Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 03 - Phần 1

Chương 3: Bến sông

“Người về em những khóc thầm

Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa.”[1]

[1] Ca dao, lời hát Người ở đừng về – dân ca quan họ Bắc Ninh.

Con bé ngồi co chân, thu lu nép mình trong góc tường chăm chú nhìn ra. Nhà quan lớn có cái giỗ, đám trẻ con lít nhít nếu không được sai bảo gì tốt nhất nên biết thân biết phận, chớ làm quẩn chân người lớn. Trong đám gia nhân, Hải Triều chỉ thân với Đào. Còn những đứa trẻ khác thường có xu hướng: một là tránh xa nó một chút bởi chúng cảm thấy mẹ con người đàn bà họ Phùng rất quái dị, hai là chúng lôi con bé ra làm trò chơi, biến nó thành mục tiêu trêu ghẹo. Nhưng thú vui đó cũng rất nhất thời bởi phản ứng của Hải Triều thường rất nhạt nhẽo. Con bé không về mách mẹ, càng không thưa bẩm với mấy vị quản gia, cũng chẳng bao giờ khóc lóc hay tỏ ra giận dỗi. Như thể bẩm sinh đứa bé gái ấy đã mặc nhiên thừa nhận tất cả mọi chuyện đã như thế, sẽ như thế là hiển nhiên rồi đứng dậy, quay lưng bỏ đi. Kiểu cách suy nghĩ đó đến lúc trưởng thành, đến cả mãi về sau cũng không hề thay đổi, an nhiên, bình thản đến vô tận. Con bé chỉ không hề biết sau này sẽ có người nói với nó rằng, thái độ ấy cũng là một cách phản kháng, trong hàng trăm cách phản kháng, đó lại là cách khiến đối phương tức tối nhất và không thể dứt ra nhất. Bởi, không phải Hải Triều cam chịu, chính sự phớt lờ của con bé đã là cả một sự khiêu khích mất rồi.

- Đói chưa? Vét chõ đi này, nhanh nhanh cái tay lên!

Đào ngồi thụp xuống, miệng cười tươi rói rồi đưa tay quệt mồ hôi lấm tấm trên trán, lọn tóc đuôi gà thả buông đung đưa khi cô lắc lắc đầu. Trước mắt Hải Triều là cái chõ còn dính những hạt xôi nếp trắng trắng óng ả, dẻo dính thoảng mùi hương ruộng đồng mới chỉ ngửi đã thấy no. Nhanh tay đổ ít muối vừng trong hũ ra cái bát sứt, con bé chẳng ngần ngại bốc lấy một ít xôi, nắm lại thành cái nắm chim chim, chấm chút muối vừng bùi bùi rồi bỏ tọt vào miệng. Chỉ cần thế là Hải Triều đã có thể mỉm cười híp mắt, bụng no bao giờ cũng tốt. Đào thở ra không rõ là buồn hay cảm thấy khó hiểu, tiện tay bẹo cái má bầu bầu của đứa bé, bảo:

- Vẻ mặt này có phải tốt không?

Chỗ xôi ráo, hạt nào hạt nấy bằng nhau chằn chặn được đơm vào đĩa rồi bưng lên nhà trên. Thứ con bé và cô gái bỏ vào miệng là chỗ xôi dính chõ ướt nhẹp, nan nát nhưng vì nấu bằng gạo nếp ngon nên cho vào miệng vẫn thấy tựa sơn hào hải vị. Giờ trong bếp chỉ còn lại đám người làm đang loay hoay xếp sắp nốt rồi hè nhau đi rửa dần chỗ nồi niêu, không kẻo chút nữa họ hàng nhà quan lớn rồi hàng tổng cỗ bàn xong xuôi thì chẳng kịp trở tay. Đang nghiêng đầu gặm mấy hạt xôi dính xung quanh cái đũa cả chợt Hải Triều nhìn lên, đôi mắt đen láy mở lớn, môi lắp bắp nói không nên lời. Nó chỉ biết đưa tay giật giật gấu áo Đào để gọi.

