Én Liệng Truông Mây - Hồi 35 - Phần 5

Lại nói về Phạm Kiến Tính dẫn quân dọc theo bờ sông Phù Ly chạy về hướng Tây, đang đi thì có tin đến báo kho Càn Dương và Đạm Thủy đã bị nghĩa binh chiếm lấy, bao nhiêu lương thảo trong kho đều bị cướp sạch. Ông ta thất kinh liền cho quân thám mã đi trước dò xem cánh quân của Phan Ngọc Chánh đã đi đến đâu. Không bao lâu thám mã về báo đại quân của Phan Ngọc Chánh hãy còn ở bờ nam sông Phù Ly.

Kiến Tính nói với hai phó tướng:

- Phan Ngọc Chánh làm việc thật cẩn trọng. Ông ta thao luyện binh mã kỹ lưỡng trở lại rồi mới ra quân. Chúng ta hơi hấp tấp nên chiến dịch không đồng bộ mới để bọn Truông Mây chiếm mất lợi thế. Ta thật có lỗi với ba quân.

Trần Trụ nói:

- Cũng do bọn quan văn ngồi không đục khoét, bán tước mua quan nên binh lính bây giờ toàn là thứ bát nháo. Họ không có tinh thần chiến đấu, chúng ta chưa ra quân đã nắm lấy thất bại đến năm phần rồi.

Kiến Tính thở dài:

- Hà! Làm tướng trong thời buổi này thật là khó. Nếu lỡ có chết trên chiến trường thật chẳng sảng khoái chút nào. Còn đâu nữa cái hào khí da ngựa bọc thây?

Sau đó ông bèn chọn khúc sông cạn cho quân qua sông để họp binh cùng Ngọc Chánh. Cơn mưa lớn hôm kia làm nước sông dâng cao và chảy mạnh hơn. Khi quân Kiến Tính kéo đến đường trạm chính thì đại binh của Ngọc Chánh cũng đến nơi. Kiến Tính vào gặp Ngọc Chánh báo tin về sự thất bại của cánh quân mặt đông. Ngọc Chánh cùng Đặng Thông nghe nói giật mình kinh ngạc. Ngọc Chánh thốt lên:

- Bọn Truông Mây quả nhiên lợi hại! Chỉ trong mấy ngày chúng đã có thể tiêu diệt được đạo quân lớn của Kim Phụng và cướp kho Càn Dương. Chúng hành binh thần tốc và xuất quỉ nhập thần như thế chúng ta không thể xem thường được. Ta được tin thám mã cho biết bên kia sông Phù Ly có một toán quân một ngàn người của Tào Sơn Trương Bàng Châu đang theo đường trạm để ngăn đón chúng ta. Bàng Châu là chỗ quen biết với ta, võ nghệ tuyệt luân ít người sánh kịp. Đây là trận chiến cam go cả về đấu trí lẫn đấu sức, các ngươi có kế sách gì hay không?

Đặng Thông lên tiếng:

- Quân địch ít, tôi tin là chúng chỉ dám đóng bên kia sông để ngăn cản chúng ta thôi chứ không dám tìm đến ta để đương trường đối địch. Tôi xin lãnh một ngàn quân đi vòng lên phía chân núi Hội Sơn đắp bờ ngăn nước sông rồi đem quân đánh bọc xuống sườn địch. Tướng quân chờ nước song rút bớt xua đại binh sang tấn công chính diện, Kiến Tính tướng quân lãnh binh Càn Dương xuống phía đông, sang sông rồi đánh bọc lên. Ba mặt giáp công như thế thì một ngàn quân của địch sẽ bị ta diệt gọn không sót một tên.

Kiến Tính vội nói:

- Tướng quân đừng quên là bọn chúng đã có thêm gần ngàn quân tiếp viện. Đặc biệt là đội binh thiết kỵ.

- Dù vậy quân ta vẫn đông hơn gấp ba lần. Riêng đội thiết kỵ, chúng ta sẽ dùng đội quân câu liêm thương để trị. Việc này xin Phan tướng quân chỉ đạo cho.

Phan Ngọc Chánh nói:

- Được, chúng ta cứ theo kế hoạch đó mà làm.

Nói về cánh quân của Trương Bàng Châu từ thành Phù Ly theo ngã đường liên trạm tiến về hướng nam để đón đầu cánh quân của Phan Ngọc Chánh từ Quy Nhơn ra. Bàng Châu nói với Văn Bảo và Đinh Cường:

- Phan Ngọc Chánh là tướng giỏi lại rất cẩn thận, hắn cho thao luyện binh lính đàng hoàng rồi mới xuất quân. Nghĩa binh của ta tuy dũng mãnh thật nhưng nếu đương trường chiến đấu thì dẫu có thắng cũng sẽ bị thiệt hại rất nhiều. Hai người có tính toán gì không?

