Én Liệng Truông Mây - Hồi 34 - Phần 3
Hôm sau, Lía ra lệnh triệu tập toàn thể đầu lĩnh và nghĩa quân. Sau ba hồi trống lệnh dài, hai ngàn nghĩa quân đã tập hợp đầy đủ ở sân diễn võ, hàng ngũ chỉnh tề, giáo gươm sáng quắc. Toàn sân im phăng phắc không một tiếng động.
Trần Lâm bước ra nói lớn:
- Anh em nghĩa binh nghe đây, hôm nay chúng ta có thêm ba vị đầu lĩnh mới, tôi muốn giới thiệu đến anh em để cùng nhau hội kiến. Người thứ nhất là Thâu Hiệp Đinh Hồng Liệt. Người thứ hai là Thần Toán Tử Lê Trung. Người thứ ba là Tào Sơn Trương Bàng Châu.
Ba người cùng bước ra chào đoàn nghĩa binh. Mọi người đồng thanh nói:
- Chúng tôi xin chào ba vị đầu lĩnh!
Trần Lâm nói tiếp:
- Chúng ta có một chút thay đổi trong thành phần lãnh đạo các đội quân. Anh em hãy nghe sự phân bổ mới.
Lía dõng dạc tuyên bố đầu lĩnh các trại xong nói thêm:
- Trần Lâm sẽ giữ vai trò quân sư cho trại, phụ trách toán thám báo, các toán đặc biệt và kiêm nhiệm cả việc chấp pháp, thi hành kỷ luật. Sự phân phối này có hiệu lực ngay từ lúc này. Tất cả giữ đúng vai trò và nhiệm vụ của mình, ai sai phạm cứ chiếu theo luật xử trị. Tất cả nghe rõ không?
- Nghe rõ! Thưa đầu lĩnh!
Lía nói tiếp:
- Cuộc chiến với quan binh triều đình sắp xảy ra. Mong tất cả anh em chúng ta hãy can đảm và đồng lòng tiêu diệt sạch bọn tham quan ô lại, đem lại cơm no áo ấm, hạnh phúc cho đồng bào và cho cả những người thân của mình. Anh em có đồng ý với tôi không?
- Đồng ý! Thưa đầu lĩnh!
Hơn hai ngàn tiếng hô đồng thanh vang lên làm dấy động cả núi rừng Truông Mây, tạo nên một khí thế thật mạnh mẽ, hào hùng.
Sau đó, Trần Lâm thao diễn quân và thực tập các cách đánh trận cho các đầu lĩnh mới biết. Xong, chàng dẫn giải cho họ nghe về những nguyên tắc điều động quân khi ra chiến trường, tất cả những lý thuyết hành binh bố trận, tiến công, giáp công và rút lui...
Cung Bản Vũ Tùng đứng trên thềm võ trường tấm tắc khen:
- Thật là một đạo quân tinh nhuệ! Kỷ luật và hùng dũng. Quân đội các sứ quân của chúng tôi không được kiêu hùng như thế này.
Lía quay sang nói nhỏ:
- Cảm ơn. Đều do Lâm đệ một tay huấn luyện cả đấy.
Hồng Y Nữ cũng nói theo, giọng nàng tràn đầy sự trìu mến và thán phục:
- Lâm huynh thật là thiên tài!
***
Đêm hôm đó, Trần Lâm đang ngồi trong phòng Lê Trung nói chuyện thì Lía đưa Đại Hồng đến thăm. Mọi người chào hỏi nhau. Đại Hồng gặp lại Lê Trung mừng lắm, nàng nói:
- Chào cậu! Lâu quá không gặp cậu, sức khỏe cậu thế nào? Gặp lại cậu cháu mừng quá. Hay tin cậu lên đây mấy hôm trước, cháu định sang thăm ngay nhưng đại ca nói công việc còn nhiều, vì thế đến hôm nay cháu mới sang chào hỏi cậu được.
Lê Trung cũng vui mừng không kém:
- Gặp cháu ở đây cậu cũng vui vô cùng. Mừng cháu gặp được duyên may. Đáng tiếc là cậu không được uống ly rượu mừng hôm ấy. Thôi hôm nay chúng ta uống bù vậy.
Trần Lâm vội đi lấy bầu rượu và bốn cái ly mang ra rồi rót đầy vào. Lê Trung nâng ly lên nói:
- Chúng ta uống mừng hỉ sự của cháu và Lía. Cậu thay mặt gia đình chúc hai cháu bách niên giai lão.
