Én Liệng Truông Mây - Hồi 35 - Phần 1
Hồi thứ ba mươi lăm
Núi Lạc Phụng, Hoàng Kim Phụng bỏ mình
Sông Phù Ly, Phan Ngọc Chánh hao binh
Tin các hiệp sĩ Truông Mây trong hai ngày đầu tiên ra quân đã chiếm gọn hai huyện Hoài Nhơn và Phù Ly làm chấn động toàn cõi Nam hà. Nhân dân khắp nơi hết sức vui mừng khi nghe được tin này, nhất là những người bấy lâu bị bạc đãi bởi triều đình. Tại phủ Quy Nhơn tình hình càng nghiêm trọng hơn. Nguyễn Khắc Tuyên đang lo sốt vó vì cái hẹn ba tháng với Phú Xuân. Hắn cho triệu tập các trưởng binh, cai đội... của phủ họp bàn cách đối phó, đồng thời gửi thư cấp báo về Phú Xuân. Nguyễn Khắc Tuyên nói:
- Bọn cướp Truông Mây chỉ trong vòng hai ngày đã phá tan hơn ba ngàn quân triều đình, chiếm mất hai huyện của ta, chứng tỏ lực lượng của chúng đã rất mạnh. Các ngươi có kế sách gì phá chúng không?
Viên tán lý Lưu Khâm nói:
- Bọn cướp chẳng qua bất thần dùng thế “sét đánh không kịp bưng tai” nên mới có thể chiến thắng một cách bất ngờ như thế chứ tôi cho rằng không có gì đáng ngại cả. Phủ Quy Nhơn còn gần một vạn quân mã, chúng ta cứ ra quân đánh cho chúng một trận tan tành, tiêu diệt luôn Truông Mây để trừ hậu hoạn. Chừng ấy Phú Xuân sẽ hết coi thường phủ ta, biết đâu lại còn được ngài Quốc phó trọng thưởng nữa cũng nên.
- Kế hoạch ra quân thế nào?
Lưu Khâm rung đùi nói:
- Ta chia quân làm hai đạo. Cánh thứ nhất do bộ binh và kỵ binh theo hướng Phù Cát vượt qua sông Phù Ly tấn công mặt phía tây. Cánh thứ hai dùng thủy quân vào đầm Đạm Thủy, đổ bộ đánh lên từ phía đông. Hai cánh quân này như hai gọng kìm siết lại thì bọn cướp cạn Truông Mây chỉ còn nước rút về Hoài Nhơn. Lúc ấy, ta thừa thế đem một cánh qua đèo Màn Lăng, một cánh vượt đèo Lại Khánh đánh chiếm lại huyện sở Hoài Nhơn, sau đó đánh úp tiêu diệt luôn Truông Mây, cắt đầu thằng Lía.
Nguyễn Khắc Tuyên cùng các tướng nghe kế hoạch của Lưu Khâm ai nấy đều như mở cờ trong bụng. Tướng Phan Ngọc Chánh, người có gương mặt đỏ hồng, sức khỏe cử nổi ngàn cân, chuyên sử dụng đồng côn với biệt hiệu Thiết Côn Vô Địch vội lên tiếng:
- Tôi xin thống lãnh ba ngàn quân bộ và quân kỵ làm cánh thứ nhất.
Khắc Tuyên hỏi:
- Tướng quân cần ai đi tiên phuông?
- Tôi xin tiến cử võ cử Đặng Thông.
- Tốt lắm! Đặng Thông là người văn võ song toàn, có thể đi tiên phuông được. Còn cánh thứ hai ai dám đảm trách?
Lưu Khâm nói:
- Cánh thứ hai nên giao cho thống lãnh thủy quân của cửa biển Quy Nhơn là Hoàng Kim Phụng và phó tướng Phạm Kiến Tính ở Càn Dương. Cho họ mang theo ba ngàn quân thủy bộ đánh mặt đông là được.
- Thế thì tốt lắm! Vậy chừng nào có thể xuất quân?
Lưu Khâm trả lời ngay:
- Nội trong năm ngày nữa.
Phan Ngọc Chánh phản đối:
- Năm ngày? Ông tưởng rằng xuất quân đánh trận như kéo nhau đi xem hát bội hay sao?
Lưu Khâm hỏi:
- Chứ ông định chừng nào?
- Ít nhất là mười ngày. Bọn lính tráng bấy lâu rảnh rỗi, các ông lại nhận tiền đút lót, tuyển toàn là những tên già nua ốm đói. Tôi cần phải có thời gian để chuẩn bị thao luyện lại cho bọn họ, nếu không, đưa họ ra trận khác nào đưa dê vào miệng cọp.
