Én Liệng Truông Mây - Hồi 28 - Phần 3

Quỳnh Như biết tính ngoại rất cương quyết nên nàng buồn bã quay vào trong. Nàng ngồi thu xếp hành lý tùy thân mà lòng ngổn ngang trăm mối. Ánh trăng mười sáu vằng vặc chiếu qua khung cửa sổ khiến nàng động lòng mang cây Độc Huyền cầm ra ngoài hiên ngồi gảy khúc tiêu sầu. Sự u uất trong tâm hồn như tuôn trào theo những ngón tay uyển chuyển làm cho tiếng đàn Độc Huyền thêm phần ai oán, não nùng hơn. Hai hàng lệ trên mi không ngừng rơi xuống ướt cả cây đàn. Chợt có tiếng quạ kêu đêm vang lên đâu đó, nàng chạnh lòng nghĩ đến thân phận hẩm hiu của mình bèn cất tiếng ngâm:

Nguyệt lạc, phiêu phiêu nhất phiến vân

Đỗ Quyên tĩnh dạ não thanh văn

Ô đề thất mẫu, cô nhi lệ

Thiết thiết Độc Huyền dạ khốc âm .

Dịch nghĩa:

Trăng tàn, trôi nổi lênh đênh giữa trời một áng mây

Trong đêm khuya tĩnh mịch nghe tiếng chim cuốc (chim Đỗ Quyên) kêu não nề

Tiếng quạ kêu khóc mẹ khiến đứa trẻ mồ côi rơi lệ

Tiếng đàn Độc Huyền nỉ non như tiếng khóc trong đêm.

Tiếng đàn não ruột, lời thơ ai oán càng khiến cho lòng người tê tái hơn thêm. Nghĩ đến bước đường bôn ba phía trước, thương cho tấm thân già nua của ngoại chỉ vì một cô gái bạc phận như mình mà phải lao đao, nàng chợt nảy sinh một quyết định. Nàng bèn ôm đàn vào trong, chuẩn bị mọi thứ rồi tắt hết đèn như đã đi ngủ. Nàng leo lên giường, quì gối hướng về phòng ông ngoại lạy bốn lạy, xong ngước mặt lên trời lâm râm khấn vái cùng linh hồn cha mẹ và người anh thất lạc:

- Cha mẹ có hiển linh xin tha thứ cho con lại phải quyên sinh thân xác này lần nữa. Vĩnh biệt anh hai, vĩnh biệt ngoại.

Khấn xong nàng trút cả chung độc dược vừa pha sẵn vào miệng rồi nằm ngay ngắn trên giường chờ đợi tử thần đến rước đi. Đêm đó, Tôn Thất Dục sau khi cùng người lão bộc trung thành là Ân Phúc thu dọn hành lý và của cải xong cũng đã thấm mệt định lên giường ngủ. Chợt nghe thấy tiếng đàn của Quỳnh Như cùng bài thơ nàng ngâm thì lòng ông khôn xiết thương cảm cho cô cháu gái bạc phận này. Ông nằm nhắm mắt mơ màng, trằn trọc mãi không ngủ được, trong bụng lại nóng nảy khó chịu không yên. Trăn trở xoay người làm sao lại khiến cái giá đèn trên bàn rơi xuống đất bể nát. Ông bèn trở dậy gieo một quẻ Mai Hoa dịch số, dùng cái giá đèn bể làm tượng để xem kiết hung cho chuyến bôn đào ngày mai. Quẻ gieo được là quẻ đại hung, có tượng của tang môn, chủ chết chóc. Ông giật mình vội vàng vừa chạy sang phòng Quỳnh Như vừa kêu Ân Phúc. Cửa phòng đóng chặt, hai người đập cửa gọi to mà vẫn không thấy Quỳnh Như trả lời. Tôn Thất Dục biết chuyện chẳng lành liền bảo Ân Phúc lấy búa phá cửa xông vào. Cả hai nhìn thấy cảnh tượng trong phòng thì giật mình kinh hãi. Quỳnh Như sắc mặt bầm đen nằm chết trên giường, bên cạnh là ly độc dược đã cạn nằm lăn lóc. Tôn Thất Dục vội vã bắt mạch nơi cổ tay nàng, lại áp tai nghe nhịp tim thì thấy mạch vẫn còn đập nhưng rất yếu. Ông vội bảo Ân Phúc chạy đến phòng thuốc mang rương thuốc sang, sau đó vạch miệng Quỳnh Như cố nhét một viên Tỵ độc hoàn và một viên Tục mệnh nguyên đơn vào rồi đổ nước cho trôi xuống. Ông lại dùng kim châm châm vào các đại huyệt trên người nàng để kích thích cho máu huyết lưu thông, gia tăng khả năng hô hấp và giúp thuốc tống khứ chất độc ra ngoài.

