh niên: Trái nghĩa với tin tưởng ư...? ừm... Để xem nào…
Triết gia: Là hoài nghi. Giả sử, cậu lấy hoài nghi làm nền tảng cho các mối quan hệ với người khác. Cậu sẽ sống trong sự hoài nghi người khác, hoài nghi bạn bè, thậm chí hoài nghi cả gia đình và người yêu.
Thử hỏi, điều đó sẽ mang lại mối quan hệ như thế nào? Người khác sẽ ngay lập tức nhận ra rằng cậu đang nhìn họ với con mắt hoài nghi. Bằng trực giác, họ sẽ hiểu rằng "Người này không tin tưởng mình". Cậu nghĩ liệu có xây dựng được một mối quan hệ tích cực từ đó không? Chúng ta có được mối quan hệ sâu sắc chính là trên nền tảng lòng tin vô điều kiện đấy.
Quan điểm của tâm lý học Adler rất đơn giản. Lúc này, cậu đang nghĩ rằng "Tin ai đó vô điều kiện sẽ chỉ bị lợi dụng mà thôi". Nhưng lựa chọn có lợi dụng hay không lại không phải do cậu. Đó là nhiệm vụ của người kia. Bản thân cậu chỉ cần nghĩ xem "Mình nên làm gì?" là được. Suy nghĩ kiểu "Nếu người kia không phản bội thì tôi mới cho đi" thì không hơn gì quan hệ tín dụng dựa trên thế chấp và các điều kiện đi kèm.
Chàng thanh niên: Ý thầy nói đây cũng là phân chia nhiệm vụ?
Triết gia: Như tôi đã nhiều lần nói với cậu, nếu biết phân chia nhiệm vụ, ta sẽ nhận thấy thực ra cuộc đời này giản dị đến không ngờ. Tuy nhiên, dù nguyên lý phân chia nhiệm vụ không khó hiểu, nhưng thực hiện được điều đó lại không hề dễ. Điều này thì tôi công nhận.
Chàng thanh niên: Vậy lẽ nào nên tin tưởng tất cả mọi người, dù có bị lừa dối cũng vẫn tiếp tục tin, tiếp tục là tên ngốc nhẹ dạ ư? Xem ra chẳng giống triết học hay tâm lý học gì mà giống rao giảng của một nhà truyền giáo hơn!
Triết gia: Riêng điều này thì tôi phải phủ định triệt để. Tâm lý học Adler không hề dựa trên giá trị quan đạo đức để thuyết phục chúng ta "Hãy tin người vô điều kiện". Lòng tin vô điều kiện là một "phương tiện" để cải thiện mối quan hệ với người khác, và xây dựng mối quan hệ hàng ngang. Nếu cậu không muốn cải thiện mối quan hệ với một người nào đó thì cứ việc cắt đứt với người đó cũng chẳng sao. Bởi lựa chọn cắt đứt hay không là nhiệm vụ của cậu.
Chàng thanh niên: Được rồi, cứ coi như tôi mong quan hệ với bạn bè tốt lên, tin bạn vô điều kiện, lúc nào cũng sốt sắng vì bạn, bị vòi tiền cũng vui vẻ đáp ứng, sẵn sàng hy sinh thời gian và công sức hết mức có thể. Nhưng dù thế vẫn có thể bị lợi dụng. Lúc đó thì sao? Nếu bị một người mà mình đã tin đến mức ấy lợi dụng, chẳng phải sẽ dẫn con người ta đến lối sống “mọi người đều là kẻ thù" sao?
Triết gia: Có vẻ như cậu vẫn chưa hiểu mục đích của sự tin tưởng là để làm gì nhỉ. Giả sử, trong một mối quan hệ yêu đương cậu luôn nghi ngờ rằng "có thể cô nàng không chung thủy" và sốt sắng tìm kiếm bằng chứng. Cậu nghĩ chuyện sẽ ra sao?
Chàng thanh niên: Ùm, cũng còn tùy tình huống cụ thể chứ!
Triết gia: Không đâu. Kiểu gì thì cậu cũng tìm thấy cả đống bằng chứng cho thấy cô ta không chung thủy.
Chàng thanh niên: Ơ, tại sao vậy?
Triết gia: Mọi lời nói, hành động vô tâm, giọng điệu khi nói chuyện điện thoại với ai đó, mỗi lúc cậu liên lạc mà không được... một khi nhìn bằng con mắt ngờ vực, tất cả đều trở thành "bằng chứng không chung thủy", cho dù sự thực không phải vậy.
Chàng thanh niên: Ừm...
Triết gia: Lúc này, cậu chỉ chăm chăm lo "bị lợi dụng", chỉ chú ý đến nỗi đau do vết thương đó gây ra. Nhưng nếu không dám tin người khác thì rốt cuộc, cậu sẽ không có được mối quan hệ sâu sắc với bất kỳ ai.
Chàng thanh niên: Không, tất nhiên tôi hiểu điều thầy nói, hiểu mục tiêu lớn là xây dựng một mối quan hệ sâu sắc. Nhưng thật ra nỗi sợ bị phản bội vẫn còn đó thôi?
Triết gia: Mối quan hệ hời hợt thì nỗi đau khi tan vỡ cũng không lớn. Song những niềm vui sinh ra từ một mối quan hệ như thế chắc chắn cũng không lớn. Chỉ khi nào ta can đảm bước vào một mối quan hệ sâu sắc hơn bằng cách "tin tưởng vào người khác" thì khi ấy niềm vui trong mối quan hệ với người khác mới lớn lên và niềm vui sống cũng tăng theo.
Chàng thanh niên: Không được! Thầy lại lảng tránh chuyện của tôi rồi. Lấy đâu ra lòng can đảm để vượt qua nỗi sợ bị lợi dụng kia chứ?
Triết gia: Chấp nhận bản thân. Nếu biết chấp nhận bản thân như vốn có, xác định được "điều mình có thể" và "điều mình không thể", ta sẽ hiểu rằng lợi dụng hay không là nhiệm vụ của người khác, và sẽ thấy việc tin tưởng vào người khác trở nên dễ dàng hơn.
Chàng thanh niên: Lợi dụng hay không là nhiệm vụ của người khác, mình không thể làm được gì ư? Phải giữ thái độ từ bỏ mang tính khẳng định ư? Lúc nào lý luận của thầy cũng bỏ qua cảm xúc! Còn sự tức giận và nỗi buồn khi bị phản bội thì sao?
Triết gia: Hãy cứ buồn khi cảm thấy buồn. Bởi vì càng cố tránh tổn thương và nỗi buồn, ta càng bị ràng buộc, càng không thể tạo dựng mối quan hệ sâu sắc với bất kỳ ai.
Cậu hãy cứ nghĩ thế này. Chúng ta có thể tin tưởng hoặc có thể nghi ngờ. Tuy nhiên, chúng ta mong muốn có thể coi người khác là bạn. Vậy là rõ, ta nên chọn bên nào giữa tin tưởng và nghi ngờ rồi phải không?