Én Liệng Truông Mây - Hồi 34 - Phần 5

Ông hô quân đốt đuốc lên và giục con Hồng Câu lướt tới vung đao chém xuống đầu Lía. Lía giật ngựa né khỏi rồi chém trả lại một đao. Hai bên giao tranh hơn mười hiệp, binh khí chạm nhau nảy lửa liên tục mà chưa bên nào đả thương được bên nào. Quân sĩ đốt đuốc sáng rực và reo hò vang dội cả một vùng trời. Các tướng đứng lược trận đều gật gù thán phục trước đao pháp tuyệt nghệ của hai người. Khoái đao của Trương Độ nhanh như chớp lại biến ảo không lường, lấy công làm thủ nên chiêu ra liên miên bất tận, bao trùm cả người ngựa của Lía. Trong khi Bạch gia đao pháp của Lía thì mạnh mẽ trầm ổn. Mỗi lần đỡ gạt đao của đối phương đều khiến cho Trương Độ chới với muốn rơi cả đao. Vừa đánh Lía vừa nói lớn:

- Đao nhanh lắm, không hổ danh là đại tướng! Bây giờ hãy xem ta xuất đao tấn công đây. Cẩn thận nhé!

Lía đổi thế đánh. Đường đao từ trầm ổn biến thành nhanh nhẹn linh hoạt. Lía ngồi trên lưng ngựa mà đao pháp biến hóa không khác gì như đi trên đất bằng khiến cho Trương Độ tay chân luống cuống. Lía chém một đường theo thế bạt đao ngang người Trương Độ. Độ đưa đao ra đỡ, Lía lại xoay tay biến thế bạt thành thế chém từ trên cao xuống đỉnh đầu. Đường đao nhanh như chớp khiến Trương Độ thất kinh vội né ngựa sang bên và vung tay đao lên đỡ. Hai đao chạm nhau tạo ra một tiếng chát rất lớn. Tức thì, Lía xốc ngựa tới, tay trái tung ra một thế đánh tuyệt kỹ của Bạch gia quyền trúng vào ngay giữa ngực của Trương Độ. Độ bạt cả người ra sau, choáng váng suýt rơi khỏi lưng ngựa. Nhưng ông ta quả không hổ là danh tướng, ngay cấp kỳ đã có thể uốn người ngồi bật dậy rồi vội vàng hô quân rút lui. Sau đó giục ngựa tháo chạy theo đường nhỏ về hướng nam. Võ Tiến cũng dẫn quân chạy theo. Quân triều đình bỏ cả khí giới, mạnh ai nấy tìm đường chạy trốn, lớp bị bắt lớp bị nghĩa binh đả thương không biết bao nhiêu mà kể. Chạy chừng được vài chục dặm, khi đến một ngã ba thì trời đã tờ mờ sáng. Trương Độ quay nhìn lại, chỉ thấy còn khoảng hơn trăm quân kỵ theo sau mình, trong lòng không khỏi xót xa buồn bực. Ông hỏi Võ Tiến cùng đám thủ hạ:

- Có ai biết hai ngả này đi về đâu không?

Võ Tiến trả lời:

- Lối bên trái dẫn tới hồ Thạch Khê, lối này sẽ là ngõ cụt, còn bên phải sẽ qua vùng Tân Thịnh, vòng theo đèo Màn Lăng xuống Phù Ly.

- Vậy ta theo lối bên phải để về Phù Ly.

Trương Độ bèn giục ngựa đi trước, phía sau tiếng vó ngựa của quân Truông Mây đã rầm rập đuổi tới gần. Trương Độ cùng hơn trăm quân kỵ chạy được thêm mười dặm nữa đã thấy núi Lỗ Đố trước mặt. Đường đi bắt đầu hiểm trở hơn. Trương Độ bỗng nhiên bật cười lớn. Võ Tiến và các thủ hạ ngạc nhiên hỏi:

- Đang lúc hiểm nguy thế này mà tướng quân lại cười như thế là vì sao?