Lưu Khâm nghe Phan Ngọc Chánh nói xỏ mình trong bụng giận lắm. Hắn vặn vẹo lại:
- Mười ngày? Việc binh như cứu hỏa mà ông đợi những mười ngày, ông tính để bọn giặc đến cướp luôn thành Quy Nhơn này rồi mới ra quân phải không?
Phan Ngọc Chánh mặt đã đỏ, càng đỏ hơn:
- Tôi là tướng cầm quân ra trận, nắm giữ tính mạng của hàng ngàn binh sĩ trong tay, tôi biết việc gì nên làm việc gì không nên. Ông cứ ngồi ở nhà mà giữ đống của cải của ông đi, đừng chen vào việc quân của tôi.
Lưu Khâm đỏ mặt nói lớn:
- Tôi nghe danh ông là hổ tướng của phủ Quy Nhơn mà, sao nay chỉ một bọn cướp cạn Truông Mây mà ông đã có vẻ sợ sệt như thế?
Ngọc Chánh cũng to tiếng trả lại:
- Cướp cạn? Ông có thấy danh tướng Trương Độ không? Chỉ một trận thôi mà đã thảm bại tan tác dưới tay bọn Truông Mây rồi. Ông ta là tướng giỏi của triều đình đó. Bọn áo dài bụng lớn như các ông chỉ biết giết dân chứ làm gì biết giết giặc mà lớn tiếng phê phán?
Nguyễn Khắc Tuyên lên tiếng can:
- Các ông thôi đi. Thôi được rồi, ông Chánh cứ về chuẩn bị đi. Mười ngày sau xuất quân cũng được.
Phan ngọc Chánh cùng các tướng hằn học ra về.
Trần Lâm vừa kéo quân vào đến Phù Ly thì đã nhận được tin thám báo binh phủ Quy Nhơn dự định chia hai cánh làm thành thế gọng kìm tấn công nghĩa binh. Lâm dự trù mọi kế hoạch rồi cho mời các đầu lĩnh lại để bàn cách đối phó. Trần Lâm nói:
- Nay phủ Quy Nhơn chia hai cánh đánh ép là có ý muốn dồn ta trở về lại Hoài Nhơn, sau đó thừa thế tấn công luôn Truông Mây. Cánh thứ nhất sẽ theo đường Phù Cát qua sông Phù Ly tấn công ta ở phía tây. Cánh này do Phan Ngọc Chánh chỉ huy, Đặng Thông làm tiên phuông. Ngọc Chánh là vị tướng giỏi lại già kinh nghiệm, cây đồng côn của ông ta muôn người khó địch. Đặng Thông tuy còn trẻ nhưng là người văn võ song toàn, đã từng đoạt chức võ cử Quy Nhơn. Bảy mươi hai thế Bàn long kiếm và Hầu quyền của hắn biến hóa khó lường. Hai người này chúng ta không thể xem thường được. Ai dám lãnh một cánh quân ứng chiến với đạo quân này?
Trương Bàng Châu lên tiếng:
- Tôi có biết Phan Ngọc Chánh, tôi xin lãnh binh mặt này để gặp ông ta và nói thiệt hơn vài lời. Nếu ông ta không nghe phải trái, tôi sẽ ra tay trừ đi.
Trần Lâm mừng rỡ nói:
- Đã có Trương huynh ra trận thì tôi yên tâm rồi. Tôi xin đề cử Văn Bảo đi tiên phong để đối phó với Đặng Thông. Trương huynh cần bao nhiêu anh em?
- Chúng tôi xin một đánh ba, vị chi một ngàn anh em là đủ.
Trần Lâm vui vẻ nói:
- Nếu vậy tôi cũng chỉ xin một ngàn quân để cùng Đinh thúc và Vũ Tùng đánh mặt đông cho công bằng. Phần Lưu nhị ca trấn giữ Phù Ly.
Mọi người đang họp bàn thì có quân báo ngoài kia có một tráng sĩ đòi gặp thủ lĩnh Lía. Mọi người thấy lạ liền bước ra xem. Đó là một chàng thanh niên có dáng vẻ của một sơn nhân, thân hình vạm vỡ, bắp thịt cuồn cuộn đang chống cây côn đồng đứng giữa sân, trông thật uy phong lẫm liệt. Trần Lâm vội vã cúi chào.
- Chẳng hay tráng sĩ là người ở đâu, tìm thủ lĩnh của chúng tôi có việc gì cần chỉ bảo?
