Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 19 - Phần 2

Vạt áo phượng hoàng bằng chỉ kim tuyến quét một vòng cung trên sàn gạch, Tuyên Từ Hoàng thái hậu quay lưng, hít vào một hơi rồi nói tiếp, chậm rãi, rõ ràng:

- Phải, ta thừa nhận với quan gia chuyện mình là chủ mưu giết Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Cũng là ta chủ mưu dựng chuyện đổ vạ cho Ngô Thị Ngọc Dao. Người vừa lòng chưa?

Bang Cơ trân trân nhìn tấm lưng thẳng của người phụ nữ bế ẵm, nâng niu chàng suốt từ những ngày thơ bé, đột nhiên thấy trong họng dâng lên thứ dư vị đắng chát như nước mắt. Chàng đợi gì? Chàng đợi người chối hay sao? Hay chính chàng mong mẹ mình sẽ không nhận lấy những hành động đó? Biết là hoang đường nhưng từ ngóc ngách nào đấy rất sâu, Bang Cơ thực sự mong mẫu hậu sẽ lớn tiếng quát lại, bảo rằng tất cả đều chỉ những lời vu cáo bẩn thỉu.

- Cuối cùng… mẫu hậu cũng đã nhận rồi!

Hạ Liên giật mình, ngẩng đầu. Trên nước da trắng xanh là hai hàng nước mắt lã chã. Cô cung nữ bò về phía án thư, lắc đầu quầy quậy:

- Chủ ý hại Ngô Tiệp dư là của nô tì. Cũng là nô tì làm, không liên quan đến lệnh bà. Quan gia, Thái hậu cũng chỉ vì bị ép mà thôi.

- Ép? Ai có thể ép người kia chứ? Chẳng phải lúc ấy Nguyễn Thần phi độc sủng hậu cung hay sao? – Chàng cười gằn, hướng ánh mắt của mình xuống vẻ mặt như chết đứng của Nguyễn Thị Anh.

Mắt nàng long lên, ngón tay xỉa về phía trước run rẩy không biết vì sợ hãi, vì bàng hoàng hay vì tức giận:

- Ái tình của quân vương là thứ không thể tin được. Ai ép ta? Là phụ hoàng con ép ta! Là đám đàn bà đó ép ta! Tiên đế từng yêu chiều Thị Bí mà lập Nghi Dân, sau vì yêu ta mà phế hai người bọn họ. Quan gia, con tin là sau con, chuyện phế lập ấy sẽ không lặp lại nữa khi trái tim Tiên đế hướng về người khác? Con tin là nếu không trở thành Đông cung Hoàng thái tử, người ta sẽ để cho con sống sao? Là Ngô thị kia xui xẻo. Là Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ tự dưng cản trở kế hoạch của ta, là họ đắc tội với những người khác mà tự chuốc lấy họa diệt thân.

Lớp váy lụa quấn vào những bước chân bước vội, bám hai bàn tay mình lên mép án thư, Nguyễn Thị Anh nhìn trừng trừng, đôi môi mỏng lạnh lùng, kiêu hãnh mà rằng:

- Ta biết quan gia muốn nói gì… Ta không hối hận, chưa bao giờ hối hận vì những việc mình làm. Bất kì kẻ nào ngáng trở con đường của quan gia, ta nhất định sẽ giết kẻ đó.

Những lời cuối cùng ấy làm Hoàng đế không thể nói thêm gì. Cổ họng chàng đau rát. Đôi mắt khô khốc chỉ biết mở lớn nhìn người phụ nữ xinh đẹp mặn mà đối diện. Từng thớ thịt, từng mạch máu trong người bị nhấn trong đợt sóng cuồn cuộn không phận định nổi là đau khổ, là bàng hoàng, bi phẫn hay… là ghê sợ. Trong điện chỉ nghe tiếng bấc đèn cháy xèo xèo không ai cắt đi, chỉ nghe thấy tiếng sụt sùi của viên hoạn quan và cô cung nữ Hạ Liên. Chốc chốc, hai người bọn họ lại đưa tay áo lên chấm nước mắt.