Trương Độ ngưng cười nói:

- Ta cười là mừng cho chúng ta thoát chết hôm nay. Kể ra thì người điều khiển ở Truông Mây cũng chưa có gì đáng gọi là giỏi cả. Nếu là ta, nơi đây ta chỉ cần cho phục một toán quân nhỏ thôi cũng đủ để bắt sống cả bọn rồi. Ha ha...

Trương Độ chưa dứt tiếng cười thì bỗng có tiếng quát lớn:

- Trương Độ, ngươi khá lắm! Nhưng quân sư của ta còn giỏi hơn ngươi một bậc. Các ngươi đã bị phục binh rồi, mau xuống ngựa đầu hàng đi nếu không sẽ chết uổng mạng tất cả.

Liền sau đó là tiếng hò reo dậy đất. Xông ra chặn đường là một vị tướng cưỡi con ngựa trắng đốm đen cao lớn, tay cầm đồng côn trông uy phong lẫm liệt vô cùng. Người đó không ai khác hơn là Trương Bàng Châu. Bên cạnh còn có một viên tướng trẻ, thanh kiếm trên tay sáng loáng dưới ánh bình minh. Viên tướng ấy là Trương Văn Bảo. Trương Độ cùng đám thủ hạ giật mình kinh hãi, nhưng ông vốn là người rất trầm tĩnh nên đã lập tức quay lại ra lệnh:

- Tất cả chúng ta hãy cam đảm lên, dù chết cũng phải vượt qua ải này. Anh em tiến lên!

Đám kỵ mã dạ ran giục ngựa tiến lên. Ngặt nỗi đường núi quá chật hẹp nên không thể tiến lên một lúc được nhiều người. Bàng Châu nói lớn:

- Trương Độ, thức thời mới là trang tuấn kiệt. Ngươi liều mạng làm gì để tất cả anh em của ngươi phải chịu chết oan. Hãy hàng đi, nếu không ta cho quân xạ tiễn thì không một ai thoát chết được đâu.

Trương Độ hét lớn:

- Ta có chết cũng phải chết cho oai hùng! Đừng nói nhiều, hãy đỡ đao của ta!

Nói xong thúc ngựa tới chém Bàng Châu. Võ Tiến cũng xông đến giao chiến với Trương Văn Bảo. Bốn con ngựa quần nhau trong con đường chật hẹp, vì khó xoay trở nên cuộc chiến thật nguy hiểm, chỉ cần sơ hở một chút là mất mạng. Đám thủ hạ của Trương Độ đang lúc không biết làm sao thì phục binh bên trong vách núi đã bắn tên ra như mưa rào. Nhiều người trúng tên nhào lăn xuống ngựa. Cả bọn cùng vung đao kiếm để gạt tên nhưng nghĩa binh bắn rát quá nên đành phải giục ngựa tháo chạy trở lại. Trương Độ và Võ Tiến thấy vậy cũng vội chém bừa vài nhát rồi quày ngựa chạy theo. Biết trở lại đường cũ sẽ gặp nghĩa binh đang đuổi theo nên đám kỵ mã đã rẽ vào một ngả nhỏ rồi chạy miết. Vào càng sâu, đường càng lúc càng gập ghềnh, đá lởm chởm khiến cho ngựa chỉ còn có thể đi bước một chứ không chạy được nữa. Hai bên vách đá càng lúc càng cao. Trương Độ nhìn địa thế liền la lớn:

- Dừng lại! Đây là là một khe núi cụt. Chúng ta đã vào đường cùng rồi. Mau trở lại!

Bỗng có tiếng của Trần Lâm nói lớn:

- Chậm mất rồi! Trương Độ, Võ Tiến, hai ngươi hãy nhìn lên xem.

