Én Liệng Truông Mây - Hồi 28 - Phần 1

HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM

Thương cháu gái, Tôn Thất Dục bôn đào

Giả chiếu Vương, Trương Phúc Loan lập Chúa

Kinh thành Phú Xuân năm nay chuẩn bị đón ngày lễ Phật Đản rất long trọng, hơn hẳn mọi năm. Từ cung điện cho đến nhà dân, đâu đâu cũng cờ hoa rực rỡ, khói hương nghi ngút. Những ngôi chùa lớn ở kinh thành càng tưng bừng, nhộn nhịp hơn nữa. Tất cả những dấu vết của cơn bão lụt khủng khiếp vào mùa đông năm ngoái đã được dọn dẹp sạch sẽ. Mấy tháng nay, sau chuyến nam du, trên đường trở về, Võ vương vì gặp cơn bão lớn nên đâm ra hoảng hốt đến lâm trọng bệnh. Triều thần lo sợ, quan Lễ bộ ra lệnh cho dân chúng và các chùa chiền chuẩn bị đại lễ Phật Đản thật lớn để vừa mừng ngày Phật tổ đản sinh vừa làm lễ cúng tế đất trời cầu xin phù hộ cho Võ vương chóng được bình phục. Thời bấy giờ lễ Phật Đản được tổ chức vào ngày mồng tám tháng tư hàng năm. Dân chúng khắp nơi xì xầm bàn tán và cho rằng trời cao muốn trừng phạt vị vua đã làm đảo lộn luân thường nên mới gây ra cơn bão lụt vô tiền khoáng hậu năm rồi.

Chiều hôm đó, hai bên bờ Hương Giang tấp nập người đi xem lễ. Kẻ muốn qua đò sang dự lễ ở chùa Thiên Mụ, người lại muốn sang hoàng thành để vừa dự lễ vừa ngắm cảnh xa hoa, nhộn nhịp của đất kinh kỳ. Một trong những nơi nổi tiếng khắp nước ở kinh thành Phú Xuân là Các Triêu Dương nằm cạnh bờ Hương Giang. Đó là một lâu đài to lớn, lộng lẫy, tọa lạc trong một vườn hoa lớn với muôn ngàn loài kỳ hoa, dị thảo được mang về từ khắp môi miền đất nước. Các Triêu Dương có hai tầng, là chốn phong thủy hữu tình dành cho những tao nhân, mặc khách dùng làm nơi uống rượu, đề thơ. Trên bức vách hai bên trái, phải của cửa chính ra vào ở tầng dưới có khắc một số bài thơ của các danh sĩ trong nước đã từng ghé chân qua đây để lại. Tiêu biểu hơn cả là bài thơ Triêu Dương Các của Hoa Sơn Thị  mà những tao khách ghé chân lại nơi đây ai ai cũng đều ngâm nga tán thưởng:

Thương thương tiêu chính sắc

Hạo hạo viễn vô nha

Khí kết sơn hà tú

Quang phân nhật nguyệt hoa

Vấn tăng truyền Chính Tắc

Bổ dục ức Hoàng Hoa

Văn thuyết không tang pháp

Mạn đà cánh vũ hoa.

(Trung Nguyên Hoa Sơn Thị kính lục)

 

 

Dịch nghĩa:

Xanh xanh màu ngọn cây

Mênh mông nước không bờ

Khí kết lại thành vẻ đẹp non sông

Ánh sáng chia rõ như mặt trời mặt trăng

Hỏi thêm lời truyền về Chính Tắc (Khuất Nguyên)

Lòng những nhớ Hoàn Oa (Nữ Oa)

Nghe thuyết về phép không tang (vô tướng)

Mưa hoa mạn đà (hoa sen) đổ xuống.

