Én Liệng Truông Mây - Hồi 23 - Phần 3

Trần Lâm hai tay đỡ nàng để khỏi động đến vết thương, buông cương cho ngựa đi thong thả. Con ngựa của Đại Hồng rất khôn, nó một mình chậm rãi theo sau. Trần Lâm ngoái lại nhìn, thấy bước đi của nó bình thường vững chắc, không hiểu sao lúc nãy nó lại té nhào làm cho chủ bị thương như thế.

Đại Hồng nằm gọn trong vòng tay Trần Lâm. Một cảm giác lâng lâng, êm đềm dâng lên trong lòng khiến nàng điểm nhẹ nụ cười sung sướng và mãn nguyện. Vậy mà nàng vẫn cất giọng ương bướng:

- Tôi bị tật thì có liên quan gì đến anh mà anh lo?

- Tôi làm thầy thuốc, chữa cho bệnh nhân mà để thành tật là trái với thiên chức của một lương y. Nên tôi lo.

- Vậy thì tôi sẽ chịu tật để cho hai chữ “lương y” của anh đi kèm thêm ba chữ “như kế mẫu” luôn.

Rồi nàng cố sức động mạnh chân trái của mình. Trần Lâm thất kinh vội điểm vào huyệt hoàn khiếu ở phần đùi trên của nàng. Chân trái Đại Hồng ngay lập tức bị tê cứng. Nàng vùng vằng gắt:

- Anh mặc xác tôi! Anh lo cho danh tiếng lương y của anh chứ lo gì đến thân tôi mà làm bộ?

Trần Lâm cười ha hả nói:

- Tôi nói đùa thôi. Là tôi thật sự lo cho Đại Hồng đó. Một người phụ nữ đẹp như thế này mà để bị tàn tật thì ông trời sẽ bắt tội, đày tôi xuống chín tầng địa ngục vì cái tội ngu xuẩn, không biết quí trọng, không biết giữ gìn nét đẹp tuyệt bích mà tạo hóa ban cho trần gian này.

Đại Hồng biết chàng nói đùa nhưng vẫn cảm thấy ngọt ngào ấm áp trong lòng, nàng cười khúc khích:

- Xảo ngữ! Đã vậy tôi sẽ tự làm què chân mình để anh bị đày xuống mười tám tầng địa ngục luôn.

Trần Lâm giải huyệt trên chân nàng, nói đùa:

- Sáng sớm mai tôi sẽ lập tức bỏ trốn khỏi xứ này để ông trời khỏi tìm ra. Chừng đó ổng sẽ bắt Đại Hồng đi thay, đem xuống nhốt ở địa ngục vĩnh viễn.

Đại Hồng thúc cùi chỏ liên tục vào ngực Trần Lâm, giọng nũng nịu:

- Tên Tiểu Lâm Nhi chết hụt này coi tướng hiền lành mà ác tâm quá lớn. Anh chết đi cho rảnh mắt tôi.

Trần Lâm cúi xuống nhìn nàng, bốn mắt chạm nhau rồi cả hai bỗng phá ra cười. Cảnh này giống y như ngày xưa, tuy hiếm hoi nhưng họ cũng đã từng có những lúc vui vẻ với nhau. Trông Đại Hồng bây giờ chẳng khác gì con mèo con bị thương nằm trong lòng chủ, thật ngoan hiền và dễ thương. Khuôn mặt kiều mỵ tự nhiên của nàng như có một ma lực hút hồn người. Trần Lâm thoáng rùng mình, chàng vội ngẩng mặt tránh ánh mắt của nàng.

Họ về đến cổng gia trang đã thấy Tiểu Hồng và Phan Sinh đứng đợi. Thấy Đại Hồng bị thương, Tiểu Hồng hốt hoảng hỏi:

- Trời ơi chị Đại Hồng bị thương à? Có nặng lắm không? Mau đem chị ấy vào trong coi thế nào.

Trần Lâm hai tay vẫn bế Đại Hồng, bỏ chân qua một bên lưng ngựa rồi nhảy xuống đất, chàng nói:

- Chị ấy bị té ngựa. Đầu gối bị trật, anh đã bó tạm thuốc rồi, giờ cần phải thay hai chiếc nẹp và thuốc mới.