- Tiểu… Tiểu thư xuống chỗ này làm gì? – Cô gái đứng bật dậy, có chút luống cuống nên bôi luôn hai bàn tay đang dính lem nhem đồ ăn vào chiếc váy đang mặc rồi chạy lại. – Con đưa cô lên nhà kẻo phu nhân không thấy cô đâu lại lo.

Hải Triều theo phép tắc cũng đứng dậy, cúi đầu nhưng miệng vẫn khe khẽ nhóp nhép nhai. Người Đào cứ một hai gọi “tiểu thư”, gọi “cô” rồi tự xưng mình là “con” ấy chỉ là một đứa bé gái tầm tuổi Hải Triều. Đó cũng là điểm giống nhau duy nhất giữa chúng. Trong mắt nó, người trước mặt là một cô bé xinh xắn trong bộ váy áo lụa hồng cắt may cẩn thận, trên cổ còn đeo một chuỗi hạt chắc chắn là đồ quý giá. Cô tiểu thư ấy rõ ràng vì tò mò nên mới lén người lớn chạy xuống chỗ mấy gia nhân, nhưng đến nơi lại chỉ đứng ngoài ghé mắt nhìn vào. Hình như còn gì luyến tiếc lắm nên khi được Đào nắm tay dắt đi, cô bé còn ngoái lại nhìn Hải Triều một lúc lâu. Đôi môi căng mọng xinh xinh nhoẻn cười thân thiện. Điều ấy làm con bé ngây ra. Người ta không mấy ai đối xử với nó như thế, tiểu thư nhà quan theo lý càng không thể đối xử với nó như thế. Một nét ấy chợt khiến đứa bé gái đào bới lại trong kí ức những chuyện vụn vặt thuở trước.

- Huyên ơi, lại u nhờ cái!

Tiếng mẹ vọng vào từ ngoài giếng làm Hải Triều giật mình, xoay người kiếm cái rá đậy lên chõ xôi cẩn thận rồi mới co chân chạy ra ngoài. Bàn tay nó thoăn thoắt sắn tay áo lên cho Phùng rồi con bé ngồi xuống cái bậu cửa gần đó, chăm chú nhìn mẹ rửa đống bát đĩa, thỉnh thoảng lại chạy quay chạy lại bê giúp thứ này thứ kia. Phùng liếc nhìn đôi chân trần của Hải Triều dẫm lên sàn gạch quanh cái giếng loang loáng nước, định bảo nó kiếm đôi guốc mà đi vào thì con bé đã chạy đến, níu níu tay mẹ bảo:

- Hay u đẻ em bé cho con, con sẽ trông em, sẽ không bắt nạt em như cái Trinh đâu! Bọn nó đều có anh có em cả, con chỉ có một mình, buồn lắm!

Phùng thả miếng xơ mướp xuống, nhìn đứa bé đang ngước đôi mắt trong veo, háo hức lên, không biết nên phản ứng thế nào. Người đàn bà xoay người vào bếp, xách ấm nước đen xì nghi ngút khói ra ngoài, dội lên cái nồi canh măng dính mỡ, miệng nói gạt đi:

- Nào, con tránh ra cho u làm việc không lại bỏng bây giờ!

- U! – Hải Triều dẩu mỏ phụng phịu, tiếp tục kì kèo.

- Không phải con có chị Đào rồi à? – Phùng không nhìn con bé nữa, kẹp miếng xơ mướp vào giữa hai cái đũa cả, nhanh tay đánh rửa cái nồi to đùng.

- Nhưng chị Đào bận lắm, đâu thể suốt ngày chơi với con được. Sau này chị đi lấy chồng như chị Nga thì lại chỉ còn con một mình. – Con bé lắc lắc đầu làm mái tóc tơ đung đưa. Rồi đột nhiên, mắt con bé sáng lên. Hình ảnh cô tiểu thư ban nãy rõ ràng làm nó nhớ ra một chuyện gì đó – U, hay u đón chị về cho con?

- Chị nào? – Phùng cau mày nhìn lên.

- Con nhớ hồi xưa rõ ràng con có chị mà. Chị vẫn hay chơi với con, rất xinh, rất hay mặc áo lụa màu vàng nhàn nhạt ấy. Rồi còn…

- Chuyện gì qua rồi thì để nó qua đi!