Nói xong, ông uống cạn. Lía, Đại Hồng và Trần Lâm cũng uống cạn ly rượu của mình. Đại Hồng rưng rưng nước mắt.
- Cháu cảm ơn cậu, giờ thì ít nhất cháu cũng có cậu là người thân ở gần bên.
Trần Lâm lên tiếng:
- Chúc mừng đại ca và đại tẩu lần nữa. Đại ca, đệ có tí chuyện muốn bàn riêng với đại ca, chúng ta ra ngoài kia, để cho thúc phụ và đại tẩu có thời gian hàn huyên.
Lía nói:
- Vậy chúng ta đi. Muội cứ ở đây nói chuyện với cậu, ta sẽ trở lại đón sau.
Hai người đi ra ngoài. Đại Hồng hỏi Lê Trung:
- Lúc này cha cháu thế nào? Công việc làm ăn ra sao? Tiểu Hồng đã hết buồn chưa cậu?
Lê Trung chậm rãi trả lời:
- Công việc lúc này khá trì trệ vì sự khó khăn chung của cả nước, chắc cháu đã biết. Cha cháu dạo này sức khỏe không tốt lắm, lại lo buồn vì công việc nên yếu hẳn đi. Cậu khuyên cha cháu hãy bỏ hết đi, còn bao nhiêu thì cứ an hưởng tuổi già. Cha cháu cũng đồng ý. Nhưng con người suốt đời làm việc như cha cháu, nay phải buông tay cũng không tránh khỏi buồn phiền. Hôm cháu bị bắt đi, cha cháu lo lắm. Cậu nói có Trần Lâm ở đây và tin chắc rằng mọi việc sẽ ổn, lúc đó cha cháu mới hết lo sợ.
Đại Hồng rơi nước mắt nói:
- Tội nghiệp cha cháu, từ lâu chịu sống cô độc chỉ vì muốn vui với con cái, vậy mà thân cháu thì trôi nổi chẳng ra sao, còn Tiểu Hồng lại có ý đi tu. Gia tài sự nghiệp từ từ lụn bại. Tuổi cha ngày càng cao, làm sao chịu đựng được?
Nàng không dằn được lòng nên sụt sùi bật khóc. Lê Trung an ủi:
- Cháu đừng buồn nữa. Nay cháu đã gặp được duyên may, cậu chắc nếu cha cháu biết rõ cũng sẽ mừng cho cháu. Phần Tiểu Hồng, tuy nó muốn đi tu nhưng từ khi thấy cha yếu đi, nó cũng đã lo lắng cho cha hết mực. Cha cháu có nó kề bên nên cũng an ủi lắm.
Đại Hồng lau nước mắt:
- Tiểu Hồng là cô gái trên thế gian này chỉ có một. Đẹp người, đẹp nết lại tài hoa nữa. Không ngờ nó gặp phải cảnh ngộ đắng cay này. Đôi khi cháu không biết mình nên hận ông trời hay hận con người.
- Mỗi người có một phần số riêng, không làm sao hơn được. Chúng ta chấp nhận để vui sống là hay nhất.
Đại Hồng nói với giọng bực tức:
- Người ta thường đem số mạng ra để ve vuốt sự đau khổ và che giấu những sự thật mà do chính con người tạo nên. Định mệnh được dùng như một tấm chắn để che đậy những lỗi lầm của con người mà đáng lẽ ra, những lỗi lầm ấy cần phải được trả giá.
Lê Trung nghe Đại Hồng nói giọng bực tức như thế trong lòng ông cảm thấy rất lo ngại. Ông quá rành cái tính khí cứng rắn đến khinh bạc của cô cháu gái này từ lúc bé nên vội trấn an:
- Cháu hãy bình tĩnh lại, đừng xúc động quá. Cậu thương Tiểu Hồng hơn ai hết trên đời này. Nhưng chúng ta làm sao biết được đâu là sướng đâu là khổ, đâu là phúc đâu là họa.
Đại Hồng cũng biết mình quá lời, nàng lau nước mắt nói nhỏ:
- Cháu xin lỗi cậu, lâu ngày gặp cậu đã không mang lại điều vui mà lại còn đem đến chuyện buồn. Cậu lên đây cha cháu biết không?
- Không. Cậu chỉ xin được nghỉ ngơi để lo một số việc riêng. Công việc cậu đã chuyển giao cho Trần Thiện Phú, người phụ tá bên cạnh cậu bấy lâu nay.
Lúc đó, Lía đã trở lại. Lê Trung hỏi:
- Trần Lâm đâu?