Tiểu Hồng lo lắng:

- Bị té ngựa đến trật khớp à? Phải xem sao nếu không để bị mang tật thì nguy.

Phan Sinh nói:

- Tiểu Hồng an tâm đi. Trần Lâm là danh y. Trật xương khớp đối với anh ấy chỉ là việc nhỏ thôi.

Họ đem Đại Hồng về phòng nàng. Trần Lâm nhờ lấy ba thanh gỗ mỏng nhỏ, chàng cẩn thận tháo thanh kiếm ra, vén ống quần lên thay lớp cao mới và băng vải. Sau, đó chàng dùng ba nẹp gỗ bó cố định chân nàng. Dưới ánh đèn, chiếc chân trần thon thả với làn da trắng mịn như ngà, thêm vào sự va chạm da thịt khiến Trần Lâm thoáng rùng mình lần nữa. Chàng vội trấn định tâm thần xua đuổi tạp niệm để chú tâm hoàn thành việc băng bó. Đại Hồng nhìn chàng thận trọng băng bó cho mình mặt bỗng đỏ ửng, ánh mắt long lanh. Chợt nhìn thấy phía sau bắp chân Đại Hồng có một vết thẹo nhỏ đã mờ nhạt, Trần Lâm mỉm cười. Đại Hồng hỏi:

- Anh cười gì thế?

- Tôi nhớ vết thẹo này ngày xưa cũng do chính tay tôi băng bó. Nay vẫn còn dấu.

- Cũng tại anh cả. Nếu tôi không giận anh bỏ chạy thì đâu có bị vấp té đến rách cả da thịt. Lần này cũng vậy. Anh là tên tiểu quỷ theo ám hại khiến khắp người tôi mang đầy thương tích.

- Đó là hình phạt của ông trời dành cho những người bướng bỉnh.

Đại Hồng cười khúc khích:

- Tôi thích bướng bỉnh vậy đó. Bây giờ có anh là lương y như kế mẫu rồi thì tôi càng không sợ gì nữa.

Trần Lâm kéo ống quần của nàng xuống, đứng lên nói:

- Xong rồi. Đại Hồng nằm nghỉ đi. Nhớ đừng để tôi phải xuống địa ngục đó nhé. Chắc ăn nhất, sớm mai thay thuốc xong tôi phải bỏ trốn thật xa nơi này.

Đại Hồng mỉm cười liếc chàng, nhưng ánh mắt vô cùng trìu mến:

- Anh có trốn cũng không thoát đâu. Về chuẩn bị theo quỷ sứ xuống địa ngục đi là vừa.

Tiểu Hồng đỡ Đại Hồng nằm ngay ngắn lại, kéo chăn đắp cho chị. Nàng nghe họ nói chuyện kỳ quặc liền hỏi:

- Hai người có chuyện gì mà nói tới thiên đường với địa ngục vậy? Chị nằm nghỉ đi, có đau lắm không? Không được cử động mạnh làm trật khớp chân đó nhé. Em kêu người nấu cháo bổ cho chị ăn.

Tâm tình Đại Hồng đang rất vui nên nhỏ nhẹ nói:

- Cảm ơn em, chị không sao. Ừ, bảo họ mang cháo vào đây. Chị đói rồi. Em chuẩn bị tiệc mừng Lâm Nhi về xong chưa?

- Dạ xong lâu lắm rồi. Tiếc là chị lại bị đau thế này, nếu không thì vui biết mấy.

Tiểu Hồng đã quên khuấy đi nỗi bực dọc khi chờ đợi Trần Lâm trở về lúc chiều tối mà chỉ lo cho sự an nguy của chị mình, ngay cả chuyện thắc mắc vì sao hai người họ lại đi chung với nhau nàng cũng không buồn hỏi tới. Đại Hồng nằm trong chăn nhìn em mỉm cười, nụ cười mà chỉ có mình nàng mới biết được ý nghĩa.