Văn Bảo đưa mắt nhìn Đinh Cường. Đinh Cường cười nói:

- Tôi chỉ xin nghe theo lệnh mà thi hành, còn mưu kế thì xin chịu bó tay.

Văn Bảo lên tiếng:

- Theo ý tôi, chúng ta có hai cách. Thứ nhất, mình đưa quân đi thật nhanh, một toán đến chiếm vùng chân núi Bà ẩn kín làm kỳ binh, một toán đóng ở vùng đồi cạnh đường trạm làm chính binh đợi quân địch đến. Như thế chúng ta có thể hai mặt giáp công địch, lấy ít thắng nhiều. Tuy nhiên, đưa quân vào sâu trọng địa của địch sẽ rất nguy hiểm, trừ phi chúng ta nắm chắc được phần thắng. Thứ hai, chúng ta cứ đóng quân bên này bờ sông Phù Ly ngăn không cho địch qua sông chờ Trần Lâm tiêu diệt cánh quân mặt đông kéo về tiếp viện. Vì chúng ta ít quân hơn địch nên giữ thế thủ là thượng sách. Tôi chọn cách này hơn vì có thể bảo toàn được lực lượng.

Đinh Cường hỏi:

- Trường hợp chiến trường mặt đông kéo dài thì chúng ta làm thế nào?

- Tôi tin rằng Lâm đệ đã có tính toán kỹ càng, chỉ là không hé ra vì sợ lộ cơ mưu thôi. Lâm đệ vốn là người kỹ tính, hắn không thể để chúng ta ra quân với khả năng năm ăn năm thua thế này đâu. Cho nên chúng ta phải cố bảo toàn lực lượng.

Bàng Châu nói:

- So về tướng thì chúng ta không sợ địch, nhưng về quân số thì địch lại gấp ba lần ta. Đúng là năm ăn năm thua thật. Chúng ta cứ theo cách thứ hai, phải lợi dụng con sông để tiêu diệt bớt lực lượng của địch trước. Khi địch có thể sang được bên này thì ít nhất chúng cũng phải bị hao tổn một số quân. Việc bây giờ là cần chuẩn bị cung tên cho đầy đủ.

Văn Bảo nói:

- Nếu vậy chúng ta phải chia ra làm ba trại, đóng rải dọc theo bờ sông để đề phòng địch lên thượng nguồn đắp đê chặn nước rồi sang sông đánh bọc xuống. Tôi xin lãnh hai trăm rưỡi nghĩa binh lên phía tây, Đinh huynh lãnh hai trăm rưỡi nghĩa binh xuống mé đông, số quân còn lại Trương huynh thủ trung quân.

Bàng Châu khen ngợi:

- Hay lắm! Như thế chúng ta có thể cứu ứng lẫn nhau.

Đinh Cường lại hỏi:

- Trường hợp địch cũng chia ra ba đạo sang sông thì sao?

Văn Bảo đáp:

- Như vậy thì bản thân chúng ta phải cố giết cho được một chủ tướng để phá tan bớt một đạo quân địch rồi rút về ứng cứu cho hai đạo kia.

Đinh Cường cao hứng nói:

- Hay lắm, hay lắm! Để coi đường côn tổ truyền của tôi có giết được tướng giặc nào không. Ha ha...

Bàn định xong, Bàng Châu y kế hoạch chia quân đóng dọc theo bờ bắc sông Phù Ly. Hôm sau thám mã về báo đại binh của Phan Ngọc Chánh từ Quy Nhơn đã kéo đến núi Bà, còn chừng mươi dặm nữa là đến bờ sông.

Chiều hôm đó, đại binh của phủ Quy Nhơn cờ xí rợp trời dàn hàng ngang bên kia bờ sông Phù Ly. Phan Ngọc Chánh ngồi trên mình ngựa tiến đến sát bờ sông nhìn sang. Bên này, Trương Bàng Châu cũng lên ngựa tiến ra bờ sông. Sông Phù Ly rộng chừng hơn bốn mươi trượng, mùa này nước sông không lớn lắm. Trương Bàng Châu nói lớn sang bên kia:

- Chào Phan huynh, đã lâu không gặp.

Phan Ngọc Chánh cũng lớn tiếng vọng sang:

- Kính chào Trương huynh. Trông huynh vẫn phong độ như xưa.

- Sự đời thay đổi thật nhanh, ngày nào chúng ta còn cùng nhau đối ẩm mà giờ đã mỗi người mỗi bờ, mỗi chiến tuyến. Tôi thật lấy làm đau lòng.

