Én Liệng Truông Mây - Hồi 24 - Phần 1

HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN

Việt võ đạo biến muôn hình vạn trạng

Tiểu Bạch Long uy trấn hội anh hùng.

Sáng hôm sau, mặt trời chưa qua khỏi đỉnh núi Phương Mai mà trên bãi cát quanh võ đài đã đông nghẹt người. Họ đến sớm để giành chỗ tốt. Từ dưới bến, một đoàn lính thủy gươm giáo sáng ngời, hàng ngũ chỉnh tề, tiền hô hậu ủng đoàn quan khách gồm quan tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên, khám lý Hoàng Công Đức, Cao Đường, hai tiểu thư Cao Đại Hồng và Cao Tiểu Hồng, Phan Sinh, Lê Trung, tổng binh Phan Ngọc Chánh, lãnh binh Hoàng Kim Phụng cùng một số nhân vật quan trọng, những thương gia lớn trong phủ nhà tiến lên khán đài. Mọi người trước nay đều nghe tiếng đồn về nhan sắc khuynh thành của hai vị tiểu thư họ Cao nhưng ít người thấy mặt, nay được chiêm ngưỡng dung nhan, tất thảy đều trầm trồ xuýt xoa. Họ công nhận là lời đồn đoán về vẻ đẹp của hai nàng quả thật không ngoa chút nào.

Giữa võ đài, ban tổ chức đã lập một bàn thờ tổ, khói hương nghi ngút để các đấu thủ làm lễ bái tổ sư theo truyền thống tôn sư trọng đạo của Việt võ đạo. Nơi hai hàng ghế ở hai bên võ đài dành cho các đấu thủ ngồi có để hai giá binh khí gồm đủ thập bát ban võ nghệ để đấu thủ sử dụng. Các đấu thủ muốn sử dụng vũ khí riêng của mình cũng được, miễn là đừng vi phạm nội quy cuộc đấu. Một người đàn ông mặc lễ phục bước lên võ đài chắp tay cúi chào các vị quan khách và khán giả xong nói lớn:

- Thưa bà con và các lộ anh hùng đang có mặt để tham dự anh hùng đại hội trăm năm có một này, tôi xin thay mặt quan tuần phủ, ngài khám lý và Cao đại gia để tuyên bố lời khai mạc đại hội cũng như thể thức và luật lệ của cuộc thi. Về thể thức và quy định của cuộc thi, tất cả đã được niêm yết rõ ràng từ lâu, nay không cần nhắc lại. Tuy nhiên, điều mà ban tổ chức muốn nhắc đến là tinh thần thượng võ của cuộc thi. Lần tranh tài này không ngoài mục đích nâng cao và trau dồi võ thuật, vì vậy các đấu thủ tùy ý mình có thể mặc áo giáp hộ thân và sử dụng vũ khí không sắc bén do phủ nhà cung cấp. Sự thắng bại của cuộc tranh tài sẽ được quyết định bởi ban giám khảo.

Ông ngừng lại một chút rồi nói tiếp:

- Chúng tôi có lời cáo lỗi cùng bà con và quần hùng, vào thời điểm bốc thăm sáng sớm nay đã có một số đấu thủ tự ý xin rút lui. Vì vậy cuộc tranh tài chỉ còn lại là mười sáu đấu thủ. Hôm nay chúng ta sẽ được chứng kiến tám trận tranh tài, ngày mai bốn trận và vào đêm mai, dưới ánh trăng Trung Thu, chúng ta sẽ có dịp thưởng thức tài nghệ của hai vị vô địch và á quân của anh hùng đại hội này. Tôi xin giới thiệu thành phần ban giảm khảo như sau: vị thứ nhất là tổng binh Phan Ngọc Chánh, vị thứ hai là lãnh binh Hoàng Kim Phụng và vị thứ ba là võ sư Đinh Văn Nhưng ở Bằng Châu. Ba vị giám khảo này đều là những bậc đại cao thủ của phủ nhà. Quyết định của họ chắc chắn sẽ làm cho kết quả cuộc tranh tài được đánh giá một cách công bằng. Trận đấu sẽ được điều khiển bởi trọng tài là võ sư Trương Đức Thuận ở Phù Ly. Để bắt đầu anh hùng đại hội, xin mời mười sáu đấu thủ lên võ đài làm lễ bái tổ.

