Én Liệng Truông Mây - Hồi 33 - Phần 4
Hai người ngồi trên lưng con Ô Truy tìm đến bờ sông nơi có thuyền của bang Hành Khất. Đó là một chiếc thuyền câu khá lớn đang thả lưới ven bờ. Tiểu Phi hú nhỏ mấy tiếng, chiếc thuyền từ từ chèo đến. Người đánh cá trên thuyền trông thấy Tiểu Phi bị thương thì hốt hoảng hỏi:
- Ái chà! Tiểu chủ bị thương à? Có nguy hiểm không? Mau xuống thuyền đi.
Trần Lâm bế Tiểu Phi nhảy xuống ngựa rồi lên thuyền. Con Ô Truy cũng theo sau chủ nó. Người ngư phủ vừa chèo thuyền vừa nói:
- Cảm ơn hiệp sĩ đã cứu tiểu chủ. Là bọn nào mà có thể đả thương được tiểu chủ vậy?
Trần Lâm đáp:
- Bọn vệ sĩ trong tử cấm thành.
- Chết chửa! Tiểu chủ vào tử cấm thành à? Bang chủ đã căn dặn không nên khinh suất vào nơi ấy mà. Chà! Thế nào tiểu chủ cũng sẽ bị người quở trách.
Trần Lâm ôn tồn:
- Là lỗi của tôi. Phi đệ chỉ muốn giúp tôi mà thôi. Xin huynh đài nói hộ với bang chủ một tiếng để Phi đệ khỏi bị khiển trách.
Người ngư phủ gật gù, tay chèo nhanh hơn:
- Ra là thế. Xin hỏi hiệp sĩ thuộc lộ nào? Có thể cho biết quí danh để tiện xưng hô?
Tiểu Phi lên tiếng trả lời thay Trần Lâm:
- Huynh ấy là Trần Lâm của Truông Mây.
Người ngư phủ giật mình:
- Thì ra là Nhất điểm hồng Lâm hiệp sĩ. Danh tiếng Đông Bạch Long – Tây Hắc Hổ lẫy lừng nam bắc. Hạnh ngộ, hạnh ngộ!
Ông ta kính cẩn cúi chào. Trần Lâm cũng xá chào đáp lễ và nói:
- Không dám, chỉ là thiên hạ phóng đại lên thôi.
- Không phóng đại đâu. Hiệp danh của hiệp sĩ lẫy lừng đó là điều thật như một với một là hai vậy.
Chiếc thuyền cập vào một nơi thật kín đáo ở bờ bên kia. Người ngư phủ huýt mấy tiếng sáo. Từ xa, trong khu rừng rậm bỗng nghe có tiếng huýt sáo đáp lại. Lúc sau đã xuất hiện bốn người thanh niên ăn mặc theo lối nông dân. Người ngư phủ nói lớn:
- Anh em mau đưa tiểu chủ về phân đà, người đã bị thương. Còn đây là Tiểu Bạch Long Lâm hiệp sĩ, anh em tiếp đãi cho tử tế nhé.
Bọn ăn mày vâng dạ cúi chào Trần Lâm rồi hai tên đỡ Tiểu Phi khiêng đi. Phân đà nằm khuất trong một vườn cây như những ngôi nhà bình thường ở những trang trại miền nông thôn. Hai tên ăn mày cẩn thận đặt Tiểu Phi lên giường. Một tên trong bọn lên tiếng:
- Tiểu chủ bị thương có nặng lắm không? Kẻ nào mà đả thương được tiểu chủ quả thật có bản lãnh lớn.
Tiểu Phi trả lời:
- Ta không sao, Trương Tâm. Các ngươi lo tiếp đãi Lâm đại ca đi. Anh ấy cũng mệt lắm rồi.
Trương Tâm vâng dạ rồi quay sang Trần Lâm:
- Chắc hiệp sĩ cũng đã đói. Chúng tôi có ít thức ăn của bọn ăn mày, nếu hiệp sĩ không chê thì chúng tôi xin phép mời người dùng đỡ dạ rồi nghỉ ngơi. Bộ y phục của hiệp sĩ đã dính đầy máu, hiệp sĩ nên thay ra để chúng tôi giặt tẩy nó đi. Ở cái xứ Phú Xuân này, ra đường với y phục như thế sẽ bị rắc rối lớn, đặc biệt là sau những lần tử cấm thành có người đột nhập. Ngực của Lâm hiệp sĩ cũng bị thương à?