***

Phương Mai là tên của vùng núi nằm ở cực nam của đảo Triều Châu. Núi Phương Mai từ ngoài khơi cửa Cách Thử chạy dài gần hai mươi dặm theo hướng Đông Nam và xẻ biển Đông tạo thành đầm Hải Hạc. Dãy Triều Châu từ cửa Cách Thử trở vào là một vùng đồi tên Trường Châu Lãnh có cát trắng vun cao như núi, thỉnh thoảng nhô lên những ngọn núi đá. Qua khỏi Trường Châu Lãnh là ngọn Hắc Thạch Sơn, tức hòn Đá Đen; qua khỏi hòn Đá Đen là Eo Vược, nơi đây nước của đầm Hải Hạc ăn sâu vào núi tạo thành một vũng khá rộng ôm lấy chân Eo. Nối liền với Eo Vược là dãy núi Phương Mai, mặt phía đông là Mũi Yến với hằng hà sa số chim yến tụ về làm tổ. Mặt phía tây là gành Hổ, hình dáng giống như một chiếc nanh cọp ngó lên cầu cảng Thạch Kiều và phố cảng Quy Nhơn .

Trên bãi cát rộng lớn hình vòng cung dưới chân gành Hổ, nơi có một làng chài nhỏ tên Hải Minh, đối diện với Thạch Kiều bên đất liền, Cao Đường cho dựng rất nhiều dãy nhà lá để những anh hùng và du khách tham gia đại hội đến nghỉ ngơi. Ông lại dựng những gian tửu điếm tạm thời với những cái tên rất kêu, đậm mùi võ hiệp như Anh Hùng Quán, Chiêu Anh Quán, Tụ Nghĩa Đường... để du khách thuê làm phòng trọ và ăn uống trong thời gian cuộc tranh tài diễn ra. Giữa bãi cát dựng một võ đài, mặt đông là khán đài có mái che dành cho các quan chức và khách mời danh dự ngồi. Cho đến ngày cuối cùng ghi danh, số đấu thủ tham gia lên đến ba mươi hai người. Ban tổ chức chia làm bốn bảng thi đấu bằng phương thức bốc thăm và loại trực tiếp. Bốn người đứng đầu bốn bảng sẽ bốc thăm tiếp tục đấu loại trực tiếp. Hai người chiến thắng cuối cùng sẽ tranh tài với nhau để phân định vô địch và á quân. Thể thức tranh tài gồm quyền cước và vũ khí, cấm sử dụng ám khí và gây tử thương. Đấu thủ nào sát thương đối thủ của mình kể như bị loại. Danh sách những đấu thủ tham gia có ghi rõ tên tuổi và được niêm yết khắp nơi. Quan trấn thủ Nguyễn Khắc Tuyên lệnh cho viên lãnh binh chỉ huy vệ thủy quân tại cửa biển Quy Nhơn là Hoàng Kim Phụng cử hai đội lính thủy với hai mươi thuyền chiến nhỏ chở du khách từ cầu cảng Thạch Kiều sang Hải Minh tham dự đại hội.

Trước ngày khai mạc, du khách đến xem đã thuê hết những gian phòng trọ ở Hải Minh và bên phố cảng. Trong các tửu điếm, người ta vừa uống rượu vừa kháo nhau xem ai là người có hi vọng đoạt chức vô địch kỳ này. Ở Tụ Nghĩa Đường, mọi người đang chăm chú lắng nghe một chàng thanh niên tuổi chừng hai mươi lăm đang thao thao nói về những lò võ và những dòng họ có truyền thống võ học lâu đời. Trong số thính giả, có mặt nhóm ông cháu Trần Kim Hùng cùng ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Lữ và Huệ tuy còn nhỏ nhưng Nhạc muốn chúng mở mang thêm kiến thức nên đã đưa đi cùng. Vợ Nhạc, Trần Thị Huệ, vốn là cháu nội của Trần Kim Hùng nên Nhạc phải gọi Kim Hùng là ông nội. Chợt Nguyễn Văn Tuyết lên tiếng hỏi:

- Không biết những gì anh ta nói có đúng không, thưa thầy?

Kim Hùng đáp:

- Đúng đấy. Chàng thanh niên này có biệt danh là Con Mọt Sách. Có thể nói anh ta là người thông kim bác cổ về rất nhiều vấn đề. Đáng kể là một kỳ tài ở xứ này.

Bên kia, anh chàng Con Mọt Sách vẫn đang thao thao:

- Đất này là nơi rồng nằm cọp ẩn, anh tài rất nhiều nhưng chưa có dịp để họ xuất hiện. Kỳ này chúng ta sẽ được mở rộng tầm mắt.