Một thoáng bối rối và hoảng hốt lướt qua đôi mắt đen thăm thẳm của người đàn bà tắt ngấm ngay khi lời cất lên. Phùng không quát con bé nhưng mấy chữ đó đủ để Hải Triều im bặt, biết rõ đây không phải chuyện nên nói thêm nữa. Nghịch cái thắt lưng vải sờn màu xanh xanh của mình, con bé cúi đầu xuống, trong đôi mắt thoáng buồn. Nó chưa bao giờ hỏi xin ai một cái gì, trước đã thế, sau này cũng thế, đây có lẽ là lần duy nhất. Nhưng chút ủ dột ấy nhanh chóng chìm xuống đáy mắt đen khi Hải Triều nghe thấy tiếng đôi guốc lộc cộc của Đào vang lên sau lưng. Phùng lén ngước mắt lên trông theo cái dáng người nhỏ nhắn của đứa con gái, bất giác cắn chặt môi. Mỗi lần Hải Triều nhớ ra một điều gì đó, đôi lúc khiến bản thân người đàn bà sợ hãi, đôi lúc lại khiến bà thấy nặng trĩu trong lòng. Kí ức của con trẻ lúc nào cũng trong veo, còn đời người thực tình lại chứa quá nhiều vẩn đục.

Người chị của Hải Triều, cô con gái nuôi của đại nhân và Nguyễn Thị Lộ, giờ nghĩ lại cái đêm kinh hoàng ấy, Phùng không khỏi thấy hoang mang. Một đứa bé con không người thân thích liệu có thể xoay sở để sống được hay không? Trong kí ức của bà, cô bé tên Nguyễn Hạ Huệ đó giống một đóa hoa chớm nở, trinh nguyên, đẹp đẽ hệt như cái tên của mình. Dáng vẻ rụt rè của con bé đứng nép sau lưng Nguyễn Trãi, chỉ dám lén đưa mắt nhìn khung cảnh xa lạ xung quanh làm dậy lên trong lòng người phụ nữ một tình yêu khó tả, vừa muốn chăm bẵm, nâng niu, vừa muốn giữ mãi bên mình. Và, lúc Nguyễn Trãi đặt tay Hạ Huệ vào tay Phùng, bà không rõ do chút tình cảm ấy hay vì đây là đứa con gái nuôi của phu quân, chỉ cần người ấy có lời nhờ, giá nào Phùng cũng toàn tâm toàn ý hoàn thành trọn vẹn.

“Đây là cháu gái Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, tên Ngô Chi Lan, tự Quỳnh Hương.” – Ngài ngồi xuống chiếc sập gỗ, nhỏ giọng nói như tránh để con bé nghe thấy. – “Gia đình Chi Lan có chút rắc rối nên Tiệp dư muốn gửi con bé ở nhà ta. Ta và Thị Lộ đã quyết nhận Chi Lan làm con gái. Nhưng cả hai chúng ta đều bận việc trong triều, không thể lúc nào cũng để ý đến con bé được, nên liệu nàng có thể…”

“Cái tên Quỳnh Hương rất đẹp, rất hợp với con bé. Còn cái tên Hạ Huệ chắc do bà ba đặt? Cũng rất hay!” – Phùng mỉm cười, vẫy tay gọi Hạ Huệ đến chỗ mình, đưa tay chải lại mái tóc của con bé rồi nhìn phu quân. – “Người cứ yên tâm giao con bé cho thiếp, không cần bận lòng!”

