Én Liệng Truông Mây - Hồi 36 - Phần 1

Hồi thứ ba mươi sáu

Cử binh bốn lộ Phú Xuân quyết diệt nghĩa binh
Hào khí can vân anh hùng Truông Mây luận tửu

Tại phủ Quy Nhơn, sau khi bọn Phan Ngọc Chánh kéo đám tàn quân về đến nơi, điểm quân lại thấy chỉ còn khoảng hơn hai ngàn người mà một phần ba trong đó mình lại mang đầy thương tích. Các tướng an ủi binh sĩ, trấn tĩnh lại tinh thần xong bèn kéo nhau vào phủ gặp Nguyễn Khắc Tuyên và tán lý Lưu Khâm. Nguyễn Khắc Tuyên giận dữ lớn tiếng:

- Các ông làm tướng kiểu gì mà ba bốn mặt trận đều thua tan tác, lại còn để địch đến đốt phá cả phủ nhà nữa? Đến nông nỗi này các ông bảo ta phải ăn nói làm sao với quan Quốc phó đây? Các ông có nghĩ rằng nếu không bị bay đầu thì chúng ta cũng sẽ vào tù cả lũ không?

Lưu Khâm vốn ghét Phan Ngọc Chánh nên nói xỏ:

- Ông đã xin dời ngày ra quân để rèn luyện binh mã rồi mà, sao còn để bọn cướp cạn đó đánh cho không còn manh giáp thế này?

Phan Ngọc Chánh bị thua trận vừa đau lòng vừa xấu hổ, lại nghe Lưu Khâm nói xiên xỉa thì lòng tức lắm, sắc mặt đỏ của ông ta trở nên tím ngắt. Ông ta toan nổi dóa nhưng nghĩ lỗi lớn do ở mình nên cố nhịn.

- Có luyện binh thêm nữa thì cũng không ích gì. Tôi thật bất ngờ khi địch quân ra trận với tinh thần quyết tử chứ nhất định không chịu quay đầu bỏ chạy. Truông Mây lại có kỳ nhân giúp đỡ, họ hành binh vừa thần tốc vừa quỉ quyệt, lại thâm mật khôn lường. Hãy coi Hoàng Kim Phụng , ông ta là một danh tướng mà chỉ trong một trận đã bỏ mạng, ba ngàn quân sĩ tan tác. Chúng tôi biết mình còn nhiều sơ sót nhưng thật sự rất khâm phục tài năng và tinh thần chiến đấu của địch. Cuộc chiến lần này chúng ta vì không biết rõ địch nên đã quá xem thường, thành ra mới chuốc lấy thảm bại.

Nguyễn Khắc Tuyên hỏi:

- Bây giờ nếu bọn giặc tới cướp thành thì chúng ta phải làm sao?

- Chúng ta gom lại còn hơn ba ngàn quân, thành Quy Nhơn lại kiên cố, nếu ta cố thủ thì bọn cướp sẽ không làm gì được. Bây giờ phải cấp tốc xin Phú Xuân viện binh. Mối nhục hôm nay tôi quyết trả đủ cho bọn chúng, bằng không tôi chết không nhắm mắt.

Nguyễn Khắc Tuyên nghe nói cũng hơi yên tâm, bèn viết thư cho người cấp báo về Phú Xuân.

Tin phủ Quy Nhơn một lần nữa lại bị bọn cướp Truông Mây đánh phá, binh mã thiệt mất hơn bốn ngàn người, lương thực khí giới bị hao tốn không biết bao nhiêu mà kể bay về đến Phú Xuân khiến cả phủ ai nấy đều rúng động kinh hoàng. Chúa Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần lúc ấy chỉ mới mười lăm tuổi nên mọi quyền hành nằm gọn trong tay Quốc phó Trương Phúc Loan. Ngay hôm đó, phủ Chúa cho triệu tập các đại thần đến thương nghị. Phúc Loan giận dữ quát tháo om sòm:

- Ông Nguyễn Cửu Thống, ông ăn nói làm sao với tôi đây? Chỉ một đám giặc cướp mà bọn quan lính của ông không trị nổi, còn để hao binh tổn tướng đến mức ấy, nếu giặc lớn tràn vào chắc ông giao cả cái phủ chúa này cho giặc luôn phải không? Lại còn bọn man tặc ở Đá Vách nữa, chúng vừa vượt lũy quấy nhiễu phủ Quảng Ngãi, các ông tính toán thế nào nói tôi nghe thử?

