Én Liệng Truông Mây - Hồi 35 - Phần 2

Năm Mậu Tý 1768, chỉ mới sắp sửa vào tiết Cốc vũ mà khí trời đã oi bức vô cùng. Cái nóng của đất trời hợp với khói lửa chiến chinh đã biến cõi trần gian này thành một bể trầm luân mà những người dân khốn khó đang phải lặn hụp trong đó. Tuy vậy mọi người đều cảm thấy vui mừng vì trong lòng họ đang nảy mầm hi vọng. Niềm hi vọng đơn sơ là diệt cho được tên Quốc phó và bè lũ, tìm lại được miếng cơm manh áo mà họ đang thiếu, vô cùng thiếu. Họ hi vọng sẽ có được một trật tự mới, một xã hội mới, một cuộc sống mới. Chỉ với niềm hi vọng đó, nhiều người trong số họ đã không tiếc máu xương để trở thành những phần tử cấu thành chiến tranh.

Cho nên, chiến tranh dù tàn khốc vẫn có lý lẽ và tiếng nói riêng của nó. Cái lý lẽ và tiếng nói của sự thèm khát tự do khi bị áp bức, của nghèo đói muốn được ấm no, của bất công muốn tìm lấy công bằng, của chính nghĩa muốn đập tan phi nghĩa... Bởi vậy khi phê bình về một cuộc nổi loạn, một cuộc chiến tranh, người đương cuộc có cái nhìn khác với những người trong tương lai khi nhìn về quá khứ và kẻ đương quyền đánh giá khác với người bị trị. Từ đó giá trị thực của một cuộc chiến tranh thường bị bóp méo hay vo tròn tùy theo vị trí của người có quyền thẩm định nó. Và kẻ chiến thắng luôn là kẻ có quyền thẩm định, bởi vậy, lắm khi có những cuộc nổi dậy, những người anh hùng đã bị bỏ quên theo dĩ vãng, theo thời gian.

Con người vốn không muốn có chiến tranh, nhưng lịch sử nhân loại đã có hàng ức vạn cuộc chiến, chính nghĩa có mà phi nghĩa cũng có. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là quy luật của tiến hóa, tồn vong, sinh tử... Quy luật của những cặp đôi lưỡng cực song hành theo tự nhiên mà có vậy.

***

Tại thành Phù Ly, trong khi Trần Lâm đang chuẩn bị binh mã để kéo xuống mặt đông chặn cánh quân thứ hai của triều đình thì Tín Nhi đã mang tin từ Đá Vách về đến. Trần Lâm vỗ vai Tín Nhi nói:

- Đệ giỏi lắm, nghỉ ngơi một chút đã rồi kể huynh nghe mọi việc ở đó thế nào.

Tín Nhi cười hi hi nói:

- Để đệ nói luôn rồi nghỉ ngơi sau cũng được. Tù trưởng H’Phon gởi lời hỏi thăm Lâm ca, cả H’Linh nữa. Hi hi... Ông ta bảo rằng sẽ chuẩn bị ra quân ngay. Ông ta đã tập hợp được gần bốn ngàn quân bộ và kỵ của các bản dân tộc trong vùng và sẽ theo đúng kế hoạch của Lâm ca là đem quân vượt lũy đánh phá hai huyện Mộ Hoa và Chương Nghĩa, sau đó rút về chờ ngày Truông Mây tấn công ra Quảng Ngãi sẽ hợp binh chiếm phủ thành Tư Nghĩa. Ông ta còn báo một tin buồn đó là già làng đang bị bệnh rất nặng, chắc sẽ không qua khỏi. Đệ nghe nói rằng già làng đã xin H’Phon hứa gả H’Linh cho con nuôi của ông ta là A Nun để có thể yên lòng nhắm mắt, nhưng H’Linh nhất quyết cự tuyệt nên việc không thành.

Nói tới đây nó nheo mắt cười hi hi có vẻ bí mật rồi tiếp:

- Đệ theo lời dặn của Lâm ca, rủ H’Linh đấu kiếm, nàng dẫn đệ đến một nơi cao lắm, có thể trông thấy cả vùng Thạch Bích Sơn hùng vĩ. Ái chà, cô gái đó trông hiền lành như tiên nữ vậy mà xuất chiêu nhanh và mạnh mẽ không thể tưởng được. Hi hi... đệ cứ bị cô ta gí kiếm vào yết hầu mấy lần nên đành giơ tay đầu hàng. Hic hic...