Trần Lâm nghe nói liền cười, trả lời luôn một lúc hai ba câu hỏi của hắn:
- Không hề gì, chỉ là vết đâm ngoài da thôi, tôi sẽ băng thuốc sau. Tôi lang thang từ thuở bé, bữa đói bữa no, chưa bao giờ chê loại thức ăn nào trong thiên hạ cả. Còn đây chỉ là bộ đồ dạ hành, cứ vứt bỏ đi là xong.
Trương Tâm vội nói:
- Vậy thì hiệp sĩ vào đây thay y phục đi, chúng tôi sẽ mang thức ăn lên cho hai người. Tiểu chủ ăn cháo nhé? Tôi bảo ông Thuận nấu cho tiểu chủ.
Tiểu Phi cười:
- Ta không sao, vẫn ăn uống bình thường được.
Trương Tâm đưa Trần Lâm vào trong thay quần áo và rửa mặt. Xong, hắn cùng mấy tên khác chạy đi lo thức ăn. Một lúc sau, Trần Lâm trở ra với bộ y phục trắng cố hữu, chàng đến chiếc giường đối diện với chỗ Tiểu Phi nằm, ngồi xuống và nhắm mắt dưỡng thần. Độ cạn tuần trà thì bọn Trương Tâm mang thức ăn lên bày trên chiếc bàn nơi cửa sổ. Hắn lên tiếng:
- Mời Lâm hiệp sĩ và tiểu chủ. Tiểu chủ ngồi dậy được chứ?
Tiểu Phi và Trần Lâm mở mắt. Tiểu Phi nói:
- Được.
Trương Tâm vội đỡ Tiểu Phi dậy rồi dìu đến bàn. Trần Lâm cũng bước đến ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Thức ăn nấu theo kiểu thôn quê còn nóng hổi, bốc mùi thơm phức. Trần Lâm tấm tắc khen:
- Chà, thơm quá! Cơm hến với rau thơm, bắp chuối, cọng bạc hà thái nhỏ, mắm me, đậu phộng giã, nước mắm tỏi ớt và ruốc sống. Lại có thêm hoa thiên lý xào và ốc bưu um chuối chát với rau răm nữa. Những món này dù cao lương mỹ vị cũng không ngon bằng. Còn hũ rượu làng Chuồn này nữa, thật đúng là phong vị của Hương Trà. Mấy anh em cùng ăn với chúng tôi chứ?
Trương Tâm cười:
- Lâm hiệp sĩ thật sành về những món ăn ở miệt Hương Trà này, nhận ra được từng chi tiết nhỏ của các gia vị.
- Tuổi thơ tôi lớn lên ở vùng Hương Trà này. Tuy xa cách đã lâu nhưng hương vị quê nhà không thể nào quên được.
Trương Tâm vui vẻ:
- Ra là thế. Hiệp sĩ dùng tự nhiên đi. Anh em chúng tôi đã ăn rồi.
Trần Lâm và Tiểu Phi cùng nhau ăn cơm. Bữa ăn dân dã thật là ngon miệng. Trần Lâm lên tiếng:
- Đệ thấy trong người thế nào? Huynh thật nóng ruột về việc Truông Mây. Nếu trưa nay vết thương của đệ không có biến chứng gì thì huynh sẽ lên đường trở về trong đó gấp.
Tiểu Phi nâng ly rượu lên nói:
- Đệ cảm thấy rất ổn, Lâm huynh khỏi phải bận tâm, cứ lo việc lớn trước đi. Đợi đệ bình phục, thế nào cũng sẽ tìm vào Truông Mây giúp huynh một tay.
- Đệ không nên miễn cưỡng mà trái ý cha mình. Huynh tin rằng Truông Mây sẽ đứng vững được trong thiên hạ và sẽ đem lại cơm no áo ấm cho muôn người. Hi vọng một ngày kia huynh sẽ thuyết phục được cha đệ.
Tiểu Phi lộ vẻ buồn nói:
- Nghĩa phụ là nhà cựu nho, cái ý thức trung quân của tầng lớp kẻ sĩ như gia nghĩa phụ thật đã trở thành máu thịt lưu thông trong huyết quản rồi, rất khó mà lay chuyển. Trừ phi huynh đưa ra chiêu bài phụng sự Chúa Nguyễn.
Trần Lâm uống cạn chung rượu Chuồn rồi gật gù:
- Chiêu bài phụng sự chúa Nguyễn... điều này huynh cũng đã ưu tư từ lâu. Cái khó là huynh đệ Truông Mây họ đều là những võ sĩ mang dòng máu hiệp sĩ đạo, mà cái đạo lý của giới hiệp sĩ là trừ ác hành thiện, cứu khốn phò nguy, bênh vực người nghèo khó. Họ bất cần vua hay chúa nếu vua chúa chỉ là bọn tàn bạo làm hại muôn dân như triều đình Phú Xuân và Thăng Long hiện nay vậy.