Nhắc lại Tiểu Phi, từ lúc trở về Hóa Châu chàng được sư phụ sai đến kinh thành để nghe ngóng tin tức về việc Võ vương đang lâm trọng bệnh. Quần thần và dân chúng nháo nhào lo lắng vì những âm mưu phế lập mà phe cánh của quan ngoại tả Trương Phúc Loan đang âm thầm thực hiện. Buổi chiều ngày mồng tám tháng tư, chàng một mình ngồi nơi chiếc bàn nhỏ trong Triêu Dương Các uống rượu, thỉnh thoảng lại phải cau mày khó chịu vì mấy tên thanh niên nhố nhăng ở bàn bên kia gây ồn ào làm mất đi vẻ thanh nhàn của Triêu Dương Các. Chợt chàng chú ý đến một ông lão râu tóc đã hoa râm, dáng cách tiên phong đạo cốt đang cùng một thiếu nữ chừng mười sáu, mười bảy tuổi, đẹp như thiên tiên vừa bước vào. Hai người đứng trước bức vách chiêm ngưỡng những bài thơ. Tiếng ồn ào trong Triêu Dương Các bỗng trở nên thinh lặng, những cặp mắt đổ dồn về phía người thiếu nữ mới xuất hiện. Ngay cả đám thanh niên năm người đang ngồi nơi chiếc bàn kê sát cửa sổ gần bờ sông từ nãy giờ đùa giỡn ồn ào cũng im bặt. Một tên trong bọn, quần áo sặc sỡ trông như một công tử con nhà quyền quí vừa nhìn thấy thiếu nữ thì như đã bị hốt mất hồn phách, miệng không ngớt xuýt xoa, lẩm bẩm như người nằm mơ giữa ban ngày:

- Đẹp! Trời ơi! Đẹp hơn cả tiên nữ giáng trần. Thôi chết ta rồi!

Tên ngồi bên cạnh thấy vậy liền đưa tay vỗ vào vai hắn cười nói:

- Công tử, tỉnh lại! Cậu làm gì mà như kẻ mất hết hồn vía vậy?

Tên công tử áo hoa mơ màng đáp:

- Chuyến này ta chết mất Lương Phúc ơi. Thế gian đâu lại có người đẹp đến như thế. Trời ơi...

Tên Lương Phúc cười nói:

- Hôm nay công tử làm sao vậy? Tỉnh lại đi! Phải tỏ rõ cái dũng khí của Hoa Hoa công tử trước mặt người đẹp như mọi lần mới được chứ.

Ba tên còn lại đồng thanh nói:

- Đúng vậy! Công tử phải chứng tỏ bản lãnh hào hoa của mình, chinh phục bằng được người ngọc này.

Tên công tử nghe đồng bọn khuyến khích, máu anh hùng trong người hắn cũng bốc lên. Hắn nói:

- Được, các ngươi đừng rối lên, đợi tí xem người đẹp làm gì đã.

Bên kia, Tiểu Phi vừa nhìn thấy cô gái đã như bị sét đánh. Chàng buột miệng khen thầm: “Đẹp! Đúng là đẹp hơn cả tiên trên trời. Thế gian lại có người đẹp đến như vậy ư? Đây chắc là một vì tiên bị đọa xuống trần nên trong vẻ đẹp thánh thiện vô ngần kia mới phảng phất một nỗi buồn man mác như vậy”. Chàng bỗng liên tưởng đến Đại Hồng, Tiểu Hồng rồi Hồng Liên. Nhưng tất cả đều không thể nào sánh với nàng tiên này được. Họa chỉ có cô cháu gái của Trần Viên Viên là Lý Dung Dung trong chuyện tình huyền thoại của Trương sư thúc mà sư phụ đã miêu tả lại mới có thể sánh bằng.

Chợt nghe ông lão hỏi thiếu nữ:

- Quỳnh Nhi, con thấy bài thơ Triêu Dương Các của Hoa Sơn Thị thế nào?