- Từ nãy đến giờ, ta không hiểu nổi quan gia có còn là đứa con trai ta mang nặng đẻ đau ra không? Từng lời, từng lời của người có khác gì quan Đề hình luận tội ta? Sao, giờ người muốn xử mẹ già tội gì đây? Muốn ban thuốc độc hay dải lụa trắng?

Cuối cùng, Tuyên Từ Hoàng thái hậu cũng lên tiếng, điềm nhiên đến nỗi làm Hạ Liên hoảng hồn, vội chạy lại, quỳ xuống van xin:

- Lệnh bà… quan gia… chuyện này… chuyện này…

Dưới ánh nến nhạt, người phụ nữ vén tay áo, đưa hai bàn tay không của mình vế phía trước. Nàng ngước mắt nhìn. Đến lúc này mới thấy dường như trong đôi mắt sắc lạnh kia loang loáng nước:

- Bàn tay này của mẫu hậu vì con mà không biết đã nhúng qua bao nhiêu lần máu tanh. Mẫu hậu chỉ cần con được sống, bình an mà sống. Ta có thể để tay mình dính máu tươi, có thể để mình bị nguyền rủa… nhưng con thì khác. Con nhân từ, con lương thiện, con không làm gì sai hết!

Đôi hia gấm thêu rồng từ từ rời khỏi vị trí sau án thư, từ từ bước ra cánh cửa điện Trường Xuân giờ đã mở rộng. Khi cách Nguyễn Thị Anh độ ba bước, Bang Cơ ngoảnh lại:

- Mẫu hậu là người quan trọng nhất trong cuộc đời nhi thần. Tình yêu của người dành cho nhi thần, có chết con cũng không báo đền hết được. Nhưng… đã bao giờ người nghĩ nhi thần sẽ phải đối mặt với bản thân thế nào khi biết rằng vì mình, rất rất nhiều người đã phải chết oan uổng? Con phải đối mặt thế nào khi mẹ của con vì con mà chịu những dằn vặt như thế? Con thực sự không biết… mình sẽ phải sống tiếp như thế nào.

Những lời ấy, gương mặt với nét cười buồn chẳng hề có nước mắt, ánh mắt dịu đi chỉ chứa nguyên vẹn sự yêu thương nhưng cay đắng của chàng làm Tuyên Từ thấy mình không còn chút sức lực. Hai đầu gối bủn rủn đến độ khiến nàng ngã quỵ xuống. Nước trào ra từ đôi tròng mắt tinh anh, kiêu hãnh, lăn dài xuống gò má thắm sắc phấn hồng. Nước nhỏ xuống từng hạt, từng hạt nối tiếp nhau, loang trên nền gấm vàng.

Nàng khóc.

- Mẫu hậu, những người liên quan đến chuyện hôm nay, xin người vì mình, vì nhi thần mà cho họ một con đường sống.

Ngoài thềm, mưa đã ngớt, chỉ còn nước nhỏ xuống theo mãi hiên từng giọt, từng giọt.

Mưa rào mùa hạ thoắt đến, thoắt đi, ồn ào một chập rồi lặng yên cả. Cơn phong ba ấy về sau dường như chỉ là một cơn ác mộng. Hoàng đế vẫn đều đặn thượng triều, xử lý quốc sự nhất mực vẹn toàn. Chỉ có người hầu hạ thân cận mới biết từ sau đêm ấy, Hoàng đế ngã bệnh.

***

Diên Ninh năm thứ 5 (1458), triều đình tổ chức thi hội cho các sĩ nhân trong nước. Từ khi Thái Tổ Hoàng đế lấy lại được thiên hạ, thi cử cũng chưa định thành quy chế thường niên nên cứ năm nào triều đình bố cáo mở khoa thi, cả nước lại vui như hội. Bao nhiêu kẻ sĩ trong thiên hạ chờ mòn đợi mỏi, gặp được lúc này không khác gì nắng hạn đợi được mưa rào. Hai năm qua thiên hạ thái bình, thái bình đến mức nhàm chán, nhạt nhẽo nên khoa thi mở ra thực là một phen náo nhiệt.

