Én Liệng Truông Mây - Hồi 29 - Phần 1

HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN

Anh hùng tương hội kình thiên long tranh hổ đấu

Lệ hòa tống tửu run tay chuốc chén đăng trình

Trong số những người thân quyến của Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh bị Phúc Loan truy sát có cả người em chú bác là Trại Ức Trai Trương Văn Hiến. Nhắc lại Trương Văn Hiến sau khi thành hôn cùng Hiền Nhi, chàng đã ở lại trại mồ côi cùng đám trẻ một thời gian. Sau bọn trẻ được Đinh Hồng Liệt đưa vào Nam, Trương Văn Hạnh đã mời vợ chồng Văn Hiến về nhà ông ta làm môn khách để cùng nhau mưu việc cản trở sự bành trướng thế lực của Phúc Loan ở phủ Chúa, trại mồ côi ở Cửa Hàn giao lại cho bang Hành Khất. Những năm làm môn khách trong phủ Ý Đức hầu, Hiền Nhi hạ sanh được đứa con trai đầu lòng, Văn Hiến đặt tên con là Trương Văn Đa. Ba năm sau đó, Hiền Nhi lại sanh một cô con gái và nàng chọn tên cho con là Ngọc Lan. Thấy cảnh triều chính ngày một suy vi, Võ vương u tối, quần thần xu phụ, bè phái khiến cho kỷ cương tan nát, Văn Hiến chán ngán bèn từ giã Trương Văn Hạnh, đem vợ con về ngôi nhà cũ bên bờ sông Bồ mở trường tiếp tục làm nghề dạy học. Họ có thêm hai đứa con trai nữa, đứa nhỏ nhất hiện mới vừa bảy tuổi.

Hôm Ý Đức hầu bị giết, Phúc Loan đã cho thuộc hạ tìm bắt những thân bằng quyến thuộc của ông ta. Tiểu Phi đang có mặt ở Phú Xuân biết chuyện vội vàng chạy đến nhà Văn Hiến báo tin. Chàng nói:

- Phúc Loan đang cho bộ hạ lùng bắt hết những ai có liên quan đến Ý Đức hầu đem nhốt cả vào ngục thất, con e sư thúc cũng sẽ bị vạ lây nên chạy ngay đến đây để báo tin. Sư thúc nên tìm đường lánh nạn đi là hơn.

Trương Văn Hiến nói:

- Ta biết thế nào ngày này cũng đến. Tội nghiệp cho anh Hạnh, hưởng lộc Chúa thì phải vì Chúa mà hi sinh.

- Bây giờ sư thúc định lẽ nào?

- Lúc trước anh Kim Hùng có đề nghị ta nên vào Tây Sơn lập nghiệp nhưng ta quyến luyến mảnh đất này của cha già để lại nên lần khân mãi không đi, nay thì đành phải bỏ nó lại rồi. Con nhắn lại với cha con, ta giao nó cho anh ấy nhé. Cái khó là Trương Phúc Loan hẳn đã cho lính bố ráp khắp nơi rồi. Bây giờ muốn thoát qua được thiên la địa võng của hắn để ra khỏi Phú Xuân này e rất nan giải.

Tiểu Phi chợt vỗ tay reo lên:

- Sư thúc còn nhớ đoàn thuyền buôn của nhà họ Cao ở Quy Nhơn không? Họ chuyên chở hàng cho cánh Trương Phúc Loan nên ra vào cửa khẩu dễ dàng lắm.

Văn Hiến lộ vẻ vui mừng hỏi:

- Nhớ! Họ đang có mặt ở Phú Xuân à?

- Dạ, họ ra đây ba hôm trước, chắc cũng sắp trở về Quy Nhơn. Con có ghé thăm chú Lê Trung hôm rồi, có lẽ chúng ta phải nhờ đến họ. Sư thúc nghĩ sao?

- Phải vậy thôi. Nghe anh Kim Hùng nói Lê Trung cũng là tay hào kiệt, con đi liên lạc với họ xem sao. Ta chuẩn bị sẵn mọi thứ, nếu được mình ra đi ngay đêm nay.

Tiểu Phi vâng dạ rồi vội vã ra bến sông Hương, nơi các đoàn thuyền buôn lên xuống hàng hóa. May mắn đoàn thuyền của Lê Trung vẫn còn ở đó. Chàng bèn tìm gặp Lê Trung nói rõ tình hình của sư thúc mình. Lê Trung nghe xong nói:

- Cháu về nói Trương huynh thu xếp trước nửa khuya đêm nay dùng thuyền nhỏ theo sông Bồ thả xuống đây, nhớ ăn mặc như thủy thủ trên thuyền vậy. Nếu ổn thỏa, giờ sửu sáng mai ta nhổ neo. Cẩn thận vì bọn lính của Phúc Loan đang canh giữ khắp nơi.