Chưởng doanh Nguyễn Cửu Thống mặt mày tái mét, lí nhí sợ hãi nói:

- Thưa quan Quốc phó, tôi nghe nói bọn cướp Truông Mây bây giờ thực lực rất lớn. Bọn chúng đồng một lòng quyết tử liều chết chiến đấu chứ không chịu lui. Nhân dân phủ Quy Nhơn lại hết lòng ủng hộ bọn nó nên quân chúng ta kỳ này vì bị bất ngờ mà thất bại. Tôi sẽ gởi viện binh vào để tiêu diệt bọn chúng trong nay mai. Còn bọn man tặc ở Đá Vách không đáng lo lắm vì tôi có nghe tuần phủ Quảng Ngãi báo cho biết là đã đưa ba ngàn quân đến đó đánh dẹp rồi.

Quan Ngoại hữu Nguyễn Phúc Văn bỗng đứng lên tâu:

- Tâu chúa thượng, bọn cướp Truông Mây lần này thành công lớn là vì cái chiêu bài của chúng đưa ra được nhân dân phủ Quy Nhơn ủng hộ nhiệt liệt. Bởi vậy chúng ra trận không cần mang lương thực mà vẫn có cái ăn để chiến đấu. Mọi động tịnh của binh triều đều được dân chúng báo cáo cho chúng biết.

Duệ Tông hỏi:

- Chiêu bài của chúng thế nào?

Mặc cho Trương Phúc Loan nháy mắt, Nguyễn Phúc Văn vẫn tâu:

- Chiêu bài của bọn chúng là “Tiêu diệt tên gian tặc Quốc phó Trương Phúc Loan để cứu nhân dân”.

Trương Phúc Loan mặt đỏ như gấc vội tâu:

- Chúa thượng không nên nghe lời nhảm nhí của bọn cướp. Chúng làm loạn, muốn được lòng dân nên mới bịa ra đủ thứ chuyện dối trá để lừa phỉnh dân mà thôi. Thần hứa với chúa thượng nội trong vài tháng sẽ dẹp yên bọn giặc cỏ đó, chúa thượng cứ an tâm.

Duệ Tông từ lâu vốn chỉ biết ngồi không ăn chơi, mọi việc đều để cho Phúc Loan quyết định nên liền đồng ý:

- Được, mọi việc ta giao cho Quốc phó đấy.

Phúc Loan nói:

- Thần đội ơn chúa thượng.

Rồi lão trừng mắt nhìn Phúc Văn, sau đó quay sang Nguyễn Cửu Thống ra lệnh:

- Tôi giao cho ông toàn quyền quyết định chuyện này. Ông lập kế hoạch rồi cho tôi biết. Phải dẹp cho kỳ được bọn cướp Truông Mây, bất chấp mọi giá.

Nguyễn Cửu Thống nói:

- Tôi đã có kế hoạch phản công tiêu diệt gọn bọn Truông Mây rồi, xin Quốc phó an tâm.

- Kế hoạch thế nào, nói ta nghe thử?

- Tôi xin ba ngàn quân theo đường thủy vào đánh cửa biển Đề Gi ở phía đông. Quân phủ Quy Nhơn sẽ đánh ra từ phía nam. Lại xin hai ngàn quân vào hợp với hai ngàn quân của Quảng Ngãi ở đèo Thạch Tân để đánh mặt bắc. Nhờ ngài Quốc phó lệnh cho đạo Phú Yên đưa ba ngàn quân theo Tây Sơn thượng đạo uy hiếp mặt tây. Được như vậy, với bốn mặt đồng bộ giáp công, tôi tin chỉ trong vòng một tháng bọn Truông Mây sẽ bị tiêu diệt gọn.

- Được, ta chấp thuận kế hoạch của ông. Chừng nào ông tiến hành?

- Tôi được tin báo về, bọn Truông Mây đang án binh bất động để thao luyện quân sĩ, củng cố lực lượng và địa bàn mới chiếm đóng chứ chưa tấn công thành Quy Nhơn ngay. Bởi vậy tôi cũng xin được thao luyện binh sĩ cho kỹ càng vì quân ta hiện giờ đa số là quân lão nhược ở không lâu ngày, nếu đưa ra trận vội e sẽ đánh không lại bọn cướp. Tôi không muốn có sơ suất như đám binh tướng ở Quy Nhơn vừa rồi.

- Thao luyện bao lâu?

- Cho tôi một tháng. Vả lại mùa hè năm nay nóng quá sức, mọi hoạt động đều uể oải, binh sĩ dễ sinh bệnh tật. Nếu Quốc phó không vội thì đợi sang mùa thu rồi mới đồng bộ xuất quân là tiện nhất.

- Ông không nghĩ rằng để lâu như thế thì bọn cướp sẽ càng vững mạnh hơn sao?

- Bọn chúng chỉ có mảnh đất của hai huyện nhỏ thì lấy đâu ra quân và lương mà lớn mạnh? Quân ta chuẩn bị kỹ càng xong đồng loạt tiến công. Như vậy dù chúng có vững thế nào cũng không làm sao chống đỡ nổi. Quốc phó đừng lo việc ấy.