Trước khi Hải Triều ra đời, cuối cùng người phụ nữ cũng có một đứa trẻ líu ríu chạy quanh, cũng có một mục đích để hàng ngày suy nghĩ như nên để con bé mặc gì, ăn gì, nên dạy nó cái gì. Một cách mơ hồ ngay từ cái lần đầu tiên gặp gỡ, Phùng đã tin mà chẳng cần bất kì một lý do gì rằng, Hạ Huệ lớn lên sẽ trở thành người giống Nguyễn Thị Lộ, vừa sắc nước hương trời, vừa thông minh uyên bác. Con gái biết nhiều chữ, thông hiểu sách vở bao giờ cũng có nét hấp dẫn riêng, có một địa vị không ai có thể coi thường, tựa một chén trà ngon để lại dư vị rất lâu khiến cả đời kẻ mê trà không thể nào quên nổi. Ít lâu sau, Phùng sinh Hải Triều. Hạ Huệ chỉ cần không phải đọc sách, học chữ, luyện viết với Nguyễn Trãi hay Thị Lộ là lại đến chỗ người phụ nữ mà giờ con bé đã quen gọi bằng “mẹ” thay vì “phu nhân”, quấn lấy đứa nhỏ vẫn còn nằm trong nôi, nói đủ chuyện không dứt. Nào là con bé sẽ dạy Hải Triều viết chữ, làm thơ rồi cùng chơi chi chi chành chành, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan nữa… Nhìn cái dáng lóng ngóng của cô bé lúc ôm Hải Triều đang ọ ẹ trong bọc chăn vào lòng, Phùng không khỏi bật cười, bảo:

“Sau này em bé lớn, mẹ sẽ dạy em nó gọi Hạ Huệ là ‘chị’ đầu tiên nhé?”

Hạ Huệ ngước lên cười thẹn thùng rồi cúi xuống nựng nịu đứa em không chút ruột thịt. Nhìn dáng vẻ ấy không ai nghĩ đó là đứa bé gái lưng thẳng tắp, ngồi ngay ngắn nghe Thị Lộ giảng bài, mắt sáng rực như uống lấy từng lời. Mỗi khi đêm xuống, con bé thường đến chỗ Phùng, nằng nặc bắt người phụ nữ hát đủ ba khúc hát ru rồi mới ngoan ngoãn đi ngủ. Giờ Hải Triều cũng giống Hạ Huệ, không được nghe hát thì nhất định trằn trọc mãi. Một, hai khúc hát lúc trước để ru hai đứa bé con, giờ chỉ còn một đứa làm Phùng thấy trống trải, bồn chồn không yên. Là vì trẻ con quyến luyến người hay thực ra là người quyến luyến những năm tháng ấy? Nhiều lúc người phụ nữ vẫn tự hỏi mình bộ quần áo năm xưa may cho Hạ Huệ trước khi gia đình li tán, giờ con bé còn mặc vừa không, giờ còn ai nhớ nó thích gì, không thích gì nữa hay chăng?

- Cô để đấy cháu làm nốt cho. Cô dẫn em đi ăn đi hẵng, từ sớm đến giờ đã có gì bỏ bụng đâu? – Đào giằng miếng xơ mướp trong tay người phụ nữ rồi phẩy phẩy tay ra hiệu bảo Phùng chuyện chỗ này cứ để cô lo.

- Hai đứa ăn trước đi, cô còn đang dở tay. Khách khứa về hết rồi hả cháu? – Phùng giật mình nhìn xuống, lại cặm cụi như thể ban nãy chỉ ngơi tay nghỉ mệt.

- Dạ! Mà cô buồn cười nhỉ? Cháu đã nói là để cháu làm mà! – Đào vờ nói giọng bực bội. – Mấy vị phu nhân chẳng nói xong bữa cỗ hôm nay cho cô nghỉ phép mấy ngày sao? Cô ăn sớm rồi dắt cái Huyên về quê đi kẻo muộn lại không có đò.

Cô gái nhìn dáng vẻ lưỡng lự của người phụ nữ, thầm cảm thấy con người này quá chu toàn, quá nguyên tắc, đâu phải mới quen cô vài ngày mà chuyện gì cũng rõ ràng, khách sáo như vậy. Người ta được cho nghỉ dăm ba hôm về quê đã tíu tít từ chiều hôm trước, không để tâm nổi vào việc gì cho nên hồn, còn người đàn bà này lại coi chuyện ấy như là chuyện của ai. Đào không thể hiểu rằng Phùng chần chừ, do dự chẳng phải vì không muốn làm phật ý bà lớn mà bởi thực sự không biết phải đi đâu.