Lía đáp:
- Lâm đệ đang bận tiếp chuyện với Vũ Tùng và Hồng Y Nữ. Hai người trò chuyện vui vẻ chứ?
Đại Hồng cau nhẹ mày hỏi:
- Hồng Y Nữ là ai vậy?
Lê Trung trả lời:
- Cô ta là con gái của môn chủ Thần Quyền Môn ở Cù Lao Phố, Biên Hòa. Trần Lâm có lần theo cậu đã giúp cho Thần Quyền Môn phá tan một âm mưu của Vua Càn Long bên Tàu. Họ là bạn sinh tử của nhau từ lúc đó.
Đại Hồng giọng khó chịu nói:
- Thế à? Thôi, chúng ta về để cậu nghỉ ngơi. Lúc khác cháu qua thăm cậu.
- Ừ, hai cháu về.
Lê Trung nhìn theo dáng Lía và Đại Hồng sóng đôi bên nhau, lòng bỗng dâng lên một niềm cảm xúc khó tả. Ông cố nghĩ xem đó là thứ cảm giác gì nhưng cuối cùng vẫn không thể xác định được chính xác. Vô tình ông buông tiếng thở dài.
***
Ở huyện thành Lại Khánh, từ ngày Nguyễn Khắc Tuyên nhận được lệnh của Phú Xuân hẹn trong vòng ba tháng bằng mọi giá phải dẹp cho được bọn cướp Truông Mây, hắn liền ra lệnh xuống cho quan huyện Hoài Nhơn, lại hẹn trong vòng hai tháng cũng bằng mọi giá phải dẹp xong Truông Mây và nộp đầu của Lía về phủ. Bấy giờ, quan huyện Hoài Nhơn là Trịnh Hiệp Thành. Khi nhận được tin, ông vội cho gọi Trương Độ, tướng chỉ huy binh đội Hoài Nhơn đến để bàn thảo kế hoạch đánh Truông Mây. Độ dẫn viên tùy tướng là Võ Tiến đến huyện sở gặp Hiệp Thành. Thành nói:
- Lệnh từ Phú Xuân của quan Quốc phó và Tuần phủ Quy Nhơn bắt chúng ta trong vòng hai tháng phải tiêu diệt sạch đám cướp Truông Mây và nộp đầu của thằng Lía thủ lĩnh về, ông có kế sách gì không?
Trương Độ đáp:
- Truông Mây mấy năm nay im lặng, chẳng thấy động tịnh gì nên binh lính chúng ta bấy lâu rảnh rỗi, nay muốn ra quân phải cho tôi thời gian khoảng năm ngày để tập luyện trở lại. Tôi dò biết được lực lượng Truông Mây nay đã khá đông, địa thế lại quá hiểm trở, nếu muốn dẹp sạch bọn chúng trong vòng hai tháng, chúng ta cần phải có thêm viện binh. Số lượng một ngàn rưỡi binh sĩ hiện có của ta ở huyện, tôi e không đủ sức thực hiện kịp thời hạn.
Trịnh Hiệp Thành nói:
- Nếu vậy ông tiến hành luyện tập binh sĩ gấp đi, tôi sẽ xin phủ Quy Nhơn gởi thêm viện binh giúp ông.
- Vậy xin ngài tiến hành gấp cho. Nếu được thì bảy đến mười ngày nữa chúng ta sẽ hiệp binh tấn công Truông Mây.
- Tôi sẽ cho người mang thư cầu viện ngay hôm nay. Ông cứ lo việc của ông đi.
Trương Độ và Võ Tiến đứng lên cáo từ ra về. Chiều hôm đó, họ bắt đầu thao luyện binh mã. Năm ngày sau, Trịnh Hiệp Thành báo cho họ biết phủ Quy Nhơn đã gởi thêm một ngàn quân từ huyện Phù Ly do viên tướng trẻ Quách Cung, người đã đoạt chức Võ cử bốn năm trước chỉ huy. Nhóm quân này đang trên đường từ Phù Ly đến Lại Khánh. Ngoài ra, còn có thêm một đạo quân Quảng Ngãi gồm hai ngàn người ngựa do đại tướng Trương Bá Thành chỉ huy đang chờ sẵn ở bên kia đèo Thạch Tân, khi cần thiết sẽ kéo vào tiếp viện.