Người ấy dộng cây đồng côn xuống đất nói:
- Chỉ bảo thì không dám, chỉ là ta nghe đồn chú Lía ở Truông Mây có sức mạnh và đường côn vô địch nên mới đến đây muốn đấu thử năm trăm hiệp xem lời đồn có đúng thiệt hay không thôi.
Trần Lâm nghe kiểu nói chất phác, trung thực của người ấy thì biết ngay đây là một hào kiệt chốn sơn lâm nên lòng mừng thầm. Chàng nhã nhặn trả lời:
- Đáng tiếc đại ca chúng tôi không có ở đây để bồi tiếp tráng sĩ. Tráng sĩ có thể cho biết quí danh và là người từ đâu đến được chăng?
- Nhà ta bao đời ở trong vùng núi thẳm Thanh Hùng, chuyên nghề săn bắn và trồng cây Thạch Xương Bồ làm thuốc đem xuống Phù Ly đổi lấy thực phẩm. Vì thế người dưới này thường gọi ta là Thạch Xương Bồ tráng sĩ gì gì đó.
- Tráng sĩ đến đây chỉ là để thi tài cùng đại ca của chúng tôi thôi hay có việc gì khác nữa?
- Chỉ có vậy thôi, không có gì khác.
- Đáng tiếc đại ca lại không có ở đây. Tráng sĩ có thể cho chúng tôi hẹn dịp khác được không?
Thạch Xương Bồ lại dộng cây côn đồng xuống đất nói:
- Ta rất ít khi xuống núi nên chẳng có dịp nào khác nữa cả. Thật là đáng tiếc, đáng tiếc!
Trương Văn Bảo đứng bên lên tiếng:
- Đại ca ta không có ở đây, ta thay thế anh ấy tiếp tráng sĩ vài hiệp được chăng?
Thạch Xương Bồ nhìn Văn Bảo một lúc rồi hỏi:
- Bạn là ai? Trông dáng bạn mảnh khảnh như vậy liệu có chịu nổi cây đồng côn này chăng?
- Tôi là Trương Văn Bảo, là tứ đệ của đại ca Lía. Tôi xin dùng cây kiếm mỏng này để tiếp cây đồng côn của tráng sĩ trăm hiệp.
Thạch Xương Bồ cười ha hả nói:
- Cũng được, cũng được. Có đánh nhau là vui rồi, nhưng bạn phải coi chừng nhé, đao kiếm không có mắt đâu đấy.
- Xin tráng sĩ cứ tận hết sức mình, tôi sẽ cố gắng.
Trần Lâm nói nhỏ với Văn Bảo:
- Người này khỏe vô cùng lại sử dụng binh khí nặng, tứ ca nên tránh sự va chạm, chỉ dùng sự linh hoạt dẻo dai để thủ thắng.
Văn Bảo gật đầu rồi tiến ra giữa sân đứng đối diện với Thạch Xương Bồ thủ thế. Thạch Xương Bồ tay cầm đồng côn múa một đường. Gió rít vù vù nghe thật ghê rợn, chứng tỏ sức mạnh đôi tay của chàng ta có thể đập vỡ đá tan bia. Văn Bảo thấy sức mạnh kinh hồn của đối phương cũng hơi chột dạ, nhưng chàng đã có kế sách đối phó nên ung dung cười nói:
- Sức mạnh của tráng sĩ thật kinh hồn, tiên khách hậu chủ, xin ra tay đi.
Thạch Xương Bồ cười ha hả nói:
- Được, ta tấn công đây!
Dứt lời chàng ta múa tít cây đồng côn tấn công Văn Bảo như vũ bão. Văn Bảo ung dung né tránh, thỉnh thoảng lại phản công một vài chiêu khiến cho Xương Bồ giật mình, thoái lui tránh đòn. Nhưng né xong, chàng ta lại xông vào tấn công tới tấp. Hai bên côn qua kiếm lại hơn năm mươi hiệp mà vẫn bất phân thắng bại. Xương Bồ bắt đầu nóng nảy, liền sử dụng chiêu Hoành tảo thiên quân quét ngang một đường như sấm sét vào bụng Văn Bảo. Văn Bảo thối hậu nửa bước rồi hóp bụng vào để đầu côn vút qua trong đường tơ kẽ tóc. Xương Bồ la lớn:
- Hay lắm, đỡ tiếp chiêu này!