Ông ta vừa dứt lời, hàng loạt tiếng vỗ tay hoan hô vang lên khắp nơi. Có nhiều tiếng xì xào bàn tán:

- Những đấu thủ kia tại sao lại tự động rút lui khỏi cuộc tranh tài vậy, họ sợ thua à?

Có người đáp:

- Không phải đâu. Có thể vài người trong số đó vì sợ mà rút lui nhưng đa phần là vì họ nghe nói mục đích của cuộc đại hội là để tìm kiếm nhân tài đối đầu với chú Lía cho nên họ mới không tham dự. Chú Lía là vị cứu tinh của bà con dân nghèo, họ ủng hộ chú Lía.

- Thì ra là vậy!

Trong khi đó, từ gian nhà phía sau khán đài, mười sáu đấu thủ với tuổi tác và hình dáng khác nhau đang lần lượt bước lên võ đài. Họ chào các vị quan khách cùng khán giả, sau đó người chủ lễ đốt hương vái tổ và từng đấu thủ cũng thắp hương làm lễ. Các nghi thức đã xong, bàn thờ tổ được dời đi, người giới thiệu chương trình bước lên võ đài tuyên bố:

- Thưa bà con và các lộ anh hùng, cuộc tranh tài bắt đầu. Xin mời trọng tài Trương Đức Thuận. Và trận mở màn là hai võ sĩ Đỗ Bảng ở Mộ Hoa, Quảng Ngãi và Thiết quyền Quách Triệu Dũng thuộc võ đường họ Quách ở An Thái.

Từ khán đài, võ sư Trương Đức Thuận từ từ bước sang võ đài. Sau đó ở hai hàng ghế bên phải và bên trái của khán đài, hai bóng người cũng lần lượt phóng vút lên sàn đấu. Tiếng vỗ tay vang dội khắp nơi. Nguyễn Nhạc nói nhỏ với hai em mình:

- Quách Triệu Dũng này lúc còn nhỏ có biệt danh là Sáu Lù. Hồi xưa thằng đốc trưng Đằng đã nhờ nó lên Trường Trầu đánh lộn với thằng Lía. Để xem hôm nay thân thủ của nó tiến bộ đến bậc nào.

Trên võ đài, Đỗ Bảng và Triệu Dũng ôm quyền chào mọi người rồi chào nhau xong liền đảo bộ thủ thế. Cuộc tranh tài bắt đầu. Đỗ Bảng sử dụng Long quyền, chân đứng trung bình tấn, hai tay dùng Long tu chỉ vươn ra chờ đợi. Triệu Dũng đứng Kim kê tấn phải, hai Hổ trảo một ngang hông, một vươn về phía trước chuẩn bị vồ mồi. Cả hai quả là đang trong tư thế long tranh hổ đấu.

Bỗng Triệu Dũng gầm lên một tiếng, tung người tới trước, song hổ trảo chộp xuống đầu Đỗ Bảng. Đỗ Bảng xoay người né đòn. Triệu Dũng lết ngựa tới, hổ trảo phải chuyển thế từ dưới móc ngược lên hạ bộ địch thủ. Đỗ Bảng dùng thế Hổ giáng long thăng đánh mạnh tay phải xuống tay đối phương, tay trái từ dưới đánh móc lên mặt địch thủ. Triệu Dũng rút nhanh tay về xoay người né khỏi. Đỗ Bảng bỏ ngựa theo Tý Ngọ tấn, tay phải xuất chiêu Nhất tiễn tấn tâm hung đấm thẳng vào mặt địch thủ. Triệu Dũng bước theo lối Tam cước hổ thoái lui nửa bộ, tay phải dùng chiêu Nguyệt đảo sơn di, hổ trảo như năm chiếc móng sắt chộp ngang vào tay địch. Cả hai đối thủ đều ra đòn thần tốc, biến thế mau lẹ, chớp mắt mà đã tung ra mười mấy chiêu. Mỗi người đều đã bị đối phương công trúng vài lần, y phục rách nát, những vết cào của hổ trảo và long trảo làm rướm máu nhiều nơi.