- Vật đổi sao dời là lẽ tự nhiên của tạo hóa nhưng đôi khi con người lại tự mình thay đổi mới thật đáng buồn. Ví như Trương huynh, đường đường là một tay hào kiệt sao bỗng nhiên lại đổi lòng đi theo giặc cướp làm loạn? Trương huynh không thấy uổng phí đời mình hay sao?

- Huynh nói tôi đi theo giặc cướp làm loạn, tôi xin hỏi huynh chúng tôi đã cướp của những ai, huynh có biết không?

- Tuy huynh cướp của nhà giàu để phát cho dân nghèo là việc phải, nhưng nay làm loạn chiếm lấy huyện thành, chống lại quan binh phủ chúa như thế là phản loạn. Trương huynh không thấy là mình đã hùa theo giặc làm điều sai quấy hay sao?

- Chúng tôi chỉ chống lại tên gian tặc Quốc phó. Huynh không thấy rằng cả cái phủ chúa hiện giờ đang nằm gọn trong tay hắn và bè lũ của hắn hay sao? Huynh không thấy muôn dân đang bỏ nhà, bỏ xứ lang thang chết đói đầy đường hay sao? Ngày nào còn tên Quốc phó Trương Phúc Loan và bè lũ của hắn thì ngày đó một dải giang san này vẫn còn là chốn địa ngục trần gian, huynh có nghĩ thế hay không? Sao huynh còn đem thân làm tay sai để bảo vệ chiếc ghế Quốc phó của hắn, cho hắn ngồi đó thản nhiên mà vơ vét của dân lành? Tinh thần thượng võ của kẻ cầm đao, lòng yêu nước thương dân của huynh để đâu?

Phan Ngọc Chánh nghe Trương Bàng Châu lý luận xác đáng, vừa như phân tích, vừa như mắng xéo mình thì trong lòng hổ thẹn vô cùng. Ông không biết trả lời thế nào cho phải lẽ. Ông nhìn xuống thấy nước sông đang cạn dần thì biết là Đặng Thông đã đắp đê ngăn dòng trên thượng nguồn. Ông bèn nói gượng:

- Trương huynh nói phải lắm, nhưng tôi thân làm tướng cho nhà chúa, mang quân đi dẹp loạn là cho chúa tôi chứ không phải cho quan Quốc phó. Trương huynh nếu còn nghĩ mình là thần dân của Chúa Nguyễn thì bỏ đao, dẹp binh đi để tránh can qua. Bằng không xin đừng trách tôi không nghĩ đến tình cố cựu.

Bàng Châu cười ha hả nói:

- Ha ha... Câu đó lẽ ra phải để tôi nói mới đúng. Đã thế thì chúng ta cứ lấy chiến trường để định lẽ phải trái, chút tình cố cựu riêng tư hãy dẹp sang bên.

- Được! Kẻ thắng trận sẽ nói tiếng nói của mình.

Ngọc Chánh liền phất tay, cả đoàn quân ùn ùn chuẩn bị xuống sông. Bên này Bàng Châu cho cung thủ dàn hàng ngang sẵn sàng chờ đợi. Giữa lúc ấy, tiếng vó ngựa từ xa rầm rập phi tới từ phía sau lưng. Bàng Châu hốt hoảng nhìn lại thì thấy chính là đoàn kỵ mã của Trần Lâm. Trần Lâm tiến đến bên Bàng Châu để quan sát tình hình, chàng thấy nước sông cạn thì biết rằng địch đã cho đắp đê chặn trên miệt thượng nguồn. Trần Lâm vội hỏi Bàng Châu:

- Cách bố trí của chúng ta thế nào?

Bàng Châu đáp:

- Văn Bảo đem hai trăm rưỡi quân đóng phía tây, Đinh Cường đem hai trăm rưỡi quân đóng phía đông giăng hàng theo bờ sông.

- Địch đắp đê trên thượng nguồn chắc là sẽ mang quân từ trên đánh xuống, miệt dưới sẽ có quân đổ qua sông để đánh lên. Bây giờ anh hãy cho quân cung tiễn bắn giết họ càng nhiều càng tốt. Khi họ đã tràn được lên bờ thì giả thua dẫn quân bỏ chạy vào vùng rừng rậm phía tây đường trạm, cố thủ trong đó chờ khi nào có tiếng nổ lớn thì thúc quân đánh ra.

Trần Lâm lại kêu Thiên Tường dặn:

- Đệ dẫn một trăm anh em kỵ mã đi vòng lên vùng thượng nguồn nơi địch đắp bờ đê, cho quân chặt cây lớn ra thành từng khúc. Khi nào thấy pháo hiệu bắn lên thì phá đê cho nước đổ xuống và thả những khúc cây trôi theo. Xong việc thì tiếp tục đem quân dọc theo bờ sông xuống phía nam để rượt đám tàn binh địch vừa thoát được lên bờ.