Liền chuyển thế phạt thành thế Phi tiễn xuyên tâm đâm thẳng vào ngực Văn Bảo. Văn Bảo bước chéo sang bên trái, tay kiếm quay loang loáng theo thế Xà hình kiếm, thân kiếm uyển chuyển quấn quanh đầu côn rồi thừa thế gạt mạnh sang phải. Xương Bồ bị bất ngờ, cả thân người chao nghiêng sang trái nửa bước theo đà côn bị hất sang. Văn Bảo không bỏ lỡ cơ hội liền biến kiếm chiêu thành thế Kim phụng chiêu dương, mũi kiếm đâm chếch lên yết hầu của Thạch Xương Bồ. Xương Bồ kinh hãi vội ngửa người để cho mũi kiếm lướt qua cằm trong gang tấc. Mọi người đứng ngoài vỗ tay khen ngợi ầm ĩ. Văn Bảo lại tiếp tục lướt tới, hạ thấp người, dùng chân trái tung ra một đường Phục hổ triển thân quét vào chân phải của Xương Bồ. Nếu để trúng đòn này chắc chắn Xương Bồ sẽ té ngã ngay tức khắc nhưng chàng ta rất mau lẹ, đã thọc ngược đầu côn đang cầm về phía sau. Côn vừa chạm mặt đất, chàng ta đã mượn thân côn làm trụ và tung ngược người lên cao theo thế Lý ngư vượt đỉnh. Sau đó chàng đảo người trên không biến thành thế Ly miêu thám địa đáp xuống đất, hoành côn thủ thế trông hết sức đẹp mắt. Mọi người lại được dịp vỗ tay tán thưởng.
Trần Lâm đứng ngoài quan sát thấy đường côn của Xương Bồ vừa mạnh bạo vừa kín đáo, công thủ thật nhịp nhàng, dù thân hình to lớn nhưng thân pháp rất nhẹ nhàng, quả là một danh thủ về côn pháp. Chàng lục lại trong trí nhớ những danh gia về các môn võ Đại Việt xưa kia mà sư phụ chàng vẫn thường đề cập đến, bỗng chàng giật mình hét lớn:
- Dừng tay, đã qua trăm hiệp, chúng ta coi như hai bên bất phân thắng bại, có đấu tiếp cũng thế mà thôi.
Hai đấu thủ đang hăng say, nghe Trần Lâm kêu lớn, Văn Bảo bất thần vội tung người ra sau, ôm kiếm cúi chào:
- Văn Bảo tôi xưa nay mới có được một trận đấu hào hứng như hôm nay. Xin bái phục, bái phục!
Thạch Xương Bồ cũng dộng đồng côn xuống đất mấy cái cười ha hả:
- Quá đã, quá đã! Bao nhiêu năm tập luyện, hôm nay mới có dịp đánh một trận sướng tay. Bái phục, bái phục!
Trần Lâm bước ra cúi chào Xương Bồ rồi nói:
- Lâm tôi bình sinh mới thấy được đường côn siêu quần bạt tụy này. Nếu tôi đoán không lầm thì tráng sĩ thuộc dòng họ Đinh phải không?
Xương Bồ trợn mắt tỏ vẻ kinh ngạc hỏi lại:
- Sao bạn biết?
- Trong toàn cõi Đại Việt, đường côn và thân pháp thoát thân mà tráng sĩ vừa biểu diễn ban nãy chỉ có mỗi Đinh gia mới làm được thôi. Do đó tôi đoán chắc tráng sĩ là hậu duệ của thượng tướng Đinh Điền dưới trướng của Đinh Tiên Hoàng ngày xưa.
Thạch Xương Bồ lòng vô cùng khâm phục kiến thức sâu rộng của Trần Lâm. Chàng ta chắp tay xá dài nói:
- Cặp mắt của bạn quả nhiên lợi hại. Tôi đúng họ Đinh, tên là Đinh Cường. Thượng tướng Đinh Điền chính là ông tổ của tôi.
Mọi người thốt lên kinh ngạc. Trần Lâm chắp tay xá lại rồi nói:
- Thật là vạn hạnh, vạn hạnh! Hôm nay gặp được truyền nhân của danh thần ngày xưa, Truông Mây quả là có phước lớn. Mời Đinh tráng sĩ vào trong, chúng ta cùng uống vài chung đàm đàm đạo để thỏa tình tri ngộ được chăng?
Đinh Cường cười ha hả:
- Các bạn không cần khách sáo, ta cũng đang khát nước đây, có gì mà được với không được.
Rồi tất cả trở vào trong. Mọi người chia nhau ngồi nơi bộ tràng kỷ ở khách sảnh. Trần Lâm cho người đem rượu lên, chàng rót đầy các chung rồi giới thiệu mọi người với Đinh Cường, xong nói:
- Chúng tôi xin mời Đinh huynh một chung mừng duyên gặp mặt.