Trần Lâm cũng cười:

- Vậy là H’Linh có chịu khó tập luyện đấy. Đệ phải cố gắng lên, lần sau đừng để cô ta gí kiếm vào cổ nữa. Công việc coi như tạm ổn, chúng ta đỡ lo về mặt bắc rồi. À, còn chuyến trở về ra sao?

Nét mặt Tín Nhi lộ vẻ nghiêm trọng nói:

- Đệ có ghé qua đèo Thạch Tân gặp lúc Hồ tam ca đang say mèm. Đệ không muốn đánh động anh ta nên chỉ hỏi thăm anh em ở đó vài điều rồi đi ngay.

Trần Lâm nghe nói mặt biến sắc nhưng chàng trấn tỉnh lại ngay hỏi:

- Việc bố phòng thế nào?

- Phó trại Trịnh Tòng nói rằng mọi việc đều sắp xếp theo đúng kế hoạch mà Lâm ca đã dặn.

Trần Lâm thở phào:

- Cảm ơn đệ. Thôi lo ăn uống nghỉ ngơi đi. Chúng ta sắp đánh nhau lớn với quân triều đình rồi đó.

Tín Nhi vừa huýt gió vừa chạy ra ngoài. Trần Lâm viết vội mấy chữ, niêm phong cẩn thận rồi đưa cho một thám báo bảo phải trao gấp phong thư này cho Lía. Tên thám báo vội vã lên đường đi ngay.

Nói về Hoàng Kim Phụng đang nắm giữ thủy quân tại cửa biển Quy Nhơn, khi ông nhận được lệnh của phủ truyền xuống liền kiểm điểm binh mã cùng chiến thuyền để điều quân ra đầm Đạm Thủy, đổ bộ lên cửa sông Phù Ly. Hoàng Kim Phụng trước phục vụ trong vệ thủy quân của phó đề đốc Vương ở Phiên Trấn, sau được thăng chức vệ úy và được điều về nắm giữ thủy quân ở cửa biển Quy Nhơn. Khi hai toán quân thủy - bộ gặp nhau ở bờ Đạm Thủy, ông tiếp tục kéo quân qua khỏi chợ Gành đến Chánh Thiện để hội binh cùng đạo quân Càn Dương của Phạm Kiến Tính đang tụ tập ở Gò Kho. Hoàng Kim Phụng cho mời Kiến Tính cùng các phó tướng đến bàn bạc. Ông nói:

- Lần này phủ Quy Nhơn huy động gần như toàn bộ binh mã để phá giặc cướp, cho thấy tình hình rất nghiêm trọng. Chúng ta phải thắng trận này nếu không thì quân đội phủ Quy Nhơn coi như tan vỡ. Các ông có cao kiến gì không?

Kiến Tính nói:

- Tôi nghe nói bọn Truông Mây có một vị quân sư tuổi còn trẻ nhưng mưu thâm trí viễn, liệu việc như thần, nhờ đó mà chỉ trong một thời gian ngắn chúng đã có thể chiếm gọn hai huyện Phù Ly và Hoài Nhơn. Vì vậy lần này ra quân, chúng ta phải hết sức cẩn trọng, không nên khinh chúng là bọn cướp cạn mà sơ suất như hai huyện kia.

- Tướng quân biết địch biết ta như thế là rất tốt. Vậy theo ý tướng quân thì ta nên tiến binh như thế nào?

- Theo thiển ý của tôi, chúng ta nên chia quân làm hai đạo. Một đạo qua sông Phù Ly đánh trực diện vào mặt nam Phù Mỹ để hợp với cánh quân của Phan Ngọc Chánh ở mặt tây. Một đạo kéo theo ngả Chánh Trực, vượt đèo Ô Phi, vòng sau lưng đánh bọc lại để chặn lối về Lại Khánh của chúng. Chúng ta ba mặt ép chúng vào giữa, chắc chắn sẽ tiêu diệt được trọn ổ.

Hoàng Kim Phụng tán thưởng:

- Kế hoạch hành binh như vậy thật là hoàn hảo. Tướng quân sẵn binh bản bộ ở Càn Dương, Đạm Thủy thì cứ đánh ngả thứ nhất, tôi xin đem binh Quy Nhơn theo ngả đèo Ô Phi để đánh bọc hậu, tướng quân thấy thế nào?

Kiến Tính ngập ngừng:

- Như vậy cũng được, có điều tướng quân đi ngả núi Lạc Phụng e...