Thiên Tường lãnh mệnh đi ngay. Trần Lâm lại sai hai thiết kỵ quân chia ra hai ngả thám thính số lượng quân địch ở hai cánh đông và tây. Hai lính thiết kỵ tuân lệnh phóng ngựa đi ngay.

Lúc này dưới lòng sông, quân triều đình đã dàn hàng ngang, dùng mộc che tên tiến tới sát bờ bắc. Trần Lâm đứng trên bờ ra lệnh:

- Toán cung thủ lui lại, có cơ hội chỉ bắn từng phát một vào những tên địch đi sau không có mộc che tên. Toán cận chiến ra trước đánh địch không cho lên bờ.

Toán binh triều cầm mộc đi đầu cố tràn lên bờ nhưng lên bao nhiêu đều bị đánh rớt xuống bấy nhiêu. Phan Ngọc Chánh tay múa đồng côn vun vút, giục ngựa tiến lên bến sông. Trương Bàng Châu cũng vội thúc ngựa lướt tới chặn Ngọc Chánh lại, miệng thét lớn:

- Ngươi không biết phải trái, đi theo làm tay sai cho gian tặc thì đừng trách ta vô tình.

Rồi chàng vung đồng côn tấn công. Ngọc Chánh đưa thiết côn ra đỡ. Hai tướng giao chiến kịch liệt với nhau nơi bến sông. Trong khi đó dọc bờ sông, cuộc chiến giữa nghĩa binh trên bờ và quân triều đình dưới lòng sông cũng diễn ra ác liệt không kém. Nghĩa binh ở trong thế trên cao đánh xuống, lại giỏi võ nghệ hơn nên binh triều tiến lên lớp nào đều bị triệt hạ lớp đó. Số người chết và bị thương vô số. Tuy vậy, vì quân triều đình quá đông nên cuối cùng chúng cũng đã lên được bờ và đẩy nghĩa binh lui dần.

Trương Bàng Châu thấy đã đến lúc rút lui nên đánh rát vài chiêu rồi hô quân rút về khu rừng rậm. Toán cung thủ đoạn hậu vừa chạy vừa bắn ngăn không cho quân triều đình đuổi theo. Vì thế cả toán quân của Bàng Châu đều đã lui vào rừng an toàn. Phan Ngọc Chánh thấy Bàng Châu đang giao chiến bỗng bỏ chạy thì hô quân dừng lại, không dám tiến sâu vào rừng. Ông cho quân đóng bên ngoài khu rừng chờ đợi tin tức của hai cánh quân kia.

Trong khi đó, Trần Lâm đã nhận được tin báo của hai thiết kỵ quân được cử đi do thám ban nãy. Chàng liền sai trăm quân kỵ xuống phía đông giúp Đinh Cường. Phần chàng dẫn trăm quân thiết kỵ lên giúp cho Văn Bảo. Vừa đến nơi đã thấy Văn Bảo và Đặng Thông đang đấu với nhau. Hai danh thủ về kiếm gặp nhau, quả đúng là kỳ phùng địch thủ. Quân sĩ hai bên đứng chung quanh hò reo cổ vũ vang dội cả một góc rừng. Trần Lâm nói lớn:

- Tứ ca, để đệ giúp một tay. Chúng ta cần thanh toán thật lẹ toán quân này để còn lo việc khác.

Chàng liền vỗ ngựa lướt tới, vung kiếm vạch một đường như chớp giật vào bên hông của Đặng Thông. Đặng Thông cả kinh vội thu kiếm về đỡ nhát kiếm đó của Trần Lâm. Lập tức từ bên phải, kiếm của Văn Bảo lại đâm vút tới bên sườn. Đặng Thông gập người xuống lưng ngựa để tránh, đường kiếm xẹt qua lưng cứa nhẹ một đường dài, máu đỏ phun ra ướt cả lưng áo. Trần Lâm lại nói:

- Đặng Thông, đầu hàng đi để bảo toàn sinh mạng cho anh em, nếu không cả ngươi và một ngàn binh sĩ kia sẽ bị chết uổng.

Đặng Thông thấy đường kiếm của hai người biết rằng hôm nay mình khó lòng thoát chết nhưng vẫn kiên cường:

- Ta thà chết chứ không chịu hèn!

Vừa nói hắn vừa bật người ngồi dậy ra chiêu tấn công Trần Lâm. Trần Lâm vung kiếm lên đỡ rồi tay trái rút nhanh cây roi nơi thắt lưng quất mạnh vào cổ tay cầm kiếm của Đặng Thông. Hắn trúng đòn, thanh kiếm vuột khỏi tay văng ra xa. Văn Bảo vội vàng thúc ngựa tới, dùng sống bàn tay làm đao chém vào gáy của Đặng Thông một nhát. Hắn ngã nhào xuống ngựa, nghĩa binh vội xông tới trói lại. Trần Lâm nói lớn:

- Anh em binh sĩ Quy Nhơn nghe đây, chúng tôi vì đồng bào nghèo khổ nên mới nổi dậy diệt trừ tên Quốc phó chứ không hề có ý gây chiến tranh để giết hại anh em đồng bào của mình. Anh em buông khí giới đầu hàng thì sẽ được toàn mạng.