Cấp cứu xong, ông cùng Ân Phúc hồi hộp ngồi chờ kết quả. Hai canh giờ đằng đẵng chậm chạp trôi qua, Quỳnh Như bỗng trở mình tỉnh dậy rồi nôn thốc tháo một thứ nước màu đen rất khó ngửi ra bên giường. Tôn Thất Dục chắp tay ngước mặt lên trời lâm râm tạ ơn:

- Tạ ơn Trời Phật đã phù hộ. Như vậy là cơn nguy hiểm đã qua được rồi.

Ân Phúc vội vàng dùng khăn ướt lau sạch thứ nước bẩn đi, Tôn Thất Dục mang lại cho nàng một ly thuốc đã pha sẵn. Ông đỡ nàng ngồi dậy nói:

- Con mau uống chén thuốc này đi. Sao lại có thể làm chuyện điên rồ như vậy được chứ?

Quỳnh Như hé mắt thấy ông thì hỏi nhỏ:

- Con chưa chết à? Ngoại lại cứu con nữa phải không?

Tôn Thất Dục rơi lệ nói:

- Đừng hỏi gì cả, mau uống thuốc đi đã.

Quỳnh Như uống cạn chén thuốc. Ông đỡ nàng nằm xuống trở lại nói:

- Con đừng suy nghĩ vớ vẩn nữa. Hãy nghỉ ngơi cho mau hồi sức. Con có biết là con đã làm cho ta sợ hãi đến mức nào không?

Quỳnh Như thều thào nói:

- Con xin lỗi đã làm ngoại lo lắng. Con chỉ muốn chết đi cho rảnh nợ trần để mọi người khỏi liên lụy vì khổ mạng của con.

- Khờ quá! Đừng bao giờ nghĩ quấy như thế nữa. Con có mệnh hệ nào, ngoại cũng không sống nổi đâu.

Hai hàng nước mắt của Quỳnh Như lại chảy ra. Nàng khóc vì tấm lòng cao cả của ông ngoại nuôi đã già nua, bạc tóc này. Nàng nói:

- Dạ, con không tự vận nữa đâu, con sẽ ráng sống để phụng dưỡng ngoại đến cuối đời.

Ông gạt lệ mỉm cười:

- Vậy mới là cháu ngoan của ngoại. Thôi con nhắm mắt ráng ngủ một lúc đi. Thức dậy Ân Phúc sẽ nấu cháo sâm đỡ dạ.

Hôm sau đó, Thái Sinh đúng hẹn trở lại gặp Tôn Thất Dục. Thất Dục bèn đem việc Quỳnh Như uống thuốc độc tự tử kể cho Thái Sinh nghe, lại dắt Thái Sinh vào phòng Quỳnh Như thăm bệnh để chứng thực lời nói của mình. Lúc trở ra ông nói:

- Ngài trở về bẩm lại với quan ngoại tả đợi thêm dăm hôm nữa cho cháu khỏe lại, tôi sẽ nói chuyện với nó rồi thông báo cho ngài hay.

Thái Sinh không biết nói sao đành cáo từ ra về. Phần Quỳnh Như, vì may mắn được chữa chạy ngay sau khi uống độc dược không lâu, lại được chăm sóc tẩm bổ kỹ càng nên bốn ngày sau nàng đã bình phục hẳn. Đêm đó, nhằm lúc trăng chưa mọc, trời tối đen như mực, hai ông cháu tay nải gọn gàng lẻn xuống thuyền bên bờ Hương Giang xuôi mái về phá Tam Giang rồi lên thuyền lớn ra cửa Tư Dung vượt biển vào cửa Cách Thử. Họ đổi họ thay tên, ông là Vũ Đức, cháu là Vũ Đoan Trang, chọn một khu đất trên triền núi bên bờ biển vắng, thuê dân địa phương khai phá, dựng một căn nhà trúc cạnh dòng suối để sống những ngày tháng ẩn dật, vui thú lâm tuyền, trồng thuốc rồi chế biến dược thảo cứu giúp dân chúng quanh vùng.