Tiểu Phi mừng rỡ nói:

- Đoạn từ sông Bồ xuống đến đây bọn Hành Khất của cháu lo liệu được, chú an tâm. Thôi để cháu về báo lại cho sư thúc biết. Sẽ gặp lại chú khuya nay.

Đêm đó, Tiểu Phi dùng thuyền câu chở gia đình Trương Văn Hiến xuống bến sông Hương. Vì bang Hành Khất có phân đà ở đây nên việc đi lại trên sông Hương họ rất rành rẽ. Chiếc thuyền câu cặp sát mạn thuyền của Lê Trung, Văn Hiến bế mấy đứa con nhỏ và Ngọc Lan lên thuyền trước, Hiền Nhi cùng Văn Đa lần lượt lên sau. Lê Trung đưa họ vào khoang kín ẩn thân rồi cho thuyền nhổ neo xuôi dòng ra cửa Thuận An. Đoạn đường thủy từ kinh thành ra tới Thuận An, họ phải qua đến ba trạm canh, nhưng thuyền của Lê Trung ra vào bến này nhiều lần, mỗi chuyến đi ông lại đút lót rất hậu hĩ nên bọn lính canh chỉ xem xét lấy lệ rồi cho qua. Khi mặt trời mọc, đoàn thuyền của họ đã lênh đênh trên biển Đông, căng buồm tiến về cảng Quy Nhơn.

 Đoàn thuyền vừa cập bến nhà ở đầm Hải Hạc đã thấy Trần Kim Hùng cùng Nguyễn Nhạc neo thuyền chờ sẵn ở đó. Họ được bồ câu của bang Hành Khất đưa tin vào từ mấy hôm trước. Văn Hiến từ giả Lê Trung cùng anh em thủy thủ đoàn rồi theo Kim Hùng và Nguyễn Nhạc ngược sông Côn về Tây Sơn. Kim Hùng giới thiệu với hai vợ chồng Văn Hiến:

- Đây là Nguyễn Nhạc, cháu nội rể của anh mà lúc trước anh đã có nói với cô chú. Nó nghe anh nói chú có nghề dạy học nên muốn mời về vùng Tây Sơn mở trường, vừa có thể mưu sinh vừa có nơi để nó gởi hai đứa em theo học. Ở đây chưa có ngôi trường nào ra hồn cả.

Nguyễn Nhạc chào vợ chồng Văn Hiến:

- Cháu rất hâm mộ tài năng của sư thúc. Nay mời được sư thúc vào đây, cháu thật sự vừa vui mừng vừa hãnh diện cho vùng đất Tây Sơn này.

Văn Hiến vừa gặp Nguyễn Nhạc trong lòng đã có ngay ấn tượng tốt, nghĩ thầm chàng thanh niên này có khí độ và phong thái của một bậc đại anh hùng. Ông vui vẻ nói:

- Tôi có nghe anh Kim Hùng giới thiệu về anh cùng hai chú em rất nhiều. Chúng tôi là những người đang trốn tránh, vào đây với dự định tiếp tục nghề dạy học mưu sinh, từ nay xin gọi là ông giáo. Những cái tên và biệt hiệu xưa kia xin hãy quên đi để tránh tai mắt bọn lính của quốc phó dòm ngó. Việc mở trường phải để xem có nơi an trú thích hợp trước đã.

Kim Hùng nói:

- Việc này chú khỏi lo. Thằng Nhạc đã kiếm cho chú một miếng đất ở làng Thắng Công gần chợ An Thái bên bờ sông Côn rồi. Chú đến xem, nếu ưng ý thì có thể chọn nơi đó làm chỗ an thân và mở trường học, anh thấy rất tiện lợi vì An Thái là vùng đất trung tâm của Tuy Viễn.

Văn Hiến nói:

- Cảm ơn anh và cháu đã có lòng. Chúng ta về trên đó rồi hãy tính.

