Én Liệng Truông Mây - Hồi 27 - Phần 1

HỒI THỨ HAI MƯƠI BẢY

Thân hồng nhan Lệ Chi khóc đời bạc hạnh

Trận ngũ hành đại phá Bắc Đẩu Thất tinh

Dưới cơn mưa tầm tã, trong bóng tối dày đặc thỉnh thoảng sáng lòa lên vì những tia chớp, Trần Lâm băng mình ngược hướng Thần Quyền Môn với ý định đánh một vòng lớn để đánh lạc hướng theo dõi của bọn Kim Cương Môn rồi mới tìm cách trở về. Những vết thương ở sau lưng và trước ngực vẫn không ngừng chảy máu, chàng cảm thấy đầu óc choáng váng, cơ hồ không bước thêm được nữa nên dừng lại, thò tay vào bọc lấy ra hộp thuốc, cúi gập mình che nước mưa rồi trút ra hai viên Tục mệnh đan bỏ vào miệng. Chợt một tia chớp nhoáng lên, chàng thấy trước mặt mình là bức tường của một tòa nhà bèn chống cây roi mượn đà phóng lên nhảy vào bên trong. Một tia chớp nữa lại nhoáng lên, Trần Lâm nhận ra nơi góc tường ngôi trang viện có một cái tiểu đình, chàng cố lê bước đến đó dự định ngồi vận công điều trị vết thương nhưng vừa đặt thân mình xuống đất thì đã ngã ra thiếp vào cơn hôn mê.

Trần Lâm hôn mê không biết bao lâu, khi mơ màng tỉnh dậy thì nghe thấy tiếng nói trong trẻo của một bé gái đập vào tai:

- Mẹ ơi, anh ấy tỉnh lại rồi!

Có tiếng người đàn bà vang lên từ phía bên kia phòng:

- Vậy à? Mẹ sang ngay.

Trần Lâm hé mắt ra, hình ảnh một cô bé có khuôn mặt tròn trĩnh từ từ hiện rõ trong mắt chàng. Giọng cô bé lộ vẻ vui mừng:

- Anh tỉnh rồi hả? Thật hay quá!

Trần Lâm hỏi:

- Tôi đang ở đâu vậy? Cô bé đã cứu tôi phải không?

- Là em nhìn thấy anh nằm mê man ngoài tiểu đình, nhưng mẹ và chị Tiểu Hương đã mang anh vào và băng bó vết thương cho anh. Chao ơi, anh làm gì mà bị thương nhiều dữ vậy. Đánh nhau à?

Có tiếng người đàn bà ở ngưỡng cửa phòng:

- Hoài Quân, anh ấy mới tỉnh lại, con không nên hỏi nhiều như vậy. Hãy để anh ấy nghỉ ngơi.

Trần Lâm đưa mắt nhìn lên thì thấy một thiếu phụ tuổi ngoài ba mươi, khuôn mặt rất đẹp đang bước vào phòng. Chàng cố gật đầu chào:

- Đa tạ phu nhân đã cứu mạng.

Thiếu phụ vội xua tay nói:

- Hiệp sĩ vừa mới tỉnh lại sau một ngày đêm mê man, xin an tâm tiếp tục nghỉ ngơi dưỡng sức, chuyện ơn nghĩa không nên đề cập đến.

- Tôi thấy trong người đã khá lắm rồi, phu nhân an tâm.

Thiếu phụ tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Năm vết thương đã làm hiệp sĩ mất rất nhiều máu, tôi cứ tưởng phải mất ít nhất cả tháng trời mới có thể hồi phục lại sức khỏe, không ngờ lại mau như thế. Thật là kỳ diệu!

- Trước khi ngất xỉu tôi đã uống hai viên thuốc, có lẽ nhờ vậy mà vượt qua được.

Cô bé Hoài Quân liền nói:

- Anh khỏe rồi phải không? Anh nói đi, ai đã đánh anh tàn nhẫn vậy? Bộ họ định giết chết anh hay sao chứ?

Thiếu phụ quay lại gắt nhẹ con gái:

- Đã bảo để anh ấy nghỉ ngơi đã mà, khi anh ấy khỏe hẳn con hỏi cũng đâu có muộn. Để tôi bảo Tiểu Hương mang bát sâm thang vào cho hiệp sĩ uống nhé. Dù sao cũng phải bồi bổ lại số máu đã mất.