Bên dưới, Trần Kim Hùng vừa quan sát vừa nhỏ giọng phân tích cho đệ tử nghe:

- Hai người này, một người sử dụng Long quyền, một người sử dụng Hổ quyền. Đây là hai bài quyền truyền thống của Việt võ đạo được lưu truyền từ ngàn xưa. Long quyền uyển chuyển, mau lẹ với bộ pháp đạp theo bát quái. Hổ quyền dũng mãnh, táo bạo linh hoạt với bộ pháp Tam cước hổ.

Nguyễn Huệ hỏi:

- Uyển chuyển, mau lẹ so với dũng mãnh, táo bạo thì bên nào lợi thế hơn vậy ông nội?

Huệ xưng hô theo anh cả của mình nên gọi Kim Hùng là ông nội. Kim Hùng đáp:

- Bên nào cũng có cái diệu dụng của nó. Nếu người học võ phát huy được hết sở trường thế võ mà mình sử dụng thì có thể chế thắng địch.

Huệ lại nói:

- Cháu thì lại nghĩ rằng mau lẹ là điểm then chốt trong võ thuật. Nếu địch thủ vừa chớm xuất đòn, ta tấn công thật nhanh ngay lúc khởi điểm của chiêu thức, triệt hạ địch ngay từ đầu thì địch thủ đâu còn cơ hội xuất chiêu nữa.

Kim Hùng nhìn Nguyễn Huệ kinh ngạc hỏi:

- Điều này thầy Đinh dạy cháu có phải không?

- Dạ không. Cháu nghĩ vậy nên nói thế thôi.

Kim Hùng gật đầu tỏ vẻ tán thưởng:

- Giỏi lắm! Điều đó cũng chính là đỉnh cao của võ thuật. Người tập võ ai cũng mong đạt được điều này, tức là đánh ngay ở chỗ địch vừa định ra tay, công ngay vào lúc địch vừa kết thúc chiêu thức và sắp biến thế. Thực hiện được cú đánh thật kịp lúc như vậy thì sẽ trở thành người bất khả chiến bại. Không địch thủ nào có thể hạ mình được. Cháu đã nhìn thấy điều này thì phải tập luyện để thực hành cho được nhé. Các con cũng vậy.

Nguyễn Huệ và bọn Văn Tuyết đồng thanh “dạ”. Bỗng nghe một tiếng thét lớn như cọp gầm vang lên trên võ đài. Triệu Dũng sau khi hạ thấp người xuống đất, tay phải che phía trước để tránh một cú đá xắn vào ngực mình của Đỗ Bảng, anh ta liền thét lớn một tiếng, thân hình vọt lên cao tung chân trái theo thế Hồ điệp song phi đá thốc mạnh lên mặt đối phương. Cú đá thần tốc kèm với tiếng gầm kinh khiếp này đã trúng ngay ngực của Đỗ Bảng khiến cả thân hình anh ta bật ngửa ra, rơi xuống đài. Trọng tài Trương Đức Thuận vội bước đến nắm tay trái của Quách Triệu Dũng đưa lên cao tuyên bố:

- Trận mở màn, võ sĩ thiết quyền của võ đường Tư Luông - An Thái đã thắng. Mời võ sĩ về chỗ ngồi chuẩn bị cho vòng sau vào ngày mai.

Tiếng hoan hô vang dội cả đấu trường. Có tiếng la lớn của đốc trưng Đằng ở bên phải võ đài:

- Thiết quyền Quách Triệu Dũng - An Thái vô địch!!!

Người xướng ngôn trở lại võ đài giới thiệu tiếp:

- Trận tranh tài thứ hai là cuộc đọ sức giữa cây thiết phiến và tề mi côn. Xin mời Thiết Phiến Công Tử Lý Vân Long ở Quy Nhơn và Tào Sơn Trương Bàng Châu ở Duy Xuyên, Quảng Nam lên võ đài.