Ngậm cọng cỏ trong miệng, Tư Thành hết co chân lại duỗi chân, trong lòng bức bối chồng chất. Sự ảm đạm bủa vây Cung thành, Hoàng đế vẫn đều đặn đến tòa Kinh Diên, gọi chàng đến Bí thư các thưởng trà, đánh cờ, luận sách nhưng rõ ràng có chuyện gì đó đã xảy ra mà Bình Nguyên vương chỉ có thể cảm thấy. Cảm giác bất an này thực sự rất khó chịu.

- Rồng rắn lên mây. Có cây lúc lắc. Có nhà điểm danh. Thầy thuốc có nhà hay không?[5]

Đám trẻ con tóc còn để chóm túm áo túm váy nhau thành một hàng dài như con rắn, nghêu ngao hát bài đồng dao để bắt đầu trò chơi của chúng. Cô gái mặc chiếc váy lĩnh, eo thắt dây lưng màu hoa hiên[6], tay chống hông làm nhà cái, nghiêng đầu nhẩm đếm mấy đứa trẻ, bảo:

- Cho xin khúc đầu!

- Những xương cùng xẩu! – Lũ nhóc tròn miệng ngân nga, lắc lư những mái tóc tơ đáp lời.

- Cho xin khúc giữa

- Những máu cùng me!

[5] Trò chơi dân gian: Rồng rắn lên mây.

[6] Màu vàng thư hay màu vàng đậm.

Tư Thành gác tay lên đầu gối, lẩm nhẩm trong miệng lời đồng dao chàng đã thuộc nằm lòng từ khi còn nhỏ, nhìn theo cô gái đang đùa nghịch với lũ trẻ con.

- Cho xin khúc đuôi

- Tha hồ thầy… ĐUỔI!

Mấy cái miệng nhất loạt hô lên như thế kéo theo cả một tràng cười giòn tan. Đứa bé trai đứng đầu dang cánh tay ra chắn, đám trẻ đằng sau nắm áo nhau mà chạy, trông ngoằn ngoèo như một con rắn trên thảm cỏ xanh, cốt sao không để cho Thục Giang tóm được. Nàng chạy sang phải, chạy sang trái, cố gắng lừa lũ nhóc mà cũng phải bở hơi tai mới tóm được một đứa.

- Tiểu thư cầm lấy! – Tư Thành đưa chiếc khăn lụa trắng gấp tư cho cô gái, đôi mắt đen thích thú nhìn gò má ửng hồng không rõ vì thẹn hay vì mệt của Thục Giang.

Vò vò lớp vải áo, nàng lí nhí nói rồi mới khe khẽ ngồi xuống, biết ý mà cách xa Bình Nguyên vương một đoạn:

- Điện hạ… chê cười rồi!

- Có gì đâu. Tiểu thư như vậy thật khác với lúc ở trong cung – Chàng thoải mái nói, không nghĩ những lời của mình khiến thiếu nữ chột dạ, vội ngừng miết tay lên vành nón quai thao mà ngước lên.

- Thần nữ có gì thất thố, xin điện hạ dạy bảo!

Ngẩn ra một thoáng, cuộn cuốn sách lại rồi tự gõ lên trán mình, Tư Thành bật cười thành tiếng, xua xua tay:

- Ta không có ý thế. Tiểu thư rất… đáng yêu mà! Thoải mái, vô lo, đâu phải ai cũng có thể sống được như vậy. Chưa kể, chơi với trẻ con không dễ chút nào.

Thục Giang tròn mắt nhìn người thanh niên trước mặt, ngại ngần giấu nửa gương mặt với nụ cười bẽn lẽn sau vành nón quai thao. Nàng vần vò vạt áo cánh xanh lơ một chập rồi ngập ngừng lên tiếng:

- Lần trước… lần trước điện hạ có hỏi thần nữ không phải là cá, tại sao lại biết chúng thư thái an nhàn. Thần nữ đã nghĩ mãi, cuối cùng mới nghĩ ra… Có khi vì cá không như người, không tính toán nhiều, không so đo nhiều nên mới có thể vui vẻ bơi lội như vậy.