Một thính giả hỏi:

- Rồng nào nằm, cọp nào ẩn, anh thử nói nghe coi?

- Tất nhiên những người sống đời ẩn dật thì khó mà biết được họ. Nhưng một số gia đình, dòng tộc lớn có truyền thống lâu đời thì có thể nêu danh. Đa số họ không có ý phô trương với đời, võ thuật của họ chỉ mang tính gia truyền.

- Anh thử kể ra cho mọi người được mở rộng kiến thức.

Con Mọt Sách hớp một ngụm rượu lớn rồi nói:

- Thứ nhất phải kể đến họ Đinh ở Bằng Châu. Đó là hậu duệ của Đinh Tiên Hoàng, truyền đến đến đời đại tướng Đinh Liệt thời Lê Thái Tổ. Họ Đinh theo vua Lê Thánh Tông vào đánh Đồ Bàn, thấy vùng đất này trù phú nên ở lại mở đất. Qua bao đời nay, đường quyền của họ Đinh oai chấn Đại Việt. Họ Đinh xứng đáng là những con rồng thiêng đang ẩn mình.

Nguyễn Huệ nghe đến đây liền nói nhỏ với Nguyễn Lữ:

- Anh em mình thuộc hạng rồng còn ẩn mình, anh bảy thấy không?

Nguyễn Nhạc quay lại ra dấu cho hai em im lặng. Lại nghe Con Mọt Sách nói tiếp:

- Thứ đến là họ Trương với ông tổ là Trương Đức Thường ở làng Mỹ Hòa dưới chân núi Thạch Lý huyện Phù Ly. Dòng họ này từ Thanh Hà, Hải Dương theo Chúa Tiên vào đây lập nghiệp. Quyền, đao, kiếm của họ đáng được liệt vào hàng thượng thừa của võ đạo. Ở Phù Ly còn một họ nữa cũng đáng mặt anh hào đó là họ Châu. Một nhà “tứ long, nhất phụng” của họ quả xứng danh cao thủ đệ nhất.

Có người lên tiếng:

- Nghe nói Châu Doãn Thành đã bị chú Lía giết chết, anh em Châu Doãn Chữ, Châu Văn Tiếp đánh không lại chú Lía nên phải bỏ gia trang chạy trốn. Mối hận thù này đã tạo ra một chuyện tình oan trái giữa nữ hiệp Chu Muội Nương và anh hùng chú Lía có đúng không?

Con Mọt Sách day sang người đó hỏi:

- Anh nghe ai nói là chú Lía đã giết Châu Doãn Thành?

Người nọ ngớ ra một lúc rồi đáp:

- Thì tôi nghe thiên hạ bàn tán xôn xao như vậy đó.

- Xì, thiên hạ chỉ nghe phong thanh rồi tự ý vẽ rắn thêm chân cho câu chuyện lâm li bi đát mà thôi. Châu Doãn Thành vì tình thế ép buộc nên tham gia vào vụ thảm sát nhà Võ Trụ, khi chú Lía đến hỏi về hung thủ có đường quyền Khô lâu cách sơn bí truyền thì Châu Doãn Thành đã tự nhận và tự sát để đền tội xưa.

- Làm sao chú Lía biết được trong bọn hung thủ có người biết độc chiêu Khô lâu chỉ của họ Châu mà đến hỏi? Và tại sao không hỏi ai lại đi hỏi cha của người yêu mình?

- Là vì trong đêm thảm sát đó, mẹ chú Lía ôm con bỏ chạy thì bị trúng một quyền Khô lâu chỉ vào lưng. Còn tại sao hỏi cha của Chu Muội Nương là vì chính nàng ta đã dùng Khô lâu chỉ đánh chết Thi Chân nữ tướng của Truông Mây.

Người nọ hỏi gặn:

- Làm sao tôi tin những điều anh vừa nói là đúng sự thật chứ?

Một người khác trong đám thính giả cười khì chen vào:

- Bởi vậy người ta mới có biệt hiệu là Con Mọt Sách. Anh khéo vớ vẩn, để anh ta nói tiếp về các dòng họ võ thuật nghe đi, đừng hỏi lung tung nữa.