Từ hàng ghế dành cho các đấu thủ ở bên phải, một bóng người tung mình lên cao rồi đáp xuống võ đài, tay phe phẩy chiếc quạt phất một loại vải rất đặc biệt có nan bằng thép dài chừng thước rưỡi (6 tấc). Phong thái và tướng mạo chàng ta quả đúng là một phong lưu mỹ công tử với vẻ ngạo mạn khinh đời. Tiếp sau đó là một bóng người khác từ hàng ghế bên trái tung mình đáp xuống sàn đấu, thân pháp và phong thái của người này trông thanh nhã và lễ độ đúng tác phong của một võ học danh gia. Trương Bàng Châu khoảng chừng ba mươi tuổi, tạng người vừa phải, tay cầm một chiếc tề mi côn (loại côn dài vừa đúng tầm mi mắt của người sử dụng) khoan thai cúi chào quan khách và khán giả rồi ôm quyền chào Vân Long. Thiết Phiến Công Tử cũng cúi chào quan khách, nháy mắt với Đại Hồng rồi quay chào khán giả. Hắn dừng lại nơi khuôn mặt của Bàng Châu, lạnh lùng lên tiếng:

- Đao kiếm vô tình, nếu chẳng may xâm phạm xin thứ lỗi.

Bàng Châu mỉm cười đáp:

- Không sao. Xin công tử nương tay.

Lý Vân Long từ nhỏ đã được Cao Đường mướn võ sư về dạy. Năm mười bốn tuổi hắn theo học một vị võ sư người Minh Hương mới sang định cư ở Nước Mặn. Chiếc thiết phiến của hắn là vũ khí độc môn mà sư phụ Thiết Phiến Tử truyền lại. Thiết Phiến Tử vốn là đệ tử của Thanh Thành phái bên Tàu, bị sư môn đuổi giết vì hành động rất tà ác nên phải chạy sang Đại Việt lánh thân. Lý Vân Long từ ngày học hết tuyệt nghệ của Thiết Phiến Tử thì trở nên vô cùng tự phụ, hắn nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt. Bàng Châu vừa dứt tiếng, hắn liền thét lớn một tiếng, cây quạt trong tay nhoáng lên công thẳng vào địch thủ. Bàng Châu hoành côn lên gạt rồi đâm thẳng đầu côn vào mặt đối phương. Thân ảnh của họ như gió lốc, chiêu thế phóng ra vun vút, bóng côn, bóng quạt mờ trời.

Bên dưới Nguyễn Văn Tuyết hỏi nhỏ Kim Hùng:

- Thầy dạy con là một tấc ngắn, một tấc hiểm, nhưng con thấy cây tề mi côn dài gấp đôi cây quạt nên lợi thế hơn nhau rất rõ ràng.

Kim Hùng nói:

- Điều đó không sai đâu. Ở đây chỉ vì đường Thái Sơn côn của Bàng Châu quá thần diệu nên cây quạt sắt trong tay của Thiết Phiến Công Tử mới tỏ ra yếu kém hơn. Vị Tào Sơn hiệp này võ công hết sức cao siêu, chỉ với đường quyền Lão mai thôi cũng đủ giúp anh ta thành danh trên giang hồ rồi. Coi bộ chỉ vài hiệp nữa thì chàng trai mặt trắng ngạo mạn kia sẽ trúng đòn bỏ cuộc.

Kim Hùng vừa nói dứt thì trên võ đài Thiết Phiến Công Tử đã trúng liên tiếp mấy đòn côn. Hắn lảo đảo người lui ra tận mép võ đài. Bàng Châu thét lớn một tiếng, người lướt tới, đầu côn như con rắn lượn lao nhanh vào bụng địch thủ. Chợt nghe Lý Vân Long cũng thét lên, hắn xòe chiếc quạt trong tay ra một nửa, quạt mạnh vào mặt Bàng Châu, đồng thời cả người hắn lướt nhanh về phía địch thủ. Khán giả thấy Bàng Châu đang lao tới chợt khựng người lại giữa chừng, nhanh như cắt Lý Vân Long dùng chiếc quạt gạt nhẹ cây roi rồi tung một cú đá sấm sét vào ngực đối phương. Cả thân người của Bàng Châu tung lên cao rơi xuống hàng ghế ngay chỗ Trần Lâm đang ngồi. Mọi người ồ lên một tiếng kinh ngạc.

Trần Lâm vội tung người đỡ lấy thân hình Bàng Châu rồi đặt ngồi xuống ghế của mình. Bàng Châu đã bị mê man, Trần Lâm đưa tay sờ mũi anh ta rồi lấy viên Tỵ độc châu trong túi ra. Chàng lau máu đang trào ra nơi miệng của Bàng Châu xong bỏ viên Tỵ độc châu vào. Trong phút chốc, Bàng Châu đã hồi tỉnh. Anh ta hé mắt thấy chàng thanh niên đứng trước mặt nhìn mình thì liền nhả viên ngọc ra trả lại và thì thào nói:

- Trong chiếc quạt của hắn có thuốc mê. Cảm ơn hiệp sĩ đã tương trợ và giải độc. Hiệp sĩ là Tiểu Bạch Long phải không? Nếu có gặp hắn thì phải đề phòng. Đồ bại hoại!