- Sao huynh không giả trương cái chiêu bài diệt tên Trương Phúc Loan phò Chúa Nguyễn để thu phục kẻ sĩ trong thiên hạ? Bang Hành Khất thành lập cũng với mục đích này.
- Rồi sau đó thì sao? Chúng ta sẽ cúi đầu cung phụng cho những tên vua chúa chỉ biết ăn chơi dâm dật ấy à? Hay là trở mặt với đám kẻ sĩ vừa bị mình lừa gạt? Sự tráo trở không phải là đạo lý của hiệp sĩ đạo. Anh em ở Truông Mây đã từng phản đối huynh chuyện này.
- Đạo lý của đấu tranh là binh bất yếm trá, ngộ biến tùng quyền. Thắng cuộc trước đã thì mới có cơ hội phát huy cái đạo lý của mình, mới có cơ hội chứng minh cho thiên hạ biết. Điều quan trọng là kẻ chiến thắng đừng để hào quang làm mờ mắt rồi bỏ mất cái đạo lý ban đầu lúc hàn vi.
Trần Lâm vỗ tay tán thưởng:
- Nói hay lắm! Cảm ơn đệ. Hi vọng đại ca và anh em Truông Mây chấp nhận cái đạo lý uyển chuyển này.
Tiểu Phi phì cười, mặt hơi đỏ lên:
- Lâm huynh đừng có khen đệ như thế. Đệ chỉ là góp nhặt chút cặn bã của người xưa thôi. Biết đâu nếu đệ là kẻ chiến thắng cuối cùng, đệ chẳng thay lòng đổi dạ mà lăn theo vết xe đổ của kẻ mà mình vừa mới hất xuống? Riêng với huynh, đệ tin chắc huynh sẽ làm được.
- Đệ dựa vào đâu mà nói như thế?
- Dựa vào nghi biểu, tính cách, sự quyết tâm và lòng thương người của huynh.
Đến lượt Trần Lâm đỏ mặt:
- Nghe đệ khen làm huynh muốn bay bổng lên trời rồi đây này. Dù sao cũng cảm ơn đệ đã có suy nghĩ tốt về huynh. Huynh sẽ cố gắng. Truông Mây sẽ cố gắng.
Trần Lâm rót đầy hai ly rượu nói:
- Chúng ta cạn ly này rồi chia tay. Hi vọng gặp lại đệ một ngày nào đó. Nhưng để huynh coi lại vết thương cho đệ trước đã.
Cả hai cụng ly rồi uống cạn. Giọng Tiểu Phi buồn buồn:
- Có thể ngày chúng ta gặp lại sẽ không lâu đâu. Hà! Thiên hạ nói kẻ đi lại trong giang hồ mà chưa gặp qua chàng Lía thì chưa xứng danh hiệp sĩ. Đệ thật sự hâm mộ và cũng muốn gặp đại ca của huynh một lần.
- Thiên hạ tuy nói có hơi quá nhưng đại ca thật là một hiệp sĩ chân chính.
Trần Lâm đưa Tiểu Phi trở lại giường nằm, cởi áo, tháo băng ra xem xét vết thương. Vết thương đã khô máu và không còn triệu chứng gì là đã bị trúng độc. Chàng lau sạch vết thương để thay thuốc mới vào. Nhưng có một vết đỏ kế bên miệng vết thương, Trần Lâm lau mãi không sạch, nhìn kỹ mới biết đó là cái bớt son. Chàng hỏi:
- Ngực của đệ có cái bớt son đỏ đẹp quá. Suýt nữa thì nó đã bị nhát kiếm đâm trúng phá hủy rồi.
Tiểu Phi cười:
- Ừ, đó là dấu tích đặc biệt từ bé của đệ đó. Nghĩa phụ nói nhờ nó mà hi vọng đệ sẽ tìm lại được lai lịch của mình. Hà hà... gần hai mươi năm rồi đệ chỉ nhìn nó để chơi thôi.
Trần Lâm chợt nhớ đến câu chuyện của người thiếu phụ ở Cù lao Phố, chàng giật nảy người hỏi:
- Hôm trước đệ nói là cha đệ đã nhặt được đệ ở đâu về?
Tiểu Phi ngạc nhiên hỏi lại:
- Có gì mà huynh giật mình hốt hoảng quá vậy?
Trần Lâm giục:
- Đệ nói mau đi. Cha đệ đã tìm thấy đệ ở đâu?