Con Mọt Sách uống một hớp rượu, nói tiếp:

- Còn những con hổ vừa ẩn vừa hiện ở vùng đất này đáng kể đến là họ Trần ở Trường Định. Tiếc là người thừa kế Trần Kim Báu lại rời quê hương vào Diên Khánh lập nghiệp rồi thất lộc. Tuy tiền bối Trần Kim Hùng nay đã lớn tuổi và dường như đã gác kiếm buông đao nhưng uy danh của ông ta vẫn còn rền vang trong giới võ lâm Đàng Trong. Hi vọng ông ta có truyền nhân để lưu truyền đường quyền thiết tý và cây kim đao quán thế lại cho hậu thế.

Cô bé Trần Thị Lan nhoẻn miệng cười nói nhỏ:

- Chú ấy đang khen ông nội đấy.

Trần Kim Hùng đưa tay nhéo má nàng khẽ bảo:

- Im lặng để nghe anh ta nói kìa.

Con Mọt Sách lại tiếp tục thao thao:

- Đáng kể đến nữa là lò võ của Quách Tử Luông, gọi là lò võ của thầy Tư Luông ở An Thái. Họ Lý, họ Lâm của Lâm Hữu Phong, người Minh Hương ở Đập Đá, vân vân...

Người lúc nãy lại hỏi:

- Hết rồi sao?

Con Mọt Sách mỉm cười nói:

- Nói ra không biết anh có tin không, chứ có một ngôi chùa nhỏ nhưng ở đó lại ẩn tàng môn Cái thế thần côn. Đường roi của ngôi chùa này có thể nói là thiên hạ vô song địch.

- Anh cứ nói thử coi nào. Nhưng đừng có ỷ mình là Con Mọt Sách rồi dựng chuyện lừa bịp thiên hạ đó nhé.

Con Mọt Sách gõ gõ ngón tay trỏ lên bàn mỉm cười nói:

- Ngôi chùa nhỏ này nằm trong núi Kỳ Sơn. Nhưng đường roi quỷ khốc thần kinh kia có truyền ra ngoài không thì tôi không biết.

Có người hỏi:

- Theo anh thì đường roi ở Kỳ Sơn so với đường roi đã vang danh đánh khắp thiên hạ vô địch thủ của chú Lía ở Truông Mây, ai hơn ai kém?

- Võ học bao la nên quả thật khó so sánh cho chính xác được. Nhưng theo tôi, nếu hai đường roi này gặp nhau ở một trận tranh tài thì đó sẽ là trận long tranh hổ đấu có một không hai trên đời này. Ai thắng ai bại còn tùy vào tư chất của người sử dụng.

Nói xong không biết anh ta vô tình hay cố ý mà đưa mắt nhìn về chiếc bàn nơi Trần Lâm và Phan Sinh đang ngồi. Trần Lâm nói nhỏ với Phan Sinh:

- Người này kiến thức sâu rộng, cách nhận định lại rất tinh tế. Quả là nhân tài hiếm có.

Phan Sinh hỏi:

- Theo anh thì ai hơn ai kém?

- Không nói được. Cũng mong có một ngày nào đó gặp được chú Lía để thử xem cho biết.

Có người lại hỏi Con Mọt Sách:

- Kiến thức của anh rộng khắp, theo anh cuộc tranh tài ngày mai, ai sẽ là người đoạt chức vô địch?

Con Mọt Sách lắc đầu nói:

- Rồng nằm cọp ẩn khó mà nói trước được. Có nhiều đấu thủ tôi chỉ mới nghe tên lần đầu, lại có những đấu thủ mới mười tám tuổi như Tiểu Bạch Long Trần Lâm, Phong Điền Tiểu Tử Trần Tiểu Phi. Hình như họ vừa xuất hiện trên giang hồ nên làm sao mà đoán. Nhưng những trận thư hùng sắp đến sẽ hứa hẹn nhiều điều lí thú. Chỉ với những tên tuổi đã nổi danh như Tào Sơn Trương Bàng Châu, Tửu Quỷ Ngô Đồng Văn, Tiều Hiệp Võ Thăng, Quỷ Kiếm Ma Đao Lương Bát Vạn, Thiết Phiến Công Tử Lý Vân Long thôi, chúng ta cũng có thể hình dung ra những trận thư hùng lần này sẽ hứa hẹn nhiều điều lý thú rồi.