Không nhìn thẳng được vào mắt Tư Thành quá một khắc, Thục Giang nói càng lúc càng nhỏ, cuối cùng cúi gằm mặt xuống giấu đi khuôn mặt đã đỏ lựng. Chàng chăm chú nhìn, ban đầu là bởi không nhớ có lúc nào mình đã từng nói như thế hay chưa. Sau một hồi lục lọi trong trí nhớ, xem ra việc ấy cũng quen quen, chàng lại xoay ra tự hỏi Thục Giang có phải quá thật thà nên mới để việc cỏn con ấy canh cánh trong lòng. Lật trang sách, Tư Thành nửa đùa nửa thật hỏi:

- Chuyện ấy tiểu thư cũng nhớ sao?

- Thần nữ ít chữ, nói ra có gì… ngốc nghếch, xin điện hạ đừng cười. Chỉ là… chỉ là… trước đây, thần nữ chưa bao giờ nghĩ như vậy nên cũng muốn một lần đi tìm nguyên do xem sao. Đúng là… đúng là múa rìu qua mắt thợ rồi.

Bàn tay định lật giở tờ giấy mỏng liền ngưng lại. Chàng chầm chậm nói:

- Đọc vạn cuốn sách không có nghĩa biết được hết lẽ nông sâu, biết được hết đáp án của những câu hỏi trên đời. Những điều tiểu thư nói, ta nghĩ đều đúng cả, có gì đâu mà cô cứ phải một hai nói mình ít chữ?

- Thân mẫu có dạy, con gái chỉ nên chuyên tâm học lấy nữ công, tam tòng tứ đức là đủ rồi. Chuyện chữ nghĩa là chuyện của nam nhi. Biết ít một chút thì mới dễ bảo, mới khiến người ta thích. – Thục Giang không suy nghĩ nhiều, thoải mái nói ra hết những điều đó, trong mắt không giấu sự ngưỡng mộ người trước mặt. – Nếu không nhập cung, có lẽ thần nữ không biết trên đời ngoài nam nhân ra còn có nhiều vị tiểu thư am hiểu sách vở như vậy. Trong lòng lấy làm ngưỡng mộ. Đầu óc của họ chắc chắn phải hơn đầu óc của người suốt ngày nghịch ngợm trong bếp như thần nữ rồi.

Nhìn nàng phồng má, thật thà giãi bày hết những ý nghĩ trong đầu, Tư Thành không nén được mà bật cười. Nhìn vẻ mặt vui vẻ, sảng khoái ấy, Thục Giang không vì những lời kia của mình mà xấu hổ như lúc trước, chỉ lắc lắc đầu làm lọn tóc đuôi gà đung đưa.

- Đổi đi! – Chàng điều chỉnh lại vẻ mặt của mình cho đàng hoàng, nghiêm túc – Nếu tiểu thư thích học chữ thì ta sẽ dạy. Đương nhiên là không phải dạy không công rồi. Đổi một chữ bằng một cái bánh dày nhân đậu. Thế nào?

- Chỉ sợ điện hạ ăn mãi sẽ chán thôi! – Thục Giang phì cười.

- Ta nghe Hoàng huynh nói tài nấu nướng của tiêu thư vô cùng tuyệt diệu, coi như sắp tới ta khỏi phải lo không được thưởng thức món ngon trong thiên hạ.

Cho thị nữ mang đến mấy đòn bánh tròn lẳn, cái nào cũng dài hơn một gang tay bọc trong lá chuối tươi xanh như ngọc, buộc quanh bằng lạt trắng làm quà ra mắt thầy dạy, thiếu nữ vẫy tay gọi đám trẻ đến chia phần. Bên trong lớp lá xanh mượt là những chiếc bánh dày vỏ gạo nếp dẻo thơm, trắng tinh xếp san sát nhau, cắn một miếng đã thấy phần nhân đỗ xanh vàng tươi, nhuyễn mịn, ngọt ngào.