***

Nhắc lại Trần Lâm, từ khi trở về chàng phải ở lại Cao gia trang để cùng anh em võ sĩ canh phòng giặc cướp chứ không theo đoàn thuyền của Lê Trung nữa. Lúc này vì nạn đói kém trong nước ngày một gia tăng, số bà con ăn xin, chết đói ngày một nhiều nên bọn cướp Truông Mây của chú Lía hoạt động mạnh hơn. Họ cướp của hầu hết những nhà giàu có trong hai phủ, cả kho lẫm thóc của triều đình cũng bị Truông May đánh cướp để phân phát cho đám người cùng khốn kia. Họ hoạt động càng tích cực thì số dân ăn mày khắp nơi lại đổ về hai phủ Quy Nhơn và Quảng Ngãi càng đông vì ai cũng đều mong được sự giúp đỡ.

Bản thân Trần Lâm thật không muốn bị cột chân một nơi nhưng nể Lê Trung nên chàng đành nhận lời ở lại Cao gia. Cũng hay, Tiểu Hồng có chứa một phòng sách lớn nên những ngày tháng rảnh rỗi này, chàng bỏ công nghiên cứu dịch lý và trau dồi thêm võ công của mình. Trong thâm tâm chàng cũng rất mong đợi có ngày được đụng độ với nhân vật chú Lía huyền thoại kia để thử xem tài sức chàng ta đến bực nào, sự mong đợi tự nhiên của anh hùng mong hội ngộ anh hùng.

Đại Hồng đã lấy chồng, gia trang chỉ còn Tiểu Hồng nên giao tình giữa chàng và nàng ngày một gắn bó hơn. Trần Lâm trong lòng còn vương nặng lời thề với cha mẹ, mặc cảm tội lỗi với đứa em gái đáng thương nên tâm can chàng không lúc nào không bị dày vò. Chàng luôn nhìn thấy nơi Tiểu Hồng hình ảnh của đứa em gái ngày xưa.

Tiểu Hồng vốn là cô gái có tâm hồn mơ mộng, yêu thích văn chương nghệ thuật, không thích chuyện võ nghệ đao kiếm nhưng từ bé Lê Trung đã bắt nàng luyện võ, vì vậy bản thân nàng cũng thụ đắc được một thân võ công rất vững vàng. Trong thời gian ở Cao gia trang, Trần Lâm lại ra sức chỉ điểm thêm cho nàng. Đêm đêm hai người vẫn thường cùng nhau luyện kiếm dưới trăng và những hình ảnh lãng mạn đó ngày một khắc sâu vào trái tim đầy mơ mộng của Tiểu Hồng. Một tình yêu đằm thắm theo thời gian đã nảy nở. Nhiều đêm, Tiểu Hồng ngồi một mình nơi cửa sổ trên lầu cao nhìn xuống dưới sân xem chàng luyện kiếm, lòng dạt dào một niềm thương mến. Những lúc như vậy, nàng thường mang đàn ra tấu những khúc nhạc êm đềm. Những mong tiếng tơ đàn có thể hòa vào cùng hào quang của kiếm ảnh, cũng như ước ao hai trái tim có thể hòa quyện vào nhau.

Ngày tháng thoi đưa, tình yêu ấy chỉ có thể mãi mãi là mối tình đơn phương riêng nàng ôm ấp. Qua những hành động từ chối tế nhị của Trần Lâm, Tiểu Hồng đã cảm nhận được lòng chàng. Chàng quay lưng, nàng càng tha thiết. Nhưng tha thiết mấy cũng chỉ để mối tình kia chảy xuống thành thơ như những ngọn nến từng đêm tàn lụi dần:

Nhất sinh nhất kiến nhất oan trinh

Nhất niệm tư quân nhất niệm tình

Tương kiến băng tâm như mộng ảo

Ty thanh kiếm ảnh tự hòa minh

Tương tư đoạn ngọc tồi tâm can

Song ỷ thu dung lạc diệp hoàng

Phong tuyết bất kham cô độc khách

Đơn phòng lạp chúc lệ thùy khan. 

Dịch nghĩa:

Một đời, một lần gặp gỡ là oan trái suốt kiếp

Mỗi thời khắc nhớ đến chàng là mỗi lần sóng tình trỗi dậy

Gặp nhau nhưng lòng băng giá, tình như mộng ảo

Chỉ có tơ đàn và ánh kiếm tự hòa nhau minh thệ

Nỗi thương nhớ như làm đứt dáng ngọc và dày vò tim gan

Lá rơi làm vàng dáng thu đang tựa cửa

Gió tuyết không cản được người kiếm khách cô độc

Trong phòng đơn bạch lạp và lệ cùng chảy cạn.