Thiếu nữ đáp, tiếng trong như tiếng khánh vàng, vừa thánh thót nhẹ nhàng, vừa êm tai như rót mật:

- Dạ, thật hay và thật cao nghĩa ạ. Bốn câu đầu rất đẹp, có thể dùng để miêu tả cảnh Triêu Dương Các bên bờ Hương Giang thơ mộng. Bốn câu sau vừa cao thâm vừa đượm mùi thoát tục. Nhưng tại sao lại hỏi thêm về Chính Tắc thì cháu không hiểu. Vị tiền bối Hoa Sơn Thị chép lại bài thơ này ở đây với ý gì vậy ngoại?

Ông lão đáp:

- Chính Tắc tức là Khuất Nguyên, người nước Sở, tác giả cuốn Sở Từ như con đã biết. Bài thơ này được khắc ở đây chỉ vì vị Hoa Sơn Thị nhân thấy cảnh trí của Các Triêu Dương quá tao nhã nên sinh tình mà viết lại thôi. Ngoại nghĩ ý tứ của câu năm trong bài thơ không phải là để hỏi đến tâm sự u uất của Khuất Nguyên đâu bởi vì Triêu Dương Các được xây dựng vào lúc đất nước đang hồi cường thịnh, thái hòa mà.

- Ra là thế. Cả bài thơ khắc kế bên cũng vậy nữa phải không ngoại? Vị tiền bối Hữu Mai Đình Triệu Lâm chắc là một thế ngoại cao nhân nên tứ thơ vừa ngạo thị lại vừa thanh cao thoát tục.

Nàng đọc nho nhỏ bài thơ:

Chấn cách bàn tiêu hán

Thanh tiêu quýnh bất quần

Cửa cao không ngoại hưởng

Ngọ dạ nguyệt trung văn

Hầu kiệu tùy Vương Tử

Doanh châu giá Đại Quân

Thiên niên liêu hải thượng

Hương lý cách phù vân.

Dịch nghĩa:

Vỗ cánh bay trên mây ngất trời

Thanh cao chí vượt các loài khác

Chín tầng trời vang tiếng

Nửa đêm nghe trong trăng

Nùi Hầu tùy nghi Vương Tử

Châu Doanh xe của Đại Quân tới

Nghìn năm xa vời trên biển cả

Xóm làng dưới làn mây nổi.

Đọc xong nàng gật gù tỏ ý tán thưởng rồi kéo tay ông lão sang vách bên phải. Bên vách này cũng có đề một số bài thơ nữa của Hữu Mai Đình Triệu Lâm và Thần Khâu Đinh Quỹ. Chợt tên công tử áo hoa đứng lên bước đến trước mặt thiếu nữ, ôm quyền lịch sự nói:

- Kính chào Quỳnh Hoa Tiên Tử. Tiên Tử thích hai bài thơ đó à? Kẻ hèn này thì lại thích bài thơ của Khâu Đình Quỹ hơn vì ý thơ diễn tả đúng nét đẹp như tiên của Quỳnh Hoa Tiên Tử đây.

Rồi không cần để ý tới nét cau mày khó chịu của thiếu nữ, hắn nhìn lên vách đọc lớn:

Xuân liễu bích như yên

Xuân lưu uyển chuyển duyên

Đê thùy kim kính bạn

Tà phất ngọc kiều biên

Mi tế ba trung diện

Yêu khinh hỗ lý truyền

Kinh thành thiên vạn nữ

Duy nhất đóa Quỳnh Tiên.

Dịch nghĩa:

Liễu ngày xuân biếc như khói

Xuân uyển chuyển chảy theo mé sông

Cúi nhìn bạn trong gương soi

Chiều tà bên cầu ngọc

Vẽ chân mày, gương mặt như có sóng

Tấm lưng thon nhẹ như có ai nâng

Kinh thành có ngàn vạn mỹ nữ

Chỉ có nàng Quỳnh Tiên là nhất.

Hai câu thứ bảy và thứ tám của bài thơ gốc là: 

 

Chương Đài thiên vạn thụ

Duy nhĩ mộc ân tiên.