Trần Lâm nói:

- Cảm ơn phu nhân. Đành phải làm phiền phu nhân rồi.

Thiếu phụ quay sang Hoài Quân:

- Con xuống bảo chị Tiểu Hương mang bát sâm lên phòng ngay nhé.

Cô bé “dạ” một tiếng rồi chạy đi. Trần Lâm hỏi:

- Chẳng hay tôn ông có nhà không, thưa phu nhân? Tôi thật ái ngại.

Thiếu phụ nghe hỏi đến chồng mình thì nét mặt thoáng u buồn, nhưng bà lấy lại sự bình thản ngay. Bà đáp:

- Không sao, hiệp sĩ không cần ái ngại. Chồng tôi vừa đi khỏi hôm qua, lúc này đang có việc, có lẽ phải ít hôm nữa mới về.

Hoài Quân và cô gái tên Tiểu Hương đã đem thuốc lên:

- Thưa phu nhân, thuốc đã hâm nóng rồi đây.

Thiếu phụ nói:

- Hiệp sĩ uống đi kẻo nguội.

Trần Lâm ngồi dậy đón bát thuốc trên tay Tiểu Hương uống cạn một hơi. Chàng nói:

- Cảm ơn phu nhân và cô Tiểu Hương, cả Hoài Quân nữa.

Tiểu Hương đón chiếc bát, mỉm cười cúi đầu ra khỏi phòng. Hoài Quân cười hóm hỉnh:

- Không có chi, không có chi. Mẹ thường dạy Hoài Quân là phải luôn luôn giúp đỡ mọi người. À, anh tên là gì nhỉ?

Trần Lâm hơi đỏ mặt đáp:

- Xin lỗi phu nhân và Hoài Quân, tôi là Trần Lâm. Xin phép được biết quí danh của phu nhân để tiện xưng hô, được chăng?

Thiếu phụ nói:

- Tôi tên Lệ Chi, họ Võ. Nghe giọng nói của Trần hiệp sĩ, dường như hiệp sĩ không phải là người ở đây?

- Dạ vâng, tôi là người Quy Nhơn, theo thuyền buôn vào đây.

- Ra là vậy. Thôi hiệp sĩ nghỉ ngơi đi, khỏe lại đã rồi hẵng nói chuyện tiếp.

Nói xong, bà kéo tay con gái ra khỏi phòng đóng cửa lại. Trần Lâm nhận ra mình đang nằm trên chiếc phản gỗ trải vải hoa rất đẹp nhưng đã bị bẩn vì những vết máu. Chiếc áo trên người chàng đã được thay bằng một chiếc áo khác, riêng chiếc quần bị ướt mưa giờ đã khô ráo. Những vết thương do kiếm gây ra trên ngực và sau lưng đều đã được rịt thuốc, băng bó cẩn thận. Chàng đưa mắt quan sát căn phòng. Đây là phòng đọc sách. Chàng không khỏi thán phục vị chủ nhân vì đã bài trí gian phòng hết sức thanh nhã, đầy tính nghệ thuật. Chợt chàng thấy trên vách tường cạnh giá sách có treo một bức họa chân dung một vị tướng quân mặc bộ quân phục của triều Nguyễn, tay chống thanh đại đao, nét mặt uy nghiêm, chính khí tỏa đầy. Bức họa trông thật sống động bởi nét bút tuyệt vời của người họa sĩ. Bên dưới có dòng chữ nhỏ: Tiên phu Cẩn Thành Hầu Nguyễn Cư Cẩn. Chàng lại đưa mắt quan sát một bức họa khác họa hình một đứa trẻ sơ sinh còn nằm trong nôi, thân hình bụ bẫm, nét mặt dễ thương. Bên dưới có hàng chữ: Vong nhi Nguyễn Chính Tâm. Chàng nghĩ thầm: “Thì ra đây là bức họa vị Cẩn Thành Hầu mà năm xưa đã bị bọn Lý Văn Quang mưu hại. Đứa bé kia là đứa con đã bị chết. Như vậy là vợ của vị Cẩn Thành hầu vẫn còn sống sót trong cuộc tao loạn nên mới vẽ lại hai bức tranh này. Nhưng tại sao nó lại được treo ở đây? Không lẽ vị phu nhân kia là chị em gì đó với Nguyễn phu nhân?” Vết thương trước ngực chàng tự dưng nhói lên, chàng bèn ngồi dậy lấy một viên linh đan bỏ vào miệng nuốt xuống, dẹp hết mọi tạp niệm, nhắm mắt vận công để phục hồi khí lực và điều trị các vết thương.