Nghe tin Quách Cung là người chỉ huy đội binh, Trương Độ thở dài nói với Võ Tiến:
- Quách Cung và Trương Bá Thành là những tên vô lại, chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn trong lần ra quân này. Quách Cung là con trai của quan huyện Phù Ly và là đệ tử đích truyền của một kiếm khách người Minh Hương có biệt danh là Quỉ Kiếm Sầu. Hắn tuy có chút thực tài nhưng phần lớn cũng là nhờ quyền thế nên mới thắng được chức Võ cử. Bản tính hắn rất hống hách, coi trời bằng vung, xem thường thiên hạ. Trương Bá Thành thuộc hạng tướng bất tài, hoàn toàn chỉ nhờ vào thân thế mới được lên cao. Ngươi phải nhẫn nại một chút khi làm việc chung với họ.
Võ Tiến thưa:
- Tiểu tướng sẽ lưu ý. Tướng quân an tâm.
Hai hôm sau, đội quân của Quách Cung đến Lại Khánh. Hắn đưa quân qua đèo và cho hạ trại bên ngoài huyện thành rồi vào ra mắt Trịnh Hiệp Thành cùng Trương Độ.
Hiệp Thành và quan huyện Phù Ly vốn là chỗ bạn thân thiết nên ông ta tỏ ra rất thân thiện với Quách Cung. Ông ra tiếp đón hắn thật niềm nở:
- Chào Quách tướng quân, nay huyện nha chúng tôi được một Võ cử tuổi trẻ tài cao như tướng quân giúp đỡ thì việc phá tan đám giặc Truông Mây hẳn không còn là vấn đề nữa rồi.
Quách Cung chào Hiệp Thành cùng Trương Độ rồi nói:
- Truông Mây chỉ là đám cướp rừng, có đáng gì mà phải lo ngại. Các ông đã có kế hoạch gì chưa?
Trương Độ trải tấm bản đồ lên bàn, từ tốn nói:
- Đây là bản đồ vùng Kim Sơn, An Lão và thành Truông Mây, mời tướng quân xem trước rồi chúng ta sẽ dự thảo kế hoạch phối hợp tấn công.
Quách Cung đưa mắt xem tấm bản đồ trong khi Trương Độ giải thích.
- Đây là hai nhánh sông Kim Sơn và An Lão, thượng nguồn của dòng Lại Dương Giang. Ở bên kia bờ, bọn Truông Mây cho đắp ụ xây bờ thành và lắp đặt chòi canh. Bên nhánh Kim Sơn là thành Truông Mây, nơi đây bọn cướp phòng bị kĩ càng hơn, lại có nhánh sông làm hào nên rất khó vượt sang. Bên nhánh An Lão, chúng cũng có xây những bờ chắn và trạm canh nhưng lại phòng thủ yếu hơn vì đây chỉ là tuyến phụ. Riêng khu vực tam giác giữa hai nhánh sông, gần nơi tiếp giáp với Lại Dương Giang, mây mọc um tùm không thể hành binh được. Theo tôi, chúng ta nên chia quân làm hai đạo cùng tấn công để vượt sang phòng tuyến bên kia bờ của bọn chúng. Làm như thế thì bọn chúng phải chia quân ra mà chống đỡ, lực lượng bị phân tán sẽ yếu đi.
Quách Cung nói:
- Ý ông hợp với ý tôi. Tôi xin lãnh binh bản bộ tấn công mặt Kim Sơn, phần ông qua bên kia sông Lại Dương tấn công phòng tuyến An Lão.
- Phòng tuyến Kim Sơn kiên cố và hiểm trở hơn bên An Lão nhiều lắm. Ý đẹp của tướng quân tôi xin tâm lãnh nhưng đây là việc của Lại Khánh nên tôi xin phép được lãnh phần khó nhọc. Tướng quân cố gắng chọc cho thủng phòng tuyến An Lão rồi đánh thốc vào mặt bắc Truông Mây, như vậy sẽ giúp cho tôi rất nhiều trong việc phá vỡ phòng tuyến Kim Sơn.
Quách Cung vốn xem thường Truông Mây là bọn cướp núi, lại quen thói tự phụ nên vẫn muốn tranh phần khó, hắn nói:
- Thôi được, để cho công bằng ta nhờ quan huyện tung đồng tiền này lên, nếu là sấp thì tướng quân, còn ngửa là tôi. Ông thấy được không?