Hoàng Kim Phụng cười xòa:

- Tướng quân đừng lo nghĩ xa quá. Những chuyện mê tín kiểu ấy tôi chưa bao giờ để tâm tới. Với tôi, con người phải làm chủ được vận mệnh của mình mới là kẻ trí và dũng.

- Tướng quân nói phải. Vậy chúng ta cứ theo kế hoạch đó mà tiến binh.

- Bao giờ thì xuất quân được?

- Chúng ta nên chờ cánh quân phía tây để cùng nhau ra quân một lúc, như vậy sẽ khiến cho chúng rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch. Vả lại mình cũng cần thao luyện binh mã một chút để lấy lại hào khí.

- Thế cũng tốt.

Toán thám báo của Truông Mây làm việc rất hiệu qủa. Mọi động tĩnh của quân triều đình đều được báo cáo về cho Trần Lâm cũng như các toán quân bên ngoài. Trần Lâm liền dặn dò Đinh Hồng Liệt và Vũ Tùng:

- Đinh thúc và Vũ Tùng huynh mang theo bảy trăm anh em chặn đánh đạo quân hai ngàn người ngựa của Phạm Kiến Tính ở Trung Thứ. Kiến Tính với con ngựa Thiết Hoa và cây Luyện tử kim thương đã vang danh là Càn Dương bất bại tướng, hai người phải cẩn trọng.

Vũ Tùng cau mày:

- Địch quân bên cánh của huynh đông hơn, sao huynh chỉ dẫn theo có ba trăm quân? Huynh lo chúng tôi không thắng nổi địch ư?

Trần Lâm cười nói:

- Vũ Tùng huynh đừng hiểu lầm. Cánh của tôi đã có viện binh, còn đông binh đông tướng hơn bên này nữa là đằng khác.

- Ra là vậy! Xin lỗi, tôi chỉ lo cho huynh mà thôi. Giờ thì tôi an tâm rồi.

Trần Lâm gọi Thiên Tường vào dặn dò:

- Đệ đem một trăm anh em trong đội thần mã, mang theo cung tên và đồ dẫn hỏa rồi làm như vầy... như vầy... Ta sẽ cho thêm người tiếp viện.

Thiên Tường lãnh mạng đi ngay.

Trần Lâm lại gọi một tên thám báo đến dặn:

- Ngươi dùng một con ngựa tốt mang gấp thư này về cửa An Dũ trao cho Lam Tiểu Muội. Bảo cô ta phải làm ngay không được sơ sót.

Tên thám báo vâng dạ rồi đi ngay.

Sau đó, các toán quân chia nhau rầm rộ lên đường, khí thế thật hùng dũng, nhiệt huyết dâng tràn.

***

Toán quân của Lam Tiểu Muội, Hồng Y Nữ và Võ Tiến từ Lại Khánh qua sông Lại Dương, lần lượt tiêu diệt các trại binh nhỏ rồi tiến xuống cửa An Dũ. Thủy trại ở đây có khoảng hai mươi chiến thuyền và ba trăm lính thủy canh giữ. Suốt một thời gian dài nhàn hạ, bọn lính chỉ canh đám con buôn trốn thuế cho huyện nhà và cho quan Quốc phó, thế nên toán quân của Lam Tiêu Muội chẳng khó khăn gì để vừa giết vừa bắt trọn ổ đám lính vô công rỗi nghề này. Một số khi nghe giải thích về cuộc khởi nghĩa của Truông Mây đã đồng ý ở lại với nghĩa binh, số còn lại được trả tự do về nhà. Võ Tiến vốn có biệt tài về thủy chiến nên đã cho sắp xếp lại đồn trại và phân bố nghĩa binh trên những chiến thuyền, chia đội thuyền thành năm toán thay phiên nhau tuần tra cửa biển.

Hai hôm sau, Lam Tiểu Muội đưa Hồng Y Nữ đi thăm nhà cũ và tế mộ nghĩa phụ của mình. Đó là một căn nhà nhỏ trên bờ Lại Dương, nơi mà hơn mười năm về trước, khi nàng tuyệt vọng trầm mình xuống sông đã được nghĩa phụ vớt lên và nuôi nấng dạy dỗ suốt mấy năm trời. Cảnh cũ vườn xưa đã gợi lên trong lòng Tiểu Muội một nỗi thương tâm khiến nàng không cầm được nước mắt. Hồng Y Nữ động lòng an ủi:

- Lam tỷ đừng buồn nữa. Nghĩa phụ tỷ mất lâu rồi, giờ hẳn linh hồn người đã siêu thoát, thương tiếc mấy cũng không làm được gì hơn. Từ ngày gặp tỷ, thỉnh thoảng muội thấy tỷ trốn ngồi một mình buồn bã. Tỷ có thể chia sẻ với muội được không? À, đây là mồ nghĩa phụ, thế còn song thân của tỷ đâu?