Trương Độ và đám thủ hạ nhìn lên đỉnh vách khe thì thấy nghĩa binh đã sắp hàng dài trên đó, tay cầm sẵn cung tên chĩa xuống khe núi nhắm thẳng vào bọn họ. Ở miệng khe, Lía và bốn đầu lĩnh Truông Mây đang ngồi trên lưng ngựa nhìn vào. Trương Độ nói với thủ hạ:

- Chúng ta hết đường rồi. Đời làm tướng của ta hôm nay mới gặp được một người mưu thâm trí viễn thế này. Ta thua mà vẫn khâm phục. Các ngươi hãy ra hàng đi. Để mặc ta ở lại.

Võ Tiến và cả đám lính đều đồng thanh nói:

- Nếu Tướng quân chịu chết thì chúng tôi còn tiếc gì mạng sống. Chúng ta cùng tử chiến với bọn chúng một phen.

Trương Độ lắc đầu nói:

- Vô ích thôi. Đây đã là tuyệt lộ, trên kia là rừng tên, còn ngoài kia là những mãnh tướng mà ngay cả bản thân ta cũng chưa phải là đối thủ, dù có chiến đấu cũng vô ích. Bọn ngươi hãy buông khí giới, đám hiệp sĩ Truông Mây chắc chắn sẽ để cho các ngươi tự do, muốn đi muốn ở tùy ý. Hãy bảo tồn mạng sống, đừng hi sinh vô ích. Ta thân làm tướng dưới một triều đình rỗng nát nên đành bỏ mạng cho tròn danh tiết. Đi đi!

Trần Lâm lại nói lớn:

- Trương Độ, đây là khe núi Màn Lăng, một tử lộ. Các ngươi đừng nên chống cự vô ích. Nghĩa binh Truông Mây vì dân đứng lên trừ bạo, bất đắc dĩ mới tàn sát đồng bào của mình. Các ngươi hãy buông vũ khí, ai muốn theo nghĩa binh thì theo, ai không muốn cứ tự nhiên về nhà. Chúng ta không làm khó dễ đâu.

Võ Tiến nói:

- Thầy đã chịu chết để tròn danh tiết thì đệ tử há chẳng dám theo thầy ư?

Nói rồi hắn bèn xuống ngựa, quì trước mặt Trương Độ. Hơn trăm binh kỵ mã cũng răm rắp làm theo rồi đồng thanh nói:

- Nếu Tướng quân chết, chúng tôi quyết chết theo cho tròn đạo nghĩa!

Trương Độ nhảy xuống ngựa nói:

- Các ngươi đứng lên, ta bất tài làm liên lụy gần ba ngàn binh sĩ, bây giờ lẽ nào vì chút sĩ diện của mình mà để cho các ngươi, những người nghĩa sĩ, lại phải chịu chết oan nữa sao? Thôi được, chúng ta buông khí giới đầu hàng vậy.

Nói rồi ông buông đao, dẫn đám thủ hạ bước ra ngoài.

Những thủ lĩnh Truông Mây cũng vội vàng nhảy xuống ngựa tiếp đón. Lía nói:

- Chúng tôi chỉ vì hạnh phúc của muôn dân nên mới làm loạn, nay tướng quân đã chịu buông đao thì đi hay ở lại với chúng tôi tùy nơi tướng quân và anh em.

Trương Độ nói:

- Nghĩa khí của anh em Truông Mây thật là cao đẹp. Trương Độ này kính cẩn nghiêng mình. Tuy nhiên, xin cho phép từ đây gác đao về qui ẩn, không màng đến thế sự nữa.

- Đã vậy xin tướng quân và anh em tùy tiện.

Nói xong, Lía né sang bên nhường lối. Võ Tiến đến trước mặt Trương Độ quì lạy nói:

- Đệ tử vì có một lời hứa nên phải ở lại với Truông Mây, từ đây xin thầy bảo trọng.