***

Nói về Thái Sinh, hắn chờ đã bảy ngày mà vẫn chưa thấy Tôn Thất Dục phúc đáp nên liền trở lại để hỏi thăm. Ân Phúc cho biết ông cháu Tôn Thất Dục đã bỏ đi từ ba bốn ngày nay không thấy trở về. Thái Sinh nghe tin cả kinh vội vàng chạy đến báo cho Trương Phúc Loan hay. Phúc Loan liền ra lệnh cho vệ binh lùng tìm nhưng vô vọng. Rồi nhân việc Võ vương bệnh đã trầm trọng đến mức các ngự y đều đã bó tay, các quan phải họp lại lo tờ di chiếu về việc truyền ngôi kế vị nên cũng đành gác bỏ chuyện Tôn Thất Dục qua một bên.

Hôm đó, quanh giường của Võ vương có mặt đầy đủ các quan đại thần trong triều như ngoại tả thái phó Trương Phúc Loan, thái giám Chử Đức, chưởng doanh Nguyễn Cửu Thống, chưởng dinh đạo Quảng Nam Nguyễn Hoãn cùng lại bộ Nguyễn Nghiễm là hai người anh của công nương Ngọc Cầu, chưởng cơ Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Phúc Đạm, hộ bộ Thái Sinh, nội hữu Trương Văn Hạnh... Võ vương nhìn thấy bá quan có mặt đông đủ nên thều thào nói:

- Mạng ta đã sắp dứt, cả hai thế tử Phúc Chương và Phúc Hiệu đều đã lần lượt chết đi, nay ta muốn truyền ngôi báu lại cho con thứ hai của ta là Chương Võ, các khanh hãy vì ta mà phò trợ Chương Võ để giữ vững cơ nghiệp này.

Phúc Loan bấy lâu nay đã sắp sẵn kế hoạch cho giờ phút này nên vội lên tiếng trước:

- Hoàng tử Chương Võ là người thông tuệ, lại được Ý Đức hầu giáo huấn nên chúa thượng chọn hoàng tử là điều chúng thần hằng mong đợi. Chúng thần xin vì Vương thượng mà ra sức phò tá hoàng tử, quyết một dạ trung thành.

Võ vương nở nụ cười mãn nguyện trên môi, nói qua hơi thở:

- Cả thái phó cũng đồng ý thì ta có thể an tâm nhắm mắt rồi. Mọi việc về sau các khanh hãy cùng nhau bàn bạc mà làm.

Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh vội nói:

- Đã thế xin Vương thượng cho lập di chiếu để chúng thần theo đó mà hành sự.

Nhưng Võ vương đã mệt quá, nhắm mắt lại ngủ thiếp đi. Thái giám Chử Đức nói:

- Mời các quan ra ngoài, đừng làm rộn lên, để cho Vương thượng nghỉ ngơi. Việc làm di chiếu đợi lúc Vương thượng tỉnh lại sẽ tính sau.

Các quan ai nấy đều tưởng việc chọn lập thế tử truyền ngôi sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng khi nghe quan ngoại tả cũng đồng ý với Võ vương về việc lập hoàng tử Chương Võ thì tất cả thở phào nhẹ nhõm. Ra đến bên ngoài, Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh chắp tay nói với Trương Phúc Loan:

- Hôm nay được nghe ý kiến của quan ngoại tả khiến lòng tôi hân hoan vô cùng. Vậy là mọi chuyện đều êm xuôi. Chỉ mong Vương thượng có thể nhờ ơn phước của các đấng tiên vương phù hộ mà chóng bình phục trở lại thì thật là điều đại phúc cho toàn dân Đàng Trong này vậy.

Phúc Loan cười nói:

- Nội hữu nói quá lời rồi. Tôi cũng chỉ vì sự an nguy của xã tắc mà thôi.

Các quan cáo từ ra về, Phúc Loan ra dấu cho Nguyễn Cửu Thống, Thái Sinh và Chử Đức ở lại để họp bàn. Còn bốn người, Cửu Thống hỏi:

- Sao lúc nãy ngoại tả lại đồng ý với vương thượng về việc lập thế tử Chương Võ Nguyễn Phúc Luân lên ngôi kế vị vậy? Phúc Luân là người thông tuệ, đang giữ chức chưởng cơ, lại thường tham dự triều chính, nếu được kế vị thì chúng ta sẽ bị bó chân cột tay hết cả.

Hộ bộ Thái Sinh cũng lấy làm lạ nói:

- Lúc nãy tôi cũng hết sức ngạc nhiên nhưng nghĩ ắt ngài ngoại tả đã có tính toán riêng nên không dám lên tiếng.

Phúc Loan nháy mắt với Chử Đức xong mỉm cười nói:

- Trước mặt bá quan tôi dại gì mà lên tiếng phản đối để sinh thêm lắm chuyện phiền phức. Nhưng mà tôi hỏi các ông, nếu không chọn Phúc Luân thì các ông có ý định chọn ai?