Tất cả nâng ly uống cạn:
- Mừng gặp mặt!
Sau đó, Văn Bảo và những người có mặt mỗi người một chung uống mừng Đinh Cường. Chàng ta vui vẻ uống hết những chung rượu mời. Đoạn, chàng ta đứng lên, tự mình rót đầy các chung nói lớn:
- Đinh Cường tôi bấy lâu sống nơi sơn dã không bạn bè đối ẩm, hôm nay gặp được nhiều bằng hữu như thế này quả thật là một điều vui sướng lớn trong đời. Xin mời tất cả một chung để mừng ngày hội ngộ.
Sau đó ngửa cổ uống cạn. Mọi người cũng đứng lên uống cạn ly của mình. Trần Lâm lại rót đầy các ly, ôn tồn mở lời:
- Đinh huynh mang trong mình một thân tuyệt nghệ, lại di truyền dòng máu anh hùng của tổ tiên, vì sao lại ẩn mình nơi thảo dã há chẳng uổng đời trai trong thời buổi ly loạn đảo điên này ư?
Đinh Cường bưng ly rượu lên uống cạn nói:
- Tổ tiên tôi từ sau lần cùng danh thần Nguyễn Bặc mưu đánh Lê Hoàn để giữ lại cơ nghiệp cho Đinh Tiên Hoàng không thành nên phải tự vận, con cháu vì sợ Lê Hoàn truy sát đã ly tán khắp nơi. Chi của tôi lưu lạc đến xứ Phù Ly này từ sau thời Lê Thánh Tông đánh chiếm Đồ Bàn, thấy ngọn Thanh Hùng Sơn và Điệp Thạch Sơn kỳ vĩ nên đã dừng chân và chọn nơi đây xây dựng trang trại trồng cây nuôi ngựa, sống đời thảo dã, không muốn tham dự quan trường.
- Nhà họ Đinh ở Bằng Châu, Tuy Viễn có liên hệ thế nào với huynh?
- Họ cũng là hậu duệ của những dòng dõi mang quốc thích Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình nhưng không có liên hệ huyết thống với chúng tôi.
- Lúc này tên Quốc phó Trương Phúc Loan chuyên quyền làm đảo điên phép nước, sưu cao thuế nặng khiến người người phải bỏ quê nhà lang thang đói khổ. Chúng tôi với bầu nhiệt huyết muốn vì dân tiêu trừ tặc đảng để mang lại cơm no áo ấm cho mọi người nên mới tụ họp nhau nơi đây. Đinh huynh vốn dòng hào kiệt sao nỡ làm ngơ ngồi nhìn bá tánh lầm than?
Đinh Cường tự rót cho mình một ly rượu nữa rồi nâng ly uống cạn.
- Mấy năm nay nhìn đồng bào đói khổ, dân xiêu tán xin ăn từ khắp nơi đổ về Phù Ly ngày càng nhiều, tiếng kêu than dậy đất, lòng tôi cũng sôi lên bầu nhiệt huyết nhưng chưa biết phải làm gì. Nay thấy Truông Mây dấy nghĩa nên có ý tìm đến xem thử hư thực thế nào, hầu góp một chút sức mọn giúp cho đồng bào ruột thịt của mình.
Trần Lâm và mọi người nghe Đinh Cường nói thì ai nấy đều hớn hở đứng lên. Văn Bảo rót tràn những ly rượu rồi nói:
- Không đánh nhau không biết là bạn tốt. Truông Mây hôm nay có thêm được Đinh huynh góp sức thật là phước lớn của mọi người. Chúng ta uống cạn chung này, thề sống chết có nhau để mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào. Đinh huynh nghĩ sao?
Đinh Cường nâng ly mời:
- Thề sống chết có nhau!
Mọi người vui vẻ uống cạn. Trần Lâm nói:
- Chúng tôi đang phải chia quân làm hai đạo để đón đánh quân binh phủ Quy Nhơn. Tôi muốn nhờ Đinh huynh cùng Trương Bằng Châu và Văn Bảo đem một cánh quân đánh mặt phía tây, ý Đinh huynh thế nào?
Đinh Cường khảng khái nói:
- Lâm huynh cứ tự nhiên phân phối nhiệm vụ, không cần hỏi han. Tôi sẽ y theo lệnh thi hành.
- Thật là sảng khoái! Vậy chúng ta chuẩn bị xuất quân.
Mọi người vui vẻ ai đi lo phận sự nấy.