Đào ngoái lại dặn con bé Huyên, trên môi cười cười:

- Có gì hay ở quê nhớ mang về cho chị đấy nhớ!

Hải Triều chớp mắt nhìn cô gái, không ấn tượng gì về chuyến đi sắp tới bởi mẹ chỉ đả động đến việc ấy một lần, dường như cũng chẳng bận tâm. Nhưng rồi con bé cũng cười, gật gật đầu tỏ ý đã hiểu. Còn lại một mình, Đào đứng dậy, hít vào một hơi rồi khom lưng, dùng sức kéo gầu nước lên. Nhìn bóng mình trong cái chậu gỗ, cô gái chợt thở dài như tiếc nuối hộ ai. Phùng còn trẻ, còn đẹp hơn tuổi thật của mình, lại hiền lành, hay lam hay làm nên cũng có mấy đám ưng mắt, ướm hỏi chỗ phu nhân xin cưới cô ấy về làm vợ. Tuy không phải chỗ cao sang gì, người thì góa bụa, người đã quá ngũ tuần nhưng đều hiền lành, chăm chỉ, phu nhân thấy thế cũng có ý tác thành nhưng chẳng đám nào xong được. Gia nhân trong nhà trừ vài người đã làm lâu vốn không có ý lập gia đình, chỗ còn lại dần dần rồi cũng được dựng vợ gả chồng hết. Có lẽ cũng như Đào, Phùng chỉ muốn sống ở đây cứ thế cho đến lúc chết. Đôi lần, người phụ nữ vừa quay sợi vừa bảo cô gái rằng: “Cái gì buông tay được thì buông tay. Lúc còn son trẻ thì hãy còn làm lại được. Đừng vì quá mơ mộng, quá quyến luyến để rồi cả đời chẳng đi đến đâu”. Tựa như những lời ấy là nói với bản thân người phụ nữ chứ không phải nói với Đào. Nói cũng chỉ để mà nói bởi bản thân cả hai người đều hiểu rõ cái gọi là buông tay ấy thực sự chẳng dễ dàng.

Đào không thể quên người con trai đã chết nơi sa trường, người đang tâm quên lời thề non hẹn biển mà bỏ cô lại một mình. Nhìn tấm lụa điều mua bằng tiền chắt bóp bao năm, những tưởng có thể may tấm áo thật đẹp mà giờ khóc không ra tiếng. Trời cao chơi đùa con người đến thế, vì không quên được nên chẳng mở lòng với ai được nữa. Một chữ tình, một chữ nợ ở hai đầu sợi nhân duyên ông Tơ bà Nguyệt se kể cũng thật khéo trói người.

***

Gió thổi men theo triền đê cỏ xanh mơn mởn lúc tiết trời chuyển sang xuân. Con sông đỏ đục phù sa chạy thẳng một đường bên dưới tựa tấm lụa đào, sóng sánh ánh sáng của một ngày trong trẻo. Khói dâng lên từ những ngôi nhà sau lũy tre xanh khi lửa bếp được nhóm lên. Tiếng mấy con chó ăng ẳng quấn chân chủ, tiếng gà, tiếng lợn rồi cả tiếng người í ới vang lên dọc quãng sông, như tan vào con nước.

- Đấy là sông Hồng hay còn gọi là sông Cái. – Phùng đưa tay vuốt mái tóc Hải Triều, chỉ cho con bé cảnh tượng bên dưới.

- Cái? – Con bé lặp lại, hàng lông mày nhíu nhíu khi suy nghĩ rồi dãn ra ngay. – Là sông mẹ hở u?

- Phải. – Người đàn bà mỉm cười, đưa tay gài lại khuy chiếc áo chần bông bằng vải thô màu chàm mặc ngoài chiếc áo cánh mỏng mảnh của con bé. – Con thích ở đây hơn hay ở chỗ cụ hôm qua hơn?