***

Thấy Lê Trung bước vào, Trần Lâm mời ông ngồi, rót trà ra tách mời rồi hỏi ngay:

- Chú về ngược gió chắc mệt lắm. Nghe nói Trương Phúc Loan chuyên quyền giả chiếu chỉ truất phế Chương Võ để đưa cháu hắn là Phúc Thuần, kết quả của mối tình loạn luân giữa Võ vương và Ngọc Cầu lên ngôi phải không chú?

Lê Trung chán nản gật đầu đáp:

- Hắn chuyên quyền làm càn mà cả triều không ai làm gì được. Chỉ có một mình Ý Đức Hầu Trương Văn Hạnh dám đứng ra phản đối nhưng thế cô nên rốt cuộc đã bị giết. Cả hoàng tử Chương Võ Phúc Luân cũng bị tống giam vào ngục thất. Bây giờ, hắn còn được phong chức Quốc phó nắm quyền nhiếp chính nữa, coi bộ Đàng Trong này đã đến lúc lâm nguy, e rằng lời sấm truyền: “Chỉ tám đời Chúa thôi sẽ trở về Trung Đô” bắt đầu linh ứng rồi. Phúc Thuần là đời chúa thứ tám của họ Nguyễn Đàng Trong đấy.

- Năm rồi cả một dải đất duyên hải từ Nghệ An vào tới Quảng Ngãi bị cơn bão lụt tàn phá dữ dội, nay số người đói kém tụ về đây để xin ăn rất đông. Triều đình lại không có biện pháp gì để cứu giúp, chỉ đành chờ bọn cướp Truông Mây cướp bóc về phân phát cho. Ai đời ăn cướp mà phải lo chăn dân, còn triều đình thì lại quay lưng ngoảnh mặt.

Lê Trung nói:

- Chưa hết đâu, tình hình sắp tới e còn tệ hại hơn nữa.

- Chú nhìn thấy có dấu hiệu gì sao?

- Dấu hiệu lớn và rõ ràng nhất là sự chuyên quyền của tên Quốc phó. Bao nhiêu năm nay bọn chúng e ngại vì Võ vương còn tại vị, quần thần cũng có vài người trung trực cản ngăn. Nay chúng đưa một đứa bé mới mười hai tuổi lên ngôi để giữ quyền nhiếp chính thì đám tay chân, bộ hạ của chúng sẽ còn lộng hành, đày ải bá tánh đến mức độ nào nữa.

Trần Lâm thở dài nói:

- Cho nên việc cháu phải ngồi ở đây giữ nhà để đối đầu với một nhân vật hiệp sĩ cứu dân độ thế như chú Lía thật là một điều phi lý hết sức, chú thấy không?

Lê Trung cũng thở dài theo:

- Chú hiểu nỗi khó chịu của cháu. Thôi thì ráng thêm một thời gian nữa đi, mà có lẽ cũng không lâu nữa đâu vì bọn Truông Mây đã thành lập căn cứ ở núi Bà, ngay sát bên nách chúng ta rồi. Chú nghĩ ngày chúng viếng thăm nơi này đã sắp đến. Sau trận so tài, cháu có thể tự do ra đi mà chú không phải khó xử với Cao Đường. Cháu chuẩn bị đầy đủ tinh thần cho đêm hội ngộ đó chưa?

- Dạ rồi. Cháu cũng đang mong chờ giờ phút đó từng ngày đây.

- Không nên mang một tâm lý chờ đợi vì nó làm cho tinh thần mình bị căng thẳng, còn tâm lý thì rơi vào thế bị động. Căng thẳng và bị động tức là bị người uy hiếp rồi.

- Cảm ơn chú chỉ điểm. Nói vậy thôi chứ cháu không có cảm giác bị động và căng thẳng chút nào cả.

Hai người đang nói chuyện thì Tiểu Hồng bước vào. Thấy Lê Trung, nàng mừng rỡ hỏi:

- Cậu về rồi, đi đường có mệt không cậu? Mọi chuyện ngoài đó tốt cả chứ? Cháu nghe nói Phú Xuân có chuyện, chỉ sợ cậu gặp rắc rối.

Lê Trung mỉm cười đáp:

- Tốt cả, cô cháu ngoan ạ. Mọi chi tiết cậu ghi cả trong sổ này, cháu giữ lấy để làm hồ sơ kết toán. Cha cháu đâu?