Trương Độ đỡ Võ Tiến đứng lên nói:

- Ngươi còn trẻ, tương lai còn dài. Hãy ráng giúp Truông Mây để cứu đời, lưu danh cùng thiên hạ. Tặng ngươi cây kim đao của ta, đó là một cây đao quí đã theo ta từ lúc còn niên thiếu. Thấy vật cũng như thấy ta vậy.

Xong ông quay lại nói với đám thủ hạ:

- Các ngươi cũng thế. Tất cả bảo trọng.

Rồi ông cúi chào tất cả và bước đi. Con Hồng Câu từ bên trong bỗng hí lên một tiếng, chạy theo Trương Độ. Ông vuốt đầu nó, lặng lẽ phóng lên yên và từ từ khuất bóng sau khe núi.

Trần Lâm tiếc rẻ:

- Trương Độ thật là người có khí độ của một anh hùng. Chỉ tiếc triều đình thối nát nên anh hùng đành ôm hận.

Lía nói:

- Truông Mây không thể kết nạp được ông ta thật là một điều đáng tiếc. Chúng ta phải trân trọng khí độ này.

Võ Tiến đến bên Trần Lâm nói:

- Võ Tiến bị bắt lần nữa, xin bó tay qui hàng.

Trần Lâm vỗ vai Võ Tiến:

- Chúng ta đều là anh em cả. Quên chuyện vừa qua đi, cùng nhau hướng tới tương lai của quốc gia, dân tộc.

Rồi chàng quay sang hỏi đám lính của Trương Độ:

- Các bạn thì sao? Chúng tôi đang rất cần những chiến sĩ trung can như các bạn.

Bọn lính đồng thanh đáp:

- Chúng tôi xin theo tiểu tướng quân Võ Tiến!

- Tốt lắm, từ nay chúng ta đều là anh em, đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau.

Quay sang Bàng Châu, Trần Lâm nói:

- Bây giờ Trương huynh cùng tứ ca hãy dẫn theo một ngàn anh em Truông Mây vượt đèo Màn Lăng tiếp ứng cho Tường đệ và Lưu nhị ca ở Phù Ly. Có việc cần kíp thì báo ngay về Lại Khánh cho đệ biết. Đệ phải ở lại đây ít lâu để thu xếp mọi việc, chúng ta phải xây dựng vùng đất này làm cơ sở để có thể phát triển lớn mạnh mà chuẩn bị đối chọi với những cuộc trả đũa của triều đình.

Lía ngạc nhiên hỏi:

- Tường đệ đã vào Phù Ly rồi à? Thế thì phải đi gấp để tiếp ứng mới được.

- Đệ đã dặn Tường đệ cứ theo kế cũ mà làm, chắc việc chiếm huyện thành Phù Ly sẽ thành công thôi. Chỉ sợ binh tiếp viện từ nơi khác đến, nhưng đệ cũng đã cho nhị ca mang quân theo sau rồi. Bây giờ có thêm Trương huynh và tứ đệ tiếp ứng nữa thì mọi việc ổn cả.

Bàng Châu và Văn Bảo liền điểm một ngàn anh em nghĩa binh tinh nhuệ ở Truông Mây vội vã lên đường. Trần Lâm cùng những người còn lại dẫn quân về Lại Khánh. Đinh Hồng Liệt hớn hở mở cửa thành ra đón.

Huyện thành Lại Khánh nằm trên một ngọn đồi cạnh đèo Lại Khánh thuộc dãy núi Bích Khê. Đây là biên giới thiên nhiên giữa hai huyện Hoài Nhơn và Phù Ly. (Về sau huyện sở dời về Bồng Sơn nên tên đèo đổi thành đèo Phủ Cũ). Nhìn xa xa về hướng bắc, dòng Lại Dương như một dải lụa bạc trải dài từ rừng núi phía tây xuống tận biển Đông, tạo thành một vùng bình nguyên trù phú ngút ngàn đến rặng núi Thạch Tân, giáp giới Quảng Ngãi. Đây là kho thóc lớn của Hoài Nhơn.