Đám binh triều thấy chủ tướng đã bị bắt liền đồng loạt bỏ vũ khí. Nghĩa binh thu gom binh khí xong, Trần Lâm nói tiếp:

- Bây giờ anh em theo chúng tôi đến một nơi tạm lánh, chờ xong việc tôi sẽ phân phối anh em sau.

Chàng bèn lệnh cho một trăm kỵ binh dẫn bọn hàng binh tạm giam vào một hốc núi gần đó rồi mang theo Đặng Thông trở lại khu rừng nơi Bàng Châu đang ẩn trốn.

Nhắc lại toán quân của Đinh Cường đang đóng trại ở mé đông thì gặp cánh quân hơn ngàn người của Phạm Kiến Tính ồ ạt vượt sông. Đinh Cường cho cung thủ từ trên bờ bắn tên xuống như mưa rào, số binh triều đi đầu trúng tên kêu la om trời. Kiến Tính vội vàng đưa quân cầm mộc chống tên lên trước rồi tự mình cùng hai tướng Trần Trụ và Đặng Hiền múa thương tấn công xông lên bờ. Nghĩa binh tuy ít quân hơn nhưng họ đều giỏi võ lại chiến đấu quên mình nên quân triều đình bị giết rất nhiều. Đinh Cường cố chết chống cự không cho ba tướng vượt lên bờ, nhưng vì một chọi ba nên không thể ngăn được ba tướng của địch. Chàng ta bị Trần Trụ và Đặng Hiền bao vây vào giữa. Dù đã huy động côn đồng tả xung hữu đột nhưng chàng ta vẫn không sao thoát ra khỏi vòng vây của địch. Sợ quân mình bị diệt gọn, chàng vội lớn tiếng ra lệnh:

- Anh em lui trước đi, để mình ta đoạn hậu.

Nghĩa binh Truông Mây đồng hô lớn:

- Tướng quân bị vây, chúng tôi cùng liều chết với tướng quân.

Dứt tiếng hô cả bọn vùng lên chiến đấu hết sức bình sinh, không còn coi sống chết vào đâu. Bọn quân triều đình vốn tham sanh úy tử, thấy nghĩa binh liều mạng như vậy ai cũng kinh sợ, chùn tay. Vì thế chúng càng bị đám nghĩa binh tấn công ráo riết, người chết như rạ. Đương lúc ấy bỗng có tiếng vó ngựa dồn dập, một trăm quân thiết kỵ từ đâu kéo đến như dông bão. Họ lao vào đám quân triều đình vừa chém đông, giết tây vừa hô lớn:

- Đám giặc tay sai của cẩu tặc Quốc phó, các ngươi đã trúng kế phục binh của quân sư ta rồi, mau đầu hàng đi!

Đinh Cường và nhóm nghĩa binh thấy có quân tiếp viện càng hăng hái đánh dữ hơn. Người Đinh Cường bây giờ nhuộm đầy máu nhưng đường côn vẫn vô cùng lợi hại. Ba tướng địch không cách nào triệt hạ được chàng ta. Vừa lúc đó bỗng nghe tiếng bọn quân triều đình la ó bỏ chạy tán loạn. Thì ra một đạo binh khác của Truông Mây từ phía đông đã kéo lên bao vây binh triều vào giữa.

Đinh Hồng Liệt kêu lớn:

- Đinh Cường đừng sợ, có chúng tôi đến đây!

Tiếng chưa dứt, ông cùng Vũ Tùng giục ngựa xông vô cứu Đinh Cường. Vũ Tùng nhắm vào Đặng Hiền tấn công trước, miệng nói lớn:

- Món nợ một kiếm hôm trước, nay ta sẽ trả ngươi gấp đôi!