- Được, ông cứ theo kế hoạch đó mà tiến hành.

***

Tại huyện thành Phù Ly, các đầu lĩnh Truông Mây sau ngày ăn mừng chiến thắng liền họp bàn kế hoạch sắp tới. Lía hỏi Trần Lâm:

- Tại sao chúng ta không thừa thắng xông lên, chiếm luôn thành Quy Nhơn để mở rộng thêm địa bàn cho nghĩa binh?

Trần Lâm giải thích:

- Thành Quy Nhơn rất kiên cố, khó lòng mà công phá nổi. Bọn tàn binh Phan Ngọc Chánh và bọn binh lính trong thành gom lại cũng hơn ba ngàn quân, nếu họ cố thủ thì muốn phá được thành chúng ta cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề. Số anh em mới về hàng tuy đều là những quân nhân nhưng họ chưa được huấn luyện kỹ theo kỷ thuật tác chiến đồng đội cùng với những anh em chủ lực ở Truông Mây, nếu ra quân bây giờ hiệu quả chiến đấu sẽ bị giảm sút. Vả lại chúng ta cũng chưa có thời gian tổ chức các công việc hành chánh và quân lương, nếu tiếp tục chiến tranh, viện binh Phú Xuân chia nhiều ngả phản kích thì ta sẽ không đủ lực lượng để chống trả. Đệ nghĩ tạm thời chúng ta cứ án binh bất động để củng cố quân lương, chiêu mộ thêm tướng sĩ chuẩn bị cho những trận chiến lớn sau này. Như vậy dễ nắm phần thắng hơn.

Trương Văn Bảo hỏi:

- Nếu Phú Xuân ra binh ngay lúc này thì chúng ta tính sao?

- Hiện giờ chúng ta không tấn công thành Quy Nhơn là họ đã mừng lắm rồi. Phần ở Phú Xuân, sau ngày Phúc Loan tráo trở ngôi chúa thì triều thần chia rẽ, tướng sĩ nản long, dù Phúc Loan có lệnh cho ra quân, đệ nghĩ các tướng cũng sẽ tìm cách tạo ra lí do để trì hoãn. Do đó, chúng ta còn có thời gian để củng cố quân đội cho tinh nhuệ, chuẩn bị binh lương đầy đủ thì với lực lượng nhỏ ta có trong tay hiện nay mới có thể tính chuyện lâu dài được.

Lê Trung nói:

- Chúng ta vừa thu được một số lương thực và binh khí khá lớn từ hai kho Lại Dương và Càn Dương, cũng đủ dùng trong một thời gian. Tôi nghĩ mình nên miễn thu thuế một mùa hay thu phân nửa thuế mùa này để tỏ rõ ân huệ với đồng bào hai huyện. Mọi người nghĩ sao?

Lía đáp:

- Nếu chúng ta có điều kiện thì việc ấy nên làm. Chúng ta chiến đấu cũng vì đồng bào mà.

Trần Lâm nói:

- Như thế cũng tốt. Đồng thời chú phải tổ chức việc thu mua muối và hải sản khô ở hai huyện nhà để trao đổi lương thực và nhu yếu phẩm với người dân tộc các bản Cao nguyên. Chúng ta tận dụng con đường thượng đạo để vận tải hàng, nối kết miền thượng du với đồng bằng. Về hành chánh, Lưu Phương Tích và cha Hồ, chú Nhẫn cần phối hợp nhau tổ chức quản lý theo phương châm giúp đỡ dân nghèo, chiêu mộ thêm nghĩa binh và kêu gọi anh hùng, nhân sĩ.

Lưu Phương Tích nói:

- Anh hùng, nhân sĩ hiện nay tụ tập ở Tây Sơn - Tuy Viễn rất nhiều. Nếu có thể kéo họ về với chúng ta thì Truông Mây khác nào hổ mọc thêm cánh.

Lía hỏi:

- Họ là những ai?

Phương Tích đáp:

- Người nổi bậc nhất phải kể đến ông giáo Hiến hiện đang mở trường dạy học ở An Thái. Ông ta từng là quân sư của Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh. Ông ta lại là sư đệ của Trần Đại Bằng, bang chủ bang Hành Khất và cũng là bạn chí thiết của Đinh thúc đây. Học trò của ông ta có nhiều người tài giỏi như ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ, Đặng Văn Long... Họ đều là những tay anh hùng thời nay.

Đinh Hồng Liệt buồn bã lên tiếng:

- Lần trước tôi có ghé chỗ giáo Hiến rồi. Tuy hai chúng tôi ngày xưa thân như anh em ruột thịt nhưng khi tôi thử ướm lời thì giáo Hiến đã tìm cách từ chối khéo. Tôi nghĩ việc này mỗi người một chí hướng nên đã bỏ về.

