Én Liệng Truông Mây - Hồi 27 - Phần 3

Tiếng vừa dứt, thế trận liền khởi động, bảy bóng người áo đen di chuyển với tốc độ rất nhanh quanh năm người ở giữa. Thanh kiếm trên tay của Văn Khúc bỗng lao vút ra, công thẳng vào giữa trận. Tức thì ba thanh kiếm ở ba vị trí khác nhau cũng nhoáng lên bắn vút vào. Bốn chàng thanh niên liền vung vũ khí lên đỡ, tiếng thép chạm nhau chan chát trong đêm vắng, nghe thật rợn người. Trần Lâm chậm rãi bước đến trước mặt Lý Thiếu Thu nói:

- Xin chào vị Trung Nguyên Bắc Đẩu Tinh, hôm nay chúng ta lại có duyên tái ngộ.

Thiếu Thu đưa ánh mắt lấp loáng tinh quang nhìn Trần Lâm, giọng ngập ngừng nhưng vẫn lạnh như băng hỏi:

- Ngươi là...

- Là người đã giao đấu ba kiếm với các hạ đêm trước.

Thiếu Thu thốt lên ngạc nhiên:

- Là ngươi à? Trẻ, còn rất trẻ! Thật ngoài dự liệu của ta. Ngươi muốn gì?

- Muốn thử lại ba chiêu kiếm đã từng được coi là độc bá Trung nguyên của các hạ.

Thiếu Thu cười lạnh:

- Được, như ta đã nói, hôm nay nếu ngươi không chết thì ta chết. Rút kiếm ra đi.

Hắn nhún người vọt ra xa, cách trận địa của Thất tinh kiếm trận một quãng chừng vài chục trượng. Hắn không muốn tâm trí của mình bị quấy nhiễu bởi sự náo loạn chung quanh vì hắn biết, trận giao đấu này là trận chiến sống còn của hắn. Kể ra, tuy rất kiêu ngạo nhưng hắn cũng là kẻ biết địch biết ta. Trần Lâm cũng tung người lướt theo. Cả hai đứng đối diện nhau im lìm dưới ánh trăng nhạt.

Mộ Dung Thao thấy còn lại bốn thầy trò của Diệp Hồng Sanh và một tên to xác trọc đầu liền vung tay chặt mạnh vào gáy của Sỹ Kỳ khiến thân người của hắn ngã quị ra đất rồi nói với Đại Kỳ:

- Môn chủ cứ đứng ngoài lược trận và canh chừng tên phản bội này. Anh em, đêm nay chính là lúc chúng ta tiêu diệt bọn sát thủ và bọn thất tín Diệp Sanh Ký để trả thù cho những đồng đạo Minh Hương đã nằm xuống. Lên!

Mười tay kiếm của hội Minh Hương liền chia ra bao vây bọn Hồng Sanh và Thiết Thủ vào giữa. Mộ Dung Thao gằn giọng:

- Diệp Hồng Sanh! Triều đình Chúa Nguyễn đã tha tội phản nghịch cho bọn ngươi, cho tiếp quản lại cơ sở kinh doanh để các ngươi tiếp tục buôn bán, vậy mà ngươi đã không biết ơn, còn dùng nơi kinh doanh làm sào huyệt chứa chấp bọn sát thủ giết hại anh em đồng hương của mình. Tội của ngươi không thể nào tha thứ được, đêm nay anh em Minh Hương quyết tiêu diệt trọn ổ bọn vô ơn, phản bạn các ngươi.