- Dạ, cha lên phủ lỵ có việc. Cậu về nghỉ ngơi, khi nào cha về cháu sang mời cậu. Hay hai người có muốn uống rượu với nhau không thì cháu đi làm thức nhắm cho?

- Ý kiến hay đó. Cháu làm đi, cậu cũng còn vài chuyện muốn nói với Lâm Nhi, sẵn chờ cha cháu về cũng tiện.

Tiểu Hồng nở nụ cười thật ngoan:

- Dạ, cháu đi làm ngay đây, cậu và anh Lâm chờ một chút sẽ có ngay.

Nàng đi nhanh ra sau, Lê Trung nhìn theo với ánh mắt chứa chan niềm yêu mến:

- Nó chẳng khác mẹ nó lúc xưa tí nào. Nhân hậu, tốt bụng, vui vẻ, luôn luôn có ý làm vui lòng mọi người.

Trần Lâm nói:

- Cháu cũng nhận thấy ở Tiểu Hồng những đức tính đó. Chưa kể cô ấy còn thông minh và tài hoa rất mực. Chỉ riêng về phần thông minh thôi, cháu chỉ bằng một góc nhỏ.

Lê Trung cười:

- Cháu thì giỏi cái tài tự hạ mình xuống để nâng người khác lên.

Trần Lâm đổi đề tài câu chuyện:

- Theo chú, thời thế này rồi sẽ đi đến đâu?

- Muôn vật đều có thịnh suy, sinh diệt. Chú e rằng nhà Nguyễn đã bước vào thời kỳ diệt vong của nó. Vấn đề chỉ là thời gian.

- Theo chú thì sự hủy diệt đó đến từ đâu?

- Trên chuyến từ Phú Xuân về đây, chú có cho gia đình của Trại Ức Trai Trương Văn Hiến quá giang tị nạn. Cháu biết người này chứ?

- Dạ có nghe danh nhưng chưa gặp mặt.

- Ông ta quả có tài kinh bang tế thế, xứng đáng với danh hiệu Trại Ức Trai mà người đời phong tặng. Ông ta có kể cho chú nghe về lời phán đoán của sư phụ mình gần hai mươi năm về trước, theo đó thì đất Tây Sơn là chốn địa linh, sẽ là nơi phát sinh ra vị anh hùng kiến lập nên một thời đại mới, thay đổi chế độ đã mục nát này.

- Họ căn cứ vào điều gì mà phán đoán xa xôi như vậy?

- Trương Văn Hiến nói rằng sư phụ ông ta đã căn cứ vào sự quan sát cấu trúc địa lý, phong thủy của cuộc đất Tây Sơn mà để lại cho ông ta một câu sấm ngôn là: “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”, dặn ông ta nếu muốn tìm kiếm minh quân phò tá thì nên đến vùng đất đầy linh khí đó.

- Và lần này gia đình ông ta nhân chuyến tị nạn muốn lên Tây Sơn để mưu tìm minh chúa?

- Trong ý của ông ta là như vậy và coi sự bôn đào lần này cũng do một chữ duyên đưa đẩy để ông ta tìm đến vùng đất địa linh mà sư phụ của ông ta vẫn nhắc nhở lúc xưa.

- Người như thế nào mới là một vị minh chúa?

Lê Trung cười nói:

- Cháu hỏi giống y như chú đã hỏi Trại Ức Trai khi đề cập đến vấn đề này vậy.

Tiểu Hồng từ nhà dưới đã bưng mâm thức ăn lên. Nàng bao giờ cũng muốn tự tay mình nấu nướng rồi bưng lên cho cậu và cha. Với tiếng cười khúc khích trong như ngọc, nàng nói:

- Cậu thử dùng món bún sứa và gỏi sứa này xem cháu làm thế nào. Cháu mới học đó, nếu dở cậu và anh Lâm đừng chê nhé.

Lê Trung nói:

- Cháu làm gì cậu cũng thấy ngon cả. Cháu nhớ lại coi, từ trước đến giờ cậu đã chê cháu câu nào chưa?

Tiểu Hồng nũng nịu:

- Cho nên cháu mới hư ra đây này.

Lê Trung cười ha hả nói:

- Trời ơi, cháu mà là cô gái hư thì đàn bà, phụ nữ trên thế gian này đều là đồ hỏng cả.

Tiểu Hồng ửng hồng đôi má mỉm cười nói:

- Cậu này... Lúc nào cũng cho cháu mình là tốt cả, không sợ anh Lâm cười cho à? Thôi cậu và anh Lâm ăn đi, ăn lúc còn nóng mới ngon.

