Én Liệng Truông Mây - Hồi 35 - Phần 4
Nói về Đinh Hồng Liệt và Vũ Tùng đem theo bảy trăm nghĩa binh đón đánh Phạm Kiến Tính. Vũ Tùng nói:
- Mọi việc xin lão tướng điều động, tôi xin vâng lệnh thi hành.
Hồng Liệt vui vẻ nói:
- Cánh quân của họ Phạm từ Gò Kho đến đây tất phải đi qua sông Phù Ly để tiến vào. Địa bàn vùng này tương đối thoáng, không có thế dụng binh, lực lượng chúng ta lại ít hơn cho nên chúng ta phải chờ họ ở phía tây Chánh Hội, nơi đó có một cửa núi có dốc hẹp, chúng ta chia nhau đóng giữ hai bên, đợi bọn chúng đến sẽ đánh thử một trận xem lực lượng của chúng thế nào rồi mình mới tìm kế phá giặc sau.
- Vậy chúng ta cứ làm theo kế hoạch đó.
Bèn chia quân đóng giữ hai bên cửa núi, chờ đợi binh triều. Chẳng bao lâu sau đã thấy đại đội binh mã của Phạm Kiến Tính rầm rộ kéo đến. Kiến Tính cưỡi con Thiết Hoa đi đầu, hai bên là hai viên phó tướng Trần Trụ và Đặng Hiền. Lúc ấy có quân báo rằng nơi cửa núi dẫn vào Phù Ly đã bị quân cướp đóng giữ, Kiến Tính liền cho quân dừng lại rồi giục ngựa đến trước xem thử. Khi thấy có hai tướng cướp một già, một trẻ cưỡi ngựa đứng hai bên cửa núi chờ, trên sườn núi cờ Truông Mây cắm đầy Kiến Tính quay sang nói với hai phó tướng:
- Bọn cướp chặn nơi cửa núi này vì quân của chúng ít hơn quân ta nên không dám đương trường chiến đấu. Chúng cho cắm nhiều cờ hai bên sườn núi có lẽ cũng chỉ để nghi binh mà thôi. Tuy vậy, tình hình này ta không thể dùng kế hay lực lượng quân sĩ đông mà chỉ có thể cậy vào tài sức của tướng lĩnh thôi.
Trần Trụ vỗ vào thanh đao nói:
- Thanh đao này đã lâu chưa nhuốm máu người, nay tôi xin ra đánh trận đầu để rửa đao. Tướng quân cứ đứng lược trận là được.
- Phó tướng phải cẩn thận, không biết tên tướng trẻ người Phù Tang kia là ai, sao lại theo giúp bọn cướp Truông Mây?
- Đánh với bọn Phù Tang càng hay, tôi sẽ cho chúng biết thế nào là đường đao Đại Việt của chúng ta.
Nói rồi Trần Trụ giục ngựa tới trước cửa núi hoành đao gọi lớn:
- Bọn cướp cạn Truông Mây kia, chúng bay dám lộng hành, không coi vương pháp ra gì, còn loạn chiếm cả huyện thành. Hôm nay gặp đại tướng Trần Trụ ta thì bọn ngươi đúng là xấu số rồi. Có tên nào dám ra đây đấu với ta vài hiệp chăng?
Vũ Tùng nói với Đinh Hồng Liệt:
- Tên này có vẻ huênh hoang thái quá, để tôi cho hắn một bài học.
Đinh Hồng Liệt nói:
- Trần Trụ tuy làm phó tướng nhưng mình mang tuyệt nghệ. Đường đao của hắn lừng danh khắp đất Quy Nhơn này, tướng quân nên thận trọng.
Vũ Tùng gật đầu rồi thúc ngựa chạy xuống dốc. Trần Trụ nói lớn:
- Tên Phù Tang kia báo tên họ đi! Ngươi không ở nước ngươi hưởng phước mà lại đến đây giúp cho bọn cướp làm loạn là sao?
Vũ Tùng đáp:
- Ta là Cung Bản Vũ Tùng, đừng nói nhiều, thắng được ta trước đã.