Dứt lời, thanh thiết kiếm trên tay ông nhoáng lên chém thẳng một đòn sấm sét xuống đầu Diệp Hồng Sanh. Các anh em trong hội cũng vội vàng chia nhau ra tấn công Dương Thiết Thủ và ba tên đệ tử của Kim Cương Môn. Cuộc hỗn chiến bắt đầu, tiếng đao kiếm chạm nhau, tiếng người la hét thất thanh làm kinh động cả khe núi cụt bên hồ Châu Thới. Đại Kỳ đứng ngoài quan sát toàn trận địa, lòng không khỏi kinh khiếp trước cuộc đối đầu giữa Ngũ hành trận và kiếm trận Thất tinh. Trăng lên cao soi tỏ mọi vật, năm trong bảy tên kiếm thủ của Thất tinh trận đang chạy bên ngoài dường như đã bị thương. Dù vậy, thế trận vẫn không suy suyễn chút nào. Kiếm quang vẫn không ngớt bắn vào giữa trận. Bỗng từ giữa trận, một tiếng thét lớn vang lên, Trương Bàng Châu đột nhiên nhoài người lăn ra đất, bốn người còn lại liền dịch bộ đứng vào giữa trung cung, ba thanh kiếm trên tay của Từ Năng, Tiểu Phi và Gia Huy cùng cây Luyện Tử thương trong tay Quán Nhật tung ra những sát chiêu công rất nhanh vào mặt bọn sát thủ. Đồng thời, cây đồng côn trong tay Bàng Châu theo thân hình của chàng ta quay tròn quanh bốn đồng đội ở trung cung, tung ra một chiêu Hoành tảo thiên quân như sấm sét vào chân của đối thủ đang chạy vun vút bên ngoài.

Bọn sát thủ sau lần bị Trần Lâm bất ngờ quét cây roi vào chân đã rút được kinh nghiệm, vừa thấy cây côn của Bàng Châu vút ra, bốn tên vòng trong đã tung người lên cao né tránh, trong khi ba thanh kiếm trên tay của những tên vòng ngoài cũng nhanh chóng công vào bảo vệ. Nhưng tất cả những động tác đó đã nằm trong tính toán của Trần Lâm khi lập trận. Đúng lúc bốn tên sát thủ vừa định tung người lên thì bốn thanh trủy thủ trong tay bốn kiếm sĩ đã phóng ra nhanh như chớp, nhắm ngay hồng tâm của chúng bay tới. Đồng thời lúc đó, hai thanh kiếm của Tiểu Phi và Gia Huy cùng cây thương của Quán Nhật đã nhanh hơn một bậc, phóng ra công vào ba tên còn lại. Phần Từ Năng, thân hình của ông bỗng bốc lên cao, thanh kiếm trên tay như con thần long uốn khúc bắn ra bốn điểm hàn quang nhắm vào bốn tên sát thủ. Bốn tên này, người đang ở trên không, thấy bốn thanh trủy thủ lao vút tới liền vung kiếm ra đỡ, kiếm chưa kịp thu hồi thì bốn điểm hàn quang bắn đến nơi. Cả bốn tên đồng rú lên những tiếng thê thảm, ngực chúng đều bị một vết kiếm đâm thủng, thân hình rơi xuống ngay vị trí của ba tên đồng bọn đang bị ba món binh khí từ trong trận ngũ hành công ra. Từ Năng chân vừa chạm đất thì Bàng Châu đã tung người đứng lên, cây đồng côn trên tay lao vút vào đầu một tên sát thủ. Từ Năng chắp tay niệm Phật hiệu:

- A Di Đà Phật! Sự tính toán của Lâm thí chủ thật thần diệu. Bảy tên sát thủ đã không một tên nào thoát nạn.

Cùng lúc đó, ba tiếng la thất thanh của ba tên sát thủ vừa bị trúng thương liền vang lên. Cả bảy tên nằm la liệt dưới đất. Trận Thất tinh đã bị phá vỡ. Từ Năng chắp tay nói:

- Tội nghiệt! Tội nghiệt! Chào sư huynh, bần tăng xin cáo từ.

Rồi quay người bỏ đi mất hút dưới ánh trăng. Cuộc hỗn chiến giữa anh em hội viên và bọn Kim Cương Môn cũng đã kết thúc nhanh chóng. Bốn thầy trò Diệp Sanh Ký cùng Dương Thiết Thủ đều bỏ mạng tại đấu trường. Bỗng mọi người giật mình vì hai tiếng thét lớn phát ra từ cuộc giao đấu của Thiếu Thu và Trần Lâm. Cùng với hai tiếng thét, kiếm quang trở nên chói lòa cả một vùng rộng lớn, bao trùm lấy hai đấu thủ. Hai bóng người nhập vào nhau rồi dạt ra xa, rơi xuống đất. Mọi người vội vàng chạy lại xem. Lý Thiếu Thu một tay chống kiếm xuống đất, tay kia bịt lấy yết hầu, giọng khọt khẹt nói nhỏ:

- Tuyệt diệu! Ta chết không... hối... tiếc...