- Nghĩa phụ nói người nhặt được đệ ở Trấn Biên khi mà tên Giản Phố đại vương gì gì đó nổi loạn giết chết quan Trấn thủ Nguyễn Cư Cẩn, chiếm cứ Cù lao Phố.
Trần Lâm vỗ tay đánh bốp một tiếng reo lên:
- Vậy là đúng rồi! Đến tám chín phần mười là đúng rồi!
- Lâm huynh nói đúng nhưng cái gì đúng mới được chứ?
Trần Lâm tươi sắc mặt nói:
- Là thân thế của đệ đó. Huynh có linh cảm điều này là sự thật. Sự thật chính xác.
Tiểu Phi nôn nóng giục:
- Là thân thế của đệ à? Chuyện đó ra sao? Nói mau cho đệ nghe đi.
Trần Lâm bèn đem chuyện mình bị thương rồi gặp người thiếu phụ tên Võ Lệ Chi, vợ môn chủ Diệp Hồng Sanh của Kim Cương môn kể lại cho Tiểu Phi nghe. Cuối cùng chàng nói:
- Thiếu phụ đó nói tên của đứa con trai bị thất lạc trong cuộc biến loạn là Nguyễn Chính Tâm, vì ngay trái tim của đứa bé có một vết son đỏ giống như của đệ vậy. Nếu đó là sự thật thì đệ chính là con của Cẩn Thành hầu Nguyễn Cư Cẩn, vị cai đội giữ binh quyền trấn thủ Trấn Biên ngày xưa và thiếu phụ Võ Lệ Chi đó.
Tiểu Phi nghe nói bỗng toát mồ hôi ướt đẫm. Gần hai mươi năm kỳ vọng tìm lại thân thế, gia đình, giờ đã có chút manh mối khiến chàng thấy vừa mừng vừa lo. Chàng hỏi gấp:
- Lâm huynh có biết hiện giờ người thiếu phụ và cô con gái ấy ở đâu không?
Trần Lâm buồn bã nói:
- Trước khi trở lại Quy Nhơn, huynh có ghé ngôi nhà đó để thăm họ nhưng hai mẹ con họ đã bỏ đi rồi, không biết về đâu.
Tiểu Phi nhổm người dậy:
- Họ bỏ đi rồi à? Không biết đi về đâu sao?
- Đúng vậy. Sau khi Diệp Hồng Sanh chết, họ đã bỏ đi.
- Đã có chút hi vọng này thì dù góc bể chân trời đệ cũng phải tìm ra họ cho bằng được. Chờ nghĩa phụ về đệ sẽ báo lại cho người rồi lập tức đi tìm.
Trần Lâm khuyến khích:
- Đệ đi là phải. Chúc đệ sớm tìm lại được người thân. Vết thương của đệ không sao rồi. Giờ huynh phải lên đường, đệ ở lại bình an nhé. May mắn.
Tiểu Phi bước xuống giường nắm tay Trần Lâm nói:
- Cảm ơn Lâm huynh đã cho đệ biết tin này. Trở về Truông Mây mọi việc nên cẩn trọng. Trên đường vào Nam, đệ nhất định sẽ ghé thăm. Quyết định vậy đi.
- Phi đệ cũng bảo trọng. Hẹn gặp lại!
Tiểu Phi gọi lớn vào trong:
- Anh Trương Tâm, anh tiễn Lâm huynh sang sông hộ tôi nhé.
Trương Tâm từ phía sau chạy ra nói:
- Dạ, tiểu chủ. Mời Lâm hiệp sĩ theo tôi.
Hắn đưa Trần Lâm ra bờ sông rồi chui vào một bụi rậm. Lát sau, hắn chèo một chiếc thuyền câu đến cập vào bờ. Hắn nói vọng lên:
- Mời Lâm hiệp sĩ đưa con ngựa xuống đây.
Trần Lâm liền dắt con Ô Truy xuống thuyền. Trương Tâm khởi động mái chèo, con thuyền rẽ nước sang bên kia bờ Hương Giang. Sông Hương phong cảnh hữu tình nhưng lòng Trần Lâm như lửa đốt, không còn chút hứng thú ngoạn cảnh. Thuyền cập bến, chàng cảm ơn Trương Tâm rồi dắt con Ô Truy lên bờ, phóng lên lưng ngựa. Con Ô Truy như cũng nôn nóng trở về rừng núi Truông Mây, nó hí lộng lên một tiếng rồi cất tung bốn vó phóng đi như tên bắn, chỉ chớp mắt mà bóng nó đã mất hút nơi chân trời. Trương Tâm nhìn theo đám bụi mờ lẩm bẩm:
- Thần mã! Đúng là một con thần mã!