Trần Lâm nói:

- Tôi biết. Cú đá đã gây nội thương, anh hãy uống viên thuốc này trước đã.

Chàng cất viên ngọc châu và lấy ra một viên thuốc đưa cho Bàng Châu:

- Thoạt nhìn tôi đã biết có chuyện mờ ám rồi. Anh uống thuốc rồi dưỡng thương đi. Có ai đi chung với anh không?

Bàng Châu bỏ viên thuốc vào miệng uống rồi lắc đầu:

- Tôi độc lai độc vãng nên chẳng có ai đi chung cả. Sau chuyến này tôi học thêm được một bài học nữa về lòng người gian trá khi đi lại giang hồ. Cả tên Quỷ Kiếm Ma Đao nữa, anh phải đề phòng cây quỷ kiếm giấu trong cán đao của hắn.

- Cảm ơn anh. Tôi sắp đấu với hắn, tôi sẽ lưu tâm.

Trong khi Trần Lâm đang chữa thương cho Bàng Châu, vị trọng tài đã chậm rãi bước đến nắm tay phải của Lý Vân Long nhưng chưa tuyên bố mà lại đưa mắt nhìn về phía ba vị giám khảo để hỏi ý. Hành động của Lý Vân Long quá nhanh, hắn phất quạt mạnh rồi lướt người tới tung cú đá sấm sét thật nhịp nhàng ăn khớp nên tuy có chút khó hiểu nhưng ba vị giám khảo cũng đành gật đầu chấp thuận. Trọng tài lúc đó mới giơ tay Vân Long lên tuyên bố:

- Trận thứ nhì, Thiết Phiến Công Tử Lý Vân Long thắng.

Trong lòng mọi người ai cũng cảm thấy kỳ lạ về việc Bàng Châu đang từ thế thắng bỗng chuyển sang thảm bại nên khi nghe lời tuyên bố của trọng tài, họ không lấy gì làm hào hứng lắm. Chỉ có một vài tiếng vỗ tay rải rác. Lý Vân Long nét mặt lạnh lùng, giương ánh mắt trắng dã nhìn quanh đấu trường rồi bước xuống. Nguyễn Văn Tuyết hỏi Kim Hùng:

- Hình như có chuyện mờ ám phải không, thưa thầy? Bỗng dưng sao Tào Sơn hiệp khựng lại giữa chừng để lãnh trọn cú đá của Lý Vân Long vậy?

- Có lẽ vậy. Đường roi Mãnh xà xuất động vừa rồi đánh ra thật hợp lúc, tên Lý Vân Long đang đà thất thế không thể nào có cơ hội phản đòn nhanh chóng như vậy được. Chắc là trong cây quạt của hắn có bí mật gì đây. Không biết Tiểu Phi có nhận ra điều này không?

Nguyễn Nhạc nói:

- Vòng sau đến ngày mai mới bắt đầu, ông nội không phải lo cho anh ấy. Phải thu chiếc quạt trên tay tên lưu manh kia mới được.

Người xướng ngôn lại lớn tiếng giới thiệu:

- Trận tiếp theo, mời Trần Tiểu Phi ở Phong Điền và Đại Lực Điền Cung ở Diên Khánh.

Điền Cung nghe xướng tên mình liền tung người lên cao như con đại bàng rồi đáp xuống võ đài. Điền Cung tuổi khoảng hai mươi lăm, thân hình to lớn, mặc một chiếc áo sát nách phanh ngực để lộ ra những bắp thịt cuồn cuộn. Thoạt nhìn ai cũng nhận ra đây là một tay dũng sĩ, sức mạnh kinh người. Anh ta đứng giữa võ đài, tay cầm đao, trông sừng sững như một hòn núi lớn. Tiếng vỗ tay vang dội khắp nơi. Tiểu Phi nhẹ nhàng như một chiếc lá đáp xuống sàn đấu. Hai đấu thủ một hùng vĩ, một mảnh mai, một dụng đao, một dụng kiếm đứng đối diện nhau trông thật tương phản. Khán giả thích thú trước sự nghịch lý này nên vỗ tay hoan hô vang trời. Có tiếng nói lớn:

- Đại Lực hãy coi chừng chuyện châu chấu đá xe đó nghen!