Một người khác lên tiếng hỏi:

- Theo anh thì tại sao Cao đại gia và quan phủ nhà lại tổ chức anh hùng đại hội ở đây mà không phải ở thành Đồ Bàn? Nghe nói mục đích của cuộc đại hội là tìm kiếm nhân tài để đối phó với chú Lía nên họ sợ bị Truông Mây phá đám đúng không?

Câu hỏi của người này trùng hợp với sự thắc mắc trong lòng mọi người nên ai ai cũng im lặng hướng mắt nhìn Con Mọt Sách một cách chăm chú chờ câu trả lời. Con Mọt Sách đưa mắt nhìn người mới hỏi gật gù đáp:

- Hỏi thật hay. Câu trả lời của tôi là đúng, nhưng mới một phần.

- Còn gì nữa?

- Anh bạn qua đò phải trả bao nhiêu tiền? Ở phòng trọ mất bao nhiêu?

- Qua đò một quan, phòng trọ mười quan một đêm.

- Theo anh thì sau ba, bốn ngày đại hội, ban tổ chức thu được bao nhiêu?

- Nhiều lắm đấy, nhưng cũng đâu đáng gì so với một ngàn lạng vàng giải thưởng.

- Tất nhiên là không đáng gì cho nên đó cũng mới chỉ là một phần nữa thôi.

- Lại còn ý đồ khác sao?

- Quả thật có hai mục đích chính trong việc này. Thứ nhất, Cao đại gia cần tìm ra tay hảo thủ bậc nhất có thể đương đầu với Truông Mây để bảo vệ Cao gia trang. Thứ hai, từ lâu nay ở phủ nhà, cảng Quy Nhơn nghiêng nặng về hoạt động quân sự, cảng Nước Mặn chuyên về thương mại. Giờ Cao đại gia muốn nhân kỳ đại hội này để phô trương tiếng tăm của cảng thị Quy Nhơn. Ông ta muốn biến cảng Quy Nhơn thành một thương cảng lớn thay vì cảng Nước Mặn.

Mọi người nghe Con Mọt Sách phân tích đều ngạc nhiên. Điều này ít người nghĩ đến. Có người tấm tắc khen:

- Cao đại gia quả là một nhà kinh doanh có đầu óc và tầm nhìn rộng lớn thật hiếm thấy. Tôi cho rằng địa thế cảng Quy Nhơn thuận lợi hơn Nước Mặn nhiều lắm. Nhưng kế hoạch này tất phải có chính quyền phủ Quy Nhơn tiếp tay thì mới mong thành công được.

Có người nói:

- Ậy, Cao đại gia và khám lý Hoàng Công Đức quan hệ rất mật thiết, cả quan tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên nữa. Tôi nghĩ việc này rất có khả năng thành công. Hà, chừng đó vùng đất bên cảng thị Quy Nhơn sẽ là tấc đất tấc vàng đó. Ai nhanh chân sẽ làm giàu.

Người khác lên tiếng:

- Thời buổi này ai có tiền mua đất để đầu cơ đâu mà làm giàu?

Người nọ đáp:

- Không có tiền là phủ Chúa và bọn dân đen chứ nhân viên chính quyền các cấp thì tiền đầy túi. Chẳng phải tiền trong công khố và của dân đen đều chảy sạch vào túi bọn họ sao? Chúng sẽ hợp tác với nhau để làm giàu thêm nữa, còn bọn dân đen đã nghèo rồi, sẽ thành mạt rệp luôn. Cứ nhìn số người đến tham gia đại hội này, đông như kiến chứ có ít đâu, tiền ở đâu ra để họ tiêu xài ở đây? Ở quốc khố ra cả đấy.

Câu chuyện đã chuyển hướng từ anh hùng đại hội sang đề tài tệ nạn xã hội. Rồi mỗi người một câu, họ xới lộn tùng phèo cái xã hội mà họ cho là thối nát từ trên xuống đến dưới này. Trần Lâm thích thú ngồi nghe không biết chán vì đã quá lâu rồi chàng mới bước chân trở lại giang hồ. Chuyện thời cuộc biến chuyển ra sao, chàng chẳng hề biết.