(Chương Đài có ngàn vạn cây

Chỉ có cây liễu là được gội ơn trước)

Nhưng hắn đã đổi lại thành:

Kinh thành thiên vạn nữ

Duy nhất đóa Quỳnh Tiên.

Vì lúc nãy hắn nghe ông lão gọi cô gái là “Quỳnh Nhi” nên mới đổi lời thơ để ghẹo thiếu nữ. Cô gái nghe hắn ăn nói có điều khinh bạc nên trừng hắn một cái rồi im lặng bước lại cạnh ông lão, quay mặt đi nơi khác. Tên công tử áo hoa bị cái trừng mắt đó thì cả người chợt nổi gai lạnh. Tên Lương Phúc bỗng đứng lên vỗ tay cười lớn:

- Hay quá, hay quá! Không ngờ hôm nay Thái Tuế công tử của chúng ta lại làm thơ, mà còn làm quá hay nữa chứ. Tôi nghĩ ta nên sửa lại hai câu thơ đó của Khâu Đình Quỹ đi, đưa hai câu của Thái Tuế công tử vào. Ha ha...

Ông lão nhìn mấy tên thanh niên này thì biết ngay là bọn côn đồ con vua cháu chúa nên vội dắt tay thiếu nữ bước ra cửa định bỏ đi. Bỗng một tên thanh niên khác trong bọn vội đứng lên chạy lại dang hai tay chặn lối cửa ra.

- Công tử của chúng tôi làm thơ tặng cho vị tiên tử này sao chưa thấy nói tiếng cảm ơn nào mà lại bỏ đi ngay vậy, ông lão?

Ông lão nói:

- Nếu vậy thì cảm ơn bài thơ của công tử cậu vậy. Tránh ra cho chúng tôi đi.

Tên thanh niên vẫn đứng nguyên tại chỗ, cười hề hề:

- Không được. Ai cần ông lão cảm ơn, vị tiên tử này phải đến trước mặt công tử tôi nói tiếng cảm ơn mới được.

Ông lão bắt đầu tức giận, gằn giọng:

- Giữa ban ngày ban mặt, dưới chân thiên tử mà bọn các ngươi dám lộng hành trêu chọc phụ nữ, ức hiếp người già, các ngươi không sợ vương pháp ư?

Tên thanh niên cười ha hả nói:

- Ha ha... Vương pháp? Công tử của ta chính là vương pháp đó, còn sợ với không sợ cái nỗi gì hử, ông lão?

Lương Phúc bước đến nhìn ông lão một hồi rồi chuyển vẻ mặt khinh khỉnh nói:

- Này ông cựu Hình bộ thượng thư ơi, cái thời mà ông làm trời làm đất đã hết rồi. Bây giờ là thời của công tử nhà tôi, công tử là vương pháp, vương pháp là Hoa Hoa công tử đó, ông biết không?

Tên công tử áo hoa vội bước đến hỏi:

- Ra đây là cô trượng à? Cô trượng vẫn mạnh giỏi chứ? Vậy vị tiểu thư này chắc là Độc Huyền Tiên Tử đã nức tiếng kinh thành Phú Xuân về tiếng đàn Độc Huyền, phải không cô trượng?

Ông lão ngạc nhiên hỏi:

- Công tử là ai mà gọi tôi bằng cô trượng?

Tên công tử cười, vẻ mặt kiêu hãnh:

- Cháu là Trương Phúc Tịnh. Thân phụ cháu chính là phò mã chưởng doanh cai cơ Trương Phúc Thăng. Ngày trước cô cô cháu không phải đã từng là vợ của cô trượng hay sao? Chúng ta là người nhà cả mà.

Ông lão chính là Tôn Thất Dục. Ông gật gù nói:

- Ra công tử là cháu đích tôn của quan ngoại tả, nổi danh khắp kinh thành là Hoa Hoa Thái Tuế. Hai tiếng cô trượng tôi không dám nhận lại. Biết nhau rồi, công tử hãy để chúng tôi đi.