Trương Độ hết cách phải nhận lời. Quan huyện tung đồng tiền lên cao. Mặt sấp ở trên, vậy là Quách Cung đành dẫn quân qua sông đánh mặt nguồn An Lão. Trương Độ thở ra nhẹ nhõm:
- Để lực lượng hai cánh đều nhau, tôi sẽ cho tiểu tướng Võ Tiến mang theo năm trăm binh yểm trợ tướng quân. Ngày mai tướng quân đưa quân xuống bến Lại Dương, tôi sẽ cho thuyền chở sang sông. Tướng quân sẽ hợp với đồn binh ở Trường Tân, từ đó dọc theo sông đến bến Đốc Chính, lựa nơi thuận tiện mà tấn công sang bên kia sông. Mọi việc xin tướng quân cẩn trọng. Võ Tiến là người ở đây, nếu có điều gì chưa thông hiểu xin phối hợp với nhau mà hành động. Phần tôi sẽ điều quân đến đồn Đình Chí để uy hiếp mặt nguồn Kim Sơn.
Quách Cung cười nói:
- Ông an tâm, chúng ta hãy xem giữa hai cánh quân, cánh nào sẽ chiếm được thành Truông Mây trước nhé.
Trương Độ cũng cười:
- Chúc tướng quân vào thành Truông Mây sớm.
Trịnh Hiệp Thành sai người mang rượu thịt lên rồi vui vẻ nói:
- Chúng ta hãy uống trước vài ly mừng ngày phối hợp ra quân. Đợi khi diệt xong Truông Mây, bản chức sẽ thiết tiệc linh đình để mừng chiến thắng.
Họ ăn uống xong, ai nấy về trại mình thu xếp mọi việc như đã định.
Hôm ấy, thám báo đưa tin về cho biết quân triều đình chia làm hai mặt tấn công Truông Mây. Trần Lâm vội cho mời các đầu lĩnh đến họp và nói:
- Binh triều đã chia hai nhánh để tấn công mặt An Lão và Kim Sơn của chúng ta. Về mặt An Lão thì không đáng ngại vì Quách Cung là tên nóng nảy lại kiêu ngạo, tôi chỉ cần bày một kế nhỏ cũng có thể bắt được hắn. Nhưng Trương Độ là tướng tài lại chín chắn và dày kinh nghiệm, cho nên ở mặt Kim Sơn, đại ca thống lãnh anh em chuẩn bị thật nhiều cung tên và cố gắng đừng để Trương Độ vượt sang sông. Đợi đệ tiêu diệt xong cánh quân Quách Cung, đánh chiếm mặt bắc sông Lại Giang rồi vượt sông chiếm luôn huyện thành Lại Khánh. Chừng đó, đại ca cho người ngăn nước đầu dòng Kim Sơn, chờ đêm xuống bất thần vượt sông đánh úp Trương Độ. Nhớ là sau khi vượt sông xong hãy xả cho nước chảy trở lại để Trương Độ khỏi sang sông. Đệ sẽ từ Lại Dương và Lại Khánh đánh lên, hai mặt giáp công nếu không bắt được Trương Độ cũng sẽ đuổi hắn chạy về hướng nam nơi hồ Thạch Khê. Nếu hắn tránh hồ Thạch Khê, Bàng Châu và Trương Văn Bảo sẽ dẫn ba trăm nghĩa quân vòng qua núi Lỗ Đố chặn mặt Tân Thịnh, buộc hắn phải vào khe núi Màn Lăng. Lúc đó Trương Độ chỉ còn cách bó tay chịu trói mà thôi. Bởi vậy việc phòng thủ mặt Kim Sơn rất quan trọng, đại ca ráng chu toàn cho.
Lía nói:
- Đệ an tâm. Ngày xưa Truông Mây chỉ có mấy trăm anh em mà quân triều còn chưa làm gì nổi ta huống hồ chi bây giờ.
- Lần này chúng ta sẽ dốc toàn lực đánh thật chớp nhoáng theo thế “sét đánh không kịp bưng tai”, đệ tin chắc chúng ta sẽ chiếm được hai huyện Hoài Nhơn và Phù Ly không khó khăn gì. Mong tất cả hãy cố gắng.
Tất cả đều đồng thanh:
- Chúng tôi sẽ cố gắng!
Trần Lâm tiếp:
- Bây giờ Đinh thúc, Lưu nhị ca, Lam Tiểu Muội và Thiên Tường sẽ cùng tôi dẫn năm trăm anh em và một trăm chiến mã đi đánh Quách Cung. Như vậy là quân chúng ta sẽ một đánh ba, thử xem anh em Truông Mây luyện tập bấy lâu khi lâm trận sẽ như thế nào.
Kế hoạch định xong, mọi người ai nấy lo nhiệm vụ của mình.