Xong liền rút kiếm khỏi vỏ, giục ngựa lướt tới tấn công Trần Trụ. Trần Trụ xoay ngựa né tránh rồi vung đao phản công lại. Hai tướng đao qua kiếm lại, quần nhau hơn năm mươi hiệp mà vẫn bất phân thắng bại. Đường đao của Trần Trụ mạnh như vũ bão còn đường kiếm của Vũ Tùng nhanh và hiểm hóc vô cùng. Binh khí chạm nhau chan chát, bụi bay ngập trời, đã qua hai trăm hiệp mà chưa ai nắm được thế thượng phong. Thấy trời bắt đầu sẩm tối, Phạm Kiến Tính và Đinh Hồng Liệt sợ bên mình có sơ suất nên cả hai cùng gióng chiêng thâu quân về. Hai tướng nghe lệnh, vội quày ngựa trở lại bên quân mình. Trần Trụ về đến nơi nói với Kiến Tính:
- Tên Phù Tang này giỏi thật, Trụ tôi bình sinh mới gặp được một địch thủ ghê gớm thế này. Thật là nguy hiểm mà cũng thật là sướng tay.
- Giờ đã tối, chúng ta hãy đợi sáng mai rồi hẵng tính.
Kiến Tính bèn ra lệnh lui binh hai dặm, hạ trại theo thế trận Trường xà giữa đồng trống nghỉ ngơi. Bên kia, Vũ Tùng cũng nói với Hồng Liệt:
- Tên Trần Trụ này quả là mãnh tướng của Quy Nhơn. Đường đao của hắn vừa mạnh vừa kín đáo, không chút sơ hở. Sáng mai tôi phải tái đấu với hắn một trận nữa mới được.
- Được. Giờ chúng ta hãy nghỉ ngơi và cho quân canh phòng cẩn mật, ngừa bọn chúng đang đêm tấn công bất ngờ.
Hồng Liệt bèn ra lệnh nghĩa binh hạ trại hai bên cửa núi nghỉ ngơi và thay phiên nhau canh phòng. Sáng hôm sau, mọi người nai nịt gọn gàng xong đã thấy quân triều đình kéo đến bên dưới dốc. Phó tướng Đặng Hiền diễu võ dương oai kêu lớn:
- Tên giặc Phù Tang kia, nhà ngươi có dám xuống đây đấu với ta trăm hiệp hay không?
Vũ Tùng nghe hắn gọi đích tên mình liền phóng lên ngựa chạy xuống dốc. Không nói tiếng nào, chàng rút kiếm tấn công Đặng Hiền ngay. Đặng Hiền vung kiếm ra đỡ. Một tiếng keng trong trẻo vang lên rồi cả hai cùng dạt ra. Cánh tay Đặng Hiền như tê dại trước sức mạnh của Vũ Tùng. Hắn thoáng kinh hãi trong lòng nhưng vội lấy lại bình tĩnh để ra chiêu gạt một đường kiếm đang chém xuống của Vũ Tùng. Đánh được năm mươi hiệp, Đặng Hiền có vẻ núng thế hơn, tay chân luống cuống chỉ còn đỡ gạt chứ không thể phản kích được nữa. Trần Trụ thấy vậy vội giục ngựa xông lên gọi lớn:
- Đặng huynh hãy lui về nghỉ, để tên này cho tôi!
Trần Trụ liền xốc ngựa tới, vung đao chém Vũ Tùng. Đặng Hiền nói:
- Vậy chúng ta hãy cùng nhau liên thủ tiêu diệt tên này để phá tan bọn cướp cho lẹ.
Miệng nói, tay hắn liền vung kiếm tấn công vào bên trái của Vũ Tùng. Vũ Tùng phải đấu một lúc với hai người nên lâm vào thế hạ phong, tuy vậy tay kiếm của chàng vẫn vững vàng, đỡ đông gạt tây không hề nao núng. Đinh Hồng Liệt thấy thế nguy thì giục ngựa xông vào tiếp cứu. Sau một hồi giao chiến, bên Trần Trụ đã tỏ ra yếu thế hơn. Phạm Kiến Tính thấy vậy bèn giục ngựa xông vào vung thương đâm Hồng Liệt. Năm tướng đánh nhau một trận cát bụi mịt trời, quân sĩ hai bên reo hò cổ vũ cho phe mình, vang động cả một vùng cửa núi. Hồng Liệt biết không thể thắng được nên vừa đánh vừa lui dần lên dốc. Phạm Kiến Tính sợ địch có âm mưu nên vội ra lệnh cho hai tướng dừng tay rồi lui về. Lúc ấy trời cũng sắp tối, hai bên lại thâu quân về trại nghỉ ngơi.