Chử Đức nói:

- Thái tử Nguyễn Phúc Hiệu có người con nhỏ là Nguyễn Phúc Dương, theo luật chính thống ta nên chọn Phúc Dương lên kế vị.

Phúc Loan nhìn Cửu Thống:

- Còn ý của ông thì sao?

Cửu Thống đáp:

- Tôi không đồng ý với quan thái giám vì Võ Vương còn có hoàng tử mà, đâu đã đến lượt hoàng tôn. Trong các hoàng tử, tôi thấy chỉ có hoàng tử thứ mười sáu Nguyễn Phúc Thuần là hợp hơn cả. Hoàng tử là con của công nương Ngọc Cầu, người được Vương thượng sủng ái nhất, lại là con gái nuôi của ngoại tả, nếu đưa được Phúc Thuần lên ngôi báu thì còn ai có thể cản trở được công việc của chúng ta.

Phúc Loan mỉm cười hỏi Thái Sinh:

- Ý kiến của ông thế nào?

Thái Sinh cười nịnh:

- Hạ chức cũng tán thành cao kiến của ngài cai cơ, đồng ý phù trợ cho hoàng tử Phúc Thuần.

Phúc Loan bây giờ mới cười ha hả nói:

- Vậy là ý của các ông rất hợp với ý của tôi. Ông Chử Đức là thiểu số nên phải phục tùng đa số. Việc thay đổi di chiếu giao cho Chử Đức lo liệu, ông Cửu Thống chuẩn bị binh mã để thị uy bá quan. Ngày Vương thượng băng hà, ta sẽ tuyên đọc di chiếu, kẻ nào lên tiếng phản kháng, ông cứ bắt hết cho ta.

Thật ra lúc nãy Chử Đức nói thế là đánh lạc hướng cho hai người kia tưởng lầm giữa hắn và quan ngoại tả không có sắp đặt âm mưu trước mà thôi. Thống nhất xong kế hoạch, ba người rời cấm cung ra về, chỉ còn thái giám Chử Đức ở lại hầu hạ Võ Vương.

Sáng sớm hôm sau có tin từ thẩm cung loan ra, Võ vương đã băng hà. Đó là tối mồng ba, sáng mồng bốn tháng năm, năm Ất Dậu 1765, nhằm năm Cảnh Hưng thứ 26 đời vua Lê Hiển Tông. Võ vương hưởng dương 52 tuổi, tại vị được 27 năm. Bá quan hay tin đều vội vã vào triều phục tang. Nhân vì trong nước không thể một ngày không có vua nên các vị trọng thần liền đem việc kế vị ra bàn thảo. Ý Đức hầu đem lời di mệnh của Võ vương hôm trước nói lại cho bá quan nghe, đề nghị bá quan ủng hộ hoàng tử Chương Võ lên ngôi nhưng Trương Phúc Loan đã bước ra, cầm tờ di chiếu trên tay nói:

- Hôm qua Vương thượng có nói là sẽ chọn hoàng tử Chương Võ nối ngôi nhưng sau đó đã thay đổi quyết định và lập tờ di chiếu này. Vì lúc đó người đã quá suy nhược nên lời di chiếu rất ngắn gọn và chính tay người đã cố gắng tự đóng ấn ngọc vào đây bằng tất cả những sức lực cuối cùng. Tôi xin thay mặt để tuyên đọc di chiếu, bá quan nghe đây.

Bá quan vội vàng phủ phục tung hô vạn tuế rồi im lặng lắng nghe. Phúc Loan dõng dạc đọc lớn: “Trước lúc lâm chung trẫm đã suy nghĩ kỹ lại, muốn lập hoàng tử thứ mười sáu là Phúc Thuần lên ngôi kế vị, mong bá quan ra sức phù trợ tân vương để xã tắc được vững bền. Nay chiếu!”

Phúc Loan tuyên đọc xong thì vài người đã lên tiếng phản đối. Ý Đức hầu giận dữ lớn tiếng:

- Không thể như thế được! Hôm qua chính miệng vương thượng đã nói là muốn lập hoàng tử Chương Võ lên kế vị, đâu có thể nào chỉ trong một đêm mà ngài lại thay đổi ý định, lập nên tờ di chiếu này được.

Phúc Loan giơ tờ di chiếu trong tay ra nạt lớn:

- Ý Đức hầu muốn tạo phản hay sao? Tờ di chiếu còn sờ sờ đây, chính tay vương thượng đã đóng ngọc tỷ vào mà còn sai sao được?