- Bánh cũng như người, vừa vặn, đáng yêu! – Tư Thành vui miệng buông một câu, liền được đám nhóc con đang nhồm nhoàm nhai nhai, nuốt nuốt bên cạnh vỗ tay tán thưởng.

Chút dư vị thanh ngọt ấy cũng giống như hồi ức tuổi thơ xa xăm mà bản thân chàng cũng không đếm nổi thực ra mình đã sống qua được bao nhiêu ngày như thế. Nắng tàn thì đêm buông, những tâm tư đè trĩu trong lòng không dễ gì cởi bỏ. Trở dậy khi gà còn chưa gáy, Tư Thành theo thói quen thả bộ vô định, lần này nương theo hướng gió mát và hương hoa mà cất bước.

Ban mai chưa thức giấc, phủ lên không gian chỉ có màu xanh thẫm của một vùng cây lá, màu lam lạnh trong veo của nước, của trời như hòa làm một. Gió mát đưa đẩy hơi nước, đưa đẩy hương sen hồng sánh đặc lại làm lòng người ngây ngất bởi thứ dư âm vô hình. Nàng chưa từng thấy biển, chỉ nghe người ta đồn biển cả mênh mông hơn hồ Dâm Đàm cả ngàn vạn lần, nhìn không thấy bến bờ. Nàng cũng từng đọc trong sách, thấy thi nhân phương Bắc ca ngợi cảnh trí Tây Hồ là đệ nhất trong thiên hạ, không khác gì bồng lai tiên cảnh. Vực nước mờ sương thâm trầm, bí ẩn này của Đông Kinh, Hải Triều cũng ngầm tán đồng với những thi nhân thường lui tới giáo phường Khán Xuân rằng, chỉ có hơn chứ không thể kém Tây Hồ của Đại Minh. Huống hồ không phải ở đâu dưới gầm trời này cũng có thể kiếm được thứ hoa sen có thể dùng để ướp trà như ở đây.

Lần lần trong đám lá mọc tỏa ra trên đầu như những tán ô, thiếu nữ cẩn trọng lựa hoa, còn hứng lấy những hạt sương trong vắt hãy còn đọng trên phiến lá rồi chầm chậm chèo thuyền về phía bờ hồ, nơi có đình hóng gió với chiếc đèn lồng đỏ đung đưa làm dấu. Mũi thuyền vừa chạm vào bờ đất, đương loay hoay chuyển hết số hoa cùng bầu nước lên bờ, một bàn tay đưa ra trước mặt làm nàng giật mình lùi lại, con thuyền vì thế mà chòng chành đi. Ánh sáng mờ nhạt tỏa ra từ chiếc lồng đèn con con đặt trong khoang thuyền thúng hắt lên gương mặt tuấn tú, điềm đạm, đủ để nàng nhận ra người thanh niên ấy mà vội cúi đầu thành một cái chào kính cẩn.

- Cần ta giúp không? – Tư Thành thuận miệng mở lời.

Bàn tay đưa ra có ý đỡ thiếu nữ lên bờ nhưng cuối cùng lại nhận được một bó hoa sen lớn, đóa nào đóa nấy hãy còn hàm tiếu, ngan ngát hương thơm. Chàng nhìn Hải Triều khẽ lách người, né tránh nhìn thẳng, thậm chí né cả việc đi lướt qua mình thì tự nhiên mỉm cười, hơi nhướn chân mày lên một chút. Từ xưa, Tư Thành luôn cảm thấy cô gái này có quá nhiều điều kì quái. Lúc thì phong lưu dạn dĩ, đùa cợt cả nam nhân, lúc lại lặng yên, xa xôi, kì bí như một nhà tu hành.