Rồi chàng vung kiếm chém luôn mấy nhát, kiếm chiêu hiểm hóc vô cùng. Đặng Hiền vừa ra gươm chống đỡ vừa lách ngựa sang bên né mấy chiêu kiếm ấy rồi ra đòn phản công lại. Vũ Tùng tay phải vung kiếm gạt mạnh thanh kiếm của Đặng Hiền, tay trái rút một thanh kiếm khác giắt bên hông chém một nhát. Đường kiếm thần tốc ấy đã tiện đứt cánh tay trái của Đặng Hiền. Hắn hét lớn một tiếng rồi ngã xuống ngựa. Kiến Tính đang đấu với Đinh Cường nghe tiếng hét giật mình. Ông ta vội bỏ Đinh Cường, lướt tới vung thương đâm Vũ Tùng để cứu Đặng Hiền. Quân triều đình liền nhào vô cứu chủ tướng, đem về giữa trận nhà. Kiến Tính nhìn thấy quân mình bị bao vây, nhắm bề không thắng nổi nên hô quân rút lui. Toàn bộ quân triều đình giờ lại phải vừa đánh vừa nhảy xuống sông tháo chạy về bờ bên kia. Kiến Tính cùng Trần Trụ cũng giục ngựa chạy theo. Trên bờ, nghĩa binh liền bắn tên. Đám cung thủ và quân cầm mộc đỡ tên của binh triều tụt lại phía sau làm rào chắn bảo vệ cho đồng đội. Vũ Tùng la lớn:

- Chúng ta nên thừa thế rượt theo giết bọn giặc này một trận cho đã tay.

Đinh Hồng Liệt ngăn:

- Giặc cùng chớ đuổi. Kiến Tính dụng binh kỷ luật như thế nếu chúng ta ép quá họ sẽ liều chết đánh trả. Như vậy hai bên đều thiệt hại như nhau. Chúng ta mau kéo quân lên để hội cùng trung quân tiêu diệt đại binh của Phan Ngọc Chánh.

Nghĩa binh thu nhặt gần năm mươi xác đồng đội đem theo, bỏ lại trên chiến trường hơn ba trăm xác địch.

Trong khi đó, Phan Ngọc Chánh cho đóng quân trước khu rừng rậm giữ chặt không cho Bàng Châu thoát ra và chờ quân của mình từ hai cánh đến. Bỗng có quân kỵ mã từ Quy Nhơn đến xin vào ra mắt. Ngọc Chánh lấy làm lạ cho đòi vào. Tên kỵ mã nhảy xuống ngựa vội vã chạy vào, vừa thở hổn hển vừa nói:

- Đêm qua phủ thành Quy Nhơn bị địch tấn công, kho lương và vũ khí cùng một số dinh trại bị đốt cháy, quan tuần phủ lệnh cho tướng quân phải kéo binh về cứu viện gấp.

Phan Ngọc Chánh nghe báo thất kinh. Chưa kịp hoàn hồn lại có quân về báo cánh quân phía tây của Đặng Thông đã đầu hàng, chủ tướng bị địch bắt giữ, còn cánh quân phía đông bị đánh tan tác, Đặng Hiền bị chặt đứt một tay, Kiến Tính phải rút chạy về lại bên kia sông. Bao nhiêu hung tin đến cùng một lúc làm cho Phan Ngọc Chánh vô cùng lo sợ. Ông vội ra lệnh rút quân về cứu phủ Quy Nhơn. Ba quân nghe lệnh cấp tốc nhổ trại kéo nhau ra bờ sông Phù Ly.

Bấy giờ bỗng nghe nơi mé rừng có một tiếng nổ rất lớn, Trương Bàng Châu từ trong rừng dẫn quân xông ra tấn công vào hậu quân của Phan Ngọc Chánh. Mặt tây, Trần Lâm và Trương Văn Bảo cũng kéo quân xuống, còn mặt đông thì Đinh Hồng Liệt, Vũ Tùng cùng Đinh Cường kéo quân lên. Ba mặt bị bao vây, binh triều chỉ còn một con đường là nhảy xuống sông để tháo chạy về bên kia. Mấy ngàn quân ùn nhau, mạnh ai nấy chạy không còn hàng ngũ gì nữa. Trần Lâm thấy địch quân đã tràn xuống lòng sông liền phóng tín hiệu lên trời. Trên thượng nguồn, Thiên Tường thấy hỏa pháo lập tức cho anh em phá vỡ bờ đê để nước đổ xuống, mang cả những khúc gỗ đã chặt sẵn cho trôi theo. Lượng nước sông bị chặn chứa vào một cái hồ thiên nhiên gần đó giờ được xả ra chảy ầm ầm xuống, khí thế mạnh bạo tưởng như long trời lở đất. Đám binh triều đang chen nhau dưới lòng sông bất ngờ bị dòng nước và những khúc gỗ tràn xuống cuốn phăng đi như đám lá khô giữa dòng thác lũ. Tiếng kêu la dậy trời, cảnh tượng thật là thê thảm.