Thân hình của hắn từ từ đổ xuống. Trần Lâm cũng không khá gì hơn, một tay chống kiếm xuống đất, tay kia lấy nhanh lọ thuốc trút hai viên bỏ vào miệng rồi chàng ngã ra bất tỉnh gần như đồng thời với Lý Thiếu Thu. Đại Kỳ thất kinh vội chạy lại đỡ chàng ngồi lên xem xét thì thấy có một vết kiếm đâm rất sâu nơi trước ngực, gần sát vị trí tim, máu từ miệng vết thương tuôn ra không ngớt. Ông vội vàng tìm hộp thuốc cao trong bọc của chàng, vạch áo ra đắp thuốc vào rồi xé vải quấn chặt vết thương lại. Bàng Châu bước đến bế Trần Lâm lên, Đại Kỳ nói với Mộ Dung Thao:

- Việc ở đây giao lại cho huynh và anh em xử lý. Tôi phải gấp rút đưa Trần Lâm về nhà để chữa thương.

Mộ Dung Thao nói:

- Trần môn chủ đi gấp đi, chúng tôi xử lý tên phản bạn và xác bọn sát thủ này xong sẽ đến gặp môn chủ sau.

Đại Kỳ vội vã mang Trần Lâm về nhà. Ông bảo Gia Huy:

- Con đi trước, mời bằng được ông thầy thuốc ở Hòa Sanh Đường đến nhà gấp.

Gia Huy “dạ” một tiếng rồi phóng người chạy đi như bay. Số còn lại băng đường tắt ra sông Đồng Nai, dùng thuyền trở ngược lên Thần Quyền Môn. Mọi người đem Trần Lâm vẫn còn mê man về đến nơi đã thấy ông thầy thuốc Hòa Sanh Đường và Gia Huy đợi ở đó. Hồng Liên nóng ruột đi tới đi lui, nét mặt đầy nỗi lo âu. Vừa nhìn thấy Bàng Châu bế Trần Lâm trên tay, nàng đã òa lên khóc nức nở:

- Trời ơi, Lâm huynh bị sao vậy? Cha ơi, anh ấy có bị chết không?

Đại Kỳ nắm tay con gái giữ lại, ôn tồn nói:

- Bình tĩnh, nó không sao đâu, con đừng làm rộn lên, để cho thầy thuốc bình tâm chữa vết thương cho nó.

Ông thầy thuốc vội vàng bảo Bàng Châu đem Trần Lâm vào phòng rồi cởi áo chàng ra, vẹt chỗ thuốc cao xem xét vết thương. Một lúc sau ông ngẩng đầu lên nói:

- Chàng thanh niên này thật lớn mạng. Nếu mũi kiếm chỉ đâm lệch sang trái một ly nữa thôi thì dù có Đại La kim tiên xuống trần cũng không thể nào cứu được.

Hồng Liên nức nở hỏi:

- Anh ấy còn chữa được không thầy?

- Được. Một là nhờ loại cao này giúp cầm máu rất nhanh, hai là dường như đã có ai cho chàng ta uống thuốc rồi phải không?

Đại Kỳ vội đáp:

- Là chính cậu ta trước khi ngã xỉu đã tự bỏ vào miệng mình mấy viên thuốc lấy ra từ trong người.

- Loại thuốc này đã giúp hồi nguyên rất nhanh. Chàng ta bị ngất đi chỉ vì kiệt sức và mất máu nhiều quá mà thôi, tim vẫn chưa bị thương tổn gì cả. Tiếp tục băng loại cao này cho đến khi tỉnh lại rồi uống thêm hai viên thuốc Hồi nguyên đan nữa thì sẽ thoát nạn. Mai tôi sẽ trở lại để xem chừng và thay băng hộ cho.