Không biết sau bao lâu, chàng mở mắt khi nghe tiếng nói của cô bé Hoài Quân:

- Anh Lâm tỉnh lại chưa? Đến giờ uống thuốc buổi tối rồi đó.

Hoài Quân mở cửa bước vào, trên tay cầm một cây nến lớn. Đặt cây nến lên bàn, cô bé tiếp tục liến thoắng:

- Mẹ bảo vào coi anh tỉnh dậy chưa để mang thuốc lên. Trông mặt anh hồng hào, không còn tái mét dễ sợ như lúc sáng nữa rồi. Để Hoài Quân xuống nói mẹ mang thuốc lên nhé?

Trần Lâm mỉm cười nói:

- Cảm ơn Hoài Quân, em thật là một cô gái ngoan.

- Nhưng mà mẹ lúc nào cũng bảo em nghịch và hư cả.

Tiếng Lệ Chi vang lên ở cửa:

- Con mà không nghịch thì còn ai nghịch hơn nữa chứ?

Bà bước vào, một tay bưng bát thuốc, tay kia cầm chiếc áo của Trần Lâm. Bà đưa bát thuốc cho chàng, cử chỉ và ánh mắt trìu mến như một người mẹ đang chăm sóc con mình bị bệnh. Giọng bà thật nhẹ nhàng:

- Hiệp sĩ uống thuốc đi. Thang thuốc này rất tốt cho việc hồi phục sức khỏe. Uống thuốc xong, nếu cần, hiệp sĩ có thể thay lại chiếc áo này, tôi đã giặt sạch và khâu lại những chỗ thủng vì kiếm đâm rồi.

Trần Lâm nhìn cung cách và lời nói của bà chợt động tâm nhớ đến mẹ mình, chàng cảm động đổi cách xưng hô:

- Phu nhân thật nhân hậu và tốt bụng, cháu cứ tưởng đang được chính mẹ cháu chăm sóc.

Lệ Chi âu yếm nhìn chàng hỏi:

- Mẹ hiệp sĩ chắc vẫn còn khang kiện chứ?

Trần Lâm nghẹn ngào đáp:

- Dạ không, mẹ cháu mất lúc cháu mới bảy tuổi.

- Tội nghiệp. Hiệp sĩ uống thuốc đi kẻo nguội. Tôi đã dùng thứ cao trong bọc của hiệp sĩ để băng các vết thương lại. Có cần phải thay thuốc hôm nay không?

Trần Lâm đỡ bát thuốc trên tay bà:

- À, không cần thay vội đâu. Loại cao này có thể dùng trong vòng hai ba hôm. Xin phu nhân đừng gọi cháu là hiệp sĩ nữa. Cứ gọi cháu là Lâm Nhi.

Lệ Chi nghe chàng nói chợt buông tiếng thở dài, bà đưa ánh mắt u buồn nhìn bức họa đứa bé trên tường, miệng lẩm bẩm:

- Lâm Nhi, Tâm Nhi. Hà! Nếu nó còn sống thì chắc cũng đã lớn thế này rồi.

Hoài Quân đứng bên cạnh lên tiếng:

- Mẹ lại nhớ đến anh Chính Tâm nữa rồi phải không?

Trần Lâm uống xong bát thuốc, chàng nhìn Hoài Quân hỏi:

- Anh Chính Tâm là anh của Hoài Quân à?

Hoài Quân mỉm cười, đưa mắt nhìn bức họa đứa bé treo trên tường nói:

- Anh ấy đấy! Hoài Quân chưa gặp mặt anh ấy bao giờ cả.

Trần Lâm ngạc nhiên nhìn về phía Lệ Chi:

- Phu nhân là người đã họa ra hai bức họa kia à?