Lía nói:

- Riêng cá nhân tôi, các nhân vật ở Tây Sơn, nhất là những nhà hào phú, họ còn giữ những ấn tượng không tốt về cái thời tôi còn trẻ cũng như lúc chúng tôi còn hoạt động ở cổ thành Bá Bích. Cho nên một khi chúng ta chưa làm nên được tích sự gì, việc mời họ về hợp tác dưới trướng e rằng rất khó khăn. Nhất là Nguyễn Nhạc, người này hùng tâm quá lớn, thật khó mà thu phục hắn về dưới trướng.

Trần Lâm nói:

- Anh hùng tiềm ẩn ở đất Quy Nhơn này rất nhiều nhưng những nhân vật như thế hãy cứ để thuận theo tự nhiên. Một khi chính nghĩa trong tay ta tỏa sáng tự động sẽ thu hút được họ theo về. Với lực lượng của chúng ta hôm nay, nếu mọi người đồng tâm, trên dưới một lòng, cách tổ chức lại vững vàng thì cũng đủ sức để tranh hùng cùng thiên hạ được rồi.

Đoạn chàng quay sang Văn Bảo nói:

- Phủ Quy Nhơn hiện đang cố thủ trong thành, tứ ca cùng Đinh Cường huynh và hai binh trưởng đem theo một ngàn anh em tinh nhuệ, một trăm quân thiết kỵ đến chiếm lại Truông Mây ở núi Bà và xây dựng lại căn cứ ở đó làm tiền đồn cho chúng ta. Nhớ cử đội thám mã thám thính mọi động tịnh của Quy Nhơn, có tin gì quan trọng thì thả bồ câu về Truông Mây báo tin gấp nhé.

Văn Bảo nói:

- Ta sẽ làm tốt việc này, đệ an tâm.

Trần Lâm lại dặn Trương Bàng Châu:

- Trương huynh cùng chú Nhẫn giữ năm trăm quân chủ lực ở lại Phù Ly này phòng khi cần tiếp viện gấp cho núi Bà và Đề Gi. Sau khi thao luyện binh sĩ xong tôi sẽ gởi thêm quân tăng viện cho các nơi. Ở Đề Gi hiện có xưởng đóng tàu, Võ Tiến huynh xúc tiến cho đóng thêm chiến thuyền và luyện tập anh em.

Võ Tiến nói:

- Tôi sẽ chu toàn việc này.

Trần Lâm quay sang Đặng Thông nói:

- Đặng tướng quân đem theo năm trăm anh em cũ của mình xuống cửa An Dũ để thay thế cho Lam muội và Hồng Y Nữ. Nhớ hàng ngày thao luyện binh mã, chúng ta sẽ có những trận thủy chiến lớn sau này đó.

Đặng Thông vui vẻ:

- Tôi sẽ hoàn thành trách nhiệm.

Mọi người ai về lo việc nấy. Trần Lâm dặn Lía, Đinh Hồng Liệt và Lưu Đằng ở lại. Chàng nói:

- Đại ca và Đinh thúc cùng nhị ca hãy bí mật ra đèo Thạch Tân, cho người mang theo đồ vật để khen thưởng những anh em ở đó. Xong đại ca đưa tam ca về Truông Mây để Đinh thúc và nhị ca ở lại giữ đèo Thạch Tân. Đệ sẽ đưa quân tăng viện thêm cho hướng này.

Lía ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao phải thay thế Hồ Bân?

Trần Lâm thở dài nói:

- Tam ca tính hay uống rượu, ngày xưa để mất căn cứ ở núi Bà cũng vì cái tật đó. Nay trấn thủ ở Thạch Tân, là cái lưng của chúng ta mà tam ca vẫn say sưa li bì. Đệ sở dĩ không dám tấn công thành Quy Nhơn là vì mặt bắc của chúng ta còn chưa chắc chắn.

- Có việc đó sao?

Trần Lâm bèn đem chuyện năm trước thủ hạ của Hồ Bân xuống chợ rượu Phú Đa mua rượu, phá phách dân lành và đánh người rồi bị Bùi Thị Xuân đánh một trận. Kể cả việc Tín Nhi đi Đá Vách về ghé Thạch Tân mà Hồ Bân lại say mèm không hay biết gì cả. Xong chàng nói:

- Đại ca phải khéo léo đừng để tam ca tự ái. Cứ bảo rằng tam ca phải về phòng thủ căn cứ đầu não Truông Mây cùng đại ca là ổn cả. Đệ sẽ đem toàn bộ tân binh về Truông Mây để thao luyện một thời gian.

- Được, ta sẽ ra đó xem sao.