Phúc Tịnh cười nói:

- Ai đã nói với cô trượng là cháu nổi danh khắp kinh thành? Hi hi... Cô trượng không dám nhận lại cũng được, nhưng gặp nhau nơi phong thủy hữu tình đây, cho phép cháu được mời người vài chung rượu được chăng?

Hắn nói mà cặp mắt cứ hau háu liếc nhìn thiếu nữ đứng cạnh. Tôn Thất Dục nói:

- Hôm nay không rảnh, chúng tôi phải sang sông dự lễ ngay bây giờ. Mấy cậu tránh ra.

Tên đứng chặn cửa nói:

- Ông lão này thật không biết điều chút nào. Chưa bao giờ công tử ta mở miệng năn nỉ ai bao giờ, ông đừng ra vẻ làm cao không chịu. Rượu mời không muốn uống, chắc ông định chờ uống rượu phạt phải không?

Phúc Tịnh nói:

- Đồng An, ngươi không được vô lễ với cô trượng của ta. Khi nào cô trượng lại từ chối lời mời của ta chứ?

Hắn nói vẻ như trách cứ bạn mình nhưng lại không có thái độ gì can ngăn hành động vô lễ của tên đó cả. Tôn Thất Dục biết hôm nay mình gặp phải phiền phức lớn rồi nên giận dữ nạt lớn:

- Phúc Tịnh, bấy lâu nay ngươi ỷ thế là cháu nội của quan ngoại tả, tác oai tác quái ở kinh thành, nay quen mùi muốn lấn át luôn cả ta hay sao? Các ngươi có biết ta thân là hoàng thúc của đương kim vương thượng không?

Phúc Tịnh bị mắng trước mặt đông người, máu côn đồ liền nổi lên, bất kể thượng hạ, hắn nói:

- Ông đừng đem cái danh hoàng thúc ra mà đe thiên hạ nữa. Ông cả gan dám trả cô cô của ta về nhà khiến người hổ thẹn sanh bệnh mà chết, mối hận ấy ông nội ta không bao giờ quên, nhưng nội ta vì lòng nhân đạo nên không truy cứu. Ngay cả khi ông mưu đồ tạo phản, nhờ ơn phước của nội ta đã thương tình mà ông mới không bị chết rũ thây trong ngục, ông biết không? Hôm nay ông bận lễ lạc gì thì đi đi, còn cô cháu của ông phải ở lại đây uống rượu với ta. Lôi cổ ổng ra ngoài cho ta!

Hắn nói xong với tay định kéo tay thiếu nữ, nhưng tay hắn vừa sắp chạm vào cổ tay của thiếu nữ thì bỗng có một vật nhỏ như hạt đậu từ trong góc phòng bắn tới, trúng vào mu bàn tay khiến hắn la lên ơi ới:

- Ui cha! Tên nào, tên khốn kiếp nào dám bắn lén ta?

Đồng thời tên côn đồ Đồng An đứng ngay cửa vừa nghe lệnh của Phúc Tịnh thì liền đưa tay định kéo Tôn thất Dục ra ngoài cũng đã bị một viên đạn bắn mạnh vào mu bàn tay. Hắn đau đớn la lên:

- Ui da! Tên chó chết nào dám bắn lén ông nội đây... A! Đau quá!

Hai tên còn lại ngồi nơi bàn thấy hai người trong bọn cùng lúc bỗng dưng ôm tay la hét đau đớn thì vội vàng đứng lên nhìn quanh phòng coi ai đã ra tay. Theo hướng xuất phát hai viên đạn, chúng thấy nơi chiếc bàn nhỏ trong góc có một thanh niên đang ngồi thản nhiên bốc đậu phộng bỏ vào miệng nhai. Chúng liền hùng hổ bước tới trước mặt chàng thanh niên hỏi lớn:

- Là ngươi bắn lén công tử của ta phải không? Ngươi chán sống rồi chắc?