Nói xong ông thầy thuốc dùng vải ướt lau sạch những vết máu, mở hũ cao của Trần Lâm bôi vào miệng vết thương rồi băng lại. Gia Huy đã mang chiếc áo khác vào thay cho Trần Lâm, thầy thuốc nói:

- Anh ta sẽ tỉnh lại trong phút chốc nữa thôi. Chuẩn bị một bát sâm thang và sắc chỗ thuốc này cho người bệnh tẩm bổ. Tôi tin chắc mọi việc sẽ ổn thôi. Tôi về, mai sẽ trở lại thăm.

Chợt thấy Trần Lâm hé mắt, yếu ớt nói:

- Cảm ơn thầy.

Mọi người reo lên mừng rỡ. Hồng Liên nói:

- Anh ấy tỉnh lại rồi! Anh ấy tỉnh rồi! Tạ ơn Trời Phật! Anh thấy thế nào?

Trần Lâm mỉm cười:

- Tôi không sao. Chỉ thấy khát nước và đói bụng thôi.

- Đói à? Để muội đi làm một bát sâm yến cho anh ngay.

Xong, nàng vội vã ra khỏi phòng đi làm thức ăn cho Trần Lâm. Gia Huy liền mang nước lại cho Trần Lâm, Đại Kỳ nói:

- Cháu đừng nói nhiều, uống nước và ăn bát sâm xong tiếp tục nghỉ ngơi cho khỏe đã. Chúng ta ra ngoài cả đi.

Phải mất gần cả tháng trời Trần Lâm mới hồi phục lại hoàn toàn. Sau khi bọn sát thủ bị tiêu diệt gọn, Diệp Hồng Sanh bị giết, phủ Trấn Biên đã ghép tội phản nghịch lần nữa rồi tịch biên toàn bộ tài sản của Diệp Sanh Ký, đem phát mại lại cho những nhà kinh doanh khác. Một hôm, Trần Lâm nhớ đến hai mẹ con thiếu phụ Võ Lệ Chi nên đã tìm đến ngôi nhà cũ để thăm nhưng họ đã bỏ đi, không biết về đâu. Chàng nghĩ đến hoàn cảnh đáng thương của họ, lòng khôn xiết bùi ngùi.

Trong thời gian đó, Tiểu Phi đi theo Dương Quán Nhật xuống Mỹ Tho để thu xếp một số công việc, tìm vùng đất mới chuẩn bị cho những cuộc di dân hành khất vào Nam. Còn Bàng Châu đã theo một đoàn thuyền buôn trở về Quảng Nam. Trần Lâm và Tiểu Phi đón Tết Ất Dậu ở Cù lao Phố cùng gia đình Trần Đại Kỳ. Một hôm, Tiểu Phi và Trần Lâm vừa định xuôi thuyền xuống Mỹ Tho để thăm Quán Nhật bỗng có một đệ tử Thần Quyền Môn vào báo có một chàng kỵ sĩ cưỡi một con ngựa đỏ cao lớn đến tìm Tiểu Phi. Tiểu Phi ngạc nhiên chạy ra xem thử, khi nhìn thấy chàng kỵ sĩ, Tiểu Phi reo lên mừng rỡ:

- Văn Tuyết! Sao sư đệ lại vào đây? Cưỡi ngựa xông pha ngàn dặm à? Có chuyện gì quan trọng ở ngoài đó sao?

Chàng kỵ sĩ mà cả người lẫn ngựa còn phủ kín bụi đường kia chính là Nguyễn Văn Tuyết, cao đồ của Trần Kim Hùng. Văn Tuyết thấy Tiểu Phi cũng mừng rỡ nói:

- Không có việc gì quan trọng cả. Chỉ là vì sư phụ không muốn đệ bị quan binh lùng bắt nên mới buộc đệ vào đây tạm lánh mặt một thời gian, nhân tiện phụ giúp sư huynh lo mọi việc trong này.