Các hiệp sĩ Truông Mây về đến Lại Khánh liền rốt ráo lo tổ chức các công việc hành chánh nhằm tiếp thu vùng đất vừa chiếm được. Trần Lâm cho gọi Lê Trung, Lưu Phương Tích cùng các đầu lĩnh đến họp bàn các kế hoạch sắp tới cũng như sắp xếp việc tiếp quản các kho lương thực, tài vật của Hoài Nhơn. Dùng một phần khen thưởng tướng sĩ, một phần chuyển về hậu cứ Truông Mây.

Mọi người đang họp thì có tin thám báo đưa về Thiên Tường đã chiếm được huyện sở Phù Ly, hiện đang chia nhau thanh toán các đồn nhỏ trong huyện. Lía vui mừng vỗ tay nói:

- Tường đệ của ta thật là giỏi, không hổ danh là con cháu của đại tướng Lê Sát ngày xưa. Ha ha...

Trần Lâm nói:

- Tuy chúng ta dùng chiêu “sét đánh không kịp bưng tai” để chiếm được hai huyện Phù Ly và Hoài Nhơn nhưng cũng chưa phải là chiến thắng lớn vì hai huyện này không có thành trì vững vàng, quân đội lại ít. Khó khăn sắp tới của chúng ta là sẽ gặp phải sự phản công của triều đình từ phủ thành Quy Nhơn và Quảng Ngãi. Có một số việc trước mắt cần phải làm gấp là: thứ nhất, tam ca Hồ Bân dẫn theo năm trăm anh em chiếm cứ đèo Thạch Tân để chặn toán quân tiếp viện từ Quảng Ngãi kéo vào. Địa thế đèo Thạch Tân đệ đã vẽ trong bản đồ này, tam ca cứ theo đó mà phòng thủ thì hai ngàn quân của Trương Bá Thành không thể nào vượt qua được. Đây là ải địa đầu mặt bắc, cái lưng của chúng ta, mong tam ca cẩn trọng cho. Hãy cho quân theo dõi sát mọi động tịnh của địch. Thứ hai, Lam Tiểu Muội và Võ Tiến mau dẫn theo năm trăm anh em giỏi thủy chiến thanh toán tất cả các đồn binh nhỏ từ đây xuống đến cửa An Dũ, chiếm cho bằng được thủy trại ở đó rồi phòng thủ cửa biển, đề phòng quân triều đình từ Quảng Nam và Phú Xuân kéo vào bằng đường thủy. Thứ ba, chú Lê Trung lo tổ chức việc lương thảo cho các đội quân và luyện tập cho các toán quân mới đầu hàng cũng như lập thêm nhiều trạm tiếp nhận những tân binh, nghĩa sĩ muốn theo về với Truông Mây. Thứ tư, thành Lại Khánh sẽ do cha Hồ và Lưu Phương Tích cai quản. Cùng với Truông Mây lập thành đầu não chỉ huy và là hậu phương chính của phong trào. Thứ năm, đại ca trấn giữ ở Truông Mây, cùng với chú Lê Trung cấp tốc huấn luyện tân binh để bổ sung các nơi. Thứ sáu, chú Nhẫn tiếp quản huyện thành Phù Ly, theo lề lối ở đây mà làm việc. Thứ bảy, Tín Nhi lập tức mang mật thư của Truông Mây ra bản Đá Vách, kêu gọi họ khởi nghĩa. Như thế mặt Quảng Ngãi ta sẽ đỡ lo phần nào. Phần tôi sẽ đưa vào Phù Ly thêm một ngàn anh em, phối hợp với lực lượng ở đó ổn định địa bàn mới, chuẩn bị giao tranh với quân binh phủ Quy Nhơn. Thời cơ tới, chúng ta sẽ đánh chiếm phủ thành. Có ai có ý kiến gì không?