Xem ra những lời thở ngắn, than dài của phu nhân Minh Nguyệt đều là đúng cả. Tư Thành thầm nghĩ thế khi bước trở vào trong đình. Bà nói trời xanh ghen ghét má đào nên sau một đợt đau bệnh, Ngọc Huyên của giáo phường Khán Xuân đột ngột bị câm. Với một ca nương mà nói, mất đi giọng hát của mình thì còn đau khổ hơn cái chết. Thực ra, Tư Thành chẳng thấy cô gái kia có mấy khác biệt. Đến cả biến cố lớn như vậy đổ xuống đầu mà dáng vẻ bình thản, bất biến cố hữu còn không hề lay động chứ đừng nói là đổi thay thì quả thực nữ nhân này không có điểm nào giống người thường chứ đừng nói là giống con gái.

Dưới chân, cánh sen hồng trải thành một thảm dày hồng hồng, trắng trắng khắp đình hóng gió, rơi xuống cả những bấc cấp lên xuống. Con bé mình mặc áo cánh nâu non, váy thâm đã bạc màu ban nãy Tư Thành trông thấy, giờ vẫn hồn nhiên gối đầu lên cây chổi lúa ngủ ngon lành. Nhìn cánh mũi con Lê phập phồng, cái miệng thỉnh thoảng nhóp nhép như ăn cái gì, Hải Triều chợt nhớ đến mình ngày trước, mỗi lần theo Mai Loan đi hái hoa về ướp trà cũng đều gà gật như vậy. Nàng không nỡ đánh thức Lê dậy, khe khẽ vén váy ngồi xuống cạnh con bé, dùng cả hai tay đón lấy bó hoa sen vị thân vương đang cầm. Từ lúc ấy, trong đình bên bờ hồ Dâm Đàm chỉ có tiếng gió vi vút cuốn hương hoa sen quyện với mùi bùn non thành thứ dư vị hồn hậu quê nhà, có tiếng lật trang giấy mỏng và tiếng trẻ con lăn lộn trở mình giữa cơn mơ.

Trải lá sen xanh mượt lót vào cái rổ tre, Hải Triều nghiêng đầu, cần mẫn tách những cánh hoa, rồi lại cần mẫn gảy lựa lấy những hạt gạo sen li ti, trắng đục đậu trên những sợi nhị vàng. Bao nhiêu hương sắc của cả trời, cả nước, cả một nhân gian đều nằm cả trong nắm gạo ấy. Mỗi hạt rơi xuống là mỗi hạt nhớ thương, là những kí ức ngày xưa Mai Loan từng thủ thỉ với Hải Triều.

“Thầy con thích nhất là trà ướp hoa sen. Hoa sen nhất định phải lựa đại liên mọc ở hồ Dâm Đàm thì thứ trà làm ra mới là thượng phẩm!”

“Về sau, con phải thay u làm thứ này. Đến mùa hạ nhớ phải thắp hương, đem trà ướp cúng cho thầy, nhớ chưa?”

Nàng khẽ mím môi lại, chuyên tâm hơn nữa vào công việc của mình. Trời chỉ cần hửng lên, hương thơm sánh đặc ấp ủ trong từng lớp cánh hồng sẽ tan đi mất, thành ra uổng công cả. Giáo phường Khán Xuân có cô đào hay, có anh kép giỏi, có cả thứ trà ướp hoa mỗi mùa mỗi thức làm say lòng người. Đông Kinh truyền tai nhau trà sen của cái nhà ấy bỏ bùa khách quan, lá trà đã ngon, hương còn tươi mới, uống một ngụm thôi đã thấy trải ra cả vạn dặm sen hồng trong buổi ban mai sương lạnh. Lá trà tinh tuyển được ướp hương thật khéo, thanh sạch lại hư ảo, tuy cầm lên chẳng nặng tay nhưng giá lại lên đến cả vài lượng bạc. Ông trùm Tuân với thầy Nguyễn quý thứ trà Hải Triều ướp ra lắm, cất kĩ trong lọ để uống dè cả năm. Thứ ấy vốn chỉ dành cho người biết chơi, nếu không phải chỗ thượng khách thân quen thì cũng là nơi có giao tình lâu năm với giáo phường.