Hai phó tướng hỏi Kiến Tính:
- Hôm nay hai tướng giặc không địch nổi ba chúng ta sao tướng quân không cho đánh thốc luôn lên cửa núi mà lại thu quân về?
Kiến Tính đáp:
- Trời cũng sắp tối, bên địch lại nhiều quỉ kế, ta không muốn mạo hiểm nên mới thu quân. Ngày mai ra trận lần nữa xem sao rồi hãy tính.
Hai tướng vâng dạ lui ra.
Bên kia Đinh Hồng Liệt bàn với Vũ Tùng:
- Hôm nay quân địch thắng thế nhưng có lẽ vì sợ trúng mai phục của ta nên mới rút lui. Ngày mai thế nào chúng cũng sẽ thử sức trở lại. Bên ta ít quân nên không thể đương trường đối địch, chỉ còn cách phục binh cố thủ cửa núi này. Tôi sẽ cho người báo với Trần Lâm để xin thêm viện binh.
Vũ Tùng nói:
- Tình hình này nếu đương trường chiến đấu chúng ta kém thế hơn. Hay đêm nay chúng ta bất thình lình cướp trại giặc, chắc sẽ chiếm được thắng lợi.
- Kiến Tính đóng trại theo thế “trường xà”, đầu đuôi và giữa đều có thể ứng cứu nhau. Ta ít quân mà đi cướp trại tất sẽ bị chúng bao vây.
- Nếu vậy ngày mai tướng quân ra trận rồi giả thua chạy về, tôi sẽ dùng phi tiêu hạ chúng. Lại cho cung thủ mai phục sẵn, đề phòng bọn chúng tổng tấn công lên cửa núi.
Hồng Liệt đồng ý rồi cho thám mã cấp báo với Trần Lâm.
Sáng hôm sau, Kiến Tính lại đem quân đến cửa núi. Lần này đích thân ông ta ra khiêu chiến. Đinh Hồng Liệt nai nịt gọn gàng, lên ngựa chạy xuống. Kiến Tính cười ha hả nói:
- Các ngươi không có bao nhiêu quân, ta đã biết rồi. Hôm nay ta nhất định đánh một trận tới cùng cho bọn bay biết thế nào là Càn Dương bất bại tướng.
Dứt lời, ông ta giục ngựa tới đâm Hồng Liệt một thương. Hồng Liệt xoay ngựa né tránh và vung kiếm tấn công lại. Hai bên quần nhau độ mươi hiệp, Hồng Liệt giả thua bỏ chạy lên dốc, Kiến Tính giục ngựa đuổi theo. Hai tướng Trần Trụ, Đặng Hiền liền hô quân tiến lên. Kiến Tính rượt Hồng Liệt đến gần cửa núi thì bỗng có một loạt ám khí xé gió bay vút đến. Ông ta giật mình liền múa tít cây thương gạt ám khí. Nhưng vừa dứt đợt một, loạt ám khí thứ hai lại tiếp tục nhắm thẳng vào người ngựa của ông lao đến. Ông vội vàng vừa múa thương đỡ gạt vừa giật ngựa phóng tạt sang bên né tránh, sau đó quày ngựa chạy về. Dù vậy ông cũng đã bị trúng hai mũi ám khí nơi cánh tay. Trong khi đó, hai bên vách núi nghĩa binh bắn tên như mưa vào toán quân triều đình đang xông lên. Trời lúc ấy vần vũ mây đen, gió từ biển kéo vào tạo thành cơn dông mạnh, sau đó một trận mưa lớn đổ xuống chiến trường. Kiến Tính thấy tình hình không thuận lợi vội ra lệnh rút binh lần nữa. Sáng sớm hôm sau, bỗng có một toán lính chừng năm người của Hoàng Kim Phụng, áo quần tả tơi xin vào yết kiến. Kiến Tính ngạc nhiên cho đòi vào. Một tên trong bọn nói:
- Trình với tướng quân, đạo binh của chủ soái tôi bị phục binh tại đèo Ô Phi. Chủ soái tôi đã tử trận, toàn bộ binh sĩ lớp chết lớp đầu hàng, lớp được thả về quê, chỉ còn bọn tôi không nỡ nhìn thấy tướng quân bại trận tiếp nên mới cố chạy lên đây báo tin.