Mọi người thấy Trần Lâm soạn thảo kế hoạch kỹ càng không sót một chi tiết nào ai nấy đều phục thầm trong bụng. Tất cả đều hân hoan tán đồng cách sắp đặt trên và náo nức lao vào công việc. Chỉ riêng có mỗi Hồ Bân là có chút không vui.

Trần Lâm kêu Tín Nhi lại căn dặn:

- Trách nhiệm của đệ trong việc này rất quan trọng, đệ phải thật cẩn thận mới được. Có cần huynh cho người đi cùng không?

Tín Nhi tự tin nói:

- Không cần. Đệ tin là có thể hoàn thành được trách nhiệm này, Lâm ca cứ an tâm.

- Tất nhiên là huynh an tâm nên mới giao cho đệ nhiệm vụ này. Đệ ra đó có gặp H’Linh thì cho huynh gởi lời hỏi thăm nhé. Cô gái đó thật là hay và lạ, huynh tin là đệ sẽ rất vui khi gặp cô ta.

Tín Nhi nheo mắt cười vui vẻ:

- Ái chà chà! Lâm ca thật là tốt số, đi đâu cũng gặp được các cô gái “hay và lạ” cả. Hi hi...

Trần Lâm cũng cười theo:

- Đệ đừng có đem đầu óc đen tối của mình nghĩ bậy cho người khác. Huynh tin rằng khi gặp H’Linh rồi đệ sẽ không còn có ý nghĩ quấy quá đó nữa. Bây giờ để huynh truyền cho đệ ba chiêu kiếm. Đệ dùng nó mà phòng thân.

Chàng bèn đem ba chiêu Bạch Long tam thức truyền lại cho Tín Nhi. Tín Nhi là đứa trẻ thông minh nhanh nhẹn, lại được đích truyền môn khinh công Truy phong ảnh của Đinh Hồng Liệt nên rất thích hợp để phát huy ba chiêu kiếm này. Chỉ chưa đến một canh giờ, hắn đã học thuộc khẩu quyết và các chiêu thế. Trần Lâm vui mừng nói:

- Đệ giỏi lắm, như thế là được rồi, cứ từ từ luyện tập. Bây giờ huynh sẽ truyền thêm cho đệ một chiêu kiếm nữa, đó là sát chiêu Nhất điểm hồng. Chiêu này cần nhiều thời gian và tâm lực hơn, đệ cứ học cho nhớ rồi vận dụng sau. Huynh cũng có truyền lại bài kiếm và tuyệt chiêu này cho H’Linh, đệ hãy dùng nó để đấu thử với cô ta xem thành tựu của cô ta đã đến đâu rồi nhé.

Trần Lâm lại truyền tiếp cho Tín Nhi tuyệt chiêu Nhất điểm hồng. Sau khi Tín Nhi nắm vững bí quyết xong, chàng bèn chọn một con tuấn mã sắc lông đỏ như huyết tặng cho nó. Tín Nhi rưng rưng nước mắt cảm động nói:

- Cảm ơn Lâm ca. Tín Nhi dù thịt nát xương tan cũng không quên được mối ân tình này.

Trần Lâm vỗ vai nó nói:

- Đệ là người tốt. Người tốt gặp duyên lành, đó là điều hiển nhiên, đừng ái ngại gì cả.

Tín Nhi lau nước mắt rồi cười hi hi nói:

- Con ngựa này tên gì?

- Nó là vật của đệ, hãy chọn cho nó một cái tên nào mà đệ thích.

- Vậy đặt cho nó cái tên Hãn Huyết Câu cho oai nhé?

- Hay lắm! Thôi lên đường đi. Này, khi đi nên theo lối An Lão vào thượng đạo để lên Đá Vách, nhưng khi về thì nhớ đi lối Thạch Tân nhé. Bảo trọng!