Cả hai thực hiện nghi thức chào hỏi xong liền hoành bộ thủ thế. Tiểu Phi đưa mũi kiếm tà đầu lấy ở giá binh khí của ban tổ chức hướng chênh chếch vào tim đối phương. Điền Cung hoành đao ngang bụng, trừng mắt nhìn địch thủ rồi thét lớn một tiếng, đao ảnh chớp lên chụp xuống đầu đối phương. Chỉ thấy kiếm trong tay Tiểu Phi chớp lên. Nhanh cấp kỳ, đao ảnh kiếm quang tắt phụt. Mũi kiếm của Tiểu Phi gí đúng vào trái tim của Điền Cung, thanh đao của Điền Cung nằm cách đỉnh đầu của Tiểu Phi chừng nửa tấc. Cuộc đấu diễn ra chỉ trong chớp mắt nhưng đã khiến cho cả đấu trường lạnh toát. Trương Đức Thuận vội bước tới tách hai đấu thủ ra. Điền Cung ôm quyền cúi chào Tiểu Phi nói:

- Bái phục! Không ngờ thế gian lại có chiêu kiếm nhanh thế này.

Rồi anh ta nhảy xuống đài lẩn vào đám đông. Đức Thuận cầm tay Tiểu Phi đưa cao tuyên bố:

- Trận này Phong Điền Trần Tiểu Phi thắng.

Tiếng vỗ tay vang dội khắp nơi. Trần Thị Lan vỗ tay rất khí thế, nàng nói:

- Tay kiếm của Tiểu Phi đại ca nhanh tuyệt. Tuyết nhị ca, anh ra tay nhanh được như vậy không?

Văn Tuyết cười nói:

- Anh sẽ cố gắng. Chà, đường kiếm đó thật tuyệt vời. Sư phụ thấy không, con nói đại sư huynh sẽ đoạt danh hiệu vô địch mà.

Kim Hùng chậm rãi bảo:

- Đừng vội mừng. Anh hào còn lắm tay tài giỏi, hãy đợi đến khi kết thúc rồi mới nói.

Người xướng ngôn lại oang oang:

- Trận kế tiếp xin mời Quỷ Kiếm Ma Đao Lương Bát Vạn ở Quảng Ngãi và Tiểu Bạch Long Trần Lâm ở Quy Nhơn thượng đài.

Cái tên Quỷ Kiếm Ma Đao khiến nhiều người vừa nghe đã nổi gai lạnh. Họ giương mắt chờ đợi nhân vật này xuất hiện. Một bóng người phóng vút lên cao, uốn mình một vòng rồi đáp xuống võ đài. Tuổi tác người này độ trung niên, gương mặt lầm lì, má trái có một vết sẹo dài, trên lưng giắt một thanh đao cán dài. Lương Bát Vạn khoanh tay đứng im giữa võ đài như một pho tượng, tuy chỉ là cuộc tỉ võ thông thường nhưng người hắn lại toát ra một luồng sát khí ghê sợ.

Tiếng xì xào bàn tán vang lên khắp nơi. Họ chờ đợi vị Tiểu Bạch Long xuất hiện. Từ chỗ ngồi, Trần Lâm bước lại giá binh khí lấy một cây roi rồi nhẹ nhàng nhảy lên đài. Chàng khoan thai cúi đầu chào quan khách và bắt gặp ánh mắt vừa vui mừng, vừa lo sợ của hai chị em Cao tiểu thư cùng Phan Sinh. Chàng mỉm cười với họ rồi quay chào khán giả, bằng một thần thái hết sức ung dung, chàng quay lại đứng đối diện với Lương Bát Vạn. Hình ảnh chàng thiếu niên y phục trắng, khuôn mặt đẹp như ngọc, phong thái khoáng đạt đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả. Họ tấm tắc khen:

- Thật là một mỹ nam tử! Đúng là con rồng trắng của biển Đông!