Hải Triều ngồi bệt xuống trảng cỏ, hai chân đung đưa, nghiêng nghiêng đầu suy nghĩ. Nó chưa bao giờ được cùng mẹ đi đâu vượt quá lũy tre bao quanh làng có tư dinh quan lớn. Họa hoằn lắm đến Tết, mẹ với chị Đào mới dẫn nó đi xem chợ cho biết nào là đào, thế nào là quất, là tranh Đông Hồ xanh đỏ vẽ đàn lợn âm dương, rồi tranh Vinh hoa, Phú quý[2]… treo phơ phất trong gió xuân, rộn ràng cả một góc. Ở chợ còn có cả những ồng đồ mặc áo the đen viết những con chữ bay bướm trên tờ giấy điều mà con bé chẳng hiểu, thế mà người ta cứ xúm đông xúm đỏ xung quanh xin về cho kì được. Một khoảnh chợ quê nhộn nhịp những ngày áp Tết không thể sánh với không gian rộng lớn trải ra trước mắt lúc này.

[2] Tên những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng, thường được bán vào dịp Tết

Hải Triều thấy mẹ lạ lắm, lạy tạ phu nhân vì bà hào phóng cho mấy thêm đồng gọi là lộ phí với tiền quà bánh, đứng ở bến sông mẹ còn nghĩ mãi rồi mới quyết định đi đâu. Hôm qua, hai mẹ con ở lại nhà một người đàn bà góa mà Phùng nói là bà trẻ của mình, cũng là cụ đằng ngoại của Hải Triều. Con bé hơi sợ người đó, sợ ánh mắt mờ đục đã lòa nhưng lại nhìn nó đăm đăm, trông hệt như ánh trăng vào một ngày mây mỏng trùm qua. Nó càng không hiểu tại sao khi đưa bàn tay nhăn nheo, xương xương thoảng mùi trầu thuốc ấy lần sờ lên gương mặt nó, bà lại khóc. Hai người phụ nữ nói với nhau nhiều chuyện bằng giọng thì thầm bên đĩa dầu đèn leo lét, Hải Triều chỉ nghe tiếng được tiếng mất, cũng chẳng hiểu. Trong giấc ngủ chập chờn, vang lên bên tai là thanh âm của những khúc hát nối liền nhau lúc khoan, lúc nhặt, khi vui, khi buồn. Xưa nay mẹ chỉ hát một mình, cũng chỉ chơi đàn một mình, chưa bao giờ con bé thấy mẹ cùng làm việc ấy với ai ngoại trừ cái lần duy nhất ấy. Nó vốn đã quen nhìn bóng Phùng run run trên bức vách, nhìn dáng bà hơi khom mình trên cây đàn chỉ có một dây nhưng lại tạo ra đủ muôn vàn âm thanh. Những khúc nhạc trầm buồn với mỗi nốt gảy lên mà ngân ra mãi trong không gian vắng lặng, nhấn tất cả vào trong một thế giới sâu thẳm với nhiều quanh co. Thế giới ấy chỉ của riêng Phùng, tuyệt nhiên không ai bước vào nổi nên hôm bữa, nhìn mẹ mình ngồi bên một người khác ngoài hiên, khi nói, khi cười, có khi lại như đang khóc, Hải Triều chợt mỉm cười rồi vùi đầu vào gối, kéo chăn lên tận mũi ngủ ngon lành.

Đó là hồi ức của mẹ phải không? Thứ hồi ức lúc Phùng là người Hải Triều không thể tưởng tượng, đến lúc chết bà cũng không nói hết cho con bé hay. Những thứ ấy được giữ sâu tròng lòng, hiếm hoi lắm mới được lấy ra rồi lại vội vàng giấu kín, vừa như sợ người ngoài biết được, vừa như sợ chính bản thân mình không đủ mạnh mẽ để đối diện là phần nhiều. Nhưng còn có thể tìm được ai đó để bấu víu, để len lén nhớ thương cũng đã là tốt lắm rồi. Cảnh tượng trong gian nhà vắng chỉ có hai màu: sắc đen của màn đêm và ánh lửa tàn riêng tư, bí ẩn không thể hấp dẫn đứa bé con bằng quang cảnh trời, nước, cỏ cây mênh mông muôn sắc trước mắt. Hải Triều cười, ấp úng:

- Con thích chỗ này hơn. Cụ cũng tốt… nhưng mà…

- Hôm qua, u dẫn con về nơi hồi nhỏ u sống. Còn vùng này là Cổ Mai Đàm[3]… Năm xưa, u và thầy con cùng các vị phu nhân khác sống ở đây – Phùng cúi xuống vờ như vén tóc cho con bé, thì thầm. Ánh mắt người phụ nữ nhìn thẳng vào đôi mắt trong của Hải Triều, tha thiết, níu kéo, từng lời nói ra như muốn in chặt vào cái đầu đứa bé con – Thầy con đặt tên cho Cổ Mai Đàm là làng Khuyến Lương. Mấy chuyện này con nhất định không được nói cho ai, cũng không thắc mắc, nhớ chưa?

[3] Thuộc Thanh Trì (Hà Nội) ngày nay. Đó là một làng quê ven đê sông Hồng. Nơi này xưa Nguyễn Trãi đặt tên là Khuyến Lương. Hiện nay ở Cổ Mai Đàm còn đền thờ Nguyễn Trãi và đền thờ Nguyễn Thị Lộ. Chữ Hán: đàm là đầm. Vùng đất này xưa trũng, nhiều hồ đầm có nhiều gò đất, rẻo đất trồng mai (cây mơ cây mận) nên có nhiều tên mai: Mai Động, Bạch Mai.

Hải Triều nắm chặt vạt áo cánh của mẹ, môi lẩm nhẩm lại những điều bà nói rồi gật đầu, thì thầm đáp lại:

- Con nhớ rồi, sẽ không quên, cũng không nói với ai. Nhưng u ơi, thầy con có thể đặt tên cho cả một làng… thầy giỏi lắm đúng không u?

Cái tính trẻ con vừa nói đấy lại thắc mắc ngay được. Phùng cười, hàng lông mày dãn ra, trong đôi mắt lấp lánh những tia sáng như ánh nắng nơi đáy sông. Bà gật đầu.

- U ơi, thế quê u, quê ngoại của con ở đâu?

- Con cứ coi như chỗ hôm qua là quê u đi! – Phùng cười. – Nơi u đẻ ra cách đây xa lắm, u cũng không ở đó lâu, họ hàng cũng chẳng còn ai, con cũng không cần biết mà làm gì. Sau này có dịp, u còn phải dẫn con về quê của thầy nữa. Sau này…

Phùng bỏ lửng câu nói, mở tay nải trên lưng lấy ra hai cái bánh dài dài, tròn lẳn bọc trong lá dong ngả màu xanh nâu đưa cho Hải Triều, dịu dàng:

- Con ăn đi kẻo đói. Chúng ta còn mấy việc nữa phải làm rồi mai quay về nhà quan lớn kẻo trễ. Bà lớn thấy về sai hẹn, không vừa lòng rồi sau u chẳng được nghỉ nữa đâu.

Con bé gật đầu, tay thoăn thoắt bóc lá cái bánh tẻ nhưng chỉ bóc một nửa, để chừa phần còn lại cầm khỏi bẩn tay rồi đưa cho Phùng:

- U ăn trước đi rồi con mới ăn.

- Ngoan!

Người đàn bà cười đáp lại, âu yếm nhìn con bé cười cười, nhìn lúm đồng tiền trên đôi má hồng hồng của nó, trong lòng không khỏi thở dài chua chát. Họ hàng có rồi cũng để làm gì, đến lúc khó khăn thì rặt chạy mất dạng. Nói quan trường tranh đoạt, không ai tin ai còn cái thứ gọi là một giọt máu đào hơn ao nước lã, đến lúc đời người rơi vào quãng gian truân mới rõ mặt ai ngay, ai gian. Nói cho công bằng, sau khi trong triều có biến, hai vị đệ nhất, đệ nhị khai quốc công thần lần lượt người thì tuẫn tiết, người bị xử tử, đến lượt Nguyễn Trãi cũng vào tù ra tội[4], chẳng còn được Thái Tổ tin dùng, người khôn ngoan không ai lại đi dây dưa vào làm gì. Lợi lộc chẳng có, không khéo còn mang họa vào thân. Biết là thế nhưng người đàn bà không thể ngăn bản thân lắm lúc chạnh lòng than đời bạc bẽo. Mãnh hổ không được dùng đúng chỗ cũng chẳng khác gì con mèo nơi xó bếp, huống hồ phu quân người còn ấp ủ biết bao nhiêu dự định…