- Vào đây đi, để huynh giới thiệu đệ với Trần môn chủ cùng mọi người rồi nghỉ ngơi một lúc, anh em ta nói chuyện sau. Chà! Đệ tìm đâu ra con thiên lý Huyết câu này mà trông kỳ vĩ quá vậy?

- Cũng vì nó mà đệ phải bỏ trốn vào đây đó.

- Đi, chúng ta vào trong trước đã.

Hai người vừa đi được vài bước thì Đại Kỳ cùng mọi người cũng từ trong nhà bước ra. Tiểu Phi vội giới thiệu mọi người với nhau. Văn Tuyết ôm quyền chào:

- Văn Tuyết xin ra mắt Trần môn chủ. Sư phụ có gởi lời vấn an đến môn chủ. Chào Lâm huynh và Gia Huy huynh.

Đại Kỳ nhìn Văn Tuyết một lát rồi cười ha hả nói:

- Minh sư tất xuất cao đồ! Thật là hay lắm! Kim Hùng huynh có được một đệ tử thế này thật đúng là tay hào kiệt trong đời. Sư phụ con vẫn mạnh giỏi chứ?

Văn Tuyết đáp:

- Dạ, đa tạ môn chủ, người vẫn khang kiện. Trước khi cháu vào Nam, sư phụ đã hết lời ca tụng Thần Quyền Môn của môn chủ, người bảo rằng nơi đây là cây trụ chống đỡ cả trời Nam.

- Kim Hùng huynh thật đã quá lời rồi. Đi, chúng ta vào trong làm một cuộc rượu tẩy trần trước đã. Ngàn dặm xông pha chắc là đã mệt lắm rồi phải không? Chà, con huyết mã này mới thật là con thần câu, bác chưa từng thấy bao giờ cả.

Nói rồi mọi người vào trong khách sảnh và cho người chuẩn bị tiệc rượu. Gia Huy rót rượu ra chung, mọi người cùng uống cạn mừng gặp mặt. Tiểu Phi hỏi:

- Tình hình ngoài ấy ra sao? Có gì quan trọng không mà sư thúc sai đệ vào đây?

Văn Tuyết đáp:

- Cũng có vài chuyện khá quan trọng vừa xảy ra. Quan trọng nhất là chuyện Võ vương xa giá vào thăm phủ Quy Nhơn và khu vực hải cảng.

Đại Kỳ ngạc nhiên hỏi:

- Võ vương vào Quy Nhơn à? Chỉ là cuộc tuần du hay là có chuyện quan trọng ở đó?

- Dạ, vừa là cuộc du xuân vào thăm kinh thành cũ Đồ Bàn, vừa là để quan sát khu vực cảng Quy Nhơn theo lời đề nghị muốn biến Quy Nhơn thành thương cảng chính cho cả phủ. Chuyện này mọi người đều phải công nhận tài kinh doanh hết sức khéo của Cao Đường. Ông ta chẳng những đã mua chuộc được Nguyễn Khắc Tuyên và Hoàng Công Đức mà còn mua chuộc luôn cả Trương Phúc Loan và bà ái phi Ngọc Cầu của Võ vương nữa.

- Cao Đường thật đúng là con người có tài kinh tế. Ông ta quả đã làm được một việc vô cùng tốt cho Quy Nhơn. Tôi thật tình khâm phục ông ta.

- Chẳng những ông ta có tài kinh doanh mà còn có nhiều mánh khóe nữa. Ông ta đã đem cô đại tiểu thư xinh đẹp của mình gả cho Hoàng Công Đức, vậy nên Hoàng Công Đức coi như đã nằm trong tay của ông ta rồi.

Trần Lâm nghe nói giật thót người hỏi:

- Hoàng Công Đức đã cưới Cao Đại Hồng rồi à?

- Đúng vậy! Đám cưới đã được tổ chức vô cùng long trọng vào đầu tháng chạp vừa rồi. Với cuộc hôn nhân này, người dân Quy Nhơn đã than tiếc không ít cho vị đệ nhất mỹ nhân.