Ánh mắt Đại Hồng cũng sáng rực lên một niềm yêu thương, trìu mến. Nàng nhìn Trần Lâm một cách say đắm, trong lòng nao nao một cảm giác khó tả. Nàng quay sang Tiểu Hồng định chia sẻ cảm xúc này thì bắt gặp Tiểu Hồng cũng đang sững sờ nhìn Trần Lâm. Nàng thúc cùi tay vào hông em gái hỏi nhỏ:

- Nhìn kỹ vậy sao?

Tiểu Hồng giật mình, thẹn đến hai má đỏ bừng, bối rối như kẻ gian bị bắt gặp, ấp úng:

- Ơ... không, em đang nghĩ đến tên Quỷ Kiếm hung bạo kia. Chị thấy anh Lâm có thắng nổi hắn không? Em lo quá.

- Chị không biết. Chị cũng đang lo.

Tiểu Hồng vội quay mặt lên võ đài tránh ánh mắt của chị. Lần đầu tiên trong đời nàng xuất hiện một cảm giác không biết gọi tên là gì, nó cứ lâng lâng thật khó tả.

Lương Bát Vạn chậm rãi rút thanh đao trên lưng, tay hơi dang ra, lưỡi đao chĩa chênh chếch ra ngoài, mũi hướng xuống đất, chú mắt vào mặt đối thủ. Cán đao của hắn dài hơn hẳn những thanh đao khác. Trần Lâm chống cây roi xuống đất phía trước mặt, đưa mắt lướt qua cán đao một chút rồi nhìn thẳng vào đối phương. Một người ánh mắt chứa đầy sát khí, một người ánh mắt bình lặng như mặt hồ thu. Lương Bát Vạn bất thần xuất chiêu, cả người và đao nhoáng lên như ánh chớp chém tạt vào địch thủ. Trần Lâm lật tay xoay tròn cây roi. Choang! Đầu roi đã quất trúng má đao, khiến thanh đao của Lương Bát Vạn bật ra ngoài. Trần Lâm lại chống cây roi đứng yên tư thế ban đầu như chưa hề động thủ. Ánh đao lại chớp lên, bóng đao mờ mịt chụp xuống người Trần Lâm, gió rít vù vù. Trần Lâm lại múa tít cây roi trong tay, bóng roi len vào vùng đao ảnh, những tiếng keng keng vang lên. Một lúc, cả hai đấu thủ thối lui về chỗ cũ. Trần Lâm vẫn ung dung như thường, mắt liếc nhìn vào nách đối phương. Lương Bát Vạn đưa mắt nhìn xuống nách tay phải cầm đao của mình thì bỗng giật mình biến sắc. Lớp áo gần nách phải của hắn bị thủng nhiều chỗ do đầu roi gây ra. Hắn nghĩ nếu đối phương muốn giết hắn thì giờ hắn đã trở thành cái xác không hồn rồi. Sự lo sợ chuyển thành nỗi tức giận, tia mắt hắn bỗng ngời lên sát khí. Hung tính bộc phát, hắn hét lên một tiếng và tung sát chiêu. Hắn lao người tới trước, chém một đường sấm sét vào hông trái đối phương, đồng thời tay trái xuất hiện thêm một thanh kiếm đâm xéo vào tim địch thủ.

Cách ra chiêu thần tốc cùng với sự kết hợp hết sức bất ngờ giữa đao và kiếm này đã làm cho tên tuổi Quỷ Kiếm Ma Đao của hắn vang dội khắp miền Quảng Ngãi. Không biết bao nhiêu địch thủ của hắn đã bị chết dưới lưỡi quỷ kiếm giấu trong cán đao này. Trần Lâm vội bước theo Cửu cung bộ pháp thoát khỏi lưỡi đao, đồng thời tay xoay tít cây roi điểm nhanh vào nách trái đối phương một chiêu như chớp giật. Đầu gậy của chàng tuy phóng ra sau nhưng đã đến trước, điểm trúng huyệt chương môn bên trái của Lương Bát Vạn. Sau đó chàng tiếp tục xoay cây roi nửa vòng đâm nhanh vào huyệt khí hải của hắn. Cách né đòn và phản chiêu mau lẹ, đầu roi điểm ra thật chính xác của Trần Lâm khiến cho Lương Bát Vạn hai tay buông rơi cả đao lẫn kiếm. Hắn đứng chết trân giữa võ đài.