Tuy cùng ngồi dưới mái đình, chỉ cách nhau không quá ba bước chân nhưng lại là hai thế giới hoàn toàn khác biệt không hề giao cắt, chỉ lướt qua nhau. Đọc đi đọc lại dòng chữ đến mấy lần, Tư Thành cau mày, trong lúc đang cố tìm một cách hiểu khác, ánh mắt vô tình dừng lại trên những ngón tay của thiếu nữ. Phải thừa nhận rằng, chàng chưa từng thấy nữ nhân nào trên đời có đôi bàn tay đẹp như vậy, hơi xương xương một chút nhưng ngón nào ngón nấy đều thon dài, thanh nhã. Cô đào để chút móng tay, xem ra đúng là không phải làm việc nặng bao giờ[7], thẩm nào cả mười đầu ngón tay đều mịn màng như lụa. Ngẩn ngơ, chàng không biết từ lúc nào ánh mắt mình cứ mải mê nhìn theo đôi bàn tay ấy nhẹ nhàng luồn vào giữa lớp cánh sen hồng he hé nở, vừa nhanh nhẹn, gọn gàng, vừa như không làm đau dù chỉ một cánh hoa mỏng.

[7] Nhìn móng tay có thể phân biệt được địa vị của con người trong xã hội Việt Nam xưa. Những người lao động, người nghèo thì để móng ngắn cho tiện làm việc, ngược lại với những người thuộc tầng lớp trên được ăn sung mặc sướng hoặc làm những công việc liên quan đến sách vở. (Theo Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam của Mario Sica)

Đóa hoa còn trơ nhị vàng giơ ra trước mắt làm Hải Triều ngạc nhiên, vội ngẩng lên. Vị thân vương kia đã ngồi xuống đối diện thiếu nữ, mặt đối mặt từ lúc nào. Đưa tay đón lấy, thiếu nữ nhất thời không hiểu cho đến khi Tư Thành cất lời:

- Ta nghe nói để có được một cân gạo sen phải tách đủ một nghìn bông hoa? Ướp trà nghe đâu cũng không phải một lần là được, phải làm đi làm lại đến mấy bận thì hương mới ngấm. Nếu không khéo thì sẽ mốc hết, thành ra hoài công cả, đúng không?

Đôi mắt trong chăm chú nhìn người thanh niên trước mắt, nàng ngơ ngác gật đầu, không hiểu ngoài tán đồng ra liệu mình còn có thể làm gì. Gói lá sen đựng chỗ gạo thơm ngát, trinh nguyên kia rồi lấy lạt buộc túm lại thành một cái túi, bày tay vừa đưa ra định lay cái Lê dậy, Hải Triều chợt sững người vì một câu nói hờ hững của Tư Thành:

- Cũng thật nhiều tâm sức nhỉ?… Nhiều người đồn đại năm xưa ở Đông Kinh từng có một vị phu nhân khá nổi tiếng về tài lấy hoa ướp trà. Người ấy… là vợ lẽ của quan Hành khiển Nguyễn Trãi. Cô là người trong nghề, chắc từng nghe danh rồi chứ?

Vô thức giơ ba ngón tay lên, Hải Triều không hiểu sao lại mỉm cười. Nhìn cử chỉ ấy, Tư Thành chau mày rồi lắc đầu ngay:

- Ý cô là bà Lễ nghi học sĩ? Đúng là Nguyễn thị rất giỏi, vừa có tài, vừa có sắc, cũng có nhiều người đoán vậy nhưng ta không cho là bà ấy.

Khẽ lắc đầu, hàng mi rủ xuống khi nàng đứng lên, hàm ý câu chuyện đến đây là kết thúc. Lay con Lê dậy, thiếu nữ cúi đầu cáo từ rồi cắp cái rá bên hông, nhẹ nhàng rời đi. Tiếng ngáp dài, ngáp ngắn thiếu nữ tính của con bé vang lên sau lưng làm Hải Triều lắc đầu ngao ngán. Toan quay lại ra hiệu bảo con Lê nhanh tay nhanh chân thì nàng liền chết sững khi vị vương gia kia tươi cười chỉ vào đứa bé, bảo:

- Bé con, lại gặp nhau rồi. Ta dạy em thổi sáo, em cũng hứa khi nào gặp lại sẽ trả công cho ta mà, đúng không?