Trần Lâm nén tiếng thở dài xót xa cho người bạn gái thiếu thời đã rơi phải vùng nước đục. Tiểu Phi hỏi:

- Còn gì nữa?

Văn Tuyết mỉm cười, ánh mắt lóe lên tia tinh nghịch:

- Cái đêm Võ vương chuẩn bị xa giá trở về Phú Xuân, đệ đã lẻn vào khu hành cung của ngài và ăn cắp con ngựa Xích Kỳ rồi dông tuốt lên Tây Sơn thượng.

Mọi người nghe nói đều buột miệng “ồ” lên kinh ngạc. Tiểu Phi há hốc mồm nói:

- Ta biết đệ là tay nghịch ngợm nhưng không ngờ đệ lại dám to gan lớn mật đến độ ấy. Rồi sao nữa?

- Tên Nguyễn Khắc Tuyên lo sợ đến hồn bay phách lạc vì con Xích Kỳ này là con ngựa của Cao Miên vừa tuyển ra đem tiến cống. Võ vương yêu nó lắm. Đệ vốn không ưa con người dâm loạn đến đảo lộn cả luân thường của Võ vương nên quyết ý đùa dai với ông ta một chuyến cho bõ ghét. Cả hai tên Nguyễn Khắc Tuyên và Hoàng Công Đức tham lam kia nữa.

Đại Kỳ mỉm cười lắc đầu trước sự tinh nghịch quái ác của chàng thanh niên này. Ông hỏi:

- Rồi Kim Hùng huynh sợ cháu bị quan quân truy nã nên mới bảo cháu chạy gấp vào đây phải không?

- Dạ đúng vậy. Nhưng vào đêm trước khi bỏ đi vào Nam, cháu còn lẻn đến phủ đường bắn một mảnh giấy lên cổng phủ nói rằng: “Kẻ trộm ngựa của Chúa là Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn”, xong mới phóng con Xích Kỳ chạy một mạch đến đây.

Tiểu Phi cười ha hả nói:

- Đệ thật quá quắt đến hết chỗ nói. Phen này Nguyễn Khắc Tuyên muốn giữ cái đầu trên cổ và chiếc ghế tuần phủ của mình thì chắc phải tốn đến ngàn vàng lo lót, chạy chọt. Nếu không e là không xong đâu. Ha ha...

Mọi người cũng thấy vui lây với việc làm tinh nghịch của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Tuyết. Hôm sau, Tiểu Phi, Trần Lâm, Văn Tuyết cùng Hồng Liên dùng thuyền xuống Mỹ Tho để gặp Dương Quán Nhật. Quán Nhật đưa bọn Tiểu Phi đi thăm các vùng đất mới mà bang Hành Khất đã đưa người vào khai thác, sau đó lại đưa mọi người đi thăm toàn vùng sông nước Cửu Long.

Đến cuối mùa xuân, Tiểu Phi để Văn Tuyết ở lại miền Nam điều hành mọi việc, chàng cùng Trần Lâm và Hồng Liên trở lại Cù lao Phố. Sau, hai chàng trai trẻ từ giã Trần Đại Kỳ để lên đường thiên lý. Buổi chia tay, Hồng Liên không giấu được sự quyến luyến của mình. Nàng đứng nơi bến sông buồn bã nhìn theo con thuyền đưa hai chàng trai trẻ sang bờ Trấn Biên mà mắt rưng rưng lệ. Chợt nhớ đến bốn câu thơ mà có lần đã đọc ở đâu đó, nàng nhỏ giọng ngâm nga:

Người chưa dừng cánh chim trời

Ta còn mỏi mắt chờ nơi cô phòng

Trăng vàng còn chiếu qua song

Thu còn trút lá còn mong người về.

Hai người bạn trẻ mất hơn nửa tháng trời để xuyên qua chiều dài lãnh thổ nam Đại Việt. Qua khỏi đèo Cù Mông, họ chia tay. Trần Lâm rẽ xuống Quy Nhơn, ghé lại đoàn thuyền của Lê Trung. Tiểu Phi một mình một ngựa tiếp tục cuộc hành trình trở về Phú Xuân.