Trần Lâm đùa:

- Cô đừng có giỏi giang hiền thục quá sẽ khiến nhiều chàng chết oan vì bệnh tương tư đấy. Tội nghiệt ấy cũng sâu nặng lắm chứ không chơi đâu.

Tiểu Hồng cười khúc khích hỏi:

- Đâu, anh thử chỉ cho Tiểu Hồng xem đã có chàng trai nào tương tư Tiểu Hồng? Chẳng có ma nào thèm con nhỏ xấu xí này cả, đúng không?

Trần Lâm vừa gắp con sứa bỏ vào miệng nhai vừa nói:

- Đợi đó, ăn xong tôi sẽ đưa đi xem. Họ xếp hàng dài ngoài kia, chàng nào cũng xanh xao vì ốm tương tư cả.

Tiểu Hồng nghe Trần Lâm đùa thì ôm bụng cười nắc nẻ. Tiếng cười trong sáng, ngây thơ làm Trần Lâm và Lê Trung cũng phải bật cười theo. Đoạn nàng nói:

- Thôi hai người nói chuyện tiếp đi, cháu vào trong.

Nàng vừa đi khỏi, Trần Lâm nhắc:

- Chú hỏi như vậy, Trại Ức Trai trả lời sao?

- Ông ta cho rằng có hai loại người có thể trở thành minh chúa cai trị, dẫn dắt những người khác. Thứ nhất là những người nhất sinh thiên tử mạng, ví như Lý Công Uẩn, người đã mở ra một triều Lý cực thịnh cho Đại Việt. Lý Công Uẩn ngay từ nhỏ đã có chân mạng và khí độ của một đế vương. Chân mạng đó được biểu hiện qua việc ngài viết hàng chữ đày bức tượng thần trong chùa đi biệt xứ. Vì vậy mà vị thần này đang đêm phải hiện về năn nỉ sư Vạn Hạnh nhờ Công Uẩn xóa lệnh đày ải đi hộ cho. Cả việc khi Lý Công Uẩn hạ sinh vào năm Giáp Tuất 974, ở Châu Cổ Pháp lại có con chó sinh ra sắc lông trắng, có đốm đen trên mình tạo thành hai chữ “Thiên tử”, ứng vào mạng đế vương của ngài. Còn khí độ của Công Uẩn biểu lộ qua hai câu thơ mà ngài đã đọc khi bị sư Vạn Hạnh bắt trói nằm cong queo ở cổng tam quan:

Đêm nằm không dám dang chân ruỗi

E sợ sơn hà xã tắc xiêu.

Trần Lâm hỏi:

- Còn loại thứ hai?

- Loại thứ hai là những anh hùng sinh ra trong thời loạn, đánh nam dẹp bắc, kiến lập đại công, nhất thống sơn hà. Ví như hai vị anh thư Trưng Nữ Vương hoặc Mai Hắc Đế, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ... của chúng ta vậy.

- Như vậy loại người thứ nhất thuộc về anh hùng tạo thời thế còn loại thứ hai là thời thế tạo anh hùng?

- Đại loại là vậy. Có điều cả hai loại minh chúa này cùng có một điểm chung đó là tấm lòng yêu thương dân tộc, muốn đem lại hạnh phúc cho đồng bào của mình. Đó vừa là động cơ vừa là nguyên tố đưa họ lên địa vị một minh chúa.

- Vị minh chúa mà Trại Ức Trai đang tìm kiếm và mong đợi hẳn phải là người thuộc nhóm thời thế tạo anh hùng rồi?

- Đúng vậy! Mỗi lần đất nước ta rơi vào cơn dầu sôi lửa bỏng thì lại xuất hiện một vị anh hùng có tài tế thế an bang, đem lại sự sinh tồn và hạnh phúc cho dân tộc. Điều này đã trở thành một qui luật bất biến của Việt tộc rồi.

- Nguyên do?

- Thứ nhất, nhờ vào hình thái núi sông tạo nên linh khí. Thứ hai, vì sự đấu tranh trường kỳ để sống còn với người phương Bắc nên tinh thần bất khuất luôn tiềm tàng trong lòng mỗi người dân Việt. Khi đất nước lâm nguy, bao nhiêu tấm lòng bất khuất kia hòa với khí thiêng sông núi sẽ hun đúc nên một vị anh hùng, một vì minh chúa. Và lịch sử gần bốn ngàn năm qua của chúng ta đã chứng minh điều ấy.