Đại Hồng, Tiểu Hồng và Phan Sinh đều há hốc mồm kinh hãi. Sau cơn bàng hoàng, cả võ đài đã bùng lên những tràng pháo tay như pháo nổ. Khi nhìn thấy thanh kiếm được Lương Bát Vạn bất thần rút ra từ cán đao đâm vào tim Trần Lâm, ai nấy đều tin chắc rằng chàng sẽ hết đường né tránh. Vậy mà kết quả thật bất ngờ.

Trần Lâm bước đến đưa tay giải huyệt cho Lương Bát Vạn, nói nhỏ:

- Xin lỗi, anh nên suy nghĩ kỹ trước khi ra tay giết người nếu không tất bị người giết.

Lương Bát Vạn im lặng không nói gì, cúi người nhặt đao và kiếm rồi nhảy xuống đài biến mất giữa đám đông. Trọng tài tuyên bố Tiểu Bạch Long thắng trận. Bỗng có tiếng của Con Mọt Sách vang lên:

- Tuyệt thế thần côn! Đường roi đó đã xuất hiện trên giang hồ rồi.

Nguyễn Huệ hỏi Trần Kim Hùng:

- Đường roi đó nhanh đến khủng khiếp. Luyện tập cách nào để đạt được đến trình độ đó nội? Anh ta cũng còn trẻ tuổi quá mà.

- Chẳng những nhanh mà còn chính xác nữa. Tất cả đều nằm ở chỗ tâm định, trí tĩnh. Tâm trí có định và tĩnh thì phán đoán mới chính xác và hành động kịp thời. Cho nên đỉnh cao của võ học là sự định tĩnh của tâm và trí.

Lúc đó người xướng ngôn tuyên bố tạm ngưng những trận tranh tài để quan khách nghỉ ăn trưa. Cao Đường quay sang bảo hai cô con gái cưng:

- Hai con đi với cha cùng hai vị đại quan vào Chiêu Anh Quán ăn trưa nhé.

Đại Hồng nói:

- Cha đi đi, bọn con muốn ở lại chúc mừng người bạn.

Cao Đường biết tính con nên không ép, ông quay sang mời Nguyễn Khắc Tuyên, Hoàng Công Đức và những vị quan khách đi ăn trưa.

Đại Hồng nhìn theo, làu bàu với Tiểu Hồng:

- Thấy cái nhìn hau háu của lão khám lý mà ớn lạnh cả người. Vậy mà cha còn biểu bọn mình đi theo nữa chứ.

Tiểu Hồng gật đầu tỏ ý đồng tình với chị. Sau đó với gương mặt rạng rỡ, nàng gọi lớn:

- Anh Tiểu Bạch Long, anh qua đây đi.

Trần Lâm rời võ đài nhảy xuống đất rồi bước qua chỗ họ. Đại Hồng cười tươi như hoa nói:

- Tên tiểu quỷ chết tiệt làm cho người ta muốn đứng tim. Sao không chết đi cho rồi, cứ sống sờ sờ để theo ám người ta nữa hả?

Mấy ngày liền, sáng nào Trần Lâm cũng phải thay thuốc ở đầu gối cho nàng nên mối giao tình ngày trở nên thân thiết, cởi mở hơn xưa. Trần Lâm mỉm cười nói:

- Những kẻ bị cho là đáng chết thường ông trời sẽ bắt phải sống dài dài. Có như thế trần gian này mới là bể khổ chứ.

Đại Hồng bĩu môi:

- Xì, mới thắng có một trận mà đã lên mặt rồi.

Tiểu Hồng chen vào:

- Thôi, hai người đừng gây nhau nữa. Chúng ta vào quán ăn mừng đi. Đêm nay anh Lâm cần phải về nghỉ ngơi lấy sức để ngày mai còn đấu tiếp. Chao ơi, ngày mai chắc sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều.

Lý Vân Long từ bên kia khán đài tiến lại. Trần Lâm và Tiểu Hồng vui vẻ nói:

- Mừng anh đắc thắng!

Lý Vân Long hững hờ:

- Cảm ơn, tôi cũng xin chúc mừng anh.

Rồi hắn quay sang Đại Hồng:

- Chúng ta đi ăn trưa đi.

Đại Hồng nói:

- Huynh đi cùng với cha đi, bọn muội còn muốn ở lại để chúc mừng Lâm Nhi.