Kiến Tính nghe báo rụng rời tay chân. Ông vội gọi Trần Trụ và Đặng Hiền đến họp. Ông nói:
- Nay đại binh của Hoàng Kim Phụng đã tan rã, thế nào bọn chúng cũng sẽ mang quân lên đây tiếp viện. Giờ ta cho quân dùng khiên che tên lập thành rào chắn tấn công lên dốc. Dù giá nào cũng phải qua cho được cửa núi này. Hai ông về cho quân chuẩn bị đi.
Hai tướng vâng lệnh lui ra.
Bên trại nghĩa quân, Đinh Hồng Liệt nói với Vũ Tùng:
- Nếu viện binh không đến kịp ta e rằng mình không cố thủ ở đây được mãi vì cung tên cũng đã gần cạn. Ngày mai đành phải quyết một phen tử chiến một mất một còn với bọn chúng thôi.
Vũ Tùng nói:
- Đã vậy ngày mai tướng quân giao đấu cùng Kiến Tính, phần tôi sẽ đánh với hai tên phó tướng. Ta phải cố giết cho được một tên thì mới có cơ thủ thắng bọn họ.
- Cách đó rất hay!
Hôm sau Kiến Tính và hai phó tướng lại kéo binh mã đến. Lần này toán quân đi đầu dùng khiên dàn hàng ngang tiến lên để che chở cho những người đi sau. Trận mưa dữ dội hôm qua làm cho vùng chiến địa nhiều nơi còn đọng những vũng nước lớn. Đinh Hồng Liệt biết bọn họ quyết tử chiến nên vội vàng kéo toàn bộ nghĩa binh xuống đầu dốc, dàn hàng ngang chuẩn bị. Kiến Tính huơ thương giục ngựa tiến lên nói lớn:
- Đinh Hồng Liệt, bọn ngươi đầu hàng đi! Hôm nay bằng mọi giá ta quyết giết sạch bọn bay.
Đinh Hồng Liệt ngửa mặt cười ha hả nói:
- Đầu hàng? Nghĩa sĩ Truông Mây chúng ta chỉ có tiếng chết chứ không có tiếng đầu hàng. Hôm nay ta cũng quyết tử chiến với ngươi một phen.
Dứt lời Hồng Liệt liền thúc ngựa tới vung kiếm đâm Kiến Tính. Tính múa thương gạt kiếm rồi xoay ngựa đâm trả. Bên kia, Vũ Tùng cũng giục ngựa xông vào giao đấu với Trần Trụ và Đặng Hiền. Vũ Tùng một mình đấu với hai người tuy không thể thắng được nhưng cũng không chịu để bị thua. Thỉnh thoảng chàng lại phóng ám khí bất ngờ khiến cho hai tướng rất vất vả né tránh, gạt đỡ. Đám binh sĩ hai bên bấy giờ tự do xông vào nhau chém giết. Nghĩa binh Truông Mây, số quân chủ lực đã được rèn luyện khổ cực suốt hai năm nay cho nên ai nấy võ nghệ đều cao cường. Họ có thể một người chọi tới hai ba tên lính triều đình. Riêng bọn tân binh mới đầu hàng ít được rèn luyện nên bị số đông quân triều áp đảo. Cuộc hỗn chiến kéo dài độ một khắc thì bỗng thấy đám binh triều la hét hoảng hốt bỏ chạy tán loạn. Một đội thiết kỵ mấy trăm con xông vào tấn công khiến đám quân triều đình ngã như rạ. Kiến Tính đang giao đấu với Đinh Hồng Liệt trông thấy cảnh tượng đó thì vô cùng kinh hoàng, vội ra lệnh rút lui. Ba tướng vừa đánh tháo lui vừa dẫn quân chạy về hướng bờ sông Phù Ly. Kiến Tính lệnh cho đội quân cung thủ đi sau cùng để yểm trợ bảo vệ cho toán bộ binh chạy trước. Nghĩa binh rượt theo bị tên bắn rát quá nên Hồng Liệt ra lệnh không đuổi theo nữa.