Lệ Chi im lặng gật đầu, đôi mắt bà long lanh ngấn lệ. Trần Lâm chợt hiểu ra. Thảo nào trên khuôn mặt diễm lệ của bà lúc nào cũng phảng phất một vẻ u buồn, nhất là đôi mắt. Chàng ngần ngại nói:

- Cháu xin lỗi đã khơi lại nỗi buồn cho phu nhân. Anh Chính Tâm giờ đang ở đâu?

Lệ Chi lắc đầu buồn bã, hai giọt lệ chảy dài trên đôi má:

- Tôi không biết. Tôi đã bỏ nó trên đường lúc nó mới bốn tháng. Không biết nó còn sống ở trên đời này hay không? Tôi thật có lỗi với nó.

Có lẽ bà đã tự hỏi và tự trách mình không biết bao nhiêu lần về điều này rồi cho nên tuy trông bà thẩn thờ như người mất hồn nhưng lời nói vẫn suôn sẻ, thê lương. Trần Lâm động lòng hỏi:

- Anh Chính Tâm là hậu duệ của Cẩn Thành hầu phải không?

Lệ Chi lại im lặng gật đầu. Có lẽ nỗi đau làm cho bà đứng không vững nên bà ghé chân ngồi xuống chiếc ghế nơi bàn sách. Trong khoảnh khắc, trông bà như đã già đi mười tuổi. Bà nhìn Trần Lâm:

- Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?

Trần Lâm đáp:

- Dạ mười chín. Cháu sinh đầu năm Bính Dần.

- Chính Tâm cũng sanh vào cuối năm đó. Nếu nó còn sống, có lẽ cũng cỡ cháu đây. Cái tên Chính Tâm của nó là do tiên phu tôi đặt dựa theo một dấu son trước ngực, ngay vị trí trái tim. Như trong hình vẽ kia kìa.

Trần Lâm đưa mắt nhìn kỹ bức họa đứa bé, thấy đúng là có một vết son nhỏ ngay vị trí trái tim. Chàng nói:

- Vết son này là dấu tích rất quan trọng để phu nhân có thể tìm lại được con mình, nếu anh ấy còn sống.

- Cũng vì hi vọng như vậy nên tôi đã cố sống vất vưởng trong suốt mười bảy năm trường.

- Cháu nghe kể lại, năm đó cả nhà Cẩn Thành hầu bị bọn nghịch đảng Lý Văn Quang bất ngờ thảm sát rồi phóng hỏa thiêu rụi, không ngờ phu nhân lại may mắn còn tại thế. Thật là trời cao có mắt.

- Thà trời cao nhắm mắt lại để tôi được chết theo chồng, còn hơn sống mà phụ nghĩa phu thê, không giữ tròn tình mẫu tử. Thật tủi hổ biết bao.

Hoài Quân bước đến tựa vào lòng bà, nhỏ nhẹ nói:

- Mẹ, mẹ đã hứa với Hoài Quân là sẽ không buồn nhớ cha lớn và anh Chính Tâm nữa mà. Mẹ buồn làm Hoài Quân cũng muốn khóc theo đây này.

Lệ Chi ôm con gái vào lòng, âu yếm vuốt tóc cô bé nói:

- Mẹ xin lỗi con. Mẹ giữ chặt niềm đau lâu ngày, nay gặp Lâm Nhi, mẹ cứ tưởng là Tâm Nhi nên quên mất lời hứa. Xin lỗi cháu nhé Lâm Nhi.

Trần Lâm nói:

- Nếu phu nhân không ngại thì có thể nói ra để cõi lòng thanh thản bớt, giữ mãi sự u uất trong lòng lâu ngày sẽ thành tâm bệnh. Hoài Quân đừng trách mẹ.

Hoài Quân cãi:

- Hoài Quân đâu có trách mẹ. Hoài Quân chỉ muốn mẹ quên đi chuyện cũ để vui sống với Hoài Quân thôi. Mẹ cứ buồn mãi sẽ bệnh mất.