Ý Đức hầu vẫn kiến quyết phản đối, ông nắm tay hoàng tử Chương Võ kéo lên bệ rồng tuyên bố lớn:

- Thế tử Chương Võ đã được chính miệng vương thượng truyền ngôi, tôi phản đối việc thay đổi di chiếu. Các quan hãy cùng tôi tôn phò thế tử Chương Võ lên ngôi.

Nói xong ông dắt Chương Võ đến ngồi lên ngai vàng. Phúc Loan nổi giận hét lớn:

- Các ngươi định tạo phản, dám trái với di mệnh của tiên vương hay sao? Tả hữu đâu, bắt hết bọn phản nghịch này cho ta!

Tức thì bọn tả hữu đã được Nguyễn Cửu Thống dàn chờ sẵn liền hò nhau xông vào bắt Ý Đức hầu và hoàng tử Chương Võ. Phúc Loan ra lệnh:

- Đem nhốt chúng vào ngục thất, chờ tân vương khánh điển xong sẽ phán xử.

Cửu Thống nghe lệnh bèn đích thân giải hai người giam vào ngục tối. Phúc Loan nhìn bá quan hỏi lớn:

- Việc lập tân vương còn có ai phản đối nữa không?

Bá quan thấy bè lũ của Phúc Loan đã sắp đặt sẵn mọi việc, biết có phản đối cũng chẳng được gì lại còn chuốc họa vào thân nên đồng thanh nói:

- Đã có di chiếu thì chúng ta cứ tuân theo đó mà thi hành.

Phúc Loan bèn cho người mời Nguyễn Phúc Thuần ra rồi đưa lên ngai vàng. Hắn lớn tiếng tuyên đọc lại chiếu chỉ một lần nữa, tôn Phúc Thuần lên ngôi, hiệu là Định vương Duệ Tôn, lúc ấy mới có 12 tuổi. Bá quan cùng nhau phục lạy tung hô vạn tuế. Việc phế lập như vậy là đã xong.

Định Vương lên ngôi, truyền đem an táng Võ vương ở núi Lại Khê, xây lăng Trường Thái và truy tôn là Thế Tông Hiếu Võ Hoàng Đế. Bá quan thấy Định vương còn nhỏ tuổi nên cùng nhau tôn Trương Phúc Loan lên làm Quốc phó, giữ chức nhiếp chính để giúp Định vương trị nước.

Phúc Loan từ đó quyền uy át cả phủ Chúa, trong triều trước mặt Định vương dám ngồi gác chân lên ghế mà chẳng ai dám lên tiếng. Quyền hành nắm gọn trong tay, việc trước tiên, Phúc Loan tìm cách tiêu diệt hết những quan lại chống đối mình. Cho người vào ngục giết Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh, lại cho lùng bắt những tay chân, bộ thuộc của ông ta.

Phần hoàng tử Chương Võ Nguyễn Phúc Luân bị giam trong ngục, vì quá uất ức nên sanh bệnh nặng, lúc được tha về nhà thì chết, thọ ba mươi tuổi. Lúc này, người con thứ ba của ông ta là Nguyễn Phúc Ánh (sau là Vua Gia Long) mới được bốn tuổi.

Dọn được những chướng ngại rồi Phúc Loan lại thuyết phục Định vương hạ chỉ giao cho ông ta coi sóc rất nhiều nhiệm vụ và được hưởng rất nhiều đặc ân, đặc quyền như chưởng quản cả Hộ bộ lẫn Trung tượng cơ kiêm tàu vụ, hưởng lợi từ các nguồn thu ở Lệ Nguyên, Thu Bồn, Trà Sơn, Trà Vân, Đồng Hương để làm ngụ lộc. Trung bình hàng năm, các nguồn lợi Phúc Loan được hưởng đã mang về cho ông ta vài chục vạn quan tiền. Của cải của ông ta chất cao như núi, vàng ngọc chứa đầy nhà. Có lần dinh thự của ông ta ở Phấn Dương bị ngập lụt, vàng bạc không dọn kịp bị ướt, sau đó được đem ra phơi đầy cả sân, sáng chói một vùng.

Việc đời như người xưa vẫn nói: “Thượng bất chính, hạ tất loạn”. Trong triều ngài Quốc phó chuyên quyền, vơ vét tiền của phủ Chúa thì bên ngoài, đám thủ hạ tay chân cũng mặc sức tham ô vơ vét của dân lành. Cả một dải giang san từ sông Gianh đến tận miền Nam xa xôi, đâu đâu cũng nghe tiếng rên siết bởi những bất công do quan quyền hà khắc, áp chế. Tình trạng nghèo đói lan tràn khắp nơi.