Thì ra toán kỵ mã của Trần Lâm và Thiên Tường đã đến kịp lúc để giải nguy. Trần Lâm nói:
- Kiến Tính điều binh rất có kỷ luật và phải phép, tuy bỏ chạy mà hàng ngũ không rối loạn, lại có thể bảo toàn được lực lượng, chứng tỏ ông ta là một tướng tài. Giặc cùng chớ đuổi, ta chờ bắt hắn vào dịp khác vậy.
Đinh Hồng Liệt vui mừng nói:
- Nếu các người không đến kịp thì toàn bộ toán quân này chắc sẽ chết hết.
- Cháu đã đánh giá thấp Phạm Kiến Tính, suýt chút nữa làm chết nhiều anh em, đó là lỗi của cháu.
Thấy Vũ Tùng máu nhuộm đỏ cả người, chàng vội hỏi:
- Vũ Tùng huynh bị thương có nặng không? Là lỗi của tôi.
Vũ Tùng đáp:
- Chỉ bị vài vết thương nhẹ thôi. Đời làm tướng chết tại chiến trường là chuyện thường, một vài vết thương nhỏ có đáng gì. Lâm huynh đừng ái ngại.
Trần Lâm cho kiểm điểm lại binh mã. Bên nghĩa binh chết gần hai trăm người, bị thương gần một trăm, còn binh triều bỏ xác lại gần năm trăm. Trần Lâm cho đào một cái hố lớn đem chôn tập thể những người đã chết và băng bó chữa trị cho anh em bị thương. Xong chàng nói với Hồng Liệt:
- Đinh thúc và Vũ Tùng huynh đưa anh em thương binh về Phù Ly dưỡng thương đồng thời hợp với chú Nhẫn giữ huyện thành. Cháu cùng Tường đệ sẽ dẫn toán thiết kỵ và bộ binh chủ lực đi tiếp viện cho Trương Bàng Châu. Binh phủ Quy Nhơn giờ đã qui về một mối nên lực lượng lớn lắm.
Đinh Hồng Liệt nói:
- Ta còn khỏe nên muốn theo giúp cháu một tay. Để Vũ Tùng về Phù Ly là được rồi.
Vũ Tùng vội nói:
- Tôi chỉ bị thương nhẹ thôi. Tôi cũng muốn tham gia chiến dịch này.
Trần Lâm nói:
- Cả hai vị cùng đi cũng được. Trận này chúng ta phải quyết thắng để dồn binh triều về phủ Quy Nhơn. Sau đó sẽ chuẩn bị đánh một trận lớn chiếm luôn cả phủ thành. Đinh thúc cùng Vũ Tùng huynh dẫn bộ binh đi sau, chúng tôi phải đi trước, không nên để sơ sót như ở đây được nữa.
Nói xong chàng lệnh cho mười kỵ mã hộ tống toán thương binh về Phù Ly.
Đinh Hồng Liệt chợt hỏi:
- Cánh quân mặt đông của Hoàng Kim Phụng cháu giải quyết thế nào rồi?
Trần Lâm mỉm cười:
- Hoàng Kim Phụng đã chết trên đèo Ô Phi núi Lạc Phụng, cả toán quân của ông ta đã đầu hàng.
Vũ Tùng cúi đầu kính phục nói:
- Lâm huynh dụng binh như thần, Vũ Tùng tôi thật sự bái phục.
Trần Lâm cũng cúi đầu đáp lễ và nói:
- Đều do anh em cùng nhau quyết tâm mà thôi. Vả lại trong trận này tôi may mắn có được cả ba thứ là thiên thời, địa lợi và nhân hòa nên mới thành công dễ dàng như thế. Thôi, chúng ta lên đường đi.
Đoàn thần mã của Truông Mây rầm rập lao đi. Vũ Tùng nhìn theo đám bụi mù nói với Đinh Hồng Liệt:
- Lâm huynh thật là kỳ tài trong thiên hạ, lại chịu bôn ba gian khổ làm việc không ngừng.
Đinh Hồng Liệt gật đầu:
- Cậu ấy là người mà tôi vừa cảm vừa phục nhất đời. Trong con người sắt đó có một khối óc và một trái tim vĩ đại.