Lệ Chi nói:

- Cảm ơn cháu. Năm đó bọn Lý Văn Quang đến nhà chúc tết rồi bất ngờ tạo phản nên phu quân tôi không kịp trở tay. Tôi và Chính Tâm được người nô bộc tên Đại Thiện hộ vệ mở cửa sau bỏ chạy, nhưng chưa được bao xa thì Diệp Hồng Sanh và một đám bộ hạ của Kim Cương Môn đuổi tới. Đại Thiện biết là không thể thoát được nên khuyên tôi giấu Chính Tâm vào một bụi rậm rồi hai người chia nhau hai ngã để đánh lạc hướng bọn chúng. Làm như vậy may ra có thể bảo toàn được giọt máu của Cẩn Thành hầu. Nghe lời khuyên hợp lý nên tôi đành đứt ruột giấu con vào bụi rồi tiếp tục bỏ chạy. Sau đó, tôi bị Hồng Sanh bắt được. Hắn liền giao tôi cho một tên thuộc hạ mang đi nhốt ở nhà riêng của hắn. Sau tôi mới biết phu quân đã bị hại và bị thiêu cùng với đám binh lính hộ vệ, cả Đại Thiện cũng đã chết trong chiến loạn.

Bà ngưng lại một chút rồi kể tiếp:

- Đến khi bè lũ Lý Văn Quang bị quân triều đình bắt gọn, Hồng Sanh nhanh chân trốn thoát, ông ta trở lại bắt tôi đưa xuống thuyền trốn về Phúc Kiến. Trong gần mười năm trời tôi đã tìm cách tự vận không biết bao nhiêu lần nhưng Hồng Sanh cho người canh phòng rất nghiêm ngặt nên lần nào tôi cũng thất bại, đành kéo lê tấm thân sống mỏi mòn trong nỗi hổ thẹn ê chề với chồng và thương nhớ đứa con nhỏ bị bỏ rơi. Trong suốt thời gian đó, Hồng Sanh nuông chiều tôi hết mực, có lần ông ta đã quì xuống mong tôi đừng tự sát và xin được cưới tôi làm vợ.

Kể đến đây bà chợt buông tiếng thở dài:

- Đàn bà chúng tôi bao giờ cũng yếu đuối. Sự yêu thương chân thành của Hồng Sanh lâu ngày đã đánh đổ lòng chung thủy của tôi, kết quả là cô bé kháu khỉnh này ra đời. Và từ lúc chào đời, nó đã trở thành lẽ sống mới của tôi. Tuy nhiên, trước khi ưng thuận lời cầu hôn của Hồng Sanh, tôi có đưa ra một số yêu cầu, là phải dành cho tôi một không gian riêng để tôi lưu giữ những di vật của tiên phu. Ngay cả cái tên Hoài Quân tôi đặt cho con gái cũng buộc Hồng Sanh phải chấp thuận.

Bà đưa tay âu yếm vuốt mái tóc đen nhánh của Hoài Quân. Cô bé gục mặt vào lòng mẹ khóc thút thít. Trần Lâm nghe đến đây không khỏi bùi ngùi thương cảm cho người phụ nữ truân chuyên này. Chàng cũng không ngờ mình lại vào ẩn thân ngay trong nhà của bọn nghịch đảng. Sự tấu xảo ở đời nhiều khi không ai có thể lường trước được. Chàng cảm thán:

- Không ngờ con người của Diệp Hồng Sanh lại si tình đến mức độ đó. Cháu xin chúc mừng phu nhân.

Lệ Chi nở nụ cười héo hắt:

- Đó cũng chính là sự trừng phạt mà trời cao đã bắt tôi phải gánh chịu. Mười bảy năm dài tôi chỉ biết có bốn bức tường, phần vì buồn, phần vì hổ thẹn với thiên hạ chung quanh.

- Khi Hồng Sanh sang tiếp quản lại cơ ngơi của Diệp Sanh Ký đã đưa phu nhân trở lại đây?

- Diệp Sanh Ký thật ra thuộc quyền sở hữu của Lý Văn Quang. Sau khi được Chúa Nguyễn giải giao về Phúc Kiến, ông ta đã giao lại toàn bộ sản nghiệp cho người con trai là Lý Thiếu Thu vừa hạ sơn sau mười hai năm theo học võ ở núi Võ Đang. Hồng Sanh chỉ đóng vai trò quản lý thôi.

Trần Lâm đã đoán ra phần nào sự việc, chàng hỏi:

- Lý Thiếu Thu là nhân vật thế nào?