Phạm Ngọc Chánh vốn dày dặn kinh nghiệm chiến trường nên khi nghe tiếng động ầm ầm từ phía thượng nguồn ông biết ngay địch quân đã cho phá bờ đê cản nước. Ông vội vàng thúc ngựa vọt lên trước để qua sông. May mắn là khi luồng nước và những khúc gỗ vừa trôi đến nơi thì ông cũng đã đến được gần bờ. Tuy vậy, con ngựa của ông bị một khúc gỗ lao trúng làm ngã quị. Trong khoảnh khắc ấy, ông liền đạp chân vào mình ngựa để lấy đà rồi phóng người lao vút lên bờ, thoát khỏi dòng nước lũ chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Nhìn đám binh sĩ đang bị dòng lũ cuốn đi, miệng không ngớt kêu la inh ỏi, ông không dằn được nước mắt, ngửa mặt lên trời than:

- Đời làm tướng của ta chưa từng bị thất bại thê thảm và nhục nhã thế này. Thù này dù đến chết ta cũng quyết trả cho đám binh sĩ đã chết thảm kia.

Than xong ông vội vàng tìm một con ngựa khác, thu góp gần ngàn binh sĩ thoát được lên bờ lập tức bỏ chạy. Bấy giờ, đám tàn binh của Phạm Kiến Tính cũng đã kéo lên tới nơi. Họ họp nhau lại rồi nhắm hướng phủ thành Quy Nhơn trở về. Bỗng nhiên từ phía tây có tiếng vó ngựa dồn dập cùng tiếng quân reo dậy đất. Một viên tướng trẻ của Truông Mây đã dẫn quân rượt theo và kêu lớn:

- Phan Ngọc Chánh chớ chạy, có ta chờ đây đã lâu rồi!

Thì ra sau khi phá đê xả nước xong, Thiên Tường đã kéo quân xuống phục sẵn bên mé sông. Thấy quân triều đình thoát được lên bờ nam, chàng bèn cùng một trăm kỵ mã lao vào đám tàn binh của triều đình mà tiêu diệt. Bọn binh lính triều đình vừa trải qua một lần thoát chết kinh hoàng, giờ nghe tiếng vó ngựa rầm rập cùng tiếng quân reo thì hồn bay phách lạc, chúng vội vã ù té chạy, không cần biết địch ít hay nhiều. Phan Ngọc Chánh và các tướng cố sức la hét cũng không thể nào ngăn họ lại được. Phạm Kiến Tính và Trần Trụ nhìn thấy tình trạng như thế liền giục ngựa đến đón đánh Thiên Tường. Chàng vung kiếm đỡ rồi ra chiêu phản kích. Ba tướng đang hỗn chiến thì bỗng nghe tiếng kêu lớn:

- Tường đệ chớ sợ, đã có ta đến đây!

Một con bạch mã phóng tới và một ánh đao chớp lên phủ xuống đầu Kiến Tính. Ông ta hoảng hốt vội vung thương ra đỡ. Đỡ xong đường đao đó, tay chân Kiến Tính trở nên bủn rủn, suýt chút nữa cây thương đã vuột khỏi tay. Thiên Tường hỏi:

- Đại ca, đại ca cũng đến rồi ư?

Lía cười ha hả nói:

- Những cuộc vui thế này ta không góp mặt sao được?

Kiến Tính thấy nghĩa binh có thêm quân tiếp viện liền hô lớn:

- Lui binh!

Rồi ông ta cùng Trần Trụ chém bừa mấy nhát xong quày ngựa bỏ chạy. Bọn Lía và Thiên Tường rượt theo một lúc thì dừng lại. Lía nói:

- Bấy nhiêu đó đủ rồi. Hãy để bọn chúng sống sót với nỗi kinh hoàng trong lòng. Ha ha...

Đoạn, họ thu quân trở về. Trận ấy nghĩa binh Truông Mây thu được rất nhiều lương thực và khí giới của địch. Thiên Tường hỏi Lía:

- Sao đại ca lại có mặt ở đây?

Lía cười nói:

- Lâm đệ cho người mang thư dặn ta bí mật đem một toán quân nhỏ đến phủ Quy Nhơn, đợi cho đại binh của phủ đi xa rồi đang đêm mới lẻn vào phóng hỏa đốt kho lương và kho vũ khí cùng những nơi khác của địch. Lại cho reo hò ầm ĩ để chúng không biết đâu mà lường.

- Thảo nào Phan Ngọc Chánh đang vây chặt khu rừng bỗng cho quân rút lui. Thì ra phủ Quy Nhơn cho người gọi về cứu viện.

- Tình hình chiến trận ở các nơi thế nào?

- Chúng ta đại thắng trên tất cả các mặt trận. Tất cả đều nằm trong sự tính toán thần diệu của Lâm ca.

- Lâm đệ quả là bậc quân sư vĩ đại. Hắn nhìn rõ địch và trận địa như nhìn một vật trong lòng bàn tay, mưu kế lại thâm mật đến quỉ khốc thần kinh.