Lam Tiểu Muội lau nước mắt nhìn Hồng Y Nữ, nét mặt trở lại vẻ bình thản nói:

- Gia đình tỷ ngày xưa ở trong một xóm nhỏ bên bờ Lại Dương gần Bồng Sơn. Cha của tỷ đi lính theo Nguyễn Cư Trinh vào nam đánh Cao Miên đã tử trận mất xác lúc tỷ mới có bảy tuổi.

Rồi với giọng nói buồn buồn, nàng tiếp tục kể lại cuộc đời của mình cho Hồng Liên nghe. Cuối cùng nàng nói bằng giọng tủi nhục:

- Cuộc đời của tỷ là như thế đó. Trăm cay ngàn đắng, đen tối ê chề.

Hồng Y Nữ cầm tay Tiểu Muội nhỏ nhẹ:

- Tỷ đừng buồn. Ai cũng có nỗi bất hạnh riêng của mình. Hãy nhìn nó như một điều hiển nhiên mà ta phải gặp trên đường đời thì rồi bất hạnh sẽ qua và hạnh phúc sẽ đến.

- Cảm ơn muội có lời an ủi, nhưng tỷ e rằng hai chữ hạnh phúc không dành cho đời mình.

- Sao tỷ lại bi quan đến độ đó? Xem nào...

Hồng Liên đưa tay nâng cằm Tiểu Muội lên nhìn chăm chú một lúc rồi nói tiếp:

- Này nhé, tỷ xinh đẹp, võ nghệ lại cao cường, thiếu gì anh hùng hảo hán chết mê chết mệt chứ? Tỷ hãy vứt bỏ những mặc cảm và bi quan đi, muội tin chắc tỷ sẽ có hạnh phúc.

Lam Tiểu Muội lắc đầu rồi hỏi:

- Muội đã yêu rồi phải không? Đừng chối nhé. Khi người mình yêu nhất tâm hờ hững và rồi lấy vợ... À mà thôi, đừng nói chuyện đó nữa.

- A! Muội hiểu ra rồi. Ân nhân cứu mạng. Sư phụ truyền cho võ nghệ và... và rồi tỷ yêu người ấy phải không?

Lam Tiểu Muội đỏ mặt:

- Muội đừng nói nữa. Phải hay không thì giờ cũng vô dụng rồi.

Hồng Y Nữ chưa chịu buông tha hỏi tiếp:

- Tỷ ở Truông Mây, kề bên người ta bao nhiêu năm sao lại không nói ra, để bây giờ ngồi than là vô dụng?

Lam Tiểu Muội cúi đầu, lấy ngón tay vẽ những đường ngoằn ngoèo trên mặt đất.

- Muội nghĩ tấm thân tỷ như thế này lại có đủ can đảm mở miệng ư?

Hồng Y Nữ cầm tay Tiểu Muội thật chặt và nói:

- Từ nay muội sẽ là người thân thiết nhất của tỷ. Chị em ta sống chết có nhau.

Lam Tiểu Muội nhìn Hồng Y Nữ bằng ánh mắt biết ơn. Nàng cảm động nói:

- Cảm ơn muội, chúng ta sống chết có nhau. Thôi chúng ta về đi.

Họ nắm tay nhau đi dọc theo bờ sông trở lại trại. Hai con người, một cuộc đời nhung lụa, một cuộc đời cùng khổ, giờ khắng khít yêu thương nhau. Tình thương chân thật đã xóa bỏ tất cả những dị biệt giữa hai người. Nếu mọi người đều trao ra tình thương chân thật để nhận lại tình thương chân thật thì nhân loại sẽ dứt tuyệt những khổ đau phiền não.

Khi họ về đến trại thì có mật thư của Trần Lâm gởi đến. Lam Tiểu Muội đọc xong thư liền cùng Hồng Y Nữ và Võ Tiến cấp tốc thực hiện kế hoạch Trần Lâm đã giao phó.