Tư Thành gác tay lên lan can gỗ, nghiêng người, đôi mắt đen nửa đùa nửa thật nhìn con Lê. Cây sáo trúc nằm giữa những ngón tay người khách điển trai nọ như có ý nhắc nhở khiến đứa bé gái lúng túng, không biết phải làm sao. Vò vò gấu áo, Lê ngập ngừng phân bua khi thấy vẻ nhạc nhiên của người chị lớn và sự chờ đợi của Tư Thành:

- Cô Ngọc Huyên… là công tử đây lần trước đã chỉ em cách thổi sáo, nên là… Công tử, tình hình là… con… không biết lấy gì để cảm ơn cậu hết.

Lê là đứa sáng dạ, cũng có chút ít năng khiếu nhưng vì quá hấp tấp nên bao giờ cũng chỉ thổi được nghiêm chỉnh nửa bài. Nửa còn lại không sai chỗ nọ thì hụt chỗ kia, lắm khi tạo thành những âm thanh rè rè khiến người khác rùng mình. Thế mà dạo gần đây, con bé không mắc phải những lỗi ấy nữa, âm sắc cũng thành thục, mềm mại hơn nhiều. Hóa ra là có cao nhân mách nước.

- Nói cũng phải. Ta không muốn mang tiếng bắt nạt trẻ con. Em không trả được thì bảo cô Ngọc Huyên của em trả hộ đi.

Cuối cùng, ánh mắt Tư Thành dừng lại trên gương mặt nghiêng nghiêng của thiếu nữ, nhìn mãi cho đến khi nàng không tảng lờ được nữa, buộc phải quay sang. Đưa cái rổ tre cho con bé, Hải Triều lượm lấy một mẩu gạch vỡ, vạch lên nền đất ẩm mấy chữ “ xin tùy ý công tử”.

- Được rồi. Sau này ta sẽ tính với cô! – Tư Thành nháy mắt, thoải mái giở cuốn sách trên tay ra đọc tiếp, xem chừng đã có ý muốn tiễn khách.

Nhìn hành động ấy, Hải Triều lặng thinh. Chẳng phải vì nàng không nói được. Nếu là trước đây, đáp lại cũng chỉ có yên lặng mà thôi. Thiếu nữ không phải người tùy tiện giao ước với ai, xưa nay bao nhiêu quan hệ cũng chỉ xoay quanh chiếc chiếu hoa, xoay quanh sự trầm lặng sánh đặc của một canh hát ca trù. Là tin người trước mặt không định làm khó nàng. Là tin Bình Nguyên vương chỉ vui miệng mà nói thế, người bận rộn như ngài ấy, chuyện hôm nay rồi sẽ sớm quên thôi. Cô đào vừa đi khuất, ánh dương cũng dâng lên, rọi ánh sáng hồng hồng với muôn nghìn tia nắng như sợi tơ kim tuyến xuống cả một vùng hồ nước. Gõ nhẹ ngón tay lên lan can gỗ, khóe miệng chàng nhếch lên thành một nụ cười.

Không phải vì gạo sen thơm. Là hương sen thấm vào mái tóc, vào nước da, vào cả con người ấy để đến nỗi dù chỉ lướt qua cũng thấy hương trời vương vấn. Trong những lời đồn ở Đông Kinh, Tư Thành cũng nghe người ta bảo rằng, dù không nói được nữa nhưng ông trời hãy còn đoái thương, dồn cả ưu ái vào ngón đàn của Tiểu Kiều, vào nhan sắc của nàng ấy. Quả nhiên là một cô gái đẹp, thanh khiết, thuần nhất và cũng rất mực xa vời.

Người như thế cũng như một bức tượng, như một chiếc bình sứ trắng với đôi mắt thăm thẳm như nước men lam, tinh xảo đến thế nào cũng chỉ là vật để ngắm, không hơn.

***