Nói rồi họ đưa quân lội sang sông Phù Ly để họp với nghĩa binh của Trần Lâm đang chờ bên bờ bắc. Mọi người gặp nhau, ai nấy đều vô cùng mừng rỡ. Ngay trong lần ra quân đầu tiên, họ đã đại thắng, làm cho quân triều đình phải một phen thất đởm kinh tâm. Trần Lâm nói:

- Giờ chúng ta phải phát lạc số hàng binh mới bắt được của Đặng Thông trước đã.

Một toán nghĩa binh đã đưa gần một ngàn hàng binh đến. Trần Lâm nói lớn:

- Mục đích của Truông Mây là tiêu diệt tên cẩu tặc Quốc phó Trương Phúc Loan chứ không phải để giết anh em. Nay anh em bị bắt, ai vì nghĩa lớn muốn cứu dân nghèo thì ở lại chiến đấu cùng chúng tôi, ai muốn về nhà thì được tự do ra về. Nhớ là đừng theo làm tay sai cho tên giặc già hại dân ấy nữa. Lần sau còn bị bắt lại chúng tôi sẽ không tha.

Bọn hàng binh thấy anh em Truông Mây nghĩa khí ngất trời, lại giàu lòng nhân ái như vậy nên có tới hơn phân nửa chịu theo về chiến đấu dưới cờ. Số còn lại Trần Lâm tha cho họ về nhà.

Trần Lâm cởi trói cho Đặng Thông rồi hỏi:

- Tướng quân trí dũng song toàn, là đấng anh hùng thời nay. Chắc tướng quân cũng biết tình trạng nước nhà và bá tánh hiện đang trong cơn khổ nạn thế nào. Chúng tôi vì nghĩa đứng lên tiêu diệt bè lũ tên gian tặc Trương Phúc Loan, rất mong tướng quân theo về hợp tác để cuộc chiến mau thành, tránh bớt nạn binh đao và xương máu của đồng bào ruột thịt mình. Tướng quân nghĩ sao?

Đặng Thông đã nghe danh Tây Hắc Hổ, Đông Bạch Long từ lâu, nay lại nhìn thấy những nghĩa cử đầy tình người của nghĩa sĩ Truông Mây nên trong lòng rất cảm phục. Ông bèn đáp:

- Được, tôi sẽ hết lòng vì nghĩa lớn để cứu đồng bào của chúng ta.

Lía vui vẻ bước tới nắm tay Đặng Thông nói:

- Từ lâu Lía tôi đã nghe danh của tướng quân, rất muốn kết giao nhưng chưa có duyên gặp mặt, nay chúng ta đã trở thành người một nhà, thật đúng là một niềm vui sướng lớn nhất trong đời tôi.

Đặng Thông cảm kích nói:

- Đại danh hiệp sĩ của chàng Lía Truông Mây vang rền khắp cõi Nam hà này. Đặng Thông tôi thật là người có phúc nên mới được về chiến đấu dưới cờ.

- Vậy là chúng ta nghĩa khí tương đồng. Từ nay sống chết có nhau, vì thiên hạ bá tánh dẫu thác không từ.

Sau đó tất cả cùng kéo binh về Phù Ly, kiểm điểm lại binh mã rồi mở tiệc khao quân. Nhân dân trong hai huyện hết sức vui mừng, nhà nhà ăn mừng, người người nhảy múa hát ca. Họ mang thực phẩm đến tặng cho các nghĩa binh trong ngày hội vui chiến thắng.

Sau cuộc chiến, số nghĩa quân chủ lực của Truông Mây bị chết hơn hai trăm người, bị thương gần ba trăm. Số hàng binh mới theo về bị chết khoảng ba trăm, bị thương cũng gần ba trăm nữa. Tổng số quân Truông Mây hiện có trong tay đã lên đến gần bốn ngàn người.

Trong khi đó, lực lượng binh mã bảy ngàn người của phủ Quy Nhơn coi như đã bị tan rã, chỉ còn lại số quân khoảng hơn hai ngàn người của Phạm Kiến Tính và Phan Ngọc Chánh mới rút chạy về. Chiến thắng vang dội của Truông Mây làm rung chuyển cả phủ Chúa Nguyễn ở Phú Xuân và toàn cõi Đàng Trong. Trong khi bọn quan tướng lo sốt vó thì nhân dân nhảy nhót reo mừng. Hịch văn được dân chúng mang đi dán khắp nơi, rồi họ truyền miệng nhau một thành mười, mười thành trăm... Những trận thắng của nghĩa binh trước quân triều đình đã được họ thêu dệt thành huyền thoại. Họ làm vè ca tụng những anh hùng Truông Mây, ca tụng chàng hiệp sĩ Lía, người lãnh đạo phong trào.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3