Tín Nhi tung mình lên ngựa vẫy tay:

- Lâm ca bảo trọng. Tín Nhi sẽ trở lại sau ba ngày nữa.

Nó thúc chân vào mình con Hãn Huyết Câu, ngựa tung vó rồi phóng đi mất hút dưới chân đồi.

Sau đó, Trần Lâm cho người dán hịch khắp nơi để đồng bào biết mục đích của cuộc khởi nghĩa. Tờ hịch được Lưu Phương Tích viết nguyên văn như sau:

“Thiên hạ đang lúc thái bình, muôn dân đang hồi no ấm, đất nước đang mở mang bờ cõi, bỗng đâu xuất hiện một tên gian thần Quốc phó Trương Phúc Loan kết bè phạm thượng, giả thay chiếu chỉ, giết hại công thần, sách nhiễu nhân dân. Hắn, tên Quốc phó, tên loạn thần, một tay thâu tóm quyền hành phủ Chúa, bán tước mua quan, sưu cao thuế nặng, vơ vét của công khiến cho trăm họ lầm than, nhà nhà đói khổ. Chúng tôi, những người cùng khổ tụ nghĩa tại Truông Mây, viết hịch này kêu gọi đồng bào, nghĩa sĩ trong thiên hạ hãy cùng nhau đứng lên tiêu diệt tên Quốc phó Trương Phúc Loan và bè lũ tham quan tay sai của hắn.”

Hịch văn truyền đi khắp huyện Hoài Nhơn và Phù Ly, mọi người trong vùng ai nấy đều vui mừng, những kẻ xiêu tán, những người cùng khổ, những kẻ ăn xin, trai tráng và nghĩa sĩ kéo nhau về tụ nghĩa rất đông. Lê Trung cùng Lưu Phương Tích đưa tất cả về Truông Mây để huấn luyện.

Công việc ở Lại Khánh tạm ổn, Trần Lâm chuẩn bị đem quân vào Phù Ly thì Vũ Tùng và Hồng Y Nữ đến. Vũ Tùng nói:

- Tôi cũng muốn tham gia vào cuộc khởi nghĩa này cùng các anh em, Lâm huynh hãy bố trí cho tôi một công việc nào đó có được chăng?

Trần Lâm vái tạ nói:

- Cảm ơn tấm lòng nghĩa hiệp của Vũ Tùng huynh, nhưng đây là chuyện của nhân dân, đất nước chúng tôi, đâu dám phiền đến công sức và xương máu của huynh.

Vũ Tùng nói:

- Xét cho cùng thì tôn chỉ hiệp sĩ của các anh và tinh thần võ sĩ đạo của chúng tôi giống nhau. Chúng ta hãy sống vì mục đích và tinh thần cao cả của những người cầm kiếm, đừng phân biệt anh là người Đại Việt, tôi là người Nhật Bản.

Hồng Y Nữ cũng xen vào:

- Cả muội nữa! Muội cũng muốn tham gia trận chiến này để cứu vớt dân nghèo. Lâm ca không có lý do gì để từ chối muội cả, đúng không?

Trần Lâm không biết nói sao đành nhận lời:

- Thôi được, vậy Vũ Tùng huynh hãy đi cùng tôi, còn Liên muội hãy theo giúp Lam Tiểu Muội và Võ Tiến nhé?

Hồng Y Nữ tỏ vẻ thất vọng nhưng đành nói:

- Cũng được, muội sẽ đi với Lam tỉ. Nơi nào có đánh nhau là muội vui rồi.

Nhìn theo bước chân nặng nề của Hồng Y Nữ, Vũ Tùng nói:

- Huynh thật là con người có trái tim sắt đá.

Trần Lâm lắc đầu:

- Nàng là cô gái ngây thơ trong trắng, tôi không muốn để lụy cho nàng về sau.