[4] Ý nói đến việc Lê Lợi giết Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo sau khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi vì cho rằng hai người có ý mưu phản. Nguyễn Trãi là anh em con cô con cậu với Trần Nguyên Hãn nên cũng bị bắt giam, sau vì không có bằng chứng nên được thả ra nhưng không còn được tin dùng như trước.

Phùng trông dáng người nhỏ nhắn của Hải Triều, nhớ đến mình lúc trước, cũng tầm tuổi ấy đã theo cha lưu lạc khắp nơi, từ quê gốc ở phủ Long Hưng[5] rồi ra Kinh Bắc, khi vào thành Đông Quan[6] rồi theo chồng về Cổ Mai Đàm… Đôi chân này hóa ra cũng đã đi từng ấy đường đất để rồi cho người gặp nhau. Quãng đời lúc xuân xanh ấy nếu có thể lựa một điểm kết để rồi phong kín lại, mãi mãi chẳng để chảy trôi thì hay biết mấy.

[5] Tức Thái Bình.

[6] Tên gọi Thăng Long vào thời Bắc thuộc lần thứ 2 (20 năm Minh thuộc).

- Ngon không con? – Phùng hỏi, chìa cái bánh còn nguyên của mình cho con bé – Ăn thêm vào kẻo đói. Con thích thì khi nào về, u lại làm cho.

Thè lưỡi liếm mép dính mỡ, con bé sung sướng nhìn nhân thịt với mộc nhĩ nằm giữa lớp vỏ bánh trắng tinh, vừa giòn vừa mềm lại không dai, không dính. Nó vươn người nhìn xuống nơi những còn đò cập bến, chỗ mấy chị, mấy cô đang giặt chiếu, cười cười nói nói vang cả khúc sông vắng, bất giác ngâm nga câu hát hôm qua nghe được:

- Người về tôi dặn í ì i í i, nay có mấy nhời này, ở ớ nhời này là. Sông í ơ sâu là sâu song bên chớ lội. Mà này cũng có a đo đầy. Đò đầy… đò đầy…

- Đò đầy người chớ qua. Người ơi người ở đừng về. – Người phụ nữ thêm vào khi thấy con bé không hát được tiếp. – Lời hát ấy là từ câu thơ: “Người về tôi dặn mấy lời. Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”. Bắt chước thì cũng phải bắt chước cho đúng, từ từ rồi u sẽ dạy con hết. Hát thì phải hiểu mình hát cái gì, nghe chưa?

- U dạy con hả? Thật hả u? – Mắt con bé sáng rực lên, lắc lắc cổ tay mẹ. – Con còn muốn học chơi cả đàn bầu như u kia.

- Đàn bầu sao? – Phùng nhìn Hải Triều một hồi rồi miễn cưỡng đáp – Thôi được rồi… Dạy hết. Dạy con hát quan họ, dạy chơi đàn rồi têm trầu cánh phượng. Mà thôi, bọn trẻ con đang chơi thả diều kia kìa. Con vẫn tò mò mà, đi xem đi. U ngồi đây đợi con.

- U hứa rồi đấy nhé! – Con bé được mẹ cho phép đi chơi liền vụt đứng dậy nhưng mới chạy đi được vài bước đã tần ngần ngoái lại, giao kèo thêm lần nữa. Nó không phải không tin Phùng. Chỉ là Hải Triều hiểu tính mẹ mình quá rõ, bà… hơi thất thường, vẻ như rất bình lặng nhưng thực ra buồn vui bất chợt. Những điều ai cũng để cho con cái họ làm như chạy chơi ra ngoài bãi sông, nói đôi câu với hàng xóm láng giềng… bà đều tránh không để Hải Triều dính đến. Nhận được cái gật đầu của mẹ, đứa bé gái mới an tâm chạy đi.