- Hắn là một thanh niên cao ngạo nhất trên đời mà tôi từng biết. Sau cuộc đọ kiếm và thắng được ngay chính sư phụ mình, một vị đệ nhất kiếm thủ, hắn đã coi anh hùng trong thiên hạ không bằng một bó rơm. Hắn tự cho mình là ngôi sao Bắc Đẩu trên nền trời võ học. Hồng Sanh không bao giờ nói ra nhưng hình như nửa năm nay Thiếu Thu đã có mặt ở Giản Phố này. Không biết hắn có nối chí cha mình âm mưu tạo phản nữa hay không?

Trần Lâm đưa mắt nhìn Hoài Quân rồi nhìn sang Lệ Chi, bà hiểu ý liền nói:

- Hoài Quân, con trở về phòng đọc sách rồi ngủ trước đi.

Cô bé ngoan ngoãn nghe lời.

- Dạ, thưa mẹ. Hoài Quân chào anh Lâm Nhi.

- Chào Hoài Quân, chúc ngủ ngon.

Hoài Quân đi rồi, Trần Lâm nhìn Lệ Chi nói:

- Tạo phản hay không thì chưa biết nhưng đuổi giết những anh hùng phản Thanh phục Minh chạy sang đây thì họ đã và đang tiến hành cả năm nay rồi. Tính ra đã có hơn mười lăm nghĩa sĩ Minh Hương bị ám sát một cách bí mật.

Lệ Chi giật mình hỏi:

- Thật vậy ư? Làm sao cháu biết được?

- Đêm rồi cháu đã nghe lén được họ bàn bạc, sau đó đã giao đấu với họ cùng một tên công tử, có lẽ là Lý Thiếu Thu.

Lệ Chi kinh hãi nói:

- Cháu đã giao đấu với hắn ta à? Thảo nào mình cháu bị đến bốn vết kiếm đâm.

- Thật ra nếu cháu không bị thương trước trong lúc phá Thất tinh kiếm trận thì có lẽ cũng không đến nỗi nào.

Lệ Chi đi từ sự kinh ngạc này sang kinh ngạc khác. Bà hỏi:

- Cháu đã phá được cả Thất tinh kiếm trận à? Nghe Hồng Sanh nói đó trận pháp kỳ bí và uy lực nhất của Võ Đang. Thiếu Thu luôn tự tin rằng với bản lĩnh của hắn và uy lực của trận Thất tinh thì hắn có thể hùng bá thiên hạ. Vậy mà cháu lại thoát được, thật là thần kỳ! Mừng cháu có một thân võ công cái thế.

Trần Lâm nhổm người đứng lên nói:

- Cảm ơn phu nhân. Giờ đã biết ra, cháu không nên nấn ná lâu ở đây. Cháu xin cáo từ để tránh phiền lụy đến phu nhân, mong còn cơ hội gặp lại phu nhân và Hoài Quân.

- Thương thế của cháu chưa bình phục làm sao mà đi được? Hồng Sanh chắc chưa trở về nhà đâu, với lại căn phòng này từ khi được xây lên, chưa bao giờ Hồng Sanh đặt chân vào. Cháu cứ an tâm ở lại một vài hôm nữa đã.

- Dạ không sao. Cháu đã khỏe lại rồi. Giờ xin cáo từ. Chúc phu nhân có những ngày vui vẻ. Người hiền sẽ gặp lành, cháu tin anh Chính Tâm vẫn còn sống và sớm muộn cũng gặp lại phu nhân. Bảo trọng!

Lệ Chi âu yếm nói:

- Cháu cũng phải bảo trọng. Bọn Lý Thiếu Thu rất nguy hiểm, phải giữ lấy mình. Hi vọng còn gặp lại cháu.

Bà đứng lên đưa cho chàng chiếc áo, Trần Lâm nhận lấy, cúi chào lần nữa rồi ra khỏi phòng, lẩn vào trong đêm tối mất dạng. Lệ Chi tựa cửa nhìn theo, hai dòng lệ từ từ lăn dài xuống má. Bà lẩm bẩm:

- Ước gì Tâm Nhi còn sống để mình được ôm nó vào lòng một lần.

***